Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ngoài việc nắm vững những nghiệp vụ cần thiết, bạn cần có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội…


Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Kiến thức chính trị

Đối tượng khách du lịch thường rất đa dạng về quốc tịch, độ tuổi, nghề nghiệp, quan điểm chính trị… cho nên hướng dẫn viên du lịch cần phải nắm vững đường lối lãnh đạo của đất nước, đặc biệt là chính sách đối ngoại để định hướng quan điểm một cách đúng đắn. Những hiểu biết về tình hình chính trị trong nước và thế giới sẽ giúp các HDV tránh gây ra những hiểu lầm sai lệch cho du khách và không bị những du khách có đồ xấu lôi kéo. Do đó mà các HDV cần theo dõi các biến động về chính trị được báo chí cập nhật hàng ngày.

Kiến thức kinh tế

Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp phải hiểu biết về quá trình phát triển kinh tế của quốc gia cũng như của địa phương có các điểm du lịch; các thủ tục trong hoạt động kinh doanh, quản lý kinh tế… Những kiến thức này sẽ giúp HDV có thể hướng dẫn hoặc thực hiện việc ký hết các hợp đồng, thanh toán chí phí… một cách dễ dàng.

Kiến thức về lịch sử - địa lý - văn hóa

Đây là phần kiến thức bắt buộc mà các hướng dẫn viên du lịch cần phải biết và am hiểu kỹ càng. Đó là những thông tin về quá trình hình thành, lịch sử phát triển của quốc gia, điểm du lịch; những đặc trưng văn hóa; những lễ hội nổi bật; những yếu tố địa lý khác biệt,… Khi xâu chuỗi được những kiến thức này, sẽ giúp các HDV du lịch có được cái nhìn hệ thống, toàn cảnh về quốc gia, địa phương… để từ đó dễ dàng trả lời được những câu hỏi thắc mắc của khách du lịch.

Kiến thức về luật pháp, tập quán địa phương

Tất nhiên những kiến thức về luật pháp hay tập quán địa phương không thể được “nhồi nhét” trong ngày một ngày hai mà cần được tích lũy qua một quá trình học hỏi, trải nghiệm với nghề, nhưng những thông tin - kiến thức cơ bản về luật cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh.. thì hướng dẫn viên cần phải biết.

Kiến thức y tế

Chẳng ai có thể đảm bảo rằng, trong quá trình dẫn khách đi tour, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của khách xảy ra. Do đó mà HDV du lịch cần trang bị có mình những kiến thức sơ cấp cứu cho những tình huống có thể xảy ra: đuối nước, điện giật, rắn cắn, ngộ độc thực phẩm, cảm sốt, say nắng, đột quỵ… Hướng dẫn viên càng am hiểu nhiều kiến thức về lĩnh vực này sẽ càng hỗ trợ tốt cho công việc và hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Kiến thức ngoại ngữ

Ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để một hướng dẫn viên quốc tế có thể hành nghề, không chỉ giúp HDV giao tiếp mà còn là phương tiện để học hỏi, tìm kiếm các thông tin tài liệu nước ngoài… Với hướng dẫn viên quốc tế thì cần thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ và có kiến thức cơ bản về 1 ngoại ngữ bổ sung.

Nghề hướng dẫn viên du lịch không chỉ yêu cầu phải hiểu biết sâu rộng mà còn chuyên sâu đúng mảng. Do vậy, muốn trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bạn cần phải đầu tư thời gian học hỏi và tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Nhân viên buồng phòng và quy trình dọn phòng khách sạn

Đối với các khách sạn thì buồng phòng chính là “sản phẩm” mang lại doanh thu đáng kể cho cơ sở dịch vụ của mình. Để “sản phẩm” ấy luôn đạt chất lượng tốt nhất làm hài lòng các khách hàng thì vai trò của nhân viên buồng phòng là cực kỳ quan trọng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem lại nhân viên buồng phòng là ai cũng như tìm hiểu về quy trình dọn phòng khách sạn nhé!


Nhân viên buồng phòng và quy trình dọn phòng khách sạn

Nhân viên buồng phòng là ai?

Nhân viên buồng phòng là người chịu trách nhiệm dọn dẹp làm vệ sinh phòng khách theo đúng tiêu chuẩn của khách sạn nhằm mang lại cho người ở sự thoải mái tối đa trong thời gian lưu trú. Nhân viên buồng phòng trực thuộc bộ phận Housekeeping. Đây là bộ phận không thể thiếu với bất kỳ khách sạn nào.

Các bước trong quy trình dọn phòng

1. Chuẩn bị trước khi làm phòng:


– Xem trong báo cáo về tình trạng của phòng cần làm (khách còn ở hay đã check – out)

– Chuẩn bị xe đẩy (trolley) đựng các dụng cụ làm phòng (khăn, mền, bàn chải, dầu gội…) và các dụng cụ để làm phòng (chổi, máy hút bụi…) và đẩy xe đến trước cửa phòng.

– Đối với những phòng khách còn ở thì kiểm tra xem khách có treo bảng DND (Do not Disturb) trước cửa phòng hay không. Nếu có thì ghi nhận vào báo cáo và bỏ qua phòng đó và làm phòng tiếp theo.

– Nếu không có bảng DND thì gõ cửa 3 lần mỗi lần 3 cái và xưng “Housekeeping” và mỗi lần cách nhau khoảng 30 giây.

+ Nếu khách mở cửa thì xin phép làm phòng, nếu khách đồng ý thì thực hiện bước tiếp theo.

+ Trong trường hợp khách mở cửa và không đồng ý cho làm phòng (hoặc đang phân vân) thì xin phép quay lại sau và xác nhận thời gian có thể được quay lại làm phòng cho khách.

+ Nếu không có tiếng trả lời, nhân viên dùng chìa khoá được cấp phát khi vào ca mở cửa nhẹ nhàng (có thể khách đang ngủ hoặc đang trong phòng tắm). Nếu cửa cài chốt bên trong thì nhẹ nhàng đóng lại và quay lại làm phòng sau. Với khách đang ngủ thì nhân viên cũng làm tương tự.

+ Nếu trong phòng không có ai, nhân viên tra chìa khoá vào ổ, mở cửa và tiến hành quy trình dọn phòng.

2. Dọn dẹp giường ngủ:

– Gỡ drap giường, bao gối, bao chăn bẩn ra cẩn thận, phân loại đồ dơ và để riêng gọn gàng.

– Tiếp theo là kiểm tra, điều chỉnh đệm giường cho ngay ngắn, đệm lông vũ và lót giường ngay ngắn, phồng đều, vuốt lót giường cho phẳng.

– Trải drap mới và gấp đầu giường theo tiêu chuẩn

– Lồng bao chăn. Lưu ý: trước khi lồng phải kiểm tra ruột chăn có bị bẩn hay rách không (nếu có thay mới cho khách), xem có đúng chiều hay chưa, đúng loại chăn với phòng đó không?

– Lồng bao gối mới. Sau đó xếp gối ngăn ngắn đầu giường  Lưu ý: cũng giống như khi lồng bao chăn, cần kiểm tra ruột gối có vết dơ không, loại tương ứng với phòng và nhớ tạo độ phồng cho gối.

– Kiểm tra và trải tấm trang trí.

– Vuốt lại, điều chỉnh bao chăn cho phẳng.

3. Dọn vệ sinh phòng tắm

– Giật nước và cho trực tiếp hóa chất vào bồn vệ sinh, để ngâm khoảng 3 phút rồi làm sạch.

– Cọ rửa bồn rửa tay, bồn tắm, kính bằng bàn chải. Chú ý các vị trí kín, khó vệ sinh như xung quanh chân vòi nước, kẽ tường…

–  Lau, rửa bệ vệ sinh

– Xả nước theo trình tự bồn rửa tay, phòng tắm đứng, bồn tắm

– Lau khô gương và các thiết bị trong phòng. Đặt cốc, tách về đúng vị trí sạch trong phòng

– Xếp khăn và các đồ dùng cá nhân ngay ngắn

– Thêm các đồ dùng Amenities, các loại khăn

– Lau sàn nhà tắm sạch sẽ, khô ráo trước khi rời khỏi.

