Hiển thị các bài đăng có nhãn di sản thế giới. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn di sản thế giới. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Những mái nhà nghìn năm tuổi ở Iran

Những ngôi nhà nghìn năm tuổi nằm dọc sườn núi ở làng Masouleh (Iran) thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo với loạt mái nhà đóng vai trò là con đường đi lại.

Những mái nhà nghìn năm tuổi ở Iran

Làng Masouleh, Iran

Làng Masouleh, Iran

Ngôi làng Masouleh nằm trên sườn núi thuộc dãy Alborz, tỉnh Gilan, Iran, trên độ cao khoảng 1.050 m so với mực nước biển. Nơi đây từng được cho là con đường tơ lụa của vùng Gilan với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sôi động và tấp nập. 

Cấu trúc xây dựng có một không hai của ngôi làng

Cấu trúc xây dựng có một không hai của ngôi làng

Ngôi làng trở nên nổi tiếng bởi kiểu kiến trúc đặc biệt của loạt mái nhà. Những ngôi nhà trong làng thường có 2 tầng, được xây dựng từ đất sét và gỗ và san sát bên sườn núi có độ dốc cao. Cấu trúc xây dựng có một không hai, sân nhà này là mái căn hộ khác, góp phần tạo sức hút để du khách ghé thăm vùng đất này. 

Mái nhà trở thành đường phố công cộng

Mái nhà trở thành đường phố công cộng
Ảnh: Zandiyeh Tour

Kiểu kiến trúc phân cấp, nhiều tầng bậc kỳ lạ đã làm nên nét riêng của ngôi làng. Những mái nhà bằng không chỉ trở thành sân, vườn mà còn được sử dụng làm đường phố công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Khu dân cư duy nhất ở Iran nghiêm cấm ôtô và các phương tiện giao thông 

Khu dân cư duy nhất ở Iran nghiêm cấm ôtô và các phương tiện giao thông
Ảnh: Mehr News Agency

Những con dốc bằng phẳng giúp người dân địa phương dễ dàng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa. Đoạn đường thiết kế nấc thang nhằm phục vụ việc đi lại, tham quan của người dân và du khách. Với cách bố trí không gian độc đáo, Masuleh là khu dân cư duy nhất ở Iran nghiêm cấm ôtô và các phương tiện giao thông kích thước lớn. Riêng người đi bộ được tự do qua lại trên mọi cung đường. 

Đặc sản "sương mù" của ngôi làng

Đặc sản "sương mù" của ngôi làng
Ảnh: WordPress

Do vị trí địa lý, khí hậu của làng Masouleh khác với phần lớn các vùng dân cư ở Iran. Không khí ấm áp, ẩm ướt từ Caspian thổi về bị dãy núi Alborz chặn lại, tạo mưa và sương mù dày. Sương mù cũng được xem là một trong những "đặc sản" của ngôi làng. Phía còn lại của núi Alborz nhận được lượng mưa ít, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt. 

Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng

Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng
Ảnh: Twitter

Khung cảnh ngôi làng giữa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ mỗi mùa mang đến vẻ đẹp, sức hút riêng. Mùa hè, khí hậu mát mẻ, du khách sẽ thấy Masouleh tươi trẻ, ngập tràn sức sống với những ban công rực rỡ hoa tươi. Vào mùa đông, ngôi làng yên bình, chìm khuất trong biển tuyết trắng xóa, thấp thoáng ánh đèn vàng. 

Di sản thế giới

Di sản thế giới
Ảnh: Tasvire_irantourismgilan

Tại đây, du khách có thể tìm thấy một số sản phẩm thủ công với họa tiết thổ cẩm bắt mắt, được sản xuất và bán ở chợ hoặc dùng trang trí trong các tòa nhà. Nghệ thuật đồ gỗ truyền thống gereh-chini đặc sắc cũng xuất hiện trên các khung cửa sổ, cửa ra vào… Người dân địa phương đang trong quá trình đưa Masouleh nghìn năm tuổi trở thành Di sản Thế giới.


Nguồn: Vân Anh

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Đường đến danh hiệu Di sản thế giới của Tràng An

Không chỉ phải thuyết phục Ủy ban Di sản thế giới, Tràng An còn phải bảo vệ hồ sơ trình UNESCO với hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên trước nhiều ý kiến trái chiều.

Xem thêm: Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

Quần thể danh thắng Tràng An trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới từ ngày 23/6/2014. Để được công nhận, đoàn đại diện tỉnh Ninh Bình đã phải trải qua một quá trình chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Trần Hữu Bình – Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, khó khăn đầu tiên và lớn nhất là lựa chọn tiêu chí. Vì lựa chọn tiêu chí về thiên nhiên (như giá trị thẩm mỹ, hoặc địa chất địa mạo) hay tiêu chí về văn hoá, Tràng An đều có vẻ “non”. Ví dụ, về tuổi địa chất, Tràng An kém Vịnh Hạ Long cả trăm triệu năm.

“Chúng tôi đã phải loại hàng loạt nhà tư vấn trong nước để tìm đến những chuyên gia hàng đầu thế giới, giúp tỉnh xây dựng hồ sơ. Cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn tiêu chí hỗn hợp, cả thiên nhiên và văn hoá”, ông Bình chia sẻ.

Ý kiến trên được lãnh đạo này ví là chấp nhận thi ba môn (ba tiêu chí), trong khi có người cho rằng chỉ cần thi một môn (một trong mười tiêu chí của UNESCO), cũng có thể được công nhận là di sản thế giới. Thực tế, trong 1.007 di sản UNESCO trên thế giới, chỉ có 31 di sản hỗn hợp.

Khi đoàn tới thủ đô Qatar để bảo vệ hồ sơ, vẫn còn những góp ý của các chuyên gia hàng đầu, cả trong đoàn và trong nước điện sang, yêu cầu bỏ tiêu chí văn hoá, chỉ bảo vệ một tiêu chí thiên nhiên cho an toàn. Năm 2014, không quốc gia nào đệ trình hồ sơ di sản hỗn hợp như Tràng An. “Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì quan điểm Tràng An xứng đáng là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới”, ông Bình kể.
Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp thứ 31 của thế giới. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng.

Hồ sơ của Tràng An đệ trình lên UNESCO được nghiên cứu và xây dựng trong vòng chưa đầy một năm, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cho biết. Đó là chưa kể 1,5 năm thẩm định và xét duyệt hồ sơ của các cơ quan tư vấn UNESCO.

Với các hồ sơ đề cử khác trên thế giới và ở Việt Nam, thời gian từ khi nghiên cứu, lập hồ sơ đến khi được vinh danh thường kéo dài 3- 5 năm, thậm chí có hồ sơ tới 7 năm như trường hợp Phong Nha - Kẻ Bàng.

Trong 2,5 năm này, những người làm hồ sơ Tràng An còn phải giải quyếtvấn đề tranh chấp vùng nguyên liệu với các nhà máy xi măng nằm liền kề với vùng đệm của khu di sản đề cử. Quần thể danh thắng Tràng An có khu vực bảo vệ rộng 12.000 ha, trong đó rất nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh xi măng, khai thác vật liệu xây dựng, làm du lịch và nông nghiệp, có hàng ngàn hộ dân đang sống… Họ tồn tại trước khi Ninh Bình có ý định trình UNESCO công nhận Tràng An là di sản thế giới.

Ông Mạnh còn tiết lộ, hồ sơ Tràng An từng bị đánh giá ở mức D, tức hoãn xem xét trong 2 năm để bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ các khuyến nghị đánh giá của cơ quan tư vấn UNESCO, "chúng tôi thấy rằng có nhiều điểm đánh giá chưa đầy đủ, thiếu khách quan và khoa học nên đã giải trình và phản biện".

Bên cạnh đó, đoàn công tác còn tận dụng mọi thời gian, cơ hội tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đoàn chuyên gia các nước thành viên Ủy ban Di sản trong và bên lề kỳ họp (15-25/6/2014) để giới thiệu và giải thích về hồ sơ cũng như những vấn đề khuyến nghị.

"Đến ngày thứ 6, hầu hết các thành viên trong đoàn đều bị ốm do thời tiết nóng và cường độ làm việc cao, căng thẳng, đều đặn hàng ngày từ 9h sáng đến 12h đêm. Chuyên gia tư vấn của đoàn do nói nhiều quá nên bị mất tiếng, phải đưa đi viện chữa để kịp trở lại họp với các đoàn đã đặt lịch", ông Mạnh kể.

Cuối cùng, Việt Nam đã thuyết phục được hầu hết các nước trong Ủy ban Di sản ủng hộ hồ sơ Tràng An trên cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. Ngày 23/6/2014, Ủy ban Di sản Thế giới công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đây là di sản thứ 1.004 của thế giới, thứ 11 ở châu Á Thái Bình Dương và di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Trần Hằng - Vy An (VnExpress)

Bài đăng phổ biến