Hiển thị các bài đăng có nhãn món ngon. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn món ngon. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Địa chỉ những quán ăn đường phố ngon không thể bỏ qua ở London

Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch Anh nhưng đang không biết địa chỉ ăn uống ở đây như thế nào sao cho ngon, bổ, rẻ. Điểm danh những địa quán ăn có giá cả phải chăng mà chất lượng thì vô cùng tuyệt vời.
Xem thêm: 24 trải nghiệm khó quên trong 24 tiếng ở London

1. Total Organics

Total Organics là quán ăn đường phố ngon, ngập tràn những món rau củ tươi ngon. Một miếng trứng rán hoặc một chiếc bánh tart, cộng thêm 3 phần salad (ratatouille – rau hầm nhừ của Pháp, tagine đậu hầm của Ấn, với hương thảo, khoai ngọt là những chọn lựa lí tưởng) – tẩt cả có giá 5 bảng.

Du khách có thể thưởng các loại hoa quả tươi khi du lịch London

2. Arabica Food & Spice

Du khách đến London có thể thưởng thức món falafel thơm ngon mà đầy ụ chỉ có 4 bảng. Bạn có thể thử món bánh baklava – món bánh nướng tráng miệng truyền thống của Thổ Nhĩ Kì.

Thưởng thức bánh mì kẹp là món ăn vặt đường phố không thể bỏ qua

Hãy dạo quanh khu chợ, mua vài miếng phô mai và thịt ướp muối từ bất cứ quầy hàng nào, rồi đừng quên rẽ qua tiệm bánh mì gia công Flour Station để mua một ổ bánh thơm ngon ăn kèm. Khi đã mua đủ cho mình vài thứ thú vị này, hãy ra khỏi đám đông, tới bên bờ sông hoặc bên ngoài nhà thờ Southwark để tận hưởng buổi picnic cuối tuần lí tưởng.

3. Borough Market

Borough Marke là một trong những địa chỉ ăn uống giá rẻ ở London. Đây là khu chợ nổi tiếng ở Anh với sự phong phú và đa dạng của tất cả các loại thực phẩm nổi tiếng không chỉ của Anh mà cả trên thế giới.


Khám phá thiên đường ẩm thực tại chợ Borough

Nếu bạn thấy thích thú việc vừa trôi theo dòng người đông đúc vừa nhấm nháp một món ăn nào đấy, vậy thì Borough Market là địa điểm lý tưởng dành cho bạn – một bữa trưa đầy hứng khởi với giá khoảng 5 bảng. Tuy vậy, chợ khá thưa thớt hàng quán vào Thứ 2 tới Thứ 4; hãy tới đây vào Thứ 5 – chơ sẽ đông đúc hơn và sẽ càng tập nập vào các cuối tuần. Nơi đây tràn đầy sôi động và náo nhiệt, quy tụ những người yêu thích ẩm thực và khách du lịch từ mọi nơi đổ về.

4. Tongue ’n Cheek

Đến với Tongue’n Cheek bạn có thể thưởng thức món burger thứ thiệt của ẩm thực nước Anh với nhân thịt tuyệt ngon. Du khách có thể chọn nhân thịt bò với phô mát dày cheddar hoặc nhân thịt lợn với phô mát nhiều kem của Ý gorgonzola.

Một số lựa chọn quán ăn đường phố tuyệt hảo khác dành cho bạn có: falafel thơm ngậy – món ăn phổ biến ở Lebanon và Isarael – của Jerusalem Falafel; tagine bò hầm cùng rau củ của Moroccan Box; bánh bột ngô burrito Mexico của Freebird Burritos; cari, bánh gối samosa, đậu paneer… những món ăn Ấn đầy mới lạ chỉ có ở Tandoor; hay pork pie, sandwich cùng nhiều loại bánh khác của Bread Man.

Thưởng thức những chiếc buger ngon thứ thiệt với nhân thịt kẹp

5. Kappacasein

Sandwich phô mai nướng là một trong những thương hiệu làm phô mai tuyệt hảo từ sữa vùng Bermondsey (5 bảng). Sự kết hợp giữa phô mai montgomery cheddar với tỏi tây, hành và tỏi kẹp trong hai miếng bánh mì làm từ bột chua đảm bảo sẽ khuấy động mọi hương vị. Và một lựa chọn quán ăn đường phố ngon là thưởng thức món bánh thơm ngon này với một cốc rượu táo khô (2.50 bảng) của New Forest Cider.

Ngoài những địa chỉ ăn uống ở trên du khách có thể tham khảo thêm một số quán ăn như: thưởng thức bánh sausage roll thơm lừng với 3.50 bảng tại Ginger Pig, ăn sandwich thịt vịt băm kẹp với bánh mì (giá 5 bảng) tại Le Marche du Quartier, thịt bò ướp muối kẹp bánh mì tại Northfield Farm (với giá 6 bảng)… Với những thông tin hữu ích ở trên hi vọng du khách đi tour du lịch Anh giá rẻ có thêm những cơ hội trải nghiệm ăn uống tuyệt vời tại xứ sở sương mù tuyệt đẹp này.

Sưu tầm

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Gỏi cá mai, răng mực, dông đất nướng và các loại bánh đủ vị là những món ăn riêng có của mảnh đất miền Nam Trung Bộ xinh đẹp này.
Xem thêm: Du lịch biển với bãi biển Hàm Thuận Nam

Thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà, dân dã của các món ăn độc đáo nơi đây là một trong những điều làm du khách thập phương cảm thấy thích thú.

1. Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.

Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.

Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.

Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.
Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...
Giá một đĩa bánh căn từ 25 - 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.
Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.

Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần Ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…
Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo

Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.

Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn..
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu... Ảnh:Nguyên Vũ

12. Bánh canh chả cá

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.

Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…

Lê Thương

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

13 món ăn rất ngon vừa quen, vừa lạ của đất cảng Hải Phòng

Bên cạnh những món quen thuộc như nem cua bể, bánh mì cay, bánh đa cua, bún tôm… thì giá bể, chả chìa, cua rang muối, gỏi rau muống tép sông…là những món ngon ít người biết của quê hương Hải Phòng. 
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Giá bể (giá biển)

Giá bể là món ăn mà không phải ai là người Hải Phòng cũng biết về nó. Giá bể là loài sống ở những bãi bồi ven biển, thường có quanh năm nên cũng có khi người ta gọi nó là giá biển. Giá bể có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn. Chân của nó giống như giá đỗ thò ra ngoài. Giá bể được chế biến phổ biến nhất là giá bể xào và nộm giá bể.


Giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn. Tuy nhiên, với nhiều người thiếu kiên nhẫn thì ăn giá bể rất mất thời gian vì phải tách vỏ từng con một để lấy thịt bên trong.

Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà cũng khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn, có thể cho thêm hành phi thơm lên trên. Giá tiền cho một bát cháo khoái là 10k/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng). Ngoài cháo khoái, bạn cũng có thể thưởng thức thêm món cháo sườn hoặc cháo trai.


Cháo khoái thường được bán vào buổi chiều. Bạn sẽ thấy thật tuyệt khi được thưởng thức một bát cháo khoái vào lúc bụng “ngon ngót” mỗi chiều, nhất là trong những ngày đông lạnh như thế này.

Gỏi rau muống tép sông

Được xem là món ăn chơi cũng giống như những món gỏi khác, nhưng gỏi rau muống tép sông đặc trưng ở chỗ rất dân dã, dễ làm và được ưa chuộng. Rau muống có quanh năm và ở mọi nơi nên việc tìm nguyên liệu cho món này cũng không khó. Cái quan trọng nhất trong món gỏi là sự kết hợp hài hòa các gia vị sao cho thật vừa miệng và hấp dẫn từ bề ngoài cho tới hương vị món ăn.


Tép sông con nhỏ, rửa sạch, để ráo, đem rang chín với một chút dầu ăn. Lạc khô rang chín, xát bỏ vỏ và đập dập, húng quế đem rửa sạch thái nhỏ, ít hoa chuối rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, giã dập, ớt thái sợi, bỏ hạt. Cho tỏi, ớt, nước cốt chanh cùng ít đường, mì chính khuấy đều cho tan. Rau muống, hoa chuối trộn với tỏi ớt chua ngọt, sau đó cho hung quế và tép vào, kế tiếp là lạc rang lên trên. Dùng đũa trộn đều các hỗn hợp. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị giòn giòn rất thú vị từ rau muống.

Cơm cháy hải sản

Nhắc đến cơm cháy, nhiều người thường nghĩ đến Ninh Bình. Nhưng người Hải Phòng không nhất thiết phải đến tận Ninh Bình để thưởng thức món cơm cháy đặc biệt đó. Ngay tại đất Cảng cũng có món cơm cháy, nhưng mang đặc trưng của Hải Phòng: cơm cháy hải sản.


Thực ra cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn, nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Cái lạ của cơm cháy là nếu ăn với loại nước sốt nào sẽ có hương vị của nước sốt ấy, nên nước sốt càng ngon thì ăn với cơm cháy càng ngon. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.

Thơm ngon, không ngán và đặc biệt, có thể ăn đến no. Đó là những điều ẩn chứa trong món ăn lạ miệng nhưng rất bình dân này.

Cua rang "muối"

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra một món ngon Hải Phòng vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải.


Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Ốc xào khế

Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản gồm khế chua, củ nghệ, nắm lá tía tô, vài cái lá lốt, mỡ hành hoa, ốc. Các thứ rau hành gia vị nhặt rửa sạch sẽ, khế thái ngang như những ngôi sao nhỏ rồi bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân.


Cho ít dầu ăn vào chảo, phi thơm đầu hành trắng, cho khế đã vắt khô vào đảo, nêm ít mắm muối và nước nghệ vào đảo đều. Khi khế ngấm mắm muối thì cho ốc đã làm sạch vào đảo thêm vài lượt cho ốc thật nóng và ngấm gia vị. Để món ăn thêm thú vị và béo thơm, người Hải Phòng còn cho thêm chuối xanh xào cùng các nguyên liệu. Bắc chảo ra, cho tía tô, lá lốt và hành thái nhỏ vào đảo đều. Cho ra đĩa, rắc lên ít gừng thái mỏng ăn thật nóng rất ngon. Gắp một đũa, ốc thì giòn và béo, khế chua dịu, gia vị đậm đà, quyện với mùi rau hành và tía tô ngon không thể tả.

Chả chìa

Chả chìa với 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…


Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.


Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng.

Bún tôm

Bún tôm cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Lẩu cua đồng

Món lẩu cua đồng tại Hải Phòng có hương vị đậm đà hơn so với các địa phương khác, do người dân Hải Phòng đặc biệt ưa thích những món ăn chế biến từ cua (gồm cả cua đồng và cua bể). Nguyên liệu chính của món này là cua đồng loại tươi, khi ăn nước lẩu ngọt đậm đà với riêu cua, ăn kèm rau, hành, thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn… Các quán lẩu cua đồng ngon cho bạn lựa chọn: Lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.

Nem cua bể

Nem cua bể được xem là món đặc trưng của thành phố Cảng. Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống ở miền Nam hay của người Hà Nội, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông, nên còn được gọi là nem vuông.


Nhân nem gồm có thịt cua tươi, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, trứng, giá… tẩm ướp gia vị vừa miệng. Một điều cũng rất quan trọng để nem có độ giòn, thơm, chính là loại bánh đa cuốn thường chỉ được đặt làm riêng. Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó khéo léo gói thành hình vuông trông đẹp mắt. Khi ăn, người ta kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Bánh mì cay

Bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, ruốc và tương ớt. Bánh được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Đây là món ăn lót dạ được yêu thích của học sinh - sinh viên. Bánh mì cay được bán phổ biến tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh, quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp ở Chợ Con…

Bánh đúc tàu

Món ăn với cái tên khá xa lạ, nhưng đối với các bạn trẻ Hải Phòng thì đây lại là món ăn quen thuộc. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.


Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Mỗi du khách khi có dịp dừng chân nơi đây đều không thể bỏ lỡ những sản vật lừng danh như nem Phùng, giò chả Ước Lễ, rau sắng chùa Hương và nhiều sản vật khác.
 
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nem Phùng

Nem Phùng nếu tính tuổi chắc cũng đến 100 tuổi, món ăn bình dị, đậm hương vị quê hương đồng nội đã đi sâu vào trong tâm trí của những thực khách đã một lần thưởng thức nem Phùng. Tiếng lành đồn xa, cha truyền con nối, tiếng thơm lại nối tiếp tiếng thơm để rồi mỗi lần nhắc đến quê hương người gái đảm Đan Phượng là một lần người ta thì thầm với nhau rằng: “ở đó có đặc sản Nem Phùng”.

Nem Phùng được bán dưới hai hình thức: nem quả (mỗi gói khoảng 200g) hoặc theo cân (200.000 đồng một kg). Nhà 4-5 người, bạn mua 400g là ăn thoải mái.

Nem gồm thịt cả mỡ cả nạc, chần qua nước sôi thái nhỏ, bì lợn luộc kỹ, thái sợi trộn với thính. Nem không dùng chất bảo quản nên chỉ để được 2 ngày là cùng. Thành phần của nem hơi giống nem nắm Nam Định nhưng mỡ ít hơn.

Ăn kèm với nem là lá sung, đinh lăng chấm với nước tương vàng chứ không phải là nước mắm như một số loại nèm khác. Bạn có thể dùng chính lá sung hoặc bánh đa nem để cuốn.

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, nơi đây không quá sầm uất như nhiều con phố khác ở Hà Nội, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Hảo Cường, Nem Phùng Bà Hải Phở… mỗi cơ sở đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng mến khách, dịu dàng niềm nở.

Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Thôn chỉ rộng khoảng 1km vuông, với gần 450 hộ dân. Người Ước Lễ không nhớ rõ nghề làm giò, chả quê mình có từ khi nào, chi biết rằng tiếng chày giã thịt nghe đã quen thuộc khi họ còn tấm bé.

Giò Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác. “Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở nhân trong, có nhiều lỗ nhỏ. Miếng giò ăn ngon, giòn, không bị bã. Ðặc biệt là giò Ước Lễ không bao giờ pha bột, có lẽ vì vậy mà luôn được khách hàng tín nhiệm.

Rau sắng

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Rau sắng mua về được nhặt tách riêng lá và cọng, dùng để nấu canh. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ màng. Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Nước canh sôi, nêm chút muối rồi cho lá rau sắng và các cọng thân đã rửa sạch vào nước. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.

Rau sắng ngày nay được coi là rau sạch, đưa vào các siêu thị như một thứ rau cao cấp, bán từng lạng cân. Ngoài vị ngọt ngon, rau sắng quý vì hiếm vì một năm chỉ có trong vài tuần, cây sắng mọc cheo leo tận núi cao và cũng vì cả giai thoại “Muốn ăn rau sắng chùa Hương…”.

Mơ Hương Tích

Một trong những đặc sản chùa Hương không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân phải kể đến mơ Hương Tích, một sản vật tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất Hương Sơn.

Mơ Hương Tích còn có cái tên “độ nhị mai” bởi nét đặc biệt một năm trổ bông hai lần và cho hai lần quả.


Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, không những là loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể về các bệnh tim mạch mà mơ còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân. Người ta thường ngâm rượu mơ làm thuốc, ngâm mơ lấy nước uống giúp thanh nhiệt mùa hè.

Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn, thịt dày có mùi thơm đặc biệt là ngon nhất. Đến chùa Hương hãy chọn loại mơ này về ngâm với đường. Sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.

Mỗi khi có dịp ghé chân nơi đây, du khách thường không bỏ lỡ sản vật hấp dẫn này mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.

Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử.


Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột. Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng và cả một chút ngậy của thịt lợn. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.

Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam dẻo dẻo, uống một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

Chè củ mài

Củ mài cũng là đặc sản của Chùa Hương. Bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài được nấu ngay tại đây. Chè củ mài, món ngon giải khát cho du khách khi hành hưng trên tuyến đường lên động Hương Tích. Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của vùng núi chùa Hương vào những ngày lễ Phật Đản.


Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.

Cách làm chè củ mại cũng rất dễ, khi đun sôi nước cho củ mài vào đun thật nhừ, lấy đũa cái đánh tan thành bột, sau cho mật ong hoặc cho đường trắng vào đảo đều, rồi múc lên bát để nguội ăn với oản mịn, xôi vò. Đây là món ẩm thực chay tịnh, du khách trẩy hội chùa Hương thường mua củ mài về làm quà để thưởng thức hương vị chè củ mài Chùa Hương.

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.


Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Hà Tây còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn ở làng cổ Đường Lâm với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.


Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.
(Theo Gia đình & Xã hội)

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Vỏ bánh thấm muối mè gói gọn bên trong là nhân đậu xanh cà nhuyễn, sợi dừa bào trắng... đã tạo nên sức hấp dẫn cho món bánh miền Tây.
Bến Tre là nơi có nhiều lò bánh phồng, bánh tráng nổi tiếng khắp bốn phương. Người dân xứ này thường tận dụng dừa và bánh tráng để tạo nên vô số món dân gian ngon lạ, độc đáo. Trong số đó phải kể đến bánh ướt ngọt.

Đây là loại bánh có vỏ được làm từ bánh tráng dừa lúc còn ướt, chưa đem đi phơi. Sau đó cuốn thêm đậu xanh và sợi dừa bào để tạo thành món ăn chơi hấp dẫn.


Bánh ướt ngọt đa sắc trong văn hóa ẩm thực miền Tây. Ảnh: banhbeobi

Bí quyết để làm món bánh ướt dừa ngon nằm ở công đoạn tráng bánh. Vỏ bánh phải thật dai, trong thì mới đạt yêu cầu. Để làm vỏ bánh cần nhất là bột gạo pha cùng nước cốt dừa, đường, muối, nước và mè rang. Chỉ nên để bột có vị ngọt nhẹ nhẹ thì khi ăn cùng nhân mới không bị gắt và ngán. Nếu muốn vỏ bánh thêm dai, người chế biến có thể pha thêm bột nếp hoặc bột năng.

Để món bánh ướt ngọt thêm phần bắt mắt, người làm bánh còn cho vào bột ít nước cốt lá cẩm, dứa hoặc củ dền, tạo nên sắc xanh, vàng và tím. Nhân bánh chế biến cũng không quá cầu kỳ, chỉ cần chọn loại đậu xanh cà, ngâm nở, nấu nhừ với nước cốt dừa là được. Phần dừa khô thì đem đi bào sợi nhuyễn.

Bột khi pha xong sẽ dùng vá rải đều lên lớp vải căng mịn trên nồi bánh đang sôi sùng sục nước. Bánh được tráng hơi dày hơn so với các loại bánh ướt thông thường. Khi bánh ướt ngọt chín thì dùng ống tròn xoắn ra, để lên mâm đã được quét một lớp dầu. Cứ thế tiếp tục tráng cho đến khi hết bột.

Công đoạn tiếp theo, người chế biến sẽ xếp nhân đậu xanh, dừa bào vào giữa, tản cho đều ra và cuộn lại thành cuốn dài. Nếu muốn bánh ngắn thì cuốn xong dùng dao cắt đôi ra, còn không cứ để nguyên cho đẹp mắt.

Không giống bánh ướt mặn, bánh ngọt ăn nguội vẫn rất ngon, bóng dầu và bùi bùi đậu xanh... Hương vị món này dễ làm mê mẩn những ai chưa từng thưởng thức qua và có phần hảo ngọt. Bánh có thể chấm kèm muối mè hoặc đậu phộng. Ở các chợ Bến Tre thường bán một cuốn từ 2.000 đến 3.000 đồng.
Xem thêm: Một ngày khám phá vườn ca cao miền Tây

Lan Thoa (VnExpress)

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Gỏi sam đậm đà vị biển ở đảo Cát Bà


Thịt sam được nướng trên bếp than cho chín vàng, thơm lừng rồi xé nhỏ, trộn cùng với trứng sam, rau răm, húng, lạc, vừng... tạo thành món gỏi sam ngọt, thơm.

Sam biển là đặc sản mà nhiều du khách đến đảo Cát Bà thường săn tìm. Từ tháng 10 tới tháng 2 âm lịch hàng năm là mùa sam sinh sản. Vì vậy để bắt được sam biển, ngư dân cũng phải tính con nước và chọn ngày ra khơi.

Điểm đặc biệt khác so với các loài là sam thường đi theo cặp nên khi bắt sẽ được cả đôi. Nếu bắt được một con, ngư dân sẽ nhanh chóng thả ngay xuống biển.

Thịt sam rất ngọt, có mùi vị riêng, có thể chế biến thành các món ăn ngon, bổ dưỡng, chứa nhiều đạm và có tác dụng thanh nhiệt. Trong đó, các món được ưa chuộng hơn cả là chả sam, sam nướng, gỏi sam, xào chua ngọt hay nấu cháo, miến.



Món sam biển từ lâu đã được nhiều du khách săn tìm khi ghé thăm đảo Cát Bà.

Để làm món gỏi sam người chế biến phải rất cầu kỳ. Thường người nấu chỉ chọn sam cái vì nhiều thịt. Sau khi cắt tiết, toàn bộ mai, vây, chân của sam được vứt bỏ. Để an toàn, phần gan, ruột của sam không được để dính vào thịt bởi sẽ gây dị ứng.

Sam được rửa sạch đem đặt lên bếp than hồng, trở đều cho đến khi chín vàng ươm bốc mùi thơm. Người chế biến sẽ dùng kéo sắc cắt vòng quanh yếm để lấy được trứng sam, phần thịt ở sống lưng và sát đuôi. Thịt sam nướng lên rất thơm, dai và ngọt thịt, trứng bùi béo, ăn không ngán.

Trứng sam và thịt sam được xé thành miếng nhỏ, trộn cùng với hành lá, ớt, tỏi, rau răm, húng, vừng, lạc rang giã nhỏ, thêm chút giấm gạo trộn cùng, nêm gia vị cho vừa miệng là có món gỏi sam hấp dẫn.

Gỏi sam phải được ăn kèm với nước mắm ngon, cay. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, thơm không thua bất kỳ loại hải sản nào ở biển như cua, ghẹ... Món ăn lạ và đầy ắp hương vị biển thường được bán ở các nhà hàng trên đảo Cát Bà. Với giá từ 500.000 đến 700.000 đồng một đôi, du khách có thể mua xong để nhà hàng chế biến.
Theo VnExpress

Bài đăng phổ biến