Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

9 lý do du khách thích đến Hà Lan

Danh họa Vincent Van Gogh, vườn Keukenhof với hàng triệu bông hoa tulip, hệ thống kênh rạch ở Amsterdam là những lý do tại sao du khách trên khắp thế giới yêu Hà Lan đến vậy.
Xem thêm: Đến Hà Lan thưởng ngoạn lễ hội hoa tulip
Hà Lan là một trong những quốc gia đẹp nhất ở châu Âu và lý do tại sao bạn nên đưa đất nước này vào danh sách tiếp theo trong hành trình khám phá thế giới của mình là vì:

1. Hà Lan có vườn thực vật đẹp nhất châu Âu

Vườn Keukenhof là vườn thực vật nằm ở thành phố Lisse. Được thành lập vào năm 1949 với mục đích ban đầu là để các thương gia và người trồng hoa trưng bày các giống hoa của Hà Lan. Hiện nay, vườn có khoảng 7 triệu bông hoa tulip tuyệt đẹp với đủ các màu sắc của hơn 100 giống hoa, trải rộng trên diện tích 320 nghìn mét vuông. Thời điểm đẹp nhất để đến thăm quan là vào mùa hoa tupip nở, từ tháng Ba đến tháng Năm.
 

2. Đến thăm Ijsselmeer tuyệt đẹp vào mùa đông

Ijsselmeer là một hồ nước cạn ở phía tây bắc Hà Lan, được tạo thành vào năm 1932 khi một con đập dài 32km được xây dựng trên lối vào vịnh Zuiderzee cũ. Độ sâu trung bình của hồ nước ngọt này là khoảng từ 5 – 6 mét, bề mặt của nó đóng băng hoàn toàn vào mùa đông tạo nên quang cảnh đầy hấp dẫn đối với bất kì du khách nào.


3. Nếm thử phomai tại chợ phomai lớn nhất thế giới

Thành phố Gouda nằm ở phía nam Hà Lan và được thành lập vào năm 1272. Nếu bạn thấy cái tên này có vẻ quen thuộc thì bởi vì đây là nơi xuất xứ của loại phô mai Gouda nổi tiếng thế giới. Chợ phô mai truyền thống Gouda được tổ chức vào mỗi mùa hè và là một trải nghiệm không nên bỏ qua với bất kì khách du lịch nào. Nơi đây tập trung tất cả các nông dân trong địa phương, họ mang đến chợ để bán các loại pho mai tự sản xuất của mình. Thay vì những miếng pho mai nhỏ như bạn hay thấy trong siêu thị thì phomai ở đây có hình bánh, nặng đến hàng vài kilogram.


4. Lạc bước vào ngôi làng có lối đi toàn nước phủ

Thị trấn nhỏ của Giethoorn nằm ở tỉnh Overijssel, phía đông Hà Lan. Khi nó được thành lập, thay vì xây dựng đường giao thông, người dân đã sử dụng rất nhiều các tuyến đường thủy và di chuyển từ nơi này đến nơi bằng thuyền. Điều này đã khiến nơi đây có tên gọi thứ hai là “Venice của Hà Lan” . Ngày nay, thị trấn được chia thành hai khu vực: khu vực hiện đại với đường giao thông, nhà ở hiện đại, và khu vực truyền thống với kênh rạch nước và nhà truyền thống của Hà Lan.

5. Thành phố của những cung điện

Trong khi Amsterdam là thủ đô của Hà Lan, The Hague là nơi đặt hầu hết các cơ quan chính phủ của đất nước và các cung điện hoàng gia. Binnenhoff, với kiến trúc tuyệt đẹp, nằm ở trung tâm của The Hague, được xây dựng trong thời Trung cổ và kể từ thế kỷ thứ 13, nó đã trở thành nơi ở của các vị vua và hiện là trụ sở quốc hội, văn phòng thủ tướng của Hà Lan.

6. Ngỡ ngàng với vùng đất thần tiên Schermer

Trong tiếng Hà Lan, Schermer có nghĩa là “Hồ nước trong”. Đây là một khu vực nông thôn xinh đẹp ở phía bắc Hà Lan. Khu vực thanh bình này có tất cả những gì đặc trưng cho Hà Lan: chiếc cầu gỗ bắc qua dòng nước của con kênh đào, những chiếc cối xay gió lớn, cây cối rậm rạp, và các ngôi nhà gỗ nhỏ xíu. Một chuyến viếng thăm Schermer sẽ khiến du khách cảm thấy giống như một chuyến đi đến vùng đất cổ tích.
 

7. Tận hưởng không khí trong lành ở đất nước của những chiếc xe đạp

Xe đạp là phương tiện di chuyển chính của hàng triệu người dân Hà Lan. Đất nước này có dân số 16 triệu người nhưng đã có đến 13 triệu chiếc xe đạp. Mọi người, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và thành phần xã hội đều đạp xe đạp. Nếu bạn đến đây, đừng ngần ngại thuê một chiếc xe và hòa mình vào dòng người chậm rãi trên đất nước trong trẻo này.


8. Mua những đôi guốc gỗ về làm quà

Guốc gỗ xưa được người Hà Lan đi khi làm việc tại trang trại, hầm lò và nhà máy để bảo vệ chân. Ngày nay nó đã trở thành món quà lưu niệm đặc trưng của mảnh đất này. Hầu như ai đến Hà Lan cũng mua về một đôi guốc để làm quà cho người thân hoặc cất trong nhà như một kỉ niệm về đất nước xinh xắn.

9. Ngắm nhìn thiên nhiên hoang dã trong công viên Hoge Veluwe

Hoge Veluwe có diện tích rộng 55km vuông, nằm trong khu đô thị Gelderland, ở phía đông Hà Lan. Công viên được thành lập vào năm 1909, là tài sản của một doanh nhân giàu có. Đến năm 1935, ông tặng lại nó cho một tổ chức và cuối cùng Hoge Veluwe đã trở thành công viên quốc gia lớn thứ hai của Hà Lan. Khu vực này vô cùng đa dạng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật độc đáo, và một mật độ lớn bất thường của động vật hoang dã. Trong mùa xuân, du khách có thể nhìn thấy hươu, nai, lợn rừng, cừu hoang dã, lửng, cáo, và các loại động vật khác.



(Tổng hợp)

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Vòng quanh thế giới ngắm trang phục cưới truyền thống của các cặp đôi

Lựa chọn trang phục trong ngày cưới là một trong những vấn đề đặc biệt được quan trọng vào sự kiện trọng đại của cuộc đời. Và với trang phục truyền thống, mỗi quốc gia khác nhau lại có nét đặc trưng văn hóa riêng.Xem thêm: Những cầu treo ổ khóa tình yêu nổi tiếng trên thế giới
Váy cưới màu trắng cổ điển ngày nay đã trở nên phổ biến. Ít ai biết rằng, chính Nữ hoàng Victoria là người đầu tiên khởi xướng nên xu hướng diện váy cưới màu trắng khi bà kết hôn cùng Hoàng tử Albert vào thế kỷ thứ 18. Có nguồn gốc từ phương tây, sau đó, váy cưới trắng lan rộng và phổ biến tại các nước châu Âu, Bắc và Nam Mỹ rồi tới thế giới.

Tuy nhiên, ở một số nền văn hóa, đặc biệt là châu Á và châu Phi, các cặp vợ chồng trẻ vẫn thích diện trang phục truyền thống trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời. Phía sau những bộ váy cưới lộng lẫy thể hiện nét truyền thống riêng biệt ở mỗi quốc gia.

Cùng vòng quanh thế giới để chiêm ngưỡng những bộ váy cưới tuyệt đẹp ở các nước:

Nhật Bản

Trang phục truyền thống của phụ nữ Nhật luôn là chiếc kimono mang đậm nét văn hóa và bản sắc riêng. Vào ngày cưới, cô dâu sẽ mặc bộ kimono trắng có tên gọi Shiro maku. Họ cũng sử dụng thêm chiếc mũ cưới trùm đầu, kèm theo ví tiền nhỏ, con dao có vỏ bọc và quạt truyền thống. Ngoài bộ kimono trắng mặc lúc làm lễ, cô dâu còn thay đổi khoảng 5 bộ kimono có màu sắc và hoa văn khác nhau.

