Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Nâng tầm khả năng dẫn dắt tour du lịch bằng tiếng Anh

Bí quyết nào cho một bài giới thiệu tour du lịch bằng tiếng Anh hấp dẫn những du khách quốc tế? Nhanh chóng cùng Vietravel Training Center khám phá qua bài viết sau đây nhé.


Vừa du lịch vừa học từ vựng tiếng anh, tại sao không?

Trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế, vừa thực hiện công việc dẫn dắt du khách vừa vi vu đến nhiều vùng đất xinh đẹp là một trong những lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước của rất nhiều bạn trẻ năng động và yêu khám phá. Nhiệm vụ của một hướng dẫn viên quốc tế thường xoay quanh việc dẫn dắt, thuyết minh, giới thiệu cho khách về các địa điểm tham quan cũng như là lịch trình tour và sinh hoạt.

Hướng dẫn viên du lịch bên cạnh vốn hiểu biết tường tận về bối cảnh, lịch sử, ý nghĩa của từng địa điểm tham quan, họ còn phải biết cách truyền tải những kiến thức đấy bằng tiếng Anh đến du khách một cách thú vị, dễ hiểu và hấp dẫn nhất.

Người hướng dẫn viên chính là gương mặt đại diện của công ty lữ hành, người sẽ trực tiếp thay mặt cho công ty cung ứng dịch vụ dẫn dắt tham quan. Vậy nên, nếu người hướng dẫn không thể thuyết minh tốt, nhiều khả năng khách tham quan sẽ không còn tín nhiệm công ty chủ quản và không quay trở lại lần sau.

Ngoài ra, những du khách hiện nay có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn tour du lịch, nếu họ không hài lòng với khả năng thuyết trình của người hướng dẫn, họ có thể nhanh chóng đánh giá công khai trên nhiều nền tảng online về công ty hay tìm đến ngay một người hướng dẫn địa phương. Vì thế, biết cách thuyết minh thật bài bản và đầy đủ ý sẽ giúp bản thân người hướng dẫn đạt được nhiều thành công hơn trong lòng của du khách cũng như ghi điểm với công ty về khả năng của mình.

Lưu ý khi giới thiệu tour du lịch bằng tiếng Anh

1/ Sự chuẩn bị là tiên quyết

Khách hàng ngày càng thông minh với những chiếc smartphone và được hậu thuẫn bởi nhiều ứng dụng du lịch đa dạng. Họ có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chỉ qua google, tất tần tật về nhiều địa danh, thắng cảnh trên thế giới.

Vì thế, việc chinh phục du khách bằng những kiến thức chính xác vẫn không đủ, mà thêm vào đó, người hướng dẫn còn phải chuẩn bị trước bằng việc tìm kiếm những tư liệu bên ngoài sách vở, bên ngoài những trang tin thông thường.

Đó có thể là chất liệu dân gian như những câu chuyện xưa, những mẩu chuyện hay lượm lặt từ các nguồn như truyền miệng từ người dân hay tham khảo ý kiến chuyên gia. Từ đó, làm dày đặc thêm nguồn vốn sẵn có của mình.

2/ Lên ý tưởng nội dung cụ thể và luyện tập

Với những vốn tư liệu bạn đã tự trau dồi như trên, công việc tiếp theo đó chính là hãy lên dàn bài cụ thể về những gì mình sẽ trình bày. Hãy đảm bảo mật độ thông tin vừa phải và phù hợp với từng loại địa điểm tham quan.

Ví dụ như bạn có thể chia phần nói ra thành các phần như: 40% là về kiến thức nền tảng (lịch sử hình thành, quá trình ấy có gì đặc biệt., miêu tả kiến trúc…), 40% là về những câu chuyện bên ngoài và 20% còn lại có thể là tương tác, đưa ra những câu thơ, câu hỏi gợi mở hay bài hát, câu ca có liên quan (có thể linh động thời gian tùy vào địa danh).

3/ Luyện tập khả năng trình bày

Một nội dung hay không thể thiếu một phương thức truyền đạt tốt đến du khách, vì họ không chỉ nghe mà còn nhìn và cảm nhận về thần thái của người hướng dẫn. Nói đến cách thức diễn đạt, ta thường chia thành hai phần chính là giọng điệu truyền tải và ngôn ngữ cơ thể, còn trong bài luận thì sẽ là sự mạch lạc và diễn đạt đúng ngữ pháp.

Giọng điệu thuyết minh:

Tùy thuộc vào nội dung câu chuyện được truyền tải mà giọng điệu cần được điều chỉnh thích hợp. Hãy cho du khách cảm nhận được sự tự tin hào hùng khi bạn trình bày về một nơi mang tính dân tộc đặc sắc, hãy lắng đọng khi đề cập đến một câu chuyện buồn và hãy tăng âm lượng và tập trung năng lượng khi truyền tải những thông điệp vui vẻ, hài hước. Bạn cũng nên chú ý vào luyện tập phát âm của bản thân vì phát âm sẽ quyết định mức độ hiểu của người nghe khá nhiều.

Ngôn ngữ hình thể:

Từ gương mặt, thân người, ánh mắt, đôi tay đều sẽ thể hiện được bản lĩnh dẫn dắt người nghe của bạn. Chú ý đến ánh mắt của mình, hướng mắt về du khách là một cách để khiến họ tập trung vào bạn, nhưng hãy linh hoạt các hướng, điều tiết ánh nhìn xa gần phù hợp để mọi người cảm thấy rằng bạn đang truyền đạt đến từng người trong số họ.

Còn đôi tay sẽ cho phép bạn dẫn dắt ánh nhìn của du khách, hãy miêu tả thông tin kèm theo minh họa bằng đôi tay những khi cần thiết và giữ kiểm soát đôi tay, tránh di chuyển liên tục vì có thể khiến du khách cảm thấy không thoải mái.

Mặt khác, khi trình bày bài luận, chính tả và ngữ pháp nên được chú trọng và hạn chế sai nhất có thể. Ngoài ra, cần tránh viết lan man, dài dòng nên dựa vào dàn ý được lên từ ban đầu. Nên tập trung vào khai thác việc giới thiệu cụ thể những thông tin cơ bản hơn so với khi nói và sử dụng các từ nối câu để ý được mạch lạc hơn.

4/ Lưu ý đến không gian xung quanh

Bên cạnh những yếu tố tự bản thân người hướng dẫn viên du lịch cần chú ý, thì còn những yếu tố khách quan khác cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả thành công của một phần giới thiệu. Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là tâm lý du khách, việc linh hoạt cắt bớt hay gói gọn phần trình bày của mình hơn trong những giờ mọi người dường như thấm mệt hay đói bụng là điều rất cần thiết.
Điều này thể hiện sự tinh tế, quan sát và thấu hiểu du khách của người dẫn dắt, cũng như việc tạo ra những trải nghiệm thoải mái bên cạnh những giây phút giới thiệu tour du lịch hấp dẫn chính là một cách khiến cho trải nghiệm chung nhất của họ trên hành trình trở nên vui vẻ và hài lòng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến