Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Nghìn guồng quay tơ vàng trên phố đi bộ Hà Nội

Được trang trí với 1.000 guồng quay tơ vàng óng trên cao, phố đi bộ Đào Duy Từ giống như một con đường tơ lụa độc đáo, lạ mắt để chào mừng Ngày Di sản...


Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, phố đi bộ Đào Duy Từ được khoác lên mình "tấm áo choàng" vàng óng bởi 1.000 guồng quay tơ trên cao.


Đây là ý tưởng của Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhằm tôn vinh làng nghề, phố nghề truyền thống trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam. Chủ đề năm nay lấy nghề thêu làm điểm nhấn xuyên suốt, gồm có thêu truyền thống và thêu cung đình.

Guồng quay tơ hay còn được gọi là phưởng xa, xa tơ hay vay là một dụng cụ truyền thống quen thuộc của nghề thêu Việt Nam, thường được làm bằng tre, hình tròn giống như một chiếc bánh xe.

Nhân viên của Ban quản lý phố cổ đã dành tới 3 đêm để có thể treo hết 1.000 phưởng xa lên cao, chạy dọc 200 m tuyến phố và chính thức khai mạc vào tối ngày 18/11.


Ngoài guồng xe tơ, một số hàng quán Kinh doanh trên phố Đào Duy Từ cũng được treo trưng bày những chiếc lọng vua, lọng chúa trên mái hiên.


Suối tơ vàng óng sẽ được trưng bày cho tới hết ngày 27/11.


Du khách phương tây tỏ ra lạ lẫm và thích thú khi tản bộ qua phố Đào Duy Từ, dưới suối tơ rực rỡ.


Sự độc đáo nơi đây cũng khiến cho các tour xích lô chở khách Du lịch lựa chọn ghé qua nhiều hơn.


Khác biệt hoàn toàn với đặc trưng của nghề thêu truyền thống được trang trí trên phố tạo ra sự thân thuộc gần gũi thì bên trong Triển lãm Nét Xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ lại là hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của nghề thêu cung đình xưa.


Tầng 1 là nơi tái hiện không gian sống cung đình xưa, các bộ hoàng bào trưng bày được phục dựng theo nguyên bản bởi nghệ nhân Vũ Giỏi (làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Hội), người đã có hơn 30 năm theo đuổi, gìn giữ nghề thêu cung đình.


Sử ghi, ông tổ nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (18/1/1606) sinh tại trấn Sơn Nam nay thuộc làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637) và được cử đi sứ Trung Quốc năm 40 tuổi. Trong thời gian ở sứ, ông học được nghề thêu, khi về nước ông truyền dạy và phát triển nghề cho nhân dân.


Nằm tại chính giữa là tấm áo long bào Mây Lam được phục dựng nguyên bản theo long bào của vua Đồng Khánh từng mặc.


Những hoa văn tinh xảo được thêu trên long bào thể hiện sự tỉ mỉ công phu cũng như tay nghề cao của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.


Bên góc phải là phượng bào Hoàng hậu Nam Phương.


Treo trên cao là một số bản sắc phong, ấn chỉ xưa được thêu rồng phượng.


Song hành cùng triển lãm trưng bày nghề thêu trên phố Đào Duy Từ, một số hoạt động khác như giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống, giới thiệu không gian văn hóa Đạo Mẫu, văn hóa Trà Việt cũng được tổ chức tại các điểm như Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây...








Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Ngày xuân tìm về nghệ thuật trống trận Tây Sơn

Quê hương Bình Định có bề dày truyền thống văn hóa, là cái nôi của nghệ thuật dân gian bài chòi, tuồng, võ Tây Sơn. Gắn với những loại hình độc đáo, giàu bản sắc này là “trống trận Tây Sơn”, một loại nhạc khí đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất Võ. 


Từ nhiều năm qua, đội nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung biểu diễn bản khí nhạc mang tên “Trống trận Quang Trung”, được cấu trúc thành 3 hồi: Xuất quân, Xung trận- Phá thành và Khải hoàn ca. 


Từ Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vào năm 1989, đã xuất hiện tên gọi “Trống trận Tây Sơn” trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với những tên gọi khác về bộ trống 12 chiếc này, thì gọi trống trận Tây Sơn có sức thu phục hơn cả, bởi bao hàm được cả xuất xứ, tính năng, diễn xướng trong nhạc lễ, lễ hội, trong việc luyện võ, trận mạc. Có thể hiểu rằng, trống trận Tây Sơn vừa là tên của bộ 12 trống, trống võ, vừa là tên của dàn nhạc võ. Đây cũng là tên của tác phẩm khí nhạc nổi tiếng ca ngợi cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng thành Thăng Longvào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. 


Trống trận Tây Sơn có liên quan mật thiết, tương đồng với nhạc tuồng, bài chòi về các mặt: tính năng, kỹ thuật diễn tấu, biên chế dàn nhạc, âm hưởng nhạc điệu. Hầu hết trống trong các dàn nhạc của 3 loại hình nghệ thuật trên đều là trống chiến, nhưng khác nhau về số lượng trống và cách sắp xếp. Về biên chế dàn nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc trống trận Tây Sơn đều có mặt trong dàn nhạc tuồng, chỉ khác trong nhạc tuồng không phải dùng cồng mà là chiêng. Còn trong dàn nhạc bài chòi, ngoài trống chầu và trống chiến, nhị, còn có thêm nguyệt, song loan, sáo, bầu. Về mặt âm hưởng nhạc điệu, các hồi trong tác phẩm khí nhạc trống trận Quang Trung đều lấy, mang âm hưởng từ các bài bản trong nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách, hồi Xung trận- Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã, còn hồi Khải hoàn ca mang âm hưởng của bài trống Ba bảy.


Trống là một nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, chủ yếu giữ nhịp cho dàn nhạc. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trống không có giai điệu, thế mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu rất rõ nét. Tiến hành khảo cứu bộ 12 trống đang được trình tấu tại Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi thấy âm vực của trống (khoảng giữa âm thanh thấp nhất và âm thanh cao nhất) là một quãng tám rưỡi (dung sai nửa cung). Theo thứ tự, trống có kích thước lớn nhất đến nhỏ nhất, chênh lệch nhau từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch cao độ như trên, là một yếu tố tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của trống trận Tây Sơn, có thể trình tấu bản nhạc ở bất kỳ điệu thức 5 âm nào, có chênh một vài cô ma lại càng hay.

Ra đời từ nhạc lễ, võ trống, đượm hào khí Tây Sơn, trống trận Tây Sơn chiết được những nét tinh túy nhạc tuồng, gần gũi với nhạc bài chòi, cùng với những tính năng, kỹ thuật diễn tấu độc đáo, được sử dụng với tần suất cao phục vụ đông đảo người dân, du khách, tham gia nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh. Trống trận Tây Sơn vì thế đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Bình Định… 

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Du lịch Vịnh Hạ Long phải thử cho bằng hết 7 trải nghiệm thú vị này

Nếu đã lâu rồi bạn chưa đi du lịch Vịnh Hạ Long thì hãy đi nhanh thôi, vì nơi đây vừa có thêm rất nhiều trải nghiệm du lịch cực thú vị đấy.

Ngủ đêm trên du thuyền

Tàu du lịch trên vịnh như một khách sạn thu nhỏ, cũng có phòng riêng, với chăn nệm sạch sẽ, điều hòa, có phòng tắm riêng. Thật thú vị khi bạn vừa có thể thư giãn ngay trong phòng riêng và mở cửa sổ ra bạn sẽ thấy nhìn những dãy núi, nước non hùng vĩ, những chú cá, những chú sứa đang bơi lội ngay dưới cửa sổ phòng và khi đêm đến, bạn cũng có thể lên boong tàu ngắm sao trời, ngắm cảnh biển về đêm.



Thưởng ngoạn du thuyền L’Azalée, du khách sẽ được chèo thuyền kayak miễn phí, tham quan các hang động đá vôi cổ và khám phá hang Sửng Sốt.



Chèo thuyền Kayak


Nếu đi du lịch Hạ Long mà bạn không trải nghiệm qua các hành trình khám phá vịnh bằng thuyền Kayak thì quả là điều đáng hối tiếc. Khi ngồi trên chiếc thuyền Kayak bé nhỏ vừa khua mái chèo trên làn nước xanh, vừa ngắm cảnh thiên nhiên hút hồn, thật là điều giản dị nhưng cũng thú vị không kém.


Vịnh Hạ Long từng được tạp chí National Geographic Adventures bầu chọn là 1 trong 25 điểm du lịch chèo thuyền Kayak hàng đầu thế giới. Ở Hạ Long có nhiều chỗ cho thuê thuyền Kayak (tại bến tàu du lịch, các đảo), giá thuê từ 100.000 – 200.000 VND/giờ tùy loại thuyền 1, 2 hay 3 chỗ.

Ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ

Nếu bạn đã từng trải nghiệm thưởng ngoạn khung cảnh Vịnh Hạ Long trên những chuyến du thuyền mà vẫn chưa thỏa mãn, vì chưa ngắm được những góc nhìn đẹp về Vịnh Hạ Long như trên phim ảnh từng quảng cáo thì không cách gì lý tưởng hơn là ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ


Du lịch bằng thủy phi cơ không chỉ giúp hành khách tiết kiệm thời gian khi di chuyển mà còn đem đến những góc nhìn đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh…


Những hình ảnh đẹp đến mức “nghẹt thở” của Vịnh Hạ Long từ trên cao. 

Hiện nay tại Việt Nam hàng không Hải Âu là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ với những dịch vụ bay ngắm cảnh cao cấp. Máy bay với 2 chỗ ngồi cho phi công, 12 chỗ ngồi cho hành khách và cửa sổ rộng rãi, giúp hành khách có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh đẹp từ trên máy bay và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Vịnh Hạ Long từ độ cao từ 150 đến 3.000 m so với mực nước biển.


Ngồi trên thủy phi cơ bạn sẽ được nhìn thấy một Vịnh Hạ Long chưa bao giờ đẹp đến thế.

Đặc biệt, tạp chí The New York Times (Mỹ) cũng từng bình chọn ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ là một trong những dịch vụ du lịch hấp dẫn nhất năm 2015.

Thử sức với bộ môn leo núi

Không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, biển trời thơ mộng, Vịnh Hạ Long với địa hình đa dạng và hiểm trở còn là một thách thức đối với những du khách yêu thích leo núi. Nếu bạn là một tín đồ của môn thể thao mạo hiểm này, chắc hẳn những mỏm đá gai góc, những góc lượn kỳ vĩ của núi non, của vách đá, của hang động tại Vịnh Hạ Long sẽ đem đến cho bạn một cảm giác khao khát được chinh phục.


Khám phá những hang động tuyệt đẹp

Vịnh Hạ Long được nhiều du khách ví như bức tranh thủy mặc của thiên nhiên, được tạo hóa ban cho một vẻ đẹp hoàn hảo. Và ở bức tranh thủy mặc đó, ngoài “nước và đá” như nhiều người thường nói, thì nơi đây còn nổi tiếng với những hang động đẹp và độc đáo. Mỗi hang động của Hạ Long đều mang một cái tên thú vị, gợi cho du khách sự tò mò muốn khám phá như: Động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Luồn, hang Đầu Gỗ, hang Hanh,…



Thăm các làng chài trên Vịnh

Rời xa những ánh điện lung linh, xa hoa của các trung tâm thành phố, rời bỏ khỏi cuộc sống xô bồ của chốn thành thị. Các làng chài ven biển ở Hạ Long thật yên bình, trong lành, là điểm đến, điểm dừng chân lý thú cho các du khách. Điểm đến cho hoạt động trải nghiệm này có thể là Hợp tác xã Vạn chài Hạ Long tại làng chài Vung Viêng, làng chài Cửa Vạn, làng chài Ba Hang… Bạn có thể thuê thuyền nan ngay tại bến tàu du lịch Hạ Long.

Đi cáp treo ‘xe bus 2 tầng’

Ngày 25/6 mới đây, hệ thống cáp treo Hạ Long được khánh thành và đi vào hoạt động sau 2 năm xây dựng. Công trình nằm trong tổ hợp dự án vui chơi giải trí trị giá 6.000 tỷ đồng trải dài dọc bờ biển Bãi Cháy qua tới đồi Ba Đèo (Hòn Gai).

Cabin của cáp treo sẽ xuất phát từ điểm đầu tại phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long), chạy từ vịnh Cửa Lục đến đỉnh đồi Ba Đèo (phường Hồng Gai).


Cột tháp bên đầu Bãi Cháy được xây dựng cao 188,8 m, lập kỷ lục là cột tháp cao nhất thế giới. Cột tháp bên đồi Ba Đèo cao 133 m. Hệ thống cáp treo chỉ có duy nhất 2 cabin, được ví như một chiếc xe buýt hai tầng khổng lồ với sức chứa 230 người/cabin. Bên trong khoang cabin rộng lớn có ghế ngồi, tay nắm, thanh vịn cho khách. Xung quanh là những ô cửa kính lớn giúp khách ngắm nhìn trọn vẹn vịnh Hạ Long từ trên cao.

Bài đăng phổ biến