Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2020

6 món ăn ngon của Việt Nam không phải ai cũng dám thử

Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và phong phú, trong đó có nhiều món ăn ngon mà không phải ai cũng dám thử chẳn hạn như chả rươi, trứng vịt lộn, thắng cố…

6 món ăn ngon của Việt Nam không phải ai cũng dám thử

Vũ nữ chân dài – Khô nhái

Vũ nữ chân dài – Khô nhái

"Vũ nữ chân dài" thật ra là một tên gọi vui của món... khô nhái. Món ăn này có xuất xứ từ Campuchia, khi du nhập đến miền Tây Việt Nam thì đã được bà con nơi đây thay đổi, biến tấu cho phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt. Khô nhái thường được chiên giòn hoặc nướng chấm với tương ớt hoặc nước mắm me ăn rất ngon. 

Chả rươi

Chả rươi

Rươi là một món đặc sản của nhiều địa phương miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Rươi có thể được làm thành nhiều món như chả rươi, nem rươi, canh rươi... Món ăn này được nhiều người yêu thích nhưng vẫn có những người không dám ăn vì hình thù đáng sợ của con rươi. Mới đây, món chả rươi còn được ca ngợi trên báo quốc tế.

Thịt chuột quay lu

Thịt chuột quay lu

Mùa nước nổi cũng là mùa miền Tây đi săn chuột đồng. Dù nhiều người khá khiếp sợ nhưng đây lại là đặc sản được săn đón. Dưới bàn tay tài hoa của những người đầu bếp “nghiệp dư”, chuột đồng vẫn có thể chế biến thành nhiều món khác nhau tuyệt hảo: Chuột xào lăn, chuột nướng, xé phay, chiên rôti, chuột xối mỡ, luộc cơm mẻ, thịt chuột xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng… Mỗi món là một hương vị khác nhau. Trong số này, đặc biệt nhất là món chuột quay lu thơm lừng.

Trứng vịt lộn

Trứng vịt lộn

Nhiều du khách đã thử ăn món trứng vịt lộn ở Việt Nam. Trong khi khá nhiều người sợ hãi không dám ăn tiếp thì vẫn có người mê luôn món này. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam và được coi là món ăn bổ dưỡng. Ngoài Việt Nam, món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia. 

Đuông dừa tắm mắm

Đuông dừa tắm mắm

Đuông dừa là một đặc sản của Việt Nam khiến cho cả người Việt lẫn người nước ngoài có phần e sợ. Cách ăn đuông dừa được cho là ngon nhất và phổ biến nhất chính là thả nguyên con còn sống vào bát mắm ớt rồi ăn rất béo.

Thắng cố

Thắng cố

Thắng cố là một món đặc sản Sapa, được nấu từ các loại nội tạng động vật trong đó có cả phần dịch ruột non của ngựa. Ngoài thịt và nội tạng, người nấu phải kết hợp thêm 12 thứ gia vị khác nhau để tạo nên nồi thắng cố hoàn hảo. Thắng cố thường khá khó ăn nên không phải ai cũng ăn được.

Xem thêm: Ẩm thực Việt Nam, những món ăn lấy lòng du khách quốc tế

Tổng hợp


Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Thưởng thức hương vị Phở Việt Nam qua ly cocktail đặc biệt

Phở là món ăn dân tộc của Việt Nam, điển hình là phở bò hoặc phở gà. Nếu bạn yêu thích món ăn truyền thống này của Việt Nam thì chắc hẳn sẽ vô cùng bất ngờ và thích thú khi được nếm thử biến tấu cocktail Phở.


Cocktail là sự kết hợp mùi hương của nhiều loại thảo mộc và gia vị có trong phở như quế, rau mùi, cánh hồi, bạch đậu khấu và nó có vị ngọt ngọt. Chính vì tính độc lạ của loại thức uống này đã khiến rất nhiều thực khách yêu thích ngay từ lần thưởng thức đầu tiên. Hương thơm của những gia vị trong món phở lan khắp phòng khi Bartender đốt cốc rượu và lắc, sau đó tưới lần lượt qua ba cốc đựng hồi, quế và thảo quả, rồi thêm một chút rau mùi. Vị cay đặc trưng của rượu hòa quyện vào mùi thơm của từng gia vị khiến người thưởng thức mới đầu còn e ngại nhưng sau đó muốn uống thêm. Hương vị phở được nhận ra ngay ở ngụm đầu tiên và lưu lại mãi.

Bartender Phạm Tiến Tiếp – người được mệnh danh là Bartender giỏi nhất của Việt Nam tại cuộc thi cocktail thế giới Diageo Reserve năm 2012 – đã tạo ra hương vị mới lạ cho ly cocktail Phở đặc biệt này cách đây 6 năm trong khi làm việc tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Từ đó, anh đã đưa thức uống mang thương hiệu của riêng của mình đến một số quán bar tại thủ đô Hà Nội.



Ban đầu, anh đã đặt ra mục tiêu cho mình là tạo nên một thức uống có thể đại diện cho văn hóa và lịch sử Việt Nam. Bartender chia sẻ “Tôi đã tạo ra cocktail Phở ở khách sạn Metropole ngay phía trên những hầm chiến tranh nơi mà nhạc sỹ người Mỹ Joan Baez từng trú ẩn vào tháng 12/1972 khi một quả bom rơi xuống thành phố này. Giữa bom đạn, tiếng đàn, tiếng hát ngọt ngào của bà đã làm cho những người trú ẩn dưới hầm quên đi nỗi sợ hãi“. Món cocktail đặc biệt như một lời cảm ơn của người Việt Nam gửi tới bà Joan Baez. Để có sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và Pháp, Tiếp sáng tạo đồ uống của mình có hương vị Phở, món ăn đặc trưng của người Việt. Rượu trong cocktail được đốt cháy tượng trưng cho các quả bom, trong khi các loại gia vị, như ớt và quế phản ánh sự ấm áp trong giọng hát của nữ diva huyền thoại đó.

Bartender Tiếp nổi tiếng vì sự phá cách trong cách pha chế của anh với các thành phần “độc, lạ” của địa phương. Bên cạnh cocktail phở, anh còn chế tạo ra loại cocktail có nước mắm – một loại gia vị phổ biến của Việt Nam, hay các loại cocktail hương vị ớt, chanh.

Món cocktail Phở dần được nhiều nơi học theo và xuất hiện trong thực đơn của các cửa hàng ở khắp Việt Nam. Vài năm gần đây, nó đã du nhập vào những quán bar sang trọng ở khu trung tâm thương mại nhộn nhịp của TP HCM, điều này phần nào chứng tỏ thành công của Tiếp và sự mới lạ trong ly cocktail mang hương vị Việt.

Theo Oanh Kim | Wanderlust Tips

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Bánh mì Việt Nam vào top 10 món sandwich ngon nhất thế giới

Trong danh sách của Traveller còn có cheeseburger truyền thống của Mỹ, bánh mì kẹp thịt xông khói ở Anh và Katsu sando của Nhật Bản. Khi du lịch đến những quốc gia này, bạn nhớ phải thưởng thức nhé!

Bánh mì, Việt Nam


Hội An là nơi có món bánh mì kẹp thịt nổi tiếng với khách nước ngoài. Bánh có vỏ cứng ở bên ngoài, nhân mềm, nhiều loại như xíu mại và patê. Bên trong còn có đu đủ xanh ngâm chua, các loại rau thơm và nước sốt. Trang Traveller gợi ý nơi làm thịt heo ngon nhất là hàng bánh mì Madam Khanh và bánh mì Phượng. 

Lobster roll, Mỹ


Dù đang gây sốt trên thế giới, món bánh mì kẹp tôm hùm từ lâu đã là món ăn phổ biến ở tiểu bang Maine, Mỹ. Tại đây, thực khách sẽ tìm thấy những miếng bánh mì Lobster roll ngon nhất trên thế giới.

Bên trong ổ bánh này gồm: thịt tôm hùm tươi, thêm chút bơ hoặc mayonnaise. Nhiều tiệm còn dùng nước sốt tiêu hoặc hành tây để làm hương vị thêm đa dạng.

Croque madame, Pháp


Bánh mì tươi được nhúng trong nước sốt bechamel, bên trong là thịt heo, sau đó nướng với phô mai Gruyere rồi thêm một trứng ốp la bên trên. Đây là món gây ấn tượng không kém so với bánh sừng bò (croissant) hay steak frites (thịt bò phi lê), vốn gắn liền với ẩm thực Pháp.

Bacon butty, Anh (bánh mì kẹp thịt xông khói)


Đây là món bánh mì chứa đầy thịt xông khói bên trong cùng một ít nước sốt HP (một loại nước sốt có màu nâu, được pha từ cà chua, giấm, đường, me, bột ngô, bột lúa mạch đen, muối và một số gia vị khác).

Nhiều đầu bếp ở Anh cố gắng làm món ăn trở nên khác biệt bởi cách sáng tạo riêng, nhưng theo trang Traveller thì bạn không cần làm gì khác ngoài việc thưởng thức hương vị cơ bản của nó.

Vada pav, Ấn Độ


Vada pav có thể không phải là món ăn được nhiều du khách nhắc đến, nhưng đây lại là một đặc sản ở Mumbai. Nguyên liệu chính của món ăn gồm một viên khoai tây nghiền được chiên giòn, kẹp giữa hai lát Pav (loại sandwich kiểu Ấn Độ). Bên trong còn có hỗn hợp ớt và tương ớt. Món ăn này phổ biến trên đường phố ở Ấn Độ. 

