Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Một trong những đệ nhất danh thắng trên đảo Đài Loan phải kể tới hồ Nhật Nguyệt. Cái tên Nhật Nguyệt đầy lãng mạn, được cho là xuất phát từ hình dáng của hồ. Nếu đứng giữa hồ nhìn về phía Tây sẽ thấy hồ có hình dáng tựa vầng trăng khuyết, còn nhìn về phía Đông của hồ lại thấy tròn tự mặt trời. Cùng với núi non trùng điệp bao la quanh hồ nước xanh thẳm, trên cao là mây trời bao la, tất cả tạo nên vẻ đẹp giao hoa tuyệt diệu.

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Nằm ở huyện Nam Đầu, Nhật Nguyệt (hay Nhật Nguyệt Đàm) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trên đảo Đài Loan. Nơi đây bốn mùa say đắm. Mùa xuân tiết trời se lạnh, hoa đào nở rợp lối đi lên núi, hoa dã quỳ vàng rực rỡ khoe sắc ven hồ. Mùa hạ không gian Nhật Nguyệt bốn bề xanh mướt, bầu trời cao xanh chiếu rọi những tia nắng như rót mật. Mùa thu, trăng tròn vành vạnh chiếu xuống hồ nước được phủ một lớp sương mỏng, tạo khung cảnh huyền ảo như hư như thực. Mùa đông, tuyết giăng phủ khắp cảnh vật, nơi đây như được khoác một tấm áo trắng tinh khôi, mang đôi nét tĩnh lặng, trầm tư… Dù là mùa nào thì Nhật Nguyệt cũng mang một nét đẹp riêng gây thương nhớ cho lữ khách đường xa.

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Để khám phá hồ Nhật Nguyệt, đạp xe là một trong những trải nghiệm được du khách yêu thích nhất. Tuyến đường đạp xe quanh hồ đã từng được CNN bình chọn xếp thứ 5 trong “10 tuyến đường đạp xe đẹp nhất thế giới” (2012). Thong dong giữa những tán cây xanh tươi, nghe gió thổi rì rào bên tai, mắt ngắm nhìn trời mây non nước, mọi phiền lo dường như tan biến hết, chỉ còn lại sự an yên trong tâm hồn.

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Dọc đường đi, bạn có thể dừng chân ghé thăm nhiều địa điểm nổi tiếng quanh hồ như miếu Văn Võ nơi thờ Quan Công và đức Khổng Tử. Ngôi miếu nằm ở phía Bắc của hồ, nổi bật phong cách kiến trúc miền Bắc Trung Quốc, được sơn hai màu chủ đạo đỏ và vàng truyền thống trong các cung điện Trung Quốc xưa. Khi bước vào bên trong, điểm ấn tượng nhất là trần nhà được điêu khắc tinh xảo, sơn phủ vàng lóng lánh. Bạn cũng có thể dành thời gian lên thăm tháp Từ Ân nằm trên núi cao 46m để có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn toàn cảnh hồ thơ mộng. Tháp Từ Ân được Tưởng Giới Thạch xây cất vào năm 1971 để tưởng nhớ công ơn người mẹ của ông. Đây là một tòa nhà 8 cạnh, có 3 tầng phía dưới màu trắng và 9 tầng ở trên được sơn đỏ, vàng lộng lẫy. Xung quanh tháp là khung cảnh thơ mộng của những hàng cây cỏ phất phơ trong gió. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi trên những dãy ghế đá dưới chân tháp trước khi chinh phục tầng cao nhất của tòa tháp cũng là nơi vô cùng lý tưởng để ngắm cảnh hồ Nhật Nguyệt.

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Bên cạnh tháp Từ Ân, một điểm bao trọn hồ Nhật Nguyệt từ trên cao nữa mà du khách cũng không thể bỏ qua, đó chính là đi cáp treo. Từ độ cao trung bình hơn 150m so với mặt hồ, cabin chuyển động nhẹ nhàng đưa bạn lướt trên không trung bao la, bên dưới là mặt nước hồ xanh biếc lấp loáng những tia nắng chiếu xuống, xa xa là những rặng núi non trùng điệp hùng vĩ. Đường cáp treo nối từ hồ đến làng Văn hóa Thổ dân Formosa phía bên kia ngọn núi. Dừng chân tại đây, bạn có thể trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn.

Hoàng hôn buông xuống, Nhật Nguyệt chìm trong ráng chiều đỏ rực rồi dần yên tĩnh bước vào đêm tối. Nếu muốn thưởng ngoạn cho thỏa không khí trong lành nơi đây, bạn không cần vội rời đi ngay mà hãy dành thời gian nghỉ lại qua đêm ở khu vực ven hồ. Sau một ngày dài vận động đạp xe, một giấc ngủ sâu trong không gian ngoài kia bốn bề thiên nhiên tươi đẹp sẽ tiếp cho bạn năng lượng mới dồi dào để sớm mai thức dậy đón bình minh chan hòa bao phủ.

Hồ Nhật Nguyệt, nơi hẹn ước của mặt trăng và mặt trời

Phong cảnh thiên nhiên diễm lệ, thấp thoáng những công trình kiến trúc cổ kính trong những đám mây xanh tạo nên khung cảnh thần tiên chốn nhân gian của hồ Nhật Nguyệt. Chẳng vậy mà nơi đây đã đi vào trong thơ ca, hay từng vô số lần được chọn là bối cảnh của các bộ phim truyền hình Đài Loan ăn khách. Những ngày hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên hồ Nhật Nguyệt sẽ là những thời khắc bình yên vô giá nhất trong hành trình khám phá Đài Loan mà chắc chắn du khách không thể bỏ qua.

W. TIPS

VỊ TRÍ

Hồ Nhật Nguyệt thuộc địa phận hương Ngư Trì, huyện Nam Đầu (Yuchi Township, Nantou County) của miền Trung Đài Loan.

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

Diện tích hồ xấp xỉ 7,93km², ở độ cao 748m so với mặt nước biển, nơi sâu nhất là 27m.

DI CHUYỂN TỚI HỒ NHẬT NGUYỆT

Từ các thành phố, huyện thị lớn khác, bạn có thể đi tàu hỏa hoặc tàu cao tốc đến Đài Trung rồi tiếp tục đi xe khách để tới hồ Nhật Nguyệt.

KHÁM PHÁ HỒ NHẬT NGUYỆT

Thuê xe đạp

Giá thuê xe là là 250TWD (~190.000đ)/xe/2 giờ, mỗi giờ sau đó phí phụ thu là 200TWD (~150.000đ)/giờ. Cung đường dài 13km với thời gian đi hết cũng xấp xỉ 2 tiếng.

Đi xe buýt vòng quanh hồ

Xe bus sẽ dừng ở hầu hết các điểm tham quan. Giá vé 20TWD (~15.000đ)/trạm, nếu sử dụng vé đi không giới hạn trong ngày là 80TWD (~60.000đ)/người, hoặc bạn cũng có thể dùng thẻ Easy card đi đến đâu quẹt thẻ và tính tiền đến đó.

Đi cáp treo

Đường cáp treo 1,8km nối từ hồ Nhật Nguyệt đến làng Văn hóa Thổ dân Formosa (hay Làng văn hóa Cửu Tộc) phía bên kia ngọn núi. Thời gian đi mỗi chiều là khoảng 30 phút, giá vé khứ hồi là 300TWD (~228.000đ)/người.

Đi thuyền trên hồ

Thuyền hoạt động trong khung giờ từ 9h sáng đến khoảng 5h chiều. Giá vé là 100TWD (~76.000đ)/người/bến, nếu đi cả 3 bến thuyền sẽ là 300TWD (~228.000đ)/người. Cách 30 phút sẽ có thuyền di chuyển giữa các bến. Trên thuyền có hướng dẫn viên thuyết minh.


Theo Wanderlust Tips

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Những bãi biển được yêu thích nhất ở Trung Quốc

Nhắc đến Trung Quốc hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến những kì quan lừng danh thế giới, công trình kiến trúc đồ sộ, thắng cảnh hùng vĩ nhưng ít ai biết đến nơi đây cũng có những bãi biển thơ mộng, đẹp như mơ.

Những bãi biển được yêu thích nhất ở Trung Quốc

Bãi biển Yalong Bay


Bãi biển Yalong Bay

Bãi biển Yalong Bay nằm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Trung Quốc có làn nước trong xanh, bãi cát trắng mịn màng. Bãi biển thu hút rất đông khách du lịch vì thế nơi đây có rất nhiều khách sạn sang trọng được xây dựng và kinh doanh ở khu vực xung quanh.

Bãi biển Wuzhizhou


Bãi biển Wuzhizhou

Cũng là một bãi biển nằm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Với người dân Trung Quốc bãi biển này được mệnh danh là Maldives của Trung Hoa. Đây là một bãi tắm tuyệt vời với làn nước trong xanh thích hợp để lặn ngắm cảnh vật dưới đáy đại dương. Bãi biển khá thích hợp cho việc tắm biển, đi dạo và ngắm hoàng hôn buông xuống trong lòng biển.

Bãi biển Gulangyu


Bãi biển Gulangyu

Bãi biển Gulangyu thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Đảo Gulangyu là một hòn đảo khá độc đáo khi có đến 600 cây đàn piano trên đảo. Chính vì vậy mà bãi biển khá nổi tiếng, không chỉ vì điểm thú vị này mà còn bởi bãi biển khá đẹp với những bãi cát trắng trải dài theo bãi biển, làn nước trong xanh, lâu lâu lại có vài con sóng vỗ nhẹ vào bờ.

Bãi biển Tianya Haijiao


Bãi biển Tianya Haijiao

Cũng là bãi biển thuộc thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Bãi biển đẹp Trung Quốc này thu hút tất cả mọi người chỉ với cái nhìn đầu tiên, cảnh đẹp ở đây tựa như tranh vẽ. Nơi đây cũng rất thích hợp để các cặp vợ chồng trẻ hưởng tuần trăng mật, bởi Tianya Haijiao còn có nghĩa là chân trời góc bể. Các cặp yêu nhau thường nói sẽ đi cùng nhau đến chân trời góc bể, chính vì vậy mà nơi đây trở thành địa điểm thú vị của người Trung Quốc.

Bãi biển Ngân Than


Bãi biển Ngân Than

Bãi biển được hình thành bởi những bãi cát thạch anh trắng mịn kéo dài, bên cạnh là dãi rừng kéo dài theo bờ biển. Nơi đây hội tụ nhiều ưu điểm của một bãi biển đó là bãi cát dài, cát trắng mịn, sóng nước mềm mại hiền hòa, bằng phẳng không có đá ngầm, thuộc vùng biển không có cá mập, nhiệt độ nước quanh năm là khoảng 15℃-30. Người nước ngoài ví bãi biển ở đây đẹp như bãi biển Hawai nổi tiếng trên thế giới, còn người dân trong nước gọi là "Bắc Đới Hà của miền Nam", thậm chí còn coi nó là "Bãi biển đẹp nhất thiên hạ".

Bãi biển Trăm Bước và Bãi biển Ngàn Bước


Bãi biển Trăm Bước và Bãi biển Ngàn Bước
Bãi biển Trăm Bước và Bãi biển Ngàn Bước thuộc đảo Putuoshan, tỉnh Chiết Giang này còn được vinh danh là vùng đất tinh khiết nhất thế giới. Những cặp tình nhân thường lựa chọn bãi biển xinh đẹp này để chuyến du lịch thêm đặc biệt và ấn tượng.

Tổng hợp

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

Ngất ngây với 6 phim trường cổ trang ở Trung Quốc

Những phim trường hoành tráng ở Trung Quốc đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của rất nhiều bộ phim cổ trang đình đám. Không chỉ có vậy, những phim trường này còn có nguồn thu không nhỏ từ việc bán vé cho khách du lịch tham quan, chụp ảnh.  Vậy có gì bên trong những phim trường này? Cùng ngất ngây với 6 phim trường cổ trang ở Trung Quốc.

Xem thêm: 13 phong tục ở Trung Quốc có thể khiến du khách sốc

Phim trường Hoành Điếm – Chiết Giang, Trung Quốc


Hoành Điếm được biết đến là phim trường nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, do người đàn ông có tên là Từ Văn Ninh xây dựng. Có diện tích lên đến 30 triệu m², Hoành Điếm rộng gấp 27 lần tổng diện tích hai phim trường Universal và Paramount cộng lại. Tất cả công trình đều được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 so với nguyên bản từ Tần Vương Cung cho đến Tử Cấm Thành.

Hoành Điếm có tổng cộng 9 khu vực nguy nga, tráng lệ phục vụ cho việc quay phim từ cổ trang cho đến bối cảnh Dân quốc như: Tần Vương Cung, Thanh Minh Cung, khu Quảng Châu Hồng Kông, khu văn hóa Hoa Hạ, Mộng Huyễn Cốc, chùa Bích Trí Đàm. 


Mỗi năm có hơn 12 triệu du khách đến tham quan phim trường Hoành Điếm, đứng thứ ba sau di tích Cố Cung ở Bắc Kinh và danh thắng Vũ Lăng Nguyên ở Hồ Nam. Phim trường Hoành Điếm không thu phí sử dụng bối cảnh đối với các nhà làm phim. Doanh thu chủ yếu đến từ dịch vụ đi kèm như trang phục, đạo cụ, thiết kế sản xuất, ăn uống, lưu trú…

Đã có hơn 4000 bộ phim cổ trang lớn nhỏ được quay tại đây. Có thể điểm qua những cái tên nổi bật như: Kiếm Vũ Giang Hồ, Quái Hiệp Nhất Chi Mai, Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện 3, Thần Thoại, Mỹ Nhân Tâm Kế, Hậu Cung, Võ Tắc Thiên Bí Sử, Bộ Bộ Kinh Tâm, Tùy Đường Diễn Nghĩa, Hậu Cung Chân Hoàn Truyện...

Xem thêm: Một số lưu ý khi đi du lịch Trung Quốc

Phim trường Tượng Sơn –  Chiết Giang, Trung Quốc


Tận dụng cảnh sắc thiên nhiên của mảnh đất Giang Nam trù phú, Tượng Sơn cũng là một trong những địa điểm được các nhà làm phim “chọn mặt gửi vàng”. Phim trường Tượng Sơn có tổng diện tích 3,927 triệu m², khởi công xây dựng vào năm 2005 với 5 khu quay phim chính với nhiều quảng trường và khu phố xưa.

Tứ Đại Danh Bổ, Triệu Thi Cô Nhi, Bích Huyết Kiếm, Đại Minh Vương Triều, Bảng Phong Thần, Thiếu Niên Dương Gia Tướng, Hoa Tư Dẫn, Lan Lăng Vương, Tân Thiên Long Bát Bộ… là những bộ phim điển hình được quay tại Tượng Sơn.

Phim trường Trác Châu – Bắc Kinh, Trung Quốc

Là địa điểm quay Tây Du Ký, Đường Minh Hoàng, Đại Cung Minh Từ hay Hán Vũ Đế, phim trường Trác Châu mô phỏng nhiều di tích lịch sử tại Bắc Kinh như Di Hòa Viên, Tử Cấm Thành, Hạ Môn… 
Ngoài ra, Trác Châu còn biết đến với những di tích thật được bảo tồn lâu đời như Ngự Hoa Viên và Vương Phủ Tỉnh.

Phim trường Thượng Hải –Thượng Hải, Trung Quốc


Nằm cách trung tâm Thượng Hải khoảng 3 giờ ngồi xe khách, phim trường Thượng Hải cũng được biết đến là địa điểm quay phim lớn nhất Thượng Hải. Phim trường này như một Thượng Hải thu nhỏ với phố đi bộ Nam Kinh xưa, cầu Bạch Độ và một số địa danh khác. Một số bộ phim đã được quay tại đây như: Khuynh Thành Chi Luyến, Hoa Anh Hùng, Mộc Lan Truyện…

Ngoài ra, phim trường Thượng Hải còn là nơi lấy cảnh của nhiều bộ phim thời Dân quốc như Tân Bến Thượng Hải, Tân Dòng Sông Ly Biệt, hay Cẩm Tú Duyên Hoa Lệ Mạo Hiểm…Phim trường này thường xuyên bán vé cho khách vào tham quan từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Xem thêm: Khám phá thế giới ẩm thực Trung Quốc 

Phim trường Nam Hải – Quảng Châu, Trung Quốc


Phim trường Nam Hải vốn trực thuộc đài truyền hình CCTV. Với diện tích 5,4 triệu m², Nam Hải là địa điểm quay của các bộ phim nổi tiếng như Thái Bình Thiên Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thiếu Niên Bao Thanh Thiên, Thiện Nữ U Hồn…

Ban đầu, phim trường Nam Hải chỉ mở cửa cho những đoàn làm phim được cấp phép bởi đài truyền hình CCTV, sau vì xu thế hội nhập mà Nam Hải đã cởi mở hơn trong việc cho phép các đoàn làm phim khác cũng được vào đây quay phim.

Phim trường Đồng Lý – Tô Châu, Trung Quốc


Nếu ai đã từng đến Tô Châu chắc chắn sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp trầm mặc của cổ trấn Đồng Lý. Không chỉ được biết đến là một trong những cổ trấn đẹp bậc nhất Trung Quốc, Đồng Lý còn là một trong những phim trường được nhiều đạo diễn ưu ái chọn để quay phim. 

Vẻ đẹp trữ tình với nhiều kênh rạch đan xen, Đồng Lý đã xuất hiện trong những bộ phim như Như Ý Cát Tường, Phong Nguyệt, Yêu Nữ Thiên Hạ…

Ảnh: Internet
Nguồn: Tham khảo Kenh14

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Những ngày mưa khó quên ở Phượng Hoàng cổ trấn

Những chiếc đèn lồng đỏ làm cổ trấn của Trung Quốc trở nên ấm áp, thơ mộng hơn vào ngày mưa.


Lần đầu tiên đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) đúng dịp mưa đầu tháng 7 vừa qua, Thục Anh (Hà Nội) đã có những trải nghiệm, cảm xúc và cái nhìn khác về nơi này. 

Tôi đến Phượng Hoàng vào những ngày trời mưa đỏng đảnh như Hà Nội bây giờ vậy. Chuyến đi kéo dài gần một tuần nhưng thời gian di chuyển giữa các thành phố đã chiếm đến một nửa. Từ Hà Nội đến Phượng Hoàng, vì thời tiết xấu mà tôi lên đường từ 6h sáng nhưng mãi 1h khuya mới đến nơi, trong đó có 7 tiếng ngồi ôtô. Đêm đó dù tôi đã mệt mỏi rã rời nhưng đến nơi, cổ trấn lung linh trong ánh đèn vàng ấm áp soi bóng xuống mặt nước Đà Giang vẫn khiến tôi đủ sức mơ mộng cho những ngày tới.

Xem thêm: Thu này ta có hẹn với ruộng bậc thang Hoàng Su Phì


Sáng sớm ở Phượng Hoàng trong trẻo sau cơn mưa đêm hôm trước. Chúng tôi đi xuôi theo con đường chạy dọc bên bờ sông, khi những cánh cửa còn chưa mở và sự im lặng còn buông trên những mái nhà. Trên cầu Hồng Kiều, các cửa hàng cũng chưa hoạt động, chỉ có người đi bộ và dãy đèn lồng còn đang thắp sáng vì trời vẫn mờ sương.

Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của đất nước rộng lớn này không phải là thiên nhiên kỳ vĩ mà chính là những dãy đèn lồng đỏ treo trên những mái hiên còn đang rơi từng giọt nước mưa xuống tán ô của người đi bộ. Giữa cổ trấn mênh mông màu xanh sông nước, màu đỏ của đèn lồng nổi bật hơn trên nền trời xam xám ảm đạm mây giăng kín. Chính những ánh đèn đỏ làm ấm hơn không gian của mùa mưa nơi đây.

Ở Phượng Hoàng, chiếc cầu đá nhảy bắc ngang dòng sông có lẽ là nơi hút khách nhất. Nếu những tấm ảnh của các blogger du lịch chụp tại đây luôn mang vẻ cô đơn và vắng lặng không một bóng người, thì lúc tôi tới là giữa trưa có rất nhiều khách du lịch đang qua lại trên cầu. Dù vậy tôi cũng không bỏ qua cơ hội có một tấm hình ưng ý tại đây.


Cả đoàn ngồi thuyền xuôi dòng Đà Giang chỉ một đoạn ngắn thôi nhưng lại là khoảnh khắc độc đáo nhất tôi cảm nhận được trong chuyến đi. Từng đi thuyền trên vài dòng sông nhưng cảm nhận của tôi không lặp lại lần thứ hai vì mỗi con sông là một câu chuyện. Trên con thuyền hôm ấy có tiếng gió lướt qua bên tai, hòa lẫn với bài hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi phát ra từ điện thoại của một ai đó và nhìn con thuyền lướt chầm chậm trên sông. Dù con sông chẳng tĩnh lặng chút nào vì còn một vài thuyền chở khách du lịch khác nữa, nhưng tôi vẫn cứ thấy như chỉ có một mình tôi với mặt nước xanh biếc và chiếc đèn lồng treo bên cạnh.

Buổi đêm ở Phượng Hoàng cổ trấn không hề ảm đạm như tôi đã nghĩ. Đèn vẫn thắp sáng đến khuya và nhạc vẫn mở trong những quán bar. Tôi chỉ đi bộ dưới lòng đường và ngước nhìn lên hai bên phố. Ở một góc, tôi thấy cánh cửa nhỏ dẫn lên một quán bar phun khói trắng cùng ánh đèn chiếu lên mờ ảo, khiến cho người ca sĩ đứng giữa làn khói như đứng trên sân khấu lớn. Lúc sau tôi lại thoáng nghe giọng nữ hát Lemon Tree vang lên từ quán cà phê nào đó. Mãi như thế cho đến gần nửa đêm.

Xem thêm: Những con hẻm đẹp như trong truyện cổ tích ở nước Ý


Ở tỉnh Hồ Nam, khách du lịch không chỉ dừng chân ở Phượng Hoàng cổ trấn mà còn đến Trương Gia Giới. Tuy nhiên, trong mùa mưa, tôi không thể cảm nhận được nhiều về những thắng cảnh trên cao hay các lối đi bằng kính, vì trời mưa tầm tã, sương mù che khuất mọi góc nhìn. Đứng trên mặt kính, tôi chỉ thấy một màu sương trắng phía dưới.

Núi Thiên Môn cũng bị cơn mưa đầu tháng 7 giấu đi mất, nhưng lúc trời nắng chắc hẳn cảnh tượng phải kỳ vĩ lắm. Tối hôm ấy, tôi được đền bù khi xem chương trình biểu diễn Thiên Môn hồ tiên mà trời không mưa. Tôi từng được xem Ấn tượng Lệ Giang dưới chân Ngọc Long Tuyết Sơn cách đây một năm với sân khấu ngoài trời rất công phu, nhưng về nội dung thì Thiên Môn hồ tiên còn hay hơn nhiều. Câu chuyện tình giữa anh tiều phu và nàng cáo được tái hiện lại trên sân khấu xây dưới chân núi. Các nhân vật thoắt ẩn thoắt hiện giữa núi rừng, lúc đứng sát khán giả, lúc lại đứng tít trên đỉnh đồi phía xa. Âm nhạc của vở diễn cũng là yếu tố khiến cho người xem chìm sâu hơn vào thế giới thần tiên, lúc tỉnh lúc mê như đang ở trong mộng.

Tôi từng có định kiến về Trung Quốc khi chọn nơi đi du lịch, phần nhiều vì ở đây không nói tiếng Anh mà tôi lại không hiểu tiếng Trung. Sau một vài chuyến đi, mà gần đây nhất là chuyến đi đến Phượng Hoàng cổ trấn, tôi đã thấy mình dần thay đổi và muốn tìm hiểu thêm về đất nước này. Bỏ qua những ấn tượng tiêu cực mà tôi từng có về đất nước và con người nơi đây, tôi vẫn thấy Trung Quốc là một nơi nhiều bí ẩn mình cần khám phá. 

Theo Cao Xuân Thục Anh

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Mê mẩn thành phố cổ nguyên vẹn dưới đáy hồ đẹp đến khó tin

Bạn có hay tồn tại một thành phố 1.300 tuổi được mệnh danh là “Atlantis của Phương Đông” đến nay vẫn nguyên vẹn dưới đáy hồ nhân tạo.

Thiên Đảo Hồ là một hồ nước nhân tạo nằm ở tỉnh Thuần An, Chiết Giang, Trung Quốc. Hồ nước được hình thành từ năm 1959 khi chính phủ quyết định xây dựng trạm thủy điện ở sông Tân An và đã "chôn giấu" một thành phố cổ kỳ vĩ nơi đáy hồ. 


Đúng như tên gọi, Thiên Đảo gồm 1.078 các hòn đảo lớn và vài nghìn đảo nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp lòng hồ. Thiên Đảo có diện tích là 573 km vuông và có dung lượng nước lưu trữ 17,8 km khối. Các đảo trong hồ có tổng diện tích vào khoảng 86km vuông.

Hồ Thiên Đảo nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ nhưng ít ai biết rằng, sự kỳ vĩ đó không chỉ dừng lại ở trên mặt hồ mà còn ẩn giấu ở phần dưới đáy hồ.


Chính nỗ lực thăm dò đáy hồ Thiên Đảo lần đầu tiên vào năm 2001 đã giúp các chuyên gia phát hiện ra một số công trình kiến trúc ở đáy hồ, với 265 vòm bao gồm cổng ra vào và các công trình cầu cống.

Sau nhiều lần thăm dò sau đó, đội thợ lặn Big Blue của Thượng Hải tìm thấy Sư Thành (Shi Cheng) – một thành phố cổ bị nhấn chìm nằm dưới đáy hồ Thiên Đảo, sâu 40m.


Sư Thành - hay Thành phố Sư Tử - được xây dựng tại chân núi Ngũ Sư, trong giai đoạn Đông Hán (khoảng năm 25 - 200). Công trình này được đặt tên là “Thành phố Sư Tử” vì ở đó có ngọn núi Ngũ Sư nằm ở ngay phía sau thành phố. 

Sư Thành có 5 cổng, mỗi cổng thành có một tòa tháp lớn với diện tích tương đương với 62 sân bóng đá. Trước khi bị nhấn chìm dưới nước, Sư Thành có sáu con đường chính xây bằng đá, được sử dụng để kết nối mọi ngõ ngách trong thành phố.

Trước khi Sư Thành bị ngập nước, 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm. Ít ai ngờ, nằm sâu bên dưới Thiên Đảo Hồ từng là một trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.



Qua những tấm ảnh mà đội thợ lặn đã chụp được, giới chuyên gia nhận thấy Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng, hay các Hán tự cổ trên bức tường.


Theo National Geographic, khi lặn xuống tới độ sâu 28m, ánh sáng không còn chiếu được tới đây nữa. Đèn trang bị cho thợ lặn chỉ có khả năng chiếu sáng khoảng 2 mét. 

Tuy vậy, họ đã phát hiện ra rằng dù đã nằm ở độ sâu từ 26 - 40m dưới đáy hồ, công trình kiến trúc này gần như nguyên trạng, không bị hư hại nhiều, ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng vẫn còn nguyên vẹn. 


Các chuyên gia cho rằng, môi trường nước xung quanh đã bảo vệ thành phố nên kiến trúc nơi đây không hề bị bào mòn. Tuy vậy, câu trả lời thực sự vẫn là bí ẩn mà giới khoa học đang kiếm tìm.


Được biết, thành phố Sư Tử đã bị nhấn chìm xuống nước khi nhà hoạch định Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng đập Tân An vào năm 1959. Và để thu hút khách du lịch, họ đang lên kế hoạch biến nơi đây thành địa điểm tham quan du lịch.

Theo tạp chí Our World: "Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước. Với những tàu ngầm đặc biệt có chiều cao 3,8m, chiều dài 23m và sức chứa 48 hành khách trị giá 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ VND), tất cả mọi người đều có thể thăm thú thành phố dưới nước".



Nhiều người cho rằng, công trình này là phiên bản nhỏ của thành phố Atlantis và là một trong những thành viên của bộ sưu tập kỳ quan thế giới phiên bản thu nhỏ ở Trung Quốc

Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho hay, việc sử dụng tàu ngầm trong vùng hồ này có thể tạo ra những luồng sóng mạnh ở dưới đáy hồ và điều này có thể phá hủy thành phố cổ. 

Nguồn: BBC, Dailymail, Wikipedia

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Ghé thăm khu chợ 'uyên ương' ở Tô Châu

Hơn 1.000 cửa hàng may váy, đồ phụ kiện cho đám cưới tập trung rải rác trong khu chợ, thực sự là điểm đến lý tưởng cho cô dâu chú rể.

Đồi Hổ Khâu là địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích tại Tô Châu (Trung Quốc), nơi bạn có thể tham quan các di tích cổ kính như các ngôi chùa, khu vườn rêu phong. Không chỉ vậy, nơi đây còn là điểm đến trong mơ của các cô dâu ở Trung Quốc với một khu chợ rất đặc biệt.


Được mở vào cuối những năm 1980 nhờ vào ngành công nghiệp dệt lụa rất phát triển ở địa phương, chợ váy cưới ở Tô Châu nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Với số lượng cửa hàng váy và phụ kiện cưới lên tới hơn 1.000, khu chợ này đáp ứng gần như tất thảy những nhu cầu của cô dâu trước đám cưới, với mức giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. 


Không tập trung trong trung tâm thương mại, các cửa hàng ở đây nằm rải rác xung quanh 4 đại lộ của ngã tư gần đường Huqiu. Số lượng khách ghé thăm và lượng váy bán ra mỗi ngày rất nhiều nên tất cả các tiệm đều có từ 10 đến 20 thợ thay nhau làm việc.


Tại đây, cô dâu có thể tìm thấy tất cả những kiểu dáng váy cưới từ hiện đại tới truyền thống, với các chất liệu khác nhau, bao gồm cả loại lụa nổi tiếng được sản xuất tại Tô Châu. Đa phần váy có khá khoảng vài trăm nhân dân tệ, phù hợp với nhu cầu bình dân. Với các yêu cầu đặc biệt, đòi hỏi gia công bằng tay để đảm bảo tính độc đáo và ý nghĩa, bộ váy có thể rơi vào khoảng 2.000 nhân dân tệ trở lên (khoảng 7 triệu đồng), dù vậy, bạn có mặc cả, thương lượng đôi chút với chủ hàng. 

Có tới 1.000 cửa hàng lớn nhỏ trong khu vực.

Để làm một chiếc váy thủ công mất từ 4 ngày đến một tuần. Còn nếu không có yêu cầu quá khắt khe, cô dâu có thể sử dụng ngay những mẫu sẵn có ở cửa hàng và thay đổi một số chi tiết nhỏ theo sở thích.

Chủ cửa hàng có thể sẵn sàng cùng bạn ngồi đính tỉ mỉ những hạt đá lên vương miện, xoa rê đội đầu hay thay đổi các chi tiết trên bộ váy một các chu đáo nhất. Theo một số du khách nước ngoài, mặc dù tiếng Anh của họ rất hạn chế nhưng luôn cố gắng phục vụ một cách niềm nở nhất.


Nếu không có thời gian quay lại để lấy váy cưới sau khi yêu cầu sửa, du khách có thể hỏi chủ cửa hàng bởi phần lớn những tiệm này đều có dịch vụ chuyển hàng đến Thượng Hải và những vùng khác khắp Trung Quốc với giá vận chuyển từ 5 đến 20 tệ.

Không chỉ bán, cho thuê, thiết kế váy và phụ kiện đi kèm, những dịch vụ cưới khác cũng được cung cấp tại đây với giá cả phải chăng. Chú rể đi cùng người bạn đời của mình cũng có thể tìm được những bộ vest ưng ý nhất cho ngày trọng đại.

Một mẫu váy cưới được hoàn thành ở khu chợ.

Ngoài các trang phục cưới theo kiểu phương Tây, các cô dâu thực hiện nghi lễ truyền thống hoặc khách nước ngoài cũng có thể đặt may váy cưới với thiết kế cổ điển mang màu đỏ và những chi tiết ánh váng đặc trưng văn hóa Trung Hoa. Dù vậy, những thiết kế này có giá cao và thời hoàn thành lâu hơn.

Cách di chuyển tới chợ váy cưới Tô Châu:

Tô Châu cách Thượng Hải 100 km, từ Việt Nam, bạn bay tới Thượng Hải (sân bay Hongqiao hoặc Pudong), sau đó đi ôtô hoặc tàu hỏa cao tốc tới Tô Châu. Du khách không phải lo lắng vì hết vé bởi số chuyến tới Tô Châu trong ngày rất nhiều.


Khu chợ rất nổi tiếng nên bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng taxi từ nhà ga, với giá chưa tới 30 tệ. Để tiết kiệm chi phí, bạn cũng có thể đi xe bus số Y1 hoặc Y2 từ ga tàu điện Tô Châu đến ga Hu Qiu Shou Mo Zhan. Nếu đi từ đồi Hổ Khâu ra, bạn đi xuống phía Nam theo đường HuQiu sẽ nhìn thấy những cửa hàng đầu tiên của khu chợ này.

Thông thường, cô dâu chú rể sẽ ở lại đây vài ngày để lựa chọn, cũng như chờ đợi váy được hoàn thành. Trong thời gian này, họ thường tranh thủ tham quan những danh thắng non nước hữu tình nổi tiếng của thành phố xinh đẹp này.

Ngôi sao

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Hướng dẫn chi tiết hành trình du lịch Lệ Giang

Lệ Giang được mệnh danh là Venice châu Á với những góc phố cổ kính xen lẫn những con kênh nhỏ uốn lượn. Mỗi góc phố, ngôi nhà đều là những góc nhỏ êm đềm. 

Lệ Giang là thành phố cổ nằm ở phía tây bắc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dưới chân núi Ngọc Long cao gần 5.600 m quanh năm tuyết phủ. Đô thị cổ Lệ Giang là một trong những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. 

Lệ Giang là một cổ trấn đã được UNESCO xếp hạng. Ảnh: China Travel

Thời gian

Lệ Giang đẹp nhất vào mùa thu, khi lá đổi sang màu vàng và nước trong hồ có màu xanh, tuyết thì trắng quanh năm trên đỉnh Ngọc Long. Dịp Tết Âm lịch cũng là thời điểm cảnh sắc rất đẹp khi đất trời cây cỏ chuyển mùa, đẹp nhất khi ngắm hoa đào, hoa cúc trong không khí mùa xuân tràn ngập khắp nơi. Thời gian đi Lệ Giang bằng đường bộ mất khoảng từ 8 đến 10 ngày, kèm với Đại Lý và Sangrila.

Visa Trung Quốc

Không có gì khó khăn, bạn có thể liên hệ các công ty du lịch làm visa với giá khoảng 65 USD, sau đó 4 ngày sẽ có visa, làm nhanh thì thêm một chút lệ phí. Với các bạn ở phía Nam thì việc xin visa Trung Quốc sẽ khó hơn, bạn nên nhờ các công ty du lịch để mọi việc được suôn sẻ.

Hướng dẫn đến Lệ Giang

Lệ Giang nằm ở tây bắc tỉnh Vân Nam, trên đường tới Lệ Giang có vô số cảnh đẹp khác mà bạn không thể bỏ qua, các bạn sẽ phải dành khá nhiều thời gian cho một chuyến đi Lệ Giang. Sẽ có 2 con đường chính dẫn tới Lệ Giang và bạn sẽ lựa chọn theo cách đi phù hợp với thời gian cũng như kinh phí của bạn:

- Đi theo đường Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Sangrila và trở về theo đường cũ. Phương án này dành cho các bạn đi theo đường bộ, tối giản chi phí bay, có thể tham quan thêm 2 địa danh nổi tiếng khác là Đại Lý và Sangrila. Nhược điểm là khá tốn thời gian cho việc di chuyển bằng đường bộ.

- Bay từ Hà Nội hoặc TP HCM và quá cảnh qua một điểm khác để tới Thành Đô - Phan Chí Hòa - Lệ Giang, đi theo đường Đại Lý Côn Minh về lại Việt Nam hoặc trở lại Thành Đô bay về. Phương án này dành cho các bạn ít thời gian nhưng dư giả tiền bạc, hoặc các bạn có phương án kết hợp đi Thành Đô và Cửu Trại Câu.

Hành trình 1 đi theo đường Lào Cai - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang

- Đêm ngày 1: Từ Hà Nội bạn lên Lào Cai bằng xe bus giường nằm (khoảng 300-350.000 đồng/người) hoặc đi tàu hỏa giường nằm cho thoải mái (khoảng 800.000 đồng).

- Ngày 2: Lào Cai - Hà Khẩu - Côn Minh (450 km), Côn Minh - Đại Lý (320 km).

Tới Lào Cai khoảng 5h30 - 6h sáng, bạn sẽ có thời gian ăn sáng và nghỉ ngơi. Hoàn tất thủ tục nhập cảnh và di chuyển tới bến xe Hà Khẩu. Giờ Trung Quốc lệch một tiếng (nhanh hơn) với Việt Nam, bạn nên điều chỉnh thời gian cho chuẩn. Xe đi Côn Minh khởi hành lúc 10h40 giá tham khảo: 137 tệ/người.

Tới Côn Minh khoảng 19h, bắt tiếp taxi sang bến xe phía Tây để bắt xe đi Đại Lý lúc 19h45, giá tham khảo (100 tệ/người). Hoặc bạn cũng có thể mua vé tàu, giá vé nằm cứng khoảng 17 USD. 

- Ngày 3: nếu đi xe khách thì tới Đại Lý lúc đêm, bạn có thể đặt phòng trước để tới đó có thể đỡ phải bỡ ngỡ đi tìm phòng lúc đêm. Một số gợi ý về phòng ở Đại Lý có ở phía dưới bài viết. Nếu đi tàu giường nằm thì đỡ một đêm nhà nghỉ.

Đại Lý cũng là một điểm tham quan đẹp, bạn có thể dành 1 hoặc 2 ngày ở đây.

Nếu bạn không qua Đại Lý thì có thể mua vé tàu từ Côn Minh đi Lệ Giang, giá vé ngồi mềm khoảng 90 tệ, còn giường cứng khoảng 151 tệ.

- Ngày 4: Đại Lý - Lệ Giang (190 km)

Cách đọc vé tàu Trung Quốc. 

Nếu các bạn đi nhóm đông có thể thuê xe riêng đi với chi phí khá rẻ. Nếu đi lẻ có thể đi bus hoặc tàu. Thông tin về tàu và đặt vé bạn có thể tham khảo tại http://www.travelchinaguide.com/china-trains

Hành trình 2 bay từ Hà Nội, Sài Gòn hoặc quá cảnh giá vé rẻ tới Thành Đô (Chengdu) – Phàn Chi Hòa – Lệ Giang

Bạn bay tới Thành Đô, tiếp đó thăm Tứ Xuyên hoặc Vân Nam (nơi có Lệ Giang). Từ đây bạn có thể đi tàu tới Phàn Chi Hòa (Panzihua) khoảng 15 tiếng, xe bus từ Panzihua đi Lệ Giang khoảng 7 tiếng.

Vé tàu ở Trung Quốc chủ yếu mua trực tiếp từ ga hoặc thông qua các đại lý du lịch trong nước. Vé tuy nhiều nhưng nên mua trước từ 3 đến 5 ngày khởi hành vì số lượng người Trung Quốc đi tàu rất lớn, một phần do yếu tố địa lý. Với họ, đi tàu 10-12 tiếng, vượt khoảng cách 800-1.000 km có thể xem là gần. Với khách du lịch nếu không có điều kiện mua vé trực tiếp thì nên nhờ khách sạn ở Trung Quốc đặt vé cho rồi nhận vé sau khi đã đến nơi.

Thành Đô có 2 ga lớn là ga phía Bắc (North Train Station) và ga phía Nam (South Train Station), trong đó ga phía Bắc luôn là điểm khởi hành của các chuyến tàu, các thông tin trên mạng nếu không ghi chú cụ thể thì mặc định là ga phía Bắc. Các thông tin biển hiệu đều là tiếng Trung, nhưng số hiệu tàu - giờ khởi hành - sân ga hiển thị số nên vẫn có thể tìm được đúng tàu cần đi. Trước khi vào ga, hành khách phải đưa hành lý qua băng kiểm tra như ở sân bay. Nguyên tắc số 1 là giữ chặt vé, ví, tư trang, chen lấn nhiệt tình và không đi theo đám đông nào cả vì tất cả mọi người đi về tất cả mọi hướng.


Để có thể đi đến Lệ Giang, bạn phải bắt xe từ nhà ga đến bến xe trung tâm. Cung đường Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là một trong các cung đường chính nên việc mua vé khá dễ dàng.

Giá vé Phàn Chi Hòa - Lệ Giang là 80 tệ/người (khoảng 12 USD), quãng đường 300 km, thời gian ghi trên vé: 9:00 - 13:00, thời gian thực tế: 8 tiếng, đến Lệ Giang khoảng 5h chiều. Xe thường dừng 2-3 lần để ăn trưa và cho hành khách thư giãn.

Những điểm đến ở Lệ Giang 

Toàn bộ thành phố Lệ Giang thực ra rất rộng lớn, bao gồm khu đô thị mới (New Town), Đại Nghiên (Dayan) cổ trấn, Thúc Hà (Shuhe) cổ trấn và Bạch Sa (Baisha) cổ trấn. Thành cổ Lệ Giang (hay Lệ Giang cổ trấn hoặc đô thị cổ Lệ Giang) mà vẫn hay được nhắc đến chính là Đại Nghiên cổ trấn.

Đại Nghiên có nghĩa là nghiên mực lớn, có thể xem đây là cách ví von thi vị nhưng rất chính xác của người xưa bởi nơi này giống như một nghiên mực khổng lồ, nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có một không hai của Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Còn chữ Lệ Giang có nghĩa là dòng sông đẹp, tượng trưng cho một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây, đó là nước. Sông Ngọc Hà (Jade Water) mang cái tinh khiết của núi non, chảy quanh thành cổ, chia nhỏ Lệ Giang thành vô vàn ốc đảo, nối nhau bằng 354 chiếc cầu đá; cấu trúc phức hợp đó làm cho Lệ Giang càng trở nên độc đáo trong con mắt khách du lịch.

Lệ Giang được xây vào thời Tống - Nguyên, đến nay đã hơn 800 năm tuổi, cấu trúc đô thị cổ vẫn gần như vẹn nguyên so với ban đầu làm cho giá trị lịch sử và văn hóa của Lệ Giang càng rõ nét hơn.

Nhìn vào bản đồ phía trên bạn có thể hình dung ra những điểm tham quan ở Lệ Giang:

- Đi bộ trong phố cổ, hướng đến chợ trung tâm (Square Market), rồi đi ra quảng trường trung tâm (People’s Square) ở tâm bản đồ.

- Nếu đi tiếp lên hướng bắc là công viên Hắc Long (Black Dragon Park): bên trong là hồ Hắc Long Đàm (Black Dragon Pool) và Ngũ Phụng Lầu (Five Phoenix Hall).

- Phía tây nam bản đồ là Mộc Phủ (Mu Fu, hay Mu Family Maison): đây là nơi ở của thủ lĩnh thị tộc lớn nhất Lệ Giang, giờ đã thành viện bảo tàng nổi tiếng nhất ở Lệ Giang.

- Sau lưng Mộc Phủ là Công viên Đồi Sư Tử (Lion Hill Park): trên đỉnh của nó Vạn Cổ Lầu (Wanggu Lou, hay Looking at the Past Pavilion), là nơi cao nhất ở Lệ Giang cung cấp cái nhìn bao quát toàn cảnh về cổ trấn cũng như khu đô thị mới.

- Đi xa khỏi Lệ Giang khoảng 14 km là làng Bạch Sa (Baisha village), chính là Bạch Sa cổ trấn ngày xưa, giờ là một ngôi làng cổ nhỏ và yên tĩnh hơn Lệ Giang. Khách du lịch thường hay thuê xe đạp để đi giữa Lệ Giang và Bạch Sa.

- Cách Lệ Giang 30 km là núi Ngọc Long Tuyết Sơn (Yulongxue Shan, hay Jade Dragon Snow Mountain) cũng là điểm đến thường xuyên của mọi du khách.

Lịch trình thăm quan Lệ Giang

Ngày đầu tham quan Lệ Giang cổ trấn, công viên Hắc Long và xem màn trình diễn ấn tượng Lệ Giang (Impression Lijiang) ở chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn.

Ngày thứ hai là đi thăm làng Bạch Sa rồi trở lại thăm Mộc Phủ của Lệ Giang và leo đồi Sư Tử.

Chú ý: mỗi du khách thường phải mua vé bảo tồn phố cổ (Old Town Preservation fee) giá 80 tệ/người. Vé này không bắt buộc, nhưng nếu muốn tham quan một số nơi sẽ bị hỏi vé. Vé có thể mua ở các quầy thông tin du lịch (Tourism Information board) trong cổ trấn.


Núi Ngọc Long nói chính xác là một quần thể núi lớn mà nổi bật nhất là đỉnh Ngọc Long. Phí vào cửa là 80 tệ/người. Từ trạm thu phí, bạn đi sâu vào thêm 14 km là tới điểm dừng đầu tiên nơi tổ chức trình diễn “ấn tượng Lệ Giang” do đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng.

Điểm dừng thứ hai gọi là Hải Bằng (Dry Sea Meadow), du khách có thể đi cáp treo (giá 170 tệ) lên độ cao 4.400m vốn là vùng hồ cạn hơn 2 thế kỷ.

Điểm dừng thứ ba trên lộ trình xe là Vân Bằng (Cloud Fir Meadow). Tại đây bạn có thể đi cáp treo với giá 160 tệ để tới độ cao 3.300m rồi từ đó trèo lên tiếp để ngắm nhìn khung cảnh rộng lớn xung quanh. Điểm dừng cuối cùng và xa nhất là Mao Ngưu Bằng (Yak Meadow) ở độ cao 3.500m. Thông thường các bạn chỉ cần xem show Ấn tượng Lệ Giang và tới độ cao 4.400m là cũng đã thích lắm rồi.

Chỉ dẫn và lưu ý khi đi Ngọc Long:

Ngọc Long Tuyết Sơn, điểm đến của hầu hết khách du lịch khi tới Lệ Giang. Ảnh: Yunnan Adventure. 

Núi này nằm cách Lệ Giang 35 km, có thể đi xe buýt số 7 ở gần tượng đài Mao Trạch Đông trong khu phố mới (10 tệ/người) hoặc thuê xe taxi hay xe tải nhỏ của người địa phương để đến núi (20 tệ - 40 tệ).

Khi đi nhớ chuẩn bị áo ấm, bình oxy mua sẵn hoặc mua tại núi (đắt hơn) để đề phòng thiếu dưỡng khí khi thay đổi độ cao. Nên mua 1 bình dùng cho 2 hoặc 3 người, giá khoảng 200 tệ/bình. Mua nhiều dùng không hết. Nếu bạn không muốn phải chờ lâu ở bến xe bus lên cáp treo, bạn nên có mặt ở đó từ 8h.

Để quay lại Lệ Giang, du khách có thể đi taxi từ chân núi hoặc đi xe buýt 7, nên lưu ý là taxi sẽ hết rất nhanh còn xe buýt thì không phải lúc nào cũng có! Ngoài ra có thể đi bộ ra đường lớn rồi vẫy bất kỳ xe nào chạy về hướng cổ trấn, một cách khá phiêu lưu nhưng cũng đáng để thử.

Làng Bạch Sa (Baisha village)

Vị trí khoảng 12 km hướng Bắc Lệ Giang, có thể thuê xe đạp (10-15 tệ/xe/ngày) hoặc thuê taxi đi. Làng Bạch Sa chính là Bạch Sa cổ trấn xưa, vốn là kinh đô cũ của vương quốc Nạp Tây (Naxi kingdom) trước đây khi người Nạp mới di cư đến vùng này, theo thời gian đã mai một đi nhiều. Nếu ai đó muốn tạm lánh khỏi không khí ồn ã của Lệ Giang thì có thể đi làng Bạch Sa, tìm hiểu thêm về cuộc sống thường nhật của người bản xứ trước khi nó bị thương mại hoá. Giá vé tham quan Làng Bạch Sa là 30 tệ/người.

Shangri-la (Zhongdian, hay Trung Điện)

Cái tên Shangri-la có thể gây tò mò lớn cho bất cứ khách du lịch nào bởi nó gắn liền với một thế giới tâm linh xa xôi được hư cấu qua vô số tiểu thuyết giả tưởng về đất Phật huyền bí… thực ra Shangri-la ở Vân Nam có tên cũ là Zhongdian (Trung Điện), vốn là một ngôi làng nhỏ nằm cách Lệ Giang 5 tiếng chạy xe về phía bắc. Người Trung Quốc nắm bắt được tâm lý của du khách nên vào năm 1997 đã đổi tên Trung Điện thành Shangri-la và đó là một chiến thuật thông minh. Shangri-la giờ đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách phương xa đi Vân Nam.

Hổ Khiêu Hiệp (Tiger Leaping Gorge)

Hẻm núi hổ nhảy nằm cách Lệ Giang 60km về phía Bắc, được coi là hẻm núi hiểm trở nhất thế giới thu hút những ai ưa mạo hiểm, nơi đây vách núi dựng đứng, trên đầu trời xanh như ngọc, dưới chân là vực sâu hun hút, nước xoáy tung bọt trắng xóa. Từ hẻm núi này cũng có thể ngắm khúc quanh đầu tiên của Dương Tử Giang vào Trung thổ, để chinh phục Hổ Khiêu Hiệp bạn sẽ cần ít nhất 2 ngày.

Mộc Phủ (Mu Fu)

Mu Fu đã có lịch sử gần 500 năm tuổi, trước kia là vương phủ của Mộc thế tộc ở Lệ Giang được nhà Minh ban cho tên hiệu - chính là Mộc Anh (cha của Mộc Thạch sau này đem quân xâm lược Đại Việt…)

Mu Fu nằm ở phía Nam trên bản đồ cổ trấn, từ quảng trường trung tâm đi mất khoảng 15 phút, quanh co vòng vèo men theo con suối nhỏ, du khách sẽ đến được Mu Fu, vé vào cửa là 45 tệ/người.


Mu Fu dài cả thảy gần 400m có cấu trúc chữ Quốc (国) cực kỳ chặt chẽ, đi từ trước ra sau chia làm 5 khu ngay ngắn: tiền điện, chính điện, hậu điện, nhà hội đồng, nhà thờ tổ; đồng thời hai bên là hai dãy hành lang nối dài chạy xuyên suốt toàn phủ. Cấu trúc này còn được gọi Nội công Ngoại quốc, tức là bên trong thì giống chữ Công (工) còn tổng thể bao ngoài thì giống chữ Quốc (国); là kiểu kiến trúc dễ gặp ở chùa Thầy (Hà Tây) hay chùa Mía – Sùng Lâm Tự (Đường Lâm). Mỗi gian điện đều nguy nga rộng lớn, xây theo lối chồng diêm 2 tầng 8 mái, riêng chính điện 12 mái; các mái đều như đầu đao uốn cong không cách điệu, vươn cao sắc nhọn, chạm trổ màu sắc theo phong cách cao nguyên bắt mắt. Cả Mu Fu toát lên một vẻ bề thế uy nghi, chẳng thế mà người ta gọi nơi đây là Tử Cấm Thành của Vân Nam.

Công viên đồi Sư Tử (Lion Hill Park)

Mộc Phủ được xây theo hướng Đông, lưng dựa vào Đồi Sư Tử, nắng chỉ dột vào trưa còn về chiều râm mát. Từ phía sau Mu Fu có đường lên công viên, giá vé vào công viên là 15 tệ/người, du khách sẽ được ngắm Vạn Cổ Lầu (Wang gu Lou), đây cũng là nơi cao nhất ở Lệ Giang cho phép người ta nhìn toàn cảnh thị trấn.

Đường lên Vạn Cổ Lầu cao và khá mệt, nhất là sau khi đã đi hết một vòng Mu Fu, nhưng lên đến đỉnh đồi thì quả là bõ công, ngước mắt ngắm lầu mà lòng rung động. Vạn Cổ Lầu có cấu trúc bảo tháp, cao hơn chục trượng, đỏ rực trong nắng chiều, lầu chia làm 5 tầng, cửa mở tứ phương, mỗi cửa vào đều có thạch sư trấn hai bên.

Theo Timeout Vietnam

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

6 nét đặc sắc trong cách đón Tết của các nước châu Á

Người Mông Cổ thường dậy sớm trước cả bình minh và mặc quần áo mới, nhóm lửa vào sáng mùng 1 trong khi dân Hàn Quốc lại treo một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.

Xem thêm: Địa điểm du lịch Tết / Rực rỡ tết Phương Nam

Giây phút tiễn năm cũ, chào đón năm mới với những niềm tin và hy vọng được xem là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong lòng nhiều người. Mỗi quốc gia, dân tộc lại có những truyền thống đón Tết mang nét đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên sự độc đáo riêng biệt từng vùng.

1. Mông Cổ 

Theo tập quán, vào ngày Tết Tsagaan, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Thời khắc giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun, có nghĩa “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Họ sẽ ăn thật no vì tin rằng nếu không làm vậy thì suốt cả năm mới sẽ bị đói.

Vào ngày đầu năm, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ tới đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh.

Dịp lễ đặc biệt này, họ thường tụ tập ở nhà người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong đó, các thành viên gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Kết thúc nghi thức, tất cả mọi người cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao nhau những món quà cầu chúc năm mới thịnh vượng, ấm no.


Tết Tsagaan của người Mông Cổ. Ảnh: Hunnutour.com

2. Hàn Quốc

Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollal, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều dọn sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa nhằm xua đuổi tà ma vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc

Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu làm vậy thì khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri”, một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa với mong muốn nhận phúc lộc quanh năm.


Gia đình quây quần trong ngày Tết Seollah của Hàn Quốc. Ảnh: koreaherald.com

3. Trung Quốc 

Mừng năm mới theo tiếng Trung Quốc là "Guo Nian". Theo truyền thuyết, “Nian” là tên một con quỷ luôn xuất hiện vào ngày cuối cùng của năm cũ để quấy phá dân lành. Người Trung Quốc phát hiện ra con quỷ rất sợ màu đỏ và tiếng động mạnh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Từ đó, cứ mỗi dịp năm hết, Tết đến, họ thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối, đèn lồng, dán giấy đỏ và đốt pháo để xua đuổi quỷ sứ, đồng thời cầu mong muốn một cái Tết vui vẻ, năm mới an lành. Người Trung Quốc cũng bắt chước tiếng chim cuốc kêu. Loài vật này vốn được coi là chim báo hiệu mùa xuân, nhắc nhở mọi người gieo trồng. Bên cạnh đó, họ còn tung hạt giống lên trời với ước mong được mùa trong năm mới.


Sắc đỏ tràn ngập trong những ngày Tết tại Trung Quốc. Ảnh: lifevancouver.jp

4. Singapore

Singapore đón tết nguyên đán khá giống với Trung Quốc. Người dân nơi đây cũng có những truyền thống như trang trí nhà cửa, đường phố với màu đỏ, lì xì trẻ em trong ngày đầu năm hay đến chúc Tết họ hàng, bạn bè.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Singapore

Họ rất quan trọng việc đoàn tụ gia đình vào dịp năm mới. Con cháu dù ở xa tới đâu cũng đều tụ họp đông đủ để cùng nhau đón năm mới. Vào dịp này, người ta hay tặng nhau dứa và cam vì trong tiếng Trung Quốc, chúng được phát âm giống với từ giàu có, hạnh phúc và con cái.


Yu Sheng, món ăn may mắn không thể thiếu trong ngày Tết của người Singapore.

5. Triều Tiên

Trước kia, Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và 11, gần đây mới chuyển sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch như một số nước Đông Á khác. Tết của người Triều Tiên cũng kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy saman (phù thủy) đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc…

Vào sáng ngày 1 Tết, đàn ông phải tới hàng xóm chúc mừng nhau trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này. Người Triều Tiên cho rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo cả năm nếu người xông đất nhà họ là phụ nữ. Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát, nhảy múa.


Cơm thuốc, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Triều Tiên. Ảnh: airasia.com

6. Việt Nam

Tết Nguyên Đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt. Phần "lễ" cũng như "hội", đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo sẽ chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi thế, mọi gia đình Việt Nam đều làm mâm cơm tiễn đưa "ông Táo” vào đúng ngày này. Đây được xem như hoạt động đầu tiên của Tết Nguyên đán.

Hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có mai, tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài ra còn có quất với quả chín vàng mọng, biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và lòng biết ơn với tổ tiên, không thể thiếu mâm ngũ quả. Đây được xem là lộc trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.


Gói bánh chưng là một nét văn hóa đẹp trong phong tục ngày Tết của người Việt.

Selina Nguyễn - VNExpress

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới ở Trung Quốc

Trải dài trên diện tích 750.000 m2, nhiều công trình trên băng được chiếu đèn laser sặc sỡ được xây dựng để thu hút du khách.


Lễ hội Băng đăng lần thứ 31 vừa được khai mạc tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, phía Bắc Trung Quốc. Đây là một trong bốn lễ hội băng đăng lớn nhất thế giới.


Hằng năm, lễ hội kéo dài khoảng một tháng nhưng cũng tùy vào thời tiết và chủ đề, có năm lễ hội kéo dài tới 2-3 tháng.

Trong một số lễ hội gần đây, màn bắn pháo hoa được trình diễn mở đầu cho cho chuỗi ngày sự kiện. Tuy nhiên, năm nay sau vụ giẫm đạp kinh hoàng tại Thượng Hải đêm giao thừa, ban tổ chức đã quyết định dừng hoạt động này.


Khuôn viên nơi diễn ra lễ hội trải dài trên diện tích lên tới 750.000 m2 với rất nhiều công trình mô phỏng các kiến trúc nổi tiếng thế giới như Vạn Lý Trường Thành, Kim Tự Tháp Ai Cập... Những câu chuyện cổ tích cũng được tái hiện sinh động qua những tảng băng cùng ánh đèn màu rực rỡ.


Bên trong mỗi công trình thường được đặt các bóng đèn laser hoặc đèn lồng theo cách truyền thống, mỗi khối là một màu sắc khác nhau, tạo nên không gian lung linh huyền ảo.

Xem thêm: Kinh nghệm du lịch Cửu Trại Câu - Trung Quốc


Lễ hội Băng đăng Cáp Nhĩ Tân được đánh giá cao về độ công phu, mức tinh xảo của bàn tay các nghệ nhân, chuyên gia điêu khắc trên băng.



Công trình mê cung bằng băng được xây dựng, kích thích sự tò mò của du khách.




Công trình cầu trượt băng được các em nhỏ rất yêu thích.



Rất nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tụ hội ở đây để ghi lại những hình ảnh dường như chỉ có trong cổ tích.

Xem thêm: Núi bay Avatar Hallelujah tại Trương Gia Giới




Kẹo hồ lô, một món ăn đường phố truyền thống ở Trung Quốc được bán ở lễ hội. 


Nhiệt độ của Cáp Nhĩ Tân vào mùa đông thường ở mức âm 17 đến âm 30 độ C nên có khả năng giữ nguyên hình khối cho các tác phẩm băng.


Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1963, mỗi năm thu hút lượng khách khổng lồ, đông nhất trong năm đến với thành phố phía Bắc này.



SuZi Nguyễn
Ảnh: Traveller

Bài đăng phổ biến