Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chinh phục vẻ đẹp hùng vỹ Bạch Mộc Lương Tử

Bạch Mộc Lương Tử không chỉ được biết đến là một trong năm ngọn núi cao nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng bởi sự hùng vỹ và hoang sơ đến lạ.


Cao 3.046m so với mực nước biển, từ sau khi có dự án xây dựng hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan, Bạch Mộc Lương Tử trở thành địa điểm thu hút nhiều dân "phượt" ưa thích vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ. Đây là đỉnh núi cao thứ tư tại Việt Nam sau Fansipan (3.143m), Pu Ta Leng (3.096m), Pu Si Lung (3.076m).


Độ phức tạp và mạo hiểm trên hành trình chinh phục khiến Bạch Mộc không dành cho những du khách yếu tim và sợ độ cao, nhưng cũng chính điều này làm nên sức hấp dẫn khó cưỡng của đỉnh núi có cái tên thơ mộng này. Điều thú vị của Bạch Mộc không nằm ở đích đến mà là trên cả hành trình, từ nét hoang sơ của rừng Hoàng Liên đến sự kỳ ảo nơi những ngọn núi hùng vĩ.

Xem thêm: Con đường đặc biệt chỉ xuất hiện vào mùa đông


Lên đến một độ cao nhất định không khó để du khách lạc vào một biển mây bồng bềnh, nơi cảm xúc lắng đọng và thật khó diễn tả. Thời điểm đẹp nhất để đi du lịch sapa thưởng thức khung cảnh thiên nhiên kỳ thú này là lúc bình minh và hoàng hôn, khi mà mặt trời nhô lên giữa biển mây bồng bềnh và khi mặt trời lấp ló sau rặng núi tạo ra thứ ánh sáng kỳ ảo. Bạch Mộc Lương Tử quả xứng đáng mệnh danh là nơi gặp gỡ giữa trời và đất.


Có hai cung đường để chinh phục Bạch Mộc Lương Tử: Một đường từ bản Dền Sung – xã Sin Súi Hồ – huyện Phong Thổ – tỉnh Lai Châu và một đường từ bản Kỳ Quan San – xã Sàng Ma Sáo – huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai. Điều thú vị là hai cung đường với khung cảnh hoàn toàn khác nhau bởi hai sườn của dãy Hoàng Liên Sơn chịu ảnh hưởng của hai luồng khí hậu khác nhau. Bên Lai Châu chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam từ Lào còn bên Lào Cai chủ yếu chịu ảnh hưởng của gió Đông Bắc từ Trung Quốc. Nếu bạn đi một đường và về một đường thì hoàn toàn có cơ hội trải nghiệm hai khung cảnh rất khác nhau, với trời mây, gió, cây rừng và địa hình khác nhau… khiến chuyến đi thêm phần thú vị hơn.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Huế Lăng Cô


Lưu ý khi chinh phục Bạch Mộc Lương Tử:

– Lên lịch trình cụ thể và tính toán kỹ thời gian. Liên hệ trước với người dẫn đường, chỗ thuê xe máy và đặt trước vé xe khách, vé tàu cả hai chiều.

– Nên đi theo nhóm, tốt nhất là với bạn bè có cùng sức khỏe và cố gắng rèn luyện trước khi tham gia leo núi.

– Thời tiết trên núi rất lạnh, cần chuẩn bị nhiều quần áo, khăn, găng tay, tất, túi ngủ, miếng dán nhiệt và thảm cách nhiệt trải nền khi ngủ.

Theo Dulichvietnam

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

Kinh nghiệm du lịch Huế Lăng Cô

Bãi biển Lăng Cô đã từ lâu được biết đến là một trong những bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh đẹp nhất nhì Việt Nam. Với bãi biển dài 10 km, làn nước biển trong xanh cùng những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn. Tất cả những điều đó đã khiến bãi biển Lăng Cô được mệnh danh là biển đẹp nhất hành tinh.


Bãi biển Lăng Cô nổi tiếng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thế Giới như: phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Cố đô Huế. Nằm các thành phố Huế 70 km về phía Bắc và các thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Nam, biển Lăng Cô từng được công nhận nằm trong danh sách những vịnh biển đẹp nhất thế giới ( năm 2009). Điểm du lịch đầu tiên khi mọi người đặt chân đến Huế, và dĩ nhiên bạn cần cân nhắc thời gian, địa điểm thật sự hợp lý nhé!

Thời gian

Bãi biển Lăng Cô các ngày cao điểm thường rơi vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7. Theo kinh nghiệm của người dân, nếu bạn đến Lăng Cô các tháng còn lại sẽ rơi vào mùa mưa ở Huế, khiến cho bãi biển có màu đục từ các sông đổ về. Khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 3 thì biển thường khá lạnh.


Xem thêm : “Đánh thức” những bãi biển đẹp tại Cố Đô

Phương tiện

Máy bay : Bạn ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh bạn đều có thể mua vé các chuyến bay đến Huế, từ đó bạn di chuyển đến Lăng Cô bằng taxi hay xe buýt với quãng đường khoảng 75 km.
Nếu bạn trang bị kinh nghiệm du lịch Huế Lăng Cô và quyết định phượt bằng xe máy hoặc ô tô, bạn có thể đến thành phố Đà Nẵng rồi đi qua đèo Hải Vân đến Lăng Cô khoảng 35 km ( đi đèo) hoặc 15km (đi hầm).
Tàu Hỏa: Một cách khác là bạn có thể chọn tàu hỏa đi đến Đà Nẵng hoặc Huế rồi di chuyển tiếp bằng đường bộ.

Khách sạn tại Lăng Cô

Ở Lăng Cô, bạn có nhiều sự chọn tùy vào mục đích và nhu cầu của bạn 3 sao, 4 sao,… Nhiều khách sạn nổi tiếng như: khu nghỉ dưỡng Lăng Cô Beach Huế, Stork Village Resort Huế, Khách Sạn Ana Mandara Huế, khách sạn Champa Lăng Cô Huế.

Điểm tham quan


Đầm Lập An



Đầm Lập An được biết đến với những cung đường du lịch, một bên là đầm một bên là núi hấp dẫn và những kỷ niệm không bao giờ quên. Bạn có thể tha hồ chụp ảnh và ngắm cảnh với cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hơn nữa, đầm Lập An toàn là vỏ trai ốc, không có bùn, nước lại rất trong vắt.

Bãi biển Chân Mây



Ngay cái tên đã tạo sự thích thú lạ kỳ cho du khách, bãi biển Chân Mây được biết đến không chỉ vì cái tên và còn từ những nét đẹp thật sự của thiên nhiên. Bãi Chân Mây bằng phẳng, cát trắng kéo dài hình vòng cung, cách quốc lộ 1A khoảng 3 km. Bãi tắm nơi đây khá đẹp, tuy nhiên bạn cần lưu ý khi tắm biển vì nơi đây thường không có người cứu hộ.

Đèo Hải Vân



Đèo Hải Vân là nơi phân chia Huế – Đà Nẵng cũng là địa điểm tham quan được nhiều biết đến. Vì ở đây là sự kết hợp tuyệt vời từ thiên nhiên với quang cảnh đẹp nhất. Bạn có thể chụp ảnh tại các lô cốt của Mỹ hoặc Vọng Hải Đài từ thời vua Minh Mạng. Cuối đèo, lúc xuống đến Lăng Cô, bạn sẽ thấy nhiều vòi nước phun lên rất cao (7-8m) ở ven đường rất đẹp. Đấy là nước dẫn từ triền núi xuống, để rửa xe. Bạn có thể vào rửa chân tay, rất thích mà chỉ mất lời cảm ơn thôi.

Vườn quốc gia Bạch Mã



Vườn quốc gia Bạch Mã được biết đến bởi khí hậu mát mẻ, nhiệt độ đẹp từ 40C và cao hơn 260C. Nơi đây là địa điểm thuận lợi cho bạn dạo bộ và thưởng thức không khí đặc biệt từ thiên nhiên núi rừng Bạch Mã. Bạn có ghé và tham quan cụm thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyền, tham quan Vọng Hải Đài và chinh phục đỉnh Bạch Mã.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch chùa Hương mùa lễ hội

Ẩm thực ở Lăng Cô



Đến Lăng Cô bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ăn độc, lạ, tươi, ngon và khá rẻ với các món nổi tiếng như: bánh canh chả cua, mắm sò Lăng Cô, bún riêu càng cua,…
Nếu là người có sở thích về các món hải sản bạn nên đến đầm Lập An để thưởng thức hải sản ngon nhất. Nơi đây nằm ngay giữa biển và núi, là vùng giao thoa của hai dòng nước mặn và nước lợ nên nơi đây có nguồn hải sản dồi dào nổi tiếng khắp vùng như tôm, cá, sò huyết, hàu.

Theo idulich

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Kinh nghiệm du lịch chùa Hương mùa lễ hội

Nếu bạn đang có dự định du lịch chùa Hương vãn cảnh và trẩy hội đầu năm, nhưng bạn đang băn khoăn không biết nên đi thế nào và đi những đâu, ăn gì khi du lịch chùa Hương? Hãy tham khảo một số kinh nghiệm du lịch chùa Hương dưới đây nhé.


Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong dịp đầu xuân. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến, từ những công trình mang dáng dấp độc đáo cho đến những hang động do thiên nhiên tạo ra.

Hàng năm lễ hội chùa Hương kéo dài từ ngày 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch. Nếu đi lễ các bạn nên đi vào mùa lễ hội, nếu đi vãn cảnh chùa và chiêm ngưỡng những kì quan do tạo hóa thì các bạn có thể đi vào bất kì thời gian nào trong năm, trong đó nổi bật nhất là Động Hương Tích được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”.

Xem thêm:Thưởng ngoạn cảnh đẹp kết hợp ẩm thực Hạ Long

Đường đi đến chùa Hương gần và thuận tiện nhất


Phương tiện di chuyển từ Hà Nội tới chùa Hương rất phổ biến như ô tô, xe bus hoặc xe ôm, vì quãng đường không dài nên đa phần mọi người đều lựa chọn đi bằng xe máy, còn những bạn sinh viên thường đi bằng xe bus.

+ Du lịch chùa Hương bằng xe máy các bạn có thể đi theo cách sau:

Đi theo đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương. Hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì. (Lưu ý, khi đi tới đường từ Bình Đà đến Kim Bài đoạn cánh đồng thường có cảnh sát giao thông, bắt cả những lỗi rất nhỏ do đó bạn nên mang theo giấy tờ và có gương nhé)

+ Nếu đi bằng ô tô riêng: Đi theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao thông Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương.

+ Nếu du lịch chùa Hương bằng xe bus: các bạn có thể đi tuyến bus 75 ở bến xe Yên Nghĩa – bến xe Hương Sơn, có giá 25.000 vnđ. Chuyến sớm nhất là từ 6h tại bến xe Yên Nghĩa. Khoảng thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng, tuy nhiên để tới bến Đục đi thuyền lên chùa mất 1km nữa, các bạn có thể đi xe ôm ra bến đò nhé. Hoặc tuyến 78 chạy tuyến bến xe Mỹ Đình – Tế Tiêu, giá vé 20.000 vnđ. Tuy nhiên, Tế Tiêu cách Chùa Hương hơn 12km nên để di chuyển vào rất xa.

(*) Đa phần mọi người thường du lịch chùa Hương 1 ngày, nên khách sạn, nhà nghỉ ở đây thường không phổ biến. Tuy nhiên, nếu các bạn có nhu cầu ở lại qua đêm có thể thuê nhà nghỉ tại bến Đục (bến đò Yến Vĩ).

Giá vé tham quan chùa Hương và kinh nghiệm đi đò


Giá vé chung là 85.000đ/vé/lượt khách, trong đó giá vé tham quan là 50.000đ/vé/lượt và giá đò chất lượng cao là 40.000 đồng/vé/lượt – đò thường là 35.000đ/vé. (Lưu ý, đối với người lớn từ 60 tuổi trở lên mức giá vé giảm 50% chỉ còn 25.000đ/vé/lượt. Nếu trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé thăm quan, trẻ em trên 10 tuổi được giảm 50% (25.000đ/vé/lượt), trẻ em cao 1,2m trở lên mức phí thăm quan tính như người lớn.)

Ngoài ra, nếu có nhu cầu thăm quan thêm các tuyến khác như Long Vân, Tuyết Sơn thì chỉ phải chi trả thêm mức phí đò thuyền là 25.000đ/vé/lượt cho 01 khách. Giá vé cáp treo chùa Hương dành cho người lớn và trẻ em khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé; một chiều lần lượt là là 90.000đ/vé và 60.000đ/vé. Trong đó, trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.

Kinh nghiệm đi đò khi du lịch chùa Hương: Thường thì có cò đò bám mời chào khách ở khu vực, thậm chí cách xa chùa 20km. Các bạn không nên đi theo cò vì giá vé thường bị chặt chém, nên mua vé ở cổng hội hoặc trực tiếp vào khu vực suối Yến để liên hệ với nhà đò. Vào dịp lễ hội lượng khách thường rất đông, nhà đò thường chở nhiều khách, để tránh bị tăng tiền bạn nên thỏa thuận rõ ràng trước khi đi.

Địa điểm tham quan ở chùa Hương



Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương :

– Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
– Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
– Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
– Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.

Ăn uống tại chùa Hương

Dọc đường từ bến đò tới chùa Thiên Trù hai bên đường có nhiều quán ăn, lưu ý nên hỏi giá trước khi ăn nhé. Đặc sản chùa Hương như dê núi, bò rừng, ngựa, nhím, tê tê…đặc biệt là món rau sắng nổi tiếng chùa Hương.

Xem thêm: Du lịch Vịnh Hạ Long phải thử cho bằng hết 7 trải nghiệm thú vị này

Kinh nghiệm mua sắm ở chùa Hương


Các bạn nên sắm lễ trước khi đi vì nế mua trên chùa thường rất đắt. Tại chùa Hương có nhiều món đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng…trước khi mua nên kiểm tra chất lượng cũng như số lượng. Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc vậy nên hãy cẩn trọng.

Một số lưu ý khác khi du lịch chùa Hương

Nên vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ.
Vào mùa lễ hội thường rất đông đúc nên bạn hãy bảo quản hàng lý tư trang cẩn thận, tránh bị kẻ gian thừa dịp cao điểm móc túi, đánh cắp đồ.
Trang phục đứng đắn, lịch sự, không nên có những cử chỉ khiếm nhã cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong chùa.
Nên đi theo nhóm, nhiều người để tiết kiệm chi phí đi đò…
Mang theo những đôi giày thể thao thay vì giầy cao gót để bảo vệ đôi chân.
Đặc biệt hãy cảnh giác với những trò đỏ đen bịp bợm mà mất tiền oan.

Theo Dulich9

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Nghìn guồng quay tơ vàng trên phố đi bộ Hà Nội

Được trang trí với 1.000 guồng quay tơ vàng óng trên cao, phố đi bộ Đào Duy Từ giống như một con đường tơ lụa độc đáo, lạ mắt để chào mừng Ngày Di sản...


Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, phố đi bộ Đào Duy Từ được khoác lên mình "tấm áo choàng" vàng óng bởi 1.000 guồng quay tơ trên cao.


Đây là ý tưởng của Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhằm tôn vinh làng nghề, phố nghề truyền thống trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam. Chủ đề năm nay lấy nghề thêu làm điểm nhấn xuyên suốt, gồm có thêu truyền thống và thêu cung đình.

Guồng quay tơ hay còn được gọi là phưởng xa, xa tơ hay vay là một dụng cụ truyền thống quen thuộc của nghề thêu Việt Nam, thường được làm bằng tre, hình tròn giống như một chiếc bánh xe.

Nhân viên của Ban quản lý phố cổ đã dành tới 3 đêm để có thể treo hết 1.000 phưởng xa lên cao, chạy dọc 200 m tuyến phố và chính thức khai mạc vào tối ngày 18/11.


Ngoài guồng xe tơ, một số hàng quán Kinh doanh trên phố Đào Duy Từ cũng được treo trưng bày những chiếc lọng vua, lọng chúa trên mái hiên.


Suối tơ vàng óng sẽ được trưng bày cho tới hết ngày 27/11.


Du khách phương tây tỏ ra lạ lẫm và thích thú khi tản bộ qua phố Đào Duy Từ, dưới suối tơ rực rỡ.


Sự độc đáo nơi đây cũng khiến cho các tour xích lô chở khách Du lịch lựa chọn ghé qua nhiều hơn.


Khác biệt hoàn toàn với đặc trưng của nghề thêu truyền thống được trang trí trên phố tạo ra sự thân thuộc gần gũi thì bên trong Triển lãm Nét Xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ lại là hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của nghề thêu cung đình xưa.


Tầng 1 là nơi tái hiện không gian sống cung đình xưa, các bộ hoàng bào trưng bày được phục dựng theo nguyên bản bởi nghệ nhân Vũ Giỏi (làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Hội), người đã có hơn 30 năm theo đuổi, gìn giữ nghề thêu cung đình.


Sử ghi, ông tổ nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (18/1/1606) sinh tại trấn Sơn Nam nay thuộc làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637) và được cử đi sứ Trung Quốc năm 40 tuổi. Trong thời gian ở sứ, ông học được nghề thêu, khi về nước ông truyền dạy và phát triển nghề cho nhân dân.


Nằm tại chính giữa là tấm áo long bào Mây Lam được phục dựng nguyên bản theo long bào của vua Đồng Khánh từng mặc.


Những hoa văn tinh xảo được thêu trên long bào thể hiện sự tỉ mỉ công phu cũng như tay nghề cao của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.


Bên góc phải là phượng bào Hoàng hậu Nam Phương.


Treo trên cao là một số bản sắc phong, ấn chỉ xưa được thêu rồng phượng.


Song hành cùng triển lãm trưng bày nghề thêu trên phố Đào Duy Từ, một số hoạt động khác như giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống, giới thiệu không gian văn hóa Đạo Mẫu, văn hóa Trà Việt cũng được tổ chức tại các điểm như Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây...








Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Ngày xuân tìm về nghệ thuật trống trận Tây Sơn

Quê hương Bình Định có bề dày truyền thống văn hóa, là cái nôi của nghệ thuật dân gian bài chòi, tuồng, võ Tây Sơn. Gắn với những loại hình độc đáo, giàu bản sắc này là “trống trận Tây Sơn”, một loại nhạc khí đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất Võ. 


Từ nhiều năm qua, đội nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung biểu diễn bản khí nhạc mang tên “Trống trận Quang Trung”, được cấu trúc thành 3 hồi: Xuất quân, Xung trận- Phá thành và Khải hoàn ca. 


Từ Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vào năm 1989, đã xuất hiện tên gọi “Trống trận Tây Sơn” trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với những tên gọi khác về bộ trống 12 chiếc này, thì gọi trống trận Tây Sơn có sức thu phục hơn cả, bởi bao hàm được cả xuất xứ, tính năng, diễn xướng trong nhạc lễ, lễ hội, trong việc luyện võ, trận mạc. Có thể hiểu rằng, trống trận Tây Sơn vừa là tên của bộ 12 trống, trống võ, vừa là tên của dàn nhạc võ. Đây cũng là tên của tác phẩm khí nhạc nổi tiếng ca ngợi cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng thành Thăng Longvào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. 


Trống trận Tây Sơn có liên quan mật thiết, tương đồng với nhạc tuồng, bài chòi về các mặt: tính năng, kỹ thuật diễn tấu, biên chế dàn nhạc, âm hưởng nhạc điệu. Hầu hết trống trong các dàn nhạc của 3 loại hình nghệ thuật trên đều là trống chiến, nhưng khác nhau về số lượng trống và cách sắp xếp. Về biên chế dàn nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc trống trận Tây Sơn đều có mặt trong dàn nhạc tuồng, chỉ khác trong nhạc tuồng không phải dùng cồng mà là chiêng. Còn trong dàn nhạc bài chòi, ngoài trống chầu và trống chiến, nhị, còn có thêm nguyệt, song loan, sáo, bầu. Về mặt âm hưởng nhạc điệu, các hồi trong tác phẩm khí nhạc trống trận Quang Trung đều lấy, mang âm hưởng từ các bài bản trong nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách, hồi Xung trận- Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã, còn hồi Khải hoàn ca mang âm hưởng của bài trống Ba bảy.


Trống là một nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, chủ yếu giữ nhịp cho dàn nhạc. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trống không có giai điệu, thế mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu rất rõ nét. Tiến hành khảo cứu bộ 12 trống đang được trình tấu tại Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi thấy âm vực của trống (khoảng giữa âm thanh thấp nhất và âm thanh cao nhất) là một quãng tám rưỡi (dung sai nửa cung). Theo thứ tự, trống có kích thước lớn nhất đến nhỏ nhất, chênh lệch nhau từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch cao độ như trên, là một yếu tố tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của trống trận Tây Sơn, có thể trình tấu bản nhạc ở bất kỳ điệu thức 5 âm nào, có chênh một vài cô ma lại càng hay.

Ra đời từ nhạc lễ, võ trống, đượm hào khí Tây Sơn, trống trận Tây Sơn chiết được những nét tinh túy nhạc tuồng, gần gũi với nhạc bài chòi, cùng với những tính năng, kỹ thuật diễn tấu độc đáo, được sử dụng với tần suất cao phục vụ đông đảo người dân, du khách, tham gia nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh. Trống trận Tây Sơn vì thế đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Bình Định… 

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

Du lịch Vịnh Hạ Long phải thử cho bằng hết 7 trải nghiệm thú vị này

Nếu đã lâu rồi bạn chưa đi du lịch Vịnh Hạ Long thì hãy đi nhanh thôi, vì nơi đây vừa có thêm rất nhiều trải nghiệm du lịch cực thú vị đấy.

Ngủ đêm trên du thuyền

Tàu du lịch trên vịnh như một khách sạn thu nhỏ, cũng có phòng riêng, với chăn nệm sạch sẽ, điều hòa, có phòng tắm riêng. Thật thú vị khi bạn vừa có thể thư giãn ngay trong phòng riêng và mở cửa sổ ra bạn sẽ thấy nhìn những dãy núi, nước non hùng vĩ, những chú cá, những chú sứa đang bơi lội ngay dưới cửa sổ phòng và khi đêm đến, bạn cũng có thể lên boong tàu ngắm sao trời, ngắm cảnh biển về đêm.



Thưởng ngoạn du thuyền L’Azalée, du khách sẽ được chèo thuyền kayak miễn phí, tham quan các hang động đá vôi cổ và khám phá hang Sửng Sốt.



Chèo thuyền Kayak


Nếu đi du lịch Hạ Long mà bạn không trải nghiệm qua các hành trình khám phá vịnh bằng thuyền Kayak thì quả là điều đáng hối tiếc. Khi ngồi trên chiếc thuyền Kayak bé nhỏ vừa khua mái chèo trên làn nước xanh, vừa ngắm cảnh thiên nhiên hút hồn, thật là điều giản dị nhưng cũng thú vị không kém.


Vịnh Hạ Long từng được tạp chí National Geographic Adventures bầu chọn là 1 trong 25 điểm du lịch chèo thuyền Kayak hàng đầu thế giới. Ở Hạ Long có nhiều chỗ cho thuê thuyền Kayak (tại bến tàu du lịch, các đảo), giá thuê từ 100.000 – 200.000 VND/giờ tùy loại thuyền 1, 2 hay 3 chỗ.

Ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ

Nếu bạn đã từng trải nghiệm thưởng ngoạn khung cảnh Vịnh Hạ Long trên những chuyến du thuyền mà vẫn chưa thỏa mãn, vì chưa ngắm được những góc nhìn đẹp về Vịnh Hạ Long như trên phim ảnh từng quảng cáo thì không cách gì lý tưởng hơn là ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ


Du lịch bằng thủy phi cơ không chỉ giúp hành khách tiết kiệm thời gian khi di chuyển mà còn đem đến những góc nhìn đẹp của nhiều danh lam thắng cảnh…


Những hình ảnh đẹp đến mức “nghẹt thở” của Vịnh Hạ Long từ trên cao. 

Hiện nay tại Việt Nam hàng không Hải Âu là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ thủy phi cơ với những dịch vụ bay ngắm cảnh cao cấp. Máy bay với 2 chỗ ngồi cho phi công, 12 chỗ ngồi cho hành khách và cửa sổ rộng rãi, giúp hành khách có thể thoải mái ngắm nhìn cảnh đẹp từ trên máy bay và ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Vịnh Hạ Long từ độ cao từ 150 đến 3.000 m so với mực nước biển.


Ngồi trên thủy phi cơ bạn sẽ được nhìn thấy một Vịnh Hạ Long chưa bao giờ đẹp đến thế.

Đặc biệt, tạp chí The New York Times (Mỹ) cũng từng bình chọn ngắm Vịnh Hạ Long từ thủy phi cơ là một trong những dịch vụ du lịch hấp dẫn nhất năm 2015.

Thử sức với bộ môn leo núi

Không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp non nước hữu tình, biển trời thơ mộng, Vịnh Hạ Long với địa hình đa dạng và hiểm trở còn là một thách thức đối với những du khách yêu thích leo núi. Nếu bạn là một tín đồ của môn thể thao mạo hiểm này, chắc hẳn những mỏm đá gai góc, những góc lượn kỳ vĩ của núi non, của vách đá, của hang động tại Vịnh Hạ Long sẽ đem đến cho bạn một cảm giác khao khát được chinh phục.


Khám phá những hang động tuyệt đẹp

Vịnh Hạ Long được nhiều du khách ví như bức tranh thủy mặc của thiên nhiên, được tạo hóa ban cho một vẻ đẹp hoàn hảo. Và ở bức tranh thủy mặc đó, ngoài “nước và đá” như nhiều người thường nói, thì nơi đây còn nổi tiếng với những hang động đẹp và độc đáo. Mỗi hang động của Hạ Long đều mang một cái tên thú vị, gợi cho du khách sự tò mò muốn khám phá như: Động Thiên Cung, hang Sửng Sốt, hang Luồn, hang Đầu Gỗ, hang Hanh,…



Thăm các làng chài trên Vịnh

Rời xa những ánh điện lung linh, xa hoa của các trung tâm thành phố, rời bỏ khỏi cuộc sống xô bồ của chốn thành thị. Các làng chài ven biển ở Hạ Long thật yên bình, trong lành, là điểm đến, điểm dừng chân lý thú cho các du khách. Điểm đến cho hoạt động trải nghiệm này có thể là Hợp tác xã Vạn chài Hạ Long tại làng chài Vung Viêng, làng chài Cửa Vạn, làng chài Ba Hang… Bạn có thể thuê thuyền nan ngay tại bến tàu du lịch Hạ Long.

Đi cáp treo ‘xe bus 2 tầng’

Ngày 25/6 mới đây, hệ thống cáp treo Hạ Long được khánh thành và đi vào hoạt động sau 2 năm xây dựng. Công trình nằm trong tổ hợp dự án vui chơi giải trí trị giá 6.000 tỷ đồng trải dài dọc bờ biển Bãi Cháy qua tới đồi Ba Đèo (Hòn Gai).

Cabin của cáp treo sẽ xuất phát từ điểm đầu tại phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long), chạy từ vịnh Cửa Lục đến đỉnh đồi Ba Đèo (phường Hồng Gai).


Cột tháp bên đầu Bãi Cháy được xây dựng cao 188,8 m, lập kỷ lục là cột tháp cao nhất thế giới. Cột tháp bên đồi Ba Đèo cao 133 m. Hệ thống cáp treo chỉ có duy nhất 2 cabin, được ví như một chiếc xe buýt hai tầng khổng lồ với sức chứa 230 người/cabin. Bên trong khoang cabin rộng lớn có ghế ngồi, tay nắm, thanh vịn cho khách. Xung quanh là những ô cửa kính lớn giúp khách ngắm nhìn trọn vẹn vịnh Hạ Long từ trên cao.

Con đường đặc biệt chỉ xuất hiện vào mùa đông

Mùa hè, sông Zanskar chảy ở các hẻm núi sâu của dãy Himalaya nhưng đến mùa đông, nó biến thành một con đường băng đá dày và là lối đi duy nhất ở vùng núi hiểm trở và biệt lập này.

Biệt lập trong hàng thế kỷ

Bao quanh là rất nhiều núi cao của dãy Himalaya hùng vỹ, ước tính độ cao trung bình của các đỉnh núi là 3.600 m, đỉnh cao nhất của khu vực thung lũng Zanskar (Ấn Độ) là 7.000 m nên nơi này bị tách biệt với thế giới bên ngoài trong hàng thế kỷ. Zanskar là một phần của vùng Ladakh mà người dân nhắc đến là: "Vùng đất cằn cỗi và quá cao tới nỗi chỉ có những kẻ thù hung dữ nhất hoặc bạn bè tốt nhất mới muốn đến đây thăm chúng tôi".

Điểm sáng

Nằm biệt lập so với thế giới vì đặc điểm địa lý và không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài, Zanskar vẫn là một trong những thành lũy cuối cùng của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng cổ. Tuy nhiên, thung lũng này dần trở thành một điểm sáng trong vài năm trở lại đây khi BBC tới đây quay chương trình Human Planet. Chương trình nói về những đứa trẻ phải đi bộ khoảng 100 km để tới trường học sau kỳ nghỉ đông.

Những thay đổi

Ban đầu Zanskar là một cộng đồng dân cư nhỏ bé tự duy trì bằng các hoạt động như chăn nuôi gia súc, trồng trọt. Tuy nhiên cùng với những thay đổi, giáo dục dần trở thành ưu tiên hàng đầu, trẻ em được gửi tới các thị trấn lớn như Kargil hay Leh để đi học.
Vào mùa hè, người dân địa phương gửi con cái tới trường, đi buôn bán hoặc tìm việc bên ngoài bằng cách đi qua một con đường có từ năm 1979 để kết nối vùng thung lũng xa xôi với Kargil. Trước khi có đường đi, người dân phải di chuyển rất vất vả vượt qua các địa hình núi cao để ra ngoài vào mỗi mùa hè.

Con đường băng thay thế

Vào mùa đông, tuyến đường dài 230 km xuyên qua vùng núi cao 5.000 m gọi là Penzi La không thể sử dụng được vì những đợt tuyết lớn. Tuy nhiên, người dân Zanskar đã có một lối đi để ra khỏi thung lũng dù thời tiết lạnh lẽo. Đó chính là dòng sông Zanskar khi bị đóng băng ở nhiệt độ - 40 độ C, nước sông đông cứng tạo lớp băng dày trên bề mặt. Mọi người gọi đây là Chadar, liên kết Zanskar với các vùng bên cạnh vào các tháng đông giá lạnh.

Xem thêm: Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Sự phức tạp của băng đá tự nhiên

Từ lớp băng cứng trải rộng khắp vùng, tuyến Chadar bao quanh cả một khu cảnh quan khổng lồ. Dòng chảy nhanh sâu phía dưới các phiến băng và điều kiện thời tiết tạo ra áp lực cực lớn lên bề mặt băng đông cứng.

Nghệ thuật đi bộ trên băng

Tuyến đường bằng băng Chadar dài chừng 100 km là lối đi duy nhất cho những người dân sống trong vùng thung lũng hẻo lánh Zanskar. Sự di chuyển này chỉ diễn ra vào khoảng tháng 1, 2 dù khi đó điều kiện tự nhiên thử thách con người với bề mặt sông vừa tan vừa đóng băng. Tuy vậy, người Zanskar vẫn đi bộ ở khu vực tưởng chừng không thể vượt qua này.

Kỹ năng đi trên mặt băng

Đối với người ở nơi khác tới phải mất khoảng 7 - 10 ngày mới đi hết Chadar, tuy nhiên đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ Zanskar chỉ tốn 4 ngày di chuyển. Họ mang theo hành lý bằng một chiếc xe gỗ kéo. Họ kéo chúng qua mặt sông đóng băng một cách nhanh nhẹn, rất hiếm khi bị trượt, ngã.

Cầu nguyện cho chuyến đi an toàn

Ở vùng đất khắc nghiệt, niềm tin kiên định trở thành một chỗ dựa vững chắc. Người Zanskar tin vào các vị thần sẽ phù hộ cho họ khi vượt qua chặng đường khó khăn một cách an toàn. Họ treo rất nhiều cờ, cắm hương trầm và khata (một loại khăn truyền thống trong các lễ hội) bên lề đường.

Nơi trú ẩn tránh lạnh giá

Những vách đá bao quanh con sông băng trong hẻm núi ẩn chứa một số động nhỏ có thể trở thành nơi ở tạm thời cho người dân trên đường di chuyển. Dân bản xứ đã dùng các hang này từ hàng thế kỷ qua như điểm tạm dừng, họ nói rằng những không gian nhỏ này khá là ấm cúng và có thể giữ nhiệt.

Những mối đe dọa tới vùng hoang dã

Từ xưa, khi con đường băng giá hình thành từ mặt sông vẫn còn là một cảnh tượng thiên nhiên hoang tàn. Nơi đây chỉ xuất hiện một số loài vật như cừu xanh hay báo tuyết. Ngày nay, con người đã có mặt ở hầu hết các chặng của tuyến đường. Chadar được mệnh danh là "tuyến trekking hoang vu nhất trên thế giới", tuy nhiên các tác động thương mại và du lịch đang đe dọa hệ sinh thái nhạy cảm và nền kinh tế của khu vực.

Xem thêm: Hành trình theo chân các nhà thám hiểm vĩ đại

Tác động từ biến đổi khí hậu

Năm ngoái, một vụ lở đất ở gần sông Zanskar đã làm cho tuyến đường bộ bị đóng cửa suốt mùa đông. Năm nay, băng không hoàn toàn đông cứng làm cho người dân địa phương chờ hoặc buộc phải vượt qua vùng nước lạnh. Với một con đường mới đang xây dựng và nhiệt độ tăng lên từng ngày, tuyến đường bằng băng đá tuổi đời hàng thế kỷ của vương quốc cổ đại ở Zanskar sẽ sớm chỉ còn trong truyền thuyết.


Theo BBC, Vnexpress

Bài đăng phổ biến