Hiển thị các bài đăng có nhãn du ngoạn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du ngoạn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Vang Vieng – Thị trấn bình yên và lãng mạn của Lào

Nằm cách thủ đô Vientiane chỉ vài tiếng ngồi xe, thị trấn xinh xắn Vang Vieng với sông nước hữu tình, sẽ là một điểm dừng chân đáng yêu trong hành trình khám phá nước Lào.



Nằm cách thủ đô Vientiane của Lào khoảng 150km, thị trấn bé nhỏ Vang Viêng nằm lọt thỏm trong mênh mông của núi rừng xanh ngát. Được biết đến là vùng quê yên bình với khí hậu trong lành, mát mẻ và cũng là điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Lào xinh đẹp.


Không công trình kiến trúc tuyệt mỹ, không resort hiện đại hay những con đường rộng thênh thang lót đá… vậy mà hàng năm, Vang Vieng thu hút một lượng du khách khổng lồ, gấp nhiều lần so với con số 50.000 người địa phương.


Với lợi thế về địa hình lý tưởng – lưng tựa núi mặt nhìn sông, thị trấn Vang Vieng được biết đến như một vùng quê thanh bình bên dòng sông Nam Song. Thị trấn nhỏ bé này vừa ẩn chứa trong mình nét hoang sơ lại vừa là một thị trấn vô cùng yên bình.


Nét hoang sơ của Vang Vieng toát lên từ màu xanh của cây cối và dòng sông quanh năm nước chảy êm đềm uốn mình quanh những dãy đá vôi.


Ngay khi vừa đặt chân tới Vang Vieng, nhiều người thường ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho thị trấn nhỏ bé này.


Nhà sư đi khuất thực trên đường phố Vang Vieng.


Vang Vieng thu hút du khách với những trò chơi trên sông tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là đặc sản rất nổi tiếng khi du khách nghĩ về nó.


Dừng chân ở Vang Vieng, du khách có thể nghỉ ngơi trong những căn lều cỏ dựng ngay trên mặt nước, thong dong thả mình trên những chiếc phao để tận hưởng không khí trong lành, hoặc chèo kayak thư giãn và ngắm cảnh trời mây sông nước…


Vang Vieng ngày nay là một thị trấn của du khách ba lô, từ châu Âu đến châu Á, bất kể du khách nào khi đến với đất nước Triệu Voi đều ghé qua thị trấn này trong vài ngày để thư giãn và vui chơi giải trí.


Nhưng không vì thế mà thị trấn này mất đi vẻ đẹp và nét bình yên vốn có của nó. Sau những giờ hoạt động thể thao tích cực, bạn có thể nhàn nhã đạp xe dọc sông, tĩnh lặng câu cá hay nằm đọc sách trên những chiếc võng được mắc trên những tán dừa đung đưa, ngắm mặt trời dần buông cuối chân trời. 


Dạo chơi bằng kinh khí cầu và nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp bên dưới là trải nghiệm mà nhiều du khách thường làm khi tới Vang Vieng.


Chiếc cầu treo lãng mạn bắc ngang qua sông Nam Song.


Vang Vieng ngập tràn du khách nhưng vẫn cứ giữ cho mình một nét gì đó thật thanh bình, thân thuộc và tạo cho lữ khách đến đây một cảm giác mê mệt khó tả.


Dẫu mỗi ngày có vô số du khách đến rồi cũng có vô số khách đi… nhưng Vang Vieng không xô bồ lộn xộn mà vẫn cứ yên ả, thanh thản như cuộc sống thường nhật của phố núi quê mùa


Khi hoàng hôn buông xuống, Vang Vieng nhỏ bé, bình yên trở nên nhộn nhịp, sầm uất với khu phố Tây. Du khách có thể tìm mua đủ thứ hàng hóa, quà lưu niệm, hay bất cứ dịch vụ gì tại đây với mức giá hợp lý và khám phá văn hóa của người dân bản địa qua những món ăn dân dã.

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Ba ngày du ngoạn Huế - Đà Nẵng - Hội An

Thăm lăng tẩm Huế, ngắm Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà và tận hưởng không khí phố Hội chậm rãi về đêm là những trải nghiệm bạn không thể bỏ qua trên hành trình khám phá miền Trung.

Dưới đây là gợi ý lịch trình tham quan ba điểm Huế - Đà Nẵng - Hội An trong 3 ngày.

Ngày 1: Hồ Chí Minh (Hà Nội) – Huế


Cầu Tràng Tiền, Huế, các buổi tối thường có chợ đêm. Ảnh: Đạt Mura.

Bạn nên đáp chuyến bay tối tới Huế, ở lại một đêm để có thể cảm nhận trọn vẹn khung cảnh thanh bình của Huế.

Bắt đầu buổi sáng ở Huế với món cơm hến, cháo hến, bún hến. Bạn hãy đến thôn Vĩ Dạ. Huế bằng cách đi bộ hoặc thuê xích lô chở đi để thưởng thức món này. Giá mỗi phần chỉ 8.000 - 10.000 đồng.

Ăn sáng xong bạn hãy tìm một quán cà phê cóc nhâm nhi, tận hưởng không gian yên bình, nhẹ nhàng trong nắng sớm.

Điểm tham quan tiếp theo bạn nên đi là kinh thành Huế với giá vé 150.000 đồng/ người. Kinh thành được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng nam, với diện tích mặt bằng 520 ha. Các di tích trong thành có: Kỳ đài (cột cờ), trường Quốc Tử Giám, điện Long An, bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế, đình Phú Xuân, hồ Tịnh Tâm, tàng thư lâu, viện cơ mật – tam tòa, đàn xã tắc, cửu vị thần công.

Bữa trưa, bạn hãy ghé hàng bánh canh bà Đợi để thưởng thức, giá một tô là 20.000 đồng. Món bánh canh ở đây được làm bằng bột gạo, có vài con tôm, chả, thịt và hành, gia vị, bột ớt để riêng, khách tự nêm nếm vừa khẩu vị của mình.

Khoảng 14h bạn đến chùa Thiên Mụ tham quan và sau đó hãy ngồi thuyền dọc theo sông Hương để về lại trung tâm thành phố. Thời tiết thuận lợi và cảnh đẹp trên dòng sông Hương cũng đáng để bạn trải nghiệm.

Tối bạn hãy thử cảm giác ngồi xích lô dạo Huế đêm và thử các loại bánh bột lọc, bánh bèo, nậm, lọc hoặc ăn bún bò huế ở đường Lý Thường Kiệt đối diện bưu điện. Đi dọc sông Hương buổi tối và dạo chợ đêm là một lựa chọn không tồi. Ghé ăn bắp nướng và mực, cá khô nướng bên vỉa hè cùng đám bạn trò chuyện rôm rả trước khi kết thúc một ngày thảnh thơi ở Huế.

Ngày 2: Huế - Đà Nẵng


Góc nhìn Đà Nẵng từ phía bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Đạt Mura.

Bạn đặt trước xe đón tại khách sạn buổi sáng và di chuyển về Đà Nẵng. Vé xe chất lượng cao khoảng 180.000 đồng/người, mất hơn 2 tiếng. Đến Đà Nẵng, bạn gửi đồ ở khách sạn và thuê xe máy làm một vòng thành phố tìm chỗ ăn sáng.

Bạn có thể ăn sáng với bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh hoặc ghé chợ Đà Nẵng ăn cao lầu. Trong chợ cũng bán khá nhiều món, tùy khẩu vị bạn có thể thưởng thức.

