Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Chưa đến Châu Đốc, An Giang chưa thương hết miền Tây

Chuyến đi tới Châu Đốc lần này của mình như một cuộc hội ngộ với người thương. An Giang mùa nước nổi đến là yêu, khi xa là ngậm ngùi nhung nhớ. 



Miền Tây trong ký ức của mình là vùng đất của tình người chân chất, của những cánh đồng bao la bạt ngàn, ruộng lúa trù phú, những cánh chim sải cánh rợp trời, của những vườn cây trái sum xuê cùng những món ăn không thể cưỡng lại...

Mảnh đất tình thương mến thương mà mình 2 lần nên duyên là Châu Đốc, An Giang, miền đất của du lịch, của sự đa dạng văn hóa, của những con người vùng sông nước mộc mạc chịu thương chịu khó. 

Gặp lại Châu Đốc một mùa nước nổi

Cũng như nhiều nơi khác ở miền Tây, An Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa là mùa mưa và mùa nắng. Thời tiết khí hậu ở Châu Đốc, An Giang nói chung rất ôn hòa thích hợp để đến tham quan quanh năm.


Vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, Châu Đốc thường có mưa nhiều. Khoảng tháng 8 đến tháng 11, ở đây vào mùa nước nổi. Mình lựa chọn thời điểm vào mùa nước dâng để ghé thăm An Giang.

Nếu đi du lịch vào mùa này, bạn sẽ cảm nhận rõ nét cuộc sống của người dân miền sông nước Châu Đốc. Vào những thời điểm khác, ở Châu Đốc thường nắng và nóng, nhưng nhiệt độ không quá cao, không cản trở đến việc tham quan du lịch.

Phương tiện di chuyển đến Châu Đốc

Mình đề xuất 2 loại phương tiện phổ biến để ghé thăm Châu Đốc là xe khách và xe máy, điểm xuất phát từ Sài Gòn. 

Với xe khách, bạn sẽ mất khoảng 145.000 đồng/vé/1 chiều xe giường nằm, cứ mỗi tiếng có một xe xuất phát. Đi xe khách mất khoảng 6 tiếng là tới nơi.

Phương tiện di chuyển thứ 2 là xe máy, thích hợp với những bạn nào muốn đi phượt, khám phá nhiều nơi, chủ động đường đi và tiết kiệm chi phí. Nhưng các bạn cũng nên lưu ý đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình của mình, dù đường đi khá thuận tiện. 


Bên cạnh đó, các bạn ở phía Bắc có thể đi tàu hoặc bay vào TP.HCM, rồi tiếp tục đi xe khách đến Châu Đốc.

Về phương tiện đi lại tại Châu Đốc, mình và nhóm bạn đồng hành chọn thuê xe máy để tiện di chuyển. Tại các khách sạn nơi bạn lưu trú đều có dịch vụ cho thuê xe máy với giá 150.000 đồng/xe.

Đến Châu Đốc, ở đâu?

Mình chọn một khách sạn ngay trung tâm thành phố Châu Đốc, không gian rất sạch sẽ, thoáng mát, nhân viên nhiệt tình, ngay cạnh chợ và các điểm trung tâm. Giá phòng tại đây là dao động từ 150.000 đồng với phòng đơn và 250.000 đồng với phòng đôi. 


Đêm thứ 2, mình và nhóm bạn ở tại một nơi sang chảnh hơn với giá phòng 1,1 triệu đồng/đêm cho 2 người ở. Địa điểm này chỉ cách trung tâm 7 km tính từ chợ Châu Đốc.

Chơi gì, ăn gì ở Châu Đốc?

Châu Đốc có vô vàn điểm du lịch hấp dẫn để khám phá. Do thời gian ít ỏi nên mình chỉ đi được rừng tràm Trà Sư, núi Tô, thánh đường Hồi giáo Jamiul-azhar, chụp ảnh hàng thốt nốt...


Rừng tràm Trà Sư: Khu rừng cách Châu Đốc 28 km, đi về phía Tịnh Biên sẽ thấy biển chỉ vào rừng tràm. Lối vào có con đường với hai hàng cây thẳng tắp là điểm check-in nổi tiếng.


Vé để đi xuồng máy và xuồng tay có nhiều giá khác nhau tùy vào nhóm bạn đi ít ng hay nhiều người. Nhóm mình 2 người, không đi ghép cùng nhóm khác, hết 75.000 đồng/người. Nếu bạn muốn tiết kiệm hơn có thể ghép cùng nhóm khác, giá sẽ rẻ hơn.

Mỗi xuồng máy chở được hơn 10 người, nếu đi 10 người chỉ hết 45.000 đồng/người. Sau khi di chuyển bằng xuồng máy một đoạn dài, bạn sẽ đến điểm đi xuồng tay. Chỗ đi xuồng tay là điểm "sống ảo" nổi đình đám trên mạng xã hội, nhưng đoạn này khá ngắn, đi chừng 10 phút là hết. Sau đó, bạn đi tiếp xe xuồng máy để ra nơi nghỉ chấn và ra điểm ngắm rừng tràm từ trên cao.

Núi Cô Tô: Bạn đi đường lớn về phía Tri Tôn, vào tiếp đến suối Vàng, sau đó hỏi người dân nơi để lên Vồ Hội. Trên đỉnh núi Cô Tô có Vồ Hội to và Vồ Hội bé. Có 2 cách lên núi Cô Tô là đi bộ lên và đi xe máy. Núi cao nên leo sẽ khá mệt, nếu bạn không có kinh nghiệm leo núi, mình khuyên là nên đi xe máy, vì leo núi sẽ tốn sức và mất thời gian.


Giá chiều lên của xe máy là 40.000 đồng, chiều xuống 30.000 đồng. Đường lên rất dốc. Bạn nào sợ độ cao chắc sẽ không dám đi. Mình thật sự khâm phục trình độ lái xe của các anh tài xế ở đây. Loại xe máy di chuyển lên núi Tô là xe chuyên dụng.

Thánh đường Hồi giáo Jamiul-azhar: Địa điểm này nằm ngay phía bên kia sông thành phố Châu Đốc. Bạn phải mua vé để qua phà, hết 6.000 đồng cho một xe một người lái và chở một người.


Hàng thốt nốt: Nếu bạn chạy xe từ Châu Đốc đi Tịnh Biên và Tri Tôn sẽ thấy 2 bên đường sẽ có rất nhiều hàng cây thốt nốt. Bạn để ý đoạn nào không nhiều nhà cửa và có nhiều hàng cây đẹp là chạy ngay đến và chụp hình thôi.


Ngoài ra, ở Châu Đốc còn vô vàn những điểm du lịch hấp dẫn khác, đi cả tuần cũng không hết, có thể kể đến chùa Tây An, đình Châu Phú, làng nổi Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, làng Chăm Châu Giang, núi Sam, chùa Hang...


Đến Châu Đốc lần này là lần thứ 2 nhưng mình vẫn bị choáng ngợp bởi đồ ăn ngon mà giá lại siêu rẻ quá. Có thể bạn không tin nhưng mình đã được thưởng thức tô bánh canh cá chỉ 10.000 đồng nhưng ngon hết nấc.


Mình liệt kê lại những điểm có đồ ăn ngon, đặc sản ở Châu Đốc để các bạn tham khảo như cơm tấm (đường Lý Tự Trọng), bún cá Bé Hai Châu Đốc (gần khu chùa Bồ Đề), lẩu mắm (đối diện bến xe Long Xuyên hoặc chợ Châu Đốc, lẩu trâu (quốc lộ 9), bún nước kèn Châu Đốc (ngã tư góc đường Phan Văn Vàng), thốt nốt ướp lạnh,sữa chua đá, chè bưởi (136 Nguyễn Văn Thoại), bao tử cá, trứng lộn chiên mắm, bán đầy tại các ngã tư, bánh mì kẹp dì Bé, xoài lắc mắm, bánh canh giò heo,bánh Phục Linh thơm thơm bùi bùi, cơm gà xối mỡ... Tất cả những điểm trên đều nằm ngay trong trung tâm thành phố Châu Đốc, rất dễ tìm. 

Tổng kết sau chuyến đi

Theo trải nghiệm của bản thân mình, miền Tây là nơi giản dị và thân thương. Du lịch miền Tây nói chung và Châu Đốc, An Giang nói riêng vừa thích lại rẻ. Cả chuyến đi của mình chưa đến 3.000.000 đồng.


Mình đã tới Châu Đốc 2 lần và sẽ còn quay lại nhiều lần nữa để thương trọn vẹn miền đất sông nước mộc mạc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến