Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặc sản. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặc sản. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Những đặc sản nổi tiếng được săn đón dịp Tết

Những đặc sản nổi tiếng của địa phương như thịt trâu gác bếp, nem chua, bò một nắng đã trở thành những món quà mà nhiều du khách săn lùng mỗi dịp Tết đến. Đây là lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn ngày Tết.Xem thêm: Người H'Mông rộn ràng đón Tết

Thịt trâu gác bếp Tây Bắc

Nếu như trước đây, thịt trâu gác bếp là món ăn chủ yếu của người dân tộc sống ở vùng cao Tây Bắc thì ngày nay nó đã theo chân người dân xuống núi và trở thành món ăn được nhiều du khách săn tìm.


Để làm món ăn này khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Thịt trâu tươi được xẻ ra, chọn những miếng thăn, bắp thái dọc thớ rồi ướp các gia vị như muối ớt, gừng và lá mắc khén, một loại gia vị không thể thiếu được và mang vị đặc trưng của núi rừng, rồi treo lên gác bếp, hun khói cho tới khi khô lại. Thịt trâu khô thường được người dân tộc dùng làm món ăn quanh năm, có thể bảo quản được một năm mà vẫn tươi ngon.

Xé từng thớ thịt mỏng chấm cùng tương ớt, cảm nhận vị ngọt lan tỏa và hương thơm đặc trưng nơi đầu lưỡi. Chính vì vậy mà món ăn này được rất nhiều người săn tìm.
Xem thêm: Lợn cắp nách, pa pỉnh tộp vùng núi Tây Bắc mùa lúa chín

Bò khô một nắng

Là món ăn đặc sản của Phú Yên và hiện nay nhiều các tỉnh ở vùng Tây Nguyên cũng chế biến món ăn độc đáo này.


Khác với thịt trâu gác bếp, khô bò một nắng không bảo quản được lâu vì chỉ được phơi qua một nắng cho se lại. Thường sau khi mổ bò, người ta cũng chọn những miếng ngon, lọc da, thái miếng to bản rồi ướp trong vào tiếng cho ngấm gia vị, sau đó được phơi dưới trời nắng to trong vòng một ngày cho các thớ thịt săn lại. Thịt bò được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, khi ăn cho lên vỉa nướng trên bếp than đến khi chuyển sang màu vàng.

Xé từng miếng thịt, chấm cùng với tương ớt, cảm nhận vị ngọt của thịt vẫn còn lan tỏa trong miệng. Đây là thức quà được nhiều người mua làm quà biếu tết cho bạn bè, người thân.
Xem thêm: Sò huyết đầm Ô Loan 'danh bất hư truyền' đất Phú Yên

Cá kho làng Vũ Đại

Mấy năm gần đây, cá kho làng Vũ Đại đã trở nên nổi tiếng và đi khắp các miền đất nước, được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và cách kho độc đáo không nơi nào có được.

Cá kho là món ăn truyền thống, được người dân làng Đại Hoàng, Lý Nhân, Hà Nam chế biến, lưu truyền và trở thành một món đặc sản mà người ta dùng để tặng, biếu nhau mỗi khi tết đến xuân về. Bên cạnh những món ăn ngày Tết, cá kho dung dị nhưng lại rất thú vị.


Niêu cá được chế biến rất cầu kỳ, gồm cá trắm kho cùng với riềng, sườn thăn, kẹo đắng và kho 15 tiếng trên bếp cho ngấm gia vị. Món ăn này hấp dẫn ở cách gia giảm gia vị và bí quyết riêng của làng nghề mà không nơi nào có được, dù món cá kho là món ăn dân dã mà ai cũng biết.

Nem chua Thanh Hóa

Món nem chua với vị chua chua của thịt lợn, giòn của bì, cay cay, thơm mùi tỏi cũng là một lựa chọn thú vị cho ngày tết và được nhiều người ưa thích.

Để làm món nem chua ngon phải chọn thịt mới được xẻ ra từ con lợn ngay sau khi cạo lông, lúc đó thịt còn nóng. Nếu làm thịt để lâu, khi làm nem sẽ không có độ bóng và giảm sự kết dính trong quá trình lên men.


Bì lợn cũng phải chọn rất kỹ, lợn lấy bì phải là lợn cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi thì lông mới sạch. Bì càng làm kỹ bao nhiêu thì khi thái chỉ, bì càng giòn và dai bấy nhiêu. Người ta sẽ trộn thịt, bì, các loại gia vị, bột ngọt, nêm nước mắm cho thơm rồi gói thành nem chua. Mỗi miếng thêm một chút tỏi, ớt, lá đinh lăng làm cho mùi vị thêm hấp dẫn.

Tổng hợp

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

10 đặc sản nên mua làm quà khi du xuân miền Bắc

Trên hành trình du xuân từ đồng bằng sông Hồng tới vùng núi Tây Bắc đều có những đặc sản vùng miền bạn nên mua làm quà cho người thân, bạn bè.
Dưới đây là những món rất đặc sắc bạn có thể mua làm quà cho người thân dịp Tết cận kề:

Ô mai, bánh cốm Hà Nội

Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Bạn có sự lựa chọn đa dạng các loại ô mai như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, hồng, đào, me… tập trung nhiều ở phố Hàng Đường.

Là đặc sản của Hà Nội, bánh cốm hấp dẫn bởi lớp cốm dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Bạn có thể mua ở phố Hàng Than.
Xem thêm: Lời khuyên khám phá Hà Nội

Bánh đậu xanh Hải Dương

Từ lâu loại bánh này đã trở thành thứ đặc sản mà bất cứ người dân Hải Dương nào cũng phải tự hào. Bánh được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, trộn với một ít mỡ và đường tạo nên hương vị bánh vừa thanh ngọt vừa béo ở đầu lưỡi. Bánh được đóng trong hộp giấy tiện dụng để mua làm quà.

Bạn có thể mua bánh đậu xanh ở thành phố Hải Dương, các cửa hàng trên quốc lộ 5. Ảnh: Ngoisao

Cơm cháy Ninh Bình

Là một trong những đặc sản của vùng đất cố đô, cơm cháy được chế biến theo quy trình kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu. Để cơm được ngon người ta dùng gạo nếp hương, nấu bằng nồi gang trên than củi, để lửa cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên, để chỗ thoáng, lúc gần ăn mới chiên giòn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo.
Xem thêm: Các điểm tham quan du lịch Ninh Bình

Bánh gai Nam Định

Nam Định có khá nhiều nhà trồng lá gai, đó là nguyên liệu chủ yếu làm nên vị ngon đặc trưng của bánh gai. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi. Nổi tiếng nhất là bánh gai bà Thi, được nhiều người mua làm quà mỗi khi ghé thăm nơi đây.

Bánh cáy Thái Bình

Làm bánh cáy ở Thái Bình phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ việc ngâm nếp, nấu xôi gấc, lấy nước gừng, rang thóc thành hạt “nẻ” (vỏ thóc bóc ra), mỡ phần, nạo dừa, ngâm đường 15 ngày. Ngoài ra còn phải chuẩn bị mạch nha, hương hoa bưởi, mứt bí… Đầu tiên, người ta chiên hạt nếp đã rang đến khi giòn và có màu trứng cáy. Sau đó, trộn các nguyên liệu còn lại vào với nhau cho đến khi chúng kết dính với nhau thành một khối như cục bột và cho vào khuôn có sẵn để ép thành bánh cáy thành phẩm.

Bánh cáy khi ăn cắt thành khúc. Ảnh: Ngoisao

Chè Thái Nguyên

Từ lâu, chè Thái Nguyên đã trở thành một thức quà đặc biệt của nhiều du khách khi ghé thăm xứ chè. Sau quy trình hái và chế biến nghiêm ngặt, chè có hương thơm dịu đặc trưng, màu nước xanh trong, vị chát dịu khi mới uống, sau đó là vị ngọt lắng sâu. Các loại chè đa dạng về hương vị, khối lượng để bạn lựa chọn mua làm quà.
Xem thêm: 8 đồi chè đẹp như tranh ở Việt Nam tha hồ chụp ảnh

Chả mực Hạ Long

Điều làm nên hương vị đặc trưng cho chả mực Hạ Long nằm ở kỹ thuật giã tay, thay vì xay máy như nhiều nơi khác. Sau khi được nêm nếm gia vị, những miếng chả tròn đầy được rán trên chảo dầu sôi sục cho chuyển sang màu vàng bắt mắt và tỏa hương thơm nức mũi. Nhờ vậy, chả mực Hạ Long có độ giòn và vị đậm đà rất tự nhiên, thích hợp để ăn kèm xôi trắng hoặc bánh ướt.

Chả mực Hạ Long được nhiều người ưa thích. Ảnh: Nguyên Chi.

Măng khô Hòa Bình

Măng khô được chế biến từ măng tươi bằng cách phơi kiệt và sấy khô hoàn toàn. Nếu gặp được nắng, măng có màu vàng ruộm tự nhiên. Nếu thời tiết không thuận lợi, những người làm măng sẽ treo măng lên gác bếp, khi măng khô sẽ chuyển sang màu vàng. Lúc này người ta mới xé măng ra thành từng miếng nhỏ hơn rồi phơi thêm lần nữa cho khô hẳn. Măng khô có thể kết hợp chế biến nhiều món như hầm xương, miến ngan… thích hợp làm quà tặng cho gia đình.
Xem thêm: Ba Khan - chốn bồng lai ngay gần Hà Nội

Bánh cóc mò Thái Nguyên

Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Bánh cóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là chín, được bán thành chùm ở các chợ trên Thái Nguyên.

Lạp xưởng Điện Biên

Lạp xưởng thường làm trước dịp Tết vài ba tháng, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng thấy ngon. Lòng để làm lạp xưởng là lòng non. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn. Lạp xưởng được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp, là món ăn trong nhiều dịp lễ Tết của người Điện Biên.
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Má Lúm (VnExpress)

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Thử 8 đặc sản trên đường rong chơi Mộc Châu

Bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, ốc đá, nậm pịa… là những đặc sản hấp dẫn du khách khi tới thăm Mộc Châu.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cách Hà Nội 200 km về phía Tây, men theo đường quốc lộ 6 tìm về Mộc Châu vào những ngày mưa se lạnh, bạn sẽ được sống trong bầu không khí sương mây bao phủ của một vùng cao nguyên thơ mộng bạt ngàn hoa cải trắng và chè xanh mướt. Bên cạnh đó, khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của huyện miền núi rộng nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La cũng là những trải nghiệm khó quên dành cho mỗi du khách. Hãy đừng bỏ qua các món dưới đây nhé:

Bê chao

Nhiều người nói vui rằng nếu đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì chưa phải đã đến đây. Món bê chao làm say lòng du khách được làm từ con bê non, chọn phần thịt loại ngon, đầy đủ nạc, mỡ, bì và xắt thành từng miếng con chì, đem chần qua nước sôi để thịt bê bớt hôi sau đó ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, sa tế… trong khoảng 5 đến 10 phút cho ngấm đều rồi chao qua dầu sôi. Quán 64 là một địa chỉ được nhiều du khách gợi ý.
Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngọt mềm của miếng thịt. Giá cho một đĩa bê chao nhỏ khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Ảnh: Văn Nguyễn.

Ốc đá

Món ốc đá phổ biến và được ưa chuộng nhất ở đây là ốc nấu canh lá chua hoặc măng chua, cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Tuy nhiên, đơn giản hơn cả là món ốc luộc chấm mắm ớt. Vị giòn ngọt, thơm bùi của ốc kết hợp với vị ớt cay nồng và mắm chấm đậm đà rất hợp với tiết lạnh nơi rẻo cao.

Cá hồi

Nhiều du khách thường truyền tai nhau đến ăn đặc sản cá hồi tươi ở trang trại Tú Phượng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Đây là trang trại nuôi và chế biến cá hồi duy nhất ở Mộc Châu nhưng chính vị ngon của cá hồi trên độ cao hơn 1.000 m nơi đây, qua bàn tay chế biến của những người đầu bếp quê nhà mà món cá hồi được xếp vào hàng đặc sản của vùng. Cá hồi ở đây được chế biến thành 6 món chính là gỏi cá hồi, da cá hồi chiên, thịt cá hồi chiên, xông khói, lẩu và cháo. Giá cho một phần ăn bao gồm cả 6 món khoảng 200.000 đồng. Nếu du khách mua cá tươi mang về, giá khoảng 350.000 đồng một kg.

Cá suối


Món cá suối nướng ăn với xôi nếp ba màu và chấm với chẩm chéo rất hợp vị. Ảnh: Dulichmocchau.

Cá suối nướng ở Mộc Châu là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách bởi cá không bị tanh, tuy bé nhưng có thể ăn cả thịt lẫn xương và hương vị thì thơm nồng hấp dẫn. Sau khi rửa sạch, cá được mổ để vứt bỏ mật và ruột, sau đó ướp cùng mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt... và dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút cho chuyển sang vàng ruộm là có thể dùng được.

Xôi ngũ sắc

Để làm ra xôi ngũ sắc cần chuẩn bị khá công phu. Gạo nếp nương loại ngon được chia làm 5 phần và trộn với các loại lá cây rừng khác nhau để nhuộm màu. Tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các phiên chợ ở Mộc Châu. Chỉ khoảng 10.000 đồng là bạn đã có thể no bụng rồi.

Cải mèo

Cải mèo là một trong những món không thể thiếu của người dân ở đây dùng để thiết khách quý đến chơi nhà. Thứ rau xanh mát này được người dân Mộc Châu chế biến thành nhiều món khác nhau như xào, nấu canh, luộc hoặc nhúng lẩu, đôi khi có thể xào cùng thịt gà, thịt bò, thịt hun khói, nấm… để phục vụ khách uống rượu.

Với khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao, cây cải mèo Mộc Châu mọc rất tươi tốt, múp míp, khi ăn thấy ron rót đắng nhưng ăn quen thấy ngọt, giòn. Ảnh: Dulichmocchau.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen ở Mộc Châu. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, ướp muối rồi hun khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại cho các chất ngọt tụ vào trong thịt. Khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. Tuy nhiên, nếu không ăn quen bạn sẽ thấy lạ miệng với vị khói khá hắc và mặn của món ăn.

Nậm pịa


Món ăn khá đắng và “bốc mùi” nên trở thành thách thức chỉ dành cho người can đảm. Ảnh:Dulichmocchau.

Không phải vị khách nào khi du lịch đến Mộc Châu cũng đủ dũng cảm để thưởng thức món ăn này, tuy nhiên đây lại là món ăn yêu thích của người dân vùng cao. Nguyên liệu để tạo ra nậm pịa bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non của bò hoặc dê. Khi ăn thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà... Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt cho phái mày râu ở bản cao trong các phiên chợ ngày lạnh.

Lê Thương

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Đặc sản Vĩnh Phúc mê hoặc lữ khách

Không phải vùng đất nổi tiếng về du lịch nhưng Vĩnh Phúc lại có những món ngon vừa dân dã vừa lạ miệng.
Xem thêm: Tam Đảo không chỉ có sương và nhà thờ cổ

Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường


Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.

Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.

Dứa Tam Dương


Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. Dứa Hướng Đạo quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà hơi chua, ăn ngon nhất.

Đến đây, ngoài việc tha hồ ăn dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.

Cá thính Lập Thạch


Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn rất công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10 kg cá/1,5 kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 - 7 ngày thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.

Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.

Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.

Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch

Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc... Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5 đến 6 tiếng.

Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.

Tép Dầu đầm Vạc


Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500 ha, đáy sâu nhất 4,5 m, trung bình 3,8 m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phúc, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu - bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.

Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 đến tháng 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.

Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)

Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.

Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.

Chè kho Tứ Yên Lập Thạch


Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

Bánh ngõa Lũng Ngoại

Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.

Bánh gio làng Tây Đình - Tam Hợp - Bình Xuyên


Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.

Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.

Mimi tổng hợp

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Điều cần biết khi du lịch 'vương quốc mắm' Châu Đốc

Không chỉ là điểm hành hương nổi tiếng của miền tây, Châu Đốc còn có nhiều phong cảnh hữu tình và đặc sản độc đáo như thốt nốt, mắm, tung lò mò...

Nằm bên ngã ba sông thơ mộng, Châu Đốc là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang cũng như vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian

Du khách có thể tham quan Châu Đốc quanh năm, cao điểm là đầu năm mới và lễ hội Bà Chúa Xứ vào tháng 4 âm lịch.

Di chuyển

Từ TP HCM, bạn chọn các hãng xe uy tín chuyên khai thác tuyến Châu Đốc gồm Phương Trang, Huệ Nghĩa, Hùng Cường, Kim Ngân,... với giá từ 140.000 đến 180.000 đồng một vé. Tại Châu Đốc, du khách có thể thuê xe máy với giá 90.000 - 130.000 đồng mỗi ngày (tùy loại) để tiện di chuyển tham quan.

Lưu trú

Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn ở Châu Đốc khá nhiều, giá từ 150.000 đến 300.000 đồng một phòng. Tuy nhiên, du khách nên đặt sớm khi đi vào những dịp cao điểm như Lễ Vía Bà, Tết âm lịch để có mức giá hợp lý.

Điểm tham quan

Miếu Bà Chúa Xứ: Tọa lạc dưới chân núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Miếu Bà được xây dựng với kiến trúc tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng, ngói xanh cùng với các hoa văn đậm nét nghệ thuật. Hàng năm từ ngày 23 đến 27/4 âm lịch, người dân nơi đây tổ chức lễ hội Vía Bà nhằm cầu nguyện và tưởng nhớ công lao của người giúp dân dẹp loạn, ban mưa thuận gió hòa. 

Một góc kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Mến Nguyễn.

Tây An Cổ Tự: Ngôi chùa có khuôn viên rộng đến 1,5 ha được xây vào năm 1847, theo lối kiến trúc chữ “tam” gồm hai tầng mái và chính điện thờ khoảng hơn 150 pho tượng Phật lớn nhỏ. Điểm nhấn của chùa là ngôi tháp chính có nóc tròn hình củ hành được trang trí cầu kỳ như những ngôi đền của Ấn Độ. Phía trước cổng có hai tượng voi trắng và đen.

Lăng Thoại Ngọc Hầu: Tọa lạc dưới chân núi Sam, nơi đây thờ ông Thoại Ngọc Hầu - người có công trong việc khai phá, trấn giữ vùng đất An Giang và hai phu nhân. Lăng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.

Làng bè Châu Đốc: Du khách ngồi trên xuồng máy để tham quan làng bè, nằm trên quãng sông chảy từ thành phố Châu Đốc đến Cồn Tiên. Trong bè, người dân chủ yếu nuôi các loại cá như tra, ba sa,...nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Chùa Huỳnh Đạo: Tọa lạc tại khóm Vĩnh Đông II, phường Núi Sam, Châu Đốc, chùa thành lập vào năm 1928 và tới 1996 được di dời đến khu đất rộng 12 hecta. Ngôi chùa mới gồm chính điện, nhà hậu Tổ, điện Quan Âm… với thiết kế trang nghiêm, mỹ lệ.


Làng Chăm Châu Giang: Du khách qua phà Châu Giang là tới làng Chăm Châu Giang, thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, nơi có đồng bào người Chăm sinh sống. Làng bình yên với những thánh đường Hồi giáo cùng nhiều ngôi nhà sàn truyền thống độc đáo. Đến với làng Chăm, du khách có dịp hiểu biết thêm về văn hóa, sản phẩm dệt thủ công và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo nơi đây.

Kênh Vĩnh Tế: Với chiều dài gần 90 km nối liền Châu Đốc với cửa biển Hà Tiên, kênh được hoàn thành trong 5 năm từ 1819 đến 1824. Kênh đào được thực hiện dưới sự chỉ đạo của ông Thoại Ngọc Hầu cùng người dân địa phương bằng các công cụ thô sơ và chủ yếu là tay.

Núi Sam: Núi có độ cao 241 m, có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và những ngôi đền, chùa nằm rải rác, tạo thành một không gian linh thiêng và huyền bí. Du khách có thể leo bậc để lên đỉnh núi hoặc đi xe máy men theo con đường nhựa gần 5 km. Phí thuê xe ôm cho cả chiều đi và về là khoảng 50.000 đồng. Bạn sẽ mất khoảng một buổi để leo núi và hành hương.

Quang cảnh nhìn từ đỉnh núi Sam. Ảnh: Mến Nguyễn.

Ăn uống

Bún cá: Món ăn gồm các nguyên liệu như cá lóc gỡ xương, bún, nước lèo màu vàng nghệ, rau sống và một ít thịt heo quay, tôm khô. Nước chấm không thể thiếu là một chén muối ớt chanh. Một tô bún cá có giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Thốt nốt: Cây thốt nốt có quả tròn và màu tím nhẵn bóng, trổ thành từng chùm từ 15 đến 20 quả. Dùng dao khéo léo tách quả thốt nốt để lấy thịt.Thịt thốt nốt giòn mềm, có vị béo mùi thơm thoảng. Nước thốt nốt có vị ngọt lịm thanh mát được ướp lạnh làm đồ giải khát. Giá một ly là 7.000 đồng. Thốt nốt còn được dùng để chế biến đường, nguyên liệu làm bánh bò…


Tung lò mò: Món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Chăm tại An Giang còn gọi là lạp xưởng bò. Đặc sản này được làm từ ruột, mỡ, và đùi bắp bò đã được lóc từ xương. Sau khi khử mùi bằng rượu và gừng, hỗn hợp thịt bò được trộn theo tỷ lệ nhất định cùng với các loại gia vị cổ truyền của người Chăm. Hỗn hợp này được nhồi vào ruột bò rồi phơi 3-4 nắng thì có thể dùng được. Tung lò mò ngon nhất là được nướng trên bếp than hồng ăn kèm với rau quế, dưa đu đủ, ngò gai và nước chấm là tương phở vừa đủ độ cay. Giá một cân tung lò mò vào khoảng 160.000 -180.000 đồng.

Mắm Châu Đốc: Mắm ở đây có chất lượng và hương vị độc đáo, không nhằm lẫn với nơi khác, được dùng để chế biến các món như chưng thịt băm, lẩu hoặc kho…

Những "dãy núi" mắm các loại bán ở Châu Đốc. Ảnh: Mến Nguyễn.

Quà mang về

Tung lò mò, mắm, thốt nốt,… là những món quà có một không hai cho người thân, bạn bè mỗi khi đến tham quan và hành hương về mảnh đất Châu Đốc.


Mến Nguyễn

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Thương hiệu Sapa qua những món ngon

Nhâm nhi cá suối chiên giòn rụm hay xuýt xoa với vị ngăm ngăm đắng của cải mèo là ấn tượng khó quên về ẩm thực phố núi Sa Pa.



Thị trấn vùng cao Sapa không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh quyến rũ của núi đồi mà còn cả những món ăn ngon. Bên cạnh các sản phẩm có thể mua làm quà như mận, nấm hương, rượu ngô..., nơi đây còn nhiều món ngon hấp dẫn khác mà chỉ Sapa mới có.

Cá hồi


Trước đây, cá hồi chỉ được biết tới tại bờ biển Bắc châu Âuchâu Mỹ. Sau khi áp dụng nhiều phương pháp, loài cá nức tiếng trời Tây này đã có mặt tại Sapa và nhanh chóng trở thành món ăn được nhiều người yêu thích.

Cá hồi Sapa có đặc điểm chắc, thớ săn nhưng mềm, ngọt thịt với màu hồng cam bắt mắt. Tới bất kỳ nhà hàng nào tại thị trấn vùng cao này, bạn đều dễ gọi những món ngon chế biến từ cá hồi như gỏi, chiên xù, nướng, làm ruốc..., phổ biến nhất là lẩu.

Với cách chế biến khéo léo, lẩu cá hồi nơi đây gần như không có mùi tanh. Không chỉ vậy, khi kết hợp cùng các loại rau rừng, món ngon này càng trở nên đậm đà. Trong cái lạnh của núi rừng, nhâm nhi một chén rượu táo mèo bên nồi lẩu nghi ngút khói sẽ là trải nghiệm khó có thể quên.

Lợn cắp nách quay


Lợn cắp nách là giống bắt nguồn từ đồng bào Mông. Loài vật này được nuôi theo kiểu thả rông. Cái tên "lợn cắp nách" được lý giải do đồng bào thường kẹp lợn vào nách khi đem bán. Thông thường, mỗi con lợn loại này chỉ nặng chừng 4-5kg.

Nhiều món ăn được chế biến từ lợn cắp nách như xào, hấp, nướng... Phổ biến nhất là quay với màu vàng mật ong hấp dẫn, miếng nào miếng nấy giòn tan bởi lớp bì đẹp mắt và phần thịt nạc mềm, ngọt đậm đà. Món này được ăn cùng nước chấm pha chế từ lá nhội, hạt dổi, muối và ớt xanh. 

Su su


Khí hậu quanh năm mát mẻ tại Sapa tạo điều kiện thuận lợi để trồng su su. Nhờ đó, loại rau này cũng nhanh chóng trở thành một trong nhiều đặc sản phố núi. Đi khắp nơi quanh thị trấn, bạn đều dễ bắt gặp những giàn su su xanh mát với trái sai lúc lỉu.

Hai món ăn được chế biến từ su su mà du khách nào cũng thử là ngọn rau xào tỏi và phần quả đem luộc cùng cà rốt. Ngọn su su sau khi xào có vị giòn bùi lạ miệng, kết hợp cùng tỏi trắng khiến món ăn càng trở nên đậm đà. Trong khi đó, phần quả luộc lại được ăn cùng muối vừng, thả thêm vài miếng cà rốt vàng cam để tăng thêm độ bắt mắt.

Đồ nướng


Là món ăn dễ tìm nhất khi đặt chân tới đây, các hàng bán đồ nướng có mặt ở khắp nơi trong thị trấn với đủ loại khác nhau. Nếu đang đói, bạn có thể chọn một xiên thịt bò cuộn rau cải mèo, thịt gà hay cơm lam... Còn muốn tìm thứ để nhâm nhi trong khi đi dạo, ngô nướng còn nóng, chả cá hồi hay cá tầm là những lựa chọn để bạn cân nhắc.

Cảm giác thú vị dành cho du khách là đi ngoài dạo phố, tìm tới một quán nhỏ ấm áp trong ánh đèn vàng và ngồi chuyện trò cùng chủ quán trong khi chờ xiên nướng đặc biệt cho mình.

Cá suối


Đây là món ăn đặc trưng của mảnh đất trập trùng núi với những dòng suối len lỏi, uốn mình qua từng vách đá. Cá suối Sa Pa không lớn như những loại nuôi trong ao hồ nhưng có đặc điểm thịt chắc, mềm xương và thơm tới lạ lùng.

Mỗi con cá ở đây to bằng 2-3 ngón tay và thường ngụy trang thành màu xanh, cùng màu với rong rêu trong kẽ đá. Thông thường, cá suối nhiều xương nên chủ yếu được chiên giòn.

Vị thơm ngậy cùng lớp thịt ngọt khiến du khách nhớ mãi. Không chỉ vậy, sau khi chiên, cá trở nên giòn tan và ăn được cả phần xương nhỏ. Chấm cùng phần nước mắm pha tiêu ớt quả càng khiến món ăn thêm ngon, thêm đặc biệt.

Cải mèo


Cải mèo là loại rau nhỏ, lá có lông màu trắng. Trước đây loại rau được người dân tộc trồng để ăn và không đem bán. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của du lịch thì cải mèo đã được mở rộng vùng trồng trọt hơn.

Cải mèo thường được xào, luộc hoặc ăn cùng lẩu nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là thái nhỏ, nấu cùng gừng. Tùy từng nơi mà món canh này được cho thêm thịt gà hoặc thịt lợn băm nhỏ. Dù được nấu theo cách nào, món ăn này vẫn giữ vị ngọt mát tự nhiên và hơi ngăm ngăm đắng.

Bài đăng phổ biến