Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Huế tổ chức Festival đúng dịp nghỉ lễ 30/4

Lần đầu tiên, cố đô Huế tổ chức Festival vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhằm quảng bá di sản, văn hóa và thêm điểm đến kỳ thú cho du khách.
Xem thêm: Đầu bếp Mỹ: “Chuyến đi tới Việt Nam thay đổi cuộc đời tôi”

 
Festival Huế 2016 sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 4/5. Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế", Festival năm nay thu hút 24 đoàn nghệ thuật của 18 quốc gia, cùng với các đoàn nghệ thuật trong nước.

Festival Huế 2016 sẽ tiếp tục có chương trình lễ hội đường phố hứa hẹn đầy ấn tượng. Ảnh: Nguyễn Đông

Trao đổi với VnExpress chiều 20/4, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2016, cho biết đây là lần đầu tiên cố đô tổ chức lễ hội vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Những kỳ Festival trước đây đều tổ chức vào khoảng giữa tháng 4.

"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy muốn quảng bá di sản, văn hóa Huế thì phải vào đúng dịp đông khách đến thưởng ngoạn nên quyết định tổ chức vào dịp này. Hiện 97% các khách sạn đã có khách đặt phòng", ông Dung nói.

Ngoài các sự kiện chính như Đêm Hoàng Cung (có yến tiệc cung đình), Lễ Tế Giao, trình diễn áo dài "Rực rỡ kinh kỳ" trong không gian cổ kính, Festival năm nay sẽ tiếp tục với lễ hội đường phố "Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ La Tinh", đêm nhạc Trịnh Công Sơn, giao lưu với các đoàn nghệ thuật...

Trước đây, Festival Huế không có các tôn giáo tham gia, nhưng năm nay sẽ có Lễ hội đèn Quảng Chiếu (âm nhạc và múa Phật giáo). "Huế có hơn 60% người dân theo đạo Phật. Chúng tôi đã có ý tưởng làm lễ hội này và được Giáo hội Phật giáo đồng ý ngay", ông Dung nói.

Festival Huế đang hướng đến mọi người. Ngoài lễ hội dành cho thiếu nhi với chủ đề "Sắc màu tuổi thơ", các bạn trẻ cũng có cơ hội thỏa "cơn khát" nhạc Rock với đêm nhạc "Lửa cố đô" tại sân vận động tự do. Những người có sở thích ăn uống có điểm đến là Liên hoan ẩm thực quốc tế tại Nghinh Lương Đình với 100 gian hàng.

Hoạt cảnh đám cưới công chúa trong chương trình Đêm hoàng cung tại Festival Huế 2014. Ảnh: Nguyễn Đông

"Năm nay, hàng trăm đại biểu ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ đến Huế chỉ để bàn về ẩm thực cố đô. Thêm vào đó, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức lễ hội khinh khí cầu, với 9 khinh khí cầu lớn, đội ngũ phi công là người nước ngoài, hy vọng du khách sẽ được nhìn ngắm vẻ đẹp của Huế từ trên cao", ông Dung thông tin.


Kỳ Festival này, các chương trình được giao cho từng nghệ sĩ của Huế phối hợp với các nghệ sĩ khác cùng làm, thay vì một người phụ trách như trước. "Ban tổ chức cũng chỉ đưa ra nội dung và khung chương trình lớn cho từng nghệ sĩ. Còn làm thế nào thì chúng tôi không can thiệp sâu, bởi như thế sẽ tốt hơn so với cái gì chúng ta cũng nhúng vào, trong khi không có đủ chuyên môn, thời gian để làm việc đó", ông Dung chia sẻ.

Phó chủ tịch tỉnh cho biết, kỳ Festival thứ 9 này, Huế đã huy động nguồn xã hội hóa vào lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Như đêm nhạc Trịnh Công Sơn, được gia đình tổ chức trên chính con đường mang tên cố nhạc sĩ bên sông Hương, với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng khắp cả nước.

Với mục tiêu người dân sẽ góp phần làm lên lễ hội, năm nay các chương trình Hương xưa làng cổ, hay chợ quê ngày hội, quảng diễn đường phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho người dân và du khách cùng tham gia. Ban tổ chức cũng đã thành lập tiểu ban về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế để phục vụ người dân.

Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, năm nay là kỳ thứ 9. Cùng với việc tái hiện nhiều lễ hội chốn hoàng cung, giữa những không gian của Kinh thành Huế, lễ hội còn là dịp quảng bá văn hóa, du lịch của mảnh đất cố đô. Nhiều triển lãm bảo vật cung đình cũng được trưng bày trong dịp này.

Nguyễn Đông (VnExpress)

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Nghỉ lễ 30/4: Những điểm vui chơi hấp dẫn nhất Đà Nẵng

Dưới đây là những điểm vui chơi hấp dẫn nhất Đà Nẵng dịp nghỉ lễ 30/4 tới.
 
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Biển Đà Nẵng

Bãi biển như Mỹ Khê là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất tại Đà Nẵng dịp 30/4
 
Đà Nẵng là thành phố sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp trải dài hàng km. Vì thế, sẽ là một thiếu sót vô cùng to lớn nếu nhắc đến những địa điểm đi chơi lễ 30/4 ở Đà Nẵng mà không kể đến các bãi biển như Mỹ Khê – nơi được tạp chí Forbes xếp vào danh sách 6 bãi biển quyến rũ nhất thế giới, bãi biển Non Nước, bãi tắm Phạm Văn Đồng, Nam Ô, Thanh Khê…

Vào những ngày nắng nóng oi ả thì biển ở Đà Nẵng luôn là điểm đến lý tưởng để du khách đắm mình vào làn nước mát lạnh, xanh trong. Tại các bãi biển, du khách còn có cơ hội tham gia vào những hoạt động giải trí, vui chơi, thể thao vô cùng hấp dẫn như nhảy dù, đua cano, bóng chuyền…

Bà Nà Hills

Khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills

Nhắc đến Đà Nẵng cũng không thể không nhắc đến khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills. Nằm cách trung tâm thành phố 29 km về phía tây nam, Bà Nà Hills chính là một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách dến Đà Nẵng dịp 30/4.

Ở đây một ngày có 4 mùa: sáng tiết xuân, trưa vào hạ, chiều sang thu và đêm về lạnh giá như giữa đông. Trong những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đặc biệt, tại đây có nhiều dịch vụ giải trí, vui chơi phong cách hiện đại để phục vụ du khách.

Bà Nà Hills còn là nơi duy nhất tại Đà Nẵng mà du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh của thành phố cùng với núi rừng rộng lớn bao quanh và những bãi biển tuyệt đẹp nằm ở phía xa xa.

Ngắm cầu Cầu Rồng phun lửa và phun nước


Thời gian Rồng phun lửa và phun nước vào 21h thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần

Ngày nay du khách tới Đà Nẵng không ai là không dừng lại cầu Rồng - cây cầu có thiết kế độc đáo nhất Việt Nam để chụp ảnh, xem Rồng phun lửa và nước vào các ngày cuối tuần.

Cầu có kết cấu dạng vòm một mặt phẳng duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đầu rồng được thiết kế mô tả hình đầu rồng thời Lý, đuôi rồng được thiết kế cách điệu theo biểu tượng hình hoa Sen. Cầu bắc qua Sông Hàn, nối 2 bờ thành phố cùng với nhiều cây cầu nổi tiếng khác của Đà Nẵng như: cầu quay Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý.

Thời gian Rồng phun lửa và phun nước vào 21h thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần. Để có chỗ ngồi thuận tiện xem Rồng trình diễn, bạn nên tới sớm hơn 20 phút.

Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An

Cách Đà Nẵng khoảng 30km, phố cổ Hội An là một trong những địa điểm đi chơi lễ 30/4 lý tưởng để du khách “đổi gió”.

Hội An sở hữu những nét mộc mạc, cổ kính, thuần khiết riêng khiến bất cứ ai cũng phải xiêu lòng. Đến Hội An, du khách sẽ được tham quan những dãy nhà cổ đã được bảo tồn qua hàng trăm năm, thưởng ngoạn cảnh quan sông nước thơ mộng hay ghé thăm những bãi biển mát lành, xanh trong.

Đặc biệt, Hội An là nơi đem lại cho du khách những trải nghiệm ẩm thực phong phú, khó quên với các món ăn hấp dẫn như bánh xèo, mì Quảng, cao lầu…
Xem thêm: Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội

Bán đảo Sơn Trà

Thời gian thăm quan bán đảo Sơn Trà thường mất 1 buổi sáng hoặc chiều

Cách thành phố Đà Nẵng 10km, về phía đông bắc, bán đảo Sơn Trà được xem như là khu rừng già nguyên sinh trong lòng thành phố. Từ đỉnh bàn cờ trên bán đảo, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ thành phố Đà Nẵng cùng với bãi biển Mỹ Khê chạy dài.

Thời gian thăm quan bán đảo Sơn Trà thường mất 1 buổi sáng hoặc chiều. Các điểm ghé qua khi tới đây phải kể tới: Chùa Linh Ứng với bức tượng phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao 67m, Cây Đa cổ thụ với hơn 800 năm tuổi.

Trượt thác nước Hòa Phú Thành

Trượt thác nước tại khu du lịch Hòa Phú Thành

Khu du lịch Hòa Phú Thành là một điểm du lịch thể thao hấp dẫn tại Đà Nẵng. Tới đây vào dịp nghỉ lễ 30/4 bạn sẽ có cơ hội được trượt thác nước bằng xuồng cao su, loại hình thể thao mạo hiểm mới ở Việt Nam.

Với trượt thác nước thì quả là 1 cảm giác mới lạ, pha chút thử thách. Trò này sẽ rất vui nếu bạn đi chơi cùng nhóm đông. Hàng ngày sẽ có 2 ca trượt lúc 10h00 và 14h00, bạn chỉ cần có mặt tại đó vào 2 khoảng thời gian này là có thể đăng ký trượt thác.

Vincom Đà Nẵng

Tọa lạc trên đại lộ Ngô Quyền – con đường huyết mạch mới của Tp. Đà Nẵng, Vincom Đà Nẵng là một thiên đường mua sắm hấp dẫn gồm một tầng hầm và 4 tầng nổi. Tại đây, du khách có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng từ ẩm thực, điện máy, sách, nội thất, văn phòng phẩm, ẩm thực cho tới các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước…

Du khách sẽ có những giờ phút thư giãn, rời xa những bộn bề cuộc sống để hòa mình vào thế giới điện ảnh đầy sống động với hệ thống rạp chiếu phim CGV.

Đặc biệt, điểm nhấn của Trung tâm thương mại Vincom Đà Nẵng là Vinpearlland Ice Rink – sân trượt băng nghệ thuật đầu tiên ở Đà Nẵng. Với công nghệ băng tự nhiên dày 30mm, Vinpearlland Ice Rink chắc chắn sẽ là một trong những địa điểm đi chơi lễ 30/4 ở Đà Nẵng mà du khách không thể bỏ qua.

Helio Center Đà Nẵng

Helio Center là trung tâm giải trí phức hợp đa dịch vụ lớn nhất tại miền Trung hiện nay

Với tổng diện tích sử dụng gần 35.000m2, Helio Center là trung tâm giải trí phức hợp đa dịch vụ lớn nhất tại miền Trung hiện nay. Trung tâm giải trí này còn có Helio Kids, thiên đường vui chơi dành cho trẻ em. Helio Kids được thiết kế kết hợp giữa giải trí và giáo dục trong các trò chơi.

Ngoài ra các hoạt động vui chơi, du khách còn có thể khám phá một không gian ẩm thực đa dạng với hàng trăm món ăn và hình thức ăn uống tại Helio Food&Beverage.

(Báo Giao Thông)

8 điều khách du lịch thường lầm tưởng về Nepal

Du khách thường cho rằng đây là một đất nước Phật giáo, đã bị hủy hoại hoàn toàn sau vụ động đất 2015.
Xem thêm: 9 điểm đến thu hút khách du lịch trong vòng 20 năm tới

Nepal là một quốc gia có phần lãnh thổ nằm hoàn toàn trong lục địa, giáp với Tây Tạng, Trung QuốcẤn Độ. Sở hữu 8 trên 10 đỉnh núi cao nhất thế giới gồm cả Everest, Nepal có nhiều hoạt động du lịch nối tiếng như dã ngoại, đi bộ đường dài, đạp xe xuyên rừng, cùng những chùa chiền đẹp. Tuy nhiên, du khách còn nhiều điều lầm tưởng về Nepal. Elen Turner, một nhà biên tập, nhà văn tại New York đã có giải đáp về những hiểu lầm này sau quãng thời gian sinh sống tại Nepal.
 
Mùa xuân được coi là thời điểm vàng để du khách tới Nepal. Ảnh: Flickr.

Nepal đã bị phá hủy hoàn toàn sau trận động đất 2015

Những trận động đất xảy ra hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái đã cướp đi hơn 8.000 sinh mạng, khiến khoảng 21.000 người bị thương và hàng trăm nghìn hộ dân mất nhà cửa. Tuy nhiên, khung cảnh tan hoang trên báo đài không phải toàn cảnh Nepal. Những khu di sản tại thủ đô Kathmandu thiệt hại nặng nề nhất và chỉ có 75 quận thuộc Nepal chịu ảnh hưởng từ trận động đất. Những cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng vẫn trụ vững.

