Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Du lịch miệt vườn bốn mùa trái ngọt

Một số làng quê Việt Nam đang áp dụng mô hình "Một làng, một sản phẩm" (One Village One Product - OVOP) kết hợp phát triển du lịch vườn cây ăn trái, bước đầu gặt hái kết quả tích cực.
Xem thêm: Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm
Dưới cái nắng vàng phương Nam, khách du lịch tấp nập vào thăm khu vườn cây trái ở làng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre). Đây là làng quê đậm chất Nam Bộ, với những dòng kênh xanh, những mái nhà nhỏ đơn sơ và những con đường đất len lỏi qua những vườn cây lúc lỉu trái ngọt.

Đặc sản địa phương

Cái Mơn là một trong những địa phương ở Việt Nam đã áp dụng mô hình "Một làng, một sản phẩm" (OVOP) với bốn mùa quả ngọt. Người dân ở đây chuyên cung cấp cây giống xoài cát, sầu riêng, măng cụt và một số loài cây có múi khác.

Là đất nước nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả có giá trị mà ít nước có được. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích cây ăn quả cả nước hiện đạt hơn 843.700 ha, trong đó cây ăn quả nhiệt đới ở các tỉnh phía Nam chiếm 466.700 ha, dẫn đầu là Tiền Giang, kế đến là Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre...

Có nhiều chủng loại cây ăn quả nổi tiếng cả trong và ngoài nước như mít nghệ Tiền Giang, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu Cao Lãnh, bưởi Tân Triều, bưởi Da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), thanh long, sầu riêng Chín Hóa, nhãn tiêu Da bò, chôm chôm nhãn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cam và quýt Lai Vung (Đồng Tháp), cam sành Vĩnh Long, nho Ninh Thuận…

Do Giáo sư Morihiko Hiramatsu, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Oita (Nhật Bản) khởi xướng vào cuối thập kỷ 1970, phong trào “Một làng, một sản phẩm” có ba nguyên tắc phát triển cơ bản: hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu, tự tin sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Sự thành công của phong trào đã lôi cuốn không chỉ địa phương ở Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia khác tìm hiểu và áp dụng. Theo ông Tadashi Ando, Giám đốc điều hành Ủy ban Xúc tiến phát triển quốc tế phong trào OVOP, trong ASEAN thì Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản đặc biệt ưu tiên cho việc quảng bá phát triển kinh tế vì “khá tương đồng về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và văn hóa với Thái Lan, nước đã rất thành công trong việc phát triển mô hình OVOP”, ông nói.

Hương bưởi

Làng bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 km, với những vườn bưởi sai trĩu quả, không khí mát lành, khung cảnh yên bình tĩnh lặng, là điểm đến lý tưởng cho một chuyến đi chơi cuối tuần.

Bưởi Tân Triều ngon có tiếng từ lâu, nhưng để đưa trái bưởi làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực Việt Nam, thì có lẽ chỉ sau khi một nông dân là ông Huỳnh Minh Huệ (Năm Huệ) khai trương khu vườn bưởi du lịch sinh thái của ông.

"Quê mình có cái gì hay thì mình cứ dựa vào đó mà làm, ắt sẽ ra thôi" - lão nông nói giản dị với nụ cười hồn hậu.

Suốt mười mấy năm qua, khu vườn nhỏ của ông Năm Huệ đã trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo. Làng Tân Triều với những khu vườn bưởi trĩu cành từ đó cũng thu hút được nhiều khách du lịch.

Những ngày cuối tuần, có rất đông du khách từ TP. Hồ Chí Minh và các nơi khác, kể cả từ miền Bắc, về đây ngoạn cảnh. Du khách được sống giữa thiên nhiên trong lành, hưởng niềm vui giản dị như ra vườn hái bưởi, xem người dân làm rượu bưởi tại nhà, ngồi câu cá, chèo thuyền ngắm cảnh, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức món ăn thôn dã…

Một chốn đi về

Hiện nay, nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ đang phát triển mạnh loại hình du lịch miệt vườn, đưa du khách đến thăm những làng quê dân dã với rất nhiều vườn cây ăn quả. Bạn được lang thang trong những vườn cây trái thiên nhiên, tự tay hái quả chín trên cành để thưởng thức nhiều loại quả đặc sản vừa ngon vừa lành.

"Những vườn cây trái miền Tây đã trở thành thương hiệu và hễ nhắc đến du lịch trái cây, du khách thường nghĩ ngay đến miền Tây Nam Bộ", anh Trần Minh Tuệ, du khách từ Hà Nội nhận xét.

Theo anh Tuệ, du khách đi tour du lịch miệt vườn có cơ hội tìm hiểu thêm về các loại cây quả, cách chăm sóc, phân biệt cây, hái quả, thưởng thức trái cây tươi ngon và có thêm kiến thức bổ ích cho cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến