Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Lễ hội bia Đức - Oktoberfest

Ngoài việc cạn những ly bia vàng óng, to đùng và mát lạnh, bạn còn được thưởng thức các món ngon của vùng Bavaria như xúc xích, giò heo muối nướng; xem biểu diễn ảo thuật; chơi các trò chơi truyền thống... 

Không ít người từng nghe đến lễ hội bia nổi tiếng thế giới khởi nguồn từ thành phố Munich, nước Đức - Oktoberfest. Với những người thích bia, lễ hội thường niên có lịch sử hơn 200 năm này là một thiên đường thực sự.

Nước Đức là “xứ sở bia” với hơn 1.300 nhà máy và hơn 5.000 loại bia khác nhau, từ bia tươi đến bia đóng chai. Vì vậy, người Đức vẫn thường tự hào về văn hóa và nghệ thuật thưởng thức bia. Với họ, bia không chỉ là thức uống giải khát đơn thuần mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, “quốc hồn quốc túy” của xứ sở này.

Ngày nay, bia Đức vẫn luôn dẫn đầu vị trí cao nhất trên thị trường thế giới về tiêu chuẩn chất lượng, được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo danh tiếng cho bia Đức. Ở Đức có đạo luật riêng (đạo luật Reinheitsgebo) trong việc sản xuất bia, bắt nguồn từ quy định về tiêu chuẩn (Gebot) của các loại nguyên liệu làm ra bia (gồm nước, lúa mạch, hoa bia và men bia). Trải qua nhiều thế kỷ đến nay, Gebot vẫn được coi là tiêu chuẩn của độ tinh khiết cho bia.


Đến nước Đức, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các loại bia ngon đến từ các nhà máy bia danh tiếng, trong đó ba loại bia được xếp đầu bảng và có mức tiêu thụ nhiều nhất nước Đức hiện nay là Bitburger, Weihenstephaner Hefeweissbier và Oktoberfest. Tuy nhiên, bia tại lễ hội Oktoberfest tương đối khác biệt so với những loại bia khác ở chỗ nó có hương vị đặc sắc hơn và chứa ít CO2. Loại bia này rất dễ uống và có thể khiến bạn quên mất mình đã uống nhanh và nhiều hơn bình thường đến mức nào. Đây quả thật là cơ hội hiếm có, mà hầu hết dân “sành” bia trên khắp thế giới đều không thể bỏ qua dịp này.

Từ độ cuối tháng 9, khi nắng vàng dịu nhẹ của mùa thu buông mình xuống thành phố Munich, thủ phủ bang Bavaria, nước Đức, đó cũng là lúc lễ hội bia Oktoberfest lớn nhất thế giới tổ chức tại công viên Theresienwiese, kéo dài 16 ngày, thu hút hàng triệu khách du lịch khắp thế giới đổ về. Du khách sẽ được đắm mình trong không khí tưng bừng của lễ hội và thưởng thức những ly bia đặc biệt từ vùng đất có truyền thống sản xuất bia lâu đời.

Bước vào khuôn viên lễ hội, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh náo nhiệt được tổ chức thật hoành tráng. Nơi đây, quy tụ hơn 30 chiếc lều bia cùng hàng trăm ki-ốt, khu vui chơi giải trí, quầy bán sandwich và xúc xích… dựng lên để phục vụ du khách cả ngày lẫn đêm. Mỗi chiếc lều có khoảng 1.000 chỗ ngồi nhưng luôn chật kín người. Theo quy định, các lều bia tại đây sẽ mở cửa từ 10h đến 23h mỗi ngày trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Riêng vào ngày cuối tuần và ngày lễ sẽ được mở sớm hơn một giờ đồng hồ.


Đến đây, ngoài việc cạn những ly bia vàng óng, to đùng và mát lạnh, du khách còn được thưởng thức các món ngon khác của vùng Bavaria như: xúc xích, giò heo muối nướng, bánh vòng, bắp cải chua; xem biểu diễn ảo thuật; chơi các trò chơi truyền thống và ngắm những cô gái chân dài xinh đẹp.

Người Đức dự lễ hội này thường mặc các trang phục truyền thống của xứ Bavaria. Đàn ông mặc áo sơ mi, vận quần lửng may bằng da hươu, đầu đội mũ phớt. Phụ nữ mặc váy có đeo một miếng vải như tạp dề trước bụng với nhiều màu sắc và hoa văn sặc sỡ, trông thật quyến rũ. Trong lều bia, mọi người cùng nâng ly và hô hào những lời chúc tốt đẹp, rồi thấm vào lòng từng chút một thứ chất lỏng ánh vàng đó, tận hưởng cái cảm giác lâng lâng bất tận bên nhau. Không khí tự do, vui vẻ ấy, du khách gần như khó có thể trải nghiệm ở một chốn nào khác.


Ngày nay, lễ hội bia Oktoberfest đã trở thành liên hoan ẩm thực, văn hóa lừng danh, tiếng tăm vượt khỏi biên giới nước Đức. Theo ước tính, hàng năm lễ hội mang lại cho thành phố Munich hàng chục nghìn việc làm và doanh thu đạt hơn một tỷ Euro. Chính vì thế, người Đức rất tự hào và xem lễ hội bia Oktoberfest là “lễ hội bia vĩ đại nhất trong các lễ hội bia” của thế giới.

Du khách có thể cùng Vietravel hòa nhịp với không khí sôi động của Oktoberfest 2015, diễn ra từ ngày 19/9 đến ngày 4/10.

Thông tin tour: Đức - Áo - khám phá lễ hội bia Oktoberfest (5 ngày). Giá trọn gói: 49,99 đồng, khởi hành duy nhất ngày 26/9.

Công ty Du lịch Vietravel: 190 Pasteur, phường 6, quận 3, TP HCM. Tel: (08) 3822 8898 - Ext: 139, 140, 147. Mua tour trực tuyến tại đây.

Thư Kỳ

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Cây cầu Trường nằm tại phía đông nam Tây Hồ, Hàng Châu là minh chứng cho câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Đến Tây Hồ tại Hàng Châu, Trung Quốc, du khách sẽ không thể bỏ qua 3 cây cầu gắn với các chuyện tình nổi tiếng. Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, cầu Tây Lãnh ẩn chứa nỗi lòng bi thương của kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cầu Trường tại Tây Hồ thuộc Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: itinerary.

Chuyện kể rằng, vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ thứ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ mang tên Chúc Anh Đài thông minh, hiếu học. Vì muốn được học tập thơ văn, nàng cải trang thành nam nhi, đến xin học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu.

Trên quãng đường đến Nghi Sơn, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết thành huynh đệ, trở thành đồng môn thân thiết. Anh Đài dần thầm yêu Sơn Bá, nhưng nàng không thể nói ra vì vẫn đang mang phận gái giả trai. Còn Sơn Bá, dù học chung trường, ngủ chung phòng nhưng cũng không hề phát hiện tình cảm cũng như phận nữ nhi của Anh Đài.

Ba năm nhanh chóng qua đi, cha Chúc Anh Đài đổ bệnh nên nàng phải quay về nhà. Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài nói với Sơn Bá rằng sẽ thu xếp cho chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Sau đấy không lâu, Lương Sơn Bá tìm đến Chúc gia. Tại đây, chàng mới nhận ra thân phận nữ nhi của người bạn đồng môn, và rằng người em gái 16 tuổi không có thật. Từ đấy, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm say đắm.
Bức tranh minh họa câu chuyện tình ngang trái của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ảnh: globallovemuseum.

Bi kịch đến với đôi uyên ương trẻ khi Chúc gia hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài – cũng là bạn đồng môn của nàng và là một thiếu gia giàu có. Sớm nhận ra Chúc Anh Đài là phận nữ, Văn Tài đem lòng yêu thương và muốn lấy nàng làm vợ. Tuy biết Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi tốt bụng, Chúc gia vẫn khước từ lời cầu hôn của chàng và định ngày thành thân giữa Anh Đài và Văn Tài.

Quá sầu muộn vì không thể ở bên Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện, Ninh Ba. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày kiệu hoa của Anh Đài đi về Mã gia, khi ngang qua mộ Sơn Bá, trời bỗng nổi trận cuồng phong lớn, khiến đoàn phải dừng lại.

Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đến bên than khóc và làm lễ cúng tế. Bỗng nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài gieo mình vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, người ta còn kịp nhìn thấy một đôi bướm quấn quýt vụt bay lên mặt đất.

Người xưa vẫn thường nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường”, tức cầu không dài nhưng tình nghĩa dài. Tương truyền, cây cầu Trường - có nghĩa "cây cầu dài" là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km.

Vân Giang

Tục nhảy múa trong lễ Vu Lan của người Nhật

Đến với Nhật Bản vào tháng 7, 8, du khách sẽ được chiêm ngưỡng điệu múa Bon Odori nhân dịp lễ hội Obon (hay còn gọi là Bon) – lễ Vu Lan của đất nước mặt trời mọc.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Trong văn hóa Nhật Bản, Obon là một lễ hội xuất phát từ Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành. Lễ hội Obon xuất hiện tại đất nước này từ hơn 500 năm trước. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để các gia đình tụ họp, quét dọn bàn thờ tổ tiên và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
Bức tranh miêu tả lại ngày lễ Obon thời kỳ Edo tại Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Sự khác biệt về tập quán các vùng miền của Nhật Bản khiến lễ hội diễn ra 3 lần, trong đó “Obon tháng 7” được tổ chức vào 15/7 dương lịch, “Obon tháng 8” vào khoảng 15/8 hàng năm, còn “Kyo Obon” (tức Obon cũ) là ngày 15/7 âm lịch. Đây không được coi là ngày lễ chính thức của người Nhật, nhưng thông thường người dân vẫn được nghỉ học và nghỉ làm trong thời gian diễn ra lễ hội.

Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về Mokuren (Mục Kiền Liên), một đệ tử của Đức Phật. Truyền thuyết kể rằng, Mokuren sau nhiều năm tu luyện đã đắc đạo và có pháp thuật tinh thông. Vì muốn báo hiếu với người mẹ mất sớm, ông sử dụng pháp lực để tìm mẹ khắp nơi. Mokuren phát hiện mẹ mình sau khi chết đi bị biến thành quỷ đói, đày xuống âm ti và chịu nhiều cực hình.

Không cam lòng, ông tìm đến Đức Phật để hỏi cách nào giúp mẹ thoát khỏi kiếp quỷ đói. Đức Phật nói rằng Mokuren phải cúng đồ cho các nhà tu vào ngày 15 của tháng thứ 7. Ông nghe theo lời Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đã dặn.

Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Quá đỗi vui mừng, Mokuren liền nhảy một điệu múa. Về sau, lễ hội tổ chức để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên gọi là Obon, còn điệu múa nổi tiếng của lễ hội được đặt tên là Bon Odori.
Bon Odori là điệu múa có nhiều cách thể hiện trên khắp nước Nhật, nhằm xoa dịu linh hồn người đã khuất. Ảnh: easycorner

Điệu nhảy Bon Odori bắt nguồn từ một điệu nhảy dân gian của người Nenbutsu để xoa dịu linh hồn của những người đã khuất. Sau này mỗi địa phương đều có điệu nhảy Bon Odori của riêng mình với nhạc và động tác khác nhau. Obon diễn ra vào giữa mùa hè, nên các vũ công thường mặc bộ quần áo truyền thống yukata hoặc một bộ kimono mỏng.

Lễ hội Obon kết thúc bằng tục Toro Nagashi, mang nghĩa "đèn lồng nổi". Với tục lệ này, người Nhật sẽ thả những chiếc lồng đèn giấy trôi xuôi dòng sông để tiễn đưa linh hồn người chết về với âm gian. Trong đêm này, người Nhật thường có màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu.

Vân Giang

Bài đăng phổ biến