Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Nơi người dân không thể sống thiếu ớt

Ớt trở thành gia vị quan trọng nhất trong bữa ăn của người Quý Châu, đồng thời là tiêu chuẩn đánh giá một món ăn ngon, hấp dẫn.
Xem thêm: Khám phá thế giới ẩm thực Trung Quốc

Người dân ở Quý Châu, Trung Quốc coi ớt là món ăn quan trọng trong bữa cơm hàng ngày, bao gồm cả bữa sáng. Ớt được phơi khô, làm mắm, lên men, xào lẫn thức ăn. Khác với vị "cay tê" của người Tứ Xuyên, người dân ở vùng đất xa xôi hẻo lánh này thiên về vị "chua cay".

Ớt là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Quỳ Châu. Ảnh: CNN.

Các món ăn của người Tứ Xuyên nổi tiếng thế giới về độ cay, thậm chí đã vươn ra những thành phố lớn như London hay Los Angeles. Tuy nhiên, ít người biết rằng: người Tứ Xuyên không sợ đồ ăn cay, còn người dân Quý Châu "chỉ sợ thức ăn không đủ cay". Phoebe Yin, một người gốc Tứ Xuyên hiện sống ở Quý Châu cho biết: "Tôi nghĩ người Tứ Xuyên ăn cay nhất thế giới, nhưng đến Quý Châu tôi mới biết điều này không đúng sự thật. Ít nhất chúng tôi không ăn ớt mỗi ngày như họ".

Món ăn nổi tiếng nhất ở Quý Châu là lẩu cá chua cay. Người dân bắt cá ở những con rạch nhỏ quanh sườn núi, sau đó hầm cùng cà chua, ớt ngâm, ớt tươi, bắp cải, thêm các loại gia vị và nhất định phải ăn khi nồi nước đang sôi để đẩy vị cay nóng lên mức cao nhất.

Lẩu cá chua cay - món ăn phổ biến của người Quý Châu. Ảnh: CNN.

Vị cay đi vào mọi món ăn thường ngày của người dân, trong đó không thể không nhắc tới món "đậu hũ cay". Miếng đậu được thái vuông vức, nhồi nhân bên trong là hỗn hợp của ớt tươi, ớt khô, hành, lá diếp và tỏi. Nó cay đến mức mà nếu thực khách không quen, họ khó có thể cắn tới miếng thứ hai. Tuy nhiên, những tín đồ của đậu hũ và thích ăn cay lại cho đây là món ăn hấp dẫn nhất nhờ hương vị mạnh và hết sức đậm đà.

Đậu Tứ Xuyên thậm chí phải "chào thua" món ăn này. Ảnh: CNN.

Với những vị khách muốn thử thách khả năng ăn cay của mình thì Quý Châu là điểm đến tuyệt vời. Du khách ngoài việc trải nghiệm những món ăn cay rát lưỡi còn có thể dạo quanh những khu chợ của người dân địa phương, tìm mua những đặc sản chỉ có tại đây. Một trong số đó là zhu'ergen, thường được người dân thêm vào các món ăn để tăng vị. Nó thường được trồng bên cạnh các đồng lúa và theo lời người dân thì rất tốt cho phổi. Người Quý Châu nghĩ chính zhu'ergen là nguyên nhân giúp họ thoát chết trong đại dịch SARS năm 2003.
(Theo VnExpress)

Lịch trình cho 3 ngày khám phá Bắc Kinh

Ba ngày chắc chắn không đủ để khám phá hết thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nhưng nếu biết sắp xếp lịch trình hợp lý, bạn vẫn có thể đi hết những nơi cần đi.
Xem thêm: Bắc Kinh - thành phố nhiều tỷ phú nhất thế giới

Ngày 1

Thiên Đàn là nơi có kiến trúc rất ấn tượng mang đậm nét Trung Hoa.

Thiên Đàn (Temple of Haeven)

Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh, sau khi thưởng thức bữa sáng bạn hãy đến tham quan ngôi đền cổ xưa này. Đây được coi là ngôi đền dành cho những người theo đạo Lão được xây dựng từ năm 1406 tới năm 1420. Ngôi đền thờ có kiến trúc rất đặc biệt và ấn tượng với hình tròn tượng trưng cho trời và hình vuông biểu tượng cho đất.

Tử Cấm Thành (Forbidden City)

Chắc chắn đây là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến thủ đô của Trung Quốc. Tọa lạc ngay khu trung tâm nên bạn có thể dễ dàng đi bộ, xe đạp hoặc bất cứ phương tiện nào để đến đây. Với hàng trăm năm lịch sử, Tử cấm thành (hay Cố cung) là cung điện của các triều đại từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh. Tử Cấm Thành rất rộng lớn nên nếu muốn khám phá kỹ một chút về quần thể này, bạn sẽ mất ít nhất nửa ngày.

Quảng trường Thiên An Môn là nơi từng diễn ra rất nhiều các sự kiện quan trọng trong lịch sử.

Thiên An Môn (Tiananmen Squares)

Là một trong những quảng trường nổi tiếng bậc nhất thế giới, còn được xem như trái tim của Bắc Kinh và cũng là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử. Trong ngày, 2 thời điểm thích hợp nhất để bạn ghé thăm Thiên An Môn đó là sáng sớm khi diễn ra nghi thức thượng cờ hoặc buổi chiều khi hoàng hôn xuống khi lễ hạ cờ được thực hiện.

Phố cổ Hutong

Đây là một trong những con phố cổ hiếm hoi hiện còn sót lại ở Bắc Kinh, cũng giống như phố cổ Hà Nội của Việt Nam với những con phố gắn liền với các mặt hàng buôn bán đặc trưng. Hutong rộng lớn và mang hơi hướng cổ xưa với những gian nhà 4 mặt đều được lợp bằng ngói. Đây cũng là nơi rất thú vị để bạn tìm hiểu về văn hóa dân tộc Trung Hoa. Dạo chơi quanh khu phố cổ bạn cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đường phố thơm ngon, đặc trưng của ấm thực Trung Hoa.

Ngày 2

Vạn Lý Trường Thành với nhiều bí ẩn luôn thu hút sự tò mò của du khách.

Bạn sẽ không thể bỏ qua công trình nổi tiếng do Tần Thủy Hoàng đã phát lệnh xây dựng dưới triều đại của mình. Vạn Lý Trường Thành với một bề dày lịch sử cùng những bí ẩn luôn là điểm đến thu hút sự tò mò của không ít du khách trên thế giới. Vạn Lý Trường Thành rất dài và cũng chỉ được khám phá một phần nhưng cũng mất của bạn nguyên một ngày. Dọc theo con đường dài tưởng chừng như bất tận của bức tường thành này hiện nay cũng có một số các hàng quán bán đồ ăn, nước giải khát cho khách du lịch. Tuy nhiên bạn vẫn nên chủ động chuẩn bị trước đồ ăn nhẹ cho mình. Đặc biệt bạn sẽ phải đi bộ rất nhiều nên hãy nhớ mang theo đôi giày thoải mái nhất cho chuyến đi này nhé.

Ngày 3

Viên Minh Viên (Summer Place)

Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Cung điện Mùa hè từng được coi như một báu vật của vương triều Trung Hoa. Các đại sảnh, tòa tháp, cùng khu vườn hoa hay những cây cầu đầy nên thơ là điểm đến được du khách rất yêu thích. Tuy nơi đây từng bị phá hủy gần như hoàn toàn vào thế kỷ 19, nhưng những gì còn sót lại vẫn là một điểm tham quan đáng giá cho du khách tứ phương.

Sở thú Bắc Kinh là nơi bạn có thể chiêm ngưỡng các loại động vật quý hiếm như: gấu trúc, hổ, sư tử...

Vườn thú Bắc Kinh (Beijing Zoo)

Với diện tích hơn 89 ha, vườn thú Bắc Kinh sở hữu nhiều loại động vật quý hiếm cùng vẻ đẹp hoang sơ của hồ nước, thảm cỏ, vườn hoa… Vườn thú Bắc Kinh là nơi có lượng khách du lịch rất lớn. Đặc biệt nếu ai là fan trung thành của series phim Kungfu Panda thì đây sẽ là nơi bạn được tận mắt ngắm nhìn những chú gấu panda vô cùng đáng yêu và tinh nghịch.

Chợ đêm Đông Hoa Môn

Nhỏ hẹp, với độ dài chỉ khoảng 300 m ở trung tâm Bắc Kinh, chợ đêm Đông Hoa Môn từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách quốc tế. Đến khu chợ bạn sẽ được thưởng thức từ những món ăn truyền thống của người dân nơi đây như đậu phụ thối, thịt cừu, gà xiên… cho đến những món khá rùng mình như rắn, bọ cạp, ve sầu… Đây cũng là nơi bạn có thể tìm được những món quà thú vị, hay ho mang đậm bản sắc của đất nước Trung Hoa làm kỷ niệm cho chuyến đi của mình.

(Theo The Wanderlust Kitchen)

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Gà trống Gô-loa - biểu tượng quyền uy của nước Pháp

Những chú gà trống được người Pháp đánh giá là loài vật đúng giờ, luôn cảnh giác và dũng cảm, giống với tính cách của người dân nước này.
Xem thêm: Du lịch hè ngắm hoa oải hương

Khi đội tuyển quốc gia Pháp đi giao đấu, mọi người trên thế giới đều gọi họ với biệt danh "Những chú gà trống Gô-loa". Qua năm tháng, tên gọi này trở nên quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên có không ít du khách cảm thấy tò mò và không hiểu tại sao người Pháp lại được gọi là gà trống Gô-loa (Gaulois).

Việc lấy gà trống Gô-loa làm biểu tượng, trước hết nó bao hàm sự chơi chữ hài hước của người Pháp. Tổ tiên của họ là người Gô-loa (Gauiois), trong tiếng Latinh viết là Gallus. Mà trong tiếng Latinh, từ này còn có nghĩa là "gà trống".

Gà trống cũng xuất hiện trên đồng xu của nước Pháp. Ảnh: Couleurnature.

Ngoài ra gà trống còn là một con vật giữ vai trò thiết yếu của vùng nông thôn. Nó được ví như đồng hồ báo thức và người giám hộ. Hàng ngày, những con gà trống thức dậy gọi bình mình, hiên ngang đi vòng quanh trang trại để bảo vệ bầy đàn. Nó cũng sở hữu một ngoại hình đẹp đẽ: oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài màu xám xanh cong lên như những đoản kiếm. Sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống đã trở thành lý do khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp.

Thời trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.

"Chân dung" một chú gà trống Gô-loa của nước Pháp. Ảnh: Couleurnature.

Vào thời kỳ Phục Hưng, hình ảnh những con gà trống được gắn liền với sự hình thành của nước Pháp. Dưới các vương triều ở thời kỳ này, các bản chạm khắc và đồng tiền đều mang hình ảnh gà trống. Nó cũng xuất hiện trên lá cờ trong cuộc Cách mạng Pháp và tượng trưng cho sự kiên cường, lòng dũng cảm của người dân nước này trong thế chiến thứ hai. Ngoài ra, phần lớn người Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng.

Ngoài ra, trong lịch sử xa xưa của nước Pháp, chính quyền cũng chính thức công nhận gà trống thể hiện bản sắc quốc gia. Nó có mặt trên đồng tiền, chiếc mũ đỏ của các chiến sĩ cách mạng... Hình ảnh ẩn dụ của thần Bác ái luôn có một cây gậy mang trên đầu một con gà trống.

Đội tuyển bóng đá Pháp thường được truyền thông quốc tế gọi là "những chú gà trống Gô-loa". Ảnh: Wiki.

Trong giai đoạn 1870-1940, cánh cổng sắt của điện Elysées (Phủ tổng thống ngày nay) được trang trí bằng một con gà trống và gọi là "Cổng gà trống". Ngày nay, du khách tới Pháp vẫn có thể chiêm ngưỡng cánh cổng này cũng như tìm thấy biểu tượng gà trống ở bảo tàng Louvre hay điện Versailles.

Hiện nay, gà trống Gô-loa không còn là biểu tượng chính thức của nước Cộng hòa Pháp, nhưng nó vẫn thể hiện một khía cạnh nào đó về quốc gia này. Đặc biệt, nó vẫn là biểu tượng của các đoàn vận động viên quốc gia trong các cuộc đua tài thể thao quốc tế.
 
(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến