Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Thiết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phan Thiết. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Gỏi cá mai, răng mực, dông đất nướng và các loại bánh đủ vị là những món ăn riêng có của mảnh đất miền Nam Trung Bộ xinh đẹp này.
Xem thêm: Du lịch biển với bãi biển Hàm Thuận Nam

Thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà, dân dã của các món ăn độc đáo nơi đây là một trong những điều làm du khách thập phương cảm thấy thích thú.

1. Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.

Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.

Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.

Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.
Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...
Giá một đĩa bánh căn từ 25 - 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.
Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.

Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần Ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…
Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo

Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.

Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn..
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu... Ảnh:Nguyên Vũ

12. Bánh canh chả cá

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.

Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…

Lê Thương

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Cá lồi xối mỡ hành ở Phan Thiết

Thịt cá mềm, ngọt thơm, ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng chấm cùng nước mắm chua ngọt là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Phan Thiết, Bình Thuận.
Xem thêm: Những món cá dành cho thực khách sành ăn

Cá lồi với lớp da trơn bóng, nhìn qua giống như cá đuối, thường xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9 âm lịch. Loài cá này sống chủ yếu ở các biển miền Trung và trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách khi ghé thăm Bình Thuận.

Người dân vùng biển thường nấu canh chua, kho xả ớt, xào lăn nhưng hấp dẫn hơn cả là món cá lồi xối mỡ hành.

Cá lồi có trọng lượng khoảng 5 kg nhưng để chế biến món ăn này chỉ cần chọn con khoảng 1- 2 kg, thịt cá mềm và ngọt và lớp sụn bên trong vẫn còn mềm. Để làm sạch lớp nhớt bên ngoài có thể dùng lá sả chà cho sạch và bớt mùi tanh, sau đó làm cá sạch và chỉ để lại bộ gan.
Cá lồi xối mỡ hành thơm ngon hấp dẫn và bạn dễ dàng tìm ăn ở Phan Thiết. Ảnh:H.Phan

Cá được thái thành từng lát mỏng xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi đem hấp cách thủy. Thịt mỡ được xắt nhỏ, rán vàng rồi bỏ hành lá thái nhỏ vào. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá, rồi rắc thêm một chút lạc rang đã giã nhỏ cho dậy mùi thơm.

Gắp một miếng cá còn nóng hổi, cuốn cùng các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, bún tươi cuộn lại trong chiếc bánh tráng, chấm ngập trong bát nước chấm pha chua ngọt hoặc nước mắm me.

Bạn sẽ cảm nhận thịt cá béo, ngọt hòa trong hương vị thanh mát của các loại rau vừa ngon miệng lại không gây cảm giác ngấy, thoang thoảng mùi thơm của mỡ hành. Nhiều người sành ăn sẽ cho miếng gan của cá vào nước chấm, đánh nhuyễn, khi ăn sẽ có cảm giác bùi, ngậy.

Bạn có thể ăn món này ở nhiều quán trên đường Phạm Văn Đồng, Phan Thiết với giá khoảng 200.000 đồng một đĩa.

Anh Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Lẩu thả - đặc sản của dân miền biển Phan Thiết

Bỏ những con cá mai nhỏ vào tô, xung quanh bày trứng chiên xắt sợi, thịt luộc, rau, xoài, dưa leo..., sau đó thêm nước chấm, trộn lên là có ngay món lẩu thả.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch mũi Kê Gà

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... Phan Thiết còn đặc sản không kém phần nổi bật là lẩu thả.

Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.
Tùy khẩu vị thành phần phụ của món lẩu thả có thể thêm hay bớt. Ảnh: Thảo Nghi

Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.

Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ.
Khi ăn, độ giòn của bánh tráng hòa cùng vị ngọt nước chấm và thơm mát từ rau xanh, xoài sống... Ảnh: Thảo Nghi

Món này có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần trụng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Phương thức này giống việc ăn gỏi của người Nhật Bản.

Cách làm thứ hai dành cho những thực khách muốn ăn chín. Với tô nguyên liệu ban đầu, bạn múc nước lèo sôi đưa vào tô, thêm bánh tráng và dùng ngay.

Sau khi thưởng thức lẩu thả, chị Lê Khanh, trú tại quận 10, TP HCM đánh giá ngoài cá mai, cá suốt, tinh túy nhất của món này là chén nước mắm đậu phộng rất thơm. "Dù đã no, tôi vẫn muốn ăn nữa vì sợ về Sài Gòn lại thèm", chị chia sẻ.

Nước chấm của món lẩu thả là loại đặc biệt, chế biến bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn... Tỷ lệ pha chế là bí quyết mà thông thường các đầu bếp ít khi chia sẻ.

Thảo Nghi

Bánh quai vạc - món đặc sản khó quên ở Phan Thiết

Cắn miếng bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị dai sần sật từ lớp vỏ, vị mặn của tôm thịt trong phần nhân và chua chua ngọt ngọt của chút nước mắm vương trên đầu lưỡi.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Núi Tà Cú

Người Phan Thiết thường gọi bánh quai vạc thành bánh quai dạc do cách phát âm của địa phương. Mỗi lần về Phan Thiết, đi dọc trên những con đường, bạn đều có thể vô tình bắt gặp món ăn này được bày bán. Những chiếc bánh dinh dính, có màu trắng trong và đỏ, được xếp chồng lên nhau trong một cái thau che kỹ lưỡng bởi lớp ni-lon phía trên.

Bạn có thể ăn tại chỗ, mua về để thưởng thức hay thậm chí tự làm tại nhà. Khi mua về nhà, người bán sẽ dùng một chiếc nĩa nhỏ, xiên vào từng chiếc bánh để kéo nó lên và cho vào hộp, rắc lên phía trên chút hành thái nhỏ và hành phi thơm. Kèm theo đó là một bịch nước mắm được cột kỹ.

Không ai biết chính xác món bánh quai vạc xuất hiện từ khi nào ở Phan Thiết, chỉ biết rằng nó gắn liền với ẩm thực địa phương và đến đây mà không ăn bánh quai vạc thì vẫn chưa khám phá trọn vẹn văn hóa ẩm thực.
Bánh quai vạc là món ăn rất quen thuộc với người dân Phan Thiết.

Cách chế biến món bánh quai vạc không quá khó nhưng vẫn đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bánh phải được làm từ bột lọc, chế nước sôi vào sao cho bột chín tới. Sau đó, người làm bánh sẽ nhồi bột cho thật dẻo, điều này đòi hỏi sự khéo léo vì bột lúc này rất nóng. Rồi họ sẽ bứt thành từng viên bột nhỏ ra, dùng chai thủy tinh cán mỏng.

Phần nhân của bánh thì gồm tôm và thịt ba rọi được cắt nhỏ, cho nước mắm, muối tiêu, đường vào trộn chung và đem đi xào chín. Múc một chút nhân vừa phải cho vào giữa miếng bột đã được cán mỏng và xếp đôi chiếc bánh lại. Khi hoàn tất, bánh sẽ được cho vào nồi nước sôi luộc và sau đó bánh chuyển màu trong thì vớt ra xả nước lạnh, trộn chung với chút dầu ăn để bánh không bị dính.

Linh hồn của món bánh quai vạc chính là nước mắm. Nước mắm được pha hơi kẹo (sệt sệt) với nguyên liệu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt mỏng và nêm gia vị khác cho đậm đà.

Khi ăn, bạn chỉ việc chan chút nước mắm vào bánh quai vạc, cho thêm hành phi và hành lá lên trên. Món này có thể ăn không, nhưng cũng có người mua bánh mì về ăn kèm, hương vị rất hấp dẫn. Bạn có thể thưởng thức món này trên đường phố ở Phan Thiết, Bình Thuận, giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng một hộp.

Thảo Nghi (VnExpress)

Bài đăng phổ biến