Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Du lịch đảo Cồn Cỏ – nàng công chúa ngủ quên giữa biển cả

Cồn Cỏ là một huyện đảo mới thành lập của tỉnh Quảng Trị, trước kia đây là đảo quân sự – vị trí chiến lược trong cuộc chiến giành thống nhất từ hai bờ vĩ tuyến 17.


Sau chuyến xe khách gần 12 tiếng tới Quảng Trị, từ cảng Cửa Việt, chúng tôi bắt tàu ra đảo. Trời Quảng Trị tháng 5 đón chúng tôi bằng cái nắng gay gắt, trời trong không một gợn mây và biển xanh rất đỗi dịu dàng. Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ cảng Cửa Việt.


Do mới thành lập chưa lâu, chưa có nhiều công ty khai thác tàu cao tốc sử dụng ra Cồn Cỏ. Chúng tôi điểm danh đoàn, lên tàu cao tốc Cồn Cỏ 1. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đặt chân lên đảo.


Theo lịch sử đảo, Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, đá có màu đen tuyền rất đặc trưng .


Nổi bật giữa màu đen của đá là làn nước trong và xanh mát lạnh. Nhưng bãi biển cát trắng không có trên đảo, nên nếu tới đây, bạn sẽ không thấy các bãi tắm như các khu du lịch đảo như Cô Tô, Lý Sơn.


Sau khi làm quen với người dân đảo, tôi được họ dẫn đi lặn ngắm san hô. Do chưa phát triển du lịch, các hoạt động như lặn biển chưa có dụng cụ hỗ trợ, vậy nên tốt nhất là lặn ở mực nước nông. Hy vọng trong tương lai, du lịch sẽ vươn tới hòn đảo nhỏ này và du khách khi tới đây sẽ được tận mắt ngắm những rặng san hô cùng thế giới dưới mặt biển tuyệt đẹp.


Vị trí và bản đồ trên đảo Cồn Cỏ.

Ngày thứ 2 trên đảo, tôi ghé thăm cột cờ – điểm đánh dấu mốc chủ quyền thiêng liêng của dải đất chữ S. Toàn cảnh Cồn Cỏ nhìn từ ngọn hải đăng. Đây là một điểm phải tham quan trên đảo. Từ đây bạn có thể thấy toàn cảnh đảo với rừng xanh, biển xanh.


Điều kiện trên Cồn Cỏ còn rất khó khăn, chưa có điện, dịch vụ, dân cư thưa thớt. Bạn sẽ bắt gặp bộ đội đi tuần nhiều hơn gặp người dân đảo. Có ở đây mới thấy sự hy sinh thầm lặng của các anh vì Tổ quốc, vì bình yên nơi đất liền và gìn giữ từng mảnh đất máu thịt Việt Nam.


Trên đảo có hơn 70% là rừng, vậy nên hành trình khám phá rừng nguyên sinh rất thú vị. Nếu tới Cồn Cỏ, bạn không thể bỏ qua bốn gốc bàng vuông cổ thụ mà mỗi gốc một người ôm không hết.



Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Bí kíp siêu độc dành cho dân du lịch bụi

"Đừng cứ thế xách balo lên và đi, hãy tìm hiểu trước đã!". Đó là lời Cao Dương Tâm Linh (24 tuổi) có kinh nghiệm hơn 10 năm du lịch bụi khắp Việt Nam và bốn nước Đông Nam Á đã đúc kết. Những lưu ý hữu ích dưới đây đã được cô bạn tổng hợp lại sau nhiều bài học đắt giá. Mời các bạn tham khảo nhé.

1. Tiết kiệm tiền di chuyển

Hãy rủ thêm người đi chung rồi chia tiền. Tận dụng xe trung chuyển của các đơn vị lữ hành, xe buýt miễn phí/giá rẻ từ sân bay vào thành phố; nếu đi taxi từ sân bay hãy đến nơi taxi trả khách ở khu vực Ga đến, giá thường sẽ bằng một nửa cả chặng. Nên mua vé phương tiện công cộng theo ngày để đi khắp nơi sẽ rẻ hơn so với mua từng lượt.

2. Tiết kiệm chi phí lưu trú

Bạn hãy lên các trang web đặt phòng chỉ để lựa chọn khách sạn, trừ khi đi nước ngoài và những lúc có chương trình giảm giá, thì không nên đặt phòng qua mạng, hãy lấy số điện thoại gọi trực tiếp để thương lượng giá hoặc đến tận nơi hỏi, giá trực tiếp sẽ rẻ hơn so với qua dịch vụ trên mạng. Tuy nhiên không nên áp dụng với mùa cao điểm du lịch.

Nếu đi theo nhóm thân (có thể ngủ chung) thì nên ở phòng tiêu chuẩn 2-3 giường để chia tiền cho rẻ, đi một mình thì ở phòng giường đơn tập thể vừa tiện vừa vui. Các bạn không nên chọn chỗ nghỉ ở ngay trung tâm vì giá phòng và dịch vụ sẽ đắt hơn, nên chọn chỗ cách trung tâm khoảng 15 phút đi bộ đổ lại.

3. Chọn địa điểm ăn uống và mua sắm

Ăn uống, mua sắm trong chợ địa phương sẽ rẻ, đa dạng và thường ngon hơn ở các hàng quán trên phố. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển tìm địa điểm.

4. Dân bản địa - "bảo bối" của mỗi chuyến đi

Hãy tận dụng các mối quan hệ bạn bè, người quen từ nhiều địa phương (bạn học cùng trường cùng lớp), nhờ họ chỉ dẫn kinh nghiệm, thậm chí dẫn bạn về nhà đưa đi khám phá quê quán của họ cơ!

5. Lưu thông tin điểm đến tránh bị lạc

Đi đến đâu bạn hãy lấy danh thiếp nhà xe, nhất là lái xe taxi để đỡ phải mất thời gian đợi đặt xe. Luôn mang theo danh thiếp của khách sạn theo để lỡ lạc đường còn hỏi được đường về.

6. Luôn mang giấy bút

Nếu ra nước ngoài thì luôn phải có bút để điền thông tin nhập cảnh. Khi vào vùng không có mạng thì có thể nhờ người dân vẽ đường. Bút bi bấm cũng là một "vũ khí" phòng thân tốt.

7. Khăn đa năng - vật bất li thân

Dùng để đội đầu, bịt mặt, quàng cổ, choàng người, tung khăn lên xác định hướng gió, buộc cầm máu/cố định vết thương, lau rửa...

8. Luôn mang thuốc đau bụng

Dù "tốt bụng" đến đâu thì cũng có lúc cần dùng đến, bởi đồ ăn địa phương không phải ai cũng có thể tiêu hóa. Con gái cũng cần thuốc giảm đau nếu đi du lịch vào "ngày ấy".

9. Đầu tư một đôi giày thật tốt

Giày bạn nên chọn đôi êm mềm, đi được nhiều địa hình (đế dày, độ bám cao, chống nước, cổ cao gập xuống được), và phải "hợp gu" một chút để nhìn vào nó bạn có hứng thú đi nhiều hơn.

10. Túi đồ dùng cá nhân

Luôn có sẵn túi đồ dùng cá nhân nhỏ đựng bàn chải, khăn mặt, mỹ phẩm... để cứ đi đâu là sẵn sàng có luôn, kể cả không đi du lịch.

11. Cách xếp quần áo vào túi hành lý gọn hơn cả cách "cuộn tròn"

Gấp gọn (cuộn tròn càng tốt) cho vào túi nilon/túi khóa zip rồi ấn xẹp đẩy hết không khí ra, chỉ cần 2 túi (đựng đồ bẩn và sạch) sẽ gọn gàng hơn nhiều.

12. Mua đồ cần thiết

Hãy tranh thủ mua đồ cần thiết ở nơi bán gần nhất, đặc biệt là khi ra đảo hoặc lên núi vì ở đó sẽ không có nhiều cửa hàng cho ta lựa chọn. Tốt nhất là nên chuẩn bị thật kỹ trước khi lên đường.

13. Chủ động giúp đỡ người dân và bạn đồng hành

Hãy năng động, tự tin làm cùng mọi người, người ta thấy sai thì sẽ nhắc, đúng thì càng nể, không ai muốn đi cùng người chẳng biết làm gì đâu.

14. "Mạnh mẽ lên, tôi không phải dạng vừa đâu"

Nếu bị quấy rối hãy tri hô, cảnh cáo thật to lên cho đám đông biết; nếu bị ai đó lợi dụng đám đông để áp sát bạn, hãy giả vờ như bạn mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách hắt xì hoặc sụt sịt như bị cảm cúm, gãi gãi chân tay ra vẻ bị bệnh ngoài da, thậm chí ngáp và lờ đờ mắt ra vẻ người nghiện để "ngụy trang".

15. Kết bạn thật nhiều

Và cuối cùng, hãy làm quen kết bạn thật nhiều để chia sẻ thêm được nhiều kinh nghiệm, san sẻ các chi phí, có thêm nhiều khoảnh khắc để chuyến đi thêm thú vị nha!

Theo Yan

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2017

Thiền viện xanh mát như ốc đảo ở Bangkok


Được một người bạn người Việt đang học ở thủ đô Thái Lan giới thiệu, tôi tìm đến thăm một trung tâm thiền viện, một lá phổi xanh giữa lòng Bangkok.


Từ trung tâm thành phố, tôi bắt taxi đi khoảng 25 km để tìm đến Sathira-Dhammasathan, một nơi vừa là thiền viện Phật giáo, vừa là trung tâm học tập cộng đồng vì hòa bình và sự hòa hợp, lấy ý tưởng từ tinh thần yêu thương và từ bi của đạo Phật.


Trung tâm được nữ tu sĩ nổi tiếng Mae Chee Sansanee Sthirasuta thành lập từ năm 1987. Bà là một người hoạt động rất tích cực cho các phong trào vì hòa bình và bảo vệ phụ nữ trên thế giới.

Cảm giác đầu tiên khi bước vào trung tâm là một màu xanh tươi mát, và không khí trong lành, yên tĩnh bao phủ khắp gần 3 ha diện tích của trung tâm, trái ngược hẳn với cái nắng gay gắt và khói bụi bên ngoài.


Sau khu vực tiểu cảnh là trung tâm học tập thiền, ngoài ra còn có các nhà hàng chay, cà phê, khu lưu trú cho các thiền sinh đến tu tập.

Ngay từ khi xây dựng, trung tâm đã được trang trí bằng nhiều tiểu cảnh, hồ nhỏ và trồng nhiều cây cối để tạo cảnh quan, đồng thời cũng để giúp việc học tập thiền định, sinh hoạt được gần gũi thiên nhiên và tĩnh tâm hơn.




Mỗi buổi chiều, trung tâm hay kết hợp dùng các máy phun sương, kết hợp với hình ảnh các ni cô và thiền sinh trong các trang phục màu trắng càng làm không khí thêm phần tĩnh mịch và thanh bình, tựa như cõi bồng lai tiên cảnh.


Ngoài ra, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tu học cho mọi đối tượng và lứa tuổi, nhằm nỗ lực góp phần xây dựng hòa bình, phá vỡ chu kỳ bạo lực và phân biệt đối xử trong cộng đồng.


Để đến đây, từ trung tâm Bangkok, cách nhanh nhất là bạn có thể đón taxi hoặc xe tuk tuk đến thiền viện Sathira-Dhammasathan với giá tiền khoảng 300 baht (khoảng 200.000 đồng).


Hoặc để tiết kiệm hơn, nếu đi từ Cung điện Hoàng Gia, bạn có thể đón xe buýt số 51, rồi đi tiếp xe số 95, sau đó đi bộ thêm một đoạn nữa để đến thiền viện, nhưng thời gian di chuyển sẽ lâu hơn khá nhiều.


Đặng Trần Đăng Khoa (30 tuổi, người Gò Công, Tiền Giang) đang trên hành trình đi vòng quanh thế giới bằng xe máy, bắt đầu từ 1/6. Anh chia sẻ về ngôi thiền viện này với độc giả Zing.vn .


Bài đăng phổ biến