Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghệ An. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghệ An. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Du lịch Việt Nam thưởng thức 10 món ngon không thể cưỡng lại

Du khách quốc tế khi dừng chân tại Việt Nam không chỉ bị mê mệt với danh lam thắng cảnh, con người thân thiện mà còn bởi những món ăn tuyệt ngon khó lòng cưỡng nổi. Sau đây là 10 món ngon của Việt Nam làm du khách quốc tế “say như điếu đổ”.

Du lịch Việt Nam thưởng thức 10 món ngon không thể cưỡng lại

Phở Hà Nội


Món phở được coi là tinh hoa ẩm thực của người dân Thủ đô. Phở ở đây rất ngon và có nhiều vị như phở bò, phở gà cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng như Phở Thìn, Phở Lý Quốc Sư, Phở Bát Đàn…. Không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân mà phở còn là “đặc sản” mà bất cứ khách du lịch nước ngoài nào đến Hà Nội đều muốn thưởng thức ít nhất 1 lần.

Cháo lươn xứ Nghệ


Món cháo lươn đã trở thành “niềm tự hào xứ Nghệ” với cách chế biến cực kỳ đặc biệt và hương vị tuyệt vời “không nơi mô có được”. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm, ngọt, thấm đẫm gia vị.

Cơm hến Huế


Được đánh giá là món ăn “khơi dậy mọi tế bào vị giác” của người thưởng thức, cơm hến trở thành một biểu tượng của ẩm thực xứ Huế. Món đặc sản này được làm từ cơm nguội trộn cùng bạc hà, hến xào, da heo chiên giòn, đậu phộng và ruốc, mang lại vị đậm đà và cay nồng rất đặc trưng.

Cao lầu Hội An


Cao lầu là một món ngon trứ danh của Hội An. Cao lầu không cần nước lèo, nhưng thay vào là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Để làm thịt xíu người ta chọn thịt đùi heo nạc, ướp gia vị và ngũ vị hương. Còn tép mỡ cũng là một nguyên liệu phụ khác lạ, trước làm bằng da heo chiên giòn, nay thay bằng bột làm sợi cao lầu. Ngoài ra để cho món cao lầu thêm thơm, người chế biến thường thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ.

Bánh căn Phan Thiết


Bánh căn Phan Thiết nổi tiếng bởi thức ăn kèm đa dạng và đậm đà hơn so với địa phương khác. Món ăn nóng hổi dùng kèm cá kho, xíu mại, trứng luộc, tóp mỡ cùng nước sốt cá kho hoặc sốt cà chua. Các loại rau gia vị cũng đa dạng không kém, gồm xoài xanh băm, khế chua, chuối chát, dưa leo, rau húng, xà lách… 

Bánh ướt lòng gà Đà Lạt


Khác với nhiều nơi, bánh ướt ở Đà Lạt ăn với gỏi gà, lòng gà, chính sự khác biệt này đã tạo nên một sự độc đáo của món này nơi xứ ngàn hoa. Bánh ướt bột gạo mềm, lòng gà, thịt gà ta thả vườn giòn dai cùng chén nước chấm chua ngọt, cay cay được pha theo chế theo hương vị đặc biệt của Đà Lạt khiến người ăn phải nghiện.

Cơm tấm Sài Gòn


Cơm tấm là một món ăn sáng rất được ưa chuộng ở Tp. HCM. Cái tên gọi cơm tấm bắt nguồn từ việc loại gạo để nấu thành cơm là tấm, đó là những hạt gạo bị gãy vụn, rớt ra khi sàn gạo. Nhưng ngày nay, món cơm tấm ít dùng hạt tấm mà dùng loại gạo ngon nên chất lượng cơm ngon hơn trước và từ đó cái tên cơm tấm cũng được dùng mà thay vào là “cơm sườn”, “cơm sườn bì chả”. Cơm sườn thường được dùng kèm với rau, cà chua, dưa leo, cải chua và nước mắm chua ngọt hoặc nước tương.

Bánh tằm Ngan Dừa Bạc Liêu


Sở dĩ có cái tên lạ tai này là bởi món bánh tằm trứ danh là sản phẩm của thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Bánh được làm từ bột gạo, se thành sợi nhỏ như con tằm rồi hấp, ăn kèm nhiều thành phần như xíu mại, bì lợn, thịt nạc, đậu phộng rang, dưa chuột, rau sống, tất cả đều thái nhỏ. Sẽ mất ngon nếu bánh tằm xíu mại mà không có nước cốt dừa, cùng với vài muỗng nước mắm chua cay rưới lên trên, khi ăn có hương vị béo ngậy, đậm đà, vui miệng.

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ


Bánh tét lá cẩm là đặc sản ở Cần Thơ. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh nhà họ Huỳnh, đòn bánh tét đơn giản trở nên bắt mắt hơn với màu tím lá cẩm. Bánh tét lá cẩm là một “bản giao hưởng” vị giác nhẹ nhàng nhưng đậm đà, được “tấu” bởi “nhạc công” là từng thành phần giao thoa hoà hợp với nhau một cách vừa phải. Vị mằn mặn của trứng muối khi hòa quyện với vị deo dẻo của bột nếp tạo thành một hương vị đặc trưng không thể lẫn của bánh tét lá cẩm. Phần nhân này của bánh cũng có phần khác hơn bánh tét thông thường là sử dụng nguyên liệu có tôm khô, thịt ba rọi không lựa thịt nhiều mỡ nên ăn có vị mặn vừa phải, không ngán.

Bún cá Châu Đốc


Bún cá là món ăn nổi tiếng ở An Giang, bún cá Châu Đốc không do người Việt sáng tạo mà du nhập từ nước láng giềng Campuchia. “Linh hồn” của món này nằm ở vị nước lèo được nêm nếm từ mắm cá linh và mắm ruốc. Đây là một trong số món ăn bày bán khá phổ biến ở trung tâm Châu Đốc, bạn có thể dùng vào bữa sáng. Nước lèo có màu vàng nhạt do còn có thêm củ nghệ giã nát. Bắc trên bếp lửa riu riu, cá hoà cùng nước hầm xương tạo nên độ hấp dẫn. Ngày nay, nhiều nơi còn hầm thêm xương ống để nước ngọt hơn và phục vụ kèm thịt heo quay. Trong tô bún có các loại rau ở dưới cùng như bông điên điển, một đặc sản từ những cánh đồng miền Tây.


Tổng hợp

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

Những đồi chè được các bạn trẻ check in nhiều nhất hiện nay

Những đồi chè xanh ngút ngàn từ Bắc tới Nam, từ lâu đã làm mê đắm bao khách du lịch, là nguồn cảm hứng cho nhiều bức ảnh đẹp. Thế bạn còn chần chờ điều gì mà không nhanh lên lịch và triển thôi nào.

Những đồi chè được các bạn trẻ check in nhiều nhất hiện nay
Ảnh: "@da.little318, @pursuitofpeacee"

Đồi chè Cầu Đất, Lâm Đồng

Đồi chè Cầu Đất, Lâm Đồng
Ảnh: "VnExpress"

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 23 km về hướng Đông Nam, đồi chè Cầu Đất đã trở thành địa điểm check-in được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Đồi chè xanh trải dài tít tắp, những ngôi nhà nhỏ xinh theo lối kiến trúc Pháp và nhiều quán cà phê thơ mộng là điểm thu hút bậc nhất của nơi này.

Đồi chè Đông Giang, Quảng Nam

Đồi chè Đông Giang, Quảng Nam
Ảnh: "Chudu43.com"

Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 100 km về phía Tây, đồi chè Đông Giang níu chân du khách bởi vẻ đẹp thơ mộng, bát ngát cả một vùng trời. Nơi đây mùa nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất là từ tháng 8 đến tháng 10. Để có được bộ ảnh lung linh ảo diệu, bạn nên đến đây từ sáng sớm, đắm mình trong ánh mặt trời mọc và màn sương huyền ảo.

Đồi chè Pleiku, Gia Lai

Đồi chè Pleiku, Gia Lai
Ảnh: "@storyofthang"

Nơi đây chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước, và cho đến nay chưa lúc nào nó vơi bớt sự quyến rũ đối với hội cuồng chân. Đến đây, bạn tha hồ tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn những con kênh xanh và dõi theo bàn tay thoăn thoắt của những người hái chè. Tất cả sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống như đang trôi thật chậm, thư thái và dễ chịu hơn.

