Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Sức hút từ vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Su Phì

Ai từng ghé thăm huyện Hoàng Su Phì đều ví vẻ đẹp nơi đây như một thiên đường hoang sơ, nhất là với những người theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh, mảnh đất này có sức hút thật khó cưỡng. Hoàng Su Phì là một huyện vùng cao nằm ở biên giới tỉnh Hà Giang, từ lâu đã nổi tiếng bởi những ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Những ruộng bậc thang ở đây có thể xem là công trình kỳ vĩ, là kiệt tác tuyệt vời của thiên nhiên qua bàn tay sáng tạo của con người.

Sức hút từ vẻ đẹp hoang sơ của Hoàng Su Phì

1. Hoàng Su Phì mùa nước đổ


Khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là thời điểm Hoàng Su Phì bước vào mùa lúa mới. Dưới những cơn mưa mùa hạ tháng 5, người dân nơi đây sẽ tranh thủ đưa nước vào ruộng để canh tác. Nước tràn về khắp lối, bao phủ trên khắp thung lũng, đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp hơn. Vào mùa nước đổ ải này, Hoàng Su Phì tựa như một tấm gương khổng lồ nằm giữa đất trời bao la, phản chiếu bầu trời và những tia nắng rựa rỡ, tạo ra một khung cảnh vô cùng đẹp đẽ và long lanh.

2. Hoàng Su Phì mùa lúa chín


Mùa lúa Hoàng Su Phì mỗi năm chỉ có duy nhất một vụ vào khoảng tháng 9 – 10 dương lịch. Đây là thời điểm Hoàng Su Phì đẹp nhất với những cánh đồng lúa ngả màu vàng óng ánh, đung đua trong gió. Đứng trên cao nhìn xuống, nơi đây tựa như một tấm thảm dát vàng, phảng phất hương thơm của lúa mới. Bạn có thể tận hưởng cảm giác được đi dạo quanh những cánh đồng lúa chín vàng, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, hít hà những hương thơm dịu nhẹ của lúa mới hòa quyện vào sự bình yên của núi rừng.

3. Hoàng Su Phì đẹp dung dị trong mắt các nhiếp ảnh gia


Hoàng Su Phì hiện lên huyền ảo, hoang sơ nhưng cũng mộc mạc, gần gũi và đầy cảm xúc qua những bức ảnh của họ. Các tác phẩm của hai nhiếp ảnh gia đem đến cho người xem cảm nhận về sự hùng vĩ và trữ tình của những thửa ruộng bậc thang chảy tràn từ ngọn núi này đến ngọn núi khác, tựa như chiếc thang nối từ mặt đất đến bầu trời.

4. Những cánh đồng miên man ánh nước


Mỗi mùa, họ đều ghi lại được nét đẹp riêng của ruộng bậc thang - một hình thức canh tác đặc thù từ lâu đời của người dân bản địa và cũng là “đặc sản” của Hoàng Su Phì. Mùa nước đổ, người ta phải ngỡ ngàng trước các cánh đồng miên man ánh nước bàng bạc như những tấm gương tự nhiên nối tiếp nhau trải dài dưới mặt đất. Đến mùa lúa chín, cả một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt người xem. Các bậc thang vàng óng như những lớp sóng đổ từ đỉnh núi, gắn với niềm vui lao động của đồng bào vùng cao, thấp thoáng đây đó là những nếp nhà ẩn hiện trong làn khói rơm rạ.

5. Địa điểm ngắm ruộng bậc thang tuyệt đẹp


Nếu bạn không ngại vất vả và mạo hiểm một chút thì bạn có thể chinh phục ngọn núi Tây Côn Lĩnh để ngắm toàn cảnh ruộng bâc thang từ trên cao nhìn xuống cũng như tận hưởng không khí trong lành của núi rừng. Hành trình có thể dài và khó khăn hơn nhưng một khi đã đứng trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh ngắm nhìn những ruộng bậc thang, bạn sẽ thấy điều đó thật xứng đáng.


Nguồn: tổng hợp

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Lên Hà Giang ngắm Hoàng Su Phì mùa nước đổ

Nếu bạn lỡ hẹn với mùa tam giác mạch nở sớm ở Hà Giang, đừng buồn, vì nơi đây, nằm xa xa đầu cực bắc, còn có một Hoàng Su Phì mùa nước đổ đẹp như tranh vẽ đang chờ bạn ghé thăm.

Tọa độ Hoàng Su Phì – Hà Giang


Hoàng Su Phì là một huyện biên giới vùng cao thuộc tỉnh Hà Giang, phía bắc giáp với Trung Quốc, phía tây giáp huyện Xín Mần, phía đông giáp huyện Vị Xuyên, phía đông nam và nam giáp các huyện Bắc Quang, Quang Bình cùng tỉnh. Nằm trên địa bàn 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên thuộc tỉnh Hà Giang, cùng với địa thế cao, nơi đây thu hút những kẻ độc hành chính bởi sự hiểm trở đặc trưng của vùng địa đầu tổ quốc, sự hiểm nguy của con đường núi dài dẫn lên huyện và sự diệu kì của thiên nhiên – nơi những khói bụi, gấp gáp, bon chen của nhịp sống hiện đại vẫn chưa chạm đến. Nếu bạn là một người mê đi du lịch, chắc chắn bạn sẽ chẳng lỡ bỏ qua Hoàng Su Phì, nhất là lúc đương mùa nước đổ.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ – điểm nhấn độc đáo nơi Hoàng Su Phì


Chẳng có hình ảnh nào khiến bạn nhớ nhiều như những thửa ruộng bậc thang đương mùa nước đổ ở Hoàng Su Phì vào những ngày tháng 3, tháng 5. Được đất trời ưu ái hơn những huyện khác của tỉnh Hà Giang, đất đai nơi đây màu mỡ, phì nhiêu và đặc biệt thích hợp với cây lúa nước. Vào những ngày cuối xuân, đầu hạ, bà con nơi đây tất bật chuẩn bị cho vụ mùa mới, ruộng được dọn sạch, san đều, dẫn nước vào để chuẩn bị reo mạ. Tất cả, tạo nên một diện mạo mới cho những thửa ruộng bậc thang nơi đây, tạo nên một Hoàng Su Phì mùa nước đổ – lạ lẫm, xinh đẹp và đáng để ghé qua một lần trong đời.


Nếu đến Hoàng Su Phì mùa lúa chín, bạn ngỡ ngàng trước sắc vàng của những thửa lúa chín phủ kín không gian, cùng mùi hương thơm nhè nhẹ của những bông lúa vàng ươm trong nắng, thì ghé qua Hoàng Su Phì mùa nước đổ những ngày từ tháng 3 đến tháng 5, bạn sẽ không khỏi bất ngờ với một diện mạo khác lạ được tạo lên bởi sự đan xen tài tình của màu xanh mạ non mới nhú, lẫn ánh nước lóng lánh của hàng trăm thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, từ đỉnh núi xuống chân núi. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, tạo cho con người ta cái cớ để ở lại đây mãi chẳng muốn rời đi.


Đứng trên cao nhìn xuống, ngắm nhìn những thửa ruộng đang cấy dở và hít thở không khí trong lành, tinh sạch của núi rừng vùng địa đầu tổ quốc, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hòa quyện đồng điệu, hài hòa của thiên nhiên và của con người nơi đây… Bên cạnh những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ độc đáo, óng ánh trong những tia nắng đầu mùa, bạn sẽ còn thu hút, ấn tượng, bị lưu luyến bởi nét đẹp văn hóa, sinh hoạt và những lễ hội đặc sắc như lễ hội cúng ma khô của người Mông, lễ hội cúng thần rừng, lễ Tết của người Mông – những con người sống chậm rãi theo nhịp của núi rừng.



Tháng 4 này, nếu bạn đang băn khoăn tìm một điểm đến mới mẻ, đừng bỏ qua Hoàng Su Phì mùa nước đổ. Không lộng lẫy như Y Tý vào mùa xuân, hay dịu dàng như Sapa lúc đẫm sương, những thửa ruộng bậc thang có độ dốc lớn nơi Hoàng Su Phì có vẻ đẹp độc đáo của địa hình, sự mênh mông bất tận của thiên nhiên, chắc chắn sẽ chẳng làm mất lòng bạn.

Theo didi-adventure

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

Du lịch Hà Giang một mình, nên hay không?

Hà Giang đẹp quanh năm. Nếu vào tháng 1, cao nguyên đá Hà Giang thắm sắc hoa mận, hoa đào, tháng 4 rộn ràng chợ tình Khâu Vai thì tháng 5 có mùa nước đổ ải khiến du khách mê mẩn. Nếu bạn đang băn khoăn có nên đi du lịch Hà Giang một mình thì hãy dành thời gian đọc kĩ bài viết này nhé.


Nếu đây là lần đầu tiên đi du lịch xa, bạn đừng đi một mình! Du lịch xa có rất nhiều vấn đề phải đối mặt và nhiều tình huống phải giải quyết. Do đó, bạn sẽ không khỏi bối rối.

Nếu là người yếu đuối và không có lập trường, bạn cũng đừng đi một mình! Có nhiều người khuyên rằng những chuyến du lịch một mình sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, chín chắn hơn, biết tự mình giải quyết mọi vấn đề phát sinh thay vì vẻ yếu đuối hiện tại? Nhưng họ đã bao giờ đặt mình vào vị trí của bạn? Thực tế, để thay đổi tính cách không nhất thiết phải đi xa mà trong cuộc sống hằng ngày, bạn đã có thể tự rèn luyện. Đi du lịch một mình không chỉ là để khám phá, trải nghiệm mà đi còn là để trở về.


Nếu bạn sợ cô đơn đừng đi du lịch Hà Giang một mình! Du lịch một mình nghĩa là bạn sẽ phải làm quen với sự cô đơn vốn có của mảnh đất Hà Giang với núi rừng trùng điệp. Bạn sợ cô đơn? Du lịch một mình bạn sẽ không bỏ về giữa chừng chứ?

Nhưng nếu du lịch một mình là đam mê của bạn, bạn có cách tự bảo vệ và chăm sóc mình thì còn chần chờ gì nữa, xách ba lô và lên đường thôi.

Xem thêm: 5 cung đường phượt nên thử một lần ở Việt Nam


Đi du lịch Hà Giang một mình, bạn có thể thỏa sức đặt chân đến bất cứ nơi đâu mình muốn, ăn bất cứ thứ gì mình thích. Bạn sẽ được tận hưởng cảm giác tự do tuyệt đối mà không bị ai quấy rầy hay làm phiền. Bạn có thể quyết định mọi thứ mình muốn, thay đổi lựa chọn vào phút cuối một cách tùy hứng mà không phải hỏi ý kiến hay giải trình với ai khác. Đây là thời gian để bạn hoàn toàn tận hưởng cuộc sống theo đúng nghĩa.

Tuy nhiên, du lịch cùng những người bạn thân thì sẽ vui hơn, tiết kiệm hơn và cũng an toàn hơn nữa.


Cá nhân mình, mình sẽ chọn du lịch một mình. Đơn giản là vì tuổi trẻ chỉ có một, mình biết cách chăm sóc bản thân và một vài giải pháp để đảm bảo chuyến đi an toàn. Một lần thoát ra khỏi sự an toàn vốn có, bước vào vùng bí ẩn và chịu mọi trách nhiệm với bản thân mình cũng là một trải nghiệm thú vị trong hành trình tuổi trẻ, đúng không?

Hà Giang đâu chỉ có hoa tam giác mạch, hoa mận hay hoa đào…Hãy thử ghé thăm một vài điểm gợi ý dưới đây, đảm bảo bạn sẽ yêu hơn mảnh đất kì vĩ này.

Cột cờ Lũng Cú – “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”



“Lũng” trong tiếng H’mông là ngô, Lũng Cú là thung lũng ngô, sở dĩ có tên như vậy vì nơi đây có những cánh đồng lớn đều trồng ngô. Đó là cách giải thích đơn giản nhất, giản dị mộc mạc như tâm hồn của người dân nơi đây. Nhưng có một cách giải thích khác mang màu sắc huyền thoại về ngọn núi Lũng Cú, hay còn gọi là núi Rồng, núi Long Cư, tức nơi rồng thiêng từng cư ngụ. Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước, mặc dù ở độ cao chót vót nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng).

Xem thêm: 5 sai lầm thường mắc khi phượt Đông - Tây Bắc lần đầu

Dinh họ Vương – Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá


Đến Hà Giang, du khách sẽ được tham quan nhiều thắng cảnh, điểm du lịch hấp dẫn khác nhau. Nhưng có một địa danh mà ai đến đây cũng không thể bỏ qua đó chính là dinh họ Vương. Đây được xem là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng ở Hà Giang.
Đây vừa là một di tích lích sử, đồng thời là công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và độc đáo của vùng cao nguyên đá. Các ngôi nhà trong khu dinh thự đều được làm bằng gỗ quý từ thời cổ, gồm tất cả các bộ phận từ cột, kèo, sàn, vách, còn mái nhà được lợp bằng ngói máng. Công trình đã được xếp hạng di tích năm 1993. Phải mất 8 năm, dinh thự mới được hoàn thành. Chính sự tỉ mỉ, điêu luyện của các nghệ sỹ đã tạo nên một công trình kiến trúc đẹp và hoành tráng như vậy.

Phố cổ Đồng Văn – Nét chấm phá giữa lòng cao nguyên đá



Nhắc đến phố cổ, người ta sẽ nghĩ ngay đến phố cổ Hội An hay Hà Nội 36 phố phường, nhưng bạn đã từng ghé thăm phố cổ Đồng Văn - địa điểm vô cùng thích hợp cho những ai thích du lịch Hà Giang một mình.
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Trong đó khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, phố cổ đẹp dịu dàng như bức tranh thủy mặc nhờ sự pha trộn tài tình của hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Thật khó để diễn tả hết vẻ đẹp của phố cổ Đồng Văn, nhưng chắc chắn rằng, ai đã từng đến đây một lần đều thấy lưu luyến mãi.

Theo Timeoutvietnam

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Mê đắm những mùa hoa tuyệt đẹp ở Việt Nam

Không chỉ để lưu lại những bức hình đẹp, đi du lịch theo mùa hoa nở ở Việt Nam, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cả một góc trời rợp màu sắc hoa tinh khôi.

Tam giác mạch – Hà Giang


Hàng năm cứ vào tháng 10, các bạn trẻ lại bắt đầu hỏi nhau “Khi nào tam giác mạch nở?”. Hành trình đến với Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng – ba địa danh nổi tiếng với loài hoa tam giác mạch – trở nên nóng hổi trên các trang mạng xã hội.

Thông thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tùy thời điểm gieo trồng của bà con trước đó. Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Vì thế nên chú ý kiểm tra thông tin để có thể trải nghiệm đúng thời điểm tam giác mạch nở rộ.
Tam giác mạch có ở Lào Cai, Cao Bằng nhưng đặc sắc nhất là ở Hà Giang. Nơi này nổi tiếng với nhiều địa danh có cảnh quan tươi đẹp thắm sắc tam giác mạch: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé… Ngoài việc khám phá cảnh quan mùa tam giác mạch rực rỡ sắc màu, bạn cũng có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa.

Xem thêm: Khám phá những vùng hoa tam giác mạch đẹp nhất Việt Nam

Hoa dã quỳ – Ba Vì


Dã quỳ vốn nổi tiếng trên những vạt đường Tây Bắc khúc tuy nhiên nếu bạn là không có điều kiện đi quá xa Hà Nội nhưng vẫn muốn được chiêm ngưỡng loài hoa báo đông luôn đúng hẹn này, vườn Quốc gia Ba Vì là một lựa chọn hoàn hảo.
Dã quỳ Ba Vì chỉ nở rộ trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần, bắt đầu từ giữa tháng 11 dương lịch, nếu muốn ngắm dã quỳ, bạn hãy lên lịch ngay để bỏ lỡ mùa hoa nở vào tháng tới.

Cải trắng – Mộc Châu


Cuối tháng 11, khi mà Hà Giang đã qua mùa hoa tam giác mạch, dân du lịch lại tìm đến Mộc Châu để thưởng thức mùa hoa nơi thảo nguyên bao la này.
Những đồi hoa cải, hoa chè, rừng mơ và cả hoa trạng nguyên, hoa dã quỳ nở muôn màu sắc là những địa điểm hấp dẫn du khách.

Hoa Mơ, hoa Mận – Mộc Châu


Những tia nắng xuân ấm áp bắt đầu ló dạng trên vùng trời Tây Bắc, thì dường như cũng là lúc Mộc Châu chuyển mình. Một màu rực sáng với nhiều sắc hoa đặc thù của xứ sở này dần hiện ra trong sương sớm. Màu trắng của hoa mận, hoa cải và phơn phớt hồng của hoa mơ khiến du khách không thể kiềm lòng trước vẻ đẹp trong trẻo của vùng đất này.
Hoa mận, hoa mơ có đặc điểm là nở rất nhanh và nở rộ trong vòng hai đến ba tuần lễ, nên nếu bạn muốn chiêm ngưỡng thì phải lên kế hoạch tới Mộc Châu trong những ngày đầu tháng 2.

Xem thêm: Những điểm du lịch Việt Nam hấp dẫn mùa cuối thu

Hoa ban – Tây Bắc


Hằng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết nắng ấm, ở vùng Tây Bắc hoa ban bắt đầu nở trắng núi, trắng rừng.
Hoa ban nở là báo hiệu mùa xuân. Nếu hoa nở khắp vùng,hương thơm ngan ngát là hứa hẹn một mùa mưa thuận gió hòa,mùa màng bội thu. Hoa ban có nhiều màu sắc: ban đỏ, ban tím nhưng nhiều nhất vẫn là ban trắng. Nếu đã 1 lần đến với Sơn La hay Điện Biên thì bạn không thể cưỡng lại được vẻ đẹp khi ban trắng nở rộ.

Hoa trẩu – cuối xuân, đầu hạ


Những ngày tháng 4, từ Yên Bái, Lào Cai đến Tuyên Quang, Hà Giang… đâu đâu cũng trắng trời một loài hoa xinh đẹp: hoa trẩu. Loài hoa của núi rừng ấy chỉ ngập tràn khi những cơn mưa cuối xuân, đầu hạ tưới mát cả vùng núi rừng.
Hoa trẩu trắng như tuyết, đậu trên những vòm lá xanh non, một vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc.

Hoa sưa – Hà Nội


Đó là loài hoa đặc biệt chỉ nở vào mùa xuân. Thời gian nở của hoa sưa rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng một đến hai tuần, khi trời đã sang xuân và còn rét. Suốt cả năm, cây hoa sưa không có gì nổi bật. Nhưng đến đợt hoa nở trắng muốt thì bao nhiêu lá lại thắm xanh lên đẹp vô cùng.
Hà Nội, hoa sưa không trồng trên một phố nhất định mà rải rác ở một vài con phố. Mỗi phố cũng chỉ nhiều nhất là 3 cây tạo nên vẻ đẹp độc đáo của loài hoa này. Dạo quanh những con phố Hà Nội vào khoảng cuối tháng 3 mới thấy hết vẻ đẹp của hoa sưa. Vào thời điểm đó, quanh khu vực hồ Giảng Võ, phố Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám hay đường Thanh Niên… đều có thể bắt gặp những chùm hoa sưa trắng muốt rộ sắc một góc trời.

Xem thêm: Ngỡ ngàng “giấc mộng hoa” phương Bắc

Theo Yêudulich

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Tháng 7 đi Hoàng Su Phì ngắm ruộng đổ nước

Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng của Hoàng Su Phì ánh lên một màu bạc lấp lánh, tựa như một tấm gương khổng lồ in bóng đất trời, núi rừng miền sơn cước.
Xem thêm: 15 đặc sản Hà Giang làm mê lòng dân phượt

Hoàng Su Phì là một huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang. Nhắc đến Hoàng Su Phì người ta nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang với màu vàng óng của lúa chín. Thậm chí ruộng bậc thang ở nơi đây còn được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 2012. Nếu lên Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, bạn sẽ thấy nơi đây như một tấm thảm trải dải với màu vàng óng hay xanh mướt của lúa mới. Còn vào khoảng tháng 5 đến tháng 7, Hoàng Su Phì lại tựa nhưng một tấm gương khổng lồ phản chiếu mây trời, núi rừng Đông Bắc.

Hoàng Su Phì đẹp và bình yên giữa núi rừng Đông Bắc.

Đây là thời điểm lúa đã được gặt xong cũng là lúc những cơn mưa mùa hạ xuất hiện nhiều, bà con sẽ tranh thủ để đưa nước vào ruộng, chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Vào mùa nước đổ, những thửa ruộng như khoác lên mình một tấm áo mới, lấp lánh ánh bạc dưới nắng. Những thửa ruộng đều tăm tắp, uốn lượn bao quanh theo những triền đồi, lưng núi khiến những vị khách phương xa đến không khỏi ngỡ ngàng. Đến đây bạn mới thấy bàn tay con người kỳ diệu đến nhường nào. Để canh tác được trên những thửa ruộng bậc thang như này bà con nơi đây phải tốn không biết bao nhiêu công sức. Có lẽ cũng bởi thế mà sau mỗi vụ mùa họ lại làm lễ tạ ơn đất trời đã cho họ một vụ mùa no đủ, bội thu.

Đường lên Hoàng Su Phì giờ đã thuận lợi hơn rất nhiều, cách Hà Nội khoảng 300 km và đường rất đẹp, những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt. Từ Hà Nội bạn theo QL2 đi qua Tuyên Quang là đến Hà Giang. Con đường từ ngã 3 Tân Quang lên Hoàng Su Phì được xem như “cửa ải” của cung đường này. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau vô cùng nguy hiểm nhưng cũng lại rất hùng vĩ và nên thơ. Bởi vậy mà nơi đây còn là điểm đến được những kẻ ưa xê dịch, ưa khám phá hẹn nhau mỗi khi vào mùa. 

Bà con tranh thủ dẫn nước vào các thửa ruộng. Ảnh: Thanh Hà

Hoàng Su Phì đẹp bởi sự yên bình giữa mênh mông đất trời và đẹp bởi sự thân thiện, dễ mến của những người dân lao động chân chất nơi đây. Thế mới nói đến đây bạn không chỉ được “mãn nhãn” bởi sự tạo hóa của thiên nhiên, bởi những thành quả lao động đáng ngưỡng mộ của con người mà đến đây bạn còn được tìm hiểu, trò chuyện với những bà con dân tộc về văn hóa, về cuộc sống giản dị nơi đây. Sự an yên, trong lành của Hoàng Su Phì chắc chắn sẽ giúp bạn xua tan đi những mệt mỏi, lo toan sau những chuỗi ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng nơi phố thị đầy bon chen, xô bồ.

Bạn có thể chạy xe máy hoặc ô.tô Nếu muốn bảo toàn sức khỏe và tiết kiệm thời gian, bạn cũng có thể đi xe khách từ Hà Nội lên Hà Giang. Từ Hà Giang bạn bắt tiếp một lượt xe nữa lên Hoàng Su Phì, hoặc thuê xe máy từ Hà Giang để khám phá trọn vẹn những cung đường nơi đây. 

Tìm hiểu về văn hóa, lối sống của bà con nới đây cũng là một trải nghiệm rất thú vị. 
 
(Theo NgoiSao)

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

15 đặc sản Hà Giang làm mê lòng dân phượt

Thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn hay mật ong bạc hà là những món ăn khiến phượt phủ mê đắm ở vùng đất Hà Giang.

Xem thêm: Những trải nghiệm mới Hà Giang ngoài ngắm hoa Tam giác mạch

Đến Hà Giang, người ta không chỉ truyền tai nhau về cao nguyên đá, về những cánh đồng tam giác mạch hay những cung đường phượt mà còn về những món ăn khó quên.

Thắng dền

Thắng dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì vớt ra. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc, ăn ngon nhất khi vừa vớt ra, khói bay nghi ngút.

Bát bánh Thắng dền nóng hổi, thơm ngon. Ảnh: Quế Lan

Rêu nướng

Rêu nướng không thể thiếu trong bữa ăn của người dân tộc Tày, ở xã Xuân Giang. Món ăn là đặc sản Hà Giang lạ miệng, ăn ngon lại bổ. Rêu được lấy ở những khe đá dưới suối, rêu tươi được họ đem rửa sạch, vò hết nhớt, xé tơi và tẩm gia vị, sau đó gói trong những chiếc lá dong xanh tươi, gói lại chặt bằng dây lạt tre. Gói rêu sẽ được nướng cho tới khi chín thơm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.

Rêu nướng, món ăn hấp dẫn nhiều người. Ảnh: Tặng Đào

Trâu gác bếp

Cũng giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang. Miếng thịt trâu to để thớ dài, xiên vào que to treo lên gác bếp. Trước đó, thịt đã được tẩm gia vị ớt, gừng và mắc khén. Ăn miếng thịt trâu khô gần giống như thịt bò khô dưới xuôi nhưng ngọt đậm đà hơn, ban đầu thấy vị hơi lạ nhưng càng ăn càng nghiền. Chính bởi thế mà khách du lịch Hà Giang thường mua về làm quà.

Trâu gác bếp ngọt, thơm, mùi vị lạ nhưng dễ nghiện

Mật ong bạc hà

Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp các nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá là lúc những bầy ong cao nguyên đá đua nhau đi lấy mật về tổ. Mật ong bạc hà được người H'mông sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Thức uống có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng, có vị ngọt của mật ong nhưng lại man mát của bạc hà, rất đặc trưng.

Mật ong bạc hà không dễ mua vì khá hiếm. Ảnh: Hagiangonline

Xôi ngũ sắc

Hà Giang có rất nhiều món ăn nổi tiếng, một trong số đó là món xôi ngũ sắc dẻo thơm. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân tộc. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật khác, trắng, vàng, tím, đỏ, xanh, tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, được hoà hợp lại tạo lên món ăn ngon mà bắt mắt, thường được người dân tộc mang theo để ăn mỗi khi đi làm nương rẫy.

Để tạo lên màu sắc độc đáo của xôi ngũ sắc, người dân đã dùng các thành phần nhuộm màu tự nhiên: màu đỏ là màu của gấc, lá cơm đỏ; màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau sau.




Xôi ngũ sắc bắt mắt.


Cháo ấu tẩu

Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, song lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn rất tốt cho sức khỏe.

Bản chất ấu tẩu rất độc, muốn khử hết chất độc và chế biến thành món ăn ngon phải có bí quyết riêng. Củ ấu được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm ít nhất trong vòng 4 tiếng cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm, nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu, thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị vừa đủ. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi, tía tô mới thành một bát cháo hoàn hảo.

Bát cháo ấu tẩu hầm cùng chân giò có vị đặc trưng của người Hà Giang. Ảnh:Tapchimonngon

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách nhỏ, khi bắt, người dân thường kẹp trọn được chúng ở nách nên có tên gọi như vậy. Nó lai giữa lợn rừng và lợn Mường, được nuôi thả, không chuồng trại, ăn rau củ dại trong rừng nên thịt chắc, nạc, không mỡ nhiều như lợn dưới xuôi.

Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến theo nhiều cách như nướng, hấp, kho tùy sở thích. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.

Lợn cắp nách là món ăn ngon, dễ ăn. Ảnh: Eastbound88

Phở chua

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở một mình Hà Giang nhưng lại là một trong những món dễ ăn nhất cho du khách tới đây du lịch. Phở chua có nguồn gốc từ Trung Quốc trước đây được dùng trong đám cỗ. Hiện nay, món này được nhiều người chọn làm món điểm tâm trong các buổi chợ phiên.

Nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn này chính là bánh phở tươi ngon, nước dùng chua ngọt làm từ một loại dấm thật chua hòa với đường, cùng với bột sắn quấy sệt thêm một chút gia vị - tất cả được đun sôi lên và quấy đều tay. Tiếp theo đó là những lát thịt lợn rán, lạp xưởng rang cháy cạnh, vài miếng thịt vịt quay vàng rộm cùng tỏi tươi, đu đủ hoặc dưa chuột nạo và rưới nước dùng lên.

Phở chua không chỉ nổi tiếng ở Hà Giang mà còn ở hầu hết các tỉnh vùng biên

Bánh cuốn Đồng Văn

Không chỉ khách du lịch mà người dân ở đây cũng thường xuyên chọn bánh cuốn để ăn sáng hay thậm chí là ăn trưa trong những buổi chợ phiên. Ngoài bánh cuốn truyền thống, du khách tới Đồng Văn sẽ mê mẩn bánh cuốn hấp dẫn nơi phố cổ.

Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Thêm vài miếng chả, một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ tạo nên mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.

Cũng là bột gạo hấp tráng mỏng, song bánh ở đây trắng mịn, mỏng, mềm và rất thơm. Ảnh: Quế Lan

Cơm lam Bắc Mê

Đây là món ăn nổi tiếng ở vùng đất này, những ai tới Hà Giang mà không được thưởng thức món ăn này thì quả thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu.

Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.

Cơm lam Bắc mê thơm ngọt. Ảnh: Hagiangonline

Cam sành Bắc Quang

Cam Bắc Quang là loại trái cây ngọt lành bổ dưỡng, ở Hà Giang được trồng chủ yếu tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang.

Cam sành Bắc Quang quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh, cho vị ngọt thanh, mọng nước, có mùi đặc trưng của cam sành. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng. Đã từ lâu, cam sành đã trở thành thứ đặc sản nức tiếng, là thứ quà quý mà mỗi người đi xa muốn nhớ về quê hương. Có được hương vị đặc trưng, thơm ngon này cũng là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào.

Rượu ngô

Rượu ngô của Hà Giang được biết đến là rượu của người dân tộc Mông, được nấu từ thứ ngô bản địa của cao nguyên đá, cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô. Đặc biệt là nếu có quá chén thì hôm sau, người uống không bị mệt do độ cồn của rượu không quá cao, trung bình khoảng từ 25 - 30 độ. Sau những ngày vất vả, ngày Tết, ngày lễ, đặc biệt là ngày chợ, người Mông thường háo hức rủ nhau xuống chợ. Người ta cùng quây quần bên những gùi rượu, bàn rượu để dốc bầu tâm sự, rất tình cảm.

Chè Shan Tuyết cổ thụ


Chè Shan Tuyết là loại cây thân gỗ cổ thụ, thân to và lá chè mọc theo từng chùm trên cành. Không giống như loại chè khác ở Thái Nguyên hay Tuyên Quang chỉ là cây nhỏ thấp vừa tâm với, còn người dân làm chè Shan Tuyết đều phải trèo lên thân cây cao hoặc với lên những cây cao quá người để thu hoạch. Loại chè này còn có cây cổ thụ đến 100 tuổi, vài trăm tuổi.

Trà Shan Tuyết còn là bài thuốc tự nhiên để phòng trách một số bệnh nan y. Uống trà này thường xuyên sẽ tốt cho sức khoẻ của bạn, chống những căn bệnh khó chữa như ung thư, giải độc nhẹ, giúp cho tuổi thọ cao hơn và làm đẹp da.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch Ảnh: Hagiangonline

Nhắc tới Hà Giang là nhắc tới những cánh đồng hoa tam giác mạch đã trở nên rất nổi tiếng những năm gần đây. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt của cây, bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.

Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố.

Thắng cố

Thắng cố, món ăn phiên chợ Đồng Văn. Ảnh: Dulichhagiang

Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.

Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả…
(Theo NgoiSao)

Uống café ở cực Bắc, 'check in' cùng lúc hai quốc gia

Quán café duy nhất ở thôn Lô Lô Chải nằm cách cột cờ Lũng Cú 1,4 km và cách cột mốc 419 giáp ranh tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chưa đầy 1 km.
Xem thêm: Ngắm vẻ đẹp mê hoặc của cao nguyên đá Đồng Văn
Thôn Lô Lô Chải thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nằm dưới cột cờ Lũng Cú là nơi sinh sống của gần 100 hộ dân với khoảng 450 nhân khẩu. Nơi đây là khu vực gần biên giới Việt - Trung nhất ở cực Bắc tổ quốc và là điểm đến quen thuộc của dân phượt. Tại đây có một quán café duy nhất mang tên Cực Bắc, nằm bên cao nguyên đá Đồng Văn và dưới chân núi Long Sơn.

Quán café Cực Bắc do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang - xây dựng. Ông đã đầu tư gần như toàn bộ số vốn của mình để tạo nên quán café độc đáo này và sau đó giao lại toàn bộ cho một gia đình người Lô Lô để hoạt động kinh doanh.

Người vợ của chủ nhà cũng chính là bartender của quán Cafe Cực Bắc

Được bao quanh bởi một lớp hàng rào tường đá, quán mang không gian, kiến trúc theo phong cách truyền thống của người Lô Lô với nhà trình tường được dựng lên từ đất sét và đất thịt, mái lợp ngói âm dương. Quán chỉ có khoảng 4 đến 5 chiếc bàn nhỏ xinh đặt ngoài sân, ngay cạnh quầy bar và đủ cho khoảng trên dưới 10 người ngồi.

Người phụ nữ Lô Lô chủ nhà, cũng là người pha chế đồ uống, có thể nói được tiếng Anh. Chị giới thiệu quán có món café pha phin truyền thống của người Việt, trà xanh matcha của người Nhật và đặc biệt là món rượu ngô trứ danh của vùng đất Hà Giang.

Mang hương vị đậm đà, thơm nồng mùi ngô, món rượu này được coi như một “sơn tửu” quý giá và được rất nhiều du khách quốc tế ưa chuộng bởi khi uống rất êm, không gây đau đầu hay háo nước do được trưng cất thủ công từ men lá quý hiếm và nước suối tinh khiết chảy từ đầu nguồn trên núi cao xuống. 36 loại lá rừng trộn lẫn với bột kê và bột ngô sau khi ủ hai ngày và mang phơi nắng thì tạo ra loại men hảo hạng. Sau đó, những hạt ngô được nấu nát rồi trộn kỹ với men, ủ khoảng 5 ngày trong chum rồi mới đi chưng cất để tạo nên “danh tửu” này.

Ngồi trong quán nhâm nhi một tách café hay một bình rượu ngô thơm lừng ở nơi cực Bắc tổ quốc là một trải nghiệm rất “nhã” dành cho các du khách. Từ vị trí phía ngoài của café Cực Bắc, phóng tầm mắt ra xa, ai cũng có thể nhìn thấy cột cờ Lũng Cũ với quốc kỳ Việt Nam phấp phới trong gió.

Rời quán café và nhờ người dân bản địa chỉ đường, đi bộ khỏi Lô Lô Chải chưa đầy 1 km là du khách sẽ tới cột mốc biên giới 419. Đây là nơi đánh dấu chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhiều bạn trẻ tới đây vẫn thích thú khi nhón chân qua biên giới để trải nghiệm cảm giác đứng cùng lúc ở hai quốc gia.

Ngoài café Cực Bắc, thôn Lô Lô Chải còn nổi tiếng với dịch vụ homestay do Đại sứ quán Luxemboug tài trợ xây dựng, kết hợp với chính phủ Ireland để phát triển du lịch tại nơi đây. Những ai từng ghé thăm Lô Lô Chải đều thích thú trải nghiệm ăn tối với người bản địa với những món ăn dân dã như thịt lợn gác bếp, gà đen, đậu hà lan và tất nhiên không thể thiếu những ly rượu ngô với hương vị quyến rũ.

Lô Lô Chải nhìn từ cột cờ Lũng Cú

Cả café Cực Bắc và homestay đều nằm cạnh nhà văn hóa của thôn Lô Lô Chải. Vào buổi tối, nơi đây thi thoảng vẫn diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ của người Lô Lô. Phụ nữ diện những bộ váy áo rực rỡ màu sắc trình diễn những điệu múa dân tộc hay những bài hát mang âm hưởng núi rừng phía Bắc.

Đến mùa hoa tam giác mạch, cao nguyên đá Đồng Văn trở nên lộng lẫy hơn bao giờ hết với sắc trắng lan tỏa trên khắp nẻo đường và qua từng ngọn núi. Tìm đến quán nhỏ trong thôn Lô Lô Chải, tận hưởng không gian yên bình bên ly café mang hương vị cực Bắc và ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn nơi vùng cao là một trải nghiệm mà bất kỳ ai từng thử cũng sẽ cảm thấy cuộc sống xung quanh như chậm lại.
(Theo NgoiSao)

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Choáng ngợp trước vẻ đẹp của dãy “Himalaya tàng ẩn” vùng Đông bắc Việt Nam

Từ TP. Hà Giang, đi theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ; tiếp tục theo con đường này qua đèo Cán Tỷ hiểm trở, những cánh rừng thông đại ngàn, những con dốc quanh co, uốn lượn, du khách sẽ tới Đồng Văn – nơi được mệnh danh là dãy “Himalaya tàng ẩn”.


Với độ cao trung bình gần 1600m so với mực nước biển, tổng diện tích 2.530km2 trải rộng trên các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, cao nguyên đá hội tụ những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đa dạng, có giá trị khoa học phong phú và chứa đựng trong mình những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những địa danh trên cao nguyên đá xám trùng điệp

Chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng điệp, Mã Pì Lèng được du khách coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh Mã Pì Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nói chung là một “Tượng đài địa chất”. Đi trên đèo Mã Pì Lèng nhìn xuống vực sâu, con sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ mà muốn xuống đến mặt nước của sông phải mất hơn một ngày đường.Sự đan xen giữa nét nên thơ và hùng vĩ của cảnh sắc và con người trên những dãy núi đá trập trùng đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho dãy "Himalaya tàng ẩn" này.

Nơi đây chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất cùng với quá trình phong hóa đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” có khung cảnh kỳ vĩ

Phố cổ Đồng Văn

Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá… Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất. Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.

Cột cờ Lũng Cú

Điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam (Trung Quốc) đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc. Đứng ở trên phóng tầm mắt bao la bạn sẽ thấy đất nước mình đẹp và hùng vĩ biết bao.

Chợ phiên vùng cao

Hà Giang cũng như nhiều vùng núi khác thường có các chợ phiên. Nơi đây không chỉ là hình thức tổ chức kinh tế mà còn là nếp sinh hoạt văn hóa đậm đà và sâu sắc, chứa đựng các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Hà Giang thường có các phiên chợ lùi ở các xã. Gọi là chợ lùi vì họp luân phiên ngược lại các thứ trong tuần. Ví dụ tuần này họp vào chủ nhật, tuần sau sẽ họp vào thứ 7, tiếp theo sẽ vào thứ 6… Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà nó còn là nơi biểu hiện đậm nét nhất những bản sắc văn hóa dân tộc của vùng cao

Mùa xuân đến, các bản làng ở miền cao nguyên đá được tô điểm thêm bởi những cây đào nở hoa rực rỡ. Thung lũng Sủng Là cũng đẹp hơn với hàng đào thắm khoe sắc trong nắng

Bài & ảnh: Hữu Thắng

Bài đăng phổ biến