4. Làm sạch phòng ngủ

– Thu dọn các khay thức ăn Room Service, gom đồ khách yêu cầu giặt ủi rồi báo tới các bộ phận có liên quan

– Dọn các loại rác, vỏ chai…

– Lau chùi bụi ở tất cả các cánh cửa (cửa ra vào, cửa sổ, khung cửa)

– Dùng hoá chất lau kính trong phòng

– Phủi, lau, đánh bóng các đồ gỗ, trang trí trong phòng với hoá chất tương ứng phù hợp

– Kiểm tra các thiết bị điện. Báo sửa chữa nếu có hư hỏng, ghi nhận vào báo cáo

– Kiểm tra vệ sinh các vật dụng trong phòng như ly, tách, tủ lạnh

– Ghi nhận các vật phẩm trong quầy minibar khách đã sử dụng và bổ sung đầy đủ

– Hút bụi sàn nhà, dưới gầm bàn, ghế, tủ và đặc biệt các góc phòng

– Bổ sung các vật phẩm Amenities cần thiết cho khách sử dụng hàng ngày (nước suối, trà, cafe, dép đi trong phòng)

5. Kiểm tra trước khi rời phòng

– Kiểm tra lại giường ngủ, nhà tắm và các khu vực đã lau dọn

– Kiểm tra lại các thiết bị điện lần cuối

– Kiểm tra các vật dụng amenities trong nhà tắm, trong phòng ngủ đã bổ sung đầy đủ chưa?

– Ghi nhận vào báo cáo

– Rút chìa khoá từ ra khỏi ổ cắm

– Đóng cửa cẩn thận và kiểm tra xem cửa đã khoá chưa.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Nghiệp vụ Buồng phòng Khách sạn

Với những nhân viên làm việc trong bộ phận Buồng phòng hoặc những bạn có dự định theo đuổi công việc này, đều cần phải nắm vững và thực hiện thành thạo các nghiệp vụ Buồng phòng Khách sạn. Vậy Nghiệp vụ Buồng phòng khách sạn gồm những gì? Hãy cùng Vietravel Training Center tìm hiểu nhé.


Vai trò và quy trình của Nghiệp vụ Buồng phòng

Bộ phận Buồng phòng có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của khách sạn. Nó đảm nhận những công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ của khách sạn. Vì thế, nhằm mang lại trải nghiệm lưu trú tốt nhất cho khách hàng, nhân viên Buồng phòng cần phải tuân thủ chính xác theo Nghiệp vụ Buồng phòng. Đó là những quy trình, thao tác tiêu chuẩn được dàn trải cho từng giai đoạn như: Khách chưa nhận phòng, khách đang ở phòng, khách rời khỏi phòng.

Nghiệp vụ Buồng phòng gồm những gì?

Để trở thành một nhân viên Buồng phòng chuyên nghiệp, bạn phải hiểu rõ và nắm được các Nghiệp vụ Buồng phòng bao gồm: Cơ cấu tổ chức bộ phận Buồng phòng; vai trò trách nhiệm của Buồng phòng; mối quan hệ với các bộ phận khác; các tiêu chuẩn về tác phong, diện mạo cần có của nhân viên Buồng phòng; các thuật ngữ khái niệm thường sử dụng; quy trình làm việc của bộ phận Buồng phòng; quy trình dọn buồng…

Trong đó, sẽ bao gồm các thao tác dọn giường cho khách, sắp xếp chăn gối, trải drap giường chuẩn xác, bố trí các vật dụng gọn gàng. Ngoài ra, Nghiệp vụ buồng phòng còn hướng dẫn cho các bạn cách chuẩn bị và sử dụng các trang thiết bị, công cụ, dụng cụ của bộ phận Buồng phòng như: Xe đẩy chứa vật dụng cần thiết khi lau dọn, máy hút bụi, màn cửa…

Bên cạnh đó, bạn còn được trang bị các kiến thức về phân loại và cách sử dụng hóa chất để vệ sinh buồng của khách. Bởi mỗi loại hóa chất đều có độ tẩy rửa, mùi hương và công dụng khác nhau, nên tùy vào mỗi khu vực mà sử dụng loại chất tẩy rửa cho phù hợp.

Nghiệp vụ Buồng phòng còn hướng dẫn giải quyết tình trạng buồng treo biển “xin đừng làm phiền” quá thời gian quy định trong ca làm việc hay trường hợp khách muốn đổi phòng… Không chỉ vậy, các bạn còn được học các tiêu chuẩn về an toàn lao động, bảo vệ an ninh trong khu vực phòng ngủ khách để bình tĩnh giải quyết tình huống khẩn cấp như tai nạn, mất cắp, hỏa hoạn…

Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành Nhà hàng – Khách sạn đã khiến cho nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản ngày càng tăng mạnh mẽ. Tại các trường đào tạo chuyên ngành Nhà hàng – Khách sạn, Quản lý Buồng phòng được xem là môn học quan trọng mà bất kỳ người học nào cũng phải thành thạo.

Đơn vị uy tín trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực Du lịch – Dịch vụ – Ẩm thực – Nhà hàng – Khách sạn, trường Cao đẳng quốc tế KENT xin giới thiệu đến bạn khóa học Quản lý Buồng Phòng hữu ích cho các bạn trẻ yêu thích công việc Buồng phòng.

Khi tham gia khóa học, các bạn còn được trải nghiệm không gian học tập chất lượng với phòng thực hành được xây dựng mô phỏng theo mô hình khách sạn thực tế, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất giường ngủ, phòng tắm, tivi… Điều này sẽ giúp các bạn không bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường làm việc thực tế.

Bettmeralp, thiên đường mùa đông ở Thụy Sĩ

Dù không nổi tiếng như làng Grindelwald hay Gimmelwald nhưng ngôi làng Bettmeralp (Thụy Sĩ) lại ẩn chứa vẻ đẹp khiến bất cứ ai đến đây cũng phải choáng ngợp.

Bettmeralp, thiên đường mùa đông ở Thụy Sĩ

Ngôi làng không xe hơi


Ngôi làng không xe hơi

Tuy không quá nổi tiếng nhưng ngôi làng Bettmeralp lại được mệnh danh là thiên đường mùa đông những tưởng chỉ có trong truyện cổ tích. Bettmeralp nằm trên một triền đồi cao 2000m nhìn xuống thung lũng Rhône và không có xe hơi di chuyển trong làng.

Cáp treo là phương tiện di chuyển chủ yếu của làng


Đây là một trong số những ngôi làng không xe hơi đầu tiên tại Thụy Sĩ. Để di chuyển, du khách chỉ có cách là đi bộ hoặc đi cáp treo nếu muốn di chuyển đến những vùng lân cận. Điều đó có nghĩa là mọi thứ mà ngôi làng cần, mọi thứ đều phải được vận chuyển lên núi bằng cáp treo bao gồm thực phẩm, nước... Có lẽ cũng chính bởi điều này mà làng Bettmeralp lúc nào cũng bình yên giữa bốn bề là núi cao hùng vĩ.

Thiên đường mùa đông


Ở mỗi thời điểm khác nhau, Bettmeralp đều có một vẻ đẹp riêng. Nếu mùa hè gây ấn tượng với du khách với những màu sắc đa dạng từ cây cối, hoa lá rồi từng căn nhà nhỏ xinh thì vào đông, khi tuyết phủ dày đặc, cả ngôi làng khoác lên mình một màu trắng xóa khiến ai đã một lần chứng kiến cũng đều phải trầm trồ.

Xem thêm: Thụy Sĩ, lãng mạn mùa đông về trên miền cổ tích

Nhiều trải nghiệm thú vị


Du lịch Thụy Sĩ đến làng Bettmeralp, du khách không chỉ được tận mắt thưởng ngoạn phong cảnh mộng mơ của làng Bettmeralp, mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động lý thú như: dạo quanh những cửa hàng nhỏ xinh trên từng con phố, thưởng thức nền ẩm thực đặc trưng của Thụy Sĩ và bắt đầu hành trình khám phá những đỉnh núi chót vót, ngắm nhìn dòng sông băng Grosser Aletschgletscher dài nhất dãy Alps… Vẻ đẹp hiếm có của làng Bettmaralp chắc chắc sẽ khiến bất cứ ai từng đến phải đem lòng mến thương.


Tổng hợp

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Học ngành Quản trị khách sạn có dễ xin việc không?

Quản trị khách sạn là một trong những ngành "công nghiệp không khói" đang thu hút nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều bạn khi đã bắt đầu theo học vẫn chưa định hình được rõ ràng ngành này học nội dung gì, chương trình đào tạo ra sao? Đặc biệt, học ngành Quản trị khách sạn có dễ xin việc không cũng là mối quan tâm hàng đầu khi các bạn bước vào quá trình chọn ngành, chọn trường.


Học ngành Quản trị khách sạn có dễ xin việc sau khi tốt nghiệp không?

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển khối ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn tăng mạnh theo từng năm. Nhu cầu nhân lực ở các ngành này vì thế cũng ngày một lớn, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở cấp bậc quản lý. 
Với những kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghiệp vụ được đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị khách sạn có thể đảm nhận tốt các vị trí công việc quản lý, giám sát, điều hành trong các bộ phận kinh doanh của khách sạn như lễ tân, buồng, quản trị nhân sự, dịch vụ bổ sung, tổ chức sự kiện trong hệ thống các khách sạn trong nước và quốc tế từ 3 đến 5 sao. Cụ thể, các bạn có thể đảm trách các vị trí nghề nghiệp giàu tiềm năng phát triển sau đây:
- Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ khách sạn;
- Chuyên viên thực hiện các chương trình phát triển du lịch, hướng dẫn viên du lịch;
- Tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận lập kế hoạch, điều phối nhân sự như tại các bộ phận như lễ tân, phục vụ, bếp, buồng, hành chính;
- Giám đốc điều hành khách sạn, du lịch;

Sinh viên ngành Quản trị khách sạn có thể làm việc ở đâu?

Với kiến thức chuyên môn vững vàng cùng vốn ngoại ngữ thông thạo, sinh viên tốt nguyện ngành Quản trị khách sạn có nhiều cơ hội làm việc trong nước lẫn quốc tế. Theo đó, các bạn có thể làm việc tại:
- Các khách sạn, resort, khu du lịch, nghỉ dưỡng;
- Các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành trên cả nước;
- Các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông về du lịch;
- Khu vui chơi, giải trí;
- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có đào tạo Quản trị khách sạn,…
- Bộ phận du lịch các sở, ban, ngành.

Hy vọng những thông tin bài viết cung cấp đã giải quyết được khúc mắc Học ngành Quản trị khách sạn có dễ xin việc không? Các bạn có đam mê với ngành Quản trị khách sạn sẽ tự tin hơn với ngành nghề mà mình đã chọn. Chúc các bạn thành công.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

Nghề nào khiến cho bạn được đi đây đi đó khắp nơi trên thế giới? Không những không mất tiền mà còn được trả tiền? Có nhiều nghề như làm báo, nhà thuyết trình... Nhưng một nghề thú vị hơn cả có lẽ là Hướng dẫn viên du lịch Outbound (HDV Outbound).


Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

Những năm gần đây, nghề HDV Outbound được nhắc đến như một nghề hấp dẫn, có nhiều đãi ngộ, điều kiện làm việc "sung sướng", môi trường làm việc đa quốc gia.

HDV theo định nghĩa chung là người sử dụng ngôn ngữ để giới thiệu và giải thích cho du khách hiểu và thấy được vẻ đẹp, nét đặc trưng của các cảnh, điểm văn hóa cũng như thiên nhiên của một vùng, một điểm tham quan cụ thể hay tổng hợp của cả một chuyến đi tại một đất nước hoặc vùng, miền nào đó.

Nói cách khác, HDV là người thực hiện các điều khoản được ký kết trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách hiểu biết thêm về điểm đến (điểm tham quan) thông qua chuyến đi và các thông tin cung cấp cho du khách. Nghề hướng dẫn viên du lịch gồm có HDV Inbound, HDV Outbound và HDV nội địa. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới hoạt động du lịch dành cho HDV Outbound – đưa khách Việt Nam đi nước ngoài.

Về cơ bản, điều kiện tiên quyết để hành nghề HDV là phải có thẻ hướng dẫn. Thứ yếu là hướng dẫn viên phải tự trang bị cho mình một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt và một bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour.

Đối với nghề nghiệp, HDV không được cung cấp những thông tin lệch lạc, vi phạm chính trị và một quy định "bất thành văn" đối với hướng dẫn viên du lịch là không được say xe. Ngoài ra, HDV còn phải hiểu, biết nhiều Luật khác nhau, tập quán địa phương... để hướng dẫn ở mức độ chuẩn mực và thoải mái nhất cho du khách tiếp cận và thích nghi...

Rèn luyện tính cách để thích nghi

Trong nghề HDV, đặc biệt HDV Outbound – luôn làm việc trong những môi trường văn hóa thay đổi, môi trường sống thay đổi, buộc phải rèn luyện cho mình những tính cách cá nhân – điều có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hướng dẫn. Đôi khi nó còn quan trọng hơn nhiều so với việc bạn có nhiều kiến thức, hiểu biết hay không. Có 4 loại tính cách chính của nghề HDV:

- Tính cách Cảnh sát: Khi bạn có tính cách này bạn có xu hướng luôn liệt kê các luật lệ và thông điệp của các vùng, điểm đến và "đe dọa" khách không nên vi phạm. Với tính cách này thì khách sẽ có cảm giác không thoải mái trong khi thực hiện chuyến đi. Điều này tất yếu sẽ làm cho khách không những không còn cảm thấy thú vị trong lần đi đó mà còn có ấn tượng không đẹp cho lần đi sau hay là cho các khách khác.

- Biết tất cả: HDV thuộc loại này thường tập trung vào những gì họ biết và nói quá chi tiết về vấn đề đó cho dù khách có thể không quan tâm đến .Với loại tính cách này, đôi khi khách sẽ cảm thấy tự ái hoặc bị gò bó phải nghe theo những gì HDV trình bày. Do vậy hiệu quả của việc trình bày nội dung hướng dẫn đến cho khách chắc chắn sẽ không cao.

- Máy móc (Robot): Lặp lại thông tin một cách máy móc, thuộc lòng khi giới thiệu với mọi đoàn khách. Thông tin cho giới thiệu cho đoàn trước đoàn sau giống nhau với mọi lúc, mọi nơi đã đưa khách đến. HDV có tính cách thuộc loại này thích với hướng dẫn các phòng trưng bày, khu di tích lịch sử. Trong các chuyến tham quan khám phá thiên nhiên hoặc ở nước ngoài thì việc phát hiện và tìm hiểu những điều bất ngờ, mới lạ mới thật sự hấp dẫn lôi cuốn du khách chứ không phải việc lặp lại mọi thông tin HDV có.

- Chủ nhà: Chào đón du khách như những người khách đến thăm nhà mình. HDV có tính cách này thường rất thân mật, cởi mở trong trò chuyện, trình bày các nội dung hướng dẫn cũng như khi khách hỏi về các nội dung đã có hay chưa có trong kế hoạch của chuyến đi. Với tính cách làm việc như vậy thì khách sẽ dễ có cảm tình hơn và cũng dễ dàng cảm thông hơn với những sai sót có thể xảy ra khi thực hiện hướng dẫn. Đồng thời, khi khách đã có thiện cảm thì người hướng dẫn sẽ dễ có những cơ hội để khách trao đổi những kinh nghiệm hay kiến thức mà khách có được trong quá trình đi tham quan hay trong cuộc sống mà họ tích luỹ được.

Chuyến tham quan hiển nhiên là có hiệu quả nhất nếu hướng dẫn viên thể hiện vai trò chủ nhà. Điều này không phải luôn dễ dàng mà đòi hỏi bạn phải tận tâm và xem như một nghề nghiệp thật sự mới đạt được. Tuy vậy, nếu nhóm khách đã có thích thú thì lúc đó công việc của hướng dẫn viên càng dễ dàng và thú vị hơn. Những T/L thường dễ tạo được tính cách này hơn cả.

Những thử thách

Điểm hấp dẫn của nghề HDV có lẽ ai cũng biết: Đi nhiều nơi, nhiều trải nghiệm, giúp bạn có nhiều kỹ năng sống hơn, gặp gỡ được nhiều người và nhiều nền văn hóa khác nhau.... Đặc biệt là việc đặt chân đến nhiều vùng đất mới trên thế giới, cơ hội trải nghiệm những kỳ thú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, mà không phải người nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên mặt trái của nghề HDV thì không phải ai cũng hiểu:

- Bạn phải đối phó và thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Bạn có thể sẽ mất ngủ 1-2 ngày là điều bình thường.

- Bạn có thể phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách hàng trong chuyến đi, điều này đôi khi khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người gánh chịu.

- Vấn đề lớn nhất của HDV gặp phải chính là vấn đề thời gian. Trừ khi bạn là HDV tại điểm đến địa phương bạn đang sống, còn nói chung dù là HDV loại nào đi nữa bạn sẽ phải vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế, đặc biệt những bạn là HDV Outbound 1 tháng thời gian ở nhà chỉ vài ngày. Đây có lẽ là lý do bạn chỉ nên làm HDV khi còn độc thân?

- Di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc ...khiến cho sức khỏe của bạn ảnh hưởng ít nhiều. Đa số các bạn HDV chuyên nghiệp thường xuyên phải đối phó với các vấn đề về tiêu hóa, stress...

Để thành công thì làm nghề gì cũng cần phải có sự đam mê. Tuy nhiên sự khắc nghiệt và ưu đãi đặc trưng của nghề HDV du lịch cần một sự đam mê và nhiệt huyết nhiều hơn. Bạn muốn đến mọi nơi trên thế giới mà không cần tiền? Hãy làm HDV du lịch.

Bài đăng phổ biến