Sherpa chỉ là những người gùi hàng lên núi

Không chỉ là những người đàn ông trẻ tuổi được du khách thuê mang vác hành lý lên núi, Sherpa thực tế là tên một cộng đồng dân tộc thiểu số sống tại vùng phía nam Nepal. Họ có nguồn gốc từ Tây Tạng hàng trăm năm trước, chủ yếu sống tập trung quanh khu vực Everest. Nhiều người Sherpa cũng làm hướng dẫn viên du lịch, khuân vác hay sở hữu nhà nghỉ, nhưng không phải ai cũng làm du lịch. Do đó, Sherpa là một họ phổ biến của người dân Nepal tại vùng núi và bạn không nên nhầm lẫn với nghề nghiệp của họ.

Người Nepal đều là dân leo núi

Người Nepal ra nước ngoài thường được hỏi liệu họ từng chinh phục Everest chưa, điều này có thể khiến họ phiền lòng một chút. Địa lý Nepal không hoàn toàn là núi cao, đất nước có địa hình cao dần từ đồng bằng và rừng rậm phía biên giới Ấn Độ, vùng trung tâm là đồi, mật độ núi cao tăng dần về phía biên giới Tây Tạng. Nhiều người Nepal thậm chí không sinh ra và lớn lên ở vùng núi.

Nepal là đất nước Phật giáo

81,3% người dân theo Ấn Độ giáo, 9% theo Phật giáo, 4,4% là người Hồi giáo, hơn 4% còn lại là những người theo Mundhum giáo, Kitô giáo và các tôn giáo khác. Du khách thường biết đến Kathmandu từ lâu được coi là cái nôi của Phật giáo với bảo tháp Boudhanath nằm ở phía tây bắc thành phố, dẫn tới lầm tưởng về tôn giáo của người dân Nepal. Nhiều ngôi chùa cho phép cả người Ấn Độ giáo và Phật giáo vào thờ cúng.

Nepal chỉ là Ấn Độ phiên bản nhiều núi

Do biên giới giáp Ấn Độ ở 3 phía đông, tây và nam; có nhiều nét chung trong văn hóa, ngôn ngữ, nhiều người nghĩ Nepal không có điểm gì khác biệt với nước láng giềng. Tiếng Nepal nghe gần giống tiếng Hindi và những ngôn ngữ khác của người Ấn Độ. Thực tế, người Nepal sử dụng tới 123 ngôn ngữ khác nhau, trong đó tiếng Nepal phổ biến nhất. Không chỉ vậy Nepal còn có ít nhất 4 ngôn ngữ ký hiệu. Lịch sử hai nước cũng khác nhau do Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh, trong khi Nepal thì không.
Bản độ địa lý mô tả độ cao địa hình Nepal. Ảnh: Wikimedia

Nepal là thiên đường trên núi

Nepal từng được mệnh danh là “Shangri-la” (nghĩ là thiên đường trên núi) theo cách gọi của nhà văn người Anh James Hilton trong tiểu thuyết Lost Horizon (1933). Trong tác phẩm đó, đất nước này được miêu tả là miền đất hạnh phúc và khai sơ. Cụm từ trên đã được nhiều blogger du lịch dùng lại trong những bài viết về Nepal. Tuy nhiên, cuộc sống thực của người dân rất khắc nghiệt. Đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Nepal là một vương quốc

Điều này chỉ đúng trong khoảng thời gian từ 1768 đến 2008. Năm 2001, 9 thành viên Hoàng gia gồm cả vua và hoàng hậu đã bị thảm sát trong cung điện Narayanhiti ở Kathmandu. Vụ việc đã dẫn đến nhiều căng thẳng và mâu thuẫn chính trị. Cho tới 28/5/2008, nền cộng hòa Nepal chính thức được thiết lập và có tên theo Hiến pháp là Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal.

Khung cảnh chùa Pashupatinath tại thủ đô Kathmandu. Ảnh: Nepal Info

Thủ đô Kathmandu lạnh hơn Nam Cực

Khi sống một năm rưỡi ở New York, Elen đã được dặn dò chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho mùa đông trước khi đến thủ đô Kathmandu. Thực sự mùa đông ở đây không dễ chịu do người dân không có đầy đủ hệ thống sưởi nhưng nhiệt độ ban ngày chỉ khoảng 15 độ C và trời vẫn có nắng.
 
(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến