Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Những trải nghiệm ít ai biết ở Mộc Châu

Đến với Mộc Châu du khách có thể tự tay hái chè, tìm hiểu quy trình chế biến và học cách thưởng chè Ô Long hoặc tham gia chuẩn bị Tết cổ truyền với đồng bào Mông.

Xem thêm: Kinh nghiệm khi đi du lịch Mộc Châu


Cao nguyên Mộc Châu thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách Hà Nội khoảng 180 km về phía tây bắc. Vùng đất này trải dài khoảng 80 km, rộng 15 km, nhiệt độ trung bình 18 - 21 độ C, có thảo nguyên 4 mùa hoa trái cùng cộng đồng gồm 12 dân tộc anh em sinh sống.

Bên cạnh rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm... Mộc Châu thích hợp cho các chuyến đi ngắn ngày từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đến du lịch cộng đồng, trải nghiệm đời sống dân du mục.


Quang cảnh đồi chè xanh mướt ở thị trấn nông trường Mộc Châu vào tháng 11. Ảnh:Hương Chi


Ba lịch trình gợi ý để bạn tham khảo khi du lịch Mộc Châu:

Du lịch văn hóa - thắng cảnh Mộc Châu


Ngày 1: Hà Nội - Mộc Châu


Tham quan động Sơn Mộc Hương, đồn Mộc Lỵ, thác Dải Yếm và rừng thông bản Áng. Ăn tối tại bản văn hóa cộng đồng người Thái (bản Áng - Đông Sang), thưởng thức nhiều món ăn dân tộc đặc sắc. Buổi tối có giao lưu văn nghệ cùng đồng bào dân tộc. Nghỉ đêm tại bản Áng hoặc khách sạn.

Ngày 2: Mộc Châu - Thảo nguyên - Hà Nội


Thăm trang trại bò, xem vắt sữa bò, dạo chơi trên đồng cỏ, ăn sáng với sữa bò và bánh mì. Thăm đồi chè, tham gia thu hoạch, tìm hiểu công nghệ chế biến chè Ô Long và thưởng thức các sản phẩm từ chè. Ăn trưa, mua quà tặng như chè, sữa và nhiều đặc sản khác của Mộc Châu ở vùng thảo nguyên.

Du lịch sinh thái thảo nguyên


Ngày 1: Hà Nội - Thảo nguyên


Tham quan thác Dải Yếm, vườn lan, vườn hoa nhiệt đới, cảm nhận khung cảnh mênh mang của đồng cỏ, sữa bò và các sản phẩm sữa. Thưởng thức các món ăn dân tộc và giao lưu văn nghệ tại bản văn hóa cộng đồng người Thái (bản Dọi - Tân Lập). Nghỉ đêm tại bản Dọi hoặc khách sạn.

Ngày 2: Thảo nguyên - Hà Nội


Thăm đồi chè, tham gia thu hoạch và tìm hiểu công nghệ chế biến cũng như thưởng thức chè Ô Long tại công ty chè Mộc Sương - Tân Lập. Hoặc tham quan các trang trại cây ăn quả ôn đới. Ăn trưa và mua quà tặng là các đặc sản Mộc Châu.


Mộc Châu khoảng các tháng 11, 12 bắt đầu được phủ trắng bằng các cánh đồng hoa cải. Ảnh: Hương Chi

Ăn Tết với người Mông


Ngày 1: Hà Nội - Vân Hồ - Mộc Châu


Tham gia chuẩn bị ngày tết với người Mông tại một số bản như Hua Tạt, Lóng Luông, Tà Phình, Pa Phách bằng các hoạt động như chế biến thịt lợn, giã bánh dày... Ăn tối tại bản, thưởng thức những món ăn dân tộc đặc sắc. Buổi tối có giao lưu văn nghệ chờ đón giao thừa và chúc tết gia chủ.

Ngày 2: Mộc Châu - Hà Nội


Thăm bản, chơi tết với người Mông, kết hợp ngắm, chụp ảnh tại các đồi hoa cải trắng. Ăn trưa và mua quà tặng là đặc sản chè, sữa... Mộc Châu.

Lưu ý: Du khách muốn đi du lịch ăn tết với người Mông hãy sắp xếp vào khoảng tháng Chạp vì dân tộc này tổ chức tết sớm hơn người Kinh một tháng.

(Theo VnExpress)

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đà Lạt thu nhỏ ở vùng Tây Bắc

Vùng đất cao nhất của huyện Mường La có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt và nổi tiếng với nguồn nước khoáng nóng.

Xem thêm: Hồng Ngài - bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Mường La - Ngọc Chiến là một cung đường đẹp cho những ai ưa khám phá sự tĩnh lặng và hoang sơ Tây Bắc.

Nằm cách TP Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc và công trình thủy điện Sơn La khoảng 40 km, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800 m so với mực nước biển. Đây được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La.


Điều đặc biệt trên cung đường này là những đoạn đường đất nhỏ men theo các bản làng Thái đen và Mông, thung lũng ruộng bậc thang trải dài.


Khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.


Từ TP Sơn La, bạn đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc đến thị trấn Ít Ong. Vượt qua con đèo Sam Síp ở độ cao hơn 2.000 m, dài khoảng 40 km quanh co luồn trong mây ngàn, bạn sẽ thấy một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu. Đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.


Đến đây, du khách sẽ được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo...


Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã phối hợp với người dân xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân dựng bằng gỗ pơ mu.

Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…


Trên cánh đồng Ngọc Chiến vào những ngày mùa, lúa vàng rực. Bên cánh đồng là những bản làng của người Thái sống đan xen với các dân tộc khác.


Người Ngọc Chiến cũng giỏi dựng nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu thơm phức. Theo người dân, buổi tối khi ngủ không phải mắc màn bởi mùi gỗ pơ mu tỏa ra thứ hương thơm dịu không chỉ xua đuổi muỗi, mà còn mang lại sức khỏe cho chủ nhà.


Những nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu gần như còn nguyên sơ nếp nhà sàn Tây Bắc, tuy đã ngả màu rêu phong nhưng mái nhà không bị mối mọt.

 
Một căn nhà sàn dân tộc người Thái đen.

Lê Bích

Thiên nhiên tươi đẹp trên các nẻo đường Tây Bắc

Tây Bắc là khu vực nhiều đồi núi có địa hình hiểm trở nhưng đẹp đến mê mẩn với các cung đường đèo như Khau Phạ, Ô Quy Hồ hay những mùa lúa, mùa hoa ở Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu...

Xem thêm: Có một mùa hoa Tây Bắc

Trên hành trình đến với Tây Bắc, du khách có thể chọn tuyến đi qua Phú Thọ, ghé thăm vườn quốc gia Xuân Sơn. Trước khi thử thách mình trên những cung đường nguy hiểm mà đẹp hùng vỹ, bạn có thể tham quan bản làng, trải nghiệm đời sống văn hóa của người Dao, Mường... tại đây. Ngoài ra, người ưa mạo hiểm có thể trekking lên các đỉnh núi Ten, Cẩn và Voi đều cao hơn 1.000 m và khám phá những hang động, thác, hay suối ở vườn quốc gia.


Yên Bái là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp Đông Bắc. Khoảng vài năm trở lại đây huyện Mù Cang Chải trở thành điểm đến thu hút rất nhiều du khách vào mùa vàng tháng 9. Tuy đã qua thời điểm đẹp nhất, đường đi Lìm Mông, Lìm Thái ở xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải vẫn đẹp rực rỡ nhờ sắc đỏ của hoa trạng nguyên.


Không chỉ ở hai bên đường vào vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ hay lối đi tới các bản làng của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, hoa trạng nguyên còn xuất hiện tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La.


Sơn La là tỉnh có diện tích cũng như dân số lớn nhất ở khu vực Tây Bắc. Huyện Mộc Châu cũng là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh với nhiều điểm đến hấp dẫn như rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, đồi chè trái tim, nông trường bò sữa, đỉnh Pha Luông...


Tháng 11, nông trường chè ở Mộc Châu lại xanh mướt, trải dài như những tấm thảm nhung ôm lấy đồi núi. Thời điểm đẹp nhất để tham quan đồi chè là vào bình minh hoặc hoàng hôn. Chiều xuống, du khách còn có thể bắt gặp người dân tộc đưa đàn bò trở về sau một ngày đi ăn.


Khung cảnh thơ mộng bên Pá Uôn - cây cầu cao nhất Việt Nam. Cầu Pá Uôn nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát ngay thị trấn Phiêng Lanh, thủ phủ mới của huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.


Về Hòa Bình, bên cạnh một Mai Châu nên thơ, nổi tiếng với hình thức du lịch cộng đồng, du khách còn có dịp tham quan lòng hồ Hòa Bình bằng thuyền. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.


Là một thị trấn vùng cao Tây Bắc đồng thời là khu du lịch nổi tiếng của Lào Cai, Sapa cuốn hút du khách cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhờ có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Rời xa trung tâm thị trấn, thuê xe máy và rong ruổi trên các cung đường, bạn sẽ có cơ hội khám phá nhiều địa điểm hoang sơ hơn.

Hương Chi

Bài đăng phổ biến