Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

Thật là tiếc nếu du khách bỏ qua 9 món ăn này khi đến Sapa

Không chỉ sở hữu những địa danh đẹp và khí hậu tuyệt vời, Sapa (Lào Cai) còn gây thương nhớ thực khách bởi nhiều món ăn đặc trưng vùng cao.

Thật là tiếc nếu du khách bỏ qua 9 món ăn này khi đến Sapa

Thắng cố

Thắng cố

Thắng cố là đặc sản của người Mông, xuất hiện nhiều trong các phiên chợ vùng cao. Món ăn truyền thống ban đầu chỉ nấu từ ngựa, sau đó cải biến thêm một số nguyên liệu khác như thịt bò, thịt trâu... phù hợp khẩu vị nhiều người. Ngoài thịt và nội tạng, người nấu phải kết hợp thêm 12 thứ gia vị khác nhau để tạo nên nồi thắng cố hoàn hảo. Theo người dân địa phương, thắng cố ngon nhất nằm ở vùng Bắc Hà. Bạn có thể dùng kèm mèn mén, uống rượu ngô để món ăn trở nên trọn vẹn hơn.

Mèn mén

Mèn mén

Bên cạnh thắng cố, mèn mén được coi là tinh hoa của văn hóa ẩm thực Sapa. Để tạo nên hương vị thơm ngon, người nấu phải chọn giống ngô tẻ địa phương và kết hợp nhiều loại gia vị như tương ớt, đậu xị, rau thơm... Người Mông ăn mèn mén quanh năm, họ thường dùng kèm ớt phơi khô để làm ấm cơ thể, xua tan cái lạnh của mùa đông. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo bùi và vị ngọt tự nhiên hòa quyện trong miệng.

Gà đen Sapa

Gà đen Sapa

Gà đen Sapa được biết đến là giống gia cầm quý hiếm, có giá trị cao về mặt dinh dưỡng. Sau khi làm sạch, đầu bếp khéo léo tẩm ướp gà với gia vị đặc trưng vùng cao rồi nướng dưới than hồng. Linh hồn món ăn phải kể đến phần mật ong rừng phết bên ngoài lớp da thơm phức. Để tăng thêm độ ngon, nhâm nhi cùng rượu San Lùng là cách mà người dân địa phương nơi đây hay thưởng thức. 

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách

Tại các phiên chợ vùng cao ở Sapa, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người dân địa phương bày bán hoặc cắp nách những chú lợn thân hình nhỏ. Sau khi làm sạch, chúng được giữ nguyên con rồi nướng hoặc quay. Nếu muốn phần thịt trở nên hoàn hảo, trong khâu gia giảm không thể thiếu các gia vị tự nhiên như lá nhội, hạt dổi, hạt xẻn... Món ăn gây mê mẩn thực khách bởi hương vị ngọt mềm và nạc thơm hơn so với các loại thịt thông thường. 

Bò cuốn lá cải mèo

Bò cuốn lá cải mèo

Trong tiết trời se lạnh, những quầy nướng màu sắc bắt mắt luôn là lựa chọn đầu tiên của du khách. Đồ ăn ở đây chủ yếu sử dụng các nguyên liệu như thịt lợn, rau củ, thịt gà... được tẩm ướp đậm đà. Bò cuốn cải mèo là một trong những món ăn thu hút khách du lịch bởi sự kết hợp hài hòa giữa vị đắng từ rau và vị ngọt của thịt. Tán gẫu cùng bạn bè và nhâm nhi đồ nướng khiến chuyến đi của bạn trở nên vui vẻ và có ý nghĩa hơn.

Cải mầm đá

Cải mầm đá

Cải mầm đá chỉ mọc theo mùa từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, là loại rau hiếm được săn đón nhiều ở Sapa. Người dân thường luộc để giữ nguyên vẹn hương vị thơm ngon và độ ngọt thuần khiết. Món ăn sử dụng kèm với muối vừng hoặc luộc chín chấm nước mắm trứng. Đặc biệt, nhiều khách du lịch lựa chọn cải mầm đá để mua về làm quà sau chuyến đi.

Lẩu cá hồi

Lẩu cá hồi

Loại cá nổi tiếng ở Sapa là cá hồi vân (hay cá hồi ráng), chúng được nuôi trong khí hậu mát mẻ quanh năm nên thớ thịt săn chắc, màu hồng đẹp và ít mỡ không thua kém hải sản nhập khẩu. Người dân chế biến cá hồi thành nhiều món ăn khác nhau như sashimi, cá hồi nướng... Trong đó, lẩu cá hồi là lựa chọn yêu thích của nhiều du khách. Phần xương và đầu cá sẽ được ninh thành nước dùng, khi ăn kết hợp kèm các loại rau đặc sản. Món ăn trở nên tuyệt vời hơn khi cùng bạn bè tụ tập thưởng thức giữa cái lạnh thấu da vào mùa đông.

Cá suối nướng

Cá suối nướng

Một món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích là cá suối. Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống… Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.

Thịt xông khói

Thịt xông khói

Thịt xông khói là món ăn phổ biến của các dân tộc thiểu số ở Sapa. Nó được làm từ phần thịt cai, nạc lưng của lợn, trâu, bò, ngựa. Làm thịt xông khói, trước hết ta phải nọc sạch mỡ và gân, các thành miếng vuông dày 2-3cm rồi ướp lá mắc khén giã nhỏ cùng muối hột, ớt, hạt chuối rừng. Thịt xông khói được treo lên gác bếp, hơi nóng và khói bếp sẽ bảo quản thịt không hỏng.


Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến