Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

30 phút thư giãn cùng nhạc và tiếng suối chảy

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Những người gùi hàng cho tour thám hiểm Sơn Đoòng

Phạm Luân vừa trở về từ chuyến gùi hàng cho đoàn làm phim về hang Sơn Đoòng của hãng ABC News. Người đàn ông da rám nắng, dáng người đậm và chắc cho biết mỗi lần vào hang anh cõng 40 kg hàng, vất vả nhưng bù lại có thu nhập tốt.

Anh Luân tròn 40 tuổi, nhà ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, vốn là dân sơn tràng có hàng chục năm đi rừng.

Một nhóm porter chụp hình lưu niệm trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis

Chuyến gùi hàng cho hãng tin ABC vừa rồi là chuyến đặc biệt, khi hàng trăm porter được huy động để chuyển cả tấn thiết bị, máy móc từ trung tâm xã vào hang Én.

Sống ở vùng ruộng ít, chỉ toàn rừng và núi đá vôi nên từ nhỏ, anh Luân đã thấy rất nhiều đàn ông trong thôn xóm vào rừng kiếm miếng cơm manh áo. Lớn lên, anh Luân cũng theo con đường này. Những lúc nông nhàn, anh lại vào rừng, đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhưng cuộc sống không cải thiện là bao.


Từ năm 2014, anh Luân được tuyển vào làm porter tại công ty Chua Me Đất, phục vụ du khách trong những chuyến thám hiểm hang động lớn nhất thế giới - Sơn Đoòng.

“Mỗi chuyến đi, tôi phải vác khoảng 35-40 kg hàng. Đi rừng lâu năm nên tôi quen mang vác nặng, chừng đó không là gì”, anh Luân cười nói. 40 kg trên gồm đồ ăn, túi ngủ, dụng cụ leo núi… được những porter như anh Luân gùi vượt suối băng rừng để hỗ trợ du khách thám hiểm.

Mỗi tháng, các porter thường đi 2-3 tour, mỗi tour kéo dài 5 ngày, mang về cho họ thu nhập từ 6 triệu đồng. Ông Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, nay là tổ trưởng tổ porter, cho hay mỗi tour thám hiểm Sơn Đoòng thường có 24 người phục vụ, gồm tổ trưởng, người gùi đồ, đầu bếp, dẫn đường, trợ lý hướng dẫn viên…

Ngoài dụng cụ phục vụ thám hiểm, đồ ăn được đông đá sử dụng trong 3 ngày. Khi đoàn khách trở ra sẽ có nhóm khác gùi đồ tươi vào hang Én ở giữa chặng để phục vụ du khách."

 Các porter diễn tập cứu nạn trước khi tham gia phục vụ tour Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Hồ Khanh tâm sự, trước ông nghề làm nông và đi rừng có thu nhập thấp, cuộc sống không ổn định, đó là chưa kể rủi ro, nguy hiểm.

“Từ khi tour thám hiểm Sơn Đoòng đi vào hoạt động, cuộc sống của tôi tốt lên rất nhiều”, ông nói. Ngoài làm tổ trưởng porter, những năm gần đây, ông Hồ Khanh còn làm thêm 6 gian nhà homestay phục vụ khách du lịch.

Chung niềm vui được nhận làm porter, anh Nguyễn Hữu Linh, 21 tuổi, bộc bạch nghề porter vất vả nhưng giúp anh trang trải cuộc sống gia đình.


“Để làm porter trước hết cần có sức khỏe. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản và đầy đủ về ứng xử, tiếng Anh, sử dụng thiết bị leo núi, sơ cấp cứu… Mọi thứ chúng tôi mang vào đều phải mang ra. Từ thứ nhỏ nhất như tàn thuốc mỗi người đều có túi riêng để đựng”, anh Linh nói về sự chuyển biến ý thức khi chuyển sang làm nghề porter.

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc công ty Chua Me Đất, cho hay để phục vụ tour thám hiểm Sơn Đoòng, công ty tuyển dụng khoảng 100 người địa phương, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng trở lên. Mỗi porter được đào tạo sơ cứu, thái độ phục vụ, bảo tồn môi trường. Họ bắt buộc ký cam kết không vào rừng chặt cây, săn bắt thú… nếu vi phạm có thể bị đuổi việc.

"Chúng tôi cũng khuyến khích những người này mở thêm các dịch vụ tại nhà như homestay, quán nước hay lò bánh mì bán cho du khách và công ty”.

Những người phục vụ chụp chung với du khách trước cửa động Sơn Đoòng. Ảnh:Oxalis

Ngoài làm porter cho công ty Chua Me Đất, một số người này còn giúp đỡ trong các chuyến thám hiểm, tìm hang động mới của đoàn chuyên gia hang động Hoàng gia Anh, do ông Howard Limbert dẫn đầu. Ông Limbert cho biết mỗi chuyến khám phá hang động phải mang theo rất nhiều trang thiết bị, gồm dây thừng, máy móc đo bằng laser…


“Những thành công trong khám phá hang động sẽ không có được nếu như không có sự giúp sức của những người bản địa. Họ là những người đầy thân thiện và làm việc chăm chỉ mà tôi từng gặp trong đời. Kỹ năng đi rừng của họ là tài nguyên quý giá đối với nhóm thám hiểm”, ông Limbert nhận xét và nói lời cảm ơn đến những người đi rừng khỏe mạnh.

Với sự trợ giúp của những porter, hai năm qua có hàng trăm du khách thám hiểm hang Sơn Đoòng thành công và an toàn tuyệt đối. Đồng thời, họ cũng hỗ trợ nhóm chuyên gia của Anh thám hiểm các hang động mới, ngày càng xa và khó khăn hơn.


Hoàng Táo

Bài đăng phổ biến