Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Phở khô ngon trứ danh ở phố núi Pleiku

Du khách không thể bỏ qua món phở khô Gia Lai giống tìm phở bò, bún thang Hà Nội, đến Huế phải ăn bún bò giò heo và ở miền Nam phải thưởng thức hủ tiếu.
Xem thêm: 12 điều bạn sẽ nhớ sau chuyến du lịch Buôn Ma Thuột

Có lẽ với người Pleiku (Gia Lai) phở khô không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn là niềm tự hào. Đến Pleiku, bạn dễ dàng tìm thấy các cửa hàng phở khô trên khắp phố phường.

Phở khô có phần bánh phở cùng nước dùng tách riêng để tùy vào khẩu vị của thực khách mà lựa chọn ăn khô hay ướt. Một phần phở khô bao gồm phở, nước dùng và nhiều loại rau ăn kèm. Về cơ bản, những nguyên liệu chính sẽ giống nhau, chỉ tùy vào các vùng mà có thể thay đổi loại rau và hương vị nước dùng. Món ăn này cũng phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên khác như Kon Tum, Đắk Lắk.

Gọi là phở nhưng sợi của phở khô không giống các món phở Bắc mà thiên về sợi mì hủ tiếu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sợi phở săn và dai hơn vì khi để trong bát, sợi không bị nát. Khi thực khách gọi món, người đầu bếp sẽ chần phở qua để món ăn không bị dai hay vón cục. Chọn được phở ngon và chần đúng cách đã quyết định một phần thành công của món ăn.

Phở khô gà là lựa chọn được nhiều thực khách yêu thích

Phở khô thường ăn với hai nguyên liệu chính là thịt gà và thịt bò. Bên cạnh đó, món ăn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu hành khô, rau sống và lạc. Khi ăn, bánh phở và các nguyên liệu sẽ được trộn đều lên với tương đen, xì dầu, tương ớt tùy thuộc vào khẩu vị của thực khách. Tương đen là gia vị không thể bỏ qua khi ăn phở khô, tuy có chút ngọt nhưng vẫn giữ được vị mặn của nước tương. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt hòa trong những hương vị riêng biệt của xà lách, ngò gai, giá đỗ tươi, húng quế tạo nên một bát phở khô kích thích cả vị giác, khứu giác và thị giác người ăn.

Quan trọng không kém bánh phở là nước dùng phải đảm bảo trong và có vị ngọt nhẹ từ nước hầm xương hay nước luộc thịt gà. Để bát nước dùng trong, người chế biến phải vớt bọt liên tục khi nấu. Nêm gia vị cho nước dùng cũng quyết định độ thành công của món ăn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng có những bí quyết riêng khiến cho nước dùng ngon đúng kiểu, không nhạt nhưng không mặn hay ngọt sắc. Người ăn có thể chan vào bánh phở hoặc để nguyên, vừa ăn phở vừa xì xụp nước dùng và tấm tắc khen.

Chính vì để riêng phở và nước nên phở khô ở Pleiku còn được biết đến với tên "phở khô hai tô". Dù món ăn đã được phổ biến rộng rãi và có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có ở Pleiku, Gia Lai thì bạn mới được ăn tô phở khô vừa đúng hương vị, vừa hợp không gian nhất. Một tô phở thường có giá 35.000 đồng.

(Theo VnExpress)

Tạc tượng gỗ dân gian - nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên

Tạc tượng gỗ dân gian là một loại hình nghệ thuật độc đáo, lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một.
Xem thêm: Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng
 
Tỉnh Kon Tum có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%. Trong kho tàng văn hóa của người dân nơi đây, ngoài cồng chiêng, không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian.

Tượng gỗ dân gian ở Kon Tum là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, nhưng cũng rất dung dị. Hầu hết các bức tượng gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần…

Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc.


Nếu các nghệ nhân ở huyện Đăk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên… thì các nghệ nhân ở huyện Sa Thầy lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng; trong khi đó, các nghệ nhân ở huyện Đắk Glei lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.

Nghệ nhân A Đếch, tổ trưởng tổ nghệ thuật dân gian huyện Đắk Glei chia sẻ, ông học hỏi từ cha mình nghề tạc tượng gỗ. Hình mẫu ông hướng đến là phụ nữ, bởi theo ông, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cũng theo nghệ nhân A Đếch, tạc tượng gỗ không chỉ nhằm lưu lại nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn giúp đồng bào có những niềm vui sau những ngày lên nương làm việc mệt nhọc.

Nghệ nhân A Nếp, sinh sống tại huyện Đắk Glei, cho biết, tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Nguyên nhân chính là do ngày nay lớp trẻ bận rộn làm kinh tế, cộng với ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nên rất ít người theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 
Trước thực trạng này, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian như: tổ chức vinh danh các nghệ nhân tạc tượng; thường niên tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

Trong các hoạt động đó thì liên hoan tạc tượng gỗ dân gian là một hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nghệ nhân cũng như của người dân.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, qua đó góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tô mì một sợi độc đáo ở Nhật Bản



Nhà hàng rất đông khách và luôn trong tình trạng cháy hàng nên nếu muốn thưởng thức tô mì một sợi chỉ có ở Tawaraya, bạn phải đặt chỗ trước khá lâu.

Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc


Udon là một trong những món mì được yêu thích nhất ở xứ sở hoa anh đào, cùng với soba và ramen, tất cả làm nên thương hiệu mì Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới. Khi thưởng thức, mỗi thực khách đều có một cảm nhận khác nhau về từng loại nhưng đối với những người thích ăn sợi mì to được cán theo kiểu truyền thống thì udon chính là lựa chọn số một.

Udon được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong các loại mì ở Nhật. Sợi mì có đường kính thông thường khoảng một cm, cỡ bằng cây đũa. Tuy nhiên, khi đến với nhà hàng Tawaraya ở Kyoto, thực khách sẽ được trải nghiệm mì udon hoàn toàn khác bởi mỗi bát mì ở đây chỉ có một sợi và kích thước "khổng lồ" của nó cũng sẽ khiến bạn phải kinh ngạc. Nhiều thực khách còn chia sẻ họ chưa từng thấy sợi mì nào to và dài như vậy.


Sợi mì "khổng lồ" đến nỗi chỉ cần duy nhất một sợi là đã đầy cả bát


Tuy có kích thước đặc biệt nhưng sợi mì không hề nhũn nát mà rất mềm và dai do được đun sôi một cách đặc biệt. Cũng giống như các cửa hàng mì khác ở Nhật, đầu bếp ở Tawaraya làm mì tươi vào mỗi buổi sáng và sử dụng hết trong ngày. Tuy nhiên kể từ khi cho ra mắt loại mì mới độc đáo này, nhà hàng luôn trong tình trạng cháy hàng từ rất sớm. Vì vậy, nếu không muốn tới đây và phải ra về với dạ dày trống rỗng thì bạn nên đặt chỗ từ trước.

Ngoài sự mới lạ về kích thước sợi, món mì udon ở nhà hàng Tawaraya vẫn giữ nguyên được hương vị truyền thống với phần nước súp được nêm nếm đơn giản bằng một chút vị mặn. Khi ăn, hương thơm cùng sự thanh khiến cho thực khách luôn muốn ăn mãi không thôi.


Từ khi cho ra mắt loại mì một sợi mới lạ, nhà hàng luôn trong tình trạng "cháy hàng", vì vậy khách khi đến đây phải đặt chỗ từ sớm. Ảnh: Kyoto.com


Nhà hàng Tawaraya nằm gần bến xe buýt Tengu-mae. Nếu muốn đến đây, thực khách có thể bắt tuyến xe buýt số 50 hoặc 101 từ Kyoto, rất thuận tiện. Ở đây cũng có thêm thực đơn bằng tiếng Anh để khách nước ngoài có thể dễ dàng chọn món nếu không biết tiếng Nhật. Nhà hàng mở cửa từ 11h đến 16h hàng ngày, trừ thứ ba.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến