Hiển thị các bài đăng có nhãn Châu Đốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Châu Đốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

Thơm ngọt, mát lành hương vị thốt nốt An Giang

Nếu có dịp về các huyện như Tri Tôn, Tịnh Biên (Châu Đốc) thuộc tỉnh An Giang, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng có cây thốt nốt. Hình ảnh cây thốt nốt được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Khờ-me Nam Bộ và cũng là cây đặc sản của vùng Thất Sơn huyền bí này.

Thơm ngọt, mát lành hương vị thốt nốt An Giang

Thốt nốt là một loại cây không nhánh, giống cây dừa nhưng thân cao to hơn, lá xòe tán tròn như lá cọ. Thốt nốt trổ quả thành quày, trái to như trái dừa xiêm, bên trong có nhân (cơm) màu trắng trong như cơm dừa nước, có ít nước ngọt và mát.

Nước thốt nốt tươi


Nước thốt nốt nguyên chất là thức uống giải khát tuyệt hảo, thơm mát, có vị ngọt thanh mnag hương vị đặc trưng riêng của miền Tây mà không nơi nào có được. Nước thốt nốt rất dễ bị lên men, vì thế chúng không thể để lâu, do đó bạn chỉ có thể thưởng thức ngay tại mảnh đất quê hương thốt nốt chứ không thể đưa đi xa. Có thể nói, đây là thức uống lý tưởng nhất để đánh bay cơn khát mùa hè khi du lịch đến vùng đất An Giang.

Cơm thốt nốt


Cơm thốt nốt cũng là sản phẩm được nhiều người ưa thích và thường hay mua về làm quà biếu. Cơm thốt nốt dẻo, dai, ngòn ngọt như dừa xiêm nhưng thơm ngon hơn. Nếu không có nước thốt nốt nguyên chất, bạn chỉ cần cho cơm thốt nốt vào ly, thêm một muỗng đường và ít nước đá bào là sẽ có ly nước thoảng hương vị đặc trưng của thốt nốt.

Trái thốt nốt tươi

Nên mua thốt nốt nguyên trái sẽ bảo quản được lâu. Khi mua thốt nốt, bạn nên chú ý chọn lọai cuống còn tươi, trái đều đặn, không bị móp, giập. Dùng tay búng vào vỏ trái để biết trái già hoặc non. Chỉ nên chọn những trái bánh tẻ, không già không non, cơm sẽ ngọt, béo, dẻo và thơm. Bởi trái già cơm cứng, vị lạt, trái non không có cơm.

Đường thốt nốt


Một đặc sản khác của An Giang là đường thốt nốt làm từ nước thốt nốt hứng từ trên cây. Đường thốt nốt thơm dịu, ngọt thanh, được gói trong những chiếc lá thốt nốt trông như những đòn bánh tét đẹp mắt. Vị ngọt thanh, thơm ngon của đường thốt nốt không chỉ nấu chè làm bánh rất ngon mà còn có tác dụng làm mát cơ thể, chữa viêm họng. Đây cũng là lý do vì sao khách du lịch thường chọn mua đường thốt nốt về làm quà cho người thân và bạn bè.

Bánh bò thốt nốt


Một trong những món bánh tuyệt hảo của người An Giang làm từ thốt nốt là bánh bò thốt nốt. Bánh làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Bánh bò thốt nốt màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông rất hấp dẫn. Bánh ăn ngon nhất khi còn nóng hổi, ăn chậm rãi để thưởng thức vị ngọt béo của đường, của dừa, hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của thốt nốt tan trong miệng, ngon đến nỗi bạn có thể ăn no mà không ngán.

Từ thốt nốt, người An Giang còn làm món cơm thốt nốt ướp đường, bánh gói thốt nốt, rượu thốt nốt… Nếu có dịp về miền Tây, bạn đừng bỏ qua các món đặc sản từ thốt nốt nhé! 


Tổng hợp

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Những đặc sản trứ danh đất An Giang

Có thể nói An Giang là mảnh đất đặt biệt nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vừa mang sự đặc trưng của vùng sông nước miền Tây cho nhiều tôm cá, cây trái xum xuê. Nhưng cũng là nơi có linh khí trời đất với núi cao rừng thẳm cho nhiều sản vật vùng cao. Có thể nói, khi du khách đi du lịch đến miền đất này, ít nhiều cũng nên nếm thử các loại đặc sản, món ăn ngon nổi tiếng.

Những đặc sản trứ danh đất An Giang

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt

Bánh bò thốt nốt là món ăn dân dã, quen thuộc của người miền Tây. Bánh được làm từ bột gạo xay, trộn với đường thốt nốt. Để tạo ra được món ăn này, người làm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, ủ bột gạo, hấp chín... Bánh bò thốt nốt có vị ngọt thanh, không gắt, bạn có thể ăn kèm bánh bò với dừa nạo để giúp món ăn hấp dẫn và kích thích hơn.

Bánh Chăm An Giang

Bánh Chăm An Giang

Bột bánh sẵn sàng, trên bếp lửa cháy đỏ rực là những cái chảo nhôm dày, đường kính khoảng 20 cm. Chảo nóng, phết lớp dầu trước khi chế hỗn hợp bột trên vào, rắc lớp mè rang thơm rồi đậy kín lại bằng chiếc nắp đất nung nhỏ. Khoảng 5 phút sau, bánh chín, xúc chiếc bánh có hình tròn cỡ lòng bàn tay, chóp nhọn theo núm nắp vung ra mâm.

Cắn, nhai, nghe vỏ bánh giòn nhưng ruột bánh hơi xốp, dai, mềm của bột, béo của dầu thực vật, ngọt thanh của đường thốt nốt, bùi thơm của những hạt mè rang vàng.

Tung lò mò

Tung lò mò

Tung lò mò hay còn gọi là lạp xưởng bò, một món ăn truyền thống của người Chăm. Để làm món tung lò mò, bạn cần có ruột bò, thịt bò, mỡ bò và nhiều gia vị khác như tiêu, tỏi… Món ăn này thường được nướng hoặc chiên, ăn kèm với cơm, làm mồi nhắm cũng khá hấp dẫn. 

Bún cá Châu Đốc

Bún cá Châu Đốc

Bún cá là một trong những món ăn đặc sản của vùng Châu Đốc (An Giang). Một phần bún đầy đủ, chuẩn vị miền Tây gồm nước dùng đậm vị, bún, thịt cá ướp vừa ăn, dùng kèm các loại rau như xà lách, rau chuối, giá đỗ, bông điên điển... Để món ăn thêm phần hấp dẫn, nước mắm chấm cá rất quan trọng, giúp tăng thêm vị giác cho bạn. 

Cơm tấm Long Xuyên

Cơm tấm Long Xuyên

Khác với món cơm tấm Sài Gòn có miếng sườn to, phần thịt sườn trong cơm tấm Long Xuyên đều được cắt mỏng thành từng miếng nhỏ bắt mắt. Ngoài thịt sườn, phần cơm đầy đủ còn có thêm trứng kho cắt lát nhỏ, đồ chua, dưa leo, mỡ hành hấp dẫn. 

Cá lóc nướng trui 

Cá lóc nướng trui

Cá lóc nướng trui không chỉ là món ăn trong bữa cơm gia đình mà còn là mồi nhắm rất "bén" trong các cuộc vui. Cá lóc dùng nướng trui phải là loại cá đồng, thật tươi và được rửa sạch bùn nhớt. Cá được nướng chín vừa, dùng kèm với bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn… chấm mắm me. 

Gà đốt

Gà đốt

Khu vực hồ Ô Thum (Tri Tôn, An Giang) là nơi nổi tiếng với món gà đốt thơm phức. Đây là món ăn làm nên nét độc đáo trong ẩm thực của vùng đất này. Gà đốt nguyên con với vỏ vàng ươm, nước chấm đậm đà, ăn kèm cùng rau sống là chuẩn vị miền Tây. 

Cháo bò Tri Tôn

Cháo bò Tri Tôn

Nếm một miếng nghe vị ngọt đậm đà, thơm ngon, khác hẳn với tô cháo lòng ở miệt đồng bằng rất xa. Sau đó, bạn thử gắp ít lá sách chấm vào chén nước mắm gừng cho vào miệng nghe dai dai, giòn giòn thật hấp dẫn, rồi tới miếng gan bùi bùi, khoanh phèo nhân nhẫn và lát huyết vừa mềm vừa ngọt đậm, không thể chê vào đâu được. Muốn cho hương vị thêm đậm đà, bạn có thể dùng kèm với giá sống và rau thơm, đặc biệt là trái trúc, một loại trái đặc hữu của vùng sơn địa Tịnh Biên và Tri Tôn. 


Nguồn: tổng hợp

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2019

An Giang, vùng đất mang vẻ đẹp bình dị

An Giang không chỉ mang những nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà còn có những vẻ đẹp riêng biệt của mình. Tất cả đã hội tụ ở đất An Giang, tạo nên một mảnh đất bình dị, đơn sơ và mộc mạc không lẫn với bất kỳ nơi đâu, bạn hãy thử một lần đặt chân đến nơi đây để cảm nhận nhé.

An Giang, vùng đất mang vẻ đẹp bình dị

Búng Bình Thiên

 Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Châu Đốc 25km. Đến mùa, bông lục bình nở đầy sắc tím khoe hương sắc trong ánh trời xanh xen lẫn với đó là những bông điên điển khoe sắc vàng. Đến với nơi đây bạn còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Chăm xưa còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.

Khám phá Tri Tôn

Khám phá Tri Tôn

Đây là huyện núi có diện tích lớn nhất ở An Giang. Gần đây cư dân xê dịch đã phát hiện ra một góc chụp rất thú vị trên cánh đồng lúa ở Tri Tôn, đó là hình ảnh những cây thốt nốt hình trái tim. 

Tri Tôn có thể xem như xứ sở của những cây thốt nốt, ngoài hình ảnh thốt nốt hình trái tim này bạn sẽ săn được rất nhiều góc chụp lung linh khác. Băng qua những cánh đồng lúa hoặc len lỏi vào những ngách nhỏ trong xóm thôn, nhìn đâu đâu cũng thấy hình ảnh cây thốt nốt mộc mạc và bình dị ngày ngày soi bóng mát cho người nông dân.

Hồ Tà Pạ

Hồ Tà Pạ

Hồ Tà Pạ thu hút người đến kẻ đi bởi bức tranh khung cảnh sơn thủy hữu tình với màu nước xanh như ngọc bích, với những vách đá, mỏm đá đủ hình thù kì lạ soi bóng xuống mặt hồ, với màu trời xanh thanh thiên hòa cùng màu xanh của cỏ cây, hoa lá. Vì thế mà người dân An Giang đã ưu ái ví hồ như “Tuyệt tình cốc” của miền Tây.

Làng nổi Châu Đốc

 Làng nổi Châu Đốc

Đã đến du lịch tại An Giang mà bạn bỏ qua điểm đến làng nổi Châu Đốc là điều vô cùng thiếu sót. Là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư.

Tổng hợp

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

An Giang đâu chỉ có núi và chùa

Nổi tiếng là vùng đất tâm linh, Châu Đốc (An Giang) thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi non và những ngôi chùa lộng lẫy. Nơi đây còn có những điểm đến cũng không kém phần hấp dẫn như những vườn dâu trĩu quả, hồ bơi trên núi…

An Giang đâu chỉ có núi và chùa

Vườn dâu da Bảy Núi

Vườn dâu da Bảy Núi

Núi Cấm không chỉ nổi tiếng với Tượng Phật Di Lặc cao nhất trên đỉnh núi ở châu Á, Thiền Viện Chùa Phật Lớn, Chùa Vạn Linh, Hồ Thủy Liêm, Hồ Thanh Long, Cáp treo Núi Cấm, suối Thanh Long.... mà còn là nơi trồng nhiều loại trái cây đặc sản thơm ngon và ngọt ngào của vùng miền sơn cước. Ngoài mít, xoài, su su, bơ, sầu riêng…. thì Dâu da núi Cấm là một loại trái cây rất được sự ưa chuộng của nhiều du khách.

Vườn dâu da Bảy Núi

Hằng năm cứ độ mùa khoảng tháng 4 âm lịch rơi ngay vào lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam cũng là lúc mùa dâu da trên đỉnh núi Cấm vào mùa thu hoạch.

Đến đây vào thời gian này bạn sẽ được mãn nhãn với những vườn dâu vàng ươm, trĩu quả và tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh hái dâu của sơn dân ngay trên chuyến hành trình lên núi của mình.

Hồ Otuksa

Hồ Otuksa

Hồ Otuksa có mặt nước yên lặng như tờ, không khí thông thoáng, mát mẻ. Nằm gần sát dưới chân Thiên Cấm Sơn, hồ Otuksa có mặt nước yên lặng như tờ. Đây là một hồ nước có khung cảnh tuyệt đẹp và khá hoang sơ. Vì nằm cách xa trung tâm nên nơi đây còn được ít người biết đến.

Vương quốc xương rồng

Vương quốc xương rồng

Với diện tích khoảng 800m2, vườn xương rồng của ông giác có hàng trăm chủng loại xương rồng với hình dáng khác nhau. Có cây to tròn hơn vòng tay người ôm hoặc cao lênh khênh như những gã khổng lồ, với những chiếc gai dài tua tủa. Có cây gai mịn như tơ, uốn lượn hình rồng trông đẹp mắt. Mỗi cây xương rồng có hình dáng khác nhau, được đặt vào các chậu phù hợp, tạo nên nét độc đáo cho khu vườn.

Nếu bạn là người yêu loài cây này và đam mê chụp ảnh, thì đây là địa điểm check-in lý tưởng trên đường đến Châu Đốc – An Giang đấy.

Hồ bơi trên núi 

Hồ bơi trên núi

Không phải chỉ có ở những thành phố biển xinh đẹp, bạn mới được khám phá những bể bơi view ghiền mắt. Mà ngay tại những cánh đồng lộng gió ở An Giang bạn lại được trải nghiệm bơi ở một nơi sang chảnh trong khách sạn Victoria Núi Sam Lodge, ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, bao quanh là hệ thống kênh rạch và đền chùa tôn nghiêm cổ kính.


Tổng hợp

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm ở biên giới với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho bạn thấy rõ nét nhất về văn hóa, con người và thiên nhiên vùng biên Châu Đốc.

Rừng tràm Trà Sư

Đi xuồng vào rừng tràm Trà Sư

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư cách trung tâm Châu Đốc khoảng 25 km. Nếu bạn đi nhóm 3-5 người, vé giá sẽ là 65.000 đồng một người, sau đó được ngồi tắc ráng rồi chuyển qua điểm đi ghe chèo tay. Từ đây, những nhân viên chèo ghe hồn hậu sẽ chở bạn tham quan rừng tràm trong vòng 1 - 1h30 phút. Không gian xanh mát với vạt bèo ngập tràn mặt nước, trên cao là tán tràm che bóng, xung quanh còn có những con cồng cộc, cò, sếu... đi kiếm mồi.

Sau thời gian tham quan, bạn quay lại điểm trung chuyển của ghe chèo tay và tắc ráng. Khu vực này có dịch vụ ăn uống trưa. Bạn có thể thưởng thức những món lẩu, canh chua đặc trưng miền tây mùa nước nổi. Du khách muốn nhìn ngắm toàn cảnh rừng tràm thì leo lên đài quan sát ngay tại đây.

Miếu Bà Chúa xứ núi Sam

Miếu Bà nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.

Làng người Chăm Châu Giang

Một ngôi nhà sàn người Chăm nằm ngay cạnh bến đỗ xe buýt ở Châu Giang, Châu Đốc. Ảnh: Hương Chi

Từ trung tâm Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang, giá vé là 5.000 đồng/người và xe máy. Đây là một trong những điểm dừng thú vị với những người thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và con người Chăm. Không khí đời sống thanh bình, người dân vẫn còn ăn mặc trang phục truyền thống và gìn giữ nhiều nét đẹp dân tộc mình.

Tới làng Chăm Châu Giang du khách được chiêm ngưỡng các nhà thờ xây theo phong cách Hồi Giáo với thánh đường lớn, hay các ngôi nhà sàn đặc trưng văn hóa Chăm. Một số nhà trong làng còn làm bánh bông lan thủ công với khuôn đồng, kỹ thuật dùng than nóng để làm chín bánh. Nếu đi về phía Tân Châu, bạn còn tìm tới được những người gìn giữ nghề dệt truyền thống.

Thú vị nhất là dịp làng có đám cưới, bạn sẽ quan sát, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Chăm.

Chợ biên giới Tịnh Biên

Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan với Campuchia khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia. Đi vòng quanh chợ bạn có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt, không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng... Nếu cái nắng vùng biên làm bạn mệt mỏi, các hàng chè, nước, ăn uống nằm bao quanh chợ sẽ là điểm nghỉ chân thích hợp. Một trái dừa nước lớn giá 10.000 - 15.000 đồng hoặc 5.000 - 10.000 đồng một chai nước thốt nốt sẽ xua tan mệt mỏi. 

Biển chỉ dẫn hướng đi Tịnh Biên và cửa khẩu hải quan qua Campuchia. Ảnh:Hương Chi

(Theo VnExpress)

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

Bài đăng phổ biến