Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

El Nido lộn xộn, dễ thương và hấp dẫn đến nghẹt thở

El Nido chẳng sầm uất như Boracay, không ồn ào như Phuket, Samui... mà cứ bình dị, sơ sài nhưng dễ làm xiêu lòng lữ khách.
Xem thêm: Những trải nghiệm đặc trưng và ít tốn kém ở Manila

Tôi phải lòng biển trời Philippines từ chuyến đi Boracay mấy năm về trước nên tự hứa với lòng mình là nhất quyết phải đi tiếp những vùng biển xinh đẹp khác của đất nước thân thiện này và điểm đến kế tiếp của tôi chính là vùng biển El Nido.

El Nido là một điểm đến được đánh giá cao trên Tripadvisor.

Từ TP HCM, tôi bay đi Manila của hãng hàng không Cebu Pacific lúc rạng sáng, đến Manila tôi tiếp tục bay chuyến nội địa đến Puerto Princesa - thủ phủ của tỉnh Palawan. Và từ Puerto Princesa, tôi không ở đó chơi trước mà bắt xe đò đi ngay đến El Nido nằm cách Puerto Princesa khoảng 300 km và xe chạy mất 6 tiếng đồng hồ.

Đường đi từ Puerto Princesa tới El Nido nghe nói những năm trước chưa làm nên gập ghềnh đi cực lắm, tuy nhiên lần này tôi đi đường xá đã đổ bê tông khá tốt rồi nên đi cũng ngắn thời gian hơn và đỡ mệt. Khung cảnh hai bên đường cũng đẹp, lúc thì núi đồi, lúc thì biển xanh, khi thì những ruộng lúa, cánh đồng dừa nghiêng ngả... nên nhìn ngắm khá thích và đường ít xe cộ nên xe chạy cũng không lo nguy hiểm, duy chỉ có đường quanh co ngoằn nghoèo nên bảo đảm ai bị say xe thì rất dễ nôn.

Đến El Nido là đã chiều nhưng nắng vẫn còn gắt lắm. Nhìn cái bến xe đầy bụi bặm làm tôi nhớ tới Vang Vieng bên Lào. Đón xe tri-cycle hết 50 peso (khoảng gần 25.000 đồng) về nhà trọ, tôi bỏ đồ đó và cùng mấy người bạn đi dạo ngay.

Trong mắt tôi, El Nido là một cái làng nhỏ ven biển lộn xộn mà dễ thương, thân thiện và hấp dẫn đến ngẹt thở. Ngôi làng ven biển ấy có vài con đường qua lại đi không thể nào lạc và một bãi biển nhỏ với những hàng quán đơn giản, mộc mạc, rất thân quen với tất cả mọi du khách tới đây. El Nido chẳng sầm uất như Boracay, không ồn ào như Phuket, Koh Samui... mà cứ bình dị, sơ sài nhưng dễ làm xiêu lòng lữ khách. Hình như mọi người trong ngôi làng này họ biết nhau cả, họ gặp nhau chào hỏi, cười nói vui vẻ và du khách cũng đi chút xíu là gặp lại nhau nên thấy hình như ai cũng quen nhau hết.

Biển ở Philippines nói chung và El Nido nói riêng trong vắt và xanh ngắt.
Buổi chiều ở El Nido mát rượi, gió biển thổi vào từng cơn xua đi cái nóng của cả ngày dài ngập ánh mặt trời. Hàng quán ven biển và cả con đường chính của El Nido cũng bắt đầu xôn xao đón khách. Không có cảnh chèo kéo, không có người đứng trước quán mời mọc vồn vã như những nơi khác. Ở El Nido bạn yên tâm thư thả chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp rồi gọi cho mình thứ thức ăn, nước uống đã chọn rồi ung dung ngồi ngắm cảnh trời đất ngoài kia giao nhau để rồi cảnh hoàng hôn tuyệt vời trên biển hiện ra từ từ khiến ai cũng ngây ngất, đắm say.

Sớm mai trong mắt tôi có lẽ là lúc tấp nập nhất ở làng El Nido nhỏ bé này. Tôi dậy sớm thả bộ dọc bãi biển. Biển sớm mai yên như hồ không chút gợn sóng. Tôi bắt gặp những người ngư dân đi đánh bắt sớm, chuyển cá vào rồi những người khác xách từng xô cá cùng với cái cân nhỏ đi bán cá dạo. Một vài người của các quán ăn, khách sạn ven biển vác cào ra cào rác cho bãi cát của bờ biển. Thanh niên thì khuân nước uống, xăng dầu, thức ăn hay thuyền kayak... lên tàu thuyền để chuẩn bị đón khách đi các đảo nhỏ tắm biển lặn biển... theo tour trong ngày bởi đa số khách đến El Nido là đi các tour ra đảo nhỏ gần đó chứ không phải như ở Boracay là có thể tắm ngay tại bãi.

Sẽ có 4 tour căn bản đi đảo tại El Nido mà đi đâu tại đây bạn cũng sẽ thấy chào bán. Đó là tour A, B, C và D. Theo đa số kinh nghiệm của những người đi trước cũng như ý kiến của người bán tour thì nếu bạn chỉ có hai ngày để đi tour ra biển ở đây thì nên chọn tour A và C là hay nhất vì có nhiều bãi biển đẹp nằm ẩn giữa các ngọn núi đá, nhiều lagoon rất hay nằm thật bí ẩn khiến bạn không khỏi bất ngờ. Còn những ai mê lặn thì có thể đi tour B và D thêm hoặc bạn cũng có thể kết hợp theo ý mình. Tôi không có nhiều thời gian để đi hết cả 4 tour nên đã chọn tour A và C theo chỉ dẫn. Thiệt tình là đã đi nhiều biển nhưng phải nói biển ở các đảo của El Nido quá đẹp. Nước trong kinh khủng và có quá nhiều bãi tắm đẹp rất bất ngờ.

Có nhiều trò chơi trên biển cho bạn.

Cả nhóm chúng tôi ai nấy cũng đều mê mẩn và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của biển nơi đây. Biển đã đẹp rồi, cá còn nhiều nữa chứ. Người dân nơi đây bảo tồn thiên nhiên rất tốt. Họ không hề xả rác và luôn khuyên du khách hãy nhớ kỹ điều đó vậy nên kiếm đỏ con mắt ở đây cũng không thấy một cái túi ni lông hay vỏ chai nước suối nào trôi bồng bềnh. Điều này càng làm tôi ngưỡng mộ tinh thần bảo vệ môi trường của họ. Họ ở xa xôi, họ chỉ có điện một ngày từ 14h chiều đến 6h sáng. Internet thì chập chờn lúc mạnh lúc yếu, không tìm thấy cảnh những nam thanh nữ tú sành điệu lướt smart phone tràn ngập như xứ mình, ấy vậy mà ý thức không xả rác, ý thức giữ môi trường sạch đẹp của họ làm tôi thấy rất phục. Một lần nữa nhận ra rằng đâu cần phải học cao, đâu cần phải sống ở môi trường hiện đại... thì mới có ý thức cao đâu phải không.

Các tour đi đảo ở El Nido cũng rất tốt. Hầu hết xuất phát lúc 9h sáng và kết thúc lúc 17h chiều và bao ăn bữa trưa. Họ không nấu sẵn thức ăn trong đất liền như các tour đi biển ở mình mà ra đảo mới nấu nướng để thức ăn được nóng và tạo cảm giác ngon miệng cho du khách. Tất cả đều rất sạch sẽ, gọn gàng và rác thải của chuyến đi, của bữa ăn trưa được họ gom lại tất cả rồi mang về đất liền. Các món ăn cũng đơn giản chỉ là thịt nướng, cá nướng, cà tím nướng cùng món tráng miệng xoài và thơm... nhưng ăn khá ngon.

Phải nói biển ở đây cá nhiều vô cùng và chúng rất dạn. Rất nhiều cá nhào vào rỉa chân du khách, chúng bơi thành từng đàn đủ màu rất đẹp, snorkeling ở đây để ngắm cá đủ màu sắc trong làn nước trong vắt là trải nghiệm mà ai đi El Nido về sẽ chẳng thể nào quên.

Ở El Nido, việc ăn uống hơi hạn chế vì đơn điệu và ít có sự lựa chọn. Buổi tối lang thang chỉ có vài nơi bán hải sản ở ven biển cùng một số nhà hàng bán món Tây và vài quán ăn kiểu địa phương có vị hơi mặn hơi khó ăn. Ở đây không có nhiều hàng rong như các vùng biển bên Thái, bên Cam... mà thỉnh thoảng có mấy đứa nhóc tay xách thùng xốp đi bán hột vịt lộn miệng rao "ba lô, ba lô" gì đó mà thôi.

Ở làng El Nido, khách trú ngụ đa số là dân đi balô ít tiền chứ khách giàu sang họ đều ở các resort ngoài các đảo cả. Nghe nói giá resort cũng cao và dịch vụ cũng tốt lắm. Du khách ở resort họ không đi xe đò ngồi 6 tiếng từ Puerto Princesa như tôi mà họ đi máy bay loại nhỏ 19 chỗ của hãng Island Transvoyager (ITI) với giá khá mắc từ Manila thẳng qua sân bay Lio nằm cách El Nido vài dặm khỏe re.

Những chiếc thuyền truyền truyền thống ở Philippines.

El Nidio bụi bặm, quê mùa chẳng tiện nghi nhưng đầy ấn tượng. Ấn tượng về con người thân thiện hiền hòa khiến tôi thấy quen thuộc như mình đang đi về nơi nào đó rất quen thân... cứ thong dong mà đi thả bước lang thang, cứ chui rúc qua mấy con hẻm nhỏ xíu để ra biển giữa trời tối thui mà chẳng có gì lo lắng sợ hãi... Bởi gặp ai cũng thấy họ cười vui vẻ, hỏi gì cũng được chỉ tận tình... nên tự nhiên thấy có cảm giác như mình đang đi "về quê" chứ chẳng phải đang đi đến một vùng biển đảo xa lạ nào. Và đây cũng chính là lý do để El Nido đứng đầu trong top những vùng biển đáng đến ở châu Á do Tripadvisor bình chọn năm qua.

Ngày cuối cùng ở El Nido tôi dậy rất sớm rồi rời phòng trọ thả bộ loanh quanh ngôi làng nhỏ này lần cuối trước khi nói lời chào tạm biệt El Nido để lên xe đò ngồi 6 tiếng lắc lư trên con đường cong quẹo trở về Puerto Princesa. Tôi đi ra hướng biển để ngắm vịnh Bacuit sớm mai yên bình có những con tàu đang neo chờ đến giờ đưa khách đi tour ra đảo... những con tàu kiểu đặc trưng Philippines có hai càng hai bên sớm nay nhuộm màu nắng ban mai đẹp quá, chốc chốc chúng khẽ lắc lư theo từng con gió nhỏ ngoài đại dương xa xôi thổi vào. Một ngày mới nhộn nhịp đang tới, những người dân thân thiện làng El Nido lại sẽ bắt đầu những công việc thân thuộc hàng ngày của họ còn tôi sẽ về Puerto để tiếp tục những ngày lang thang Palawan còn lại của mình.

El Nido không hào nhoáng, El Nido chẳng sang trọng và cũng chẳng tiện nghi gì nhưng trong tôi nó là ngôi làng tôi có cảm tình nhiều nhất ở những vùng biển tôi đã đi qua...

Vài lưu ý cho chuyến đi El Nido:

- Cebu Pacific rất hay bán vé giá rẻ. Hãy book vé từ TP HCM/Hà Nội tới Manila rồi book vé nội địa đi Puerto Princesa. Có thể ở chơi Puerto Princesa trước rồi đi El Nido sau, sau đó từ El Nido về thẳng sân bay. Tuy nhiên cần canh giờ bay sao cho phù hợp. Máy bay của Cebu Pacific giá rẻ nhưng máy lạnh rất tốt nên mọi người nhớ mang theo áo gió mỏng hay mền mỏng mà trùm chống lạnh nhé.

- Từ Puerto Princesa đi El Nido và ngược lại đi xe đò. Xe van máy lạnh thì giá 600-700 peso/người/chiều (khoảng ngoài 300.000 đồng). Xe bus không máy lạnh rẻ hơn nhưng đi chậm hơn. Xe van chạy sẽ dừng lại để ăn trưa và đi restroom. Đường đi khá cong quẹo nên ai say xe thì cẩn thận. Vé xe có thể mua tại ga đến sân bay hoặc ra ngoài đi tricycle chừng 50 peso (25.000 đồng) đến travel agent gần đó mua vé đi. Xe van sẽ đón bạn tại đại lý du lịch. Từ El Nido về có thể nhờ nhà trọ book vé hoặc book cái quầy vé ở El Nido rất dễ.

- Tri-cycle từ bến xe về khách sạn là 50 peso/xe.

- Nếu có điều kiện thì book vé máy bay của Island Transvoyager (ITI) giá chừng 163 USD/ chiều đến thẳng El Nido từ Manila.

- Nên nhớ là phí sân bay ở Philippines không bao gồm trong vé máy bay nên phải mua riêng, nhớ để dành 550 peso để mua vé phí phục vụ sân bay khi bay về từ Manila.

- Nhà trọ ở El Nido đa số nằm trong làng, không book trên Agoda mà email thẳng cho họ và đặt cọc tiền 50% qua paypal. Tôi ở Bulskamp Inn: [email protected] yên tĩnh, gần nhiều quán ăn và phòng sạch sẽ, service tốt nhưng toilet hơi nhỏ chút. Giá phòng tùy mùa.

- Có khá nhiều nhà trọ và những khu nhà nhỏ khác quanh đó ở dọc bờ biển, trong phố... nên xem review trên Tripadvisor trước cho chắc ăn.

- Nếu có điều kiện thì book các resort ngoài đảo rất đẹp. Nếu book được cái Treetop ngủ ở trên cây thì hay nhưng cái này luôn full vì có 2-3 phòng thôi.

- Có thời gian thì thuê xe máy chạy nhìn cảnh cũng rất đẹp. Có những bãi biển ở xa nghe nói rất hay ho.

- Ăn ở quán The Alternative đẹp, chỗ ngồi hay; seafood ở Aplaya Restro ngon rẻ; Pizza Altrove Trattoria; Cafe ở The Art Cafe, Coco Bar hay Pukka Bar; Pasta quán Lucky Alofa; nhớ uống mango shake vì xoài ở Philippines rất thơm ngon.

- Mua sim 3G từ sân bay Manila luôn cho chắc, có các gói khác nhau từ 250 peso nhưng gói 600 peso được gọi điện thoại, dùng 3G unlimited trong 5 ngày.

- Đổi tiền ở sân bay Manila cao hơn ở El Nido, ở Puerto Princesa có một chỗ đổi tiền giá cao của ngân hàng gần mall Robinson nhưng không mở 2424/24. Các nơi khác giá không cao bằng ở Manila.

- Nhớ mang kem chống nắng, aftersun lotion, nón, kiếng mát không thì rất nóng.

- Nhớ mang dép nhựa có quai sau theo vì lúc đi đảo có nhiều nơi phải đi bộ dưới nước mà có rất nhiều san hô dễ đâm vào chân.

- Theo người dân thì thời gian đi El Nido tốt nhất là từ tháng 2 tới tháng 5 hàng năm vì biển đẹp, nắng đẹp.

Bài và ảnh: Thiện Nguyễn

Lên đường đi Boracay vào thời điểm đẹp nhất năm

Sáu tháng đầu năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để tới Philippines khi mùa mưa bão chưa đến, trong đó đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cebu Philippines

Muốn khám phá Boracay nhưng bạn phân vân không biết lên kế hoạch thế nào và lo lắng chi phí sẽ đắt đỏ, hãy tham khảo thông tin dưới đây để có thể nhanh chóng đến được hòn đảo thiên đường xinh đẹp này của đất nước Philippines nhé.

Nước biển xanh ngắt ở Boracay.

Vé máy bay

Điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi du lịch Philippines đó chính là thời điểm. 6 tháng đầu năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để đến đất nước vạn đảo khi không bị ảnh hưởng bởi bão, trong đó đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5.

Cebu Pacific Air là hãng máy bay giá rẻ duy nhất khai thác các chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM đến thủ đô Manila của Philippines. Bạn có thể dễ dàng tự đặt vé trên website của hãng. Ở chặng Hà Nội - Philippines, Cebu Pacific Air có chuyến bay khởi hành vào 1h sáng và về lúc 22h20. Các chuyến bay xuất phát từ TP HCM với giờ tương tự và chuyến về lúc 22h50. Hiện tại, Cebu Pacific khai thác chặng bay này tất cả các ngày trong tuần.

Hàng năm, Cebu Pacific có khoảng vài đợt khuyến mãi lớn với giá vé 1 Peso (đơn vị tiền tệ của Philippines) hoặc 1 USD. Thông thường, giá vé tổng cộng cho chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội là 116 USD và TP HCM là 82 USD.

Ngoài hãng giá rẻ Cebu Pacific Air, bạn còn có thể bay bằng Vietnam Airlines và Philippines Airlines (chỉ có từ TP HCM).

Di chuyển

Sân bay Caticlan.

Boracay là một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Aklan, cách thủ đô Malina của Philippines hơn 300 km về phía Nam. Trên đảo Aklan có 2 sân bay là Caticlan và một sân bay quốc tế ở thành phố Kalibo. Để đến đảo Boracay, bạn sẽ phải bay thêm một chặng nội địa từ thử đô Manila với thời gian khoảng một tiếng.

Các hãng khai thác chặng nội địa ở Philippines thường có Cebu Pacific, AirAsia, Philippines Airlines, Tiger Air và Zest Air. Giá vé rẻ khứ hồi cho chặng này từ 1 đến 2 triệu đồng. Bạn nên thường xuyên kiểm tra website của các hãng để tìm được giá vé rẻ nhất.

Điểm khác nhau giữa hai sân bay là Caticlan thì ngay gần bến tàu ra đảo Boracay trong khi đó nếu xuống Kalibo, bạn phải mất thêm gần 2 tiếng đi ôtô đi đến bến tàu. Tùy vào hãng hàng không mà bạn sẽ tới một trong hai sân bay này. Dù chỉ là sân bay nội địa nhỏ nhưng do lợi thế gần Boracay hơn nên giá vé đến Caticlan bao giờ cũng đắt hơn nhiều so với giá vé đến sân bay quốc tế Kalibo, đặc biệt là chiều về.

Sau khi đến bến tàu, bạn sẽ đi thuyền sang Boracay và mất khoảng 20 phút. Nếu chưa yên tâm về việc tự đi, bạn có thể chọn hãng vận chuyển nổi tiếng Southwest, họ sẽ có dịch vụ trọn gói đưa bạn về đến khách sạn với giá dao động từ 500 Peso đến 1.000 Peso (1 Peso bằng khoảng 500 đồng). Giá này có hoặc không bao gồm phí bến và môi trường. Bạn nên vào trang web southwesttoursboracay.com để tham khảo trước. Đại lý bán vé của hãng ở ngay đối diện tại hai sân bay.

Bạn cũng có thể giảm được chi phí này đáng kể bằng cách tự đi. Nếu từ Kalibo, bạn có thể tự mua vé xe bus (200 Peso) ra thẳng bến tàu để di chuyển ra Boracay. Từ sân bay Caticlan thì bạn chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ ra bến tàu. Trước khi lên tàu, bạn chỉ cần vào quầy mua phí môi trường (75 Peso), phí bến tàu (100 Peso) và vé thuyền (25 Peso). Nếu tính tổng cộng chi phí, bạn sẽ chỉ phải trả nửa số tiền so với việc chọn đi Southwest.

Sau khi sang đảo, bạn sẽ thuê xe Tricycle (một loại xe gắn máy 3 bánh chở được 3-4 người) để về khách sạn. Giá đi từ bến tàu về khách sạn gần D’mall (trung tâm du lịch ở Boracay) từ 20 đến 30 Peso/khách.

Khách sạn

Boracay được chia làm 3 khu vực chính là Station 1, Station 2 và Station 3 hoặc chia theo hai phía bãi biển là White Beach và Bulabog nằm đối diện nhau. Bạn nên ở phía White Beach vì biển xanh trong và cát trắng mịn hơn. Ở White Beach thì Station 1 là nơi để chơi các trò cảm giác mạnh trên biển và gần bến tàu, Station 2 tập trung các dịch vụ ăn uống giải trí, khu mua sắm D’mall và chợ hải sản D’talipapa trong khi đó Station 3 yên tĩnh hơn và có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Khách du lịch khi đến Boracay thường chọn Station 2 vì đây là nơi nhộn nhịp nhất và tập trung các dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm tấp nập suốt đêm.

Để tìm khách sạn, bạn có thể vào các trang web như Booking, Agoda để lựa chọn. Boracay không nhiều nhà nghỉ dạng dorm (giường tầng tập thể), hầu hết đều là phòng đôi, nếu đi tập thể, bạn nên lưu ý khi chọn phòng cho phép ở 3-4 người. Giá khách sạn ở đây không quá đắt, với khoảng 500.000 đồng/đêm là bạn đã có một căn phòng nghỉ thoải mái, sạch sẽ. Muốn rẻ hơn, bạn có thể thuê các guesthouse nằm trong trong ngõ nhỏ, không có điều hòa hoặc bình nóng lạnh.

Ăn uống

Món sinh tố xoài nổi tiếng và ngon ở Boracay.

Ở Boracay có rất nhiều nền ẩm thực dành cho du khách, từ những món ăn truyền thống của Philipines đến các món ăn Âu, Á, Phi. Con đường nhỏ dọc bãi biển Boracay là hàng dài những nhà hàng, những tiệm bánh ngọt, cà phê san sát nhau với nhiều thương hiệu nổi tiếng của thế giới, đủ để bạn thỏa thích lựa chọn.

Món ăn truyền thống của Phillipines thường chế biến từ gà nên nhà hàng phục vụ món ăn này khá nhiều. Một số quán ăn truyền thống Phillipines nổi tiếng có Andoks Chicken, Mang Isanal, Smoke… Bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều nhà hàng Italy với loại bánh Pizza nổi tiếng.

Khi đến Boracay, bạn chắc chắn sẽ không thể bỏ qua hải sản. Bạn có thể trực tiếp vào chợ hải sản D’talipapa, mua đồ và nhờ nhà hàng nấu hoặc lựa chọn buffet ở các nhà hàng với giá tiền từ 400 đến 800 Peso. Hải sản ở Boracay vô cùng phong phú và giá không đắt, đặc biệt là tôm hùm.

Ở Boracay nổi tiếng có món sinh tố xoài – Mango Shake và bạn nên thử thức uống này ở rất nhiều hàng quán với giá 60-100 Peso/cốc, nổi tiếng có Jonas Milkshakes. Ngoài ra, còn có món chè truyền thống Halo Halo của Phillipines.

Vui chơi

Bãi biển cát trắng, nước xanh trong.

Hòn đảo Boracay nhỏ xinh với chiều dài chỉ khoảng 7 km và chiều ngang 2 km nhưng lại nằm trong top 10 những bãi biển đẹp nhất châu Á, top 25 của thế giới. Chính vì vậy, điều đầu tiên bạn cần trải nghiệm khi đến hòn đảo này là tắm biển. Những bãi cát trắng mịn, nước biển xanh biếc nhìn thấy tận đáy sẽ khiến bạn ngay lập tức muốn đắm mình trong không gian được ví như thiên đường này.

Ngoài tắm biển, Boracay không thiếu các hoạt động khác để bạn tiêu tốn thời gian của mình. Nổi tiếng nhất có tour quanh đảo - Hoping Island, giá khoảng 1.500 - 1.800 Peso/người (750.000 đến 900.000 đồng). Với gói tour này, bạn sẽ ra ngoài khơi để lặn biển, được ăn một bữa trưa và thăm các đảo nhỏ như Magic Island, Crocodile, Crystal Cove trong khoảng 4-5 tiếng… Bạn có thể dễ dàng mua tour ở các đại lý tour trên đảo, tại khách sạn bạn ở hay những người dân rao bán ngay trên đường.

Các trò chơi dưới nước cũng hấp dẫn không kém như Helmet Diving - lặn biển dưới nước, Banana Boat - đi thuyền chuối, Snorkling - lặn biển, Fly Fish, Parasailing - bay dù... Ngoài ra, bạn có thể ngắm hoàng hôn trên thuyền buồm, lướt sóng và thả diều ở bãi biển Bulabog, nhảy cầu ở mũi Ariel’s point, lái xe ATV đi quanh đảo, xem các màn trình diễn múa lửa, chơi Zipline, xăm hình Henna hay tết tóc…

Bạn cũng có thể thuê xe Tricycle đi một vòng quanh đảo hoặc lên MT.Luho (giá vé 120 Peso/người) để ngắm toàn cảnh đảo ở trên cao.

Mua sắm

Khu mua sắm chính ở Boracay chính là D’mall. Ở đây có nhiều mặt hàng phong phú như quần áo, giày dép, đồ lưu niệm… với nhiều kiểu dáng và giá cả phải chăng. Một lựa chọn khác ngoài D’mall là khu D'talipapa, ngoài các nhà hàng chế biến hải sản, nơi đây cũng có nhiều cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm với giá cả rẻ hơn ở D’mall. Khi đi bộ trên con đường ven biển, bạn cũng có thể mua đồ ở những quán nhỏ ven đường.

Một số lưu ý khi du lịch ở Boracay

Chợ hải sản nổi tiếng ở Boracay.

- Đơn vị tiền tệ chính ở Philippines là Peso (PHP), bạn nên mang USD sang để đổi. Tỷ giá vào 1 Peso = 482 đồng VND. Bạn có thể đổi tiền tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila hoặc những tiệm đổi nhỏ ở Boracay.

- Bạn nên nhớ để lại tiền để đóng phí ở sân bay khi về: Chặng nội địa Caticlan (200 Peso) và chặng quốc tế sân bay Ninoy Aquino (550 Peso).

- Một lưu ý khi bạn chọn bay nội địa của hãng Cebu Pacific Air thì hành lý xách tay chỉ được 5 kg (các hãng khác là 7 kg) và hành lý ký gửi chỉ tối đa là 10 kg đối với tất cả các hãng, do máy bay cho chặng này là máy bay nhỏ ATR. Các hãng kiểm tra hành lý rất gắt gao và phí quá cân hành lý sẽ bị tính rất đắt.

- Tình hình an ninh ở Boracay khá tốt, thường xuyên có bảo vệ đứng canh gác ở các nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đi về quá khuya.

- Người dân Philippines nói chung và ở đảo Boracay nói riêng đều rất thân thiện và tốt bụng, dù làm du lịch đã lâu nhưng ít thấy có cảnh chèo khéo hay lừa khách. Tuy nhiên, giá cả thường bị nói thách và bạn hãy cứ mạnh dạn trả giá xuống một nửa hoặc 1/3.

- Khi di chuyển từ tàu lên bến thuyền ở Boracay, sẽ có một số người đàn ông chủ động mang hành lý cho bạn. Bạn hãy dứt khoát không cần nhờ vì sau đấy họ sẽ đòi tiền tip.

- Bạn nên dành thời gian đi bộ dọc bãi biển từ Station 1 đến Station 3 để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của hòn đảo này.

- Hãy nhớ mang những đồ cần thiết để đi biển, đặc biệt là đồ bảo hộ cho các thiết bị điện tử ở dưới nước bởi bạn sẽ cần chúng khi lặn biển.

- Bạn đừng quên chụp ảnh với biểu tượng đặc trưng của Boracay là tảng đá Willys Rock ở Station 1.

- Hãy hòa mình vào không khí vô cùng vui nhộn tại nhà hàng Sea Breeze Cafe vào mỗi tối khi các đầu bếp sẽ có màn nhảy tập thể cùng nhau.

- Bạn có thể thoải mái xem múa lửa mà không mất tiền, một số quán có sự đầu tư hơn về các màn biểu diễn thì bạn cần mua đồ uống của họ. Bạn cũng nên dành thời gian ngồi một quán cà phê và nghe nhạc sống vì các ban nhạc ở Boracay chơi rất hay.

Chu Anh

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Ăn ngon, chơi vui mà rẻ ở Sihanoukville - Koh Rong

Được mệnh danh là đảo thiên đường của Campuchia, đảo Koh Rong sẽ hoàn toàn chinh phục bạn bởi phong cảnh và sự vui tươi của nơi đây.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sihanoukville bằng xe máy

Sihanouk Ville và Kohrong thuộc miền nam Campuchia, gần Thái Lan và đảo Phú Quốc Việt Nam. Sihanoukville là bờ biển còn Kohrong là đảo. Biển Sihanoukville khá đẹp, có nhiều hoạt động vui chơi đến tận nửa đêm. Koh Rong thì tuyệt đẹp, được mệnh danh là đảo thiên đường, có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thêm nữa là lối xây nhà sàn sơn đủ màu sắc rất đẹp, hoạt động phong phú thâu đêm suốt sáng khiến du khách khi đến đều không muốn rời khỏi đây. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có chuyến du lịch tới Sihanoukville và Kohrong được thuận tiện hơn:

Koh Rong với view từ Bungalow của Highland Beach.

Tiền tệ

Campuchia bị lệ thuộc nhiều vào đồng ngoại tệ. Hai loại tiền tệ sử dụng song song tại đây là USD và Riel (KHR) và USD có phần phổ biến hơn. 1 USD tương đương khoảng 4.000 KHR (2/2015). Do đó để dễ tính toán và không bị thiệt, bạn cứ đổi sang tiền USD trước. Tiền Việt Nam đồng chỉ sử dụng được tại biên giới Mộc Bài.

Di chuyển

Đi bằng ô tô khách (xe buýt):

- Từ quận 1, TP HCM đến Mộc Bài đi xe khách mất 2 tiếng

- Từ Mộc Bài đến Phnom Penh đi xe khách mất 4 tiếng

- Từ Phnom Penh đến Sihanoukville đi xe khách mất 6 tiếng

- Từ Sihanoukville đến đảo Koh Rong đi tàu cao tốc chỉ mất 40 phút còn đi tàu chậm thì mất 2 tiếng.

Vì riêng ngồi xe khách đã kéo dài đến 12 tiếng nên bạn cần sạc đầy pin điện thoại và mang sạc dự phòng, chuẩn bị sẵn các đồ giải trí để không bị nhàm chán khi ngồi trên xe.

Hướng dẫn đặt vé và chỗ ở

Đặt vé xe TP HCM-Sihanouk:


Nếu bạn ở TP HCM, hãy đến phòng vé tại 301 Phạm Ngũ Lão, quận 1. Có nhiều hãng xe để bạn lựa chọn. Từ TPHCM đi Sihanouk mất 12 tiếng (chuyển xe tại Phnom Penh) nên chọn xe ghế ngồi điều hòa và có nhà vệ sinh trên xe. Giá vé: 500.000 đồng chiều đi và 400.000 đồng chiều về. Bạn nhớ mang theo hộ chiếu khi đặt vé.

Đặt chỗ ở:


Bạn có thể tìm kiếm trên trang Agoda, Booking để tìm phòng với giá cả phù hợp. Nếu chủ yếu chơi ở Koh Rong thì để tiết kiệm chỉ cần chọn Guest House tầm 10 -15 USD/đêm tại Sihanouk còn ở Koh Rong thì đặt Bungalow có view nhìn ra biển giá 50 USD/đêm. Nếu đặt qua mạng, bạn nhớ in ra mang theo để check-in phòng.


Màu xanh ngọt ngào của bầu trời và nước biển tại đảo Koh Rong.

Book vé tàu đi Koh Rong:


Khi đến Sihanouk, bạn hãy hỏi những người lái xe tuktuk tại đây chỗ đặt vé đi Koh Rong tên "Dive Center". Bạn chọn giờ khởi hành, gồm có 3 chuyến trong ngày: 8h, 11h và 16h là chuyến cuối cùng.

Có 2 loại phương tiện là Speed Ferry (tàu nhanh, 25 USD khứ hồi, đi trong 40 phút) và Slow Boat (tàu chậm, 15 USD khứ hồi, đi trong 2 tiếng). Thoạt nghe đi trong 40 phút có vẻ ít nhưng đó là khoảng thời gian rất kinh khủng vì dễ bị say sóng. Tùy vào thể trạng mà thời gian phục hồi của bạn đến đâu. Nếu là phụ nữ, sức khỏe bình thường thì cũng cần mất khoảng một tiếng để khỏe lại sau khi bước ra khỏi tàu cao tốc.

Lịch trình


Ngày 1:


Di chuyển từ TP HCM HCM đến Sihanoukville (7h-19h), nghỉ ngơi buổi tối tại Sihanouk.

Ngày 2:


- 11h - 11h40: đi tàu ra đảo Koh Rong.

- 12h: đến đảo, bạn nên đặt luôn chuyến về cho ngày hôm sau, sau đó đi ngắm cảnh quanh đảo.

- 16h - 17h: đến công viên Rope chơi các trò cảm giác mạnh.

- 17h - đêm: đi bộ ngắm cảnh, ăn uống.

Ngày 3:


- 12h: check-out hotel và nghỉ ngơi tại bờ biển

- 16h-16h40: đi tàu về Sihanoukville

- 17h: check-in hotel, nghỉ ngơi và tiếp tục dạo chơi

Ngày 4:


- 7h: trả phòng khách sạn và về Phnom Penh

-13h: có mặt tại Phnom Penh, kiểm tra và đặt chuyến về TP HCM

-15h-19h: từ Phnom Penh về TP HCM.

Bờ biển Sihanouk ban đêm.

Điểm vui chơi ở Sihanoukville và Koh Rong


Sihanoukville:


Trung tâm của Sihanoukville là tượng 2 con sư tử, khá gần bờ biển. Mọi hoạt động nhiều nhất khu vực đều diễn ra xung quanh 2 con sư tử này. Bạn nên xem bản đồ khi đặt khách sạn để dễ đi lại và vui chơi, không phải chi quá nhiều phí cho Tuktuk.

Nên ở gần đường Serendipity Rd. nếu thích náo nhiệt và nhiều hoạt động hơn. Ví dụ như nhà nghỉ có tên Invito Cambodia Hotel, tại đường Serendipity Rd. cách bờ biển và bến tàu 3 phút đi bộ. Tầng trệt là nhà hàng còn phòng của khách ở tầng 2 trở lên. Giá phòng là 10 USD/đêm, sạch sẽ, có quạt, thoáng mát, có wifi tại tầng trệt.

Xung quanh khu vực bờ biển Sihanoukville có rất nhiều hàng quán với đa dạng văn hóa ẩm thực từ châu Âu đến châu Á. Hầu hết nhà hàng đều đặt menu phía trước, bạn có thể tham khảo giá trước khi bước vào.

Dọc bờ biển Sihanouk gần bến tàu có rất nhiều các quán bar-pub với hoạt động thâu đêm suốt sáng. Khách du lịch ở đây khá "quậy". Họ có thể đấu vật, thi nhảy thoát y... hầu hết là người châu Âu, châu Mỹ, người châu Á đa phần là Việt Nam và Trung Quốc sẽ đứng bên ngoài cỗ vũ.

Các quán bar đều sử dụng ghế bành tròn có lót đệm nằm rất sướng. Họ thường bỏ nến vào trong bình nước được cắt đôi có chứa cát rất dễ thương và lung linh. Bạn có thể gọi một ly nước và nằm cả ngày ở đây cũng chẳng ai nói gì vì người Campuchia rất hiền.

Vào thời điểm Tết Âm Lịch, các quán bar tự mua pháo bông và bắn ngay tại bờ biển khu vực của họ để hút khách. Nếu thích, bạn có thể mua một vài cây pháo bông loại tiểu với giá 3-5 USD/cây cho một lần chơi được vài phát.


Một góc quán Pub sát biển của đảo Koh Rong.

Koh Rong:


Gợi ý một Bungalow đẹp nhìn ra biển là Highland Beach. Đây là một nhà sàn biệt lập, phòng ở sạch sẽ xây toàn bằng gỗ, nhà vệ sinh sạch, có quạt, ban công nhìn ra biển, không wifi. Với view này, bạn tha hồ chụp ảnh đẹp. Vị trí Highland Beach không gần biển, nó nằm trên đồi cách bờ biển 5-7 phút đi bộ và đường đi khá dốc, nhưng lại gần nơi chơi các trò cảm giác mạnh (cách khoảng 3 phút đi bộ).

Giá Bungalow của Highland Beach đặt trên Agoda là 50 USD/đêm, check-in lúc 12h, check-out 10h nhưng bạn có thể xin nhân viên cho ở đến 13h vì bận tắm biển. Tuy nhiên, giá đặt trực tiếp chỉ khoảng 30 USD/đêm, nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể đến đây rồi đặt nhưng khá rủi ro vì sẽ có khả năng không còn phòng trống.

Ngoài Bungalow trên cũng có khá nhiều nhà nghỉ giá mềm hơn tầm 15 USD/đêm thậm chí có lều cho 2 người ở sát bờ biển chỉ 6 USD/đêm, sẽ mang lại cho bạn cảm giác “Robinson” và hoang dã hơn. Một đặc điểm của Campuchia là muỗi rất nhiều và rất to, nhất là khu gần biển. Bạn có thể chuẩn bị kem chống muỗi cho chuyến đi của mình.

Một góc khác của đảo Koh Rong.


Khi đến một nơi gọi là “đảo thiên đường” thì bạn còn muốn chơi gì làm gì nữa? Bạn chỉ cần nằm ườn ra, ăn, ngủ, tắm biển, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, hưởng thụ, hưởng thụ và hưởng thụ... Ban đêm thỉnh thoảng bạn sẽ được thưởng thức vài màn hát guitar của khách Tây và biểu diễn các tiết mục với dụng cụ...

Chơi trò cảm giác mạnh thám hiểm công viên Rope


Đặt vé:


Đặt vé tại Dive Center: 20 USD/ người trả cùng với vé tàu (tổng cộng vé tàu và vé chơi game: 25 USD + 20 USD = 45 USD). Nếu đến đảo bạn mới mua thì giá chơi trò này là 35 USD/người

Thời gian: chơi trong 1 tiếng bắt đầu từ các mốc giờ: 9h30 - 10h30 - 13h30 và 16h.

Các thông tin khác:


- Trò chơi không dành cho người sợ độ cao, phụ nữ có thai hoặc bị các bệnh về tim mạch.

- Tuỳ theo số lượng người mua vé mà nhóm bạn dao động 2-5 người. Hướng dẫn là một chàng người Nga hoặc Campuchia, giỏi tiếng Anh. Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu với bạn có bao nhiêu chặng phải vượt qua và chính bạn phải là người thực hiện, họ chỉ hướng dẫn cách để bạn vượt trạm. Có khoảng 15 trạm và chơi trong 1 tiếng. Càng về sau, độ cao càng tăng. Cao nhất là 170 m.

- Nên tập trung nghe chỉ dẫn về các vấn đề an toàn và đừng đùa giỡn trên cao để chuyến đi được trọn vẹn niềm vui.


Chặng Flying barrel của thử thách mạo hiểm.

Các chặng cơ bản làm toát mồ hôi như:


- Zip-line (giống tarzan trượt trên không)

- Flying barrel (ngồi trong lồng rồi trượt)

- Rope V-Bridge (đi trên sợi dây hình chữ V)

- Zig-Zag Bridge (đi trên mấy miếng gỗ đặt so le và đong đưa)

Ăn uống


Ăn uống tại Campuchia khá đa dạng vì du nạp của nhiều nước, thức ăn địa phương là các món Khmer. Một số món giống Việt Nam (hủ tiếu), một số món giống Thái Lan (tom yum), Kebap (bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ), còn có cả bánh kếp...

Món ăn khá ngon nhưng không lạ và rẻ như ở Bangkok, mặt bằng giá tương đương tại Việt Nam. Trung bình giá món ăn/uống: nước cam 1 USD, coca 2 USD, củ sắn vỉa hè 0,5 USD, hủ tiếu 2 USD, mỳ xào 2,5 USD, BBQ 5 USD, tom yum 4,5 USD.

Gà nướng BBQ và thập cẩm có giá 5 USD/đĩa.

Về dân địa phương và các du khách khác


Người Campuchia thì hiền nhưng không có khiếu hài hước và khá thụ động. Khả năng tiếng Anh của họ hầu hết chỉ đếm được số. Trong mỗi nhà hàng/quán ăn đều có ít nhất một người giỏi tiếng Anh.

Các khách du lịch hầu hết là Nga, một số đến từ Hoa Kỳchâu Âu, ít người da đen, châu Á có Trung Quốc và Việt Nam. Khách du lịch từ Nga rất nhiều thậm chí các bảng hiệu và menu đều để 3 thứ tiếng là Campuchia, Anh và Nga. Chủ và quản lý nhiều nhà hàng cũng là người Nga và thậm chí có người đã và đang sống tại Campuchia một thời gian dài. Người Nga nhận thức được điều này nên họ tự cho mình quyền ưu tiên, hống hách và bất lịch sự. Bạn nên hạn chế tiếp xúc vì họ có thể kéo cả nhóm đến cãi nhau với bạn chỉ vì giành giật một miếng bánh kếp.

Một số khách du lịch Tây Âu khác đi theo chương trình của tổ chức phi chính phủ NGO (Non-Governmental Organization), họ đến để làm từ thiện, liên quan đến giáo dục và nâng cấp cộng đồng, họ thấy vui và nảy sinh tình cảm tại đây nên một số đã gắn kết khá lâu với hòn đảo này.

Tổng chi phí cho chuyến đi (2 người)


- Vé xe bus đi và về: (500.000 + 400.000) x 2 = 1.800.000 đồng

- Vé tàu + game High Point: 45 USD x 2 = 1.800.000 đồng

- Highland Beach Bungalow 1 ngày: 1.200.000 đồng

- Nhà nghỉ tại Sihanoukville 2 ngày: 600.000 đồng

- Ăn uống 4 ngày: 2.000.000 đồng

- Đi lại: 300.000 đồng

- Tổng: 7.700.000 đồng cho 2 người

Giá tour hiện nay là 4.500.000 đồng/người, với chương trình của tour thì bạn sẽ không đi Koh Rong mà ngắm núi Tà Lơn từ Sihanouk.

Bài và ảnh: Zoey Hoa

Lịch trình ba ngày du ngoạn Tiền Giang dịp năm mới


Nhấm nháp đủ loại đặc sản, nghe câu vọng cổ mùi mẫn giữa không gian xanh mát là những trải nghiệm thú vị chờ bạn ở sông nước Tiền Giang.

Xem thêm: Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Phương tiện di chuyển


Từ TP HCM bạn có thể đến bến xe miền Tây mua vé đi Tiền Giang hoặc đặt qua mạng vé xe với giá 60.000 đồng/lượt/người.

Tiền Giang chỉ cách TP HCM khoảng 70 km nên bạn cũng có thể tự chạy xe theo Quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương là đến cửa ngõ TP Mỹ Tho. Đặc biệt từ khi có cầu Mỹ Lợi thì khoảng cách từ TP HCM đến thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) chỉ còn 25 km nên lựa chọn đi bằng xe máy cũng không phải là ý kiến tồi.

Nghỉ ngơi


Bạn có thể nghỉ một đêm ở Gò Công và một đêm ở Mỹ Tho. Ở Gò Công có nhiều khách sạn nhỏ như Liên Hương, Hồng Thành, Hoa Hồng với mức giá từ 250.000 đồng đến 450.000 đồng/đêm. Nổi bật có khách sạn Công Đoàn với mức giá 370.000 đồng/đêm.

Lịch trình gợi ý


Ngày 1: Khám phá Gò Công


Nơi đây có Lăng Trương Định được xếp là di tích lịch sử. Lăng mộ được xây bằng đá ong với hợp chất ô dước, đền thờ mang kiến trúc Đông phương với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thếp vàng.


Đến Gò Công nhớ ghé thăm quan Lăng anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: gocong.


Cách lăng Trương Định về hướng gò Sơn Quy là cụm lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826, thờ dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng là cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ. Đây là một trong những công trình hiếm hoi ở miền Tây có tuổi thọ vài trăm năm gắn với lịch sử.

Gò Công nổi tiếng với những trái sơ ri chín mọng cùng đặc sản mắm tôm chà. Món ăn dân dã này cách đây 200 năm đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế và trở thành món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19. Ngoài ra ở đây còn có làng nghề Ông Non chuyên đóng tủ thờ. Những chiếc tủ làm từ gỗ quý như gõ, mun, cẩm lai,... được cẩn, khảm vỏ ốc và xà cừ lấp lánh những hình ảnh tứ linh hay phong cảnh. Đặc biệt các mối nối chỉ ráp bằng mộng, chốt mà không dùng đinh sắt.

Rời thị xã Gò Công, đi theo hướng đông khoảng 15 km, du khách sẽ đến bãi biển Tân Thành để cào nghêu hay săn sam trên bãi cát xám đen, thưởng thức những con nghêu trắng phau tròn căng ngọt lịm được chế biến ngon miệng.

Theo hướng ngược lại bạn sẽ đến biển Vàm Láng cách thị xã 12 km. Chợ Vàm Láng là chợ đầu mối phong phú hải sản và giá cả khá “mềm”. Sau khi thăm chợ biển, bạn có thể đến làng Kiểng Phước để xem bảng sắc phong thần do vua Gia Long ban tặng và xem bộ xương cá ông không còn nguyên vẹn ở đình làng Vàm Láng. Dọc đường đi, bạn có thể ghé xã Phú Tân huyện Gò Công Đông để tham quan lũy Pháo Đài, một công trình quân sự phòng thủ kỳ vĩ do Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chỉ huy xây dựng để đánh thực dân Pháp những năm giữa thế kỷ 19.

Ngày 2: Tham quan Mỹ Tho


Tại Mỹ Tho có một số điểm tham quan bạn không nên bỏ qua. Chùa Vĩnh Tràng ở đường Nguyễn Trung Trực thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, xây dựng đầu thế kỷ 19 có đậm nét kiến trúc Á - Âu.


Chùa Vĩnh Tràng mang trong mình hai lối kiến trúc Á - Âu độc đáo. Ảnh: Phước Bình.


Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho ở 32 Hùng Vương được xây vào năm đầu thế kỷ 20 mang phong cách Tây Âu. Đền Điều Hòa số 101 Trịnh Hoài Đức vốn là nơi nghỉ chân của các quan triều Nguyễn khi đi công cán địa phương. Đình là nơi bảo tồn nhiều di tích vật thể và phi vật thể ở Tiền Giang. Ở đây còn có sân khấu hát tuồng theo phong cách ngày xưa khá thú vị để tìm hiểu.

Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 9 km, trại rắn Đồng Tâm là nơi bạn được tận mắt nhìn thấy hơn 400 chủng loài rắn từ không độc đến cực độc. Từ trại rắn đi thẳng 7 km theo tỉnh lộ 864 là đến khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút. Đây là nơi ghi dấu trận đại chiến chống quân Xiêm của Nguyễn Huệ xa xưa.

Ngoài việc tham quan nhiều nơi, bạn đừng quên thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho đậm đà hương vị đặc trưng. Sợi hủ tiếu dai mềm, nước lèo vừa có vị ngọt thanh của xương hầm vừa có vị mằn mặn của tôm khô, hòa quyện lại không chỉ đem đến cảm giác ngon miệng mà còn đọng lại một ấn tượng khó quên trong lòng du khách.


Hủ tiếu Mỹ Tho, đặc sản khó quên. Ảnh: Phước Bình.

Ngày 3: Du ngoạn trên sông Tiền


Du khách đã đến miền Tây thì không thể không đi chợ nổi. Nếu thích các hoạt động mua bán tấp nập, muốn cảm nhận không khí nhộn nhịp của hàng trăm xuồng ghe chở đầy ắp các loại trái cây, bạn nên đến chợ nổi Cái Bè từ lúc sáng tinh mơ. Tuy nhiên vào ban chiều, bạn có thể quan sát được cuộc sống của những con người lam lũ trên ghe thuyền, ngắm một chợ nổi chìm trong hoàng hôn đầy thơ mộng và lay động nhiều cảm xúc.

Từ chợ nổi, du khách có thể ghé thăm các làng nghề truyền thống ven sông như lò làm kẹo, lò làm bánh tráng, lò làm cốm, thủ công mỹ nghệ, lò nung gạch… Sau đó dừng chân nghỉ ngơi ở Cù lao Tân Phong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vườn trái cây trĩu quả. Thiên nhiên đã ưu đãi cho xã cù lao ở huyện Cai Lậy này nên khí hậu ở đây trong lành, đất đai trù phú màu mỡ.

Theo dòng sông Tiền, du khách còn có thể khám phá cồn Long - Lân - Quy- Phụng. Được mệnh danh là tứ linh, các cồn này đã tạo nên một bức tranh sông nước quyến rũ luôn hấp dẫn du khách. Cùng nằm giữa sông Tiền, nhưng cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong khi cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Cồn Long là nơi chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho. Ngoài ra, ở đây rất dễ bắt gặp những miệt vườn cây trái sum suê. Đến cồn Long, du khách được thỏa sức thưởng thức những đặc sản nổi tiếng từ sầu riêng, chôm chôm, sơ-ri cho tới ổi không hạt, cam, xoài, vú sữa.


Đến Tiền Giang chưa ghé chợ nổi Cái bè coi như chưa đi. Ảnh: Phước Bình.


Cồn Lân hay còn gọi là cồn Thới Sơn, là cồn lớn nhất trong số 4 cồn trên sông Tiền. Chèo đò theo những con rạch nhỏ quanh co, uốn lượn với hai hàng dừa nước là một kỷ niệm đẹp ghi dấu khó quên. Tại đây, bạn còn có thể tận hưởng đời sống dân dã khi được vào vườn hái trái cây, tận mắt nhìn ngôi nhà vườn ba gian, năm gian đặc trưng của miền Tây. Nghe câu vọng cổ mùi mẫn giữa khung cảnh thanh bình nơi đây chắc hẳn là một trải nghiệm lạ lẫm khó quên trong hành trình khám phá Tiền Giang của bạn.

Ăn uống


Đến miệt vườn ven sông Tiền, bạn hãy thử thưởng thức món cá bống dừa kho sệt trong nồi đất, rắc thêm tiêu xay và cho vào muỗng mỡ nước trước khi nhắc xuống khỏi bếp, ăn với cháo trắng hoặc cơm nếp. Hương vị đó đảm bảo bạn sẽ khó lòng quên được. Bên cạnh đó, bánh giá, ốc gạo Tân Phong, chuối quết dừa, mắm còng, gỏi nham là những món bạn không thể không nếm qua.

Quà mua về


Mua một chai mật ong về làm quà cho người thân sau những chuyến đi. Ảnh: Phước Bình.


Đặc sản mắm tôm chà hoặc mắm tôm chua Gò Công ăn kèm thịt ba rọi luộc cuốn với rau sống và bún tươi sẽ cho gia đình bạn những bữa ăn đổi vị độc đáo. Ngoài ra, bạn còn có thể mua tôm khô ở chợ hải sản hoặc nhiều loại trái cây ngon về làm quà như vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè, bưởi da xanh, bánh khô, mật ong…

Phước Bình

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Du xuân ở khắp mọi miền đất nước

Ngắm sương mù trong khung cảnh lãng mạn của Hạ Long, thả bộ trên những con đường nhỏ hẹp uốn lượn thấm đẫm hương trầm ở Hội An hay xuôi về miền Tây ghé chợ nổi... mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách dịp năm mới.
Xem thêm: Lễ hội xuân tại đất võ Bình Định

Ấm áp ngày Tết Hà thành

Tết là dịp để du khách cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của Hà Nội. Sắc xuân tràn ngập trên phố phường với màu xanh của cây cối, lá dong, màu đỏ của đào bích, sắc hồng của đào phai, vàng tươi của quất, bưởi, phật thủ, cam đường...

Đón Tết ở Hà Nội, bên cạnh việc thưởng thức những món ăn cổ truyền trong mâm cỗ ngày Tết, du khách đừng quên ghé Văn Miếu để cảm nhận không khí rất náo nhiệt của những người đến xin chữ cầu may.

Ngày Tết cũng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ, vàng của giấy viết, của những nét chữ ông đồ và vẻ tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.

Xin chữ đầu năm - một trong những phong tục đẹp ngày Tết.

Ngắm sương mù ở “núi trên biển”

Vào những ngày giao mùa, Hạ Long khoác trên mình một vẻ đẹp trầm lặng và bình yên đến quyến rũ. Giữa cái se lạnh nhẹ nhàng, đứng từ trên boong tàu nhìn về phía xa thấy dải sương lơ lửng đang sà xuống mặt nước, chỉ có những đảo đá nhô lên mờ mờ ảo ảo đẹp nao lòng.

Khung cảnh lãng mạn trên vịnh Hạ Long

Đến Hạ Long, du khách còn được chiêm ngưỡng cuộc sống của những ngư dân làng chài. Đó là hình ảnh nam giới đánh bắt vào mỗi sớm mai, phụ nữ nhóm lửa nấu bữa sáng cho gia đình. Những làn khói bay lên hòa quyện cùng sương mờ bên ánh lửa le lói tạo cho du khách một cảm giác ấm lòng, như xua tan cái lạnh của không gian.
Xem thêm: Vịnh Hạ Long lọt top 10 điểm câu cá thú vị nhất thế giới

Êm đềm phố Hội

Những ngày đầu năm, về phố cổ Hội An thả bộ trên những con đường nhỏ hẹp uốn lượn theo dòng sông Hoài trong không gian thấm đẫm mùi hương trầm để cảm nhận không khí Tết ấm cúng.

Giữa nhịp sống hiện đại, những nét văn hóa truyền thống ngày Tết vẫn vẹn nguyên trong mỗi nếp nhà, góc phố ở đô thị cổ Hội An. Đó là rước lễ vật cầu mùa của cư dân làng rau Trà Quế, thi làm đồ gốm ở làng gốm Thanh Hà hay tập hát bả trạo, cầu ngư của ngư dân các vùng quê biển. Trên phố cổ có nhiều trò chơi dân gian như hô bài chòi, đập niêu đất…

Trong không gian thanh lặng, du khách có thể ghé thăm các hội quán, nhà cổ; đến các ngôi chùa để trao gửi ước nguyện an lành, cùng thưởng thức những món ăn dân dã và ngắm phố cổ lung linh trong ánh đèn lồng huyền ảo.
Xem thêm: 15 bức ảnh Hội An nhìn là yêu

Du xuân sắm Tết

Ghé chợ nổi miền Tây những ngày trước Tết, từ sáng sớm, ghe thuyền đã tấp nập đổ về làm rộn rã cả vùng sông nước. Du khách không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những gì, chỉ cần chèo chậm, thong thả ngang qua chợ, cứ nhìn các nhánh cây bẹo buộc ở đầu ghe, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy. Tại đây, du khách có thể mua sắm vô vàn sản vật miền Tây để chuẩn bị cho ngày Tết, từ gạo cho đến rau của quả, trái cây tươi ngon, cho đến các loại thủy hải sản.

Rộn rã không kém là khung cảnh những ngày cuối năm tại các làng hoa ở Sa Đéc. Dọc theo bờ sông Tiền, hàng trăm nghìn bông hoa đủ chủng loại được thương lái đưa đi các tỉnh, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền khiến không gian nơi đây tràn ngập sắc xuân. Du khách sẽ thấy nhiều loại hoa với mùi thơm quyến rũ, cảm giác như được thả lòng, được tự do chiêm ngưỡng, hít thở bầu không khí trong lành do con người và thiên nhiên nơi đây mang lại.

Sắc xuân ở làng hoa Sa Đéc.

Đêm đông Đà Lạt với 5 trải nghiệm đáng nhớ

Ban ngày bạn đã thăm Langbiang, thung lũng tình yêu... thì buổi tối ở Đà Lạt và nhất là vào mùa đông càng đặc biệt hơn khi "săn" ảnh vườn hoa đêm, ăn các món ấm nóng như bánh tráng nướng hay ly sữa đậu nành.
Xem thêm: Những điều cần biết về Festival Hoa Đà Lạt 2015

5 gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có những kỷ niệm đáng nhớ khi ghé thăm xứ sở ngàn hoa.

Đi dạo chợ đêm

Chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: Ngoisao

Là một nơi hoạt động náo nhiệt, chợ Đà Lạt về đêm trở thành điểm hẹn cho những du khách thích mua sắm quần áo, tìm hiểu ẩm thực địa phương hoặc đơn giản là dạo chơi giữa không khí lạnh giá. Lang thang khu chợ và hòa mình vào nhóm khách du lịch túm tụm thưởng thức đặc sản, hoặc tìm mua một chiếc khăn quàng cổ làm quà cho người thân. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ của bạn vào mùa đông phố núi Đà Lạt.

Thưởng thức bánh tráng nướng, sữa đậu nành

Món bánh tráng nướng luôn hấp dẫn thực khách khi tới đây. Ảnh: Má Lúm

Đây là hai món trứ danh làm nên “thương hiệu” của mùa lạnh xứ này. Có rất nhiều loại bánh tráng, đa dạng về nhân cho bạn lựa chọn như trứng cút, xúc xích, khô bò, phô-mai... Bánh nướng trên than hồng, sau khi nướng chín và giòn đều, bạn có thể gấp lại làm đôi hoặc để nguyên chiếc. Bánh tráng nướng được dân xê dịch truyền tai nhau nên thử ở chợ Đà Lạt, hoặc đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật.... Mỗi chiếc chỉ với giá 10.000 - 15.000 đồng.

Sữa đậu nành nóng hổi được bán 5.000 đồng một ly ở khắp mọi nơi ở Đà Lạt, trong chợ, ven đường, hay cả trong chính khách sạn bạn ở.

Uống cà phê, gặp gỡ dân xê dịch

Quán cà phê với những góc ấn tượng ở thành phố ngàn hoa. Ảnh: Má Lúm

Nếu còn phân vân về lịch trình ngày mai hoặc muốn gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng sở thích du lịch bụi, hãy ghé quán Phượt cafe. Vài cái bàn, các góc đơn giản tự làm, cưa, vẽ… là thành nơi những người mê du lịch, nhiếp ảnh dừng chân mỗi khi đến thành phố sương mù.

Quán nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, do hai chàng trai 8X mở ra, một phượt thủ mê nhiếp ảnh đã “tung hoành” Nam Bắc và một chàng trai chơi xe độ có tiếng ở Đà Lạt. Họ như những “từ điển sống” về Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên, nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ khi dân xê dịch cần thông tin.

Ngắm Đà Lạt từ trên cao với Dalat Nights

Ngắm vẻ thơ mộng của Đà Lạt từ trên cao là một trải nghiệm thú vị. Ảnh: DNC

Bước chân ban ngày lang thang khắp Đà Lạt, tối đến bạn có thể tìm một nơi ngắm nhìn xứ hoa huyền diệu và nên thơ. Quán nằm trên ngọn đồi cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, giáp ranh giữa chân đèo Prenn và bến xe liên tỉnh.

Những đêm sương dày, từ trên cao nhìn xuống đèn thành phố lập lờ khuất trong sương như ảo mộng. Gọi một ly cà phê nóng, lắng nghe tiếng đàn nhẹ nhàng, và thu vào tầm mắt thành phố mộng mơ, chỉ vậy thôi cũng đủ làm bạn say lòng.

“Săn” ảnh vườn hoa đêm

Ánh sáng từ mhững thung lũng hoa mê hoặc lòng người. Ảnh: Má Lúm

Những cái tên như làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên... đã quá đỗi quen thuộc với cảnh sắc rực rỡ ban ngày. Buổi đêm, khi các luống hoa được thắp đèn, từ trên cao nhìn xuống, như những thung lũng ánh sáng mê hoặc. Ra khỏi trung tâm Đà Lạt 3 km, hãy đi vòng theo cung đường đèo, chọn điểm dừng và “săn” những khoảnh khắc huyền ảo của vườn hoa về đêm.

Má Lúm

Đầu năm lên Sapa để 'sống chậm' giữa thiên nhiên

Khi khu thị trấn trở nên quá đông đúc và xô bồ, nhiều người chuyển sang những điểm nghỉ dưỡng yên bình hơn ở cách đó không xa.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sapa

Ngày trước, thị trấn Sapa nổi tiếng với vẻ “lặng lẽ”, yên bình trong sương mù. Nhưng trong vài năm trở lại đây, lượng du khách ngày một đông lên khiến khu vực thị trấn trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn. Những vị khách vốn yêu cái không khí tĩnh của Sapa lại tìm đến các điểm mới xung quanh đó để tận hưởng không khí trong lành và cảm giác như thả hồn mình bồng bềnh trong làn mây mờ ảo.

Tả Van - thị trấn của người dân tộc thiểu số

Nằm trong thung lũng Mường Hoa, Tả Van cách Sapa khoảng 12 km nếu đi qua những bản làng. Nơi đây mang một dáng vẻ khác hẳn với thị trấn huyên náo. Nghĩa của Tả Van là “vòng cung lớn” bởi đến đây, du khách được ngắm nhìn khung cảnh trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn, những thửa ruộng bậc thang xòe ra như những cánh cung hay những bông hoa dại mọc trên phiến đá. Tại đây vẫn còn sót lại tập tục thờ đá của người Việt cổ với nhiều hình ảnh, hoa văn trên những mỏm đá.

Hai em bé dân tộc đi dạo trên cầu ở Tả Van vào sáng sớm. Ảnh: Tùng Neo.

Đến Tả Van, khách du lịch có thể ở homestay trong nhà người dân tộc Giáy và tham gia mọi sinh hoạt với chủ nhà để khám phá về văn hóa, ẩm thực. Khi đêm xuống kéo theo những cơn mưa bất chợt rì rào, nằm trên chiếc đệm ấm và đọc sách bên ngọn đèn dầu là trải nghiệm khó quên với bất kỳ người lữ khách nào.

Buổi sáng sớm, đi dọc theo con suối róc rách và qua những chiếc cầu treo, ta dễ dàng bắt gặp những em bé dân tộc có gương mặt ngây thơ và nói tiếng Anh giọng chuẩn Mỹ diện những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Cả Tả Van chỉ có khoảng 40 hộ dân và ngày ngày, họ sống một cuộc sống thanh bình, gần gũi với thiên nhiên, khác hẳn với chốn đô thị phồn hoa, ồn ào.

Nơi CEO Facebook và vợ từng dừng chân

Cách Tả Van 18 km có một khu nghỉ dưỡng mang tên Topas Ecolodge được mệnh danh là “bông hoa của thung lũng Mường Hoa”. Đây chính là nơi mà CEO Facebook – Mark Zuckerberg – và vợ là Priscila Chan từng tới nghỉ dưỡng vào năm 2011.

Sau khoảng nửa tiếng của cuộc hành trình đầy thú vị qua khắp các bản làng heo hút và ngập trong những làn mây mờ ảo, bóng dáng 25 ngôi nhà nhỏ trên một quả đồi sẽ khiến người du khách trở nên háo hức và hồi hộp chờ mong khoảnh khắc nhâm nhi một tách trà nóng bên ngoài ban công và thả hồn mình theo những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô trải khắp thung lũng Mường Hoa.

Khung cảnh Topas Ecolodge nhìn từ trên một quả đồi. Ảnh: Tùng Neo.

Được thiết kế như một khu du lịch nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, 25 ngôi nhà hình dáng thô mộc, bài trí theo kiểu nội thất tối giản đem đến cảm giác dễ chịu. Những món đồ đạc không thừa, không thiếu. Tất cả đều đủ dùng cho những nhu cầu cơ bản nhất. Những ai tìm đến đây sẽ dành phần lớn thời gian của mình để ngắm cảnh, đi dạo, trò chuyện với người bản xứ và thưởng thức món ngon địa phương mà nổi bật nhất là lẩu cá hồi.

Một điểm gây ấn tượng mạnh với hầu hết khách du lịch khi đến đây chính là đội ngũ nhân viên hầu hết là người bản địa. Người dân tộc Mông và Dao sau khóa đào tạo kéo dài hơn ba năm về cả chuyên môn và ngôn ngữ sẽ được có việc làm ổn định ngay chính quê hương mình là một nét nhân văn khiến nhiều du khách cảm động. Đây cũng là nơi tổ chức cuộc thi chạy maraton trên núi cứ mỗi dịp cuối hè, đầu thu hàng năm.

Trước đây, lượng khách tìm đến chủ yếu là người nước ngoài nhưng từ khi Mark Zuckerberg và vợ đặt chân tới nghỉ dưỡng, lượng khách Việt tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy người Việt ngày càng có xu hướng tìm về những khu nghỉ gần gũi với thiên nhiên để tận hưởng sự trong lành và sống chậm lại.

Nguyên Minh – Tùng Neo

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Những sân bay quốc tế có khu vui chơi xả láng

Nếu phải chờ đợi tại những sân bay này các hành khách không những không cảm thấy mệt mỏi, chán nản mà còn vui thích vì nhiều tiện nghi thú vị.

Xem thêm: Làm gì khi không tìm thấy hành lý tại sân bay

1. Sân bay Munich



Nếu điều gì làm hành khách ngạc nhiên nhất khi đặt chân đến sân bay Munich, Đức thì chính là khu vườn bia Airbeau. Rất nhiều người đã ghé qua đây làm một vài ly bia khi vừa rời sân bay chuẩn bị vào thành phố hoặc thậm chí chọn ngồi trong khu vườn bia này thay vì sảnh chờ cho chuyến bay sắp tới.

2. Sân bay quốc tế Incheon



Với những du khách yêu thích văn hóa Hàn Quốc, sân bay Incheon còn dành hẳn một khu vực để hành khách trong lúc chờ đợi có thể trải nghiệm phong cách ẩm thực và những nét văn hóa đặc biệt của xứ sở kim chi.

3. Sân bay quốc tế Hong Kong



Bạn có bao giờ nghĩ đến việc xem phim ở sân bay? Ý tưởng điên rồ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn này đã được sân bay Hong Kong ứng dụng. Ở đây có một phòng chiếu phim màn hình IMAX UA lớn nhất Hong Kong - nơi hành khách có thể xem những bộ phim mới nhất trong lúc chờ làm thủ tục hoặc nối chuyến.

4. Sân bay quốc tế O'Hare



Hệ thống ánh sáng ở sân bay quốc tế O'Hare, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ được thiết kế bởi nghệ sĩ người Canada Michael Hayden. Nó khiến cho O'Hare trông giống khu trưng bày nghệ thuật hơn là một sân bay hiện đại.

5. Sân bay quốc tế Changi



Changi của Singapore là một trong những sân bay xanh nhất thế giới. Trên tầng thượng của Changi còn có một hồ bơi với bể sục, cây cối được trồng khắp nơi giống một khu rừng nhiệt đới nghỉ dưỡng hơn là một sân bay với cường độ hành khách đến và đi luôn đông đúc.

6. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur



Rất nhiều cây lớn được trồng ngay cạnh khu vực sảnh chờ để hành khách có thể nhìn ra khoảng không xanh mướt thư giãn ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.

7. Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh



Trái với nhịp độ chuyển động không ngừng ở sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc, tại đây cũng có những khu vực khá yên ắng, tạo không gian thư giãn cho hành khách. Đặc biệt là một nhà hàng lớn có tên Comfort Garden phục vụ loại trà Trung Quốc thuần khiết thượng hạng.

8. Sân bay Marrakech Menara



Sân bay Marrakech ngoài kiến trúc ấn tượng thì còn có loạt cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công đặc trưng của đất nước Marốc như thảm, tinh dầu, đồ da, mây tre đan dành cho các du khách chưa có thời gian đi mua sắm.

9. Sân bay Adolfo Suárez Madrid–Barajas



Đặt chân tới sân bay Madrid, Tây Ban Nha bạn sẽ ngỡ như lạc vào một viện bảo tàng nghệ thuật đương đại nào đó. Khu vực Terminal 4 còn được làm bằng các bức tường kính cao, trong suốt để hành khách có thể nhâm nhi ly cà phê hoặc ngồi tán gẫu trong không gian sang trọng, thoải mái.

10. Sân bay quốc tế Dubai



Sân bay Dubai của Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất chính xác là nơi giấc mơ trở thành hiện thực. Không có gì mà sân bay này không có, từ bể bơi trong nhà, vườn nhiệt đới, phòng nghỉ cho thuê đến các điểm bán đồ ăn mang hương vị của rất nhiều nước trên thế giới.

11. Sân bay quốc tế Kansai



Sân bay Kansai cung cấp khá nhiều quầy bán đồ ăn Nhật thơm ngon và giá cả hợp lý, thích hợp cho những hành khách đang đói ngấu đói nghiến hoặc trót mê tít ẩm thực Nhật và muốn cố thưởng thức nốt trước khi phải rời đi.

12. Sân bay Zurich



Đi xe đạp xung quanh sân bay tưởng chỉ có là chuyện trong những bộ phim hài, hành động Hollywood nhưng hóa ra bạn hoàn toàn có thể thực hiện nó ở Zurich, Thụy Sĩ. Sân bay này có một phòng thể thao cho thuê xe đạp để hành khách dạo chơi, tiêu bớt thời gian chờ đợi nhàm chán.

Hà Đan (theo BuzzFeed)

Bài đăng phổ biến