Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Văn hóa thưởng thức cà phê 3 miền Việt Nam

Có bao giờ bạn trải nghiệm văn hóa thưởng thức cà phê 3 miền ở Việt Nam chưa? Hà Nội uống cà phê thế nào, Sài Gòn uống cà phê ra sao nhỉ? Còn thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột thì sao, người dân ở đó họ có sành điệu với cà phê không? Hãy điểm qua vài nét trong cách "khám phá" cà phê của mỗi vùng miền nhé? 

Hà Nội  - Cà phê nâu “không vội được đâu” 

Hà Nội vẫn giữ những nét đẹp cổ kính từ phố phường cho đến cách thưởng thức cà phê. Dạo quanh Hà Nội vào những ngày sáng sớm, chủ yếu những người trung niên cho đến lớn tuổi cùng nhâm nhi ly cà phê, cốc trà nóng và làm hơi thuốc lào. Họ bình thản, nhẹ nhàng và từ tốn. Con người và nhịp sống ở Hà Nội chầm chậm mỗi ngày như thế.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội 


Người Hà Nội có cà phê đen và cà phê nâu, vị không quá ngọt như cà phê Sài Gòn. Thị dân thủ đô vẫn còn trung thành với những chiếc phin bằng thiếc, cách pha cà phê “cũ” và từ tốn. Phải chăng việc chờ từng giọt cà phê rơi xuống, tạo thành từng tiếng “tách tách” trong ly đã trở thành thú vui tao nhã? Không vội vàng, không hối hả là điểm nhấn đáng nhớ trong phong cách thưởng thức cà phê của người Hà Nội

Cà phê -  Thú vui người Sài Thành


Trái ngược hẳn với thủ đô xa xôi, Sài Gòn ai ai cũng hối hả trong từng nhịp sống, có phần vội vã và gấp rút. Vậy nên cà phê sữa đá “take away” được người Sài Gòn đặc biệt yêu thích vì hương vị thơm ngon và có phần tiện lợi hơn.

Hương cà phê người Sài Gòn thích có vị hơi ngọt hơn so với cà phê nâu của Hà Nội. Họ thường đem những ly cà phê “take away” đến nơi công sở để thưởng thức, và xem nó như một thức uống “đánh thức” tinh thần làm việc vào mỗi sáng thức dậy.


Ở thành phố này, ai cũng uống cà phê, từ công nhân cho đến dân công sở, sinh viên, người làm việc tự do…họ thưởng thức cà phê bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào trong ngày. Các quán cà phê dường như là một địa điểm lý tưởng để làm việc và tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Những người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam cũng vô cùng yêu thích vị cà phê sữa đá ấy. Chút đắng chút thơm chút ngọt cùng hòa quyện với nhau. 

Nét riêng tại thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột 

 
Nhiều người hay nói rằng, người Buôn Mê chỉ trồng cà phê được chứ không biết uống cà phê. Nghĩ thế là nhầm rồi nhé! Người nơi đây uống cà phê rất kĩ càng, những quán cà phê rang xay tại chỗ sẽ được ưu ái hơn. Còn có những người khắt khe trong việc chọn Robusta hay Arabica và tỉ lệ được pha trộn giữa các loại với nhau. 
  

Địa điểm uống cà phê cũng là một yếu tố cực kì quan trọng, người Buôn Mê thích những nơi có phong cách hướng đến thiên nhiên, xung quanh nhiều cây cối hoặc uống cà phê ở những nhà sàn của người dân tộc Ê-Đê.

Xem thêm: 24 giờ không chán ở Buôn Mê Thuột 

Nguồn ảnh: Internet
Tham khảo: L'officiel

10 trải nghiệm tuyệt vời khiến du khách đi Thái Lan mãi không chán

Từ ăn tối trên sân thượng ở Bangkok tới khám phá ngôi đền ở đáy hang, Thái Lan còn nhiều điểm đến tuyệt diệu thu hút du khách.


Khám phá những ngọn núi trên biển: 


Những khối đá sừng sững trên biển xanh của Phuket tạo ra khủng cảnh hùng vĩ, ấn tượng. Du khách có thể thuê canoe khám phá những hòn đảo nhỏ, thăm thú các "viên ngọc" ít người biết của vịnh Phang Nga và ghi lại khoảnh khắc ấn tượng. Ảnh: CNTraveler.

Thăm cây cầu trên sông Kwai: 


Đây là cây cầu nổi tiếng của tuyến đường sắt Burma, được xây dựng trong Thế chiến II. Nằm ở Kanchanaburi, gần biên giới với Myanmar, cây cầu còn có bảo tàng Đường ray tử thần với nhiều hiện vật và tranh ảnh về những tù nhân chiến tranh đã chết khi xây cầu. Ảnh: Expedia.

Ngược dòng thời gian ở những ngôi đền của Ayutthaya: 


Từng là kinh đô của vương quốc Siam cổ xưa, Ayutthaya thu hút du khách nhờ những ngôi đền, cung điện và tượng đài tuyệt đẹp. Với vị trí ngay gần Bangkok, nơi này rất hợp để bạn khám phá trong ngày. Ảnh: Backpacker Deals.

Tĩnh tâm ở đền Wat Pho: 


Là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất Bangkok, Wat Pho được xây dựng từ thế kỷ 16 và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hàng triệu du khách đổ về đây để chiêm ngưỡng tượng Phật nằm dát vàng. Ảnh: Alealetours.

Lễ hội đèn trời: 


Lễ hội Yi Peng thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 12 theo lịch Thái. Bạn có thể đến Sukhothai, nơi khởi đầu của truyền thống này và cũng là một trong những nơi tổ chức lễ hội nổi tiếng nhất. Trong 5 đêm, người dân và du khách sẽ thả những ngọn đèn trời, xem pháo hoa và các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian. Ảnh: Odyssey.

Thám hiểm hang động: 


Nằm ở phía đông Thái Lan, công viên quốc gia Samroiyod là công viên hải dương đầu tiên của quốc gia này. Ngoài hệ động thực vật phong phú, Samroiyod còn nổi tiếng với những hang động khổng lồ cho du khách khám phá. Trong đó, ấn tượng nhất là hang Phraya Nakhon ở Hua Hin. Đáy hang có một ngôi đình được xây dựng cho đức vua vào thế kỷ 19. Ảnh: Bangkokpost.

Ăn tối trên sân thượng: 


Chỉ riêng việc ăn ở Bangkok đã là một trải nghiệm tuyệt vời, nhưng thưởng thức những món ngon trên sân thượng trong lúc chiêm ngưỡng khung cảnh thành phố sẽ đem lại cho bạn ấn tượng khó quên. Bangkok có nhiều nhà hàng và quán bar trên cao, như Sirocco, Red Sky và Vertigo. Ảnh: Tripgether.

Chiêm ngưỡng động vật hoang dã: 


Các khu bảo tồn voi nằm rải rác khắp Thái Lan, trong đó công viên voi ở Chiang Mai là một trong những nơi nổi tiếng nhất. Đây là nơi giải cứu và chăm sóc voi. Du khách được chào đón tới xem chúng tắm trên sông và tiếp xúc với loài vật tuyệt vời này. Ảnh: Suma Lifestyle.

Khám phá chợ nổi: 


Là một trong những chợ nổi lâu đời nhất Thái Lan, chợ Amphawa đem lại cho du khách trải nghiệm đáng nhớ. Người bán chèo thuyền mời khách như tổ tiên hàng trăm năm trước, với vô vàn sản vật địa phương và món ngon dành cho du khách. Ảnh: Klook.

Đi dạo một chuyến trên xe tuk tuk: 


Một chuyến đi tới Thái Lan sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu trải nghiệm xe tuk tuk. Bạn có thể bắt xe để dạo chơi khắp các khu chợ đêm hay đường phố ở Bangkok. Ảnh: Asia Travel Agency.

Theo news.zing.vn







Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Ngất ngây với 6 phim trường cổ trang ở Trung Quốc

Những phim trường hoành tráng ở Trung Quốc đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của rất nhiều bộ phim cổ trang đình đám. Không chỉ có vậy, những phim trường này còn có nguồn thu không nhỏ từ việc bán vé cho khách du lịch tham quan, chụp ảnh.  Vậy có gì bên trong những phim trường này? Cùng ngất ngây với 6 phim trường cổ trang ở Trung Quốc.

Xem thêm: 13 phong tục ở Trung Quốc có thể khiến du khách sốc

Phim trường Hoành Điếm – Chiết Giang, Trung Quốc


Hoành Điếm được biết đến là phim trường nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, do người đàn ông có tên là Từ Văn Ninh xây dựng. Có diện tích lên đến 30 triệu m², Hoành Điếm rộng gấp 27 lần tổng diện tích hai phim trường Universal và Paramount cộng lại. Tất cả công trình đều được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 so với nguyên bản từ Tần Vương Cung cho đến Tử Cấm Thành.

Hoành Điếm có tổng cộng 9 khu vực nguy nga, tráng lệ phục vụ cho việc quay phim từ cổ trang cho đến bối cảnh Dân quốc như: Tần Vương Cung, Thanh Minh Cung, khu Quảng Châu Hồng Kông, khu văn hóa Hoa Hạ, Mộng Huyễn Cốc, chùa Bích Trí Đàm. 


Mỗi năm có hơn 12 triệu du khách đến tham quan phim trường Hoành Điếm, đứng thứ ba sau di tích Cố Cung ở Bắc Kinh và danh thắng Vũ Lăng Nguyên ở Hồ Nam. Phim trường Hoành Điếm không thu phí sử dụng bối cảnh đối với các nhà làm phim. Doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ đi kèm như trang phục, đạo cụ, thiết kế sản xuất, ăn uống, lưu trú…

Đã có hơn 4000 bộ phim cổ trang lớn nhỏ được quay tại đây. Có thể điểm qua những cái tên nổi bật như: Kiếm Vũ Giang Hồ, Quái Hiệp Nhất Chi Mai, Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện 3, Thần Thoại, Mỹ Nhân Tâm Kế, Hậu Cung, Võ Tắc Thiên Bí Sử, Bộ Bộ Kinh Tâm, Tùy Đường Diễn Nghĩa, Hậu Cung Chân Hoàn Truyện...

Xem thêm: Một số lưu ý khi đi du lịch Trung Quốc

Phim trường Tượng Sơn –  Chiết Giang, Trung Quốc


Tận dụng cảnh sắc thiên nhiên của mảnh đất Giang Nam trù phú, Tượng Sơn cũng là một trong những địa điểm được các nhà làm phim “chọn mặt gửi vàng”. Phim trường Tượng Sơn có tổng diện tích 3,927 triệu m², khởi công xây dựng vào năm 2005 với 5 khu quay phim chính với nhiều quảng trường và khu phố xưa.

Tứ Đại Danh Bổ, Triệu Thi Cô Nhi, Bích Huyết Kiếm, Đại Minh Vương Triều, Bảng Phong Thần, Thiếu Niên Dương Gia Tướng, Hoa Tư Dẫn, Lan Lăng Vương, Tân Thiên Long Bát Bộ… là những bộ phim điển hình được quay tại Tượng Sơn.

Phim trường Trác Châu – Bắc Kinh, Trung Quốc

Là địa điểm quay Tây Du Ký, Đường Minh Hoàng, Đại Cung Minh Từ hay Hán Vũ Đế, phim trường Trác Châu mô phỏng nhiều di tích lịch sử tại Bắc Kinh như Di Hòa Viên, Tử Cấm Thành, Hạ Môn… 
Ngoài ra, Trác Châu còn biết đến với những di tích thật được bảo tồn lâu đời như Ngự Hoa Viên và Vương Phủ Tỉnh.

Phim trường Thượng Hải –Thượng Hải, Trung Quốc


Nằm cách trung tâm Thượng Hải khoảng 3 giờ ngồi xe khách, phim trường Thượng Hải cũng được biết đến là địa điểm quay phim lớn nhất Thượng Hải. Phim trường này như một Thượng Hải thu nhỏ với phố đi bộ Nam Kinh xưa, cầu Bạch Độ và một số địa danh khác. Một số bộ phim đã được quay tại đây như: Khuynh Thành Chi Luyến, Hoa Anh Hùng, Mộc Lan Truyện…

Ngoài ra, phim trường Thượng Hải còn là nơi lấy cảnh của nhiều bộ phim thời Dân quốc như Tân Bến Thượng Hải, Tân Dòng Sông Ly Biệt, hay Cẩm Tú Duyên Hoa Lệ Mạo Hiểm…Phim trường này thường xuyên bán vé cho khách vào tham quan từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Xem thêm: Khám phá thế giới ẩm thực Trung Quốc 

Phim trường Nam Hải – Quảng Châu, Trung Quốc


Phim trường Nam Hải vốn trực thuộc đài truyền hình CCTV. Với diện tích 5,4 triệu m², Nam Hải là địa điểm quay của các bộ phim nổi tiếng như Thái Bình Thiên Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thiếu Niên Bao Thanh Thiên, Thiện Nữ U Hồn…

Ban đầu, phim trường Nam Hải chỉ mở cửa cho những đoàn làm phim được cấp phép bởi đài truyền hình CCTV, sau vì xu thế hội nhập mà Nam Hải đã cởi mở hơn trong việc cho phép các đoàn làm phim khác cũng được vào đây quay phim.

Phim trường Đồng Lý – Tô Châu, Trung Quốc


Nếu ai đã từng đến Tô Châu chắc chắn sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp trầm mặc của cổ trấn Đồng Lý. Không chỉ được biết đến là một trong những cổ trấn đẹp bậc nhất Trung Quốc, Đồng Lý còn là một trong những phim trường được nhiều đạo diễn ưu ái chọn để quay phim. 

Vẻ đẹp trữ tình với nhiều kênh rạch đan xen, Đồng Lý đã xuất hiện trong những bộ phim như Như Ý Cát Tường, Phong Nguyệt, Yêu Nữ Thiên Hạ…

Ảnh: Internet
Nguồn: Tham khảo Kenh14

Bài đăng phổ biến