Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Nếu chọn ra một thứ bánh thuần Việt nhất, ngoài bánh chưng, bánh dày ra thì bánh gio Bắc Giang nằm trong số bánh trái quê nhà giản dị mà lại đầy tinh tế, phổ biến trong các buổi chợ phiên.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Bánh gio gần như không phải riêng của một làng quê cụ thể nào cả, mà là thứ bánh chung của mọi phiên chợ quê. Sở dĩ có tên gọi là bánh gio (bánh tro) vì nước dùng ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau.

Bánh gio là thứ bánh được làm từ gạo nếp và… gio. Không phải thứ “gio” (hay còn gọi là tro) nào cũng làm được bánh. Phải là gio của lá gai lễ ốc (lá găng), lá tầm gửi, thân lá cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, gio rơm nếp. Gio được hòa tan với nước, lắng trong rồi ngâm với gạo nếp cái hoa vàng sẽ cho ra màu nâu vàng trong, lóng lánh như màu hổ phách và tạo ra vị ngai ngái đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Để màu bánh lên đẹp mắt thì việc canh liều lượng nước tro ngâm là quan trọng nhất. Tỷ lệ tro và nước vôi trong hợp lý bởi nếu quá tay bánh sẽ bị nồng, mất ngon. Dùng nước này ngâm gạo nếp đã đãi sạch khoảng 4-5 tiếng rồi vớt ra, để ráo.

Cũng như gói bánh chưng, lá gói bánh gio khi nhúng qua nước sôi phải giữ được màu xanh để tạo nên màu bánh hấp dẫn. Lá gói bánh là lá dong rừng, chọn lá to, bánh tẻ, tước hết gân lá.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Giai đoạn gói bánh đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ. Gạo để ráo nước, pha thêm chút muối rồi được gói vào lá dong, tỉ mỉ nén chặt và tản gạo thật đều cho bánh gọn và đẹp mắt. Gạo phải nằm gọn trong lòng chiếc lá, xong quấn lá, bẻ mép hai đầu cho khít rồi lấy lạt mềm buộc lại, không được buộc quá chặt nhưng cũng không được buộc lỏng.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Bánh gói xong xếp vào nồi luộc 5-6 giờ vớt ra để nguội. Bánh gio luộc chín có màu vàng nâu (màu hổ phách) trông rất bắt mắt, hấp dẫn và thường được ăn kèm với đường hoặc mật. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận được vị thanh mát, dẻo thơm của hạt gạo quyện với vị ngọt của đường và sự tài hoa, khéo léo của người thợ làm bánh. Đặc biệt, bánh gio có thể để được từ 5-7 ngày. 

Bánh gio rất dễ tiêu hóa vì thế có thể ăn khi đang đói hoặc khi bụng đã no, bánh còn có hể giảm độ béo khi vừa ăn những đồ ăn giàu đạm, mỡ. Theo kinh nghiệm dân gian, bánh gio còn chữa được kiết lỵ.

Bánh gio Bắc Giang, thức quà giản dị mà đầy tinh tế

Ở nhiều nơi, bánh gio chỉ được làm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch) hay Tết Nguyên đán nhưng với người dân Đa Mai, bánh được làm hàng ngày để bán tại các chợ, giao cho các nhà hàng hoặc làm quà biếu khách phương xa. Trải qua thời gian với bao đổi thay của cuộc sống song người dân Đa Mai vẫn giữ được nghề làm bánh gio - món ăn dân dã, mang đậm hương vị quê hương. Đã đến Bắc Giang, ghé thăm làng Đa Mai, du khách đừng quên thưởng thức món bánh giản dị hấp dẫn này.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến