Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm du lịch Hội An - ngắm cảnh đẹp Cửa Đại

Kinh nghiệm dành cho những ai đang muốn đi du lịch Hội An, ra chơi đảo Cù Lao Chàm, ngắm cảnh đẹp Cửa Đại.

Hội An đã là điểm đến quen thuộc đối với quá nhiều người. Du khách nước ngoài khi đặt chân đến VN cũng được các tour giới thiệu, chỉ dẫn tới đây. Tuy nhiên, với những người chưa từng đến Hội An thì nơi đây vẫn còn là một địa chỉ mới lạ, rất muốn đến thăm.

Mặc dù thuộc tỉnh Quảng Nam, song Hội An lại rất gần khu du lịch Đà Nẵng. Vì thế, thông thường mọi người sẽ đi kết hợp giữa Hội An và Đà Nẵng. Theo đó, các bạn nên đến Đà Nẵng trước rồi di chuyển vào Hội An chơi sau.

Phố cổ Hội An còn nguyên nét cũ

Di chuyển

Để đến Hội An các bạn có thể đi bằng tàu, xe ô tô hoặc bằng máy bay. Hiện nay các hãng hàng không như Vietnamairline, Jetstar, Vietjetair đều có khai thác các đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đến Đà Nẵng. Nếu muốn mua được vé rẻ, bạn nên mua vé trước khoảng 3 đến 6 tháng.

Trước khi đến Hội An, các bạn nên chơi, du lịch ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, do Hội An không có ga tàu – bến xe nên mọi việc di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa hay xe ôtô đều phải tập trung ở Đà Nẵng. Từ Đà nẵng các bạn thuê xe taxi (hoặc bus) chạy thêm khoảng 30-40km để đến “Phố Hội”. Cũng có thể đi xe máy, thuê xe máy ở Đà Nẵng rồi đi Hội An.

Đặt xe về Hội An bạn có thể liên lạc anh Hùng 0906573153 (xe nhà anh Hùng giá rất hợp lý, lái xe nhiệt tình, làm việc chuyên nghiệp). Gia đình mình đã 4 lần đi xe của anh Hùng rồi.

Từ TP Đà Nẵng đi về Hội An có hai cách:

Bạn có thể đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km. Vào Hội An theo đường Huỳnh Thúc Kháng. Nếu đi theo tuyến này, bạn  có thể ghé thăm Tháp Chàm Bằng Anh ở Vĩnh Điện.
Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ Trung tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An đến Hội An khoảng 30km. Nếu đi theo tuyến này bạn có thể ghé thăm Ngũ Hành Sơn.
Phố cổ Hội An có đầy đủ các dịch vụ giao thông phục vụ du khách, nhưng thú vị nhất với du khách đến thăm nơi đây vẫn là đi bộ hoặc thuê xe đạp vòng quanh khu phố để cảm nhận nét đặc biệt của nơi này. Nếu có điều kiện bạn nên tham quan Hội An trọn một ngày để cảm nhận hết vẻ đẹp nơi đây. Ngược lại nếu ít thời gian, bạn nên chọn việc tham quan du lịch Hội An vào ban đêm để ngắm Phố Hội vào thời khắc lung linh, huyền ảo và rực rỡ nhất.

Hội An nhỏ bé, nên không cần phải bản đồ và cũng chẳng ai bán bản đồ.

Tìm khách sạn giá rẻ ở Hội An

Là thành phố du lịch, đặc biệt thu hút du khách nước ngoài nên ở đây các khách sạn thường xuyên đông khách. Hội An không thiếu các KS tiện nghi, ngay trung tâm thành phố nhưng giá phòng khá cao, và luôn kín phòng, khó có room trống. Theo mình vào mùa cao điểm bạn nên tìm phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ xa khu trung tâm như đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn gần bến xe, đường Thái Phiên. Và mọi người nhớ book phòng trước khi đến để tránh trường hợp không có phòng để ở khi đến nơi.

Để book được phòng giá tốt, các bạn nên book qua các đại lý du lịch để được giá tốt. Thông thường các đại lý đều được hưởng chiết khấu cao từ khách sạn và họ cũng để lại chiết khấu tốt cho khách hàng, chứ không tính nguyên giá như khi các bạn liên hệ trực tiếp với khách sạn.

- Resort thì có thể tham khảo: Palm, Golden Sand, Hoi An Beach

- Về khách sạn tại Hội An bạn có thể tham khảo Thanh Vân 2, Vĩnh Hưng 3, khách sạn Đại Long – 680 Hai Bà Trưng, Hội An – 0510.3916.232.

- Nếu muốn tiết kiệm nữa, bạn nên tìm các nhà trọ hoặc ở kiểu Homestay (dành cho dân phượt). Ở Hội An có nhiều nhà trọ sạch sẽ không kém khách sạn, nhưng giá lại rẻ hơn nhiều.  Tây Ba lô họ cũng ở như vậy. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ sau:

Nhà chị Hương 24 La Hội, số điện thoại 0905892059. Giá cũng chỉ 150-200k.
Nhà chị Châu ở số 09 Nguyễn Phúc Nguyên, đối diện khu nghỉ mát Vĩnh Hưng, gần khu chợ đêm. Điện thoại chị Châu: 0510-3863381 hoặc di động: 0932533977. Nhà chị Châu có 5 phòng khép kín ở vị trí thuận lợi, tiện nghi đầy đủ như máy điều hoà, nước nóng lạnh, tivi, còn có wifi.
Nam Ngãi Guest House. 626 Hai Bà Trưng, Hội An. Liên hệ 0909.080836-0510.3861166. Giá phòng khoảng 150k/2 người.
Khách sạn Phương Đông ở 42 Bà Triệu. Giá 300k – 400k/đêm. Phòng đôi, có bồn tắm. Khách sạn khá đẹp, có cả bể bơi.
Ở Hội An nếu không thích thuê khách sạn ngủ ở đây thì nên ra thuê khách sạn ở biển Cửa Đại, gần biển để ở và tắm biển. Từ đây đi vào Phố Hội chơi lễ  hội trăng rằm cũng tiện, có thể đi xe máy (thuê), đi xe buýt, xe của khách sạn…

Biển Cửa Đại

Các bạn nên tắm biển ở Cửa Đại. Ở đây có nhiều khách du lịch Tây ra tắm, vui và hấp dẫn. Nếu chưa đủ, các bạn có thể tham khảo thêm thông tin Khách sạn giá rẻ ở Hội An.

Các điểm tham quan nổi bật ở khu du lịch Hội An

Chùa Cầu: Điểm đến không thể bỏ qua, là viên ngọc giữa lòng Hội An. Tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều thăng trầm dưới mái ngói âm dương huyền bí. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đi ngang đây, ông đã đặt cho cầu ba chữ Lai Viễn Kiều. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế, thời xưa, hai bên cầu là nơi mua bán sầm uất.
Nhà cổ 77 Trần Phú: ngôi nhà hình ống điển hình, giữa sân nhà có các vách gỗ bao quanh được chạm khắc sống động.
Nhà cổ 101 Nguyễn Thái Học, phòng khách là một công trình chạm trổ tinh vi. Ở trần có vỏ cua có trang trí hình hai bao kiếm vắt chéo rất lạ mắt.
Hội quán Quảng Đông thờ Quan Công nằm trên đường Trần Phú.
Hội Quán Trung Hoa thờ bà Thiên Hậu.
Hội quán Phúc Kiến xây dựng năm 1857 cũng thờ Thiên Hậu.
Hội quán Hải Nam là nơi thờ 108 Hoa kiều chết oan dưới thời vua Tự Đức.
Hội quán Triều Châu hay còn gọi là chùa ông Bổn ở đường Nguyễn Duy Hiệu. Hội quán nhỏ, xây dựng tỉ mỉ, khởi công năm 1845 với vật liệu đưa từ Trung Quốc sang.
Nhà trưng bày gốm sứ mậu dịch Hội An nằm trên đường Trần Phú. Đây cũng là một căn nhà cổ đẹp được trùng tu với sự đóng góp của đại học Chiêu Hoà, Nhật Bản.
Bảo tàng Lịch sự văn hóa Hội An nằm trong khuôn viên chùa Ông thờ Quan Công và chùa Bà – thờ Quan Âm. Chùa khởi xây từ thế kỷ thứ 17 và đã qua nhiều lần trùng tu.
Biển Cửa Đại: nằm cách khu đô thị cổ Hội An 5km về hướng Đông. Đây là bãi tắm lý tưởng, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng.
Theo kinh nghiệm thì để đi thăm các điểm ở Hội An, ngoài ngắm công trình kiến trúc, nhà cửa mà muốn tìm hiểu một chút về văn hóa thì các bạn nên mua một cái vé rồi đi theo đoàn khách du lịch nào đó có hướng dẫn viên. Còn không thì tự đi bụi và tự khám phá nhưng sẽ mất thời gian.

Bạn nên đến Hội An vào ngày rằm,  mùng 1 Âm lịch. Sẽ có “Đêm phố cổ”, cấm xe máy, đèn điện, nhà nhà đốt đèn lồng, có phố đi bộ, hát dân ca, hò xứ Quảng… Hội An lúc này có vẻ đẹp rất riêng, ấn tượng. Nếu quan tâm đến văn hóa dân tộc, bạn nên đến bến Bạch Đằng. Hàng đêm ngay bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.

Địa chỉ ăn uống đặc sản Hội An

Nếu muốn thưởng thức đặc sản Hội An, bạn chớ bỏ quên món cao lầu. Cao lầu là món mì đơn giản như mì Quảng, ít nước lèo, mì trộn cùng rau, thịt. Sợi cao lầu làm bằng bột gạo Hội An, ngâm nước tro từ củi tràm ở cù lao Chàm, nhất là phải dùng nước từ giếng Bá Lễ, sợi mì mới dai đúng điệu, và mới đúng là món cao lầu đặc sản tại Phố Hội.

Ở Hội An có quán chị Liên nằm trên đường Thái Phiên bán cao lầu ngon, tuy nhiên quán chỉ bán vào buổi chiều.

Ở đây còn đặc sản bánh tráng đập ăn cùng hến trộn. Do nhiều người Hoa tập trung sinh sống nên Hội An còn nổi tiếng với bánh bao và bánh vạc. Hai loại bánh này đều có nhân tôm thịt, nhưng ngon đặc biệt hơn là nhờ ngâm bột bằng nước giếng Bá Lễ và chấm bằng nước chấm chính hiệu do người bán bánh làm ra. Bạn nên ăn bánh bao bánh vạt ở đường Nhị Trưng.  Còn có hến xào, bánh đập dập và chè bắp thì đến Cồn Hến.

Chùa Cầu Hội An

Cơm gà Hội An cũng là một món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến đây. Cơm gà ngon thì có quán cơm gà Nga, cơm gà Ty, bà Buội nằm trên đường Phan Châu Trinh.

Ngoài ra, nếu thích ăn ngọt bạn có thể thưởng thức các loại chè, tàu phớ đặc trưng xứ Hội.
Các loại bánh bạn có thể mua về làm quà như: bánh in, bánh đậu xanh, bánh ít lá gai… Tương ớt Hội An là món đặc biệt, cay nồng lại thơm.

Nếu muốn ăn ở nhà hàng, các bạn có thể ăn ở Tam Tam restaurant. Thức ăn ở đây ngon, đặc sắc, giá hợp lý. Nhiều người đi du lịch vào Hội An lần nào cũng ăn ở đó. Nhà hàng Cánh Buồm Trắng nấu ăn được, giá tốt.

Nếu muốn ăn hải sản, bạn có thể ăn ở quán Nhạn, trên đường ra Cửa Đại, ngon và rẻ. Mình được người dân ở Hội An chỉ cho đó. Mà quả thực vào đó có rất nhiều người địa phương vào ăn.

Món ngon xứ Quảng: cao lầu Hội An

Ở bãi biển Cửa Đại có quán Tấn Lộc (quán ăn gia đình chứ ko phải nhà hàng đâu nhé) nấu khá ngon, phục vụ rất dễ chịu … Đặc biệt món mực tươi nướng thì ngon lắm, thơm, ngọt mà lại dày vừa phải chứ ko phải loại mực to đùng đâu, loại to ăn nhạt lắm. Nhà mình đi mấy hôm đều ăn ở đây, tắm biển xong lên ăn, ngồi trên bãi biển gió mát rượi. Gía cả thì vừa phải, ko đắt nhưng cũng ko rẻ, được cái toàn đồ tươi.

Ngoài ra, ở biển Cửa Đại còn có dịch vụ cho thuê chiếu và đèn dầu ngồi ngắm sao trời, biển cũng khá thú vị đó các bạn.

Các điểm ăn đêm:

1. Hủ tiếu ở chợ Hội An: cuối đường Trần Phú (ngược phía với chùa Cầu)
2. Cao Lầu, Mỹ Quảng: quán vỉa hè đông đông ở Phan Chu Trinh
3. Bánh Tráng đập, hến xúc, chè bắp: Cẩm Nam, đi qua bên kia sông Hoài
4. Nhậu nhẹt: thịt thỏ, thịt rừng ở quán vỉa hè bên cạnh Bưu Điện, rượu quê quán ở phía bên khu phố mới ở đằng sau khu đài liệt sĩ, hải sản rẻ đi về phía cửa đại rồi rẻ tay phải đi lên xa tí là thấy.

Còn rất nhiều ảnh đẹp về du lịch Hội An:

Ngắm ảnh Phố cổ Hội An

Mua sắm

Ở Hội An có rất nhiều thứ để bạn  mua về làm quà như đèn lồng, đồ lụa tơ tằm, khắc gỗ, đồ thêu ren, đồ lưu niệm… Một điểm đặc biệt là các món quà lưu niệm ở đây chủ yếu là sản phẩm thủ công, vì thế mà chúng rất tinh tế.
Nếu là tín đồ thời trang, bạn đứng bỏ qua cơ hội đặt làm dép thủ công và may quần áo ở đây.

Dép Hội An rất phong phú và đẹp. Nhìn đế dép của các hàng, nếu hàng nào đẹp thì nên đặt ở hàng đấy. Có thể đặt theo chân mình từ sáng, chiều lấy ngay. Nên đặt sớm và chọn hàng để có thể mua được đôi như ý.

May quần áo ở đây cũng siêu nhanh và rẻ. Đặt sáng chiều lấy.

Quần áo lụa tơ tằm: Bạn nào muốn mua hoặc may cho người thân hoặc mua cho mình áo dài cứ ra đây mà mua và may. May vừa đẹp mà rẻ hơn  rất nhiều khác.

Phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18.

Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Với những giá trị nổi bật, tháng 12-1999, Tổ chức UNESCO đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới. Chính vì thế mà Hội An luôn là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương

Chùa Hương là một địa danh nổi tiếng ở miền Bắc. Đây là một khu quần thể Chùa chiền nằm rải rác từ chân núi Hương Tích cho đến tận đỉnh núi. Mọi người thường đi Chùa Hương vào dịp Lễ Hội Chùa Hương từ tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch. Nhưng du lịch Chùa Hương bạn có thể đi quanh năm. Và nếu đi vãn cảnh thì nên tránh mùa lễ hội ra. Bài viết dưới đây mình sẽ chia sẻ chi tiết về Du Lịch Chùa Hương.

Đi Chùa Hương

Từ Hà Nội có 2 con đường dẫn tới Chùa Hương. Một bạn có thể đi từ đường Nguyễn Trãi theo hướng đi Hà Đông, đến ngã Ba La bạn rẽ trái hướng đi Vân Đình. Bạn đi đến Tế Tiêu hỏi đường đi Chùa Hương. Hai là bạn đi theo hướng quốc lộ 1A (Pháp Vân Cầu Giẽ), đường này dành cho ô tô, xe máy không được đi. Đi xe máy bạn đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì. Đi Chùa Hương bạn hoàn toàn có thể đi trong ngày, vào mùa lễ hội Chùa Hương, do dân tình ở xa đến nên hay nghỉ trọ lại 1 đêm rồi sáng hôm sau mới đi lễ. Khi đến Chùa Hương bạn sẽ phải ngồi đò khoảng 1 tiếng vào và 1 tiếng trở ra, dọc hai bên suối Yến là những dãy núi nhấp nhô với nhìu hình dáng kỳ lạ. Khi cập bến bạn đi bộ một đoạn để tới với chùa Thiên Trù, sau đó là con đường leo núi cao lên động Hương Tích. Nếu mệt bạn nên chọn cách đi Cáp Treo. Có thể đi cáp chiều lên và chiều xuống đi bộ, nếu có sức khỏe thì nên đi bộ lên, vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường khá đẹp.

Nên đi Chùa Hương vào thời gian nào?

Theo tôi bạn nên tránh đi vào dịp Hội Chùa Hương ra, vì đây là khoảng thời gian rất đông và xô bồ, dịch vụ thì bị chặt chém. Thời gian nên đi, tất cả các tháng trừ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Nếu bạn đi Lễ thì phải đi vào dịp lễ Hội rồi.

Xe bus đi Chùa Hương

Nhiều bạn sinh viên hay chọn cách đi Chùa Hương bằng xe buýt. Điểm đón xe buýt đi Chùa Hương là ở bãi xe Hà Đông cũ, trên đường Trần Phú. Đi đến bãi xe này bằng tuyến xe bus số 1 hoặc 2 đi Hà Đông, khi lên xe bạn nhớ hỏi lái xe cho dừng ở bến xe Hà Đông cũ, bắt xe buýt đi Chùa Hương.

Số xe bus là 211, lịch trình chạy: Bến Xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung – Quốc lộ 6 – Ngã ba Ba La – Quốc lộ 21 B – Tế Tiêu ( Thị trấn Đại Nghĩa). Như vậy là bạn có thể bắt xe từ đầu tuyến tại Bến Xe Mỹ Đình, hoặc đi xe bus số 1 hoặc 2 qua Nguyễn Trãi dừng ở bến xe Hà Đông cũ để bắt xe số 211 này.

Các điểm thăm quan ở Chùa Hương

Nếu đi trong ngày bạn nên thăm Chùa Thiên Trù và Động Hương Tích. Đây là 2 điểm nổi bật ở Chùa Hương. Bạn có thể chọn đi bộ hoặc đi cáp treo lên đỉnh Hương Tích. Hương Tích là một động nằm trong lòng Núi. Bên trong có bầy biện các tượng Phật, thiết kế và trang trí như trong Chùa. Thông tin chi tiết về Chùa Hương tại wikipedia

Phượt Chùa Hương

Với các bạn đi Phượt bằng xe máy, mình có lời khuyên: đoạn từ Bình Đà đến thị trấn Kim Bài hay có Áo Vàng đứng ở đoạn giữa cánh đồng. Áo Vàng hay bắt các lỗi nhỏ như không gương, thiếu giấy tờ. Các bạn đi nên mang theo giấy tờ đầy đủ.

Giá vé thắng cảnh Chùa Hương

Mình hay dẫn khách nước ngoài đi Chùa Hương, giá thông thường là 40.000/người cho vé đò và 50.000/người vé thắng cảnh. Nếu bạn đi đoàn đông có thể thuê thuyền to khoảng 15 – 20 người ngồi. Ngoài ra có cả dịch vụ xuồng máy nữa đấy. Giá cáp treo là 120.000 cho 2 chiều và 80.000 cho 1 chiều.

Nhà Hàng ăn uống tại Chùa Hương

Ăn uống ở Chùa Hương vào mùa lễ hội sẽ rất đắt. Dọc hai bên đường lối lên Hương Tích có rất nhiều nhà hàng và quán bán đồ lưu niệm. Có đầy đủ dịch vụ Ăn Ngủ Nghỉ cho Phật Tử dọc hai bên đường lên núi. Vào mùa vắng khách, mình hay dẫn khách ăn tại nhà hàng Mai Lâm, nhà hàng này có chất lượng ăn uống tốt nhất ở Chùa Hương (theo mình đánh giá). Nhà hàng có bãi đỗ xe ở Suối Yến, vị trí nhà hàng ở ngay chân núi đường lên Thiên Trù.

Tour Du Lịch Chùa Hương

Vì là làm Guide nên mình nắm khá rõ giá tour đi Chùa Hương. Từ Hà Nội có nhiều công ty có tour đi Chùa Hương hàng ngày. Giá giao động từ 550.000 đến 650.000 với tour ghép và khoảng 1.000.000 với khách đi lẻ. Vào mùa lễ hội có thể tăng hơn 1 chút.


Du lịch Thái Lan thăm cố đô Lampang

Lampang là thành phố nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng sông Wang đầy ấn tượng ở Thái Lan, với các công viên quốc gia và khu dự trữ sinh quyển Huay Tak Teak.
Lang thang trên những con phố rộng lớn ở trung tâm Lampang, bất cứ đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh chú gà trống: trên những chậu kiểng trồng cây hay trụ đèn dọc lề đường... Những trụ đèn thấp hơn thường làm bằng gốm tráng men hình cây tre, bên trên cũng có con gà trống men trắng muốt.
Lampang là thành phố hiếm hoi ở Thái Lan vẫn còn tồn tại xe ngựa, phương tiện đi lại chủ yếu dành cho khách du lịch.
Đi khoảng 30 km ra ngoài thành phố, du khách sẽ đến trung tâm bảo tồn voi Thái Lan thuộc Viện Quốc gia voi với vé vào cửa khoảng 80 baht (hơn 50.000 đồng). Từ năm 1969, đây là nơi chuyên thuần hóa voi rừng để làm phương tiện vận chuyển trong ngành công nghiệp khai thác gỗ. Đến năm 1992, trung tâm này mới chính thức thành lập. 
Tại đây còn có khu vực điều trị và nghỉ dưỡng cho những con voi già, bị thương hoặc bệnh cùng bộ phận huấn luyện nghề quản tượng. Đến đây bạn không thể bỏ lỡ màn trình diễn đầy ấn tượng và đặc sắc của các chú voi. Mở màn là một khúc dạo nhạc được phát ra từ tiếng kêu nhưng rất thanh của voi. Chúng sẽ quỳ xuống và hất vòi lên để chào khán giả. Hấp dẫn không kém là tiết mục đá bóng với màn ghi bàn của những chú voi, trong khi đó một chú khác đứng trước khung thành sẽ dùng vòi và đầu để cố gắng hất trái bóng ra.
Chứng kiến những tác phẩm “nghệ thuật hội họa” của voi dùng chính vòi của mình mới cảm nhận được hết sự diệu kỳ này.
Tạm rời xa những tràng cười sảng khoái với đàn voi, bạn sẽ hòa mình vào không gian yên bình và cổ kính của thành phố Lampang. Với dân số không đông lắm,Lampang là thành phố không có chợ đêm và ít khách du lịch phương Tây. Nhưng đâu đó vẫn là những ngôi nhà cổ bằng gỗ nâu theo phong cách Trung Hoa với những chiếc lồng đèn đỏ treo trước cửa nhà. Người dân nơi đây rất bình dị và có vẻ thảnh thơi, họ không tất bật như ở các thành phố lớn khác của Thái Lan.
Từ thế kỷ thứ 7, Lampang là một phần của Vương quốc cổ Dvaravati. Đến thế kỷ 11, Lampang bị đế chế Khmer chiếm đóng nhưng từ thế kỷ 16 đến 18 lại nằm dưới sự cai trị của Myanmar, bởi thế những công trình kiến trúc chùa chiền nơi đây hầu như đều mang dáng dấp kiến trúc của đất nước làng giềng, đặc biệt là kiến trúc chùa chiền.
Phrathat Lampang Luang là một trong những ngôi chùa thiêng liêng và nổi tiếng bậc nhất tại Lampang. Chùa nằm trên cao với cảnh quan đồi núi thanh bình, thơ mộng. Điểm nhấn của chùa là tháp lớn được bọc vàng nằm trong khu trung tâm. Xung quanh tháp lớn có nhiều tượng Phật nhỏ được bố trí bốn phía, dưới những mái ngói cong vút là dãy chuông bằng đồng thi thoảng vang tiếng ngân mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua.
Selina Nguyễn (theo lonelyplanet)

Bài đăng phổ biến