Hiển thị các bài đăng có nhãn Tết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tết. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

4 lịch trình gợi ý cho dịp Tết

Nếu đi Nha Trang 4 ngày bạn có thể ghé thêm Đà Lạt, còn nếu chỉ nghỉ khoảng 2 đêm, các điểm tham quan trong thành phố biển cũng đủ làm chuyến đi thú vị.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu sau tết Nguyên đán

Nha Trang là một thành phố được nhiều người yêu thích bởi có rất nhiều bãi biển đẹp cùng với nguồn hải sản phong phú. Giá tour đến Nha Trang cũng rất hấp dẫn và phù hợp chi phí với nhiều du khách.

Sài Gòn – Nha Trang – Đà Lạt – Sài Gòn (4 ngày 4 đêm)

Khởi hành bằng xe ô tô vào buổi tối để tiết kiệm thời gian, bạn sẽ đến Nha Trang vào sáng sớm và bắt đầu khám phá khu du lịch Con Sẻ Tre, đi cáp treo vượt biển qua Vinpearl Land tham gia các trò chơi trên biển như chạy môtô nước, dù kéo Jetsky, lặn ngắm san hô… Buổi chiều tiếp tục tham quan tháp bà PoNagar, trải nghiệm tắm bùn khoáng trong khu du lịch Tháp Bà, ngắm nhìn dãy núi Cô Tiên kiều diễm, nghe kể về truyền thuyết ông khổng lồ câu cá…


Tháp bà Ponagar cổ kính - điểm đến hút khách ở Nha Trang. Ảnh: Tuấn Đào

Ngày thứ hai, bạn hãy đến chùa Long Sơn bái phật, hay còn gọi là chùa Phật Trắng. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa. Kết thúc chuyến tham quan Nha Trang ở chợ Đầm vào buổi trưa, ngôi chợ lâu năm và sầm uất nhất thành phố. Ở đây bạn có thể thỏa thích mua những món quà hải sản khô về cho người thân và bạn bè.

Đầu giờ chiều, bạn sẽ bắt đầu hành trình đến thành phố tình yêu bằng con đường vượt đèo Omega. Đèo Omega có chiều dài lên đến 33 km, là một trong những cung đèo đẹp nhất Việt Nam. Buổi tối khi đến Đà Lạt, cũng là lúc bạn sẽ cảm nhận được rất rõ không khí lành lạnh của phố núi tràn về. Thưởng thức một ly sữa đậu nành nóng hổi cũng khiến bạn thích thú.

Sáng ngày thứ ba, cùng nhau tham quan Đà Lạt với khu du lịch Đồi Mộng Mơ, Mộng Mơ Tửu – ngôi nhà cổ với tuổi đời hơn 300 năm, khu tưởng niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thờ Dormaine de Marie, thiền Viện Trúc Lâm và hồ Tuyền Lâm xanh biếc. Ngoài ra, bạn còn được tham dự chương trình nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, trải nghiệm văn hóa phi vật thể sống động và nhiều hoạt khác thú vị. Buổi chiều khi không khí dịu mát, cũng là lúc bạn chinh phục đỉnh Langbiang, để hiểu về truyền thuyết chuyện tình của chàng Lang và nàng Biang.

Kết thúc ngày thứ ba nhiều hoạt động, hãy thư giãn cùng món thịt rừng nổi tiếng ở xã Lát và hòa mình vào chương trình lửa trại hoành tráng của các nghệ sĩ dân tộc Lạch. Nhất định, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên khi đến đây trước khi trở về Sài Gòn vào hôm sau.
Xem thêm: Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Sài Gòn – Bình Ba – Nha Trang – Sài Gòn (4 ngày 3 đêm)

Khởi hành từ Sài Gòn lúc tờ mờ sáng, buổi trưa bạn sẽ đến Cà Ná để ăn uống và nghỉ ngơi. Cà Ná nổi tiếng là một trong những bãi biển đẹp bậc nhất Việt Nam với nước xanh cát trắng. Ở đây, bạn đừng quên dạo bước trên biển và chụp những bức hình lưu niệm. Khám phá Cà Ná xong, bạn tiếp tục thêm một hành trình ngắn đến cảng Ba Ngòi để ra đảo Bình Ba.

Trong khoảng thời gian hơn một giờ của hành trình ra đảo, bạn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên với những bãi biển xanh trong vắt, bãi cát trắng trải dài, màu xanh của cây cỏ chen lẫn màu của đá… Đến khi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo, bắt đầu hành trình khám phá hòn đảo kỳ thú này, bạn sẽ phát hiện ra những bãi biển đẹp không ngờ tới như bãi Nồm, bãi Chướng hay bãi Nhà Cũ…


Màu nước trong xanh ở Bình Ba. Ảnh: Rùa Hay Xỉn

Sau khi thỏa thích nô đùa với sóng biển, buổi tối là thời gian đẹp nhất để thưởng thực bữa tiệc BBQ gia đình với các món ăn hải sản hấp dẫn như cá, mực nướng, nhum nướng mỡ hành, cơm chiên hải sản và đặc biệt là tôm hùm trứ danh của Bình Ba. Trước khi rời đến Nha Trang, bạn nhất định không được bỏ qua trải nghiệm tắm biển và lặn ngắm san hô tại bãi Nhà Cũ, khám phá những khung cảnh ngoạn mục trên con đường ven đảo.

Trong ngày thứ ba đến thành phố Nha Trang, bạn sẽ được đến khu du lịch Dốc Lết. Tại đây bạn có thể hòa mình cùng làn nước biển trong xanh, vừa mang đến một cảm giác mát mẻ trong lành, vừa thưởng thức hương vị hải sản đặc trưng của vùng biển trù phú này. Buổi chiều đến với khu du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà tắm bùn thư giãn với phương pháp vật lý – thủy trị liệu sẽ làm bạn quên hết mọi phiền muộn và mệt mỏi. Hoặc bạn cũng có thể chọn đi cáp treo trên biển đến Vinpearl Land và tham gia các trò chơi.

Trên đường trở về Sài Gòn vào ngày cuối cùng sẽ đi qua Phan Rang, bạn đừng quên ghé vào cơ sở sản xuất rượu và mật nho nổi tiếng để tham quan, thưởng thức.

Xem thêm: Những món ăn sáng hấp dẫn ở Phan Rang

Sài Gòn – Nha Trang – Sài Gòn (3 ngày 3 đêm)

Với thời gian 3 ngày 3 đêm, lịch trình rất thích hợp cho kỳ nghỉ Tết Tây năm nay. Khởi hành từ Sài Gòn vào buổi tối để tiết kiệm thời gian, buổi sáng bạn sẽ đến thẳng khu du lịch Dốc Lết tận hưởng không khí biển trong lành và thưởng thức nhiều món hải sản đặc trưng của Nha Trang. Đến chiều, bạn có thể tham quan Hòn Chồng, ngắm dãy núi Cô Tiên, tháp bà Ponagar hay thỏa sức tắm bùn trong khu du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà.


Vẻ đẹp hoang sơ ở Dốc Lết. Ảnh: Trần Thị Tuyết Hạnh

Ngày thứ hai bắt đầu hành trình đến với hòn Con Sẻ Tre tắm biển rồi đi cáp treo qua Vinpearl Land tận hưởng những trò chơi theo nhiều cung bậc khác nhau. Từ nhẹ ngàng êm ái như cưỡi ngựa, cảm giác lạ lùng tại khu chiếu phim 4D, mạnh mẽ hoặc thỏa sức la hét với trò chơi tàu lượn siêu tốc, hay thả mình bay vào vũ trụ với trò chiếc búa ngược… và còn rất nhiều những trò chơi đầy thú vị khác. Chơi chán, bạn hãy xuống Nhà hát Con Sò thưởng thức chương trình nhạc nước với công nghệ hàng đầu của nước ngoài. Bạn sẽ thật sự thả lòng mình vào những giây phút thơ mộng trong ánh đèn laser đầy đủ màu sắc.

Ngày cuối cùng trở về Sài Gòn, hãy ghé vào cơ sở sản xuất rượu và mật nho nổi tiếng ở Phan Rang để thưởng thức đặc sản miễn phí và mua về những thức quà hấp dẫn độc đáo cho bạn bè, người thân.

Xem thêm: Du lịch Vinpearl Land Nha Trang

Sài Gòn – Tam Bình – Sài Gòn (2 ngày 2 đêm)

Có lợi thế thời gian ít, tuyến đường đi có nhiều cảnh đẹp, hoang sơ và chi phí thấp, lịch trình chỉ mất 2 ngày 2 đêm đủ để bạn khám phá vùng biển Tam Bình: Bình Hưng, Bình Tiên và Bình Lập nổi tiếng với khung cảnh đẹp. Buổi sáng ngày đầu tiên, bạn sẽ được đi cung đường mới từ Phan Rang đến Tam Bình ngang qua vịnh Vĩnh Hy. Trên đường đi, không khó để bắt gặp những ruộng muối trắng xóa, khu rừng nguyên sinh bí ẩn và toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy từ trên cao với cảnh sắc ấn tượng cùng những chiếc tàu đánh cá neo đậu trên bến cảng.


Bãi Kinh là nơi khách du lịch đi đảo Bình Hưng. Ảnh: Viết Lãm.

Đến Bình Lập nghỉ trưa, bạn hãy tham quan và khám phá những bãi biển hoang sơ như Bãi Ngang- nơi có những tảng đá to giống như hình bàn tay người khổng lồ ở Hòn Chồng – Nha Trang; Bãi Lao (hay còn gọi là mũi Cây Nhao), một bãi biển hoang sơ và nước biển trong xanh. Điểm cuối cùng ở Bình Lập là làng Tàu Bể, tham quan resort Ngọc Sương – là phim trường của nhiều bộ phim rất nổi tiếng.

Buổi chiều, bạn lên tàu để đến Bình Hưng đi lặn ngắm san hô. Tàu sẽ chở bạn tham quan qua những bãi biển đẹp của Bình Hưng như bãi Bình Tiên, bãi Nước Ngọt – do nằm giữa đèo Nước Ngọt và suối Nước Ngọt, hang Tào, đảo Bà Bống (hay còn gọi là đảo Rùa). Tại đây bạn có thể vừa tắm biển, vừa bắt nhum biển, ngắm san hô với áo phao và kính lặn đầy đủ.

Ngày thứ hai, bạn hãy tìm hiểu cuộc sống của người dân trên đảo Bình Hưng. Nếu thích, có thể đi xe điện tham quan hải đăng Hòn Chút – ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Cam Ranh từ trên cao, đón bình minh buổi sáng sớm và giao lưu với các anh bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương tại ngọn hải đăng này.

Kết thúc chuyến đi trở về Sài Gòn, chắc chắn những kỷ niệm để lại dù trong hai ngày sẽ khiến bạn ấn tượng khó quên.

Theo iViVu

Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

6 món ăn kinh điển hễ nhắc tên là muốn đến Tết ngay

Hình ảnh con gà luộc, bát canh măng, đĩa nem rán hay miếng bánh chưng, mứt bí, mứt gừng khiến teen cảm thấy ngày Tết đang rất gần.

Bánh tét, bánh chưng

Bánh tét khác bánh chưng ở chỗ dùng lá dong gói thay vì lá chuối. Ảnh:cukieuviet.com

Trong khi người miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại chuộng bánh tét. Cả hai loại bánh này tương đồng về nguyên liệu và cách nấu, chỉ khác hình dáng và lá gói (bánh tét dùng lá chuối thay vì lá dong).

Theo tục lệ xưa của người Việt Nam, Tết là những ngày nghỉ ngơi trọn vẹn nên hai loại bánh này có thể để được lâu và ăn dần. Bánh tét thường có nhân mặn với thịt mỡ, đậu xanh (giống bánh chưng) nhưng cũng có loại nhân chuối hoặc đậu đen.

Hành muối

Hành muối được xem là thứ gia vị không thể thiếu trong những ngày Tết. Ảnh: Eva.vn

Chỉ những ngày giáp Tết, hành muối mới xuất hiện và bày bán khắp các khu chợ, siêu thị. 

Trong mâm cơm truyền thống ngày Tết, hành muối là món không thể thiếu và ngoài bánh chưng, nó còn được ăn cùng giò thủ để chống ngấy.

Giò thủ

Giò thủ có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon. Ảnh: Báo Phụ Nữ

Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) có nguồn gốc từ miền Bắc với thành phần chính là thịt tai, mũi heo xào chín, nén chặt bằng khuôn. Món này có thể để nhiều ngày mà ăn vẫn ngon, cách tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh.

Gà luộc, canh măng

Gà luộc ngày Tết còn có ý nghĩa "cát tường", tức là như ý, cầu được ước thấy. Ảnh: Khỏe&Đẹp

Đêm giao thừa, nhà teen nào cũng chuẩn bị một con gà luộc để thắp hương, riêng phần nước đem nấu cùng măng và ăn dần. Dù không phải món ăn cao cấp hay hiếm có khó tìm, tới mỗi dịp Tết, gà luộc và canh măng vẫn mang dấu ấn đặc biệt với mỗi người.

Nem rán

Trong miền Nam, nem rán còn có tên chả giò. Ảnh: Menungon

Món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng phải kể đến nem rán. Loại truyền thống và phổ biến nhất là nhân thịt nạc băm, miến, nấm hương, giá đỗ, trứng. Tất cả trộn đều, sau đó gói trong lá nem thành từng chiếc tròn trịa, cuối cùng là chiên ngập dầu. Món này còn có thể điều chỉnh một số nguyên liệu để tăng thêm hương vị như thay giá đỗ bằng khoai tây hay bổ sung thêm cà rốt, tôm và cua bể.

Ở miền Trung, nem rán còn có tên chả cuốn, riêng Thanh Hóa gọi là chả. Còn tại miền Nam, món này được gọi là chả giò hoặc nem Sài Gòn (theo cách nói của người miền Bắc).

Các loại hạt, mứt

Không chỉ là nét văn hóa ngày Tết, mứt gừng còn có công dụng chống cảm lạnh giữa lúc giao mùa. Ảnh: Coviet.vn

Những ngày giáp Tết, các con phố cổ Hà Nội, trong đó có Hàng Đường, lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua các loại mứt. Nhiều người lớn tuổi nơi đây còn kể lại rằng trước kia, khi tới con phố này, mùi thơm của hoa quả được sên trong đường đã tỏa ra ngào ngạt. Các hộ gia đình nơi đây chủ yếu làm mứt bằng cách thủ công, truyền thống.

VnExpress

Bài đăng phổ biến