Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Eo biển chia cắt Á - Âu và chuyện tình thần Zeus

Bosphorus không chỉ được biết đến bởi vị trí địa lý đặc biệt, mà còn bởi eo biển ẩn giấu dưới làn nước xanh thẫm một câu chuyện thần thoại kỳ bí.
Xem thêm: Istanbul và những bí quyết giữ chân du khách

Bosphorus là một eo biển dài 31 km tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cách giữa châu Á và Âu. Eo biển này cũng nối liền biển Đen và Marmara, khiến nơi đây từ lâu trở thành một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cầu Bosphorus bắc ngang eo biển, được mệnh danh là "cây cầu nối liền 2 lục địa", cũng là một biểu tượng nổi tiếng của thành phố Istanbul.
Eo biển Bosphorus ngăn cách châu Âu và châu Á. Ảnh: wikimedia.

Ẩn giấu sau điểm đến nổi tiếng này còn có một câu chuyện thần thoại kỳ bí kể về mỗi tình giữa vị thần toàn năng Zeus và nàng Io xinh đẹp nhưng bạc mệnh.

Theo thần thoại Hy Lạp, Zeus là vị thần đứng đầu đỉnh Olympia - nơi ở của các vị thần. Zeus có vợ là nữ thần Hera, nhưng thần vẫn thường xuyên gặp gỡ và có tình cảm với nhiều phụ nữ khác. Đây cũng là lý do thần Zeus để lại nhiều hậu duệ trên thế gian, còn nữ thần Hera thường xuyên nổi cơn tức giận và giáng đòn trừng phạt xuống các tình nhân của chồng.

Một ngày, thần Zeus bất chợt phải lòng Io - người con gái xinh đẹp tuyệt trần đang làm nữ tu trong một đền thờ nữ thần Hera. Io vốn là công chúa của vua Inachus, nhưng nàng lại thà làm nữ tu chứ không chịu lấy chồng. Mặc cho thân phận của nàng, thần Zeus vẫn tán tỉnh và biến Io trở thành tình nhân.

Sợ Hera phát hiện, thần Zeus cho mây che phủ kín bầu trời. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nữ thần nhận ra sự kỳ lạ và xuống hạ giới tìm thần Zeus. Trước khi Hera đến nơi, thần Zeus nhanh chóng biến nàng Io thành một con bò trắng.
Bức tranh tái hiện cảnh thần Jupiter (tên thần Zeus trong thần thoại La Mã) biến Io thành bò trắng để che mắt vợ. Ảnh: wikipedia.

Nhìn con bò trắng, thần Hera biết đó chính là Io. Không có chứng cứ, nữ thần không thể bảo rằng thần Zeus có nhân tình. Vì thế, Hera tỏ ra yêu thích vẻ đẹp của con bò trắng và xin thần Zeus tặng nó cho mình. Thần Zeus không có lý do từ chối, đành trao Io cho Hera.

Sau đấy, Hera giao thần trăm mắt Argus trông coi Io, nhưng thần Zeus đã yêu cầu thần Hermes đến đánh lạc hướng và giết Argus, giải cứu cho nàng. Nhận ra Io trốn thoát, nữ thần Hera tức giận sai một con ruồi trâu bám theo và đốt. Truyền thuyết kể rằng, nàng chạy thoát được đến Ai Cập, trở lại thành người và lấy vua ở đây. Một dị bản khác lại ghi Io sinh ra vị vua đầu tiên của Ai Cập - kết quả của mối tình giữa nàng và thần Zeus.
Cây cầu Bosphorus nối liền 2 lục địa lớn. Ảnh: Mega Wallpapers.

Tương truyền, trên quãng đường chạy trốn của mình, Io phải bơi qua một eo biển. Về sau, eo biển đó được đặt tên Bosphorus, trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là "nơi con bò đi ngang qua".

Eo biển và cầu Bosphorus nằm tại Istanbul, một thành phố nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách Việt Nam mỗi năm. Hiện nay, có nhiều tour du lịch đến với Thổ Nhĩ Kỳ của các công ty du lịch Việt Nam với giá khoảng 40.000.000 đồng.

Vân Giang

Những phép tắc trên bàn ăn của người châu Á

Các nước châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại có những quy tắc khác biệt.

Xem thêm: Điểm đến cho người sành ăn khắp thế giới

Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.

Ấn Độ

Người Ấn ăn bốc nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Indiaphile.

Dù nằm trong châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, dĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước châu Á là đũa. Họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.

Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn - đồ uống do đấng tối cao trao cho - phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm "vệ sinh" của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho "cái ác" gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho "cái thiện" với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.

Trung Quốc

Bàn tròn là kiểu bàn ăn phổ biến của gia đình đông người hoặc các nhà hàng lớn tại Trung Quốc. Ảnh:thechinesquest.

Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn. Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa theo kiểu bàn xoay.

Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.

Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc, bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện... Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào.

Nhật Bản

Người Nhật rất chú trọng tới hình thức của bữa ăn. Ảnh: goodfon.

So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.

Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời "Itadakimasu" trước khi ăn và "Gochiso sama deshita" sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng "không gian riêng" trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức "không gian chung".

Với món ăn "quốc hồn quốc túy" là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được tự ý nêm nếm gì thêm sau đó.

Hàn Quốc

Bàn thức ăn của người Hàn thường rất nhiều món ăn kèm và đầy màu sắc. Ảnh: hansangkorea.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn rất coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kinh trên nhường dưới".

Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.

Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước. Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam

Mâm cơm quen thuộc của người Việt. Ảnh: cookingclass.

Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài rất thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức... qua loa. Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, dĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.

Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quây quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.

Mimi tổng hợp

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Nếu từng một lần nếm thử món dưa hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện.
Xem thêm: Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Bồn bồn hay thủy hương là một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả, gặp rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Là cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Đoạn thân trắng của bồn bồn sẽ được dung để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: baoanhdatmui.

Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, tước bỏ phần lá bên ngoài rồi bẻ lấy lõi màu trắng bên trong (củ hũ) là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.

Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn quả thật khó có thể quên.

Món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được.

Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn nhiều người.
Dưa bồn bồn muối chấm cá kho rất đưa cơm. Ảnh: vietcaravan

Nếu như dưa bồn bồn biến tấu thành kim chi khi ăn có vị thơm cay, lạ thì khi đem kho cùng cá nạc thịt lại trở thành món ăn mới vô cùng hấp dẫn. Khi ấy, vị chua của bồn bồn mất hẳn mà vị tanh của thịt cá cũng chẳng còn, thay vào đó là vị béo ngậy, ngọt đậm đà. Đặc biệt khi kho cùng tép thì nồi bồn bồn lại càng trở nên hấp dẫn, ăn cùng bát cơm nóng quả thực chẳng có gì tuyệt bằng.

Ngoài ra, các bà các mẹ ở đây còn sáng tạo thêm món dưa bồn bồn trộn làm đồ nhậu lai rai khi khách tới nhà. Dưa bồn bồn rửa sạch, chẻ sợi nhỏ sau đó trộn chung với tỏi, ớt, đường. Hệt như cách làm một số món trộn khác nhưng lại rất bắt cơm. Thỉnh thoảng món bồn bồn trộn còn được cho thêm tôm hay tép đồng để tăng vị đậm đà. Bữa ăn đôi khi chỉ có đĩa bồn bồn trộn mà cả chủ nhà và khách cứ ngồi lai rai mãi không thôi.

Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ.
Món dưa bồn bồn muối chua được bày bán ở chợ. Ảnh: redcloudworld

Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.

Du khách có thể thưởng thức đặc sản bồn bồn khi đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang...

Ngoài bồn bồn, các đặc sản nên thử khi đến miền Tây: lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu mắm, đuông dừa, ốc nướng tiêu, bánh tằm bì...


Đỗ Huyền

Bài đăng phổ biến