Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Đặc sản An Giang nhiều không kể xiết

Vùng đất An Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật ngon khó quên mà không phải nơi nào cũng có.

Xem thêm: 10 món ngon Trà Vinh hút hồn du khách

Các loại mắm


Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là "vương quốc mắm" nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mekong nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.

Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.

Nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng ở Châu Đốc làm theo công thức gia truyền riêng nên vị cũng khác nhau. Bạn hãy nhờ người bán tư vấn để chọn loại mắm ngon nhất về làm quà. Du khách có thể mua ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.

Bánh phồng Phú Mỹ


Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…

Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái đĩa con nhưng khi nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

Các loại khô


Ngoài các loại mắm, khô cá cũng là món ăn nổi tiếng ở An Giang. Vì lượng cá quá nhiều và tươi ngon nên khô ở đây cũng đa dạng như khô cá linh, cá sặc, cá tra...

Châu Đốc còn có món khô bò rất ngon, chia làm 3 loại gồm khô bò vàng cứng và giòn, khô bò nâu sẫm cứng nhưng không giòn và khô bò nâu xốp giòn, dẻo. Khô Châu Đốc chính là một trong những món du khách rất hay mua về làm quà.

Quả mây gai và me Thái

Đến Châu Đốc, bạn rất dễ bị mê hoặc bởi những trái me Thái chín ngọt lịm thơm lừng bày bán khắp nơi. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ bắt gặp những sạp hàng bán mây gai, một loại quả đặc trưng mà ở Việt Nam, chỉ An Giang mới có.

Mây gai màu cam, khi chín ngả sang hơi đen, rất nhẹ, xuất xứ Thái Lan và được nhập về An Giang qua biên giới Campuchia. Bên ngoài quả có gai nhỏ nhưng không nhọn, rất dễ bóc vỏ. Mây gai có mùi thơm vừa giống mít, vừa có chút hương của núi rừng.

Sau khi bóc lớp vỏ gai, bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt ngọt chua chua rất đặc trưng. Tuy nhiên, quả mây gai chỉ để được khoảng vài ngày. Bạn nên chọn mua quả chưa chín trước khi về để lúc biếu, món quà vẫn trong trạng thái tốt và vừa chín tới.

Cá leo nướng muối ớt

 
Một trong những món ăn mà bạn nhất định phải thử khi đặt chân lên mảnh đất An Giang là cá leo nướng muối ớt thơm ngon, béo ngậy. Cá leo là một loài nước ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao. Loài cá này được phân bố ở nhiều vùng khác nhau và sông Tiền, sông Hậu là nơi tập trung nhiều cá leo nhất.

Không còn gì thú vị hơn khi về vùng An Giang dạo quanh miền sông nước, thưởng thức món cá leo thơm ngon độc đáo trong không khí yên bình, trong lành vào dịp mùa nước nổi. Bạn có thể mua cá leo về làm quà với giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg.

Thốt nốt


Nhắc đến An Giang, không thể quên những món ăn làm từ thốt nốt. Trong đó, thốt nốt tươi rất mềm, vị hơi giống dừa nhưng ăn mát hơn. Bạn có thể mua loại ngâm sẵn trong hũ về làm quà vì để được tới một năm, tuy nhiên tuyệt vời nhất vẫn là thốt nốt tươi.

Lưu ý quan trọng là thốt nốt tươi chỉ để được khoảng 2 - 3 ngày trong tủ lạnh, nước có bán sẵn ngoài chợ nhưng nên bảo quản trong vòng 24 giờ, khi mua về cần sử dụng liền. Ngoài ra, đường thốt nốt dùng để kho cá, pha nước chanh uống rất ngon và mát.

Gỏi sầu đâu


Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang). Món gỏi này được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.

Về An Giang mùa này, nhiều quán ăn, nhà hàng có món gỏi sầu đâu khô cá sặc trong thực đơn, đừng ngại ngần gọi một đĩa. Còn nếu có người quen, bạn bè ở vùng Châu Đốc, chắc chắn bạn sẽ được “thết đãi” món ăn khiến bạn nhớ mãi, vì vị đắng, vì cái độc đáo của mùa nước về, và cả vì tâm tình của người miền Tây.

Cà na đập


Từ bao đời nay, cây cà na trở thành người bạn thân quen đối với người dân miền Tây. Rễ cây cà na thường bám chặt lấy nhau thành chùm nên giữ đất và có công dụng chắn sóng rất tốt. Bông cà na búp có màu xanh lợt, khi nở lại có màu trắng rất đẹp. Đến mùa nước nổi, những bông ấy sẽ trở thành những chùm trái căng tròn. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt, vị chua chát thật hấp dẫn.

Chợ Châu Đốc chỉ có duy nhất một người bán cà na đập - món ăn được đặt tên theo cách chế biến. Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng.

Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon. Giá món này khá đắt, khoảng 100.000 đồng mỗi kg. Bạn có thể mặc cả nếu mua nhiều.

Tung lò mò


“Tung lò mò” chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.

“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

Cốm dẹp An Giang


Nếu người Hà Nội tự hào vì có cốm Làng Vòng thì người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang cũng có món nếp dẹp để mời khách phương xa mỗi khi đến thăm nhà vào mùa gặt. Nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày còn chưa già sẽ được gặt về trút lấy hạt ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo.

Ngâm nếp phải canh giờ nếu không ngâm lâu hạt nếp mềm cốm sẽ nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất nhằm giữ được nhiệt nóng lâu hơn. Một lần rang rất mất thời gian và công sức chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất giúp việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều.

Bún cá Long Xuyên


Bún cá nấu thì không quá khó, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Nước lèo sẽ được nấu từ nước luộc cá (có nhiều người bán còn cho thêm xí quách vào nấu để nước tăng thêm vị ngọt). Nấu sao mà nồi nước lèo phải trong, có vị ngọt của cá và đặc biệt không tanh mùi cá. Cá phải là loại cá lóc đồng còn tươi sống, thì khi nấu thịt cá mới có thể ngon và ngọt.

Cá sau khi luộc chín, gỡ lấy phần nạt và bỏ đi phần đầu và xương cá. Khi bóc cá đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận vì nếu xương cá còn sót lại thì rất dễ bị hóc xướng cá. Phần nạc cá sẽ được ướp gia vị cùng với bột nghệ (hoặc nghệ tươi tùy theo người nấu) và xào sơ cho thấm gia vị để lấn át mùi tanh của cá.

Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của cá lóc đồng, bắp chuối cắt mỏng và màu xanh của rau muống và rau răm. Bên cạnh tô bún là cái đầu cá lóc nóng hồi đặc biệt kèm với chén muối ớt và chanh làm cho món bún lại càng thêm hấp dẫn.

Bò cạp Bảy Núi


Bò cạp hay còn gọi là "bù kẹp", có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Thoạt nhìn bò cạp trông giống con gián bò lổn ngổn. Về vùng Bảy Núi có thể thấy loại này được bán dọc hai bên đường. Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi. Họ trang bị một cây cuốc, một cây kẹp và xô. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào.

Sau khi “thu hoạch” xong, họ mang bò cạp về bỏ vào thau vài ngày cho "sạch bụng". Để nguyên con vậy và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín, bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Cắn một miếng, giòn rụm và vị beo béo. Theo những người sành ăn món này, bụng của bò cạp mới là phần ngon nhất.

Ngoài những món ngon trên, khi đến An Giang bạn cũng không nên bỏ qua lẩu mắm Châu Đốc, ba khía muối, xôi phồng chợ mới hay bò bảy món núi Sam...

Tổng hợp

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Tháng 4 về An Giang ngắm hoa ô môi khoe sắc

Ô môi của miền Tây Nam bộ tuy không sang chảnh như hoa hồng nhưng lại đẹp dịu dàng và rực rỡ không thua mai anh đào của Đà Lạt.
Xem thêm: 4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Có nhiều lý giải về cái tên ô môi, người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ Vang, thân cao lớn từ 10 đến 20 m, cành lá xum xuê và cụm hoa chỉ nở rộ khi lá đã rụng. Hoa ô môi mọc thành từng chùm, xếp thưa và có màu hồng phơn phớt, buông thõng một cách hững hờ trên những kẽ lá đã rụng.
 
Miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân ngắm sắc hoa ô môi. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Bông ô môi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây từ lâu với bài hát Bông ô môi nổi tiếng, hay đi vào những lời thơ giản dị, gần gũi như chính những con người miệt sông nước:

Mùa hoa ô môi đẹp nhất, tươi thắm nhất là vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa vừa vội vàng đến lại tất tả đi. Trong cái nắng chói chang của trời tháng ba, sắc hoa ô môi rực lên một màu hồng vừa thanh tao, vừa nhã nhặn, làm vơi bớt đi cái nắng oi ả miệt đồng bằng. Những con đường trồng nhiều ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nổi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá. Mùa hoa ô môi kéo dài nhiều tháng, sắc hồng bao phủ cả vùng trời của những miền quê êm ả.

Khi đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, bạn sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp “lãng mạn như phim Hàn”. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Ô môi của miền Tây Nam bộ, tuy không sang chảnh như hoa hồng, hoa huệ, nhưng lại đẹp dịu dàng không thua hoa anh đào của xứ Đà Lạt. Ngày nay, người ta thường trồng cây ô môi để làm cảnh, phần vì cây cho hoa đẹp, phần vì cây dễ trồng, dễ sống. Về miền Tây, hầu như nơi nào cũng có ô môi bởi loài cây này vốn mọc hoang, dễ thích nghi với nhiều môi trường sống. Thế nhưng để tận hưởng hết cái vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của ô môi thì chỉ có miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân.

Du khách đến địa bàn thành phố Long Xuyên, sau đó chạy thẳng theo tỉnh lộ 943, đường vào Núi Sập, đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp lãng mạn như phim Hàn với hai hàng cây ô môi nở rộ hai bên đường. Nhiều du khách từng ngang qua đây xuýt xoa nói rằng, ô môi là một loài cây trổ bông một cách hết mình. Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành, thậm chí nhiều đến nổi không nhìn thấy tán cây đâu nữa.

Nhìn từ xa, vòm cây như một ngọn đuốc hồng cao lớn, hiên ngang. Trước đây ở Long Xuyên còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Vì ô môi là cây mọc hoang, chưa được trồng nhiều để kinh doanh du lịch. Thế nên ngoài khu vực xã Vĩnh Trạch, du khách về An Giang cần có sự chỉ dẫn của “thổ địa” dân địa phương để tìm ngắm những cây ô môi trổ hoa rực rỡ.

Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja

Ô môi không chỉ đẹp khi nở hoa, chỉ để khoe sắc cho đời mà trái ô môi khi khô là một món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ. Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài khoảng năm, sáu tấc. Mỗi cơn gió qua, trái ô môi lại khua vào nhau thành tiếng lộp cộp như một bản nhạc hòa tấu của đồng quê. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.

Đến An Giang mùa tháng 3, ngoài ngắm bông ô môi nở rộ, du khách còn có thể tham quan, du lịch nhiều địa danh khác như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư hay thăm vương quốc mắm ở chợ Châu Đốc.
 
(Theo NgoiSao)

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm ở biên giới với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho bạn thấy rõ nét nhất về văn hóa, con người và thiên nhiên vùng biên Châu Đốc.

Rừng tràm Trà Sư

Đi xuồng vào rừng tràm Trà Sư

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư cách trung tâm Châu Đốc khoảng 25 km. Nếu bạn đi nhóm 3-5 người, vé giá sẽ là 65.000 đồng một người, sau đó được ngồi tắc ráng rồi chuyển qua điểm đi ghe chèo tay. Từ đây, những nhân viên chèo ghe hồn hậu sẽ chở bạn tham quan rừng tràm trong vòng 1 - 1h30 phút. Không gian xanh mát với vạt bèo ngập tràn mặt nước, trên cao là tán tràm che bóng, xung quanh còn có những con cồng cộc, cò, sếu... đi kiếm mồi.

Sau thời gian tham quan, bạn quay lại điểm trung chuyển của ghe chèo tay và tắc ráng. Khu vực này có dịch vụ ăn uống trưa. Bạn có thể thưởng thức những món lẩu, canh chua đặc trưng miền tây mùa nước nổi. Du khách muốn nhìn ngắm toàn cảnh rừng tràm thì leo lên đài quan sát ngay tại đây.

Miếu Bà Chúa xứ núi Sam

Miếu Bà nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.

Làng người Chăm Châu Giang

Một ngôi nhà sàn người Chăm nằm ngay cạnh bến đỗ xe buýt ở Châu Giang, Châu Đốc. Ảnh: Hương Chi

Từ trung tâm Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang, giá vé là 5.000 đồng/người và xe máy. Đây là một trong những điểm dừng thú vị với những người thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và con người Chăm. Không khí đời sống thanh bình, người dân vẫn còn ăn mặc trang phục truyền thống và gìn giữ nhiều nét đẹp dân tộc mình.

Tới làng Chăm Châu Giang du khách được chiêm ngưỡng các nhà thờ xây theo phong cách Hồi Giáo với thánh đường lớn, hay các ngôi nhà sàn đặc trưng văn hóa Chăm. Một số nhà trong làng còn làm bánh bông lan thủ công với khuôn đồng, kỹ thuật dùng than nóng để làm chín bánh. Nếu đi về phía Tân Châu, bạn còn tìm tới được những người gìn giữ nghề dệt truyền thống.

Thú vị nhất là dịp làng có đám cưới, bạn sẽ quan sát, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Chăm.

Chợ biên giới Tịnh Biên

Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan với Campuchia khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia. Đi vòng quanh chợ bạn có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt, không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng... Nếu cái nắng vùng biên làm bạn mệt mỏi, các hàng chè, nước, ăn uống nằm bao quanh chợ sẽ là điểm nghỉ chân thích hợp. Một trái dừa nước lớn giá 10.000 - 15.000 đồng hoặc 5.000 - 10.000 đồng một chai nước thốt nốt sẽ xua tan mệt mỏi. 

Biển chỉ dẫn hướng đi Tịnh Biên và cửa khẩu hải quan qua Campuchia. Ảnh:Hương Chi

(Theo VnExpress)

Một ngày giữa vùng rừng tràm Trà Sư

Du khách sẽ được tận hưởng thiên nhiên trong lành, xanh mướt, yên bình và thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà tình quê.
Xem thêm: Hoàng hôn giữa ngã ba sông và rừng tràm mùa nước nổi

Hành trình xuôi về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư, nơi có hệ sinh thái điển hình ở vùng ngập nước phía Tây sông Hậu đã tạo dấu ấn rất riêng trong lòng du khách với những trải nghiệm thú vị. Hãy thử một lần đến nơi đây để cảm nhận trọn vẹn sự yên bình và nên thơ của miệt sông nước miền Tây Nam bộ. Du khách có thể đến Châu Đốc theo cung đường phổ biến nhất là từ TP HCM. Bạn chạy xe theo quốc lộ 1A đi qua cầu Mỹ Thuận, rẽ phải theo quốc lộ 80 hướng đi Sa Đéc, qua phà Vàm Cống để sang Long Xuyên (An Giang). Từ Long Xuyên, du khách chạy xe theo quốc lộ 91 để về Châu Đốc. Hành trình đến với Châu Đốc dài khoảng 250 km.

Du khách có thể đi xe máy hoặc nếu đi xe khách thì có rất nhiều hãng xe chạy tuyến TP HCM - Châu Đốc. Các hãng xe này thường khởi hành từ bến xe miền Tây hoặc tại văn phòng của các hãng xe ở TP HCM. Giá vé dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng một vé (tùy xe dạng thường hoặc xe chất lượng cao). Xe dừng tại bến xe Châu Đốc hoặc tại văn phòng của các hãng xe tại Châu Đốc (hầu hết các hãng xe đều có dịch vụ xe đưa đón miễn phí tại Châu Đốc). Ngoài ra, chỉ với 48.000 đồng, mỗi du khách có thể vào tham quan và trải nghiệm cả khu rừng tràm Trà Sư thú vị nơi đây.