Sau đó tới bán đảo Sơn Trà, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về hướng đông bắc. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm các hoạt động như: khám phá rừng già; tắm biển ở bãi Bụt; tham gia câu cá cùng ngư dân, lặn biển ngắm san hô; thăm hải đăng Tiên Sa, chùa Linh Ứng và ngắm toàn cảnh thành phố từ đỉnh Sơn Trà; đến Mũi Nghê – nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên của Đà Nẵng…

Buổi trưa tìm đến món bánh tráng thịt heo nổi tiếng ở Đà Nẵng. Bạn có thể ăn tại quán Trần hoặc quán Bà Nghi ở Trần Phú.

Về khách sạn nghỉ ngơi, 2h chiều xuất phát một vòng đi tham quan các cây cầu như Trần Thị Lý, Thuận Phước, Nguyễn Văn Trỗi và Sông Hàn. 4h chiều bạn về biển Mỹ Khê tắm biển và ăn hải sản.

Tối dạo cầu Rồng, thưởng thức cà phê Memory gần đó. Khuya một chút hãy tìm ăn thêm món ốc hút, bánh tráng nướng hay bún mắm nêm, phá lấu. Kết thúc một ngày ở Đà Nẵng, nghỉ ngơi lấy sức để sáng sớm ngày hôm sau tiếp tục hành trình.
 
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Ngày 3: Đà Nẵng – Hội An


Chùa Cầu ở Hội An, một điểm du lịch hút khách nằm ngay trung tâm phố Hội. Ảnh:Đạt Mura.

Ăn sáng xong bạn đón xe buýt đi Hội An, giá vé là 25.000 đồng. Dọc đường bạn có thể ghé Ngũ Hành Sơn để leo lên đỉnh và ngắm Đà Nẵng từ trên cao.

Hội An khá nhỏ nên bạn chỉ cần đi bộ là có thể tham quan hết hoặc thuê xe đạp để đi xa hơn. Hãy ăn thử thịt nướng xiên que ở đây và bạn sẽ không cưỡng lại được mùi thơm khi đi ngang qua. Khoảng 16h, bạn đạp xe ra biển An Bàng cách trung tâm khoảng 5 km. Biển ở đây không nhộn nhịp bằng Cửa Đại, chủ yếu khách đến để ngắm và ăn hải sản.

Hội An có điểm thú vị là mỗi thời gian trong ngày bạn sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác nhau. Ban ngày khá nóng và nhộn nhịp. Buổi tối thì vắng hơn và dường như mọi người cũng chậm lại. Đêm xuống toàn bộ khu phố cổ lên đèn, đẹp lung linh, bạn hãy thử thả thuyền hoa đăng trên sông Hoài. Ngoài ra, hãy ghé vào quán nhỏ kêu một chai bia, thả mình theo điệu nhạc và nhìn ngắm mọi người đi lại trên phố. Tối bạn ghé ăn tại quán cơm gà Bà Buội, bởi nếu chưa thưởng thức cơm gà và cao lầu thì coi như chưa biết Hội An.

Hôm sau bạn hãy dậy thật sớm để cảm nhận phố cổ vào buổi sáng. Không gian hoàn toàn yên tĩnh, những ngôi nhà ở khu phố cổ vẫn chưa mở cửa. Dường như chỉ có mình bạn trong khu phố cổ, tha hồ hít thở không khí trong lành, chụp ảnh mà không bị dính một du khách nào vào khung hình của mình. Trước khi rời đi, bạn hãy ghé quán cóc gần sông Hoài, ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng, sau đó bắt xe buýt trở về Đà Nẵng rồi đi thẳng ra sân bay.

Kết thúc hành trình ngắn và hứa hẹn sẽ quay trở lại, ở lại lâu hơn ở mỗi nơi để cảm nhận hết được cảnh đẹp và con người nơi đây.

Xem thêm: 15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

Bùi Ngọc Hà

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Một ngày du ngoạn cố đô di sản Jogja

Trong hành trình khám phá đất nước vạn đảo Indonesia, du khách đừng quên ghé thăm Yogyakarta – cố đô thanh bình với những ngôi đền di sản nghìn năm kỳ vĩ.

