Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Khoảng 200 món ăn tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ đang diễn ra tại TP Cần Thơ, thu hút hàng nghìn lượt người đến tham quan và thưởng thức các món ăn ngon mỗi ngày.


Đây là lễ hội lần thứ 6 sẽ diễn ra từ ngày 5-9/4 tại khuôn viên Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ (số 108A Lê Lợi, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Năm 2017, Vietravel Cần Thơ đánh dấu 5 năm đồng hành cùng Lễ hội, góp phần tích cực vào việc giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ tới du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 sẽ có nhiều điểm mới và được cải tiến so với 5 lần tổ chức trước đây. Lễ hội có quy mô khoảng 200 gian hàng, trong đó có 100 gian hàng bánh dân gian Nam Bộ và 100 gian hàng đặc sản các vùng miền khác trong cả nước. 


Bánh xèo ở miền Tây được nhiều du khách ưa thích. "Bánh xèo ăn rất ngon khi dùng tay bốc bột chiên gói với rau sống, rồi chấm nước mắm chua ngọt", một khách du lịch nói.


"Bánh gói bằng lá dừa, bên trong là nếp, đậu trắng, một ít cơm dừa. Người Kinh gọi là bánh trái lựu. Mỗi chiếc bánh giá 1.000 đồng"


Cốm dẹp trộn với đường và dừa là món ăn đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ.


Bánh tét nhân thập cẩm của Cần Thơ, giá cao nhất là 70.000 đồng một đòn.


Bánh đúc nước dừa


Một trong những loại bánh dân gian Nam Bộ là bánh hỏi, thường được dùng để gói rau sống với thịt heo quay, chấm nước mắm chua ngọt.


Không chỉ thưởng thức các loại bánh dân gian Nam Bộ, du khách còn được ăn cá lóc nướng trui, hải sản nướng...


... Và thịt heo nướng, ốc nướng tiêu dân dã.


Bún nước lèo có tôm, thịt heo quay và cá lóc là món ăn đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Các gian hàng bánh dân gian Nam bộ sẽ được ưu tiên trưng bày ở khu chính nhằm nêu bật giá trị văn hóa bánh dân gian Nam bộ qua ba yếu tố được thể hiện xuyên suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội: Văn hóa làm bánh - văn hóa bán bánh - văn hóa thưởng thức bánh. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có sự tái hiện bộ sưu tập dụng cụ làm bánh truyền thống tại khu trưng bày làm bánh.



Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều chương trình hoạt động phong phú đa dạng hấp dẫn thu hút du khách như biểu diễn đờn ca tài tử, biểu diễn múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian các nước ASEAN, các trò chơi dân gian, hoạt động quảng bá du lịch - ẩm thực Cần Thơ…

 Xem thêm : Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực, muốn thưởng thức các loại bánh thì hãy lên kế hoạch ngay cho mình đến với  Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2017 nhé . 





Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

15 nguyên tắc để làm khách du lịch có trách nhiệm

Nói không với trò dắt sư tử đi dạo, bảo vệ môi trường, xin phép trước khi chụp ảnh... nên nằm trong sổ tay hành trang du lịch của chúng ta.


Du lịch là một trải nghiệm tuyệt vời. Dù bạn ngắm hoàng hôn trên vịnh Hạ Long ở Việt Nam, bơi lặn ở rạn san hô Great Barrier Reef ở Australia, hay đắm mình trong văn hóa địa phương... đều là những tài sản vô giá của trái đất ban tặng, là nguồn cảm hứng và kinh nghiệm đáng nhớ. Nhưng ai cũng cần rèn luyện để du lịch một cách có văn hóa, tử tế, có trách nhiệm với cộng đồng. Trước khi khởi động chuyến phiêu lưu tiếp theo, bạn nên ghi nhớ 15 điều dưới đây.

1. Nói không với trò cưỡi voi:


Phúc lợi dành cho động vật là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Một chuyến ngắm cảnh trên lưng voi trong nửa tiếng ở Thái Lan có thể góp phần “đổ thêm dầu vào lửa” đối với kiếp sống khổ sở của chú voi. Hãy tránh những cái bẫy du lịch giúp thúc đẩy hoạt động khai thác, bóc lột động vật. 

2. Vứt rác đúng chỗ:


Dù bạn nhìn thấy rác vứt ngang nhiên trên đường ở một số thành phố, bạn cũng không nên góp một tay. Nếu không tìm thấy thùng rác, bạn nên cố gắng giữ lại chỗ rác của mình cho đến khi có chỗ vứt

3. Đừng cho tiền trẻ ăn xin:


Dù điều này rất khó khăn, bạn nên tránh cho tiền ăn xin là trẻ con. Những đứa trẻ đó thường bị bóc lột, lợi dụng, không được đến trường để ra đường ăn xin. Đưa tiền cho chúng chỉ làm vấn nạn trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên quyên tiền cho một tổ chức từ thiện ở địa phương giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

4. Hãy mua hàng của dân bản địa:


Khi ở nước ngoài, những cửa hàng như McDonald's hay chuỗi cửa hiệu quốc tế có thể rất hấp dẫn. Nhưng bạn nên ăn uống, mua sắm ở những cửa hàng của dân địa phương để góp ích cho nền kinh tế nơi bạn đến. Họ là những người kiếm sống dựa vào sự phát triển du lịch.

5. Giảm lượng carbon:


Chọn một chuyến đi bằng máy bay dài 2 tiếng, hay một chuyến xe buýt dài 8 tiếng? Phương án thứ nhất có vẻ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đi xe buýt và tàu hỏa địa phương không chỉ tốt hơn cho môi trường, mà bạn còn có thể ngắm nhìn phong cảnh dọc đường.

6. Xin phép trước khi chụp ảnh:


Không phải ai cũng thích người khác chụp ảnh mình. Ở một số nơi, tự ý chụp ảnh người hoặc địa điểm tôn giáo còn mang ý nghĩa thiếu tôn trọng hoặc báng bổ. Hãy cẩn thận xin phép trước khi nhấn nút. 

7. Đừng làm tổn hại san hô:


Trong 30 năm qua, một nửa rạn san hô Great Barrier Reef (Australia) đã biến mất. Bạn có thể bị cám dỗ bởi suy nghĩ giữ một mẩu san hô làm kỷ niệm, hoặc chỉ để thỏa mãn lòng hiếu kỳ. Nhưng hành động của bạn sẽ gây tổn hại tới môi trường, góp phần hủy hoại kỳ quan của Trái đất.

8. Phản đối dịch vụ dắt sư tử đi dạo:


Giống như dịch vụ cưỡi voi ở Thái Lan, bạn không nên chơi trò dắt sư tử đi dạo. Một trải nghiệm độc đáo dành cho bạn cũng có nghĩa là đồng lõa với bóc lột, khai thác những giống loài có nguy cơ tuyệt chủng vì mục đích giải trí. 

9. Trang phục phù hợp:


Một số địa điểm tôn giáo hoặc tham quan du lịch có quy định trang phục dành cho khách ghé thăm. Thậm chí, nhiều nước còn ban hành luật về yêu cầu ăn mặc đúng đắn. Hãy tôn trọng phong tục địa phương, tìm hiểu kỹ bạn có thể mặc và không nên mặc gì.

10. Sử dụng tài nguyên hợp lý:


Nhiều quốc gia hiện phải đối mặt với vấn đề lớn như thiếu nước sạch, hoặc thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta có thể dư thừa. Hãy dẹp thói quen tắm vòi hoa sen 30 phút mỗi sáng. Bạn nên ý thức rõ hơn về những tài nguyên bạn sử dụng trong chuyến đi. 

11. Khéo chọn quà lưu niệm:


Bạn không nên mua đồ làm từ sản phẩm thực vật, động vật. Chúng có thể rất hấp dẫn, nhưng việc mua sắm có thể góp phần thúc đẩy mua bán trái phép những nguyên vật liệu này. 

12. Tôn trọng luật pháp địa phương:


Bạn có biết mình có thể bị bắt, nộp phạt hoặc ngồi tù nếu mặc quần áo có hoa văn dạng ngụy trang ở Zimbabwe? Thậm chí mặc quần ngắn cũng có thể đem rắc rối đến cho bạn ở một số nước. Hãy học cách tôn trọng luật pháp ở nơi bạn tới.

13. Mặc cả, nhưng không nên quá chi li:


Mặc cả giá tiền là một nghệ thuật ở nhiều nơi trên thế giới. Dân địa phương sẵn sàng để bạn trả giá, đặc biệt ở chợ. Bạn có thể luyệt tập, nhưng không nên tính toán kỹ từng đồng.

14. Cầm theo đôi đũa riêng:


Bạn ngạc nhiên? Thói quen dùng đũa rất gây hại cho môi trường. Mỗi năm, riêng Trung Quốc đã vứt đi 80 tỷ chiếc đũa. Hãy chuẩn bị sẵn đôi đũa riêng của mình, tránh làm hại thêm cho những cánh rừng của trái đất. Nó sẽ không chiếm dụng nhiều không gian trong túi xách của bạn. 

15. Tìm hiểu trước chuyến đi:


Trước khi xách vali ra khỏi nhà, bạn nên nghiên cứu kỹ. Nguồn thông tin khổng lồ online sẽ giúp bạn hiểu thêm về địa điểm sắp đến. Bỏ ra vài tiếng đồng hồ để đọc về văn hóa, tập tục địa phương, và những điểm cần tránh sẽ giúp bạn trở thành một du khách tử tế, có trách nhiệm.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 - Nơi gia đình hội tụ

Bên cạnh 5 đêm trình diễn pháo hoa hoành tráng trên sông Hàn, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 - DIFF 2017 còn là điểm hẹn hạnh phúc của nhiều gia đình với hàng loạt hoạt động nghệ thuật, giải trí đặc sắc khác.


Đây là một trong những Lễ hội pháo hoa có quy mô lớn nhất Châu Á, cùng với nhiều hoạt động đồng hành, hưởng ứng, DIFF sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố lễ hội rực rỡ sắc màu trong suốt mùa hè 2017. Đặc biệt trong năm nay, đội pháo hoa của nước chủ nhà sẽ được đầu tư mạnh mẽ để có được chất lượng và công nghệ tốt, tiến tới có thể đi thi đấu ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu Thành phố Lễ hội pháo hoa cho Đà Nẵng trong dài hạn.

Với chủ đề "Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn", DIFF 2017 có sự tham gia của 8 đội đến từ các quốc gia có nghệ thuật pháo hoa nổi tiếng thế giới như Thụy Sĩ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Italy, Australia, Áo và nước chủ nhà Việt Nam. Mỗi đội sẽ tự thiết kế chương trình gắn liền với chủ đề để thực hiện phần trình diễn tối đa trong 25 phút.


Lấy cảm hứng từ hình ảnh Ngũ Hành Sơn tiêu biểu cho Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa năm nay sẽ là chuỗi 5 chương trình với 5 đêm pháo hoa mang tên Hỏa – Thổ – Kim – Thủy – Mộc được tổ chức vào thứ Bảy hàng tuần. Không gian bắn pháo hoa năm 2017 sẽ là sân khấu Ngũ hành, ở vị trí tương tự năm trước trên sông Hàn, được dàn dựng kỹ theo công nghệ hàng đầu thế giới sẽ mang tới một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và pháo hoa chưa từng có từ trước tới nay. Tất cả các đêm pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Ngoài 8 đêm trình diễn pháo hoa, DIFF 2017 sẽ có thêm nhiều hoạt động bên lề đặc sắc như lễ hội Carnival đường phố vào mỗi thứ sáu hàng tuần, lễ hội ẩm thực quốc tế Ngũ hành lồng ghép với hoạt động lễ hội văn hóa Chăm diễn ra liên tục với 5 khu ẩm thực tương ứng 5 yếu tố kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Điểm mới là người dân bản địa và khách du lịch không chỉ được xem pháo hoa mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, tạo nên tương tác hai chiều.


Phát biểu về sự kiện, Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng cho biết: “Ngày 15/10 vừa qua, Đà Nẵng đã được tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards vinh danh là Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á. Lễ hội pháo hoa 2017 với quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay sẽ góp phần tiếp tục xây dựng điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu Châu Á cho TP Đà Nẵng. Chiến lược phát triển Lễ hội trong 3 giai đoạn Ngắn hạn -2017, Trung hạn – 3 năm và Dài hạn- 10 năm cũng đã được hoạch định rõ ràng. Thành phố tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, chi tiết và xứng tầm đẳng cấp của Sun Group, DIFF sẽ tạo một dấu ấn mạnh mẽ cho Đà Nẵng trong năm 2017, và tương lai sẽ khẳng định một “lễ hội phải đến” với bạn bè năm châu”.

Đại diện cho Tập đoàn Sun Group, ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc khẳng định: “Sun Group sẽ cố gắng huy động các nguồn lực để tổ chức thành công DIFF 2017 trở thành một trong những lễ hội pháo hoa có quy mô lớn nhất Châu Á. Nhận được chỉ đạo của Thành phố Đà Nẵng, tới nay Sun Group đã triển khai các hoạt động đảm bảo cho Lễ hội pháo hoa được diễn ra tốt nhất. Mục tiêu của Lễ hội pháo hoa là thu hút hàng triệu lượt khách đến với Đà Nẵng trong hai tháng hè 2017 và xây dựng thương hiệu Đà Nẵng trở thành thành phố của Lễ hội pháo hoa với chiến lược 10 năm”.


Tổng đạo diễn chương trình, ông Lê Quý Dương chia sẻ: “Không chỉ là lễ hội pháo hoa, đây là màn trình diễn của sắc màu rực rỡ và âm nhạc sôi động. Trong suốt hai tháng hè 2017, khán giả sẽ được sống trong không khí lễ hội với 5 đêm pháo hoa, chương trình Lễ hội đường phố với 10 xe hoa như những sân khấu nhỏ di động tỏa đi khắp nơi, Lễ hội văn hóa Chăm diễn ra suốt 2 tháng… cùng nhiều Lễ hội hấp dẫn khác đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến Lễ hội quốc tế”.

Với chương trình đặc sắc, quy mô lớn, kéo dài trong suốt 2 tháng hè, Lễ hội pháo hoa – DIFF 2017 đặt mục tiêu thu hút 2 triệu khách du lịch đến với Đà Nẵng. Cùng xem video ngắn vô cùng thú vị về Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 sắp tới nhé!



Nguồn Diff, Baomoi, Ngoisao

Bài đăng phổ biến