Đồi chè Mộc Châu, Sơn La

Đồi chè Mộc Châu, Sơn La
Ảnh: "Internet"

Mộc Châu nổi tiếng với nhiều đồi chè xanh ngút ngàn. Trong đó, đồi chè trái tim là địa điểm được giới trẻ check-in nhiều nhất. Mùa chè ở Mộc Châu thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong sắc xanh của những đồi chè uốn lượn, tận hưởng không gian trong lành với mùi chè thơm mát. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội diện lên mình những bộ đồ tuyệt đẹp y hệt các cô gái dân tộc vùng bản.

Đồi chè Thanh Chương, Nghệ An

 Đồi chè Thanh Chương, Nghệ An
Ảnh: "@bon.lyk"

Được bao phủ bởi đập Cây Cau nước trong xanh, đồi chè Thanh Chương được gọi với cái tên “Ốc đảo chè” độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Đến đây, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi tại các túp lều quanh đồi chè và thưởng thức những ly chè thơm ngon từ người dân địa phương. Và đặc biệt là sẽ có được những tấm ảnh cùng đồi chè lung linh nhất.

Tổng hợp


Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

9 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An

Cháo lươn, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương… là những món ăn đặc sản rất nên thử khi có dịp đến với xứ Nghệ.Xem thêm: Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Cháo lươn


Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị. Để nấu được món cháo lươn ngon thì trước hết bạn phải chọn được loại lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc. Lươn luộc chín, xé thịt dọc sợi, xào nấu cẩn thận.

Mùi thơm của lươn bay thoảng trong gió khiến chẳng ai có thể cầm lòng được. Nếu đến Vinh, bạn hãy thử món cháo ngon tuyệt này, đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên.

Nhút Thanh Chương

Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.


Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. Người xứ Nghệ sống vì tình vì nghĩa, và phải chăng vì cả món nhút ngọt lành nữa?.

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt…


Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Vị mặn ngọt hòa lẫn tạo ra hương vị đặc biệt của tương, nếu làm nước chấm có dính thêm mẻ đậu thì có vị ngọt bùi.

Bánh bèo

Khác với bánh bèo Huế làm từ bột gạo, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo là nhân tôm hoặc nhân thịt, những con tôm được làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị, khi ăn càng thơm và càng ngọt bùi.


Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon, không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau thơm (rau mùi),… Ăn một miếng bánh bèo, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô và vị thanh mát của rau sống.
Xem thêm: Bánh bèo chén - món ăn dung dị đất Phú Yên

Bánh mướt

Bánh mướt ở Nghệ An nhìn qua cũng khá giống với bánh cuốn ở ngoài bắc nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng và ăn lúc nguội có vị mềm mát, dễ chịu. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn, được cuộn tròn, trắng trong, mềm mịn. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ xay nhuyễn và ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no.


Bánh mướt đơn giản, không cầu kỳ chỉ cần nước bột gạo phải ngon. Bánh mướt có thể ăn cùng bát xáo lòng cũng cực kỳ ngon.

Cháo canh

Cháo canh dường như đã trở thành “thương hiệu” không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Nghệ An. Nét đặc trưng của món này là những sợi bánh được làm từ bột mì. Sợi mì phải mềm và dai, nhúng qua nước ấm rồi để ráo, sau đó trộn với bột gạo.


Tuy nhiên để có một món cháo canh ngon cần phụ thuộc nhiều vào phần nước dùng được hầm từ xương ống. Đợi khi nước xương được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là đã có một món cháo canh ngon lành.

Bánh đa xúc hến

Bánh đa xúc hến là một món nhậu quen thuộc vào những dịp hội họp bạn bè của người dân xứ Nghệ. Hến được đãi từ sông Lam, tách vỏ béo, xào cùng hành mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan trở thành những chiếc thìa xúc hết với hương vị ngọt, bùi, thơm phưng phức đầy quyến rũ. Gia vị để ăn cùng bánh đa là lạc giã dập, rau sống và ớt cho những người muốn thêm chút vị cay nồng cho món ăn này.

Mực nháy nướng Cửa Lò

Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ.


Mùi thơm của mực nướng chấm với gia vị chua chua, ngọt ngọt hoặc chỉ cần tương ớt thôi là đã quá tuyệt vời. Mực nháy nướng ở Nghệ An nằm trong top 10 đặc sản hải sản Việt Nam.

Cam xã Đoài

“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Những vần thơ của Phạm Tiến Duật dường như đã lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An.


Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.

(Theo Báo Đất Việt)

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Điều cần biết khi 'săn' hoa hướng dương ở Nghệ An

Dù không thu phí ở các cánh đồng hoa hướng dương tại Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An, khách đến tham quan vẫn phải đi theo đoàn và có tính tổ chức.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch mùa hoa hướng dương, cải trắng ở Đà Lạt

Nghĩa Đàn là một huyện vùng núi nằm phía bắc của tỉnh Nghệ An, cách Vinh 90 km và Hà Nội khoảng 300 km. Vài năm gần đây, Nghĩa Đàn được biết đến là địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh bên cánh đồng hoa hướng dương. Vườn hoa nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Đến đây bạn sẽ được thả mình trong không gian yên bình của đồng hoa rộng bất tận và chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè.

Thời gian hoa nở

Hoa hướng dương nở vào hai mùa trong năm, tháng 3-4 và tháng 11-12. Thời gian này là lúc hoa nở rộ và đẹp nhất, nên bạn có thể bắt đầu hành trình đến Nghĩa Đàn.

Cánh đồng hoa hướng dương cách thành phố Vinh khoảng 100 km

Di chuyển

Nếu bạn đi xe riêng từ Hà Nội, di chuyển tới Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn Hồ Chí Minh, từ đây chạy thẳng khoảng 200 km là sẽ tới. Nếu đi xe khách, bạn đến bến Mỹ Đình, Nước Ngầm để bắt xe về Nghĩa Đàn. Thời gian di chuyển khoảng 4-5 giờ, giá vé 150.000 - 160.000 đồng.

Từ TP HCM, bạn có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa về Vinh rồi đi tiếp.

Nếu đang ở Vinh, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, xe khách hoặc thuê xe đến Nghĩa Đàn. Từ Vinh, bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường Hồ Chí Minh rẽ phải, chạy theo đường mòn là tới.

Ăn nghỉ

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 là thời điểm khách du lịch đến tham quan vườn hoa rất đông vì vậy bạn nên đặt phòng trước. Du khách có thể qua đêm tại các nhà nghỉ ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm hoặc thị trấn Thái Hòa, bởi đó là những vị trí gần với vườn hoa hướng dương. Nếu không bạn có thể quay về Vinh để nghỉ.
 
Đi du lịch Nghệ An bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản ở đây như cháo lươn, nhút, tương Nam Đàn, mùng muối, cà muối … Khi về, bạn có thể mua kẹo cu đơ để về làm quà cho người thân

Tham quan

Sau khi tham quan, chụp ảnh cánh đồng hoa hướng dương, bạn có thể ghé thăm các địa điểm xung quanh như cánh đồng trồng cỏ Mombasa, cánh đồng ngô ngút tầm mắt với hệ thống tưới tiêu hiện đại, trại bò sữa... Ngoài ra, bạn cũng nên đến Kim Liên để thăm quê Bác.

Cánh đồng hoa thu hút rất đông khách đến chụp ảnh, đặc biệt là cuối tuần. Ảnh:Tuấn Đào

Lưu ý

Cánh đồng hoa hướng dương được trồng để phục vụ chăn nuôi nên du khách được tham quan, chụp ảnh tự do. Vì vậy khi đến hãy giữ gìn, bảo vệ cánh đồng hoa để mọi người cùng được thưởng ngoạn.

Nếu đi xe riêng, hãy đỗ xe theo đúng chỉ dẫn để có lối đi cho mọi người. Không để giấy tờ, tư trang, tiền bạc trong cốp xe để tránh một số kẻ trộm, móc cốp... Tự bảo quản vật dụng mang theo, đề phòng kẻ xấu lợi dụng lúc đông người để lấy cắp.

Khi thuê thang hoặc chụp ảnh, ăn uống, bạn nên hỏi giá trước khi sử dụng tránh trường hợp bị chặt chém.

Vì thời tiết hiện giờ đang nắng nóng bất thường, bạn cần chuẩn bị nón, mũ, ô để bảo vệ sức khỏe.

Khi đến tham quan trang trại bò, cánh đồng cỏ Mombasa, bạn phải đi theo đoàn du lịch, không đi cá nhân, đây là quy định của ban quản lý cánh đồng hoa. Khi đến đó sẽ có hướng dẫn viễn du lịch dẫn bạn đi tham quan.

Võ Tuyết (VnExpress)

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Việt Nam đẹp dung dị trong ảnh nghệ thuật

Chùm ảnh này đang được trưng bày ở triển lãm ảnh 'Vì cộng đồng' tổ chức tại khách sạn Hilton Hà Nội.



Triển lãm diễn ra trong ngày 30/3, trưng bày và bán đấu giá 12 bức ảnh nghệ thuật về đất nước - con người Việt Nam nhằm ủng hộ quỹ học bổng vì trẻ em Việt. "Chiều vàng Tú Lệ" của tác giả Nguyễn Trung Quân là một trong những tác phẩm đó. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mùa vàng của ruộng bậc thang Tây Bắc khiến nhiều người mê đắm.


Hà Nội những ngày mưa như khoác lên mình một tấm áo trầm lắng và huyền bí hơn. Mưa "thổi" vào những con đường, góc phố hương vị tươi mới. Mưa như người nghệ sỹ vẽ lên những bức tranh sống động và lung linh màu sắc hơn. Và mưa cũng viết nên câu chuyện về Hà Nội một sớm bình yên, có người phụ nữ tần tảo mang hoa về làm đẹp cho phố. Ảnh: Cao Anh Tuấn.


Bức ảnh "Mẹ về chợ" ghi lại hình ảnh người mẹ gánh hàng hải sản tới chợ sớm ở vùng biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Cao Anh Tuấn.


Làng gốm Bàu Trúc có lẽ là làng nghề cổ truyền đặc biệt nhất nước Nam. Tại đây, những người phụ nữ Chăm Pa đóng vai trò là “thợ cả”, đàn ông chỉ phụ trợ trong việc làm gốm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Bình.


Những đứa trẻ dân tộc Raglai đón một mùa hè thật khác so với các bạn miền xuôi cùng trang lứa. Công việc hàng ngày của các em là chăn trâu để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.



Tết Trung thu với trẻ em vùng cao (Y Tý, Lào Cai) vẫn là một điều lạ lẫm. Và để những đứa trẻ miền biên ải đón cái tết thiếu nhi trọn vẹn thì còn khó khăn gấp bội phần. Ảnh: Lê Việt Khánh.


Khi hoa lê trắng muốt nở bung và vạn vật đất trời như giao hòa làm một, bà con dân tộc Thái tại Yên Châu, Sơn La bắt đầu một vụ mùa mới - vụ chiêm xuân. Bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến các thửa ruộng tuyệt đẹp nối tiếp nhau như nấc thang dẫn lên thiên đường. Từng đám mạ xanh non đang chuẩn bị gieo xuống mảnh đất màu mỡ, hít no khí trời để vươn lên, trổ ra những bông lúa trĩu hạt. Gieo mạ non không chỉ là gieo xuống sự sống mà còn gieo cả niềm hy vọng cho một vụ mùa bội thu. Ảnh: Lê Hồng Hà.


Những ánh nắng ban mai vẽ nên những vệt dài lao xao trên bờ cát, người và biển cùng hát: rạo rực, xôn xao ở Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Phú Đức.


“Ánh mắt Mường Phăng” đầy ám ảnh trên thung lũng Mường Phăng – cứ địa cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ảnh:Nguyễn Trung Quân.



Bãi rêu Nha Trang đẹp nhất vào mùa xuân, khi loài cây thủy sinh này phát triển mạnh và phủ kín những gồ đá, trông xa giống như những viên ngọc bích khổng lồ nằm lười biếng đợi người mài giũa. Ảnh: Phạm Trọng Cẩn.


Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 150 km, Bắc Sơn là một điểm đến xinh đẹp và yên bình. Du khách chắc chắn sẽ bị hớp hồn bởi những thửa ruộng trải dài khắp thung lũng như một tấm thảm khổng lồ rực rỡ sắc màu của tự nhiên. Từng thửa ruộng đan xen giữa màu của nước, của lúa và của những tia nắng trải dài trong thung lũng tạo nên một "bức tranh thổ cẩm" đẹp đến mê hồn. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.



Bình minh trên đỉnh Du Sinh đã gấp gọn màn đêm u tối. Cả thành phố Đà Lạt bồng bềnh trong sương khói trông thật mê hồn. Ảnh: Nguyễn Tô Minh.


Hà Đan

Bài đăng phổ biến