Hiển thị các bài đăng có nhãn du xuân miền Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn du xuân miền Bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Những điểm du lịch “trốn” Tết

Nếu không muốn chen chân tại các điểm du lịch đông nghẹt người vào dịp Tết, bạn nên tìm đến những nơi cảnh đẹp, gió mát mà hiếm khi phải lo tình trạng quá tải, mắc mỏ

Những điểm du lịch thường đông khách trong dịp Tết là: Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Sa Pa, chùa Hương… Do vậy, du khách thường phải đặt vé máy bay, phòng khách sạn hoặc mua tour trọn gói trước nhiều tuần nếu không muốn mất chỗ. Đó là chưa kể giá cả tại những điểm đến này thường “đến hẹn lại lên” trong lúc chất lượng dịch vụ du lịch không đảm bảo.

Trong khi đó, bạn vẫn có nhiều chọn lựa tốt hơn khi du xuân tại những nơi khác mà không lo phải chen chân, nhất là tránh được nguy cơ bị “chặt chém”. Đặc biệt, với những điểm đến mà chúng tôi gợi ý dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự đi bằng xe gắn máy hoặc đặt vé xe khách dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn có thể xách ba lô lên đường mà không cần sắp đặt dịch vụ trước. Chúc bạn và những người thân có chuyến du xuân lý thú và gặp nhiều niềm vui bất ngờ trên đường.

Sa Đéc, Đồng Tháp


Nằm bên bờ Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp, làng hoa kiểng Sa Đéc tại xã Tân Quy Đông là đầu mối hoa cây cảnh nổi tiếng miền Tây trong mỗi dịp xuân về. Ngoài ra, địa phương này còn có những điểm đến gắn liền với văn hóa – lịch sử như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, miếu thờ ông bà chủ chợ Cao Lãnh, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu di tích Gò Tháp, khu du lịch Đồng Sen –Tháp Mười…


Đi du lịch Đồng Tháp lý thú nhất là bạn thuê một chiếc xe gắn máy tự rong ruổi khám phá các vườn quýt hồng, làng bột gạo, trải nghiệm thú bơi xuồng trên sông, giăng lưới thả câu… Dọc bờ kè sông Sa Đéc tập trung nhiều hàng quán bán đặc sản như lẩu cua đồng, cá cuộn lá sen nướng, chuột đồng nướng sả ớt, ốc bươu hấp…

Mộc Châu, Sơn La

Trên Facebook một bạn trẻ ở Hà Nội, chúng tôi tình cờ đọc được lời rủ rê hấp dẫn thế này: “Tết năm nay mình dự định sẽ làm một vòng năm ngày từ mùng 2 đến mùng 7 Tết đi Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên. Sở dĩ tôi chọn lên vùng cao vào dịp Tết vì cảm giác Tết ở vùng cao ấm áp hơn dưới xuôi.


Dường như mỗi dân tộc trên vùng cao vẫn giữ được bản sắc riêng của Tết cổ truyền và không bị loãng như ở thành phố. Điều này thể hiện qua những món ăn đặc sắc, tập tục ngày xuân, trò chơi dân gian và màu sắc trang phục rất đặc trưng của người Mông, Thái, Mường, Tày, Nùng. Đó là chưa kể, bạn sẽ có dịp ngắm hoa mơ, hoa mận và hoa đào rực rỡ bên cạnh gam màu của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, nghe tiếng leng keng đồng bạc theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân”.

Phnom Penh


Khi đến Campuchia, du khách quốc tế thường đổ dồn về Siem Reap để tham quan di tích Angkor Wat mà quên rằng ngay tại thủ đô Phnom Penh cũng có nhiều điểm lý thú: Hoàng Cung, chùa Bạc, Wat Phnom, tượng đài Độc Lập, chợ trung tâm và khu mua sắm Sorya (nơi có nhiều người Việt sinh sống).


Nếu bạn quan tâm đến lịch sử Campuchia, thời kỳ Angkor hoặc đơn giản là bạn chẳng biết nên đi đâu ở Phnom Penh trong một buổi, bạn nên ghé thăm Bảo tàng Quốc gia.Đó là một nơi rất đáng để đi vì bạn sẽ có dịp dạo bước trong một tòa nhà có kiến trúc theo phong cách Khmer tuyệt đẹp tồn tại từ một thế kỷ trước và ngắm nhìn những di vật rất đặc sắc…

Phú Yên

Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, Phú Yên được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng nổi tiếng: tháp Nhạn, gành Đá Dĩa, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan… Trong số đó, gành Đá Dĩa khiến du khách trầm trồ vì những khối đá tròn được sắp đặt khéo léo cạnh một vịnh nước trong xanh.


Đặt chân đến vùng đất này, bạn sẽ có dịp thưởng thức những thú vui bình dị: ăn cơm gà ngon trứ danh, uống cà-phê ngay dưới chân núi Nhạn, dừng chân chụp những tấm ảnh ở cầu Đà Rằng… Để có chuyến đi đáng nhớ, bạn hãy thuê thuyền của ngư dân ra biển hay chinh phục đỉnh Đá Bia lúc nào cũng chìm trong sương trắng gần đó.

Bảo Lộc, Lâm Đồng

Thay cho Đà Lạt luôn đông đúc du khách vào mỗi dịp Tết, bạn hãy thẳng tiến về Bảo Lộc để tận hưởng không khí mát lạnh, thanh bình. Thành phố này có các con đường lớn, công viên thênh thang, nhiều cây xanh, cảnh vật nên thơ không kém Đà Lạt. Đó là chưa kể nếp sống hiền hòa, không xô bồ, ồn ào tại vùng đất cao nguyên này. Đến Bảo Lộc, du khách có nhiều điều để khám phá: thác nước Dambri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn…


Nếu muốn tĩnh tâm nơi thiền tịnh, bạn hãy đến tu viện Bát Nhã nằm giữa một vùng đồi mênh mông trà và thông xanh mát. Tại đây có những bậc thang đá phủ rêu xanh, không gian trầm mặc, khí trời trong lành, tiếng suối róc rách. Đặc biệt, vào những ngày xuân, bạn sẽ thấy những vạt hoa dã quỳ nở rộ hai bên đường đi về hướng Đà Lạt (Tà Nung, Tu Tra, Suối Thông) khiến cho một vùng núi rừng bừng sáng trong sắc xuân.

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

10 đặc sản nên mua làm quà khi du xuân miền Bắc

Trên hành trình du xuân từ đồng bằng sông Hồng tới vùng núi Tây Bắc đều có những đặc sản vùng miền bạn nên mua làm quà cho người thân, bạn bè.
Dưới đây là những món rất đặc sắc bạn có thể mua làm quà cho người thân dịp Tết cận kề:

Ô mai, bánh cốm Hà Nội

Với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt như hội tụ tinh hoa của ẩm thực Hà Thành, ô mai là thứ quà được nhiều người chọn mua làm quà khi rời Hà Nội. Bạn có sự lựa chọn đa dạng các loại ô mai như mơ, mận, gừng, sấu, khế, chanh, hồng, đào, me… tập trung nhiều ở phố Hàng Đường.

Là đặc sản của Hà Nội, bánh cốm hấp dẫn bởi lớp cốm dẻo quánh bên ngoài, lớp nhân đậu xanh quyện dừa béo ngậy bên trong, thoang thoảng hương thơm tự nhiên của bưởi. Bạn có thể mua ở phố Hàng Than.
Xem thêm: Lời khuyên khám phá Hà Nội

Bánh đậu xanh Hải Dương

Từ lâu loại bánh này đã trở thành thứ đặc sản mà bất cứ người dân Hải Dương nào cũng phải tự hào. Bánh được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, trộn với một ít mỡ và đường tạo nên hương vị bánh vừa thanh ngọt vừa béo ở đầu lưỡi. Bánh được đóng trong hộp giấy tiện dụng để mua làm quà.

Bạn có thể mua bánh đậu xanh ở thành phố Hải Dương, các cửa hàng trên quốc lộ 5. Ảnh: Ngoisao

Cơm cháy Ninh Bình

Là một trong những đặc sản của vùng đất cố đô, cơm cháy được chế biến theo quy trình kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu. Để cơm được ngon người ta dùng gạo nếp hương, nấu bằng nồi gang trên than củi, để lửa cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên, để chỗ thoáng, lúc gần ăn mới chiên giòn. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo.
Xem thêm: Các điểm tham quan du lịch Ninh Bình

Bánh gai Nam Định

Nam Định có khá nhiều nhà trồng lá gai, đó là nguyên liệu chủ yếu làm nên vị ngon đặc trưng của bánh gai. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi. Nổi tiếng nhất là bánh gai bà Thi, được nhiều người mua làm quà mỗi khi ghé thăm nơi đây.

Bánh cáy Thái Bình

Làm bánh cáy ở Thái Bình phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ việc ngâm nếp, nấu xôi gấc, lấy nước gừng, rang thóc thành hạt “nẻ” (vỏ thóc bóc ra), mỡ phần, nạo dừa, ngâm đường 15 ngày. Ngoài ra còn phải chuẩn bị mạch nha, hương hoa bưởi, mứt bí… Đầu tiên, người ta chiên hạt nếp đã rang đến khi giòn và có màu trứng cáy. Sau đó, trộn các nguyên liệu còn lại vào với nhau cho đến khi chúng kết dính với nhau thành một khối như cục bột và cho vào khuôn có sẵn để ép thành bánh cáy thành phẩm.

Bánh cáy khi ăn cắt thành khúc. Ảnh: Ngoisao

Chè Thái Nguyên

Từ lâu, chè Thái Nguyên đã trở thành một thức quà đặc biệt của nhiều du khách khi ghé thăm xứ chè. Sau quy trình hái và chế biến nghiêm ngặt, chè có hương thơm dịu đặc trưng, màu nước xanh trong, vị chát dịu khi mới uống, sau đó là vị ngọt lắng sâu. Các loại chè đa dạng về hương vị, khối lượng để bạn lựa chọn mua làm quà.
Xem thêm: 8 đồi chè đẹp như tranh ở Việt Nam tha hồ chụp ảnh

Chả mực Hạ Long

Điều làm nên hương vị đặc trưng cho chả mực Hạ Long nằm ở kỹ thuật giã tay, thay vì xay máy như nhiều nơi khác. Sau khi được nêm nếm gia vị, những miếng chả tròn đầy được rán trên chảo dầu sôi sục cho chuyển sang màu vàng bắt mắt và tỏa hương thơm nức mũi. Nhờ vậy, chả mực Hạ Long có độ giòn và vị đậm đà rất tự nhiên, thích hợp để ăn kèm xôi trắng hoặc bánh ướt.

Chả mực Hạ Long được nhiều người ưa thích. Ảnh: Nguyên Chi.

Măng khô Hòa Bình

Măng khô được chế biến từ măng tươi bằng cách phơi kiệt và sấy khô hoàn toàn. Nếu gặp được nắng, măng có màu vàng ruộm tự nhiên. Nếu thời tiết không thuận lợi, những người làm măng sẽ treo măng lên gác bếp, khi măng khô sẽ chuyển sang màu vàng. Lúc này người ta mới xé măng ra thành từng miếng nhỏ hơn rồi phơi thêm lần nữa cho khô hẳn. Măng khô có thể kết hợp chế biến nhiều món như hầm xương, miến ngan… thích hợp làm quà tặng cho gia đình.
Xem thêm: Ba Khan - chốn bồng lai ngay gần Hà Nội

Bánh cóc mò Thái Nguyên

Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Tiếp tục ngâm nếp vài giờ cho nếp mềm. Lá chuối xé miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt mềm buộc bánh. Bánh cóc mò được xâu thành từng cặp hoặc từng chùm nhỏ, cho vào nồi luộc khoảng 2 tiếng là chín, được bán thành chùm ở các chợ trên Thái Nguyên.

Lạp xưởng Điện Biên

Lạp xưởng thường làm trước dịp Tết vài ba tháng, để quanh năm không hỏng, ăn quanh năm lúc nào cũng thấy ngon. Lòng để làm lạp xưởng là lòng non. Nhân làm lạp xưởng là thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, những phần ngon của thịt lợn. Lạp xưởng được nhồi căng, đem phơi dưới nắng khoảng 3 ngày rồi treo lên gác bếp, là món ăn trong nhiều dịp lễ Tết của người Điện Biên.
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Má Lúm (VnExpress)

Bài đăng phổ biến