Nằm bên ngã ba của sông Châu Đốc và sông Hậu, TP Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của An Giang nói riêng và của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Với hệ sinh thái đa dạng cùng vẻ đẹp ấn tượng của thiên nhiên ban tặng, rừng tràm Trà Sư được ví như "con đường nước" và đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách.


Khu rừng này nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. Cảnh vật vào rừng tràm xanh mướt một màu và mát mẻ quanh năm. Đường vào rừng tràm được trải nhựa đến tận cổng rừng. Tới Trà Sư, du khách sẽ đi bộ khoảng 500 mét là vào cửa rừng.


Những đầm bèo bao la và hàng cây xanh mát dọc bên đường sẽ tạo cho du khách một cảm giác gần gũi, thân thiện. Tại đây, du khách sẽ được những chiếc tắc ráng đưa vào tham quan cả khu rừng tràm.


Với diện tích gần 850 ha, rừng tràm Trà Sư phủ một màu xanh của tràm, phía dưới là đám bèo tây mơn mởn giăng kín mặt nước. Du khách sẽ được tắc ráng rẽ nước để đưa vào sâu trong rừng tràm để tham quan.


Thi thoảng, du khách sẽ bắt gặp những chú chim dạn dĩ đậu ngay thân cây, khóm hoa súng, hoa sen hay trên các vạt bèo. Người lái tắc ráng sẽ dừng máy để du khách có thể thưởng thức không gian tĩnh lặng và ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên nơi đây.


Sau khi tới một bến dừng chân bên trong rừng, du khách sẽ được chuyển sang một chiếc xuồng chèo tay loại nhỏ. Từ đây, chiếc xuồng rẽ con nước đưa du khách vào khu vực đẹp nhất của Trà Sư. Nơi đây có những cánh bèo tấm phủ xanh kín mặt nước, rất thú vị và nên thơ.


Những cư dân sinh sống ở khu vực rừng tràm vừa chèo ghe vừa là hướng dẫn viên giới thiệu nét đẹp Trà Sư cho du khách. Người chèo ghe sẽ đi thật chậm, đủ để bạn cảm nhận thiên nhiên tĩnh lặng, ngắm những bầy chim đậu trên những cây tràm, chen lẫn với màu xanh thẫm lách qua những bụi tràm cổ thụ, xuyên vào rừng.


Du khách có thể vừa ngồi xuồng, vừa chạm tay vào những đám bèo ngay sát mặt nước, ngắm những bông điên điển vàng rực hai bên, cùng những dãy tràm xanh mướt. Nếu đi vào sáng sớm hoặc xế chiều, du khách sẽ thích thú khi chứng kiến những đàn chim bay về tổ rợp cả bầu trời.


Những cây tràm bên lề đường vẫn cao hơn mặt nước hình thành những “con đường nước” quanh co, uốn lượn, xanh mướt một màu. Những "dòng sông bèo" bắt đầu dày đặc hơn trên đường đi vào rừng chim. Đi sâu trong khu rừng này còn có một vương quốc các loài chim nằm sâu trong rừng tràm như cò, sen điên điển, dơi ngựa...

Rừng tràm đẹp nhất vào mùa nước nổi (khoảng từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11 hàng năm). Bèo cám phủ một tấm thảm màu xanh lên “mặt đường”, hai bên tràm vòng tay che mát. Thỉnh thoảng, tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá... làm xáo động không gian yên tĩnh của cả một khu rừng xanh mướt.


Tại khu rừng này có một đài quan sát để du khách có thể xem tổng thể 845 ha cả khu rừng. Từ trên đài quan sát, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn ở tỉnh Châu Đốc như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Ông Cấm (Thiên Cấm Sơn), tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m nằm trên ngọn núi Ông Cấm và dãy núi Sam...


Sau khi tham quan cả khu rừng tràm, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn tại những mái chòi và cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, thú vị.


Ẩm thực tại khu rừng tràm cũng mang một nét đặc trưng riêng, với những món ăn đúng chất Tây Nam bộ như món cá lóc nướng rơm, canh chua cá linh hoa điên điển...


Chuột đồng nướng muối ớt là món ăn không thể thiếu trong thực đơn ẩm thực của miệt sông nước phương Nam.