Katsu sando, Nhật Bản


Với tài khéo léo, người Nhật đã biến món bánh ngọt ở Pháp thành một món ăn hấp dẫn ở đất nước của mình theo phong cách hoàn toàn mới: Katsu sando. Đây là món bánh mì kẹp có nguyên liệu chủ yếu là thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo nhưng được chan bên trong loại nước sốt có vị cà ri lạ miệng.

Bifana, Bồ Đào Nha


Bifana được mệnh danh là loại bánh mì kẹp ngon nhất ở Bồ Đào Nha với sự kết hợp hài hòa của thịt giăm bông, xúc xích, pho mát và nước sốt cà chua.

Cheeseburger, Mỹ


Không thể phủ nhận sự đóng góp của Mỹ cho nền ẩm thực thế giới bởi món hamburger. Rất nhiều nơi trên thế giới đã cố gắng biến tấu món ăn nhưng hương vị cơ bản của chiếc burger gồm bánh mì mềm kẹp phô mai, thêm vài lát cà chua, dưa chua, sốt cà chua và mù tạt sẽ làm hài lòng bất kỳ thực khách nào.

Choripan, Argentina


Từ cái tên của món ăn, thực khách đã có thể biết được thành phần của món ăn. "Choripan" có xuất phát từ "chorizo" (xúc xích) và "pan" (bánh mì).

Sự thành công của món ăn là nhờ chất lượng của xúc xích. Bánh mì sẽ được nướng trên than nóng, không thể thiếu nước sốt chimichurri (một loại nước sốt có nguồn gốc từ Argentina và Uruguay, nấu từ cà chua kèm các nguyên liệu như tỏi băm, dầu thực vật, giấm trắng, hạt tiêu đỏ, oregano) hoặc một ít mù tạt.

Shawarma, Israel


Shawarma là món bánh mì kẹp nổi tiếng ở đây. Hỗn hợp bên trong bánh mì bao gồm thịt nướng, salad tabbouleh, salad fattoush, cà chua và rau dền. Thịt nướng có thể làm từ cừu, gà hoặc thịt bò. Ngoài ra, món ăn sẽ không tròn vị nếu thiếu nước sốt. Loại bánh mì kẹp có cách chế biến khác nhau tùy nơi nhưng giá cả luôn rẻ. 

Theo Traveller

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

5 món chả ngon ngất ngây ít người biết ở vùng biển Việt Nam

Từ con cá, con tôm, con mực hay con cua, người dân các vùng miền biển đã sáng tạo ra những món chả ngon ngất ngây và trở thành đặc sản gắn liền với tên tuổi của mỗi vùng đất đó
Xem thêm: Khác biệt của món bánh bèo ở các vùng miền Việt Nam

Chả chìa Hạ Lũng (Hải Phòng)


Chả chìa Hạ Lũng được làm từ 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…

Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Chả cá Nha Trang

 
Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon vì làm từ cá tươi. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm. Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ... nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm. Món chả cá thường được hấp hay chiên (nếu chiên thì thơm hơn nhưng hấp lại ngọt hơn). Dù chiên hay hấp, chả cá Nha Trang luôn có đặc trưng là dai, mềm và ngọt vị cá, càng đậm đà hơn nếu chấm một chút nước mắm ớt tỏi đặc.

Cách làm chả cá Nha Trang khá đơn giản, chỉ nhọc công ở khâu giã cá. Cá tươi nạo lấy thịt cùng hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối quết thật nhuyễn, càng nhuyễn càng dai. Nếu là chả cá hấp thì có thể cho thêm mỡ khổ xắt hột lựu, ít nấm mèo thái nhuyễn, hấp đến khi gần chín, đập thêm một quả trứng cho bề mặt có màu vàng.

Chả cá Nha Trang được vo viên tròn hay dài rồi đem chiên. Chả cá Nha Trang là nguyên liệu chính của món bánh canh, bún cá hay mì Quảng.

Chả mực Quảng Ninh


Chả mực Hạ Long là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ninh. Món này thậm chí đã lọt vào Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam, căn cứ theo tiêu chí đánh giá giá trị đặc sản Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ban hành. Điều này đã chứng minh cho sự đặc sắc và hấp dẫn của món ăn này.

Quả thực chả mực Hạ Long vô cùng hấp dẫn khi được làm từ mực mai tươi với nhiều công đoạn công phu. Mực được làm sạch, lau khô rồi bỏ từng miếng một vào cối và giã bằng tay, có miếng giã kĩ, có miếng được giã hơi rối, vừa đủ để bắt dính. Đây là điều kiện để có miếng chả mực giòn hơn.

Trong khi giã, người làm thả thêm vào đó hạt tiêu vỡ để hạt tiêu mới đều được vào thịt mực, vì sau khi giã, mực sẽ bắt dính chắc, rất khó trộn.

Sau khi hoàn thành công đoạn giã, chả mực được nặn viên vừa ăn và rán sơ. Chả mực được đưa đến tay thực khách có màu vàng nhạt đặc trưng, khi ăn chỉ cần rán nóng lại là được tận hưởng vị thơm ngọt của mực tươi... Món này ăn nhậu hay ăn cùng cơm, xôi đều rất ngon lại bảo quản được lâu nên đây là đặc sản hầu như ai đến thăm Quảng Ninh, Hạ Long đều mua về để làm quà.

Chả tôm Thanh Hóa

Trong số các món ăn độc đáo và khó tìm ở vùng đất Bắc Trung Bộ không thể không kể đến chả tôm, món ăn mà người xứ Thanh đi xa luôn nhắc đến.

Chả tôm Thanh Hóa được làm từ tôm biển Sầm Sơn. Cách làm chả tôm không phức tạp, nhưng đòi hỏi nguyên liệu tươi ngon và bàn tay tỉ mỉ, khéo léo cùng tính kiên trì của người làm. Tôm bột không cần loại to, phải thật tươi, rửa sạch đem hấp hoặc luộc qua để dễ bóc vỏ, bỏ đầu đuôi, chỉ đen ở sống lưng, giã nhỏ. Lưu ý giã nhỏ chứ không xay nhuyễn, để khi thưởng thức vẫn cảm nhận được thịt tôm thơm ngon.

Cần thêm thịt ba chỉ rán vàng rồi băm lẫn với hành khô và bánh phở cắt nhỏ để tạo thành hỗn hợp nhân, nêm gia vị vừa ăn, cho vào chút hạt tiêu tạo vị cay thơm. Để nhân chả có màu vàng đỏ đẹp mắt, khi giã nhân thì cho thêm chút thịt gấc vào, trộn đều.


Phần vỏ ngoài của chả là bánh phở, loại dày và dai vừa phải để khi cuốn không bị rách, cắt đều mỗi miếng có chiều ngang chừng 4 cm, dài 7 cm. Người làm khéo léo rải nhân lên rồi cuốn nhẹ tay nhưng phải chắc, sao cho không bị hở và đều ngang nhau để khi nướng các miếng chả chín đều.

Chả được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ nướng, nướng trên lửa than hoa. Khi có khách gọi món thì người bán hàng mới bắt đầu nướng, khách ngồi đợi sẽ thấy cô bán hàng tay quạt bếp tay lật vỉ thoăn thoắt để chả chín đều cả trong lẫn ngoài, và khi bỏ ra đĩa là những miếng chả tôm nóng hổi, lớp vỏ bánh hơi cháy, lấp ló nhân bánh vàng đỏ hấp dẫn, mùi thơm ngào ngạt.

Nước chấm ăn kèm chả tôm cũng phải đủ vị, đu đủ xanh thái mỏng, quả sung thái lát, ớt tươi, tỏi, dấm, đường… làm dưa góp và nước mắm cốt pha loãng. Không thể thiếu rổ rau sống tươi ngon gồm rau diếp, mùi, húng…

Chả cua Huế


Chả cua là món ăn nổi tiếng trong ẩm thực của Huế. Chả cua được làm từ thịt cua trộn với giò sống, xay nhuyễn. Mỗi nhà hàng, quán ăn ở Huế lại có bí quyết riêng để làm ra món ăn. Tuy công thức chế biến món này đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cầu kỳ của người đầu bếp để cho ra sản phẩm thơm ngon nhất. Chả cua thường là nguyên liệu chính trong món bánh canh cua ở Huế.
 
(Theo báo Hải quan)

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

Khác biệt của món bánh bèo ở các vùng miền Việt Nam

Cùng một tên gọi nhưng món bánh bèo ở Hải Phòng, Nghệ An, Huế… lại không giống nhau. Đặc trưng ẩm thực mỗi vùng miền thể hiện rõ trên món ăn này.

Bánh bèo Hải Phòng


Bánh bèo làm từ bột gạo, có nhân là thịt nạc, mộc nhĩ, hành khô nêm nếm vừa miệng. Nước chấm được chế biến từ nước hầm xương, đậm đà, cho thêm hành hoa, ớt tươi và rắc hạt tiêu thơm lừng. Đặc biệt hơn, người ta thả vào bát nước chấm hai miếng chả quế hoặc chả thịt băm để ăn kèm.

Đây không chỉ là món khoái khẩu của người dân đất cảng mà còn là lựa chọn yêu thích của khách du lịch. Khuôn bánh hình chữ nhật được thái nhỏ vừa miếng khi ăn, đặt trên lớp lá chuối tươi đầy hấp dẫn. Mỗi chiếc bánh bèo Hải Phòng có giá khoảng 12.000 – 20.000 đồng, rất hợp để ăn sáng hoặc các bữa lỡ.

Địa chỉ: Bánh bèo trong chợ Lương Văn Can, chợ Vạn Mỹ, chợ Đổng Quốc Bình, chợ An Đồng, 14 Lê Đại Hành, 134 Chùa Hàng – TP. Hải Phòng. Ảnh: Phiêu Linh
Xem thêm: 3 món ngon Hải Phòng không phải ai cũng biết

Bánh bèo Nghệ An


Nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên bởi bánh bèo Nghệ An không có nhiều khác biệt so với món bánh lọc của Huế. Đây là một điều thú vị trong cách gọi tên món ăn ở các vùng khác nhau. Bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Bột bánh được vắt thành hình tròn dẹt rồi gập đôi lại để giữ nhân bên trong. Bánh hình bán nguyệt, trong vắt, nhìn rõ nhân tôm và thịt nạc rất bắt mắt. Bánh được rắc hành khô và rưới nước mắm lên trên khi thưởng thức. Còn có cả bánh bèo rán và bánh bèo lá để du khách chọn lựa.

Địa chỉ: Bánh bèo Nhàn Huế (171 Nguyễn Văn Cừ), bánh bèo rán bà Châu (Trường Thi), bánh bèo lá Lê Hồng Phong - TP.Vinh. Ảnh: songlamplus
Xem thêm: 9 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An

Bánh bèo Quảng Bình


Đĩa bánh bèo này khiến du khách dễ dàng hình dung nguồn gốc tên của món ăn. Những miếng bánh tròn mướt xếp sát nhau trên đĩa như những lá bèo trên mặt sông. Bột bánh là bột gạo được hòa với nước theo tỉ lệ chuẩn, cho vào khuôn tròn dẹt đều tăm tắp, chín trong lửa vừa, có màu trắng mướt mắt, thơm dịu.

Người ta quết một lớp mỡ lên mặt bánh rồi rắc phần tôm chấy lên trên. Tôm thơm bùi, đậm vị biển, được xào trên chảo cho đến khi có màu vàng ruộm đầy kích thích. Tóp mỡ giòn rụm cũng là một thành phần thường xuyên được khách xin thêm. Nước chấm mặn ngọt khi rưới lên đĩa bánh làm những miếng tóp mỡ kêu tanh tách. Thực khách nên ăn khi nước chấm còn nóng.

Bánh bèo Quảng Bình có giá 10.000 – 15.000 đồng/đĩa và chắc chắn bạn sẽ gọi thêm đĩa thứ hai cho đỡ thòm thèm.

Địa chỉ: Bánh bèo Cô Vân (82 Lê Thành Đồng), Dì Tiếp (27 Lê Thành Đồng), bánh bèo O Đào sát đường tránh – TP. Đồng Hới. Ảnh: Phiêu Linh

Bánh bèo Huế


Cố đô Huế nổi tiếng với các món quà bánh, trong số đó bánh bèo chén cũng được nhiều người ưa chuộng. Về thành phần và hương vị, bánh bèo Huế khá giống bánh bèo Quảng Bình, chỉ khác ở cách trình bày món ăn theo đúng phong cách “ăn hương ăn hoa” của người dân nơi đây.

Người ta đổ bột bánh vào những chén nhỏ xíu bằng đường kính trái bóng bàn, sau đó bỏ vào nồi hấp. Bánh chín có màu trắng đục, trên mỗi chén có tôm chấy, tóp mỡ và hành lá phi thơm. Khách hàng rưới nước mắm ớt xanh cay thơm lên từng chén và ăn lần lượt. Với kích cỡ chén bé như vậy, khách thường gọi bánh bèo theo đơn vị khay hoặc chục chén trở lên.

Địa chỉ: Bánh bèo nậm lọc Bà Đỏ (71 Nguyễn Bỉnh Khiêm), bánh bèo Bà Cư (47 Nguyễn Huệ), quán bánh Hàng Me Mẹ (16 Võ Thị Sáu) – TP. Huế. Ảnh: Ngọc Bích

Bánh bèo Quảng Nam


Người dân Quảng Nam lại sử dụng những chén dẹt có đường kính to bằng bát ăn cơm để hấp bánh, do đó bánh cũng dày hơn, dùng để ăn no chứ không ăn chơi như ở nơi khác. Bột bánh ở Quảng Nam thơm thoảng mùi lá dứa rất dễ chịu. Bánh chín khéo là bánh có xoáy ở giữa để đổ sốt tôm lên trên.

Phần tôm không được xào khô mà làm thành sốt đặc với bột năng, khá nồng mùi tỏi băm. Nhiều nơi còn rắc lạc rang bùi bùi lên trên. Khi ăn, thực khách chan thêm nước mắm nguyên chất dầm tỏi sống ớt xanh, vừa ăn vừa xuýt xoa vì vị cay đậm đà.

Bánh bèo Quảng Nam hiện trở thành món ngon ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Sài Gòn, nhưng đã được biến tấu đi khá nhiều. Nếu bạn có cơ hội thưởng thức bánh bèo do chính người dân địa phương chế biến thì mới biết vị chuẩn của nó. Ảnh: quangnamplus
 
(Theo VnExpress)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Những món ăn Việt hớp hồn du khách Mỹ

Cùng với phở, bún chả, bún cá, bún bò Huế cũng là những món ăn hớp hồn khách Mỹ khi tới Việt Nam.
Xem thêm: Đầu bếp Mỹ: “Chuyến đi tới Việt Nam thay đổi cuộc đời tôi”

Nhắc đến ẩm thực Việt Nam, người nước ngoài thường chỉ biết đến phở. Nhưng theo Alison Spiegel, một nhà báo người Mỹ, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua những món “ngon không kém” dưới đây:

Đó là một ngày Alison và chồng vừa đặt chân xuống Việt Nam, không khí có phần hơi se lạnh. Hai vợ chồng bắt đầu tour ẩm thực hè phố với sự háo hức và mở đầu bằng bún chả. Cô vẫn nhớ họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu xanh, hít hà bát nước chấm đã chan đẫm những miếng chả thơm ngon. Chúng được chế biến và tẩm ướp từ thịt lợn, nướng trên than tạo mùi thơm rất đặc trưng. Có hai loại chả được phục vụ là chả viên và chả miếng, ăn kèm với bún và các loại rau thơm. Với Alison, không gì có thể mời gọi dạ dày hơn thế. “Chúng tôi ăn và cảm thấy thực sự hạnh phúc. Đây quả thực là một trong những món ngon nhất chúng tôi từng thưởng thức”, Alison nói.

Bún chả Hà Nội, món ăn quyến rũ nhất trong cả những ngày đông hay hè. Ảnh:Tourinhanoi.

Sau lần đó, hai vợ chồng quyết định ăn lại một lần nữa. Tuy nhiên lần này cô nhìn nhầm “bún cá”, nhưng lại nghĩ nó là “bún chả”. “Thiếu một chữ “h” thôi nhưng giúp chúng tôi có thêm trải nghiệm tuyệt vời”, cô chia sẻ. Alison được biết, bún cá có nguồn gốc từ thành phố Nha Trang và các tỉnh Nam Trung Bộ. Nước dùng ngon ngọt từ thịt lợn hoặc thịt gà, đun sôi rồi chan vào bát bún đã xếp sẵn các miếng cá chiên, hành, thì là và nhất định không thể thiếu cà chua. “Giống như nhiều món ăn Việt Nam khác, bún cá cũng sử dụng rất nhiều loại thảo mộc để tăng gia vị, và đó chính là nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam”, Alison nói.

Hà Nội, Alison và chồng cũng được thưởng thức món ăn mang tính biểu tượng nhất của Việt Nam: phở. “Chồng tôi gọi phở là món bún phẳng”, Alison cười nói, với hai vị đặc trưng là bò và gà. Nước dùng không thể thiếu gia vị cơ bản như quế, hồi, đinh hương, hành tây và gừng, chan vào bát bánh phở có những miếng thịt bò thái mỏng, rồi trang trí giá đỗ, hành và rau thơm lên trên. Phở là món ăn được đa số người Việt lựa chọn để ăn sáng, dù quả thật nó ngon đến nỗi bạn có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Theo Alison, Việt Nam rất khác với phương Tây ở chỗ, khi nói đến thức ăn hè phố, du khách Tây thường nghĩ ngay tới những món ăn có thể mang theo người như hotdog hay taco. Nhưng ở Việt Nam phần lớn các món vỉa hè đều là món nước, đòi hỏi người ăn phải ngồi một chỗ và từ từ thưởng thức. Món ăn luôn có nhiều lớp hương vị và kết cấu, cùng sự hòa quyện của nhiều loại thảo mộc giúp du khách không bao giờ bị ngấy.

Trong chuyến đi Huế, vợ chồng Alison còn quyết tâm phải thử bún bò Huế. Cô biết đến món ăn này qua chương tình thực tế của đầu bếp Mỹ Anthony Bourdain. Cũng chế biến từ thịt bò nhưng bún bò Huế không thể thiếu sả và mắm tôm, mang đậm hương vị miền Trung. “Tôi thấy món này cay hơn hầu hết các loại súp Việt mà tôi đã từng thử qua”, Alison nói. Trong chương trình Nightingale 9 của đầu bếp Robert Newton, ông cũng nhận xét với Food Republic rằng “bún bò Huế là món ăn có hồn và tinh túy nhất, một trong những món ăn ngon nhất Việt Nam”.

Bún bò Huế được nhận xét là có hồn và tinh túy nhất. Ảnh: Alison Spiegel.

Alison cũng cho biết, mặc dù phở đến nay đã thành công trong việc trở thành món ăn ưa thích của người Mỹ nhưng cô không thể tìm được vị ngon giống như khi ở Việt Nam. Cô chia sẻ: “Ẩm thực Việt Nam hoàn toàn chiếm lấy tâm hồn tôi, đặc biệt nhất là bạn gần như có thể thưởng thức đủ loại đồ ăn, dù chỉ loanh quanh trong một khu phố nhỏ”.
 
(Theo VnExpress)

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Gỏi cá mai, răng mực, dông đất nướng và các loại bánh đủ vị là những món ăn riêng có của mảnh đất miền Nam Trung Bộ xinh đẹp này.
Xem thêm: Du lịch biển với bãi biển Hàm Thuận Nam

Thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà, dân dã của các món ăn độc đáo nơi đây là một trong những điều làm du khách thập phương cảm thấy thích thú.

1. Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.

Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.

Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.

Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.
Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...
Giá một đĩa bánh căn từ 25 - 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.
Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.

Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần Ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…
Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo

Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.

Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn..
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu... Ảnh:Nguyên Vũ

12. Bánh canh chả cá

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.

Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…

Lê Thương

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Cá lồi xối mỡ hành ở Phan Thiết

Thịt cá mềm, ngọt thơm, ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng chấm cùng nước mắm chua ngọt là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Phan Thiết, Bình Thuận.
Xem thêm: Những món cá dành cho thực khách sành ăn

Cá lồi với lớp da trơn bóng, nhìn qua giống như cá đuối, thường xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9 âm lịch. Loài cá này sống chủ yếu ở các biển miền Trung và trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách khi ghé thăm Bình Thuận.

Người dân vùng biển thường nấu canh chua, kho xả ớt, xào lăn nhưng hấp dẫn hơn cả là món cá lồi xối mỡ hành.

Cá lồi có trọng lượng khoảng 5 kg nhưng để chế biến món ăn này chỉ cần chọn con khoảng 1- 2 kg, thịt cá mềm và ngọt và lớp sụn bên trong vẫn còn mềm. Để làm sạch lớp nhớt bên ngoài có thể dùng lá sả chà cho sạch và bớt mùi tanh, sau đó làm cá sạch và chỉ để lại bộ gan.
Cá lồi xối mỡ hành thơm ngon hấp dẫn và bạn dễ dàng tìm ăn ở Phan Thiết. Ảnh:H.Phan

Cá được thái thành từng lát mỏng xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi đem hấp cách thủy. Thịt mỡ được xắt nhỏ, rán vàng rồi bỏ hành lá thái nhỏ vào. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá, rồi rắc thêm một chút lạc rang đã giã nhỏ cho dậy mùi thơm.

Gắp một miếng cá còn nóng hổi, cuốn cùng các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, bún tươi cuộn lại trong chiếc bánh tráng, chấm ngập trong bát nước chấm pha chua ngọt hoặc nước mắm me.

Bạn sẽ cảm nhận thịt cá béo, ngọt hòa trong hương vị thanh mát của các loại rau vừa ngon miệng lại không gây cảm giác ngấy, thoang thoảng mùi thơm của mỡ hành. Nhiều người sành ăn sẽ cho miếng gan của cá vào nước chấm, đánh nhuyễn, khi ăn sẽ có cảm giác bùi, ngậy.

Bạn có thể ăn món này ở nhiều quán trên đường Phạm Văn Đồng, Phan Thiết với giá khoảng 200.000 đồng một đĩa.

Anh Phương

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Những món ngon Đà Lạt níu chân du khách

Bánh tráng nướng, mì Quảng hay nem nướng... sẽ khiến những ngày ở Đà Lạt thêm kỷ niệm.

Xem thêm: Bữa ăn sáng đúng chất xứ lạnh Đà Lạt

Bánh tráng nướng


Món bánh tráng nướng cơ bản nhất có hai thành phần chính là bánh tráng và trứng gà, được điểm xuyết thêm ít hành lá và tép khô. Ngày nay có rất nhiều loại bánh tráng, đa dạng về nhân cho bạn lựa chọn như trứng cút, xúc xích, khô bò, phô-mai.. Bánh nướng trên than hồng, sau khi nướng chín và giòn đều, bạn có thể gấp lại làm đôi, hoặc để nguyên chiếc. Bánh tráng nướng được dân xê dịch truyền tai nhau nên thử ở chợ Đà Lạt, hoặc đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Hoàng Diệu- Trần Nhật Duật... với giá 10.000-15.000 đồng một cái.

Nem nướng


Nem Đà Lạt ăn cùng bánh tráng, rau xà lách, chuối, khế... và chấm nước tương được pha chế riêng. Nước chấm ở đây nấu từ xương heo được ninh kỹ lọc lấy nước cốt, cùng tương hột xay, rồi đánh nhuyễn hai hỗn hợp này lại với nhau, sau đó nêm gia vị, nước mắm, bột nêm cho vừa ăn, thêm vừng rang, tạo vị ngọt và béo. Ở Đà Lạt nổi tiếng nhất là quán nem Bà Hùng trên đường Phan Đình Phùng và chợ Chi Lăng. Một phần nem nướng cho một người ăn khoảng 30.000 đồng.

Bánh bèo


Bánh bèo Đà Lạt hơi giống với bánh bèo miền Trung, có chút khác biệt trong hương vị. Bánh bèo chén Đà Lạt được làm từ bột gạo tẻ pha chút bột lọc chứ không phải làm hoàn toàn từ bột gạo tẻ như nhiều nơi khác. Chính vì vậy mà bánh bèo chén ở đây hơi trong, dai, không quá dính và khi ăn thì không quá mềm cũng không quá cứng. Nước sốt làm từ tôm, thịt băm nhỏ, thêm một ít da lợn chiên giòn và chén nước nắm chua ngọt bên cạnh. Bạn có thể ghé quán bánh bèo trên đường Phan Đình Phùng để thưởng thức với giá 25.000 đồng một phần.

Bánh canh


Bánh canh được bán ở nhiều đường phố Đà Lạt nhưng nổi tiếng nhất là bánh canh Xuân An trên đường Nhà Chung. Trong cái không khí se lạnh của Đà Lạt, tô bánh canh bốc khói nghi ngút chưa ăn đã thấy ấm lòng. Thêm chút hành ngò xắt nhỏ trộn với củ hành tươi xắt mỏng cùng với tiêu xay và những miếng ớt đỏ càng làm tăng thêm hương vị nồng nàn, đậm đà hấp dẫn. Giá một tô là 25.000-35.000 đồng.

Cháo gà


Thời tiết se lạnh của Đà Lạt khiến món cháo gà, miến gà rất đắt hàng. Sau khi lang thang ngắm thành phố buổi đêm, dừng chân quán nhỏ, thưởng thức tô cháo gà nấu loãng, bỏ nhiều hành và tiêu để thêm ấm bụng. Các quán ngon nên ghé ở đường Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Huyền Trân Công Chúa... với giá 25.000-30.00 đồng một tô, gỏi gà từ 40.000 đồng một đĩa.

Mì Quảng


Mì Quảng ở Đà Lạt mang hương vị đậm đà, nước dùng có bỏ thêm củ sắn (củ đậu) nên khá ngọt, sợi mì vàng óng, miếng thịt sườn non hay cốt lết thấm màu hạt điều hấp dẫn, bên trên rắc thêm đậu phộng, vài miếng bánh tráng mè nướng giòn. Muốn ăn thập cẩm thì có thêm trứng cút, tôm tươi hay miếng giò nạc. Mỳ Quảng được bán như một món ăn sáng tại rất nhiều đường phố ở Đà Lạt, nổi tiếng trên đường Hoàng Văn Thụ, Nhà Chung... với giá 20.000-30.000 đồng một tô.

Trái cây kem


Dù buổi tối Đà Lạt lạnh run, ai đến Đà Lạt cũng muốn thử món trái cây kem lạnh buốt này. Đơn giản chỉ là dĩa kem, trái cây như dưa hấu, thanh long, bơ, mít... thêm chút nước cốt dừa. Đặc biệt nếu đến Đà Lạt vào mùa bơ, món kem bơ luôn được du khách gọi nhiều nhất. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi có hai quán trái cây kem luôn đông khách, với giá từ 10.000-20.000 đồng một dĩa tùy loại.

Sữa chua phô-mai


Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ “truy tìm” khi đến Đà Lạt, được làm như sữa chua thông thường nhưng khéo léo cho thêm phô-mai trong nguyên liệu. Sữa chua phô-mai có vị béo, dẻo, chua chua, được bán ở một gia đình rất nổi tiếng ở đường Khe Sanh, với giá 7.000 đồng một hũ.

Má Lúm

Bài đăng phổ biến