Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Những điều cần biết cho người dự định đi Bhutan

Bhutan cấm hút thuốc lá. Muốn mang thuốc lá vào Bhutan, du khách phải chịu mức thuế lên đến 400%.

Xem thêm: Đồ dùng phụ nữ nên mang theo khi du lịch Ấn Độ

Trong khuôn khổ triển lãm ảnh My Bhutan tại TP HCM, hai nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Hải, những người đã 3 lần có cơ hội tới Vương quốc Bhutan, chia sẻ những kinh nghiệm của mình về đất nước xinh đẹp, là niềm mơ ước của nhiều du khách khắp thế giới, nhưng vẫn còn rất xa lạ đối với nhiều người Việt.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng - người đã có những trải nghiệm tại vương quốc Bhutan.

​Bhutan nằm giữa Trung QuốcẤn Độ, có diện tích 47.500 m2, dân số khoảng 750.000 dân, hầu hết theo đạo Phật. Ngôn ngữ truyền thống là tiếng Tạng nhưng ngôn ngữ chính ở Bhutan là tiếng Anh, người Bhutan cũng có thể nói được tiếng Ấn Độ. Kinh tế Bhutan chủ yếu là khai thác thủy điện để bán cho Ấn Độ.

Visa

Để đến được Bhutan, du khách không thể tự xin visa nhập cảnh theo dạng cá nhân mà phải thông qua các công ty du lịch trong nước hoặc từ Bhutan. Điều kiện để được cấp visa phụ thuộc vào việc khách có chứng minh đủ tài chính để thực hiện chuyến đi hay không. Thông thường các công ty sẽ tổ chức theo từng nhóm khách, tối thiểu 3 đến 5 người.

Chi phí

Vé máy bay khứ hồi Hà Nội hoặc TP HCM tới Paro (Bhutan), transit qua Bangkok (Thái Lan) khoảng 600 USD.

Chi phí tính theo ngày vào những tháng thấp điểm như từ tháng 5 đến tháng 8 hoặc tháng 11 và 12, mỗi khách phải trả khoảng 200 USD. Những tháng còn lại, mỗi ngày khoảng 250 USD. Số tiền này bao gồm tất cả các dịch vụ ăn uống, khách sạn, xe đưa đón, chi phí tham quan, bảo hiểm...

Thời gian và lịch trình

Cảnh thanh bình đất nước Bhutan. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Hoàn toàn không phù hợp nếu bạn đến Bhutan với ý định mua sắm hoặc cần sự nhộn nhịp bởi ở vương quốc Phật giáo này, ngay cả đường phố ở thủ đô vẫn trông như nông thôn. Tuy nhiên bù lại, cảnh núi non hùng vĩ, kiến trúc độc đáo của những đền chùa, tu viện và sự hiếu khách sẽ làm bạn cảm thấy choáng ngợp.

Sẽ cần ít nhất 5 ngày để tới những nơi cơ bản tại Bhutan nếu bạn bị hạn chế về thời gian và tài chính. Còn đối với những tay săn ảnh hoặc những người thích leo núi, cần phải có từ 7 đến 10 ngày. Những nơi nhất thiết phải đến ở miền Tây Bhutan gồm thị trấn Paro (nơi có sân bay quốc tế), thủ đô Thimpu và cố đô Punakha.

Mất tối thiểu là một ngày rưỡi cho chặng tham quan đầu tiên tại Paro. Dù có sân bay quốc tế nhưng đây là một thị trấn nhỏ với những những ngôi nhà truyền thống có khung cửa chạm trổ cầu kỳ, nên nóc nhà và trước nhiều mái hiên treo đầy những chùm ớt chín - đây cũng là món ăn ưa thích của người dân nơi đây.

Tại Paro, du khách sẽ được tham quan tu viện Rinpung Dzong cổ kính theo kiến trúc của một pháo đài được xây dựng từ hàng trăm năm. Và nếu chịu khó leo núi mất khoảng 4 giờ đồng hồ, du khách sẽ được ngắm tu viện Taktsang hay còn gọi là Huyệt Hổ Tự nằm chênh vênh trên vách núi cao hơn 3.000 m.

Điểm đến thứ hai là thủ đô Thimphu, nơi có cung điện và nhiều tu viện nổi tiếng như tu viện Tashichho Dzong nằm bên bờ sông Wang Chhu là nơi làm việc của quốc vương Bhutan.

Tại cố đô Punakha, ngoài những công trình kiến trúc cổ và những lễ hội được tổ chức quanh năm, khách tham quan còn được ngắm dãy Himalaya hùng vĩ từ đỉnh đèo Dochula hoặc khám phá vẻ đẹp của thung lũng Phobjikha thanh bình với những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống.

Một số lưu ý khác

Tu viện Punakha. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Khí hậu của Bhutan quanh năm giá lạnh, chính vì thế áo ấm là thứ không thể thiếu cho chuyến đi, ngoài ra nếu không quen loại thức ăn nhạt theo kiểu ăn chay chỉ có rau củ quả, du khách cần chuẩn bị sẵn các loại thức ăn nhẹ như ruốc, mì gói, xúc xích, muối...

Với dân nhiếp ảnh, nên có chân máy do thời tiết lạnh khiến người chụp ảnh dễ bị rung tay dù đã trang bị đồ ấm tốt. Ánh sáng ở Bhutan có độ tương phản lớn giữa vùng tối và vùng sáng (chênh lệch 8-9 khẩu độ) chính vì thế cần phải trang bị filter (kính lọc) hoặc chế độ HDR để tăng độ tương phản để bù chi tiết vùng tối vùng sáng. Do chủ yếu chụp phong cảnh nên dùng ống kính cần thiết phải dùng là tele (70-200 mm) hoặc ống gốc rộng (16-35 mm, 24-70 mm). Thiết bị càng gọn nhẹ càng tốt do di chuyển nhiều, thậm chí phải mang theo máy ảnh nhỏ có dãy tiêu cự 24-200 mm. Một điều cần thiết khác là phải chuẩn bị pin dự trữ và thẻ nhớ.

Một chi tiết nhỏ nhưng không kém phần quan trọng là thuốc lá. Bhutan cấm hút thuốc lá, chính vì thế với dân nghiện thuốc, việc hút thuốc tại vương quốc này là cực kỳ khó khăn. Muốn mang thuốc lá vào Bhutan, du khách phải chịu mức thuế lên đến 400%.

Món ăn truyền thống của Bhutan là ớt nấu bơ và pho mát, đây được xem là món ăn đặc sản và ngon miệng. Các bé trước khi biết nói đã lễ Phật nên không có chuyện sát sinh, ngay cả thấy kiến cũng né, thấy trứng bồ câu rơi thì đặt lại trên tổ. Mỗi tuần thường chỉ có 2 ngày người dân Bhutan ăn thịt cá. Khách đến nhà chính vì thế cũng được mời ớt xào bơ.

Mr True

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Gợi ý ăn chơi nơi 'thiên đàng dưới hạ giới' Hàng Châu

Ở Hàng Châu, người ta có thể xem, ăn, chơi thỏa thích. Nhu cầu nào cũng được đáp ứng trọn vẹn, hơn nữa, đều để lại ấn tượng khó quên.

Xem thêm: Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Vùng Giang Nam từ lâu đã nổi tiếng trong thi ca, hội họa Trung Quốc. Người xưa có câu: "Trên có thiên đàng/ Dưới có Tô Hàng" (ý chỉ Hàng Châu, Tô Châu) nhằm ca ngợi cảnh đẹp của của vùng đất thơ mộng, lãng mạn bậc nhất đất nước tỷ dân.

Gợi ý đi lại, lưu trú

Để tới Hàng Châu, thông thường, du khách Việt sẽ xuất phát từ Thượng Hải, có thể lựa chọn đi xe ôtô hoặc tàu hỏa. Tàu hỏa cũng có 2 loại, tàu chậm và tàu cao tốc, với thời gian di chuyển ngắn nhất chỉ khoảng một giờ đồng hồ. Trong đó, tàu cao tốc là tiện lợi nhất, chi phí hợp lý, có nhiều chuyến trong ngày, chạy liên tục.

Hàng Châu là thành phố du lịch nên dễ dàng để thuê được một phòng đôi sạch sẽ, tiện nghi ở trung tâm, với giá từ 500.000 đồng một triệu đồng, ngay gần Tây Hồ. Đường Zhong Shan Zhong là nơi được nhiều khách du lịch lựa chọn, đây là phố đi bộ, lát đá, cổ kính, yên tĩnh dù có nhiều cửa hàng cửa hiệu, lại khá gần ga Hàng Châu.

Thành phố rộng, có nhiều địa điểm để chơi nên ít nhất bạn nên ở lại đây 2 ngày.

Dân gian Trung Quốc có câu: "Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu", trong đó, cuộc sống ở Hàng Châu là thư thái, dễ chịu bậc nhất. Ảnh: Nguyên Chi

Gợi ý ăn chơi ở Hàng Châu

Đạp xe vòng quanh Tây Hồ

Tây Hồ không chỉ được coi là tâm điểm của thành phố Hàng Châu nói riêng mà còn là "hòn ngọc" của danh thắng vùng Giang Nam nói chung, thậm chí là còn của toàn đất nước Trung Hoa phong kiến. Hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng ở Hàng Châu đều nằm xung quanh Tây Hồ. Bản thân nơi này cũng có trên dưới 10 điểm cần tham quan.

Để tham quan hết thắng cảnh này, nếu không đi theo tour, du khách thường thuê xe điện. Mỗi xe chở khoảng 5-7 người, đi một vòng hồ. Tuy nhiên, nếu không ngại vận động thì đạp xe mới là lựa chọn số một để tham quan Tây Hồ. Giá thuê xe rất rẻ, có nhiều loại với các mức giá khác nhau, xe càng xịn thì giá càng đắt, giá thấp nhất khoảng 100.000 đồng cho 4 tiếng.

Với chu vi không quá rộng lớn, tầm 15 km, bạn hoàn toàn có thể dành ra một buổi chiều để chậm rãi đạp xe vòng quanh hồ. Bằng phương tiện này, bạn có thể thư thái đạp xe ở vòng ngoài của hồ, giữa những tán cây xanh rợp, đi qua những cây cầu đá nhỏ trong ánh chiều tà - điều mà không thể tìm thấy ở những tour du lịch.
Xe đạp có thể thuê được ở bất cứ đâu quanh Tây Hồ. Ảnh: Nguyên Chi

Leo tháp Lôi Phong

Tháp Lôi Phong là một trong những thắng cảnh ven Tây Hồ. Tháp cao 5 tầng, xây hình bát giác, tuy có tuổi đời lâu năm nhưng tháp đã sụp đổ cách đây vài thập kỷ. Tháp hiện tại xây dựng trên nền móng cũ.

Du khách sẽ mua vé để lên tầng tháp cao nhất và ngắm toàn cảnh Tây Hồ với góc nhìn không bị giới hạn. Thực tế, kể cả khi không có đủ thời gian để tham quan hết các điểm chính quanh hồ thì bạn vẫn nên dành thời gian để leo lên tháp Lôi Phong.

Ngắm hoàng hôn trên cầu Đoạn, cầu Trường

Giống như tháp Lôi Phong, cầu Đoạn, cầu Trường cũng là những điểm nhấn không thể bỏ qua ở Tây Hồ. Trong văn hóa Trung Quốc, Tây Hồ được ví như nơi văn hóa và lịch sử hội tụ, có không ít truyền thuyết, giai thoại có ý nghĩa quan trọng với văn hóa quốc gia hình thành từ danh thắng này.
Đoạn Kiều - biểu tượng của thành Hàng Châu. Ảnh: Nguyên Chi

Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài từng lấy đi nước mắt của biết bao thế hệ người đọc, người xem.

Ngồi bên hồ trong nắng chiều hoàng hôn rực rỡ, cạnh hàng liễu rủ, sen phủ từng vạt xanh mát, bạn thực sự cảm nhận được vì sao dân gian Trung Quốc lại có câu: "Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu và chết ở Liễu Châu". Đây thực sự là thành phố rất đáng sống và phù hợp để nghỉ dưỡng.

Đi chùa Linh Ấn

Linh Ấn Tự cách Tây Hồ không xa, chỉ mất khoảng 15 phút đi taxi, có tuyến xe buýt tiện lợi đến chân chùa. Chùa được xây dựng cách đây gần 2.000 năm và qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Chùa rất rộng lớn và rất đẹp, kể cả ngày thường cũng có rất đông khách du lịch viếng thăm.
Linh Ấn Tự rất rộng lớn, nhiều công trình đồ sộ, lâu đời. Ảnh: Nguyên Chi

Du khách sẽ mua vé vào cửa và được phát tờ hướng dẫn tham quan rất chi tiết, dễ hiểu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng từng hạng mục của chùa lại được chia nhỏ để bán vé, vé vào cửa không bao gồm vé vào các phần còn lại của chùa.

Ăn thịt Đông Pha

Thịt Đông Pha không chỉ nổi tiếng mà còn thực sự chinh phục được những thực khách khó ăn nhất, đến từ nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới. Đây là phiên bản "chính tông" của món thịt kho Tàu của Việt Nam.

Trong sử sách Trung Quốc, Tô Đông Pha vốn là một nhân vật rất đặc biệt, xung quanh ông có rất nhiều giai thoại ly kỳ. Tô Đông Pha làm quan dưới thời nhà Tống, đồng thời cũng là một nhà thơ, họa sĩ rất nổi tiếng.

Miếng thịt nâu đỏ óng ả, nạc mỡ cân bằng, cắt miếng vuông chằn chặn, thắt nút bằng cọng hành tươi, đựng trong tô đất nung, bốc khói nghi ngút khiến ít ai có thể cầm lòng. Vị mặn ngọt hài hòa ở tỷ lệ hoàn hảo, khi ăn cũng không cần cầu kỳ, chỉ ăn với cơm trắng, thường thêm chút rau cải chíp luộc là đủ.
Thịt Đông Pha có thể tìm được ở bất cứ nhà hàng nào ở Hàng Châu. Ảnh: Nguyên Chi

Bạn có thể ăn món này ở tất cả các nhà hàng ở Hàng Châu từ lớn đến nhỏ, bởi chẳng có du khách nào đến đây mà không từng nếm qua.

Uống trà Long Tỉnh

Trung Quốc nổi tiếng vì trà, và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc chính là loại trà Long Tỉnh ngon thượng hạng. Làng trà Long Tỉnh cũng nằm khá gần Tây Hồ, du khách muốn tham quan có thể bắt xe bus, taxi hoặc mua tour tham quan.

Trà Long Tỉnh từng được các đời vua phong kiến rất ưa chuộng. Vua Khang Hy thậm chí còn phong loại trà này là "hoàng trà", đại diện cho nhà vua. Chế biến trà Long Tỉnh rất cầu kỳ, đảm bảo vị ngon hảo hạng.

Tuy nhiên, trà được xếp loại tới 7 bậc: trà cao cấp, trà đặc biệt, trà loại 1 đến loại 5. Du khách "gà mờ" rất khó mua được loại trà ngon nhất, mà thường chỉ mua mang về các loại trà đóng gói sẵn, hoặc trà thường.

Xem show "Tống Thành thiên cổ tình"

Show diễn Tống thành thiên cổ tình công phu, đẹp mắt với dàn diễn viên số lượng khổng lồ. Ảnh: Trí Tín

Khu du lịch Tống Thành cách khá xa Tây Hồ, thường bạn sẽ mất khoảng 120 tệ cho cả chiều đi và về. Đây là điểm du lịch nhân tạo, tái hiện lại không gian cổ trang thời nhà Tống với các quán trà, quán ăn, gian nhà cổ cùng nhiều nhân viên trong trang phục thời xưa đi qua đi lại, khiến du khách như lạc vào quá khứ.

Show diễn "Tống Thành thiên cổ tình" có slogan rất nổi tiếng rằng: "Hãy cho tôi một ngày/Tôi sẽ trả lại bạn một ngàn năm", ý chỉ sẽ tái hiện lịch sử vùng đất Giang Nam từ cổ chí kim bằng những kỹ xảo sân khấu hoành tráng và gây xúc động mạnh cho người xem. Đây là một trong những show diễn đặc biệt được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng để thúc đẩy du lịch nước này.

Giá vé khá cao, khoảng một triệu đồng, diễn ra trong hơn một tiếng, nhưng rất đáng mở hầu bao.

Mua lụa

Lụa Hàng Châu từ xa xưa đã nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều quốc gia lân cận, như Việt Nam. Trước đây, loại lụa Hàng Châu số một chỉ ưu tiên dành cho vua chúa, với kỹ thuật dệt đạt đến độ hoàn mỹ về chất liệu, tinh xảo về hoa văn.

Tuy nhiên, cũng giống như các sản vật khác, du khách không thạo rất khó mua được lụa loại cao cấp, mà chỉ mua được loại thường, hoặc bị trà trộn. Vì thế, bạn chỉ nên mua khăn lụa với giá thành vừa phải để tránh rủi ro. Hoa văn, họa tiết và màu sắc của lụa Hàng Châu quả thật là "danh bất hư truyền".

Hà Nguyên

50 trải nghiệm cho du khách lần đầu đến Nhật Bản

Thưởng thức món lươn nướng unagi, học làm ninja hay xem một trận đấu sumo là những điều bạn có thể thực hiện khi du lịch tới xứ sở hoa anh đào.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Dưới đây là 50 trải nghiệm lý thú tại Nhật Bản do trang Timeout gợi ý cho du khách.

1. Thư giãn ở hòn đảo xanh Taketomi, Okinawa, nơi còn lưu giữ nhiều nét truyền thống của Nhật Bản.

2. Ăn tối tại nhà hàng trên cây Shimayasai to Shabu Shabu Gajumaru ở Okinawa.
Nhà hàng trên cây Shimayasai to Shabu Shabu được nhiều người yêu thích. Ảnh:Mydesighnweek.

3. Tìm hiểu lịch sử Nhật Bản tại ngôi đền Hiraizumi Motsuji, Iwate.

4. Trượt tuyết cùng "quái vật" ở Zao Onsen, Yamagata. Thực tế, chúng là cây cối bị bao bọc bởi một lớp tuyết dày và chỉ tồn tại từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 3.

5. Phiêu lãng giữa biển mây trên đỉnh núi Unkai Terrace, Hokkaido.

6. Câu cá dưới băng ở hồ Shumarinai, Hokkaido.

7. Tham quan xưởng làm rượu sake ở Akita.

8. Khám phá lâu đài cổ Hikone tại Siga.

9. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây hoa anh đào hơn 1.000 năm tuổi ở Miharu Takizakura, Fukushima.

10. Tham gia lễ hội ma quỷ tại thành phố Sado, Niigata.

11. Trải nghiệm văn hóa Nhật Bản tại lễ hội chống thiên tai và cầu mùa màng bội thu Owara Kaze no Bon, Toyama.

12. Đi tàu qua cây cầu kết hợp đường bộ và xe lửa dài nhất thế giới Seto Ohashi, Công trình này nối liền Honshu và Shikoku Nhật Bản.

13. Trải nghiệm cung đường tuyết Tateyama Kurobe.

14. Ngắm hoa mơ tại vườn Kairakuen, Ibaraki - nơi có phong cảnh cổ và đẹp bậc nhất Nhật Bản.

15. Tham gia lễ hội pháo hoa ven sông Sumida, Tokyo,
Một trấn đấu sumo sẽ mang lại du khách những trải nghiệm khó quên. Ảnh: L.S.P Tokyo.

16. Xem một trận đấu sumo ở Ryogoku Kokugikan, Tokyo.

17. Tìm hiểu lịch sử thời kỳ Edo ở thành phố cổ Kanazawa. Đây là một trong những địa điểm không bị ném bom trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2. Do vậy các công trình kiến trúc còn giữ lại khá nguyên vẹn.

18. Thưởng thức chiếc bánh mochi trong như giọt nước tại Kinseiken, Yamanashi.

19. Gửi một tấm thiệp cho người thân từ núi Phú Sĩ.

20. Thư giãn ở thác nước Shiraito gồm nhiều dòng suối nhỏ chảy xuống tạo bức màn màu trắng. Nước ở đây do tuyết trên núi Phú Sĩ tan, chảy xuống sông Katou.

21. Ngắm hoa cẩm tú cầu tại đền Meigetsuin hay chùa Hase-dera, Kamakura.

22. Cảm nhận bốn mùa qua bữa ăn làm từ nguyên liệu và các loại gia vị của Nhật ở Ryu Gin.

23. Tham quan bảo tàng tình dục Atami Hihoukan ở Shizuoka.

24. Cảm nhận thế giới dưới mặt nước ở bảo tàng đương đại Kanazawa, Ishikawa. Một hồ bơi trong đây có thiết kế hai lớp, ngăn cách nhau bởi một tấm kính. Nước được bơm lên trên, nhờ vậy bạn có thể đi theo một đường hầm xuyên qua hồ bơi và quan sát ánh sáng hay người khác ở phía trên.

25. Nghỉ ngơi ở lữ quán Hoshinoya, Kyoto. Nơi đây gồm nhiều phòng nghỉ nhỏ có hướng nhìn ra sông. Du khách sẽ cảm nhận được phong cách hiện đại và truyền thống đan xen ở nơi này.

26. Mua một chiếc quạt làm thủ công tại Miyawaki Baisenan, Kyoto.

27. Mặc thử trang phục của các samurai, geisha tại công viên phim trường Toei Kyoto, Kyoto.

28. Tham quan chợ cổ Nishiki, nơi được mệnh danh là nhà bếp của Kyoto. Tại đây, bạn có thể tìm mua mọi loại nguyên liệu dùng trong ẩm thực Nhật Bản.
Nguyên liệu thường dùng của wagashi là các loại thực vật. Ảnh: Head pipe.


29. Thưởng thức bánh ngọt wagashi tại cửa hàng Suetomi, Kyoto. Đây là tiệm wagashi cao cấp số một trong ba cấp hạng dành cho các tiệm wagashi hảo hạng nhất của Kyoto.

30. Ngủ qua đêm tại đền thiêng Fudoin, núi Koya, Wakayama.

31. Ngắm gấu trúc tại công viên Adventure World, Wakayama.

32. Học làm ninja tại trường Akame, Iga, tỉnh Mie, nơi sản sinh ra môn võ bí truyền ninjutsu của họ.

33. Cầu phước lành tại đền thiêng của Nhật Bản Ise Jingu, Mie.

34. Thưởng thức nhạc kịch takarazuka, loại hình nghệ thuật phục vụ những người phụ nữ yêu tự do, sẵn sàng đòi quyền bình đẳng cho nữ giới trong xã hội Nhật tại Takarazuka, Hyogo.

35. Vui đùa tại đồi cát khổng lồ ở Tottori. Đây là hệ thống các đụn cát lớn duy nhất tại Nhật Bản.

36. Mua sắm tại nơi sản xuất những chiếc quần jean truyền thống của Nhật là Kojima, Okayama.

37. Khám phá không gian siêu thực ở bảo tàng nghệ thuật Teshima, Kagawa.

38. Chiêm ngưỡng chiếc cổng torii ở Miyajima.

39. Thưởng thức món cá nóc tại Nihonryori Tsukasa, Yamaguchi. Đây là một trong những món ăn nguy hiểm nhất thế giới.

40. Hòa cùng nhịp sống náo nhiệt tại Shibuya. Đây là khu vực mua sắm sầm uất và ồn ã suốt 24h ở Tokyo. Người trẻ cũng xem đây như nơi để tìm thấy những xu hướng thời trang mới nhất.
Khung cảnh lãng mạn tại trạm Shimonada. Ảnh: Kagami.

41. Tới Beppu, Oita, nơi có lượng nước nóng lớn thứ nhì thế giới sau Yellowstone, Mỹ.

42. Chiêm ngưỡng những chiếc khinh khí cầu tại lễ hội cùng tên ở tỉnh Saga.

43. Học làm gốm tại Noritougama, Saga.

44. Băng qua con đường hoa tử đằng ở vườn Kamachi Fuji, Kytakyushuu.

45. Thưởng thức ẩm thực đường phố Hakata, Fukuoka.

46. Thám hiểm khu rừng cổ ôn đới độc đáo trên hòn đảo hình ngũ giác Yakushima.

47. Thưởng ngoạn vẻ đẹp của lâu đài Takeda, Hyogo. Vào sáng sớm, màn sương dày bao phủ khiến công trình thành điểm nhấn của bức tranh tiên cảnh.

48. Giải nhiệt bằng món đá bào kakigori.

49. Thưởng thức chiếc bánh burger nhân cá voi tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lucky Pierrot.

50. Thử món unagi, lươn nướng kiểu Nhật

Diệu Huyền

Bài đăng phổ biến