Hà Lâm (theo NgoiSao)

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Hoàng hôn giữa ngã ba sông và rừng tràm mùa nước nổi

Tháng 9, 10, những cánh đồng ở An Giang trắng xóa nước, cũng là lúc hoa điên điển vàng bung nở. Khi ấy, những chiếc thuyền nhỏ lại lướt trên sóng nước thả lưới bắt tôm, cá, khung cảnh đẹp như một bức tranh.
Xem thêm: Tràm Chim, thiên đường mùa nước nổi

Ngay từ bây giờ, bạn có thể lên lịch khám phá miền Tây sông nước với những hoạt động thú vị dưới đây.

Đạp xe tham quan cánh đồng lúa hay các vườn cây ăn trái

Đến An Giang, ngoài ngồi ghe xuồng thăm chợ nổi, khám phá miền quê sông nước, bạn đừng quên trải nghiệm bằng xe đạp. Rất nhiều du khách thích thú khi được đạp xe, luồn lách qua những hàng dừa rợp bóng mát, cây trái trĩu quả rất đặc trưng của miền sông nước Cửu Long, để tìm hiểu cuộc sống của người dân.

Không gì thú vị bằng hòa mình vào khung cảnh thanh bình, thoáng đãng và dừng lại trò chuyện cùng với người dân hồn hậu.

Tắm đồng, bắt tôm cá

Theo chân những người dân đi bắt tôm, cá trên những cánh đồng nước nổi là trải nghiệm bạn sẽ không bao giờ quên.

Đây là một hoạt động rất thú vị khi vào mùa nước nổi. Lúc này trên những cánh đồng mênh mông ở khu vực Tịnh Biên, Tân Châu, An Phú nước đổ về trắng xóa cả một vùng, cao tới 2 mét. Dạo chơi trên các cánh đồng, buông lưới giăng câu, thỏa sức bắt cá linh, cá sặc và ngụp lặn trong dòng nước phù sa hay hái những bông hoa điên điển về ăn lẩu cá là những trải nghiệm mà cả khách Tây và khách ta đều yêu thích.
Xem thêm: Mùa nước nổi, về miền Tây ăn lẩu cá linh bông điên điển

Luồn lách bằng xuồng giữa cánh rừng tràm

Thêm một trải nghiệm thú vị khi đến miền Tây là lên những chiếc thuyền nhỏ luồn lách vào giữa rừng tràm Trà Sư, hít thở bầu không khí trong lành. Giữa bốn bề sông nước, bạn thong dong đi dưới tán tràm mát rượi, ngắm những bông súng, bông sen khoe sắc, lặng nghe tiếng mái dầm khua nước, cá quẫy dưới sông và cảm nhận được cuộc sống thanh bình.

Khi tới tháp canh Trà Sư, leo lên tận đỉnh, bạn có thể thu vào tầm mắt cả một vùng trời đất mênh mang, ngắm những cánh chim chao nghiêng trên bầu trời tìm đường về tổ.
Tận hưởng bầu không khí trong lành trong rừng tràm Trà Sư.

Bơi giữa lưng chừng núi

Sau ngày dài thăm thú, trải nghiệm khác biệt dành cho bạn là bơi lội và thư giãn trong làn nước xanh mát tại một khách sạn cheo leo bên sườn núi Sam. Từ đây buông tầm mắt ra xa, bạn có thể thấy những rặng núi xanh rì bao bọc, phía dưới là cánh đồng xanh mát trải dài ngút tầm mắt.

Tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ và không gian tĩnh lặng nơi đây, bạn như quên đi hết bao bộn bề của cuộc sống.

Ngắm hoàng hôn giữa ngã ba sông

Ngay thị xã Châu Đốc, nơi gặp gỡ của sông Tiền và sông Hậu, bạn có thể ngồi ở những khách sạn bên bờ sông, ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống khiến cả một vùng nước sóng sánh ánh vàng. Lặng nghe tiếng mái chèo khua hay tiếng xuồng máy, như được thả hồn vào một vùng quê yên ả, thanh bình.
Hoàng hôn chiếu xuống mặt nước óng vàng.

Anh Phương

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

Bài đăng phổ biến