Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Đường biên giới đặc biệt giữa các quốc gia

Kể từ khi hiệp định Schengen được ký kết, biên giới giữa các quốc gia châu Âu được xóa nhòa. Giữa PhápĐức là một khoảng rừng xanh mướt.


Biên giới giữa Thụy SĩItaly nằm trên dãy Alps, là hàng cột buộc dây mong manh.


Romania và Bulgaria chung đường bờ biển.


Hàng rào biên giới sơ sài giữa Đức và Áo.

Xem thêm: Mê hoặc những kỳ quan Nam Mỹ


Người dân chơi bóng chuyền qua đường biên giới giữa Mỹ (trái) và Mexico (phải). Biên giới giữa 2 nước có chiều dài 3.169 km với hàng rào bê tông kiên cố và gần 20.000 chốt tuần tra.


Biên giới “Tam Giác Vàng” giữa Thái Lan, LàoMyanmar từng khét tiếng với việc trồng và buôn bán thuốc phiện một thời, giờ là khu du lịch sinh thái.


Biên giới giữa Haiti và CH Dominica cho thấy 2 bức tranh trái ngược về bảo vệ môi trường. Bên màu xanh bao phủ là CH Dominica, còn Haiti hoàn toàn trơ trọi.


Thác Iguazu nổi tiếng nằm giữa biên giới ArgentinaBrazil.


Tây Ban NhaBồ Đào Nha được ngăn cách bằng một dòng sông rộng 150 m, nối với nhau bằng tuyến zipline dài hơn 720 m.


Quán cà phê ngay trên đường biên giới giữa Bỉ Hà Lan. Chỉ cần bước chân sang phía có bộ bàn ghế, bạn đã ở trên đất Hà Lan.

Xem thêm: 5 điểm đến khám phá mới lạ thu hút giới trẻ năm 2016


Cây cọc mỏng manh là biên giới giữa Lithuania và Latvia qua biển Baltic.


Túp lều này nằm trên đường biên giới giữa Đức và CH Séc. Phần bị dỡ bỏ thuộc về địa phận Đức.


Theo Zing, Ảnh Brightside

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Hòn đảo chật chội nhất thế giới

Đó là 1 hòn đảo ở Colombia - Vùng đất chật chội nhất thế giới. Bạn có thắc mắc rằng 1.200 người dân ở đây sẽ sinh sống như thế nào không?


Santa Cruz del Islote là một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển Cartagena, Colombia, cách lục địa chỉ khoảng một giờ đi thuyền. Trên đảo có tổng cộng 90 căn nhà với dân số trung bình là 700 người và có thể lên đến 1.200 khi trẻ con đi học trên đất liền trở về thăm gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống của họ chỉ được gói gọn trong vỏn vẹn diện tích khoảng 0,1km2.


Chính điều này đã biến hòn đảo trở thành vùng đất chật chội nhất thế giới. Được bao quanh bởi vùng biển thơ mộng của Carribean nhưng Santa Cruz lại không sở hữu bất cứ bãi tắm hay bể bơi hoặc khách sạn nào. Cư dân trên đảo thậm chí phải chôn cất người chết trên một hòn đảo khác gần đó vì ở nơi đây không có đủ không gian cho một nghĩa trang.

Xem thêm: 9 dịch vụ miễn phí điên rồ nhất thế giới


Santa Cruz là một phần của quần đảo San Bernardo- chuỗi các đảo nhỏ nằm cách thành phố cảng Tolu một giờ đi thuyền. Nhưng khác với người hàng xóm Mucura là địa điểm du lịch nổi tiếng, Santa Cruz không thể phát triển du lịch vì điều kiện địa lý và dân cư của mình.


Hiện tại, người dân sống trên đảo Santa Cruz vẫn chưa được tiếp xúc với nguồn điện quốc gia. Nguồn nước ở đây cũng khan hiếm do nước sạch chỉ được vận chuyển lên đảo bằng tàu hải quân Colombia ba tuần một lần.

Số nước này thực sự là quá ít so đối với lượng dân số bùng nổ của hòn đảo, chỉ đủ các gia đình sử dụng trong việc nấu ăn. Phụ nữ trên đảo phải giặt quần áo bằng nước mặn và đàn ông thì giải quyết hầu hết các nhu cầu của mình ở ngoài biển.


Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Santa Cruz vẫn giữ được sự yên bình của mình tránh xa khỏi các cuộc giao tranh của quân du kích, các nhóm bán quân sự và quân đội ở Colombia.

Chính nhờ vào sự yên bình này mà ít có người dân nào của Santa Cruz có ý định rời khỏi quê hương mình. Họ không cần có cảnh sát. Tất cả mọi người trên đảo đều quen biết lẫn nhau và tận hưởng cuộc sống yên bình của một “ngôi làng” nhỏ bé.


Một điểm đặc biệt là những người dân trên đảo đi ngủ không cần khóa cửa nhà vào ban đêm. Họ thoải mái để cửa mở rồi hò nhau tụ tập, chạy sang nhà hàng xóm - địa điểm hiếm hoi có điện để xem những bộ phim nổi tiếng.

Xem thêm: 5 điểm đến khám phá mới lạ thu hút giới trẻ năm 2016


Khi đặt chân lên hòn đảo, hẳn du khách sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh của một “cộng đồng” thực sự. Con người ở đây sống không chỉ để cải thiện cuộc sống của mình mà còn của cả những người xung quanh. Họ luôn tương trợ lẫn nhau trong mọi việc, nếu nhà nào không có thức ăn có thể sang nhà hàng xóm "ăn nhờ".

Truyền thuyết kể lại rằng những người dân chài đầu tiên tìm thấy đảo đã cắm trại tại đây qua đêm. Hòn đảo không hề có muỗi và có thể đón nhận gió từ khắp các hướng. Điều này khiến giấc ngủ của các cư dân đầu tiên rất thoải mái, đến mức họ quyết định ở lại đây và sinh sống.


Trên đảo chỉ có một ngôi trường duy nhất dành cho khoảng 80 học sinh. Điểm đặc biệt ở đây là học sinh có ý thức tự giác rất cao và vô cùng chăm ngoan.

Các em học sinh ở đây được nhiều người nhận xét là ngoan ngoãn và có tính kỉ luật cao hơn nhiều ở các nơi khác. Đặc biệt chúng rất tôn trọng người lớn tuổi và nghe lời nữa.
Tuy nhiên, trẻ em trên đảo cũng phải "nhờ cậy" đến hòn đảo hàng xóm để chơi bóng đá bởi vì quảng trường duy nhất của Santa Cruz chỉ to bằng... nửa sân tennis mà thôi.


Du lịch và đánh bắt cá là nguồn thu chính của người dân trên đảo. Họ sẽ kiếm tiền thông qua các tuyến du lịch chạy ngang qua đảo hoặc đi làm thêm ở các hòn đảo láng giềng.

Có rất nhiều người dân đảo hàng ngày phải chèo thuyền sang các đảo lân cận để làm việc cho các khu nghỉ mát cao cấp hoặc dịch vụ lặn biển. Những người khác thì đánh bắt cá để cung cấp cho các nhà hàng hoặc người mua ở đất liền.

Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng người dân ở đây vẫn luôn giữ tinh thần vui vẻ. Họ còn coi nơi đây như một “thiên đàng” và mong muốn gắn bó cả cuộc đời mình với hòn đảo.

Theo Trithuctre, Nguồn: The Star, ColombiaTravel

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Hồ Núi Cốc - Vẻ đẹp non nước hữu tình

Nổi tiếng bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, gắn liền với huyền thoại về tình sử nàng Công chàng Cốc, Hồ Núi Cốc là địa điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến Thái Nguyên. 




Núi Cốc là tên gọi một vùng đất, vùng hồ thấm đẫm chất huyền thoại về câu chuyện tình thuỷ chung giữa nàng Công, chàng Cốc. Họ yêu nhau nhưng không thành, một người nước mắt chảy thành sông, người kia chờ đợi mỏi mòn hoá thành núi. Và chính trên con sông Công huyền thoại người ta đã cho xây dựng Hồ Núi Cốc, một hồ nước nhân tạo mang vẻ đẹp tự nhiên, gắn với câu chuyện tình đã đi vào ca khúc “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “…Nắng lên xanh màu xanh huyền thoại/ Nghe câu chuyện xưa của đôi trai gái/ Tha thiết yêu nhau vẫn không thành đôi/ Ngày tháng dài nhớ mong khôn cùng/ Một người đau nước mắt thành sông/ Một người chờ, chờ hoá núi...”


Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động. Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Chàng bèn về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến, còn nàng Công thương nhớ chàng Cốc, khóc ròng rã đến khi nước mắt chảy dài thành sông.


Khu du lịch Hồ Núi Cốc được xây dựng trên một khuôn viên rộng có những cảnh quan thiên nhiên đẹp. Không khí ở đây rất trong lành mát mẻ. Xung quanh hồ là những dãy núi, rừng cây bao phủ và đồi chè xanh mướt nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy mê hoặc. Hồ Núi Cốc giống như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu tất cả mọi vật tạo nên cảnh sắc huyền ảo lung linh, lúc ẩn lúc hiện.

Đến Hồ Núi Cốc, thú vị nhất là được du thuyền trên hồ, khám phá những đảo đất xinh đẹp nhưng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ. Trên hải trình, du khách không khỏi tò mò trước một cổng tam quan bề thế trên đảo Núi Cái. Thuyền cập bến ở đây, bước lên 108 bậc thang, du khách sẽ tới nhà cổ đã hơn 200 năm tuổi. Bên trong ngôi nhà có hơn 1000 hiện vật được trưng bày, đây là những sản phẩm thủ công truyền thống được quy tụ từ hơn 90 làng nghề trên mọi miền đất nước. Hay ghé thăm đền bà chúa Thượng Ngàn linh thiêng.


Tại đây còn có Quần thể chùa Thác Vàng nằm trong lòng Phật, nổi bật với nghệ thuật điêu khắc được tạo tác công phu, mỗi bức có diện tích khoảng 25 - 30m2, thể hiện triết lý nhà Phật trong thuyết Nhân Quả. Bên trên công trình là đài sen tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni đồ sộ, cao đến 45m, hướng ánh nhìn ra Hồ Núi Cốc. Đặc biệt là sân khấu biểu diễn nhạc nước, những âm điệu nhảy múa theo các tác phẩm như Huyền thoại Hồ Núi Cốc, chuyện tình nàng Công chàng Cốc, Thái Nguyên thủ đô gió ngàn…

Đối với những du khách thích khám phá sẽ có thể lựa chọn cho mình tuyến tham quan động huyền thoại cung, động ba cây thông, động thế giới cổ tích. Ở đó du khách sẽ ấn tượng bởi những mê cung huyền ảo, được chiêm ngưỡng những kiệt tác của thiên nhiên với đủ các hình dáng khác nhau hoặc đọc các câu chuyện thần tiên, câu chuyện cổ tích khắc trên vách hang. Tất cả sẽ đưa du khách vào thế giới kỳ diệu để quên đi hết những mệt nhọc những ưu phiền của cuộc sống hàng ngày và sẽ thấy lòng tĩnh tại


Không đơn thuần là nơi để nghỉ ngơi, Hồ Núi Cốc còn là nơi để du khách đắm mình vào huyền thoại, cảm nhận rõ hơn về tình yêu, cuộc sống và thậm chí là có cơ hội để nhìn lại mình. Hồ Núi Cốc vào thu phong cảnh như càng tĩnh lặng hơn, giúp chúng ta quên hết những ưu phiền, mệt mỏi, những náo nhiệt của cuộc sống thị thành để đắm chìm trong không gian xanh mát, yên bình.

Bài đăng phổ biến