Ghana


Trang phục cưới truyền thống của người Ghana - quốc gia thuộc khu vực Tây Phi có màu sắc rất rực rỡ. Tùy theo từng gia đình có sở thích khác nhau sẽ lựa chọn những tấm vải mang nhiều họa tiết khác nhau.

Romania


Đa số giới trẻ người Romania ngày nay thích tổ chức những đám cưới mang phong cách hiện đại, trẻ trung. Tuy nhiên, ở những vùng xa thành phố, người ta vẫn thấy đám cưới mang nghi lễ truyền thống. Dù diện tích Romania không lớn, những mỗi vùng lại có bộ trang phục cưới của riêng mình.

Indonesia


Ở quốc gia "vạn đảo", đám cưới của người Indonesia có thể khác biệt từ đảo này sang đảo khác. Với hơn 300 nhóm sắc tộc cùng 6 tôn giáo lớn, quốc gia này là điểm ngõ tập trung của những nền văn hóa và văn minh khác nhau.

Scotland


Scotland, các chú rể thường mặc những chiếc váy của gia tộc mình. Sau lễ cưới, chú rể đặt chiếc khăn choàng đồng màu lên vai cô dâu, tượng trưng cho việc công nhận đây chính là thành viên mới trong gia đình.

Ấn Độ


Cô dâu Ấn Độ trong ngày cưới thường lựa chọn chiếc váy truyền thống có màu đỏ hoặc hồng. Tại những vùng ở khu vực phía Bắc, những người phụ nữ đã lập gia đình có truyền thống bôi dấu đỏ nằm ở vị trí giữa trán.

Pakistan


Pakistan là quốc gia Hồi giáo, truyền thống của họ có rất nhiều điểm chung với Ấn Độ. Các cô dâu thường vẽ hình henna cầu kỳ lên tay và mặc chiếc váy cưới truyền thống màu đỏ.

Trung Quốc


Trang phục cưới truyền thống ở Trung Quốc là màu đỏ. Trong văn hóa Trung Hoa, đỏ là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, còn màu trắng lại là tang tóc, thường dùng trong tang lễ. Sau lễ cưới, chú rể sẽ bỏ tấm màn che đầu màu đỏ khỏi đầu cô dâu của mình.

Hawaii, Mỹ


Trong đám cưới truyền thống ở đảo Hawaii, cả cô dâu và chú rể đều diện màu trắng. Đặc biệt, các cô dâu sẽ được tô điểm mái tóc của mình bằng vòng hoa tươi duyên dáng.

Malaysia


Tại Malaysia, hầu hết các lễ cưới đều tổ chức theo truyền thống Hồi giáo. Trong đó, cô dâu sẽ chọn chiếc váy cưới mang màu sắc bắt mắt như tím thẫm, kem hay xanh dương.
(Theo DanTri)

Bộ tộc sống dựa vào những con bò

Người Brokpa sống ở Bhutan nuôi bò yak để lấy lông dệt nên các bộ trang phục truyền thống, làm mũ che mưa, làm bạt dựng lều hay lấy sữa pha trà và bơ dùng hàng ngày.
Xem thêm: Bộ tộc 'người cá' ở Malaysia
 

Brokpa là một bộ tộc sống ở hai làng Merak và Sakten thuộc vùng đất hẻo lánh phía đông Buhtan. Đây là nơi luôn có sương mù bao phủ và nằm ở chân dãy núi Himalaya.


Người Brokpa xuất thân từ vùng Tshoona, Tây Tạng, và nguồn sống chính là những loài động vật. Họ đã sống ở khu vực biên giới gần bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ hàng thế kỷ qua bằng nghề nuôi bò yak, cừu và một số gia súc khác. Bò yak, cừu được nuôi để lấy lông làm len và cả thịt.



Tuy nhiên, những năm gần đây, Vương quốc Bhutan đang trên đà phát triển, cuộc sống của người Brokpa cũng bị tác động ít nhiều.

Nhiếp ảnh gia AJ Heath đã ở Bhutan một năm để làm việc, và một trong những dự án của anh là tìm gặp bộ tộc Brokpa khi tới làng Merak và Sakten vào tháng 7/2015.


AJ Heath đã dành hai tuần để sống cùng dân làng và thực hiện các bộ ảnh tập trung vào 4 nhóm dân tộc chính ở Bhutan. Heath chia sẻ: "Hầu như du khách đều đến làng ở một đêm khi phải trekking 4-5 ngày, vì vậy dân làng rất bất ngờ và tò mò khi thấy tôi ở lại lâu hơn".

Người Brokpa sống bằng nghề nuôi gia súc vì họ ở vùng đất cao, điều kiện không thích hợp để trồng trọt.


Một trong những phụ kiện đặc biệt của họ là chiếc mũ từ lông bò yak. Nó được thiết kế để tránh mưa táp vào mặt khi gắn thêm các lọn tóc.

Heath cho biết: "Hầu hết người tôi chụp ảnh đều mời tôi uống trà sữa và thêm vài cốc Ara (một loại đồ uống địa phương)". Dù sống ở nơi hoang vu và hẻo lánh, người dân Brokpa rất vui, hào hứng khi được chụp ảnh.


"Người Bhutan thân thiện, thích được chụp ảnh. Không quá nhiều nơi trên thế giới mà người dân lại gửi lời "cảm ơn" vì được chụp", Heath chia sẻ. Tuy vậy, anh vẫn là một nhiếp ảnh gia thận trọng để không ảnh hưởng nhiều đến họ. Heath đã ở trong nhà của người dân Brokpa để dễ dàng tìm hiểu, đi lại, gặp gỡ mọi người.


Chăm sóc bò yak là một công việc quan trọng của người Brokpa. Chỉ những con bò đực đã thiến và bò cái mới bị thu hoạch lông. Vào mùa hè, người Brokpa lại di cư vì họ thường di chuyển quanh vùng để tìm nơi tốt hơn cho việc chăn thả gia súc.


Cuộc sống của người Brokpa phụ thuộc rất nhiều vào các con vật họ nuôi. Trang phục họ mặc, mũ họ đội làm từ len của lông bò yak, kể cả chiếc lều của họ cũng từ làm bằng len, tuy càng ngày bạt nhựa càng được dùng nhiều hơn.


Bò yak cũng đóng vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của người Brokpa,. Không chỉ lấy thịt, họ còn vắt sữa để uống. Họ có thể uống cả chục cốc trà (làm từ bơ sữa bò yak) hàng ngày.


Là một nhiếp ảnh gia tài liệu chuyên nghiệp, Heath đã săn được những khoảnh khắc đặc biệt trong đời sống thường ngày của người Brokpa, trong bối cảnh đất nước Bhutan đang thay đổi rất nhanh chóng.


Như lối sống đặc biệt của người Brokpa, phong cảnh nơi họ ở cũng cuốn hút người nghệ sĩ. Anh chia sẻ: "Đó là sự kết hợp của một cánh rừng rậm, những thung lũng băng giá lớn và các vùng đồng cỏ mênh mông".


Một con đường mới sắp được xây dựng ở đây sẽ giúp cho cuộc sống của họ thuận lợi hơn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nuôi bò yak và cừu.


Heath có ghi lại hình ảnh mua sắm và hàng hóa xuất hiện trong các ngôi làng. Các loại hàng hóa bọc trong túi nilon đang thay đổi dần cách sống và chế độ ăn của họ.

Tuy nhiên, việc nhập và sử dụng các mặt hàng này sẽ khiến họ xả ra các loại rác thải không thể phân hủy. Hơn nữa, khi du khách khắp nơi đổ đến, văn hóa và truyền thống của người Brokpa sẽ bị đe dọa nhiều hơn.
 
(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến