Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Xứ sở cối xay gió thanh bình ở Hà Lan

Ở phía bắc Hà Lan có một ngôi làng bảo tồn các nhà máy cổ dùng cối xay gió, nằm bên dòng sông thanh bình ở thị trấn Zaandam.
Xem thêm: Hà Lan - Thiên đường của mùa xuân

Zaanse Schans là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Hà Lan, cách thủ đô Amsterdam khoảng 18 km.

Di chuyển tới Hà Lan

Từ TP HCM hoặc Hà Nội bạn có thể mua vé của các hãng hàng không Etihad Airways, Malaysia Airlines, Aeroflot... để bay tới Amsterdam, Hà Lan với giá từ 835 euro (khoảng 20 triệu đồng).

Du khách hạ cánh ở sân bay Amsterdam Schipho rồi vào thành phố bằng cách bắt taxi hoặc tàu điện. Khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Amsterdam là 18 km.
Cối xay gió cổ ở làng Zaanse Schans.

Di chuyển đến Zaanse Schans

Nhà ga xe lửa trung tâm cũng là bến buýt, xe điện chính của Amsterdam. Du khách nên chọn xe buýt để đến Zaanse Schans vì thuận tiện và giá rẻ.

Từ cửa nhà ga trung tâm bạn có thể đón xe buýt 391. Khoảng 30 phút sẽ có một chuyến đến làng cối xay gió với giá 3,5 euro. Thời gian di chuyển khoảng 40 phút. Xuống trạm cuối của chuyến buýt bạn tới luôn cổng vào làng Zaanse Schans.

Hoặc bạn có thể đi xe lửa đến ga Koog Zaamdijk sau đó thong thả đi bộ khoảng 1,6 km đến làng Zaanse Schans.

Ngôi làng cối xay gió

Bước vào làng, bạn sẽ thấy thấp thoáng những chiếc cối xay gió từ đằng xa. Hiện nay, làng có tổng cộng 13 chiếc cối xay gió, trong đó là 6 chiếc cối xay gió cổ nằm dọc theo bờ sông Zaan. Trung bình cứ 16 giây, cối xay sẽ quay hết một vòng nhưng khi gió lớn chỉ cần 10 giây. Một số cối xay gió ở đây có tuổi đời hơn 300 năm.

Trong thế kỷ 17 và 18, có hàng nghìn chiếc cối xay gió dọc theo đê điều hỗ trợ nền kinh tế của Hà Lan bằng cách cung cấp năng lượng cho các nhà máy cưa, nhuộm, dầu... Đến thế kỷ 20, nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, những nhà máy dùng cối xay gió dần biến mất.

Đến năm 1961, Hà Lan bắt đầu phục dựng các kiến trúc truyền thống như những ngôi nhà gỗ màu xanh có khung cửa sổ trắng, một số nhà máy dùng cối xay gió với kích cỡ khác nhau tại ngôi làng Zaanse Schans.
Một đôi guốc gỗ được chế tác tỉ mỉ.

Khi bộ dọc bờ sông Zaan và khám phá những chiếc cối xay gió bạn sẽ được tham quan khu vực bán guốc gỗ truyền thống của Hà Lan. Du khách có thể mua một đôi nhỏ nằm trong lòng bàn tay để đính vào tủ lạnh hoặc làm móc chìa khóa với giá khoảng 2 - 3 euro, đôi lớn hơn để trưng bày trong tủ kính 5 - 6 euro.

Clog là một loại guốc được làm một phần hay toàn bộ bằng gỗ. Có lẽ chỉ ở Hà Lan, guốc gỗ mới đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần đến thế. Theo chuyện xưa kể lại, người nông dân Hà Lan nghèo đến mức phải khoét những miếng gỗ lớn làm thành guốc, với mũi vểnh lên như chiếc thuyền.

Một số lại cho rằng do địa hình Hà Lan trước đây nằm thấp hơn so với mặt nước biển nên vùng đất này luôn ẩm ướt. Thay vì đi giày da như người dân những nước châu Âu khác, người Hà Lan sử dụng guốc gỗ. Trông chúng giống như những chiếc thuyền nhỏ.

Guốc gỗ Hà Lan còn có tên gọi khác là Klomp. Màu sắc cơ bản của họa tiết vẽ trên giày thường là màu đỏ để mô phỏng giày da. Gỗ được chọn để đóng guốc thường là dương tía, liễu hay tần bì… Ngày nay, mặc dù ngành công nghiệp da giày ở Hà Lan đã phát triển song nhiều người nông dân và ngư dân vẫn giữ thói quen đi guốc gỗ.

Phô mai trong cửa hàng De Catherina Hoeve.

Ngoài các cối xay gió và guốc gỗ, điểm hấp dẫn khác của Zaanse Schans là cửa hàng phô mai "De Catherina Hoeve". Du khách sẽ được nghe giới thiệu về cách làm hàng trăm loại phô mai khác nhau. Cửa hàng còn bán cả socola, bánh quế, da cừu… cùng nhiều món quà lưu niệm khác nhau.

Nếu tham quan những bảo tàng mở về đời sống của người Hà Lan, bạn hãy đến xem buổi trình diễn làm giày gỗ bên trong các cửa hàng. Các buổi trình diễn cách nhau một tiếng, thường là miễn phí dành cho du khách. Bạn sẽ được xem cách thức làm nên những chiếc giày thú vị như thế nào.

Ngoài ra, du khách cũng đừng bỏ lỡ trải nghiệm chụp ảnh lưu niệm với các đôi giày trong công viên, vườn hoa, khu du lịch. Đây là một cách “đánh dấu” thú vị nhắc bạn về những kỷ niệm khi đến với Hà Lan.

Thời tiết Hà Lan

Nơi đây có khí hậu đại dương ôn đới, nhiệt độ trung bình 10 - 25 độ C. Mùa đông không quá lạnh, bắt đầu từ gần cuối tháng 12 đến tháng 2, hiếm khi xuống dưới 0 độ C và ít có tuyết. Mùa xuân từ cuối tháng 3 đến tháng 6, mùa hè từ cuối tháng 6 đến tháng 9, trời không quá nóng. Mùa thu từ gần cuối tháng 9 đến giữa tháng 12.Với sự dễ chịu và ôn hòa quanh năm, du khách đến thăm đất nước này dường như không gặp nhiều trở ngại liên quan đến thời tiết.

Lưu ý

Không có nhiều nhà hàng ăn uống tại làng Zaanse Schans nên khi tham quan ở đây cả ngày, du khách nhớ đem theo đồ ăn.

Giá cả quà lưu niệm và phô mai ở làng Zaanse Schans cao hơn bên ngoài.

Ở Amsterdam, trong các cửa hàng lưu niệm thường xảy ra nạn móc túi nên du khách cần chú ý tới tư trang.

Hà Lan là thành viên trong khối Schengen, nếu du khách có visa Schengen thì không phải xin visa Hà Lan khi du lịch ở đây.

Phương Thu Thủy (VnExpress)

Cẩm nang khám phá xứ Thanh

Vùng đất vừa có biển xanh vừa có núi cao và những món ăn độc đáo sẽ khiến bạn hài lòng với những trải nghiệm khó quên.
Xem thêm: Khám phá vẻ đẹp bí ẩn của Campuchia

Thanh Hóa là tỉnh rộng, ở mỗi vùng biển, đồng bằng, vùng núi đều có những điểm đến hấp dẫn.

Di chuyển

Là tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa khá thuận tiện cho việc di chuyển đến. Từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, bạn có thể đi xe khách, tàu hỏa.

Từ các tỉnh phía Nam, có các chuyến bay mỗi ngày đến sân bay Thọ Xuân (cách TP Thanh Hóa 30 km).

Di chuyển trong thành phố và các huyện lân cận đều có các tuyến xe bus để lựa chọn.

Các điểm tham quan

Biển Sầm Sơn cách trung tâm TP Thanh Hóa 16 km, mỗi hè đều đón đông đảo khách tới, các bãi tắm rộng, sóng to, cát mịn. Đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, núi Trường Lệ cũng là những điểm tham quan nổi tiếng.
Biển Sầm Sơn ngày hè thu hút khách du lịch. Ảnh: Mạnh Cường

Biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia) mới được khai thác du lịch, vẫn giữ được những nét hoang sơ. Đặc biệt bạn có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân chài nơi đây.

Biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) có dịch vụ du lịch tương đối phát triển nhưng không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Hãy đi chợ sớm và mua hải sản tươi ngon với giá rẻ, nhờ dịch vụ của nhà dân, bạn sẽ thấy yêu thích nơi này.

Cầu Hàm Rồng bắc qua Sông Mã là một biểu tượng của ý chí và sự kiên cường của xứ Thanh anh hùng, nay thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.

Khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử như điện Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng... Vùng đất Thọ Xuân này có món nem nướng và bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng có thể mua về làm quà.

Thành nhà Hồ, Di sản văn hóa thế giới, thuộc huyện Vĩnh Lộc, được xem là điểm đầu của con đường di sản miền Trung. Tham quan di tích thành cổ sừng sững cùng năm tháng, đừng quên thưởng thức món chè lam Phủ Quảng thơm giòn làm từ gạo nếp, mật mía, lạc, gừng... cùng ly nước chè xanh.
Thành nhà Hồ ngày nắng. Ảnh: Má Lúm

Từ Thành nhà Hồ đi thêm 40 km, bạn sẽ đến suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy). Đây là dòng suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh, có hàng nghìn con cá chen chúc, gắn với những câu chuyện lưu truyền của người dân nơi đây. Gần suối có hang núi rất đẹp, gọi là động Cây Đăng. Trong động có thạch nhũ mang nhiều hình thù đẹp mắt.

Dọc theo cung đường miền tây xứ Thanh có nhiều điểm đến thu hút dân xê dịch như Pù Luông, Kho Mường, bản Nủa, Phố Đòn, Thác Hươu, Cổ Lũng... cùng khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, Thái, Dao...

Ở phía tây nam, cách trung tâm thành phố 36 km, vườn quốc gia Bến En là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với núi, rừng, sông, hồ đa dạng. Đặc biệt ở đây có hồ sông Mực rộng 3.000 ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ. Đi thuyền trên sông và thưởng thức những món ăn từ cá mè, khám phá phong tục tập quán của người Thái là những trải nghiệm đáng nhớ ở Bến En.

Ngoài ra những huyện miền biển như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn cũng có những nét đẹp riêng, những lễ hội của ngư dân và những làng nghề truyền thống như làm chiếu cói Nga Sơn, làm mắm tép...

Ẩm thực

Cũng như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực xứ Thanh đa dạng với các món ăn mang đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau.

Ở các huyện phía tây, có canh lá đắng, cá suối nướng, cơm lam, xôi ngũ sắc. Ở các huyện bán sơn địa như Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn có bánh gai, nem nướng, bánh răng bừa, chè lam...

Các huyện vùng biển có mắm tép Hà Yên, gỏi cá nhệch Nga Sơn, mực khô, các món từ hải sản.

TP Thanh Hóa được xem là “thiên đường” ăn vặt với các món nem chua, chả tôm, bánh khoái, cháo canh, bánh cuốn, ốc hút, chè... ở phố Nhà Thờ, Trường Thi, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa, chợ Tây Thành...

Lưu ý

Khi đến các huyện vùng cao, hãy hỏi người dân về phong tục, thói quen sinh hoạt để tránh những hiểu lầm không mong muốn.

Thanh Hóa là vùng đất rộng, bạn cần lên lịch trình chi tiết cho chuyến đi và các điểm đến để có thể đủ thời gian.

Một số cung đường tham khảo

Hà Nội - Ninh Bình - Nga Sơn - Hậu Lộc - biển Hải Tiến - TP Thanh Hóa - Vườn quốc gia Bến En.

Hà Nội - TP Thanh Hóa - Lam Kinh - Thành nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương - Thạch Thành - Hà Trung - Biển Hải Tiến (Hoằng Hóa).

Hà Nội - Mai Châu (Hòa Bình) - Trung Lý (Mường Lát) - Quan Hóa - Bá Thước - Cẩm Thủy - TP Thanh Hóa.

Má Lúm (VnExpress)

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Một ngày du ngoạn cố đô di sản Jogja

Trong hành trình khám phá đất nước vạn đảo Indonesia, du khách đừng quên ghé thăm Yogyakarta – cố đô thanh bình với những ngôi đền di sản nghìn năm kỳ vĩ.

Xem thêm: Đắm say thiên đường hạ giới Raja Ampat

Yogyakarta (gọi tắt là Jogja) là trung tâm văn hóa đầu tiên của đảo Java, Indonesia, có những ngôi đền nghìn năm huyền bí hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dưới đây là hành trình gợi ý cho chuyến khám phá nhanh ở Jogja trong một ngày.
Jogjo nổi tiếng là một trung tâm của nghệ thuật cổ điển Java tốt và văn hóa như batik, ballet, kịch, âm nhạc, thơ ca và múa rối. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Buổi tối hôm trước: Khởi hành từ Việt Nam đi Indonesia

Từ Việt Nam có nhiều hãng hàng không bán vé máy bay tới Jakarta như: Cebu Pacific, Lion Air, Air Asia, Tiger Airways, Vietnam Airlines… Bạn sẽ khởi hành từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bay đến Kuala Lumpur, Malaysia, quá cảnh. Từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur bay mất 2h5 phút để đến Jakarta. Indonesia có cùng múi giờ với Việt Nam nên rất tiện cho du khách theo dõi thời gian bay.

Đối với dân phượt đặt tiêu chí tiết kiệm lên hàng đầu, bạn có thể chọn bay giờ tối đi Jakarta, nghỉ đêm tại sân bay để sáng sớm đến Jogja. Lưu ý khi bay hãng Air Asia là sảnh đi quốc tế và sảnh đi nội địa ở cùng tầng một của Terminal 3 (Nhà ga số 3) tại sân bay Soekarno Hatta. Do đó, bạn sẽ giảm được thời gian di chuyển giữa các nhà ga và tìm chuyến bay.

Khi đến sân bay Soekarno Hatta ở tầng trệt Terminal 3, bạn xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh Indonesia. Lúc lên máy bay, nhân viên hàng không sẽ phát phiếu khai nhập cảnh và bạn điền đầy đủ thông tin vào phiếu. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, bạn di chuyển theo lối thang cuốn từ tầng trệt lên tầng một và tìm chỗ ngả lưng trong lúc chờ nối chuyến bay nội địa. Sân bay vào ban đêm rất lạnh do hệ thống điều hòa, du khách chú ý mang theo áo ấm, khăn mỏng để giữ ấm và cả miếng nilon trải sàn để nằm.

Sáng sớm hôm sau: Bay từ Jakarta đi Yogyakarta mất một giờ

Làm thủ tục cho chuyến bay nội địa từ Jakarta đi Jogja, lệ phí bay nội địa 40.000 Rupiah (100.000 đồng). Bạn nên đổi sẵn tiền Rupiah (tiền của Indonesia) từ Việt Nam, phòng trường hợp đến sân bay địa phương quá khuya hoặc quá sớm mà các quầy đổi ngoại tệ chưa mở cửa.

7h30 – 8h00: Đến sân bay Adisutjipto (Jogja)

Bước ra phía ngoài, bạn sẽ thấy các quầy của những công ty du lịch và vận chuyển. Du khách có thể gửi hành lý tại quầy của Adipura Transport với giá từ 10.000 Rupiah (25.000 đồng) cho một túi hành lý. Tại đây nhận giữ hành lý từ 7h đến 20h, nếu gửi qua đêm thì giá đắt hơn.

8h30 – 11h: Tham quan quần thể đền thờ Ấn độ giáo Prambanan

Prambanan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1991. Ảnh:Phan Ngọc Hạnh.

Từ sân bay Adisutjipto, bạn đi chuyến buýt 1A khoảng 45 phút đến Prambanan với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Tiếp đó du khách mua vé ở các trạm chờ xe buýt có lợp mái tôn và bao bọc bằng những khung cửa kính. Khi xe đến, bạn xếp hàng cùng người dân địa phương, nhân viên của trạm sẽ soát vé rồi mời từng hành khách bước lên xe.

Khu quần thể Prambanan là đền thờ Ấn độ giáo (Hindu) lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1991. Prambanan gồm có các đền: Prambanan, Sewu, Bubrah và Lumbung, với tháp chóp nhọn điển hình trong kiến trúc đền của đạo Hindu. Ba vị thần tối cao của đạo Hindu được thờ trong quần thể đền Trimurti gồm: thần Sáng tạo Brahma, thần Bảo vệ Vishnu và thần Hủy diệt Shiva. Tuy không đồ sộ bằng quần thể Angkor ở Campuchia và trải qua trận động đất năm 2006, song đến nay, Prambanan vẫn uy nghiêm với những chóp đền cao nhọn cùng các trầm tích rêu phong.

Trước khi vào tham quan đền, bạn sẽ được nhân viên khu di sản cho mượn xà rông in hoa văn, biểu tượng ngôi đền với dòng chữ Prambanan Indonesia để quấn ngang hông, thể hiện sự tôn kính trước khi tiến vào bên trong tham quan ngôi đền. Nhờ chiếc xà rông này, bạn sẽ có được những bức ảnh đẹp và ấn tượng. Giá vé vào tham quan là 171.000 Rupiah (430.000 đồng), nếu có thẻ sinh viên quốc tế sẽ được giảm còn một nửa.

11h30 – 16h: Chiêm ngưỡng quần thể Phật giáo Borobudur

Di sản thế giới Borobudur tọa lạc cách trung tâm Jogja khoảng 42 km và được mệnh danh là “ngôi đền quyến rũ”. Cùng với Prambanan, quần thể Phật giáo Borobudur đã chứng minh quá khứ vàng son của đạo Phật và đạo Hindu tại Indonesia. Theo tiếng cổ, Borobudur có nghĩa là "đền thờ Phật trên núi". Đền Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm từ thế kỷ thứ 8, dưới vương triều Syailendra sùng đạo Phật. Đền được xây trên đỉnh đồi, giữa vùng đồng bằng, phía sau là một dãy núi, khiến cho ngôi đền nổi bật.

Quần thể đền Borobudur gồm nhiều tháp nhỏ bao bọc xung quanh một tháp chính cao 42 m với 12 tầng tháp. Để lên đến đỉnh tháp cao nhất, du khách phải trèo lên các bậc thang và đi qua các hành lang của 12 tầng tháp với tổng chiều dài 5 km. Mỗi tầng tháp có những bức phù điêu chạm trổ tinh tế mô tả đời sống của đức Phật và trần thế.
Borobudur được mệnh danh là ngôi đền quyến rũ. Ảnh: Phan Ngọc Hạnh.

Để đến Borobudur, bạn đi ba chuyến xe buýt. Chuyến thứ nhất đi từ Prambanan đến trạm Jombor mất 30 phút với giá 3.000 Rupiah (8.000 đồng). Chuyến kế tiếp đi từ trạm Jombor đến trạm Mengui tốn thêm 30 phút với giá 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau cùng, bạn đi xe từ trạm Mengui đến trạm Borobudur (gần tu viện Phật giáo Mendut) mất 15 phút với 2.500 Rupiah (5.000 đồng).

Tại khu vực cách ngôi đền một km có nhiều xe ngựa tập trung. Nếu không muốn đi bộ từ chỗ đó đến trước cổng đền, bạn có thể thuê một chuyến xe ngựa chở được 4 khách với giá 5.000 Rupiah (12.500 đồng). Giá vé vào tham quan đền Borobudur là 190.000 Rupiah (475.000 đồng).

Quanh khu vực trạm Mengui có những chiếc xe đẩy bán rất nhiều món ăn đường phố đặc trưng văn hóa Indonesia. Bạn có thể thưởng thức món Bakso (mì bò viên, trứng với rau).

16h15 – 19h: Di chuyển từ Borobudur về trung tâm Jogja

Tham quan xong ngôi đền, bạn đi xe ngựa ra bến xe Borobudur gần đó, rồi đón buýt về trạm Jombor 15.000 Rupiah (38.000 đồng). Sau đó, từ trạm Jombor đến sân bay Jogja để lấy hành lý ký gửi lúc sáng sớm với giá vé xe 3.000 Rupiah (8.000 đồng).

19h30: Nhận phòng khách sạn ngay trung tâm cố đô Jogja và nghỉ ngơi

Tối hôm đó bạn nhận phòng và nghỉ ngơi ở Jogja. Sáng hôm sau bạn đón buýt hay taxi ra sân bay Adisutjipto (Jogja) để làm thủ tục bay về hoặc tiếp tục khám phá các điểm đến khác của Indonesia.

Phan Ngọc Hạnh (VnExpress)

Trải nghiệm nên thử trong 24h ở đảo Bali

Với nắng gió chan hòa, bãi biển cát trắng mịn, những ngôi đền đạo Hindu và dải ruộng bậc thang mênh mông..., đảo Bali, Indonesia hứa hẹn sẽ mang lại cho bạn những kỷ niệm khó quên.
Xem thêm: 19 lý do khiến bạn thích mê hòn đảo thiên đường Bali

Du khách đặt chân đến đảo Bali, Indonesia nhất định đừng bỏ lỡ những địa điểm tuyệt đẹp cũng như hoạt động thú vị dưới đây:

Ghé thăm đền Pura Luhur Batukaru

Nằm ngay dưới chân núi Batukaru, Pura Luhur Batukaru là một ngôi đền linh thiêng đối với các tín đồ theo đạo Hindu. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11, là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cư dân bản địa. Một số nơi trong đền sẽ đóng cửa tham quan và chỉ mở vào các dịp lễ đặc biệt của đạo Hindu.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh rờn của ruộng bậc thang Jatiluwih

Một tiếng đồng hồ sẽ cho phép bạn tha hồ chụp ảnh và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút hồn của ruộng bậc thang Jatiluwih. Nơi đây được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nơi thú vị cho bạn thư giãn giữa không gian thiên nhiên xanh mát. Hãy yêu cầu hướng dẫn viên chia sẻ thêm về “Subak”, đây là một phương thức canh tác nông nghiệp lâu đời của người bản địa.
Ruộng bậc thang Jatiluwih hút hồn du khách bởi vẻ đẹp xanh ngời và bao la của nó. Ảnh: TripAdvisor.

Vừa ăn trưa vừa ngắm cảnh ở nhà hàng Á J Terrace

Bạn thoải mái thưởng thức bữa trưa giống như người dân ở đảo Bali, vừa ăn vừa ngắm cảnh mây trời luôn là một chủ đề hấp dẫn. Nhớ chọn món “nasi goring” (cơm rang) hay “nasi campur” (cơm trộn) để thử.

Đi chợ Pasar Merta Sari

Chợ ở đây diễn ra náo nhiệt và đầy màu sắc, bày bán rất nhiều mặt hàng từ rau quả, gia vị, trái cây,…cho đến những món quà lưu niệm dành cho du khách. Nhớ mua kèm một nải chuối để cho khỉ ăn khi bạn gặp chúng trên đường về.

Giải nhiệt ở thác Gitfit

Gitfit còn có tên gọi khác là thác Sinh Đôi và chỉ mất 15 phút đi bộ từ đường chính. Đây là điểm lý tưởng cho bạn giải nhiệt giữa tiết trời nắng nóng, chìm đắm trên những dòng nước mát lạnh. Trên đường đi, hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn biết tên từng loài hoa, thực vật và hãy mang theo quần áo nếu bạn có ý định tắm hay bơi ở đây.
Đền Ulun Danu Bratan được xây dựng nhằm tôn thờ vị thần nước vào năm 1633. Ảnh: Tâm An.

Tham quan đền Ulun Danu Bratan

Được Vua Mengwi xây dựng vào năm 1633 để tôn thờ vị nữ thần nước Dewi Danu, do đó đền Ulun Danu Bratan còn có tên gọi là “đền nước”. Đây, là điểm đến được du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các ngôi đền còn lại. Đền nằm bên bờ hồ thiêng Bratan, vốn là miệng của núi lửa đã ngưng hoạt động. Nơi đây có khí hậu dễ chịu, thích hợp cho du khách tham quan và chụp cảnh ngoài trời.

Ngắm hoàng hôn ở đền Tanah Lot

Đền Tanah Lot luôn hiện diện trong các ấn phẩm giới thiệu về du lịch ở thiên đường Bali. Tanah Lot gồm 6 ngôi đền xung quanh, được người dân tôn kính là những vị thần bảo vệ Bali thoát khỏi những điều kém may mắn. Hãy cùng người dân Bali đợi xếp hàng để được ban phước lành. Bạn nên cân nhắc thời gian đến đây vào lúc thủy triều xuống thấp mới có thể đi bộ ra đền. Nhớ mang theo máy ảnh cá nhân để ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn.
Đền Tanah Lot và nhà hàng Melasti là hai địa điểm ngắm hoang hôn tuyệt vời. Ảnh:Tâm An.

Ăn tối ngay tại nhà hàng hải sản Melasti

Dù đây không phải là địa chỉ để thưởng thức ẩm thực ở Bali, nhưng đổi lại bạn có thể vừa ngắm hoàng hôn, nhâm nhi vài ly rượu và thưởng thức bữa tối để kết thúc chuỗi ngày dài khám phá hòn đảo xinh đẹp này.

Vĩnh Hy (Theo TripAdvisor)

Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định

Hòa mình vào bãi biển hoang sơ với nước xanh biếc, vững tay lái trên những cung đường quê để thăm một vài làng nghề và trải nghiệm những món ngon, ẩm thực đặc sắc là điều mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm miền đất võ.

Xem thêm: Lễ hội xuân tại đất võ Bình Định

Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định thuộc vùng duyên hải nam Trung Bộ. Du khách đi xe ô tô giường nằm từ Hà Nội đến Quy Nhơn có giá một vé là 570.000 - 650.000 đồng tốn gần một ngày di chuyển. Nếu xuất phát từ Sài Gòn, du khách mua vé khoảng 250.000 – 350.000 đồng và mất 13 giờ ngồi xe.

Ngoài ra, máy bay là lựa chọn hợp lý cho những người muốn tiết kiệm thời gian di chuyển. Hiện nay có các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air khai thác đường bay Hà Nội – Quy Nhơn và Sài Gòn – Quy Nhơn. Giá vé một chiều từ Hà Nội dao động 1,5 – 3 triệu, từ Sài Gòn là khoảng 480.000 – 1,3 triệu.

Dưới đây là hành trình gợi ý 3 ngày du lịch ở Bình Định cho du khách tham khảo.

Ngày 1: Quy Nhơn - Đồi Cát Nhơn Lý - Biển Trung Lương, Vĩnh Hội

Sáng đến thành phố Quy Nhơn, nhận phòng khách sạn và tham quan những địa điểm xung quanh thành phố Quy Nhơn.

8h: Sau khi ăn sáng, du khách đưa xe qua đầm Thị Nại để đến với Nhơn Lý. Ở đây bạn sẽ thả hồn với khí trời lồng lộng gió từ ghềnh Eo Gió và xem sự kiến tạo lạ lùng từ nhiều đụn cát, hay chơi trò trượt cát trên đồi Nhơn Lý.
Người dân đánh cá trên biển Vĩnh Hội.

10h: Tham quan xong, bạn tiếp tục hành trình về với biển Trung Lương, một bãi biển hoang sơ ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Nơi này còn có di tích chùa Ông Núi (còn được gọi là chùa Linh Phong) rất linh thiêng thu hút nhiều du khách thập phương đến viếng thăm.

12h: Tiếp tục hành trình băng qua một con đèo khá ngắn để về biển Vĩnh Hội, nơi này có nhiều hàng phi lao với bãi biển đầy cát trắng tinh. Bạn có thể cắm trại và nghỉ dưỡng cùng bạn bè. Phía sau bãi biển có nhiều lán trại người địa phương dựng lên bán nước giải khát, võng cho du khách nghỉ ngơi. Không gian rất yên tĩnh, không ồn ào và ít bị chặt chém. Bạn hãy thưởng thức hải sản ở đây hoặc nếu đến đúng thời điểm có thể mua hải sản và nhờ người dân chế biến.

15h: Sau khi tắm biển, nghỉ mát thỏa thích, du khách đến xã Phước Hòa thăm tháp cổ Bình Lâm. Đây là một tháp của người Chăm được bảo tồn rất tốt. Cũng trên hành trình trở lại thành phố biển Quy Nhơn, bạn có thể viếng mộ ông tổ nghề Hát Bội – Đào Tấn ở xã Phước Nghĩa. Từ đây chạy thêm một đoạn sẽ gặp thị trấn Tuy Phước, rẽ trái theo quốc lộ 19 về chợ Dinh và tới thành phố Quy Nhơn.

Buổi tối du khách có thể tản bộ ở các công viên, dọc bãi biển trên đường Xuân Diệu với một ly nước mía hay vài hạt hướng dương trong gió biển mát rười rượi.

Ngày 2: Làng Rượu Bàu Đá - Bảo Tàng Tây Sơn - Làng Dệt Hà Ri

7h: Sau khi dùng điểm tâm, du khách có thể khởi hành sẽ đến làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc thuộc huyện An Nhơn thăm quan làng nghề rượu Bàu Đá, sau đó sang làng bún An Thái. Các cơ sở làm bún nằm bên đường nên du khách rất tiện tham quan. Tiếp tục đến bảo tàng Tây Sơn tham quan, chụp ảnh, xem tiết mục trống trận được dựng lại hết sức quy mô.
Cách nấu rượu của người dân làng Bàu Đá.

11h30: Thăm khu du lịch Hầm Hô với những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Tới đây du khách có thể tắm suối, chèo thuyền, ăn trưa với đặc sản chim mía hay các món địa phương khác. Trong buổi trưa ngồi ở các nhà sàn, bạn hãy tận thưởng sự thoải mái khi vừa trò chuyện với bạn bè, vừa nghe chim ca vang trời.

14h: Sau khi ăn trưa du khách tranh thủ hỏi đường về làng Dệt Hà Ri đã được người Bana gìn giữ suốt 100 năm qua tại huyện Vĩnh Thạnh. Từ đây men theo đường cũ về với thủy điện Định Bình, một công trình hết sức quy mô của tỉnh Bình Định.

16h: Quay về Quy Nhơn. Buổi tối đến quảng trường trung tâm thưởng thức cà phê, dạo phố cùng bạn bè, ngắm phố phường, hay thưởng thức đặc sản biển, nem chả, cơm gà...

Ngày 3: Trại Phong Quy Hòa - Ghềnh Ráng - Tháp Đôi - Con đường ẩm thực

7h: Du khách có thể ra biển Quy Nhơn tắm biển sớm hoặc dạo biển. Sau đó về ăn sáng cùng bạn bè hoặc gia đình.

9h: Sau khi ăn sáng sẽ thăm khu du lịch Ghềnh Ráng. Đến đây du khách sẽ viếng mộ Hàn Mặc Tử... và chụp hình ở bãi Trứng, nơi mà trước đây Nam Phương hoàng hậu thường đến viếng thăm.

Từ đây tiếp tục men theo một con đường nhỏ sẽ tới trại phong Quy Hòa, nơi mà nhà thơ danh tiếng Hàn Mạc Tử trút hơi thở cuối cùng. Sau khi đi vòng quanh, du khách có thể ra bãi biển gần đó để ngồi dưới hàng phi lao ngắm biển, thả hồn vào sóng biển mây xanh trong không khí yên tĩnh.
Biển Quy Nhơn xanh mát vào những sớm hè.

11h30: Trở về Quy Nhơn ăn trưa, sau đó đến di tích Tháp Đôi nằm trong trung tâm thành phố. Tháp rất đẹp, tráng lệ và lưu dấu mãi với thời gian. Các cặp đôi thường tới đây chụp ảnh cưới để làm lưu niệm.

15h: Du khách có thể ra đường Ngọc Hân Công Chúa thưởng thức hải sản các loại, bánh canh, gỏi cuốn với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng một đĩa ốc hay tô cánh banh, gỏi cuốn. Đây là địa chỉ bình dân, hợp túi tiền với sinh viên nhưng dần được khách du lịch chọn lựa.

Trở về phòng sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị ra bến xe, nhà ga xe lửa và kết thúc hành trình thú vị.

Thinh Duy Quach (VnExpress)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Măng cuốn nhồi thịt ở Hà Giang

Khi ăn một miếng măng cuốn nhồi thịt, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, đắng của măng kết hợp với béo của thịt và mùi thơm nhẹ từ rau răm.

Xem thêm: Sắc vàng trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Đặt chân đến Hà Giang và khám phá ẩm thực vùng miền, nhiều thực khách vẫn thường tìm thưởng thức món dân dã măng cuốn nhồi thịt.

Để làm món này không quá khó, nhưng quan trọng nhất là phải tìm được nguyên liệu măng vầu. Ở Hà Giang, măng vầu còn gọi là măng đắng, được hái vào khoảng tháng Chạp âm lịch vì khi ấy sẽ dễ chọn được những đọt măng non. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn.

Người ta thường dùng măng để chế biến thành nhiều món như đem đi hầm xương đối với măng củ. Đối với măng cái (măng vầu đã lên tai xanh) thì phần thân sẽ xào tỏi, phần lớp ngoài đem đi cuốn thịt.
Măng cuốn nhồi thịt được trình bày bắt mắt khi hoàn thành. Ảnh: cafestyle

Măng mang về trước tiên sẽ được luộc chín, có nhà kỹ tính còn luộc 2-3 lần, ngâm muối để giảm bớt độ chua và mùi nồng của măng. Sau khi luộc thì vớt măng ra để nguội và đem cuốn.

Phần nhân làm bằng thịt gà được băm nhuyễn trộn với trứng, hành, rau răm và hạt tiêu. Bạn chỉ việc xúc nhân đổ lên lớp măng, cuốn đều tay cho chặt rồi cho vào nồi hấp. Đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra. Vị hơi ngọt pha với chút đắng của măng vầu kết hợp với thịt gà nhuyễn, béo, mùi thơm của rau răm tạo nên món ăn nhẹ nhàng nhưng khá ấn tượng.

Ngoài nguyên liệu thịt gà, nhiều người còn sử dụng thịt heo, nhưng chọn loại thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ để tăng thêm vị ngon. Thịt cũng được trộn với trứng và rau răm, khi nêm nếm không để nhân quá mặn vì như vậy khi cuốn lớp măng sẽ làm măng nhờn nhợn đắng.

Nước chấm cũng góp phần tạo nên linh hồn cho món ăn. Ngày trước người dân thường nấu nước mẻ, cho khoảng ba thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước, gia vị vào là có chén nước chấm mang vị chua chua và thơm. Tuy nhiên bây giờ nhiều người dùng nước chấm tỏi ớt cho nhanh gọn.

Món này cũng thường được dùng để đãi khách quý vào dịp Tết. Chỉ cần một đĩa măng cuốn, cơm nếp chín và rổ rau cải non làm rau ghém là mâm cơm đã được xem là thịnh soạn. Bạn có thể thưởng thức món này ở các tỉnh miền núi phía bắc hay ngay tại Hà Nội ở trên đường Hoàng Ngân, Cầu Giấy. Một phần có giá khoảng 40.000 đến 50.000 đồng.

Lan Thoa (VnExpress)

Mâm gà nướng lu xôi cháy ở Bình Định

Những miếng gà mềm được ướp vị đậm đà, khi cho vào miệng sẽ cảm nhận được chút mằn mặn xen lẫn ngọt dịu, thường ăn cùng xôi cháy và kim chi.

Xem thêm: Món ăn nhất định phải thử ở Đà Nẵng

Cách chế biến của người dân miền Trung lúc nào cũng đậm đà, dễ ăn. Gà nướng lu xôi cháy là món ăn điển hình khi con gà được ướp đều tay, cắn vào sẽ cảm nhận ngay lớp da vừa thơm vừa ngon.
Mâm gà nướng lu xôi cháy ở Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Thảo Nghi

Để chế biến món này, người dân sẽ chọn những con gà ngon, sau đó làm sạch, đem đi ướp gia vị toàn thân và cho vào lu nướng ở nhiệt độ cao trong khoảng một tiếng. Lửa tỏa đều trong lu làm cho gà chín đều, giòn tan và mùi thơm hấp dẫn.

Người đầu bếp cũng túc trực thường xuyên bên lu để bảo đảm gà không bị cháy xém. Gà được đánh giá là ngon khi lớp da giòn bóng, còn thịt bên trong mềm vừa phải.

Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra.

Cuối cùng khi đã hoàn tất từng công đoạn, gà sẽ được chặt ra thành từng phần nhỏ, xếp gọn gàng lên một chiếc mâm bọc giấy bạc, kèm xôi được tạo hình đẹp mắt. Người đầu bếp cũng không quên cho thêm chút rau răm, dưa leo để ăn cùng... Đặc biệt, món mâm gà nướng lu này còn được dùng với kim chi.

Khi ăn, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt dịu và mằn mặn của gà, một chút xôi để trung hòa và kim chi mang đến vị chua... Bạn có thể thưởng thức món này ở quán trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Quy Nhơn. Giá một phần gà khoảng 150.000 đồng trở lên.

Thảo Nghi (VnExpress)

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Gỏi bông súng, món ngon đất Phú Yên

Cọng súng sau khi tước vỏ làm sạch được bẻ thành khúc vừa ăn, trộn đều cùng thịt heo nạc, tôm đất và gia vị để cho ra đĩa gỏi hấp dẫn.
Xem thêm: Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Nếu từng đi qua thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào mùa súng, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh bạt ngàn hoa đua nhau bung nở. Người dân ở đây tới mùa còn đi cắt bông súng, lấy phần cọng đem về và chế biến thành nhiều món đặc sắc miền quê.

Bông súng muối dưa được dùng để kho với cá, thịt. Người dân cũng thường nấu canh chua hoặc rửa sạch đem nhúng vào nồi lẩu sôi. Tuy nhiên, món phổ biến nhất phải nhắc đến là gỏi bông súng (nộm). Những ai phải xa quê thường xuyên hẳn khó lòng quên được hương vị của món ăn này.
Gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, cho thêm ớt vào để tăng thêm vị cay, thích hợp để ăn vào những buổi chiều mát cùng bạn bè. Ảnh: Mỹ Tuyết

Bông súng chọn những cọng tươi, thân mọng nước, mới hái ở bàu về đem rửa sạch cho hết bùn đất, tước bỏ vỏ ngoài, bẻ thành khúc vừa ăn. Tùy khẩu vị mà có thể chọn thịt heo, bò hoặc tôm đất để trộn cùng. Nhiều gia đình thường chọn cả ba thứ thịt ấy để làm món gỏi thập cẩm.

Thịt, tôm trụng (chần) cho chín tái rồi xắt miếng mỏng, riêng tôm có thể để nguyên con đều được. Cho cả bông súng đã sơ chế và tôm, thịt vào nồi, vắt chanh tươi, nêm gia vị tiêu, mắm, ớt, đường vừa đủ và bóp đều. Để thêm chừng 15 phút cho nguyên liệu ngấm kỹ là đã có thể bày ra đĩa, rải đậu phộng rang và rau thơm lên trên. Không nên bóp quá kỹ hay để quá lâu để đảm bảo độ giòn của cọng súng.

Món gỏi vừa giòn, vừa chua the the lại thơm mát rất hợp khi ăn kèm với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng. Ăn món gỏi bông súng, người ta sẽ cảm nhận được dư vị mát lành của đồng quê dân dã. Không chỉ là món ngon cho bữa ăn gia đình, gỏi bông súng còn là món lai rai mỗi khi có khách ghé chơi nhà.
Lê Thương (VnExpress)

Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Số lượng mắt cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên hầu như không ra khỏi địa bàn tỉnh vì chỉ đủ cung cấp cho các quán ăn địa phương. Những nơi khác nếu có thì cách chế biến cũng khó lòng so bì được.
Xem thêm: Sắp có tour ngắm Đà Nẵng từ trực thăng

Phú Yên là một vùng đất được biển cả hết mực ưu ái khi vừa có những khung cảnh tuyệt đẹp, lại thêm phần ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh những món như cá ngừ đại dương cuốn cải xanh chấm tương mù tạt, lẩu sứa, thì mắt cá ngừ đại dương là món mà chỉ cần nhắc đến thôi thực khách đã nghĩ ngay đến Phú Yên.

Tuy là món đặc trưng nhưng mắt cá ngừ đại dương cũng nhiều lần khiến thực khách e ngại với lý do "nhìn to quá trông sợ sợ". Thế nhưng, một khi đã thử qua món này, bạn chắc chắn sẽ vương vấn hương vị ngay khi rời khỏi Phú Yên.

Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50 ký, nên cầu mắt cũng khá to. Đầu bếp thường lấy mắt của cá cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử... Sau đó họ sẽ đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín. Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách.
Khi ăn món này, thực khách sẽ gấp rau thơm thái nhỏ cho vào, trộn lên và dùng. Ảnh: Thảo Nghi

Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá. Khi mắt cá ngừ đại dương đã chín, người dân ở đây sẽ đem nguyên hũ có nắp đậy đặt trên một chiếc đĩa nhỏ ra cho khách. Bên hông đĩa, họ cũng không quên xếp một viên cồn và châm lửa lên để giữ nóng cho món ăn.

Giữa thời tiết lúc nào cũng mát rượi nhờ gió biển thì việc húp một chút nước dùng, cắn một miếng táo tàu và thưởng thức mắt cá... sẽ khiến bạn cảm nhận rõ văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Bạn nhớ gắp thêm một đũa rau thơm, trong đó có rau tía tô thái nhỏ cho vào ăn kèm thì mới thấy hết được độ ngon của món ăn. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người miền Trung còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng.

Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi. Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ven đường hoặc trong các nhà hàng, khách sạn Phú Yên. Giá món ăn dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng một hũ.

Thảo Nghi (VnExpress)

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Chả dông - hương vị nắng gió Phú Yên

Một đĩa chả dông ngon đi kèm với bát nước chấm thơm lừng là lựa chọn thú vị cho hành trình khám phá ẩm thực Phú Yên.
Xem thêm: Mùa hè khám phá các hòn đảo yến ở Việt Nam 
Ẩm thực Phú Yên có sự giao thoa giữa các vùng khác nhau, hòa quyện với hương vị địa phương tạo nên những món ăn khó quên trong lòng du khách. Nhắc đến ẩm thực Phú Yên, chả dông dường như đã thành “thương hiệu” của mảnh đất này.

Nhìn từ bên ngoài, món ăn này cũng giống như các loại chả khác với màu vàng ươm đặc trưng. Điều đặc biệt là thay vì nhân thịt lợn hay thịt bò, người dân địa phương ở đây lấy thịt từ con dông, trông tựa như rắn mối hay kỳ nhông, làm nguyên liệu chính.
Thực khách có thể ăn chả Dông kèm với ớt xanh, tỏi và các loại rau sống. Ảnh:Minh Đức.

Người dân Phú Yên bắt dông trên những cồn cát có cỏ ven biển. Thông thường có hai phương pháp chính là đào cát và câu. Những người đi bắt dông phải dùng cuốc xẻng để đào tới tận cùng của hang mới bắt được. Cách thứ hai đơn giản hơn, người đi câu chỉ cần đặt bẫy trước hang và chờ dông đi ra ngoài kiếm ăn. Trung bình một ngày, những người đi bắt dông thu được vài chục con.

Một chủ quán ở Phú Yên chia sẻ, hè là mùa thích hợp nhất để thưởng thức món này vì dông nhiều và thịt thơm ngon. Dông được lột da, lấy thịt làm sạch, chặt đuôi và bốn chân. Sau đó, người đầu bếp sẽ băm nhuyễn và trộn với các gia vị như ớt bột, hành tiêu. Muốn món chả dông ngon và có mùi vì đặc trưng, người dân nơi đây thường trộn thêm với nấm mèo và bách thảo, cuốn trong bánh tráng rồi bỏ vào chảo dầu rán.

Thực khách sẽ cảm nhận được vị giòn tan và mùi thơm của miếng chả dông khi thưởng thức. Vì dông được bắt ngoài tự nhiên nên thịt chắc, không có nhiều mỡ và có mùi thơm đặc trưng. Mùi vị của dông hòa quyện với các hương liệu và gia vị, như sự pha trộn của biển với núi rừng. Chả dông thường được ăn kèm với các loại rau sống và dưa chuột để át đi vị ngậy của dầu mỡ.

Du khách có thể thưởng thức chả dông như những món ăn vặt hàng ngày. Các quán chả dông rất dễ tìm ở thành phố Tuy Hòa. Bên vỉa hè, hay trong thực đơn của những nhà hàng lớn cũng đều có món ăn này. Nổi tiếng nhất là khu vực ngã tư Trần Quý Cáp và Nguyễn Công Trứ với những cửa hàng chả dông gia truyền và có tiếng. Giá một đĩa chả dông thường dao động 30.000 - 35.000 đồng.

Món này cũng được dùng trong các bữa cơm gia đình. Khách phương xa tới Phú Yên thường được gia chủ thiết đãi món chả dông và nhâm nhi chén rượu như một lời chào đón nồng hậu.

Nếu du khách có dịp đi ngang qua mảnh đất Phú Yên đầy nắng gió, đừng quên dừng chân ở Tuy Hòa và tìm ăn chả dông - món ngon dân dã đậm đà làm nên bản sắc của "xứ Nẫu".

Minh Đức (VnExpress)

Sò huyết đầm Ô Loan 'danh bất hư truyền' đất Phú Yên

Về miền đất Phú Yên có hai món du khách nhất định không thể bỏ qua là mắt cá ngừ đại dương và sò huyết đầm Ô Loan. Trong đó, món sò huyết ở đây hiếm chỗ nào có thể sánh bằng.
Xem thêm: Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Đầm Ô Loan thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này có nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, phong phú như tôm, cua, cá, ghẹ, sứa, hàu... nhưng điều làm nên thương hiệu ở đây chính là sò huyết. Sò huyết đầm Ô Loan có thịt dày, ngon ngọt và đậm đà. Danh tiếng của món này không chỉ gói gọn riêng đất Phú Yên, mà nhiều du khách từ tỉnh khác hay nước ngoài khi ghé đến cũng đều tìm sò huyết để thử qua.

Sò huyết đầm Ô Loan to hơn nhiều so với nơi khác, xuất hiện thường xuyên trong năm và dễ dàng đánh bắt. Người dân khi bắt được sò thường đem về chế biến thành nhiều món như nướng mỡ hành, nướng mọi hay đem xào, rang muối ớt, sốt me với rau răm và cháo...
Sò huyết có thể được chế biến thành nhiều món như mỡ hành, rang muối ớt hay nấu cháo... Ảnh: Shutterstock

Để thưởng thức đủ vị ngon trứ danh của món này, bạn nhất định phải tìm đến đúng nơi để mua sò. Sò khi đó vừa được bắt lên, đem đi rửa sạch, chà lớp vỏ bên ngoài để không bị đóng cát, cặn. Tiếp đó tùy theo món mà chế biến hợp lý, nhưng nhiều người dân Phú Yên thường chọn rang muối ớt do vừa giữ được con sò nguyên vẹn, vừa có vị đậm đà dễ ăn.

Đặt chảo muối ớt lên bếp vặn lửa, đổ khoảng 20-30 con sò vào rang. Đảo liền tay cho đến khi muối khô lại, bám vào những con sò huyết và chúng cũng há miệng ra dần. Lúc này, người chế biến chỉ việc bắc chảo xuống, cho sò huyết vào đĩa và đem ra phục vụ khách.

Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ven đường thuộc tỉnh Phú Yên hoặc đi về phía bắc đầm Ô Loan, có khu ẩm thực cầu An Hải với nhiều kiểu nhà hàng nổi trên mặt nước. Giá một đĩa sò huyết vào khoảng 20.000-30.000 đồng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử theo thuyền câu của ngư phủ ra chơi đầm khi màn đêm buông xuống. Sò huyết có thể được bắt và nướng ngay trên thuyền. Khi đó, bạn có thể vừa ăn sò huyết, vừa có thể nói đủ thứ chuyện và ngắm trời mây non nước, cảm giác thật sự rất thi vị.

Tường Ý (VnExpress)

Những con đường chia đôi đại dương nổi tiếng thế giới

Những con đường giữa lòng đại dương bao la, lúc ẩn lúc hiện tùy theo sóng thủy triểu sẽ đưa du khách ra những hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi.

Xem thêm: Những con đường mòn thơ mộng như tranh

Con đường giữa đảo Jindo và Modo (Hàn Quốc)

"Con đường đại dương" tại Hàn Quốc không nối liền đảo và đất liền, mà kết nối đảo Jindo và Modo. Mỗi năm hai lần vào khoảng tháng 3 và 6, khi mực nước thủy triều rút xuống cực đại, người Hàn Quốc cùng khách du lịch có thể dễ dàng đi lại giữa hai hòn đảo và nhìn ngắm cảnh đại dương mênh mông nhờ con đường dài khoảng 3 km. Tuy con đường chỉ hiện ra trong vòng một giờ nhưng cũng thu hút một lượng lớn khách du lịch, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp giữa biển khơi rộng lớn. Ảnh:wordpress.



Đường giữa đất liền và đảo Mont Saint-Michel (Pháp)

Để đến Mont Saint-Michel, du khách phải đi qua một con đường dài khoảng một km. Ngày trước, khi thủy triều lên, nơi đây trông cổ kính và huy hoàng như một pháo đài cô độc giữa biển khơi. Ngày nay, con đường xi măng dành cho cả ô tô và người đi bộ đã thay thế đường đất và cát xưa kia. Tuy nhiên với 15 m chênh lệch lúc thủy triều lên và xuống, nước vẫn tràn lên đường đi, biến Mont Saint-Michel thành một hòn đảo cổ tích giữa đại dương. Ảnh: lefigaro.




Con đường dẫn đến đảo Cramond (Anh)

Đảo Cramond là nơi có thể chiêm ngưỡng rõ nhất cảnh “con đường giữa đại dương” lúc ẩn lúc hiện. Cách đất liền khoảng một km và được nối bằng một con đường thẳng tắp, từ trên cao nhìn xuống, đảo Cramond hiện ra như một chú cá đang bị mắc vào dây câu. Mỗi khi thủy triều lên, con đường nối đảo và đất liền hoàn toàn biến mất. Du khách chỉ có thể nhìn thấy những cột đá chặn sóng được xếp thành hàng đều tăm tắp, trải dọc con đường vừa chìm xuống dưới mặt nước biển. Ảnh: wikipedia.




Đường bãi biển ở Ko Nang Yuan (Thái Lan)

Ko Nang Yuan là một đảo nhỏ nằm về phía tây bắc của Ko Tao, Thái Lan. Đây là đảo có kết cấu rất đặc biệt bởi là tập hợp của cụm 3 khối đá lớn, nối liền với nhau nhờ một đường cát trắng trải dài. Đường cát này cũng chính là nơi tắm biển của khách du lịch. Mỗi ngày, khi thủy triều lên cao, đường cát lại biến mất hoàn toàn, khiến nơi đây trông như 3 hòn đảo riêng biệt. Với cảnh biển đẹp thơ mộng cùng hiện tượng "con đường đại dương", Ko Nang Yuan những năm gần đây thu hút được rất nhiều khách, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thái Lan. Ảnh: touropia.





Đường đến đảo Charles (Mỹ)

Không những nổi tiếng bởi là một trong những con đường giữa biển đẹp nhất hành tinh, nơi đây còn được biết đến với truyền thuyết về lời nguyền phù thủy hay kho báu bị chôn giấu. Mỗi khi thủy triều xuống, con đường được vun đắp bởi cát và sỏi dần dần hiện mình từ dưới mặt nước, nổi lên trên màu xanh thẫm của đại dương bao la, tạo nên cảnh tượng khó quên cho những ai được chiêm ngưỡng. Ảnh:ctpost.

Vân Giang (VnExpress)

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Vẻ đẹp thần tiên của miền bắc Slovakia

Với địa hình nhiều núi cao và vị trí lý tưởng, miền bắc Slovakia thu hút khách du lịch bằng những khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết tiện nghi và nhất là thiên nhiên tươi đẹp.

Xem thêm: Những hồ đẹp nhất châu Âu


Ngôi nhà nhỏ do địa phương xây dựng cho du khách trú ẩn và ngắm nhìn các chú gấu giữa thiên nhiên thanh bình của vùng núi Tatras, miền bắc Slovakia.

Hiện tại có khoảng 800 chú gấu đang sinh sống ở Slovakia. Nhờ có nhà quan sát mà du khách và nhiếp ảnh gia có thể bắt được các khoảnh khắc đẹp của những chú gấu đang sống trong môi trường hoang dã.

Hồ nước vùng Tatranska Strba, phía bắc Slovakia.

Strbske Pleso, một vùng nhiều đồi núi và hồ băng, là nơi lý tưởng để du khách thưởng ngoạn khi vào đông, từ sự tiện nghi của các khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết nổi tiếng ở High Tatras cho đến những hành trình đi bộ với địa hình đẹp tuyệt ở Krivan và Rysy.

Nhìn từ làng Maly Slavkov, quận Kezmarok bắc Slovakia, du khách sẽ được đắm mình giữa khung cảnh thần tiên của Tatras, dãy núi nằm ở biên giới giữa Slovakia và Ba Lan.

Kopske Sedlo là một ngọn núi thuộc dãy Tatras có độ cao 1.750 m.

Hồ Tatranska Strba thuộc vườn quốc gia Tatras trong nắng vàng.

Troyes là một nước tự nhiên khác cũng có vẻ đẹp khiến du khách phải ngây ngất.
 
Hương Chi (theo Roughguides)

Cảnh thần tiên làm từ rau quả

Những kiệt tác phong cảnh đẹp hơn cả cổ tích được Carl Warner tạo nên hoàn toàn từ các loại rau, củ, quả thường ngày.

Carl Warner là một nhiếp ảnh gia có nhiều tác phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Hầu hết tác phẩm này của ông được tạo nên bởi sự sắp đặt đầy nghệ thuật các nguyên liệu nấu ăn thường ngày trong cuộc sống như rau, củ, quả...

Carl cho biết, có những tác phẩm ông phải mất vài ngày mới hoàn thành xong.

Nhưng có những tác phẩm làm hoàn thiện nhanh chóng để chụp ảnh, bởi nếu để lâu độ tươi của thực phẩm sẽ bị mất đi, và bức ảnh sẽ không được như ý.

Hiện tại, công việc chính của Carl là hợp tác với một chuỗi nhà hàng ở Mỹ và sáng tạo nên các bức ảnh đẹp nhất để quảng cáo đồ ăn.

Nhiều người khi xem các tác phẩm của ông thường không tiếc lời ca ngợi Carl là một người có đầu óc sáng tạo độc đáo.

Các tác phẩm này được ông trưng bày trong các triển lãm ảnh của mình. Hiện Carl cũng làm trong lĩnh vực quảng cáo.

Ý tưởng về việc tạo ra các bức ảnh từ rau củ quả đến với tác giả khi ông đang dạo quanh một khu chợ thực phẩm và nhìn thấy loại nấm portobello.

Portobello là một trong những loại nấm có kết cấu chắc, dai, thơm, ngọt. Hình dạng của chúng to, dầy và tròn. Khi nhìn thấy nó, Carl nghĩ rằng nó trông thật giống một loại cây đến từ những vùng đất xa lạ.

Từ đó, cảm hứng đến với ông liên tiếp và mọi thực phẩm đều có thể trở thành một kiệt tác diễm lệ dưới bàn tay của nhà nhiếp ảnh.

Thông thường, ông sẽ là người quyết định nội dung của một bức ảnh, các món ăn và thực phẩm nào sẽ tạo nên chúng.

Sau đó, một nhà thiết kế thực phẩm và một người chịu trách nhiệm tạo dựng lên các mô hình sẽ giúp Carl hoàn thành nốt phần việc còn lại.

Carl cũng xuất bản hai cuốn sách. Trong đó, cuốn sách viết cho trẻ em mang tựa đề A World of Food: Discover Magical Lands Made of Things You Can Eat (Tạm dịch là Thế giới đồ ăn: Khám phá những vùng đất kỳ diệu được làm từ những thứ bạn có thể ăn) đang được dịch ra tiếng Nhật. Ông cũng sẽ có một buổi triển lãm vào mùa xuân năm sau.

Bức ảnh này được Carl lấy làm bìa cho cuốn sách viết cho trẻ em của mình.

Ông cũng cho biết việc trồng thực phẩm, rồi lấy đó làm nguyên liệu nấu lên những bữa ăn ngon và chia sẻ nó với bạn bè là điều tạo nên sự gắn kết giữa con người với nhau.
Anh Minh (theo CNN)

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Bát phở nóng hổi, trứng vịt lộn, bánh giò... là những món ăn hấp dẫn cho bữa sáng ở thủ đô. Chỉ cần nếm thử một lần trên phố, bạn sẽ lưu luyến mãi hương vị đặc trưng vùng miền.
 

Từng nhiều lần vào top những món ăn khó nuốt nhất thế giới, nhưng trứng vịt lộn khá phổ biến ở vùng đất Hà Thành. Người dân ở đây có thể dùng bữa sáng bằng 1-2 quả trứng vịt lộn.

Chỉ cần xắn một muỗng cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận ngay vị béo của quả trứng nóng và cay nồng của rau răm. Giá một trứng lộn khoảng 6.000 đồng.

Nếu không muốn khởi đầu bằng trứng vịt lộn, lựa chọn không nên bỏ quả cho buổi sáng là tô phở nóng hổi. Phở là món ngon có hương vị đặc trưng của ẩm thực Hà Nội với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng một tô.
Đi khắp các con đường ở thủ đô du khách sẽ không khó để tìm nơi bán món ăn này, nhưng muốn ăn ngon phải đến những cái tên nổi tiếng như phở Bát Đàn, phở Thìn...

Ngoài ra, người dân Hà Nội cũng thường lựa chọn món xôi. Những lúc không có nhiều thời gian thì việc tấp vào lề đường mua ngay gói xôi mang đi khá tiện lợi và nhanh chóng.

Người Hà Nội thường chuộng các món xôi với thịt trứng, pate... nhưng không vì thế mà những loại xôi truyền thống bị lãng quên. Bạn có thể gọi xôi vò, xôi xéo, xôi lạc, xôi bắp... với giá từ 10.000 đồng.

Tại Hà Nội cũng có nhiều địa điểm bán bánh cuốn nóng. Đây được xem là món điểm tâm quen thuộc của người dân thủ đô, chưa kể khách du lịch phương xa khi đến đây cũng thường lân la thử và tấm tắc khen ngon.

Không chỉ dùng trong bữa sáng, món ăn này thích hợp cho bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Những quán bánh cuốn ngon ở Hà Nội thường đông đúc nhưng vẫn không ngăn được bước chân thực khách từ sáng sớm đến đêm khuya. Bánh cuốn thường có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng một đĩa.

Bún mọc (bún mộc) là một lựa chọn bổ dưỡng khác dành cho bạn. Tô bún giản dị nhưng đậm đà hương vị nhờ vào nước dùng và mọc (thịt giò viên). Giò sống trộn với nấm mèo thái nhỏ cho viên mọc giòn giòn, ăn rất lạ miệng.
 
Tuy với cái tên giản đơn nhưng đằng sau là một quy trình chế biến chặt chẽ và tinh tế. Món ăn như một nét chấm phá thú vị đặc trưng ẩm thực Hà thành. Giá một tô bún mọc là 25.000 đến 30.000 đồng một tô.


Cuối cùng trong thực đơn bữa sáng không thể thiếu bánh giò. Đây là loại bánh được làm từ bột gạo tẻ, bột năng trộn với nước xương hầm. Nhân bánh được làm từ thịt nạc kèm với nấm mộc nhĩ, hành tím khô, hành tây cùng các gia vị khác... Bánh giò có vị thơm, mềm, giá 10.000 đến 12.000 đồng một chiếc.
Trên đường, du khách sẽ bắt gặp những chiếc xe đạp với âm thanh vui tai "Bánh giò đây...". Chính những chiếc xe này đang giữ lại vẻ đẹp của cuộc sống đời thường ở Hà Nội.

Phong Vinh (VnExpress)

Bài đăng phổ biến