Hiển thị các bài đăng có nhãn cẩm nang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn cẩm nang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

ĐỊNH HƯỚNG HỌC NGHỀ BÁN VÉ MÁY BAY HIỆN NAY

Như chúng ta đã biết, để di chuyển bằng máy bay, hành khách phải mua ở các hãng hàng không hoặc đại lý bán vé uy tín. Hình thức phổ biến nhất hiện nay là đặt vé qua mạng trực tuyến. Ngày nay, nhu cầu xã hội tăng cao, phương tiện giao thông đang dần dần được cải thiện đa dạng hơn. Trong đó, đường hàng không là một phương tiện vừa nhanh vừa thuận tiện và dễ dàng cũng như an toàn hơn các phương tiện khác. Theo thông kê , rất nhiều người Việt Nam đi lại với mục đích du lịch và công tác, công việc làm ăn hằng ngày.


Nghề vé máy bay hiện nay nghề thuộc ngành dịch vụ thương mại có tiềm năng phục vụ khách hàng. Đặc biệt, nghề vé máy bay thường có mối quan hệ mật thiết với các hãng hàng không dân dụng. Hình thức bán vé được thiết lập rất đa dạng và được tổ chức thành các phòng bán vé máy bay, phân phối thành những đại lý rộng rãi trên cả nước. Mỗi đại lý mở rộng cho riêng mình và hoạt động bán vé cạnh tranh với nhau. Hiện nay, trên cả nước có hai phương pháp tham gia hoạt động vào thị trường này bao gồm xây dựng trực tiếp từ những hãng hàng không và thành lập phòng bán vé máy bay. Trong đó, hình thức thứ hai do các công ty, tư nhân lập nên các đại lý bán vé. Họ nhận vé từ các hãng hàng không và bán vé lại cho các khách hàng mua vé. Khi đó, các đại lý sẽ nhận được một phần nhỏ hoa hồng từ chính các hãng hàng không.


Nghề bán vé máy bay đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được sự hỗ trợ của các hãng hàng không. Đây là những đầu mối tác động và liên kết, đứng ra đào tạo và tuyển dụng một số vị trí thuộc lĩnh vực kinh doanh vé máy bay. Thời gian đào tạo dành cho khóa học ngắn hạn hiện nay chỉ mất tầm ba đến bốn tháng. Sau khi học xong, học viên sẽ nắm rõ những kiến thức về các kỹ năng nghiệp vụ, biết cách đặt giữ chỗ, tính giá và xuất vé trên các hệ thống quốc nội và quốc tế, cũng như các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống tại quầy vé… Để có cơ hội tìm được một công việc ổn định thuộc lĩnh vực hàng không, hãy tìm đến một Trung tâm đào tạo chuyên nghiệp và uy tín như Vietravel Training Center đăng ký ngay khóa học bán vé máy bay bạn nhé.




Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Cẩm nang du lịch 'hòn ngọc thô' Bình Hưng

Nếu đã quá quen với cái tên đảo tôm hùm Bình Ba, du khách có thể đổi gió vi vu qua đảo Bình Hưng cách đó không xa để khám phá những điều mới lạ của hòn ngọc thô này.


Đảo Bình Hưng nằm ở vịnh nước sâu Cam Ranh, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Du khách có thể nhìn thấy hòn đảo xinh đẹp này ngay từ khi bon bon trên con đèo ngoạn mục Vĩnh Hy - Bình Tiên.

Thời điểm tham quan

Du khách tham quan Bình Hưng cần tránh tháng 10, 11 vì đây là thời điểm mưa bão. Lý tưởng nhất vẫn là các tháng hè vì bạn sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh biển xanh cát trắng nắng vàng.

Cách di chuyển

Từ Sài Gòn, Hà Nội bạn có thể đi máy bay, xe khách, tàu hỏa để đến Cam Ranh. Muốn tiết kiệm thời gian, du khách nên khởi hành ban đêm từ Sài Gòn để đến Cam Ranh vào sáng sớm hôm sau.

Từ TP. Cam Ranh đi theo quốc lộ 1A hướng vào Ninh Thuận, sau đó men theo tuyến đường mới đi Bình Lập - Bình Tiên khoảng 15 km để đến Bãi Kinh - Bình Hưng.

Nếu khởi hành ở TP. Phan Rang, bạn đi theo quốc lộ 702 hướng đi vịnh Vĩnh Hy khoảng 57 km, tới ngã 3 Vĩnh Hy rẽ trái đi theo cung đường mới 13 km nữa là đến Bãi Kinh.



Từ đây, du khách đi thuyền sang đảo mất khoảng 10 phút, chi phí 10.000 đồng một lượt một người. Nếu khách muốn chạy xe máy rong ruổi trên đảo thì giá đưa xe máy qua là 10.000 đồng. Xe điện trên đảo phục vụ duy nhất một tuyến từ bến tới ngọn hải đăng với giá 20.000 đồng/ người/ lượt.

Đi từ Bình Ba, du khách có thể thuê thuyền sang đảo Bình Hưng mất khoảng 60 phút và ngược lại. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo đoàn nên đi vào ngày thường, còn khách đơn lẻ đi vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ lại tiết kiệm được chi phí thuê tàu hơn. Tàu đi về ở đảo Bình Hưng chạy cả ngày, khoảng 18h chiều là nghỉ.

Lưu trú

Tại nhà bè: Các chủ nhà bè hiện nay mở thêm dịch vụ lưu trú, khách có thể ngủ lại trên võng hoặc trải nệm với giá khá mềm, 50.000 đồng một người mỗi đêm. Hình thức này thích hợp cho các bạn muốn trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên biển để lắng nghe tiếng sóng vỗ hay âm thanh rộn ràng khi khua thuyền, chèo thúng của ngư dân mỗi sớm bình minh.


Dịch vụ homestay: Bạn có thể liên hệ với nhà dân. Hình thức này cho du khách cảm nhận sự thuận tiện, chu đáo và tận tình của chủ nhà. Chi phí khoảng 100.000 đồng một người cho một ngày đêm, phòng tập thể cho 8 - 10 người.

Nhà nghỉ: Trên đảo có một số nhà nghỉ của ngư dân cho thuê với giá khoảng 70.000 đồng một người một đêm. Ngoài ra, nếu du khách cũng có thể thuê các phòng nghỉ có quạt, máy lạnh, tiện nghi tốt.

Cắm trại: Hình thức này được lựa chọn bởi các du khách trẻ, đi theo đoàn hoặc nhóm phượt. Lựa chọn các bãi tắm đẹp như Bãi Kinh cắm trại, dựng lều qua đêm là một điều tuyệt vời.

Lịch trình một ngày ở Bình Hưng



5h: Ngắm bình minh buổi sớm mai luôn là chủ đề cũ nhưng sẽ rất lạ ở nơi biển đảo làm say lòng người như Bình Hưng. Hải đăng Hòn Chút nơi sự lựa chọn sáng suốt khi bạn có thể thưởng thức ánh bình minh đỏ hồng phản chiếu lấp lánh dưới biển hòa trong làn sương mù bồng bềnh theo triền núi.

7h: Thật không khó cho bạn để tìm một quán bánh căn, bánh xèo ngay trên đảo với giá khoảng 20.000 đồng một đĩa. Sau bữa sáng, không khí trong lành thích hợp cho bạn rong ruổi một vòng quanh đảo để tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân làng chài.


10h: Giữa trưa là thời điểm leo núi Hòn Bù để khám phá "cây đèn biển" 100 năm tuổi - Hải đăng Hòn Chút. Từ ngọn Hải Đăng, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng vẻ đẹp những con sóng biển dập dìu vỗ từng đợt vào vách đá, núi non trùng trùng chạy dọc ôm lấy ngôi làng. Đâu đó, những ngôi nhà khang trang, những chiếc thuyền câu bé nhỏ, cuộc sống ngư dân hối hả thấp thoáng dưới chân núi.


11h - 13h: Các món hải sản tươi ngon như tôm hùm nướng, mực tươi nướng sa tế, bào ngư, cá bớp nướng muối ớt, nhum nướng mỡ hành, các loài ốc…với giá phải chăng luôn sẵn sàng ở một số nhà bè như Trường Sa, Hồng Nhàn, Hưng Phát, Phan Rang,….


13h30: Khám phá những bãi tắm còn hoang sơ như bãi Trứng, bãi Sạn, bãi Ông Già, bãi Chuối, bãi Robinson, suối nước ngọt…với mức giá khoảng 1.000.000 đồng để thuê tàu tham quan nửa ngày cho đoàn khách 15 - 20 người. Bạn có thể yêu cầu chủ tàu dừng lại để ngắm san hô, tắm biển, cắm trại…ở một số điểm tham quan trên hành trình.

15h: Ghé thăm một số địa danh mang nét truyền thống như lăng ông Nam Hải, đình làng Bình Hưng, miếu bà, chùa Bình Hưng


16h30: Quay về Bãi Kinh để đắm mình trong làn nước xanh mát với cát trắng mịn, và ngọn gió biển du dương khi chiều về. Ngắm hoàng hôn dần khuất sau những tán cây, tảng đá của ngọn Núi Chúa, bạn sẽ thấy ngập tràn cảm giác sảng khoái, đóng lại một chuyến đi thú vị.

Quà mua về


Những món hải sản tươi ngon đặc trưng vùng biển sẽ là những món quà ý nghĩa bạn có thể làm quà sau chuyến đi này.

Theo Vnexpress

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Cẩm nang cơ bản cho lần đầu tới Đài Loan

Những lưu ý về ngôn ngữ, tiền tệ và phương tiện đi lại hữu ích cho mọi du khách lần đầu đặt chân đến Đài Loan.
Xem thêm: 10 trải nghiệm không thể bỏ qua ở Đài Bắc

Đài Loan là nơi vừa thể hiện được nét đẹp của thiên nhiên phong phú, màu sắc cổ xưa của văn hóa truyền thống lại không kém phần sôi động của đô thị hiện đại nhất nhì châu Á. Đài Loan có diện tích khoảng 36.000 km2 với phần lớn lãnh thổ là các đảo tạo thành.

Thành phố Đài Bắc là trung tâm văn hóa, chính trị có gần 7 triệu người sinh sống, mật độ dân số cao nhất Đài Loan. Với những du khách lần đầu đặt chân tới đây, một số thông tin cơ bản bên dưới sẽ giúp chuyến đi của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Khung cảnh thành phố nhìn ra tòa nhà 101 cao nhất Đài Loan. Ảnh: Alamy.

Ngôn ngữ nào được sử dụng ở Đài Loan ?

Đa số người dân đều nói tiếng Đài Loan - ngôn ngữ của người Hakka, dân tộc lớn nhất sinh sống ở đây. Ở các trường, học sinh được học tiếng Trung Quốc phổ thông. Ngoài ra một số vùng còn nói tiếng Quan Thoại hoặc Phúc Kiến.

Hai ngoại ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Đài Loan là tiếng Anh và tiếng Nhật. Bạn có thể tới các quầy thông tin du lịch để hỏi những điều cần biết bằng tiếng Anh. Còn lại tại các quầy hàng hay cả lái xe taxi cũng không thạo tiếng Anh.

Sử dụng loại tiền tệ nào?

Người Đài Loan sử dụng đài tệ (NT), cả tiền giấy và tiền xu. Hiện có 5 mệnh giá tiền giấy: 2.000, 1.000, 500, 200 và 100 NT (100 Đài tệ khoảng 686.000 đồng). Tiền xu có các mệnh giá: 50, 20, 10, 5 và 1 NT.

Bạn nên đổi trước một ít Đài tệ ở nhà để tránh phải đổi tiền ở sân bay, khách sạn, những nơi đắt đỏ nhất. Bạn nên đổi tiền ở các ngân hàng của chính phủ hoặc các máy ATM. Mỗi ngân hàng sẽ có một tỉ giá khác nhau, sau khi đổi tiền trên hóa đơn sẽ ghi rõ khoản phí dịch vụ. Du khách nên kiểm tra thông tin tỉ giá trước.

Đổi tiền bằng thẻ tín dụng là cách rẻ nhất. Tuy nhiên, bạn cần chú ý bởi việc chuyển đổi sẽ không thực hiện ngay tức thì. Nếu tỷ giá thay đổi, việc chuyển đổi có thể tốn nhiều hơn so với ước lượng ban đầu của bạn.

Loại phương tiện đi lại nào thuận lợi?

