Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Đây là điều bạn nên làm sau mỗi chuyến đi

Kết thúc mỗi chuyến du lịch, chúng ta thường chỉ muốn nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng cho hành trình khám phá tiếp theo. Tuy nhiên bạn cũng đừng quên làm những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng ý nghĩa sau đây.


Chia sẻ về chuyến du lịch


Một số người thường cho rằng chia sẻ về những thú vị đã trải qua trong suốt chuyến đi là một điều thừa thãi. Nhưng nếu bạn mở lòng mình ra để chia sẻ nghĩa là chính bạn đang ghi nhớ cảm xúc của chuyến đi và kiếm tìm sự đồng điệu, thấu hiểu từ người nghe. Bạn có thể chia sẻ về những kinh nghiệm, nhưng câu chuyện mới mẻ về vùng đất, con người ở một nơi nào đó.

Sắp xếp lại những kỉ niệm qua khung hình


Đừng vứt xó những bức hình đã ghi lại trong suốt chuyến đi, bởi đó sẽ là những tài sản vô giá, những cảm xúc khó có thể đánh thức lần thứ hai trong đời. Bạn hãy sắp xếp lại chúng theo dấu mốc, trật tự thời gian, địa điểm, như vậy sẽ giúp bạn hồi tưởng lại vùng đất ấy một cách sinh động hơn.

Ghi lại những điều quan trọng qua chuyến du lịch đầu tiên


Nếu bạn đã có chuyến độc hành khám phá những vùng đất mới, thì nên ghi lại những điều mà chính bạn cảm thấy cần nhắc nhớ. Bởi trong hành trình ấy có những khoảnh khắc của riêng mình, vượt qua giới hạn chính mình, và rồi sau chuyến “đi lạc” của tuổi trẻ chúng ta sẽ sẵn sàng cho một bắt đầu mới, tiếp nối những tháng ngày thanh xuân rực rỡ.

Đừng quên nói lời cảm ơn


Nói lời cảm ơn đến những người đã giúp chuyến du lịch của bạn suôn sẻ, trở nên có ý nghĩa là điều rất nên làm sau mỗi chuyến đi. Những người ấy có thể là người dân địa phương, là người bạn đồng hành. Lời cảm ơn thể hiện sự tôn trọng và tình cảm mà bạn dành trao cho họ. Hơn nữa, lời cảm ơn đến những người giúp bạn về nơi ăn, chốn nghỉ còn là bước đệm để giúp bạn tìm được sự chia sẻ, giúp đỡ cho những chuyến đi sau.

Đi để trở về


Nếu bạn sống xa gia đình thì hãy trở về nhau sau những chuyến du lịch xa. Người ta vẫn thường nói rằng đi xa là để trở về. Bởi chỉ sau hành trình rong ruổi khắp nơi, bạn nhận ra không nơi nào có thể mang lại dư vị ấm áp như cơm mẹ nấu, chẳng ai có thể yêu thương bạn mà không đòi hỏi đáp đền như gia đình. Thế rồi, bạn tự nhủ những chuyến đi sau nhất định sẽ đi cùng ba mẹ, lưu giữ khoảnh khắc ngọt ngào, ý nghĩa bên gia đình.


Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Hà Nội, 12 mùa hoa đẹp đến say lòng

Mỗi tháng của Hà Nội ứng với một mùa hoa đặc trưng. Sự góp mặt của chúng khiến những con phố chật chội, đông đúc như thơ hơn, tình hơn và Hà Nội vì thế cũng "Hà Nội" hơn bao giờ hết.


Tháng giêng: Hoa đào 



Hà Nội sẽ chẳng còn là Hà Nội nếu tháng giêng lại thiếu đi sắc thắm của hoa đào. Nhìn những cành đào rung rinh cánh mỏng trong Tết trời mưa phùn đặc trưng của ngày sát Tết, lòng người bỗng thấy xuyến xao bởi mùa xuân đã bắt đầu gõ cửa mọi nhà.


Vườn đào nổi tiếng nhất Hà Nội là Nhật Tân, ven sông Hồng. Cứ đến gần Tết, khoảng tháng 1, 2 dương lịch, các nhà vườn không chỉ tấp nập khách đến mua hoa mà cả người chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đầu xuân.

Tháng hai: Hoa ban tím



Nhắc đến hoa ban, người ta sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất Điện Biên. Nhưng bạn chẳng cần đi xa đến thế bởi ngay tại Hà Nội cũng có một mùa hoa ban thật đẹp. Phố Bắc Sơn những ngày tháng 2, hoa ban đã nở như mang một góc Tây Bắc về đặt giữa lòng Hà Nội, Sắc tím phơn phớt, mỏng manh của hoa ban khiến mang đến cho Thủ đô sự mộng mơ hiếm thấy.

Tháng ba: Hoa sưa, hoa gạo



Khi những cơn mưa phùn giăng ngập trời, thả mình vào đất ấy là lúc hoa sưa bắt đầu tung những cánh nhỏ xinh, khoe sắc trắng tinh khiết trên khắp phố phường Hà Nội. Mùa hoa sưa ngắn lắm nên hoa vừa nở bung, người nọ đã mách người kia đến ngắm nghía, chụp ảnh. Tháng ba Hà Nội ẩm ướt, thật may còn có hoa sưa để mà trông, mà đợi.


Cuối tháng ba, khi hoa sưa vừa kịp thưa thớt thì là lúc hoa gạo thắp lửa phố. Hoa gạo Hà Nội không nhiều, chỉ rải rác vài cây ở khu Viện bảo tàng lịch sử. Hình ảnh những bông gạo đỏ rực không chỉ thanh bình mà còn là đốm lửa trong những ngày tháng ba mưa ẩm đến khó chịu của miền Bắc.


Tháng tư: Hoa loa kèn



Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, Hà Nội bỗng đẹp dịu dàng bởi sắc trắng tinh khôi của những bông loa kèn được những cô hàng mang vào phố trên những chuyến xe hoa tuyệt đẹp. Loa kèn không rực rỡ, thơm ngát như nhiều loài hoa khác nhưng chính sắc trắng xanh giản dị của hoa loa kèn đã khiến rất nhiều người say đắm. 

Tháng năm: Phượng đỏ, bằng lăng tím



Hoa phượng được xem là loài hoa đặc trưng của tuổi học trò, cái tuổi trẻ dại, sôi nổi, của ước mơ tung bay diệu vợi. Tháng 5, đi trên những con đường đỏ rực hoa phượng, không ít người lại bồi hồi nhờ về quãng thời gian đẹp nhất của đời người.


Tháng 5, song song với sắc đỏ của hoa phượng là sắc tím đặc trưng của bằng lăng. Từng chùm bằng lăng tím ngắt khi có ánh ắng chiếu vào càng thêm lấp lánh và đẹp say mê hơn bao giờ hết.

Tháng sáu: Mùa sen 



Cái nắng của tháng 6 chẳng dễ chịu gì, nhưng may thay lại có hoa sen để mà chờ đợi. Sen thanh tao giữa đất trời, sen bình dị trên những gánh hàng hoa tỏa đi khắp phố, sen e ấp tinh khôi trong vòng tay người thiếu nữ. Mùa sen đến, dù hờ hững đến đâu, bạn cũng nên mua một bó sen về nhà cắm rồi đợi chúng nở bung rồi cảm nhận mùi thơm thanh tao và rất Hà Nội.


Tháng bảy: Hoa xà cừ



Tháng bảy của Hà Nội có một loại hoa vô cùng đặc biệt, đó là hoa xà cừ. Những bông hoa màu trắng vàng li ti có mùi thơm dịu nhẹ khiến nắng, gió tháng 7 như tình hơn. Khi có gió to, những bông hoa nương theo gió, trải thảm xuống mặt đường, tuy nhiên nếu không để ý, bạn sẽ rất khó phát hiện ra.

Tháng tám: Hoa xoan



Hoa xoan ở đây chính là dâu da xoan - loại quả cực đặc trưng, gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Hoa kết thành từng chùm li ti, mỗi khi có cơn gió thổi qua, từng vạt hoa rơi xuống trắng cả con đường. Và nếu có việc ra đường vào buổi sáng sớm chưa có nhiều xe cộ chạy trên phố, bạn sẽ được hít hà mùi thơm ngọt lịm của hoa dâu da xoan. 

Tháng chín: Hoa sữa



Tháng 9 Hà Nội không thể trọn vẹn nếu thiếu cốm non và hoa sữa. Hoa sữa mọc thành chùm, có mùi thơm nồng đặc trưng đến nỗi nếu ở gần cây hoa, có khi bạn phải nhức mũi. Ấy thế nhưng nếu trong một chiều thu bảng lảng, tự nhiên ngửi được làn gió thơm mùi hoa, hẳn đó lại là một món quà tuyệt vời, chỉ riêng có trong ngày thu Hà Nội.


Tháng mười: Cúc họa mi



Cúc họa mi được coi là loài hoa báo đông, nở rộ từ cuối tháng 10. Bởi hoa nở cũng là lúc những cơn gió se lạnh bắt đầu tràn về Hà Nội. Cúc họa mi trồng để cho hoa mất khoảng 3 tháng nhưng mùa hoa này chỉ kéo dài 2-3 tuần.

Tháng mười một: Hoa lưu ly



Người ta thường thấy sắc tím lưu ly đi qua phố trong những ngày đầu đông. Sắc tím của lưu ly  mang vẻ thâm trầm, kín đáo và đặc biệt quyến rũ. Mùa hoa lưu ly chỉ nở rộ trong vài ba tuần nên ngay khi thấy lưu ly về phố, đừng quên mua ngay một bó về để tô điểm cho ngày đông nhé.

Tháng mười hai: Mùa hoa cải vàng



Những ngày đông xám xịt của Hà Nội, thật may có cải vàng để trông đợi. Khu vực đê làng Phù Đổng, Gia Lâm hay hai ven bờ sông Đuống (Thuận Thành, Bắc Ninh) nhiều cánh đồng hoa cải đã trổ vàng, trải dài, ươm màu rực rỡ khiến tiết trời đông trở nên ấm áp, tinh khôi lạ thường. 


Màu vàng hoa cải thường đánh dấu những tháng ngày cuối năm. Vùng ven Hà Nội có rất nhiều vườn trồng cải, chủ yếu để lấy giống nhưng vẫn cho khách vào tham quan, chụp ảnh. Những địa chỉ cho du khách tham khảo bao gồm vườn cải Trâu Quỳ, Gia Lâm, làng hoa Tây Tựu, làng hoa Quảng Bá, các vườn hoa cho chụp dịch vụ ở Nhật Tân...


Nguồn: Tổng hợp

Giải mã ngày Giáng Sinh ở Ý


Mùa Giáng Sinh luôn mang không khí nô nức, nhộn nhịp và rộn ràng. Thường thấy ở các nước phương Tây vào dịp lễ Giáng sinh đó là hình ảnh gia đình quây quần thưởng thức bữa ăn, mở quà Giáng Sinh dưới cây thông, tặng nhau những tấm thiệp chúc mừng ý nghĩa. 


Ý cũng thế, Giáng Sinh còn được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Hơn thế nữa, Giáng Sinh ở Ý còn bắt đầu từ sau Lễ Tạ Ơn, thậm chí là Halloween, người Ý bắt đầu mùa Giáng sinh từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12. Đây cũng là lúc đường phố và các căn nhà được trang hoàng lộng lẫy và tráng lệ.

Giai điệu của những chiếc kèn túi


Chín ngày trước Giáng Sinh, người Ý sẽ hiện diện trên đường phố và hát những bài hát truyền thống. Đặc biệt, nếu bạn ở Rome, miền nam nước Ý hoặc Sicily thì bạn sẽ thấy những người chơi kèn túi với những giai điệu vui nhộn.

Bữa tiệc truyền thống


Bữa tối 24/12 của người Ý thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''. 

Các hoạt động trong bữa tiệc


Suốt bữa tiệc, lũ trẻ hát những bài hát Giáng Sinh và được người lớn vỗ tay khen ngợi hay thưởng tiền. Sau bữa tiệc, cả nhà chơi một trò chơi cổ, tương tự như trò bingo, cuối cùng tất cả tham dự thánh lễ lúc nửa đêm. Các món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.

Dự Thánh lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm


Sau bữa tối với gia đình, phần lớn người Ý sẽ đến nhà thờ dự Thánh lễ. Tại Rome, một số người dân sẽ đến Vatican để dự Thánh lễ với Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, vẫn luôn có những “ngoại lệ” trong truyền thống đón Giáng Sinh ở các vùng miền nước Ý. Tại miền Bắc, ở Cortina d’Ampezzo trên dãy Dolomite, người ta trượt tuyết xuống dốc cùng với ngọn đuốc lúc nửa đêm để chào đón Giáng Sinh.

Tổng hợp

Bài đăng phổ biến