Hiển thị các bài đăng có nhãn Yên Bái. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Yên Bái. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Lên Suối Giàng uống chè Shan Tuyết

Xã Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) 12km. Là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông, Suối Giàng mang đậm dấu ấn văn hoá đặc thù của bà con dân tộc Mông. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước này một vùng chè Shan tuyết trải rộng trên diện tích khoảng 300ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm.

Lên Suối Giàng uống chè Shan Tuyết

Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khí hậu nơi đây mát lành với nhiều nét đặc trưng của miền ôn đới nên có thể trồng quanh năm các loài rau ôn đới, như cải Mèo, su su và các loại củ, quả khác. 

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng gần giống như Sapa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Mông mến khách, hay dạo chơi dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du theo dòng thác Tập Lang rì rầm nước chảy, cùng chén trà tuyết bốc khói nghi ngút. Một cảm giác lâng lâng, khó tả khiến con người muốn tan chảy trong thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn.

Chè cổ thụ

Chè cổ thụ

Ai đã từng lên thăm Suối Giàng đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Ngay từ những năm 60 người ta đã thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ có độ tuổi từ 200-300 năm, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá xanh ngắt. 

Thức uống thơm ngon bậc nhất 

Thức uống thơm ngon bậc nhất

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết. Giống chè Shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Điều đặc biệt là ở đây toàn bộ khâu thu hoạch, chế biến chè đều được làm thủ công.

Công đoạn chế biến chè

Công đoạn chế biến chè

Thường thì ở Suối Giàng mùa đông không có mặt trời, ngay cả buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Đầu tiên chè tươi hái về, chọn những búp không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ.

Trong quá trình sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào.

Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Được tận mắt nhìn cô gái Mông nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao, mới thấy giá trị của chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống, nó vượt lên là sự thưởng thức, thưởng thức cả cách làm nên hương vị ấy.

Suối Giàng thơm ngào ngạt vào mùa chế biến chè

Suối Giàng thơm ngào ngạt vào mùa chế biến chè

Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp, quyến rũ đến mức ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư vị vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Chè Shan tuyết có tác dụng tốt cho cơ thể, chống ôxy hoá, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái. Không những thế, bà con người Mông ở đây không nói tiếng phổ thông, nhưng họ đặc biệt hiếu khách. Chủ nhân những vườn chè sẵn sàng chia sẻ với du khách những ấm chè ngon do chính tay họ sao và chỉ bảo tận tình cách sao chè sao cho thơm ngon. Du khách như được sống trong một môi trường văn hóa thơm thuần khiết.


Nguồn: Tổng hợp

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Món ngon độc, lạ ở Yên Bái


Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta, tại đây có nhiều điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi danh của các dân tộc Thái, Tày…

Món ngon độc, lạ ở Yên Bái


Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.

Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

Muồm muỗm rang Mường Lò

Muồm muỗm rang Mường Lò

Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. 

Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được.

Lạp xưởng Yên Bái

Lạp xưởng Yên Bái

Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men.

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại. Củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Xôi và cốm tan Tú Lệ

Xôi và cốm tan Tú Lệ

Thung lũng Tú Lệ thuộc phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướp, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thêm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn "say" nơi đây chẳng muốn về.

Nếp tan là thứ gạo nếp rất nổi tiếng, người ta ví, khi đồ thứ gạo này có thể hương thơm bay xa vài trăm mét, bản trên, xóm dưới đều có thể hưởng hương thơm. Vào đầu mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 và tháng 10 hàng năm), may mắn, bạn sẽ được thưởng thức cốm Tú Lệ ngon chẳng kém gì cốm Làng Vòng nức tiếng ở Hà Nội.

Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh chưng đen Mường Lò


Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Mật ong nhãn Văn Chấn

Mật ong nhãn Văn Chấn

Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.

Măng sặt

Măng sặt

Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.

Măng sặt thon nhỏ,  to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món măng này có thể dùng xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của thực khách.

Mắc khén

Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén. Quả mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. 

Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.

Tổng hợp
Nguồn ảnh: Internet 

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Các địa danh đẹp và lạ nên đến trong năm 2016

Nếu bạn là người muốn khám phá những điểm đến mới, không ồn ào thì các địa danh đẹp và hoang sơ dưới đây là lựa chọn hoàn hảo.
Xem thêm: Các chuyến đi nghỉ lễ gợi ý trong năm 2016

Simacai, Lào Cai

Những đồi hoa tam giác mạch màu hồng bạt ngàn ở Simacai. Ảnh: Hachi8

Cách thành phố Lào Cai khoảng 95 km, nằm ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, Simacai là một điểm du lịch hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều du khách trong những ngày đầu năm 2016. Đây là một trong những nơi có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam với những rừng thông vươn thẳng trong giá sương lạnh buốt, những vách đá dựng đứng, các hang động còn nguyên nét hoang sơ và những cánh rừng hoa lan quý bạt ngàn nằm dọc hai bên bờ sông.

Đến với Simacai du khách sẽ được ngắm nhìn dãy núi Quan Thần Sán với độ cao 2.800 m, được thưởng thức đặc sản nổi tiếng mà ai đã từng thử qua thì sẽ nhỡ mãi không quên như rượu ngô Mản Thẩn, thắng cố, thịt lợn sữa, gà đen, vịt Sín Chéng…

Phan Dũng - Tà Năng

Suốt chặng đường đi, bạn sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng ngọn đồi nhấp nhô liên tiếp hiện ra. Ảnh: Trung Đào

Trải dài trên 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh ThuậnBình Thuận, du khách sẽ được đi qua cung đường Phan Dũng - Tà Năng và trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều loại địa hình rừng núi, đồi, suối, thác khác nhau. Với chiều dài khoảng hơn 51 km, đây là một trong những cung đường xuyên rừng đẹp nhất Việt Nam.

Khi đi cung đường, bạn có thể ngắm nhìn hoàng hôn, bình minh hay những con đường mòn đất đỏ bazan như dải lụa uốn lượn giữa triền đồi khi đứng trên 3 ngọn đồi cao nhất nơi đây. Du khách sẽ có cảm giác như lạc vào chốn thiên đường nơi hạ giới, cảm thấy đất trời hòa hợp, không gian và thời gian hoàn toàn tách biệt với nhịp sống hối hả thường ngày. Đôi khi, bạn còn bị choáng ngợp trước sự hùng vĩ, hoang sơ của núi đồi trùng điệp nơi đây.

Hồ Xạ Hương

Hồ Xạ Hương thuộc làng Xạ Hương, xã Quang Minh, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc là một trong những điểm du lịch mới lạ mà du khách nên đến. Là một hồ nước ngọt nhân tạo, rộng khoảng 83ha có nhiều ngách lớn xuyên qua các cánh rừng, du khách sẽ choáng ngợp khi đứng trên đỉnh núi Tam Đảo nhìn xuống mặt nước hồ Xạ Hương giống như một con chim phượng hoàng khổng lồ, quyến rũ đang sải cánh chuyên chở màu xanh của nước, của rừng xuống hạ lưu, ngỡ ngàng trước một màu xanh bát ngát của mặt hồ, của những đồi thông bạt ngàn vây quanh và đá xám xanh hữu tình.

Du khách cũng sẽ bị hút hồn mà quên đường về khi quan sát vô vàn những phiến đá mồ côi với những hình thù các con thú cưng ngộ nghĩnh, thích mắt như đang lăn lóc ngủ say quên cả đất trời. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cảm giác được chèo thuyền giữa mênh mông sóng vỗ, tham gia các trò chơi bơi lội, lặn ngụp tùy thích.

Núi Tả Liên

Phong cảnh rừng cây trên núi đẹp tựa như trong các câu chuyện cổ tích. Ảnh: Hachi8

Với độ cao 2.993 m so với mặt nước biển, thuộc xã Lèng, huyện Tam Đường, Lai Châu, Núi Tả Liên (còn gọi là núi Cổ Trâu) là một trong những ngọn núi có đỉnh cao nhất Việt Nam. Trên con đường chinh phục ngọn núi này, du khách sẽ cảm giác mình như đang bước vào không gian của những câu chuyện cổ tích khi đi qua khu rừng Tả Liên với những tán cây cổ thụ xum xuê, bao thảm hoa trà rụng trắng lối, lá phong đỏ rực và cả thảm rêu xanh quyến rũ một màu tươi mới tạo nên một màu huyền bí, kì lạ.

Và khi lên đến đỉnh Tả Liên, bạn có thể ngắm toàn bộ cảnh thành phố Lai Châu nhỏ bé mà xinh đẹp giữa bốn bề núi non trùng điệp, chiêm ngưỡng khung cảnh rực rỡ, lãng mạn của núi rừng lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn buông xuống.

Miền sơn cước Mã Đà

Thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, miền sơn cước Mã Đà không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử mà còn hấp dẫn du khách bởi rừng nguyên sinh bạt ngàn và hồ Trị An độc đáo.

Rừng Mã Đà được biết đến là nơi cư trú của nhiều động vật hoang dã. Khi đi qua khu rừng, bạn choáng ngợp trước màu xanh của cây cỏ, thỉnh thoảng lại bắt gặp những đàn bướm vàng bay lượn trong không trung và lâu lâu lại nghe những tiếng hót lảnh lót của hàng chục loại chim trời đâu đó trong không gian xanh.

Tất cả tạo nên một không gian huyền bí, ma mị, thích hợp với những du khách ưa thích khám phá và chinh phục. Đến với rừng Mã Đà, du khách còn có thể thưởng thức những món đặc sản làm nên thương hiệu của khu bảo tồn này như tép um rau rừng, khô cá kìm bóp gỏi xoài, cá lăng nướng ăn kèm các loại rau rừng…

Tà Chì Nhù, đại dương trên mây

Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 6 ở Việt Nam. Ảnh: Lê Hưng

Với độ cao 3.000 m, đỉnh Tà Chì Nhù thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là ngọn núi cao thứ 6 ở Việt Nam. Mặc dù có khí hậu khắc nghiệt nhưng Tà Chì Nhù được ví như một đại dương trên mây thu hút rất nhiều bạn trẻ và những du khách ưa khám phá và mạo hiểm.

Trên công cuộc chinh phục ngọn núi này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp mê hồn hai bên đường với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẫm đầy kỳ bí. Đặc biệt, bạn sẽ được đắm mình trong một bức tranh thủy mặc đầy ma lực khi lạc vào ngôi rừng trúc dày đặc đan xen nhau, những cây trúc thẳng tắp lúc ẩn lúc hiện trong màn mây dầy đặc như sương như khói.

Khi lên đến đỉnh núi, bạn sẽ như đứng ở đại dương trên mây, đưa tay ra là có thể chạm vào mây, cảm giác như sờ như nắm được những “miếng” mây đang hiện hữu trong lòng bàn tay vậy. Cả đất trời như được gói trọn trong tầm mắt bạn khiến cho tâm trí bạn mụ mẫm đi, quên hết tất cả để chìm đắm trong bầu không gian hư ảo này.

Săn mây ở Tà Xùa

Những ngày đầu năm này, Tà Xua đang thu hút lượng lớn khách du lịch bất ngờ đổ xô đến. Ảnh:Ngong Hankang

Tà Xùa thuộc địa phận xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái cũng là một trong những điểm dành cho những du khách muốn có cảm giác được đứng trên mây. Đến vơi Tà Xùa vào những ngày mùa đông, tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, bạn sẽ được gặp thung lũng mây, ngắm bức tranh thiên nhiên thơ mộng, tuyệt đẹp với những loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, mọc thành từng thảm hoa phỉ đầy lối.

Đứng trên đỉnh Tà Xùa, bạn cũng sẽ có cảm giác như đang đi lạc vào chốn thần tiên, cảm giác như thời gian ngừng trôi, từng khoảnh khắc trở nên lắng đọng và êm ái hơn bao giờ hết khi được chiêm ngưỡng cảnh biển mây bồng bềnh.

Núi Lảo Thần

Được mệnh danh là nóc nhà của Y Tý với độ cao gần 3.000 m, Lảo Thẩn là địa điểm lý tưởng dành cho những bạn mê trekking, ưa mạo hiểm, thích khám phá, muốn ngắm khung cảnh thần tiên trong những ngày đầu năm khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện một cách ngoạn mục.

Dọc đường lên đỉnh, trong màn sương mờ ảo, trong tiếng hót véo von, lảnh lót của những loài chim rừng, trước mắt bạn là màu trắng tinh khôi của màu hoa Sơn Trà, màu đỏ rực rỡ của khóm cây Đỗ quyên…

Du khách sẽ quên đi những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, sẽ được chìm đắm trong không gian của một bờ biển hoang sơ tuyệt đẹp với sóng mây cùng bầu trời trong xanh, không khí mát lành, giữa đại ngàn trập trùng sóng mây là những dãy núi nhấp nhô.

Đảo Điệp Sơn

Con đường nằm dưới biển độc đáo dẫn bạn ra đảo Điệp Sơn. Ảnh: Phan Lộc

Nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, Điệp Sơn vẫn còn giữ nét đẹp hoang sơ, trong xanh của biển và là một quần đảo còn xa lạ với nhiều người. Đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với một màu xanh của cây cối, màu đỏ thẫm của những mái nhà lợp ngói, bãi biển xanh trong màu ngọc bích, những cánh đồng cỏ lau chạy dài.

Ngoài ra, bạn còn được chiêm ngưỡng con đường mòn giữa biển, nằm dưới mặt nước biển gần nửa mét, có chiều dài lớn nhất Việt Nam 700 m, được tận hưởng không gian thanh bình yên ả nơi đây, thỏa thích ngắm nhìn những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội hai bên. Sáng ngắm cảnh bình mình, chiều chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn buông xuống, lắng nghe tiếng sóng biển thì thầm to nhỏ, mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống dường như tan biến hết.

Vĩnh Hy

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Mù Cang Chải óng ả mùa lúa chín

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) sẽ lại vàng rực rỡ, óng ả.
Xem thêm: Điều cần biết khi săn lúa chín Bắc Sơn


Các ruộng bậc thang ở miền núi phía Bắc chỉ có thể trồng được một vụ lúa mỗi năm nên khoảng thời gian tháng 5-6 là mùa đổ nước và tháng 9-10 mùa lúa chín là thời điểm thích hợp nhất để du khách thăm thú nơi đây.


Có rất nhiều điểm ngắm lúa chín đẹp nhưng được yêu thích nhất chính là quanh khu vực huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi những ruộng bậc thang trải rộng tầng tầng lớp lớp hoặc hình vòng cung đẹp mắt.


Từ trên cao, bản Lìm Mông thuộc xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải đẹp tựa một bức tranh thủy mặc. Để đến được đây, bạn phải vượt qua quãng đường đèo nguy hiểm nhưng khi được chiêm ngưỡng cảnh sắc thì mọi sự mệt nhọc đều đáng.


Cảnh thu say đắm lòng người ở bản Lìm Mông.




Những thửa ruộng được 'nhuộm' màu khiến bạn có cảm giác lạc chân vào cõi mơ.


Để chụp được nhiều ảnh đẹp cũng như tha hồ có thời gian lang thang, dừng chân tại bất kỳ đâu bạn nên chọn phương tiện là xe máy hoặc nếu đi xe khách từ Hà Nội lên thì có thể thuê xe máy tại các cửa hàng hoặc khách sạn, nhà nghỉ.




Với phong cảnh tươi đẹp vốn có của Mù Cang Chải, không khó để những tay nhiếp ảnh không chuyên cũng có thể chụp được những bức ảnh 'để đời'.


Hoặc Tú Lệ cũng là một địa điểm ngắm lúa chín đẹp của Yên Bái. Trên đường lên Mù Cang Chải, đừng quên dừng chân tại Tú Lệ để tắm suối nước nóng hay ăn xôi nếp nổi tiếng.





Tú Lệ vào những ngày nắng vàng rực rỡ của mùa thu.


Hà Đan - Ảnh: Tuấn Đào

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Những câu hỏi thường gặp khi du lịch Mù Cang Chải

Cách Hà Nội gần 300 km về hướng Tây Bắc, Mù Cang Chải, Yên Bái là điểm đến ưa thích của người yêu thiên nhiên và thích thưởng ngoạn không khí vùng cao.
Xem thêm: 6 cánh đồng đẹp mê hồn xứ Bắc

Những câu hỏi sau sẽ giải đáp thắc mắc cho du khách muốn đi Mù Cang Chải.
Thị trấn Mù Cang Chải giữa màn sương vào buổi sáng sớm. Ảnh: Minh Đức.

Thời điểm nào thích hợp để đi

Du khách thường tới Mù Cang Chải vào mùa gặt tháng 9, 10 và mùa nước đổ tháng 5, 6. Đây là hai thời điểm thích hợp nhất để bạn có thể ngắm khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang rực rỡ sắc vàng; hay loang loáng nước như mặt gương soi.

Thời tiết tại Mù Cang Chải thế nào

Khác với khu vực đồng bằng, thời tiết tại các vùng núi rất khó dự đoán và thay đổi liên tục trong ngày. Thường có thể có mưa về đêm, sương mù vào sáng sớm và trời hửng nắng ban ngày. Bạn nên chuẩn bị áo khoác gió và áo mưa khi tới đây, đề phòng những cơn mưa rừng bất chợt.

Di chuyển như thế nào

Bạn có thể tới Mù Cang Chải bằng ô tô hoặc xe máy. Nếu di chuyển từ Hà Nội, thông thường bạn sẽ mất khoảng 8 - 9 tiếng trên xe máy. Bạn cũng có thể bắt xe khách theo tuyến Hà Nội - Than Uyên để đi qua Mù Cang Chải. Tuy nhiên, các điểm tham quan nằm rải rác trên nhiều xã và các bản làng, đi xe máy sẽ giúp bạn chủ động hơn.

Lưu ý gì khi đi bằng xe máy tới Mù Cang Chải

Với địa hình nhiều núi cao và đèo dốc hiểm trở như Khau Phạ, đèo Ách, bạn cần hạn chế tốc độ khi di chuyển. Du khách không nên đi buổi đêm vì tầm nhìn hạn chế cũng như vấn đề an ninh, hỏng xe... trên đèo Khau Phạ.

Bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và các trang thiết bị cho xe. Chú ý tốc độ trên cung đường quốc lộ 32 từ Hà Nội tới Ba Vì, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ vì có nhiều điểm kiểm tra.
Tú Lệ - một địa điểm nên dừng chân nghỉ trên đường từ Hà Nội đi Mù Cang Chải. Ảnh: Minh Đức.

Cần mang những đồ gì

Bạn nên chuẩn bị những đồ dùng cần thiết như quần áo ấm, áo khoác gió, đồ dùng cá nhân, pin và đồ sạc, máy ảnh và điện thoại, giấy tờ tùy thân. Nếu bạn đi bằng xe máy, đừng quên trang bị cho mình mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đồ bảo hộ tay chân, găng tay, dán phản quang.

Khi đi xe máy trời mưa nên mang áo mưa nguyên bộ, máy sấy tóc, bọc giày. Ngoài ra, dừng nghỉ các bản làng, bạn cũng nên mang theo kẹo để tặng trẻ em dân tộc.

Lưu trú ở đâu

Du lịch ở Mù Cang Chải chưa phát triển nên các cơ sở lưu trú chủ yếu dưới dạng nhà nghỉ và homestay. Bạn có thể nghỉ tại thị trấn Tú Lệ, Nghĩa Lộ hoặc Mù Cang Chải. Với mùa cao điểm, giá nhà nghỉ có thể dao động trong khoảng 300.000 - 400.000 đồng một phòng. Nếu chọn homestay, mức giá cho một người là 60.000-100.000 đồng.

Tham quan những điểm nào

Khi tới Yên Bái, bạn có thể kết hợp tham quan Mù Cang Chải với các huyện khác. Qua khu vực Tú Lệ, bạn sẽ tới các bản Lìm Mông, Lìm Thái, cánh đồng Cao Phạ, đèo Khau Phạ.

Sau khi vượt qua con đèo được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của phía bắc Việt Nam, bạn có thể rẽ vào những địa điểm như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, cầu Ba Nhà, bản Thái ở huyện Mù Cang Chải.
La Pán Tẩn với nhiều ruộng bậc thang cao và hùng vĩ nhất Mù Cang Chải. Ảnh:Minh Đức.

Nếu có thời gian, du khách có thể tiếp tục hành trình qua Than Uyên, đèo Ô Quý Hồ và tới SaPa, Lào Cai.

Ăn gì ở Mù Cang Chải

Khi tới Yên Bái và dừng chân ở Mù Cang Chải, bạn có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của người dân tộc Mông, Thái như: xôi ngũ sắc, bánh chưng đen, cá nướng pa pỉnh tộp, bánh dày, gà nướng với lá mắc mật hay thịt trâu gác bếp. Đây đều là những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.

Mua quà gì về

Nếu muốn mua quà lưu niệm cho người thân, bạn có thể chọn táo mèo với giá 20.000 - 35.000 đồng một kg; măng rừng hay cốm giá khoảng 100.000 đồng một kg. Hàng bán ở các quán ven đường Tú Lệ hoặc chợ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải.

Ngoài ra, các sản phẩm dệt may truyền thống cũng rất đa dạng cho du khách lựa chọn với giá cả phải chăng. Hầu hết là đồ được thêu tay của phụ nữ dân tộc. Bạn có thể mua ở chợ phiên Mù Cang Chải (mở cả ngày, họp vào dịp lễ hội).

Bài đăng phổ biến