Xem thêm: Đắm say thiên đường hạ giới Raja Ampat

Yogyakarta (gọi tắt là Jogja) là trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java, Indonesia, có những ngôi đền nghìn năm huyền bí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là hành trình gợi ý cho chuyến khám phá nhanh ở Jogja trong một ngày.
Jogjo nổi tiếng là một trung tâm của nghệ thuật cổ điển Java tốt và văn hóa như batik, ballet, kịch, âm nhạc, thơ ca và múa rối. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Buổi tối hôm trước: Khởi hành từ Việt Nam đi Indonesia

Từ Việt Nam có nhiều hãng hàng không bán vé máy bay tới Jakarta như: Cebu Pacific, Lion Air, Air Asia, Tiger Airways, Vietnam Airlines… Bạn sẽ khởi hành từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bay đến Kuala Lumpur, Malaysia, quá cảnh. Từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur bay mất 2h5 phút để đến Jakarta. Indonesia có cùng múi giờ với Việt Nam nên rất tiện cho du khách theo dõi thời gian bay.

Đối với dân phượt đặt tiêu chí tiết kiệm lên hàng đầu, bạn có thể chọn bay giờ tối đi Jakarta, nghỉ đêm tại sân bay để sáng sớm đến Jogja. Lưu ý khi bay hãng Air Asia là sảnh đi quốc tế và sảnh đi nội địa ở cùng tầng một của Terminal 3 (Nhà ga số 3) tại sân bay Soekarno Hatta. Do đó, bạn sẽ giảm được thời gian di chuyển giữa các nhà ga và tìm chuyến bay.

Khi đến sân bay Soekarno Hatta ở tầng trệt Terminal 3, bạn xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Indonesia. Lúc lên máy bay, nhân viên hàng không sẽ phát phiếu khai nhập cảnh và bạn điền đầy đủ thông tin vào phiếu. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, bạn di chuyển theo lối thang cuốn từ tầng trệt lên tầng một và tìm chỗ ngả lưng trong lúc chờ nối chuyến bay nội địa. Sân bay vào ban đêm rất lạnh do hệ thống điều hòa, du khách chú ý mang theo áo ấm, khăn mỏng để giữ ấm và cả miếng nilon trải sàn để nằm.

Sáng sớm hôm sau: Bay từ Jakarta đi Yogyakarta mất một giờ

Làm thủ tục cho chuyến bay nội địa từ Jakarta đi Jogja, lệ phí bay nội địa 40.000 Rupiah (100.000 đồng). Bạn nên đổi sẵn tiền Rupiah (tiền của Indonesia) từ Việt Nam, phòng trường hợp đến sân bay địa phương quá khuya hoặc quá sớm mà các quầy đổi ngoại tệ chưa mở cửa.

7h30 – 8h00: Đến sân bay Adisutjipto (Jogja)

Bước ra phía ngoài, bạn sẽ thấy các quầy của những công ty du lịch và vận chuyển. Du khách có thể gửi hành lý tại quầy của Adipura Transport với giá từ 10.000 Rupiah (25.000 đồng) cho một túi hành lý. Tại đây nhận giữ hành lý từ 7h đến 20h, nếu gửi qua đêm thì giá đắt hơn.

8h30 – 11h: Tham quan quần thể đền thờ Ấn độ giáo Prambanan

Prambanan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1991. Ảnh:Phan Ngọc Hạnh.

Từ sân bay Adisutjipto, bạn đi chuyến buýt 1A khoảng 45 phút đến Prambanan với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Tiếp đó du khách mua vé ở các trạm chờ xe buýt có lợp mái tôn và bao bọc bằng những khung cửa kính. Khi xe đến, bạn xếp hàng cùng người dân địa phương, nhân viên của trạm sẽ soát vé rồi mời từng hành khách bước lên xe.

Khu quần thể Prambanan là đền thờ Ấn độ giáo (Hindu) lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991. Prambanan gồm có các đền: Prambanan, Sewu, Bubrah và Lumbung, với tháp chóp nhọn điển hình trong kiến trúc đền của đạo Hindu. Ba vị thần tối cao của đạo Hindu được thờ trong quần thể đền Trimurti gồm: thần Sáng tạo Brahma, thần Bảo vệ Vishnu và thần Hủy diệt Shiva. Tuy không đồ sộ bằng quần thể Angkor ở Campuchia và trải qua trận động đất năm 2006, song đến nay, Prambanan vẫn uy nghiêm với những chóp đền cao nhọn cùng các trầm tích rêu phong.

Trước khi vào tham quan đền, bạn sẽ được nhân viên khu di sản cho mượn xà rông in hoa văn, biểu tượng ngôi đền với dòng chữ Prambanan Indonesia để quấn ngang hông, thể hiện sự tôn kính trước khi tiến vào bên trong tham quan ngôi đền. Nhờ chiếc xà rông này, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp và ấn tượng. Giá vé vào tham quan là 171.000 Rupiah (430.000 đồng), nếu có thẻ sinh viên quốc tế sẽ được giảm còn một nửa.

11h30 – 16h: Chiêm ngưỡng quần thể Phật giáo Borobudur

Di sản thế giới Borobudur tọa lạc cách trung tâm Jogja khoảng 42 km và được mệnh danh là “ngôi đền quyến rũ”. Cùng với Prambanan, quần thể Phật giáo Borobudur đã chứng minh quá khứ vàng son của đạo Phật và đạo Hindu tại Indonesia. Theo tiếng cổ, Borobudur có nghĩa là "đền thờ Phật trên núi". Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm từ thế kỷ thứ 8, dưới vương triều Syailendra sùng đạo Phật. Đền được xây trên đỉnh đồi, giữa vùng đồng bằng, phía sau là một dãy núi, khiến cho ngôi đền nổi bật.

Quần thể đền Borobudur gồm nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh một tháp chính cao 42 m với 12 tầng tháp. Để lên đến đỉnh tháp cao nhất, du khách phải trèo lên các bậc thang và đi qua các hành lang của 12 tầng tháp với tổng chiều dài 5 km. Mỗi tầng tháp có những bức phù điêu chạm trổ tinh tế mô tả đời sống của đức Phật và trần thế.
Borobudur được mệnh danh là ngôi đền quyến rũ. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Để đến Borobudur, bạn đi ba chuyến xe buýt. Chuyến thứ nhất đi từ Prambanan đến trạm Jombor mất 30 phút với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Chuyến kế tiếp đi từ trạm Jombor đến trạm Mengui tốn thêm 30 phút với giá 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau cùng, bạn đi xe từ trạm Mengui đến trạm Borobudur (gần tu viện Phật giáo Mendut) mất 15 phút với 2.500 Rupiah (5.000 đồng).

Tại khu vực cách ngôi đền một km có nhiều xe ngựa tập trung. Nếu không muốn đi bộ từ chỗ đó đến trước cổng đền, bạn có thể thuê một chuyến xe ngựa chở được 4 khách với giá 5.000 Rupiah (12.500 đồng). Giá vé vào tham quan đền Borobudur là 190.000 Rupiah (475.000 đồng).

Quanh khu vực trạm Mengui có những chiếc xe đẩy bán rất nhiều món ăn đường phố đặc trưng văn hóa Indonesia. Bạn có thể thưởng thức món Bakso (mì bò viên, trứng với rau).

16h15 – 19h: Di chuyển từ Borobudur về trung tâm Jogja

Tham quan xong ngôi đền, bạn đi xe ngựa ra bến xe Borobudur gần đó, rồi đón buýt về trạm Jombor 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau đó, từ trạm Jombor đến sân bay Jogja để lấy hành lý ký gửi lúc sáng sớm với giá vé xe 3.000 Rupiah (8.000 đồng).

19h30: Nhận phòng khách sạn ngay trung tâm cố đô Jogja và nghỉ ngơi

Tối hôm đó bạn nhận phòng và nghỉ ngơi ở Jogja. Sáng hôm sau bạn đón buýt hay taxi ra sân bay Adisutjipto (Jogja) để làm thủ tục bay về hoặc tiếp tục khám phá các điểm đến khác của Indonesia.

Phan Ngọc Hạnh (VnExpress)

Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định

Hòa mình vào bãi biển hoang sơ với nước xanh biếc, vững tay lái trên những cung đường quê để thăm một vài làng nghề và trải nghiệm những món ngon, ẩm thực đặc sắc là điều mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm miền đất võ.

Xem thêm: Lễ hội xuân tại đất võ Bình Định

Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải nam Trung Bộ. Du khách đi xe ô tô giường nằm từ Hà Nội đến Quy Nhơn có giá một vé là 570.000 - 650.000 đồng tốn gần một ngày di chuyển. Nếu xuất phát từ Sài Gòn, du khách mua vé khoảng 250.000 – 350.000 đồng và mất 13 giờ ngồi xe.

Ngoài ra, máy bay là lựa chọn hợp lý cho những người muốn tiết kiệm thời gian di chuyển. Hiện nay có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air khai thác đường bay Hà Nội – Quy Nhơn và Sài Gòn – Quy Nhơn. Giá vé một chiều từ Hà Nội dao động 1,5 – 3 triệu, từ Sài Gòn là khoảng 480.000 – 1,3 triệu.

Dưới đây là hành trình gợi ý 3 ngày du lịch ở Bình Định cho du khách tham khảo.

Ngày 1: Quy Nhơn - Đồi Cát Nhơn Lý - Biển Trung Lương, Vĩnh Hội

Sáng đến thành phố Quy Nhơn, nhận phòng khách sạn và tham quan những địa điểm xung quanh thành phố Quy Nhơn.

8h: Sau khi ăn sáng, du khách đưa xe qua đầm Thị Nại để đến với Nhơn Lý. Ở đây bạn sẽ thả hồn với khí trời lồng lộng gió từ ghềnh Eo Gió và xem sự kiến tạo lạ lùng từ nhiều đụn cát, hay chơi trò trượt cát trên đồi Nhơn Lý.
Người dân đánh cá trên biển Vĩnh Hội.

10h: Tham quan xong, bạn tiếp tục hành trình về với biển Trung Lương, một bãi biển hoang sơ ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Nơi này còn có di tích chùa Ông Núi (còn được gọi là chùa Linh Phong) rất linh thiêng thu hút nhiều du khách thập phương đến viếng thăm.

12h: Tiếp tục hành trình băng qua một con đèo khá ngắn để về biển Vĩnh Hội, nơi này có nhiều hàng phi lao với bãi biển đầy cát trắng tinh. Bạn có thể cắm trại và nghỉ dưỡng cùng bạn bè. Phía sau bãi biển có nhiều lán trại người địa phương dựng lên bán nước giải khát, võng cho du khách nghỉ ngơi. Không gian rất yên tĩnh, không ồn ào và ít bị chặt chém. Bạn hãy thưởng thức hải sản ở đây hoặc nếu đến đúng thời điểm có thể mua hải sản và nhờ người dân chế biến.

15h: Sau khi tắm biển, nghỉ mát thỏa thích, du khách đến xã Phước Hòa thăm tháp cổ Bình Lâm. Đây là một tháp của người Chăm được bảo tồn rất tốt. Cũng trên hành trình trở lại thành phố biển Quy Nhơn, bạn có thể viếng mộ ông tổ nghề Hát Bội – Đào Tấn ở xã Phước Nghĩa. Từ đây chạy thêm một đoạn sẽ gặp thị trấn Tuy Phước, rẽ trái theo quốc lộ 19 về chợ Dinh và tới thành phố Quy Nhơn.

Buổi tối du khách có thể tản bộ ở các công viên, dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu với một ly nước mía hay vài hạt hướng dương trong gió biển mát rười rượi.

Ngày 2: Làng Rượu Bàu Đá - Bảo Tàng Tây Sơn - Làng Dệt Hà Ri

7h: Sau khi dùng điểm tâm, du khách có thể khởi hành sẽ đến làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc thuộc huyện An Nhơn thăm quan làng nghề rượu Bàu Đá, sau đó sang làng bún An Thái. Các cơ sở làm bún nằm bên đường nên du khách rất tiện tham quan. Tiếp tục đến bảo tàng Tây Sơn tham quan, chụp ảnh, xem tiết mục trống trận được dựng lại hết sức quy mô.
Cách nấu rượu của người dân làng Bàu Đá.

11h30: Thăm khu du lịch Hầm Hô với những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Tới đây du khách có thể tắm suối, chèo thuyền, ăn trưa với đặc sản chim mía hay các món địa phương khác. Trong buổi trưa ngồi ở các nhà sàn, bạn hãy tận thưởng sự thoải mái khi vừa trò chuyện với bạn bè, vừa nghe chim ca vang trời.

14h: Sau khi ăn trưa du khách tranh thủ hỏi đường về làng Dệt Hà Ri đã được người Bana gìn giữ suốt 100 năm qua tại huyện Vĩnh Thạnh. Từ đây men theo đường cũ về với thủy điện Định Bình, một công trình hết sức quy mô của tỉnh Bình Định.

16h: Quay về Quy Nhơn. Buổi tối đến quảng trường trung tâm thưởng thức cà phê, dạo phố cùng bạn bè, ngắm phố phường, hay thưởng thức đặc sản biển, nem chả, cơm gà...

Ngày 3: Trại Phong Quy Hòa - Ghềnh Ráng - Tháp Đôi - Con đường ẩm thực

7h: Du khách có thể ra biển Quy Nhơn tắm biển sớm hoặc dạo biển. Sau đó về ăn sáng cùng bạn bè hoặc gia đình.

9h: Sau khi ăn sáng sẽ thăm khu du lịch Ghềnh Ráng. Đến đây du khách sẽ viếng mộ Hàn Mặc Tử... và chụp hình ở bãi Trứng, nơi mà trước đây Nam Phương hoàng hậu thường đến viếng thăm.

Từ đây tiếp tục men theo một con đường nhỏ sẽ tới trại phong Quy Hòa, nơi mà nhà thơ danh tiếng Hàn Mạc Tử trút hơi thở cuối cùng. Sau khi đi vòng quanh, du khách có thể ra bãi biển gần đó để ngồi dưới hàng phi lao ngắm biển, thả hồn vào sóng biển mây xanh trong không khí yên tĩnh.
Biển Quy Nhơn xanh mát vào những sớm hè.

11h30: Trở về Quy Nhơn ăn trưa, sau đó đến di tích Tháp Đôi nằm trong trung tâm thành phố. Tháp rất đẹp, tráng lệ và lưu dấu mãi với thời gian. Các cặp đôi thường tới đây chụp ảnh cưới để làm lưu niệm.

15h: Du khách có thể ra đường Ngọc Hân Công Chúa thưởng thức hải sản các loại, bánh canh, gỏi cuốn với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng một đĩa ốc hay tô cánh banh, gỏi cuốn. Đây là địa chỉ bình dân, hợp túi tiền với sinh viên nhưng dần được khách du lịch chọn lựa.

Trở về phòng sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị ra bến xe, nhà ga xe lửa và kết thúc hành trình thú vị.

Thinh Duy Quach (VnExpress)

Bài đăng phổ biến