Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Ladakh, Tiểu Tây Tạng của Ấn Độ: Đừng đến nếu bạn thích an nhàn !

Album ảnh du lịch kèm theo những lời chia sẻ thú vị về miền đất Ladakh (Ấn Độ) chắc chắn sẽ khiến cảm hứng dịch chuyển của bạn tăng lên vùn vụt và muốn xách vali đi ngay hôm nay !


Từ lâu Ladakh vẫn được mệnh danh là "Tiểu Tây Tạng" của Ấn Độ vì vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp với những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, bao quanh là bạt ngàn những gợn mây che phủ tạo nên một khung cảnh nửa thực nửa mơ. Không những vậy nơi đây còn chiếm trọn trái tim của tất cả những ai từng đặt chân đến bởi bầu trời trong xanh lạ kì và những cơn gió mát rượi, đôi khi se lạnh. Đứng ở bất kì nơi nào trong Ladakh, bạn cũng đều có thể cảm nhận được sự gần gũi và nguyên sơ của thiên nhiên - một cảm giác hiếm có khó tìm trong thời buổi này.

Tuy nhiên đây không phải một địa điểm cứ muốn là đến được hoặc chỉ cần book máy bay rồi có mặt nhẹ nhàng, để đến Ladakh bạn cần nhiều hơn như vậy. Nhiều ở đây không phải là tiền, mà đó là sự kiên nhẫn, quyết tâm, một trái tim đam mê khám phá cùng đôi chân đi không biết mệt. 

Mới đây, một bạn trẻ tên Nhị Đặng đã khiến dân tình phải đứng ngồi không yên vì hành trình khám phá Ladakh quá tuyệt vời của mình. Theo như những thông tin ghi tên Facebook thì Nhị Đặng hiện đang làm nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật như videographer, photographer, food video blogger và cả một người du lịch (traveler) nữa.

Album ảnh đẹp ngỡ ngàng mang tên "Lost in Ladakh" kèm những chia sẻ tận tình, cụ thể nhưng đầy thú vị của Nhị Đặng đã thu về hơn 2k lượt like và vô số lượt chia sẻ chỉ sau một ngày. Cùng ngắm nhìn những khoảnh khắc "bồng lai tiên cảnh" và cảm nhận những trải nghiệm đặc biệt của cô gái này nhé! 


Thứ mà tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhất là ô cửa sổ trên máy bay. Và chuyến đi thực sự đã bắt đầu! Tôi thấy bên cửa sổ những đám mây bềnh bồng lướt qua, để lộ dần những dãy núi quyến rũ đôi mắt của những kẻ phía đằng sau ô vuông kia. Cơ trưởng đáp máy bay rất êm trong tràng vỗ tay kết thúc chuyến bay từ Delhi đến Leh - một thị trấn Ladakh, phía Bắc Ấn Độ.


Cảm giác đặt chân xuống sân bay là cả một bầu trời trong xanh, không khí mát lạnh, bao bọc quanh những dãy núi cao đầy ngạo nghễ có phần âm thầm hiểm nguy.

Những trang phục lính, hàng rào quân sự khắp mọi nơi cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của khu vực biên giới giáp với Trung Quốc, Afghanistan, Pakistan. Khi chiều xuống, thị trấn Leh từ từ chìm trong bóng núi. Ở Leh, từ nhiều nhất mà người ta thường nói là "Juleh" , một chữ đầy ma thuật với nhiều ý nghĩa: Xin chào, cảm ơn, tạm biệt !



"The journey of life is longthe path unknown" (Hành trình của cuộc đời là con đường không ai biết trước được.) Câu này trích từ một biển báo trên đoạn đường Ladakh.

Thay vì để các biển hiệu cảnh báo, họ thường dùng những câu chơi chữ, hay quote ấn tượng như :"Life is short, don't make it shorter" (Đời đã ngắn đừng làm nó ngắn thêm), , "After whisky, driving risky"...(Say xỉn thì phải chạy xe cẩn thận)


Sau 8 tiếng đường xe dằn xóc, qua nhiều địa hình, từ núi đá khô cằn, đồng cỏ thoải hương, sông suối... trong cái khắc nghiệt khô mắt, khô môi.

Trước mắt tôi là Tso Kiagar, như những dải lụa xếp lớp lạnh lẽo đang nằm chờ cái nắng trải lên những đường dáng để thêm hùng vĩ. Chỉ còn cách Tsomoriri khoảng 30km.


Tsomoriri hiện ra trước mắt! Hồ trong xanh và thảm thực vật phong phú cho đến khi nó hoàn toàn đóng băng vào mùa đông, từ tháng 11 .


Ảnh chụp vào lúc 00h đêm.

Cả bọn nằm trên giường, trùm túi ngủ kín mít chỉ chừa mỗi cái mũi để thở. Tôi đang cặm cụi chỉnh cái máy ảnh, mở một cánh cửa sổ, đủ để góc máy có thể bắt được 30s, dải ngân hà nhìn thấy rõ trước mắt. Gió lùa vào tái tê, đầu tôi hơi choáng váng mỗi khi xoay người hay cử động lật mạnh. Tôi nhìn hơi thở mình đứt quãng, rồi lại dài thườn thượt, ra khói, rồi bay lên, tưởng như tụ lại thành mây rồi tình cờ vỡ vụn ra thành những đốm nhỏ li ti trên bầu trời cao vút. Một thế giới nào đây?! Tôi cảm thấy mình bé nhỏ, một bình yên đơn giản, một thanh thản đến lạ... cứ muốn nhìn mãi nhìn mãi, nhìn mãi thế giới tinh tú kia từ ô vuông cửa sổ đen ngòm.


Toà lâu đài nhìn qua từ cửa sổ nhà nghỉ trong một ngày mưa. Cả ngày mưa héo hắt ruột gan, ủ dột tinh thần. Héo quá nên ông trời thương mà trao cái cầu vòng đôi để an ủi mấy đứa nhỏ dễ tổn thương!!!


Ở đây có rất nhiều tu viện nổi tiếng và Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc đến người dân.

Mỗi gia đình ở Ladakh đều gởi một người con trai của họ xuất gia làm Lạt ma và thọ giới. Họ được gửi tới các tu viện khi mới 5, 6 tuổi để giáo dục, đào tạo như các vị sư và dành toàn bộ cuộc sống của mình để nghiên cứu và học tập Phật giáo. Cứ như vậy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Trong lịch sử, khu vực này là của người gốc Tây Tạng và có rất nhiều tu viện Phật giáo. Do đó, Ladakh cũng được gọi là "Tiểu Tây Tạng".


Sau 1 ngày nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ ở Leh, chúng tôi lại bắt đầu chuyến phiêu lưu đến Zanskar - vùng đất đã từng bị biệt lập hàng thế kỷ, ẩn mình giữa những dãy núi Himalaya hùng vĩ.


Một bà cụ người Ladakh xin quá giang trên xe chúng tôi. Cụ năm nay tám mươi mấy tuổi, bà vẫn đi bộ băng băng như những ông bà cụ khác vùng Ladakh. Chúng tôi xin phép cụ chụp hình lưu niệm, cụ bà nở nụ cười hồn hậu bất chấp tuổi tác.


Kargil là 1 mảnh ghép khác của bức tranh Ladakh. Người ở Kargil lai giữa Tây Tạng, Pakistan hay Afghanistan. 90 % dân số Kargil là Hồi giáo Shia, 5% người Sunni và 5% của Phật giáo Tây Tạng. Trong ảnh là một cô bé nữ sinh mua kem trước giờ lên lớp. Tụi học sinh sáng sớm cứ ào ra ăn kem như phong trào í, vui lắm!


Qua khỏi Kargil, chúng tôi bắt đầu tiếp cận những thảo nguyên bao la.

Những con Marmot (sóc đất - thường trồi lên vào mùa hè và sống dưới hang suốt mùa đông dài) nhúng nhính, chạy loanh quanh trên những đồng cỏ, nằm phơi mình trên hòn đá to, hay lúc ẩn lúc hiện dưới hang ổ như chọc cười đám khách du lịch đang loay hoay thích thú lướt qua trên xe. Tôi có cảm giác chúng như xưng hùng xưng bá khắp nơi đây vậy, một vương quốc riêng của loài marmot, tự do không giới hạn. Tự nhiên lại có phần ganh tỵ với chúng!


Mặt trời bắt đầu xuống núi vừa đúng lúc chúng tôi đến Rangdum (một thị trấn hoang vu và tách biệt giữa lòng chảo thung lũng núi non hiểm trở, quanh khu này hình như chỉ duy nhất 1 cái hostel, thiếu điện đóm, giá khá đắt đỏ)


Đàn gia súc du mục lang thang kiếm ăn


Địa hình thảo nguyên bao la.


Tôi thấy những đỉnh núi tuyết đang ẩn hiện giữa màn sương khói, tựa hồ như vương quốc của bà chúa tuyết đâu đây.


Ngày thứ 12, chúng tôi quyết định dành 3 ngày để trekking lên tu viện Phuktal (Phugtal)

Tu viện này nằm ẩn mình trong một khoảng rộng của hẻm núi khổng lồ cao tới 3.800m thuộc dãy núi Himalayas. Thiết kế cô lập của Phuktal mang ý nghĩa tinh thần lớn vì đã có nhiều nhà sư ẩn cư và thiền định trong các hang động ở khu vực này. Để đến được Padum, người ta phải bắt taxi từ Padum đến Raru, nơi kết thúc con đường và bắt đầu leo núi từ đó. Sẽ phải mất một hoặc hai ngày đi bộ để đến Phugtal, ngang qua hai ngôi làng nhỏ Chatang và Purne. Tu viện cách Purne khoảng 7km.


Sau 2 ngày trekking, chúng tôi tới được Phuktal.

Bằng cách nào đó Phuktal vẫn điềm nhiên, lặng lẽ như được xếp từ muôn kiếp đời và được chở che trong một hốc đá to. Đợt chúng tôi đi có khá nhiều đoàn viện trợ và các bác sĩ tình nguyện lên đây khám chữa bệnh và phát đồ ấm, chăn mền... cho mùa đông sắp tới.


Các tiểu lạt ma cười đùa trước ống kính.

Lúc này mấy đứa nhỏ đang háo hức chuẩn bị chạy xuống trạm tình nguyện để vác đồ lên tu viện. Trạm tình nguyện ở ngay hostel bên dưới tu viện, cách khoảng 500m đường leo dốc núi. Tụi nhỏ cứ thế vừa chạy vừa thở hổn hển. Còn đám chúng tôi thì lết từng bước như người vác trăm ký trên vai. Mấy vị lạt ma già khoan thai bước từng bước, bước khoảng chục bước dừng lại thở sâu, nhìn đời, nhìn người, cười cái rồi lại bước tiếp, lâu lâu nhìn qua cười với tụi này hỏi "mệt hông ".


Bước một mình, một khúc quanh, về phía nắng, cảm giác rất sướng, cô đơn nhưng không lẻ loi.


Zanskar tuy hẻo lánh nhưng là vùng đất giàu sắc màu tinh thần, người Zanskar thường tổ chức các lễ hội trong năm, họ hóa trang, ca hát, nhảy múa... những khúc hùng ca về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác.


Khung cảnh núi non hùng vĩ ở Zanskar.


Đường về Leh đi qua Moonland.


Tôi đã nói nếu bạn thích an nhàn, vui lòng đừng đến Ladakh. Nhưng nếu bạn thích những nụ cười thanh thản, an nhiên, thì sự tồn tại của thế giới này - Ladakh, là một thứ tình yêu nhỏ bé dễ thương trong tôi. Một phiên bản vừa gai góc, khốc liệt, nhưng đầy cám dỗ, vừa hạnh ngộ, bao la, nhưng cũng bình dị đến nao lòng. 

Những ngày cuối cùng ở New Delhi, khi tôi đến miền Trung Ấn và chuẩn bị bay về Việt Nam. Tôi gặp anh hải quan soát visa, nhìn anh không phải gốc Ấn, tôi ngờ ngợ anh là người Ladakh, anh chàng hải quan với gương mặt phúc hậu hỏi tôi: "Cô đến Ladakh lần thứ hai rồi à?!. Tôi giật lại ngay: "Anh là người Ladakh à!", "Vâng, tôi từ Leh" - Tôi thầm hét lên trong bụng" A tôi biết ngay mà!!" Nụ cười Ladakh của anh làm tôi ấm lòng, người Ladakh đi đâu vẫn mãi là người Ladakh, hoặc giả tôi đang quá màu hồng ảo tưởng nhưng Ladakh trong tôi chắc cũng chỉ có thế, dường như trọn vẹn về phía những đường chân trời đã mất! Hẹn gặp lại nhé! 




Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Mùa thu châu Á và những điểm đến lý tưởng

Châu Á sở hữu những điểm đến vô cùng lý tưởng để thưởng thức phong cảnh mùa thu. Những cung đường phủ đầy lá phong đỏ tại Nhật Bản, những công viên với những tán lá thu vàng khổng lồ ở Hàn Quốc, hay những mặt hồ thơ mộng in bóng thu vàng ở Đài Loan…cùng điểm qua một số địa điểm ngắm mùa thu đẹp nhất ở Châu Á.


Nhật Bản – Thu quyến rũ

Du lịch Nhật Bản luôn là chủ đề du lịch được nhiều người quan tâm. Bởi mùa thu Nhật Bản vừa quyến rũ lại thi vị với những nét truyền thống trong cảnh sắc và cả văn hóa. Kyoto vào thu cảnh sắc mọi nơi được ví như tranh vẽ với những đường nét mềm mại của những công trình kiến trúc cổ như chùa Nước Trong – Kiyomizu, chùa Vàng (Kinkakuji) và những mảng màu đỏ vàng của những tán lá thu. Không chỉ có Kyoto mà Nikko cũng là một điểm đến lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp mùa thu. Nikko đẹp rực rỡ khi thu về với rừng lá đỏ của vùng đầm lầy Senjogahara của Oku Nikko, hay những tán lá thu khổng lồ ở Futarasan jinja, chiếc cầu trên không của Hemerocallis vùng cao nguyên Kirifuri, hay ngắm lá đỏ từ bên trong xe điện ở Irohazara. Và đến Nhật chắc chắn không thể bỏ qua Tokyo. Dù là một thủ đô hiện đại nhưng du khách vẫn có thể nhìn thấy thu về qua từng góc phố, từng hàng cây, rực rỡ nhất là ở những công viên lớn như công viên Meij-jingu Gaien với hàng cây bạch quả trên đại lộ Icho Namiki, hay những khu vườn thơ mộng như Rikugien, Koishikawa Korakuen cảnh sắc thu quyến rũ nhưng rất thanh bình.


Thu ruộm sắc vàng ở Hàn Quốc

Du lịch Hàn Quốc khi thu về luôn mang đến cho du khách những cảm xúc khó quên bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp đến ngỡ ngàng. Mindungsan nổi tiếng là một trong những cánh đồng cỏ lau đẹp nhất Hàn Quốc. Với sườn núi thoai thoải Mindungsan cho phép du khách vừa leo núi tản bộ vừa thưởng thức bức tranh thiên nhiên đẹp tuyệt vời. Hay muốn tận hưởng dư vị của những thứ cổ xưa bạn có thể đến tham quan và trải nghiệm mùa thu trong những cố cung như Cung điện Gyeongbokgung, Changyeongung hay Changdeokgung. Vẻ đẹp của mùa thu nơi đây cũng niềm tự hào của xứ sở Kim Chi bởi nét lãng mạn pha lẫn vẻ đẹp truyền thống xưa cũ.


Đảo Nami luôn khiến cho hàng triệu du khách phải ngất ngây với khung cảnh lãng mạn của những hàng cây ngân hạnh nối nhau thẳng tắp, bao lấy những con đường ngập lá vàng rơi. Mọi người đều háo hức đến đây đi dạo, picnic hoặc uống trà, trò chuyện cũng những người thân yêu.


Ngoài ra, nếu bạn là một người thích vận động hay các hoạt động ngoài trời thì công viên Haneul Sky Park là nơi lý tưởng dành cho bạn. Sở hữu khung cảnh mùa thu tuyệt vời với những cánh đồng cỏ lau ngút ngàn và những tán lá vàng rực rỡ Haneul Sky Park vào mùa thu luôn thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, vui chơi.

Mùa thu xứ Kim Chi không chỉ có lá vàng, lá đỏ mà tại làng văn hóa Hyoseok, Bongpyeong, bạn còn có thể thưởng thức lễ hội hoa kiều mạch với những hoạt động văn hóa truyền thống sôi nổi và thả hồn vào những cánh đồng kiều mạch trắng tinh khôi.

Đài Loan – Thu đậm chất trữ tình

Du lịch Đài Loan mùa thu là cơ hội để du khách trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên diễm lệ, hữu tình tại đây. Thiên nhiên Đài Loan vốn được biết tới bởi sự trầm lắng, đậm chất thơ với những mặt hồ đẹp lung linh hay những con thác trắng xóa huyền ảo, và vào mùa thu được bao phủ bởi những mảng thu vàng lại càng đẹp đến nao lòng. Đến Đài Loan mà không tham quan hồ Nhật Nguyệt thì thật đáng tiếc.


Được ví như một “chảo nước” khổng lồ treo giữa bốn bề núi non, hồ Nhật Nguyệt vào thu mang vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ với mặt hồ phẳng lặng bao phủ bởi những lớp sương mờ ảo, và in bóng hàng tán lá thu vàng. Bên cạnh đó còn có thác Thập Phần được mệnh danh là phiên bản của Niagara châu Á. Thác Thập Phần nằm ở một ngôi làng xinh đẹp của Đài Loan. Với sự hùng vĩ của thác nước, sự hùng vĩ của núi rừng mà mùa thu nơi đây càng them quyến rũ với những nét chấm phá từ những tán lá đỏ rực, vàng ươm.

Ngoài ra, du khách còn có thể ghé thăm Taroko, một khu sinh thái khổng lồ với những con đường quang co đầy thách thức bao quang bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vào mùa thu núi non nơi đây càng hữu tình hơn khi được bao phủ bởi những tán lá thu từ vàng rực đến đỏ thắm.

10 mẹo để tránh sốc văn hóa khi du lịch

Tại Venezuela, đúng giờ bị coi là nóng vội, còn ở Hàn Quốc, mực đỏ chỉ dành để viết tên người đã khuất... Cùng xem 10 mẹo sau đây để tránh sốc văn hóa khi đi du lịch nhé.



Xem thêm: 8 thành phố gây sốc văn hóa cho du khách

Theo Vnexpress, Việt hóa đồ họa: Đức Anh

Bài đăng phổ biến