Từ sân bay quốc tế Đài Bắc (Taoyan International Airport – CKS Airport), bạn có thể dễ dàng bắt xe buýt tới các điểm như Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng, Taoyuan và Hsinchu. Để đến sân bay, nếu ở các thành phố ven bờ biển phía Đông như Hualien hay Taitung, bạn nên bắt tàu tới Đài Bắc trước, rồi bắt xe buýt tới sân bay, mất khoảng 1 giờ đi xe buýt.

Tàu cao tốc là phương tiện thuận tiện nhất để tới sân bay (giá dao động từ 40 NT đến 1.300 NT theo quãng đường đi). Tuy nhiên, bến tàu cao tốc không nằm trong sân bay Taoyuan. Bạn cần bắt xe buýt theo chuyến giá 35 NT khoảng 20 phút sẽ đến nơi.

Ngoài tàu cao tốc, trong thành phố bạn có thể tùy chọn sử dụng hệ thống tàu điện ngầm (MRT), xe buýt, taxi hoặc tự thuê cho mình một chiếc ô tô. Trong đó, tàu điện ngầm được nhiều người chuộng nhất. Tránh dùng xe buýt trong các giờ cao điểm (7h - 9h30 và 17h - 19h), nên mang theo áo len mỏng bởi trên xe thường để điều hòa rất lạnh. Giá xe buýt sẽ đắt hơn trung bình 30 NT mỗi chuyến vào những ngày cuối tuần (từ 260 NT đến 630 NT/chuyến)

Dạo quanh những bãi biển, khu du lịch nổi tiếng như hồ Sun Moon, Kenting, Green Island và Penghu rất đơn giản. Bạn có thể thuê một chiếc xe tay ga giá rẻ mà chẳng cần bằng lái xe quốc tế hay thẻ ID. Cách dễ dàng nhất để thuê một chiếc xe là ở tại nơi bạn lưu trú.

Lưu ý khác

Bạn có thể tới Quầy thông tin của Bộ Du lịch Đài Loan ở sân bay để đăng ký nhận vé xe buýt miễn phí cho chặng đường từ sân bay Taoyuan đến Đài Bắc và ngược lại.

Tải ứng dụng iTaiwan để sử dụng wifi miễn phí tại tất cả các Trung tâm Du lịch. Bạn chỉ cần đăng ký bằng hộ chiếu là có thể truy cập internet dễ dàng ở mọi nơi có tín hiệu “iTaiwan”.

Như Bìn

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Cẩm nang du hí vương quốc Hồi giáo Brunei

Nắm bắt các thông tin về giá vé máy bay, các chuyến xe buýt, địa điểm tham quan và nơi lưu trú, bạn sẽ có hành trình thú vị đến với xứ sở dầu mỏ giàu có bậc nhất Đông Nam Á.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Myanmar
 
Dưới đây là cẩm nang chi tiết.

1. Cách di chuyển từ Việt Nam đi Brunei

Bằng đường hàng không

Bạn có thể mua vé giá rẻ của Hãng hàng không AirAsia cho lượt bay khứ hồi Hà Nội - Kuala Lumpur hoặc TP.HCM - Kuala Lumpur. Sau đó, bạn mua tiếp hai lượt bay khứ hồi Kuala Lumpur - Brunei. Trường hợp dư giả về tài chính, du khách còn có thể lựa chọn Royal Brunei Airlines.

Đến sân bay Brunei, bạn không phải trả lệ phí sân bay. Nhưng đối với lượt bay xuất phát từ phi trường này, lệ phí sân bay là 12 Brunei Dollar hoặc 12 Singapore Dollar, chỉ chấp nhận tiền giấy.
Kiến trúc nổi bật nhất ở Brunei là thánh đường lộng lẫy Jame Asr Hassanil Bolkiah Mosque với những mái vòm bằng vàng ròng.

Bằng đường bộ

Từ sân bay Miri (Malaysia), bạn mua vé taxi đi đến bến xe Long Distance, mất 26 Ringit (khoảng 180.000 đồng) một chuyến.

Bến xe Miri Long Distance (Malaysia) chỉ có một trạm PHLS Express bán vé đi Brunei. Xe chất lượng cao với máy lạnh, giá vé 25 Ringit (khoảng 170.000 đồng). Một ngày có hai chuyến vào lúc 7h và 15h45.

Tại bến xe Bandar (Brunei), chỉ có hãng xe PHLS Express bán vé đi từ Brunei về Miri (Malaysia) với giá 18 Brunei Dollar hoặc 18 Singapore Dollar.

2. Cách di chuyển trong đất nước Brunei

Các phương tiện di chuyển

Taxi ở Brunei khá hiếm, số lượng khoảng 50 chiếc cho cả nước. Đi taxi từ sân bay vào trung tâm thành phố mất 20 phút, khoảng 25 - 30 Brunei Dollar.

Xe buýt ở Brunei không có trạm chờ. Bạn cứ đứng ngoài đường, xe sẽ tới trong khoảng 5-10 phút. Hãy nói với người lái xe về địa điểm bạn muốn đến, giá đi xe buýt là 1 Dollar Brunei.

Các tuyến xe buýt đến những địa điểm xa

- Brunei International Airport: tuyến số 23, 24, 34, 35, 36, 38

- Kuala Lurah: tuyến số 42, 44

- Kuala Belait/Tutong District (thông qua trạm Proposed Rimba Terminal): tuyến số 22, 57

- Kianggeh Jetty: tuyến số 39

- Labuan/Kg Menumbok (Kota Kinabalu) thông qua Muara Passenger/Car Ferry Terminal: tuyến số 33, 37, 38, 39

Các tuyến xe buýt đến những địa điểm tham quan

- Bảo tàng Brunei Royal Regalia: tất cả các tuyến

- Thánh đường Jame Asr Hassanal Bolkiah Mosque: tuyến số 01, 20, 22

- Thánh đường Omar Ali Saifuddien Mosque: tất cả các tuyến

- Công viên Tasek Lama Recreational Park: tuyến số 01

- Các bảo tàng ở Brunei: tất cả các tuyến xe buýt

- Công viên Jerudong Park: tuyến số 55

3. Nơi lưu trú ở Brunei

Ở nhờ nhà dân địa phương

Người dân Brunei rất tốt tính và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bạn có thể xin ở nhờ nhà dân địa phương bằng cách vào cộng đồng Couchsurfing – một trang mạng xã hội dành cho dân phượt – để gửi lời đề nghị xinhomestay. Tùy thời gian rảnh rỗi, họ sẽ đồng ý cho bạn lưu trú hoặc chở đi tham quan vòng quanh đất nước Brunei yên bình.

Khách sạn với giá trên 80 Brunei Dollar (khoảng 1,3 triệu đồng)

- Julibee Hotel (2 sao): Jubilee Plaza, Jalan Kampong Kianggeh, BS 8111 Bandar Seri Begawan

- The Brunei Hotel (3 sao): 95, Jalan Pemancha, BS8811 Bandar Seri Begawan

- Palm Garden Hotel Brunei (3 sao): Lot 45328, Simpang 88, Kampong Kiulap, BE1518 BSB

- Orchid Garden Hotel (4 sao): Lot 31954, Spg 9, Kg. Anggerek Desa, Jalan Berakas, BSB

Nhà khách giá rẻ 10 Brunei Dollar (tương đương 160.000 đồng)

- Pusat Belia (Youth Centre Hostel): Simpang 336-17, Jalan Kebandasan, Bandar Seri Begawan

- Harmoni Ria Guesthouse: 21 Jalan Medewa, Km 7, Jalan Tutong, Bandar Seri Begawan

4. Các địa điểm tham quan nổi bật

- Cung điện Hoàng gia Brunei (Istana Nurul Iman – Sultan’s Palace): du khách chỉ có thể chụp ảnh ở ngoài cổng. Cung điện Hoàng gia Brunei mở cửa vào dịp Hari Raya (Tết Hồi giáo, khoảng tháng 8 hàng năm). Người dân sau khi ăn uống và ra về còn được phát tặng một hộp bánh ngọt thơm ngon.

- Bảo tàng Hoàng gia Royal Regalia: đây là nơi lưu giữ những quà tặng, kỷ vật thuộc Hoàng gia và tiểu sử của vị vua đương thời.

- Khu làng nổi Kampong Ayer: ngôi làng nổi cổ nhất ở Brunei với văn hóa lịch sử hơn 600 năm. Hiện nay, nơi đây vẫn còn loài khỉ mũi to sinh sống và nhà cửa đơn sơ ngay bên sông. Ngôi làng có đầy đủ trường học, nhà thờ Hồi giáo, cơ quan hành chính, cây xăng, chợ... Du khách vào làng tham quan sẽ có dịch vụ tàu gỗ chở đi.

- Ngôi chùa Chinese Temple: nằm giữa trung tâm, đây là nơi để cộng đồng người Hoa ở Brunei đến cúng bái.

- Quần thể The Empire Hotel & Country Club: khách sạn nổi tiếng nhất Brunei, rộng 180ha với 443 căn phòng lộng lẫy. Đây cũng là một trong những khách sạn cao cấp nhất châu Á và là thuộc top mười khách sạn đẹp nhất thế giới.

- Công viên Jerudong Park: công viên vui chơi lớn nhất Đông Nam Á, cách thủ đô Bandar khoảng 10km.
Masjid Omar Ali Saifuddien là biểu tượng cho sự sung túc của đất nước Brunei.

- Khu chợ trời Pasar Malam Gadong: chợ đêm Gadong bán thức ăn khá rẻ và khá nhộn nhịp.

- Khu chợ trời Tamu Kianggeh (Open Market): chợ ngoài trời, bán thịt cá và rau củ quả, ngay cạnh bến xe đi Miri và là cửa ngõ vào tham quan trung tâm thành phố.

- Đài kỷ niệm Billionth Barrel Monument: ghi dấu sự kiện quan trọng khi Brunei xuất khẩu 1 tỷ thùng dầu.

5. Phong tục tập quán cần biết

- Brunei là đất nước Hồi giáo khá khắt khe, bạn cần ăn mặc lịch sự, cư xử nhã nhặn nơi công cộng, tránh nhìn chằm chằm vào phụ nữ.

- Thứ Năm và Sáu là hai ngày cầu nguyện chính nơi đất nước Hồi giáo, bạn nên tránh vào tham quan các thánh đường.

- Trước khi vào tham quan bên trong các thánh đường Hồi giáo, bạn sẽ được cho mượn khăn choàng phủ từ tóc xuống chân để mặc.

- Vào tháng chay Ramadan, nếu có mặt ở đây, để tôn trọng người Hồi giáo, bạn nên tránh ăn uống trước mặt họ.

- Không nên dùng ngón tay trỏ để chỉ, thay vào đó, hãy dùng ngón cái của bàn tay phải và 4 ngón tay còn lại nắm chặt bên dưới.

- Khi đưa một món quà hoặc món ăn cho người Hồi giáo, bạn nên dùng tay phải.

6. Ngoại tệ

Tiền tệ của Vương quốc Brunei là Brunei Dollar (BND) với giá trị gần tương đương Singapore Dollar (SGD). Brunei Dollar là loại tiền giấy gồm các mệnh giá 1$, 5$, 10$, 50$, 100$, 500$ và 1.000$. Loại tiền xu gồm có các mệnh giá 1, 5, 10, 20 và 50 cent. Với 1 Brunei Dollar, bạn có thể đổi được hơn 16.000 đồng Việt Nam. Ở Brunei, bạn có thể đồng thời sử dụng cả hai loại ngoại tệ nêu trên.

Phan Ngọc Hạnh

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Cẩm nang khám phá xứ Thanh

Vùng đất vừa có biển xanh vừa có núi cao và những món ăn độc đáo sẽ khiến bạn hài lòng với những trải nghiệm khó quên.
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp bí ẩn của Campuchia

Thanh Hóa là tỉnh rộng, ở mỗi vùng biển, đồng bằng, vùng núi đều có những điểm đến hấp dẫn.

Di chuyển

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa khá thuận tiện cho việc di chuyển đến. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bạn có thể đi xe khách, tàu hỏa.

Từ các tỉnh phía Nam, có các chuyến bay mỗi ngày đến sân bay Thọ Xuân (cách TP Thanh Hóa 30 km).

Di chuyển trong thành phố và các huyện lân cận đều có các tuyến xe bus để lựa chọn.

Các điểm tham quan

Biển Sầm Sơn cách trung tâm TP Thanh Hóa 16 km, mỗi hè đều đón đông đảo khách tới, các bãi tắm rộng, sóng to, cát mịn. Đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, núi Trường Lệ cũng là những điểm tham quan nổi tiếng.
Biển Sầm Sơn ngày hè thu hút khách du lịch. Ảnh: Mạnh Cường

Biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) mới được khai thác du lịch, vẫn giữ được những nét hoang sơ. Đặc biệt bạn có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân chài nơi đây.

Biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) có dịch vụ du lịch tương đối phát triển nhưng không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Hãy đi chợ sớm và mua hải sản tươi ngon với giá rẻ, nhờ dịch vụ của nhà dân, bạn sẽ thấy yêu thích nơi này.

Cầu Hàm Rồng bắc qua Sông Mã là một biểu tượng của ý chí và sự kiên cường của xứ Thanh anh hùng, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử như điện Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng... Vùng đất Thọ Xuân này có món nem nướng và bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng có thể mua về làm quà.

Thành nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới, thuộc huyện Vĩnh Lộc, được xem là điểm đầu của con đường di sản miền Trung. Tham quan di tích thành cổ sừng sững cùng năm tháng, đừng quên thưởng thức món chè lam Phủ Quảng thơm giòn làm từ gạo nếp, mật mía, lạc, gừng... cùng ly nước chè xanh.
Thành nhà Hồ ngày nắng. Ảnh: Má Lúm

Từ Thành nhà Hồ đi thêm 40 km, bạn sẽ đến suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Đây là dòng suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh, có hàng nghìn con cá chen chúc, gắn với những câu chuyện lưu truyền của người dân nơi đây. Gần suối có hang núi rất đẹp, gọi là động Cây Đăng. Trong động có thạch nhũ mang nhiều hình thù đẹp mắt.

Dọc theo cung đường miền tây xứ Thanh có nhiều điểm đến thu hút dân xê dịch như Pù Luông, Kho Mường, bản Nủa, Phố Đòn, Thác Hươu, Cổ Lũng... cùng khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, Thái, Dao...

Ở phía tây nam, cách trung tâm thành phố 36 km, vườn quốc gia Bến En là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với núi, rừng, sông, hồ đa dạng. Đặc biệt ở đây có hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Đi thuyền trên sông và thưởng thức những món ăn từ cá mè, khám phá phong tục tập quán của người Thái là những trải nghiệm đáng nhớ ở Bến En.

Ngoài ra những huyện miền biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn cũng có những nét đẹp riêng, những lễ hội của ngư dân và những làng nghề truyền thống như làm chiếu cói Nga Sơn, làm mắm tép...

Ẩm thực

Cũng như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực xứ Thanh đa dạng với các món ăn mang đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau.

Ở các huyện phía tây, có canh lá đắng, cá suối nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc. Ở các huyện bán sơn địa như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn có bánh gai, nem nướng, bánh răng bừa, chè lam...

Các huyện vùng biển có mắm tép Hà Yên, gỏi cá nhệch Nga Sơn, mực khô, các món từ hải sản.

TP Thanh Hóa được xem là “thiên đường” ăn vặt với các món nem chua, chả tôm, bánh khoái, cháo canh, bánh cuốn, ốc hút, chè... ở phố Nhà Thờ, Trường Thi, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành...

Lưu ý

Khi đến các huyện vùng cao, hãy hỏi người dân về phong tục, thói quen sinh hoạt để tránh những hiểu lầm không mong muốn.

Thanh Hóa là vùng đất rộng, bạn cần lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi và các điểm đến để có thể đủ thời gian.

Một số cung đường tham khảo

Hà Nội - Ninh Bình - Nga Sơn - Hậu Lộc - biển Hải Tiến - TP Thanh Hóa - Vườn quốc gia Bến En.

Hà Nội - TP Thanh Hóa - Lam Kinh - Thành nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương - Thạch Thành - Hà Trung - Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) - Trung Lý (Mường Lát) - Quan Hóa - Bá Thước - Cẩm Thủy - TP Thanh Hóa.

Má Lúm (VnExpress)

Bài đăng phổ biến