Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đồng Tháp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Du Xuân săn ảnh Tết

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi khi Tết đến Xuân về người người, nhà nhà lại nô nức đến các địa điểm chụp ảnh Tết đẹp để sắm cho mình những bộ ảnh lung linh nhất.

Du Xuân săn ảnh Tết

Vườn đào Nhật Tân

Vườn đào Nhật Tân, Tây Hồ

Hoa đào là một loại hoa đẹp, sinh trưởng tại khu vực phía Bắc, chỉ nở vào dịp cuối năm khi không khí bắt đầu lạnh dần và nó cũng là loài hoa tượng trưng cho ngày Tết tại Hà Nội. Chính vì vậy mà khi đến Hà Nội chụp hình Tết, bạn đừng nên bỏ lỡ hình ảnh những cánh hoa đào xinh đẹp này nhé. Và một địa chỉ có nhiều hoa đào nhất đáng để bạn đến chụp hình đó là vườn đào Nhật Tân. Sau khi chụp ảnh, bạn có thể mua một vài cành đào về trưng cho không khí xuân thêm ấm áp.

Phố Ông Đồ

Phố Ông Đồ

Hàng năm vào những ngày Tết Nguyên Đán, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh những ông Đồ Già đang say sưa viết chữ thư pháp bên một góc đường tại Nhà văn hóa Thanh Niên hay những công viên lớn tại Sài Gòn. Phố Ông Đồ không chỉ là địa điểm vui chơi, chụp ảnh mà còn là nơi để du khách, nhất là giới trẻ tìm hiểu và quý trọng hơn giá trị của ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Và quan trọng nhất đó là các bạn đừng quên ghé lại để nhờ ông Đồ viết tặng mình những câu chúc Tết Nguyên Đán hay và ý nghĩa nhất tặng bạn bè, gia đình và những người thân thiết nhất của mình.

Bãi lau chân cầu Rào 2

Bãi lau chân cầu Rào 2

Tết đâu chỉ có đào với mai, giới trẻ bây giờ còn thích chụp ảnh với những khung cảnh lạ lẫm hơn và bãi lau là một trong số đó. Ở Hải Phòng có bãi lâu rộng nằm ở chân cầu Rào 2 rất được yêu thích.  Lau ở đây cao và cũng rộng nữa, vì thế sẽ cho bạn những bức ảnh tựa như phương trời Tây vậy. Tết này, hãy rủ bạn bè đến đây và chụp lại những bức ảnh kỷ niệm cực đẹp nhé!

Thung lũng hoa hồ Tây

Thung lũng hoa Hồ Tây

Thung lũng hoa Hồ Tây nằm ở ngã ba Nhật Chiêu – Công viên nước với diện tích hàng ngàn mét vuông trồng đủ các loài hoa rực rỡ sắc màu. Nơi đây được ví như thiên đường của những loài hoa. Nhất là khi mùa Xuân đến, trăm hoa đua nở, khoe sắc lung linh tạo nên địa điểm chụp ảnh Tết đẹp lung linh. Tại Thung lũng hoa Hồ Tây trồng rất nhiều loại hoa đặc biệt như cúc vạn thọ, hoa hướng dương, hoa cải, hoa tuýp điệp, cúc hoạ mi, hoa cánh bướm, hoa xác pháo, dạ yến thảo…

Làng hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc

Làng hoa Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp là nơi thu hút khá nhiều du khách thập phương vào mỗi độ Tết đến. Với hơn 100 loài hoa cùng nhau khoe sắc, nơi đây đã làm say lòng bao nhiếp ảnh gia và nhiều bạn trẻ. Cho ra đời những bộ sưu tập xuân đầy màu sắc. Phía bên này là hoa những khóm hoa hồng, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa dâm bụt vàng đỏ tím… Bên kia là thược dược, tú cầu, lan, mai thủy chiếu. Xa xa là ớt kiểng, mãn đình hồng, kim cúc…đang đua nhau khoe sắc, tất cả cùng hội tụ tạo nên một bức tranh quyến rũ say đắm lòng người. Sau khi chụp ảnh bạn có thể chọn mua vài chậu hoa xinh xắn về trưng Tết cho không khí xuân thêm rộn ràng.
Xem thêm: Làng hoa Sa Đéc rộn ràng khoe sắc dịp Tết đến xuân về

Hồ Gươm và Phố cổ

Phố cổ

Hồ Gươm và Phố cổ cũng là những địa điểm chụp ảnh Tết đẹp được nhiều người lựa chọn. Nếu bạn muốn có bộ ảnh cổ điển và gần gũi thì đây là điểm đến lý tưởng. Vào dịp Tết, khu vực này được trang trí với nhiều khung cảnh đón xuân độc đáo.

Đi quanh hồ, bạn sẽ cảm nhận được không khí se lạnh rất thơ mộng. Nào các hàng cây xanh vên hồ, nào cầu Thê Húc son đỏ cổ kính, rồi phía xa xa là tháp rùa. Mùa này, các vườn hoa nhỏ cũng bắt đầu nở rộ cho bạn những shoot hình tuyệt vời!

Phố hàng mã Hải Thượng Lãn Ông

Đường Hải Thượng Lãn Ông

Khu phố hàng mã tọa lạc tại quận 5, Tp HCM này là nơi nổi tiếng buôn bán các món đồ trang trí được nhiều người ghé thăm vào các dịp Trung thu, Tết. Tại đây vào dịp Tết thường có bán các loại lồng đèn, đồng tiền trang trí, câu đối nhiều màu sắc nên lên hình sẽ rất đẹp.

Lăng Ông

Lăng Ông

Đây là không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn là niềm tự hào của người dân Nam bộ nên được nhiều người lựa chọn làm nơi chụp ảnh Tết.  Đặc biệt là với kiến trúc cổ xưa mang màu đỏ son tạo nên những bức ảnh chụp vừa nét hoài niệm vừa rộn ràng.
Xem thêm: Làm thế nào để "Trốn Tết" một cách tiết kiệm?

Tổng hợp

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Bánh xèo Cao Lãnh hấp dẫn từ khi đang chế biến

Bánh xèo Cao Lãnh, Đồng Tháp làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, đốt trên lò củi, với nhân là giá, thịt lợn và tôm.

Bánh xèo là món ăn quen thuộc của cả miền Trung và miền Nam, thế nhưng tại mỗi địa phương, bánh xèo có cách chế biến khác nhau. Nổi bật nhất tại miền Tây Nam bộ phải kể đến bánh xèo Cao Lãnh, Đồng Tháp. Loại bánh làm từ bột gạo, đổ thật mỏng trong chảo nhôm, được đốt trên lò củi.


Gạo được chọn làm bánh là loại gạo mới, có mùi thơm và thuộc nhóm gạo khi nấu cơm thì cơm khô nở chứ không phải loại gạo dẻo. Gạo mang đi ngâm, xay nhuyễn hòa với nước cốt dừa, chút muối, hành lá xắt nhuyễn. Nguyên liệu cơ bản để làm nhân là củ sắn (củ đậu) và giá đậu xanh.


Tại Cao Lãnh, cùng với củ sắn và giá, các đầu bếp thường làm bánh xèo nhân tôm thịt và bánh xèo thịt vịt. Tôm được dùng là tôm đất hoặc tôm sú. Thịt heo chọn phần thăn để thịt mềm. Bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì tráng phần bột mỏng, sau đó cho lần lượt các loại nhân vào. Khi bánh giòn thì gấp lại làm đôi.


Bánh xèo thịt vịt được xem là đặc trưng của Cao Lãnh. Vịt làm sạch, lóc bỏ bớt các xương to, còn chừa xương nhỏ, bằm nhuyễn cả con. Thay vì cho thịt heo và tôm làm nhân, bánh xèo thịt vịt chỉ dùng thịt vịt kèm củ sắn và giá. Điều thú vị nhất của món này là thực khách sẽ có cảm giác cái giòn giòn lợn cợn của xương vịt khi nhai.


Bà Đẹp, chủ quán bánh xèo Hồng Ngọc có hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, muốn có cái bánh ngon, đầu bếp phải chú ý rất nhiều chi tiết, kể cả thời gian chiên bánh lẫn kỹ thuật lật gấp bánh. Bánh chiên xong sẽ được lót lá chuối tươi để có mùi thơm.


Bánh thành phẩm được bày lên đĩa, ngươi ăn có thể tùy theo sở thích, hoặc xé từng miếng cho vào chén rồi chan nước mắm, hoặc cuốn với rau thơm.

Nước mắm chua ngọt và đồ chua làm từ củ cải trắng, cà rốt được xem là linh hồn của món ăn. Theo dân sành ăn, hàng quán hơn nhau ở chỗ pha nước mắm. Quán nào nước mắm không ngon, quán đó chắc chắn vắng khách.


Bên cạnh nước mắm, điều khiến món bánh xèo trở nên hấp dẫn và cũng là thành phần không thể thiếu đối với món bánh xèo đó chính là rau. Tại khu bánh xèo Cao Lãnh nổi tiếng trên đường Lê Duẩn (TP Cao Lãnh), ngoài xà lách, rau quế, húng cây, diếp cá, thì đọt bằng lăng, lá cát lồi (trị đau khớp), lá lốt, lá cách hái từ vườn là những thứ "phụ kiện" làm tăng thêm tính hấp dẫn và giúp người ăn cảm thấy ngon miệng hơn.

(Theo Ngoisao)

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Các làng hoa Tết vào mùa

Nhật Tân, Thái Phiên hay Tân Quy Đông, các làng hoa nổi tiếng cả nước, sắp vào vụ hoa lớn nhất trong năm, có thể trở thành bối cảnh tốt cho các du khách thích chụp ảnh.
Xem thêm: Du xuân ở khắp mọi miền đất nước

Làng hoa Nhật Tân, Hà Nội

Nhật Tân không chỉ nổi tiếng trong giới yêu hoa mà còn với nhiều bạn trẻ Hà Nội. Những năm gần đây, làng hoa Nhật Tân là nơi lui tới thường xuyên của những người thích chụp ảnh với cánh đồng bạt ngàn hoa hướng dương, cúc họ a mi, bách nhật… Gần Tết âm lịch, làng hoa Nhật Tân khoác lên mình vẻ rực rỡ với những vườn đào bắt đầu nở.

Làng hoa Nhật Tân rực rỡ dịp xuân về. Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn

Nhật Tân được biết đến với những giống đào nổi tiếng, kỹ thuật ghép, tỉa cành, phối giống độc đáo chỉ có các nghệ nhân trồng đào trong làng mới biết. Giáp Tết, những vườn đào trổ nụ, chuẩn bị đơm hoa, tạo nên khung cảnh mang đậm màu sắc Tết miền Bắc.

Làng hoa Tây Tựu, Hà Nội

Nổi tiếng không kém là làng hoa Tây Tựu với lịch sử lâu đời và diện tích trồng hoa lớn bậc nhất Hà Nội. Nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 20 km, thuộc quận Bắc Từ Liêm, Tây Tựu không được nhiều du khách lui tới nhưng chính vì vậy, bạn có thể thong dong tận hưởng không khí yên bình, mang trọn vẻ đẹp của một làng hoa ngoại thành.

Tây Tựu chủ yếu trồng những loại hoa truyền thống, nổi tiếng nhất là các giống cúc như đại đóa, vạn thọ, cúc tím, cúc trắng, vàng. Ngày tết, những ruộng hoa xen kẽ thêm sắc màu rực rỡ của hoa hồng, đồng tiền, violet, hoa cánh bướm, lay ơn hay thược dược.

Làng hoa cúc huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, Quảng Ngãi

Địa phận huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức là khu vực trồng hoa cúc nổi tiếng không chỉ riêng tại Quảng Ngãi mà toàn bộ miền Trung. Những loại cúc được trồng ở đây rất đa dạng, từ cúc pha lê, cúc mâm xôi, cúc vàng, cúc đại đóa…

Tới Mộ Đức vào thời điểm này, bạn có thể đắm chìm trong không gian bạt ngàn sắc vàng của cúc và cảm nhận không khí bận rộn của người dân chuẩn bị cho Tết.

Mộ Đức có nhiều giống cúc đẹp. Ảnh: Trí Tín

Làng hoa Thái Phiên, Đà Lạt, Lâm Đồng

Thái Phiên là một trong những làng hoa chính và nổi tiếng nhất tại Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố tầm 7 km. Đây là nơi cung cấp nhiều loại hoa cho Đà Lạt và cả nước.

Thái Phiên nổi tiếng với các giống hoa ngoại nhập đặc sắc như cúc Nhật, cúc Indonesia, lay ơn, cúc đỏ, ly ly trắng, cẩm tú cầu.

Làng hoa Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp

Nằm bên bờ sông Tiền, mảnh đất Sa Đéc trù phú là vựa hoa lớn nhất miền Tây Nam Bộ, chuyên cung cấp hoa cho thị trường miền Nam. Dọc đường làng, hai bên là những thửa ruộng mênh mông trăm hoa đua sắc.

Càng gần Tết, người dân càng bận rộn hơn, chuẩn bị cho những chuyến hoa đi khắp miền. Xe chở hàng đậu đầy hai bên con đường chạy xuyên qua làng hoa. Các giống hoa ở Tân Quy Đông cũng rất đa dạng, từ các loại cúc vạn thọ, hoa hồng, hoa cánh bướm, thược dược, cho đến vô số giống cây cảnh trang trí đường phố.

Người dân Sa Đéc rất hồn hậu, thân thiện. Bạn có thể thoải mái chụp ảnh bên cạnh những vườn hoa đang vào vụ hoặc trò chuyện với bà con địa phương.

Đồng cúc vàng ở Tân Quy Đông. Ảnh: yeunhiepanh

Minh Đức (VnExpress)

Muôn hoa Sa Đéc khoe sắc đón xuân về

Đến với làng hoa nổi tiếng nhất miền Tây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều loại hoa khoe sắc và đang được thu hoạch đem đi khắp mọi miền Tổ quốc.
Xem thêm:  Không khí xuân đầm ấm ở miệt vườn


Trong ít ngày tới, hàng trăm loài hoa, chậu cây cảnh… sẽ được mang đi khắp mọi miền Tổ quốc nhưng thị trường lớn nhất chính là TP HCM. Các thương lái, nhà buôn sẽ thu gom hoa từ nhà vườn, tập kết ở ven sông Sa Đéc vào chiều tối rồi đợi những chuyến xe đêm mang hoa đi tiêu thụ.


Các loại hoa rất phong phú và đa dạng, từ bình dân, dễ chăm sóc như cúc, thược dược, hoa bướm, hoa hồng, tú cầu… cho đến hàng trăm loài quý hiếm khác như: lan, trúc mai, tulip, ly… cùng rất nhiều giống hoa nhập ngoại như tùng Nhật, vạn thọ Pháp...
Thăm làng hoa Sa Đéc, du khách như đắm chìm vào không gian của muôn loài hoa cỏ với đủ màu sắc, ngây ngất hương thơm, xua đi bao mệt mỏi ưu phiền của cuộc sống thường nhật.


Hình thức canh tác và chăm sóc giống hoa cũng đem đến nhiều sự thú vị. Hoa được trồng theo từng luống, rộng và trải dài ngút tầm mắt trên các giàn đỡ cao để tiện tưới nước. Một số loài khác được trồng trên giỏ và treo lên cao, khiến ta cảm tưởng như chứng kiến những vườn treo Babylon thu nhỏ.


Trước Tết âm lịch 20 ngày là thời điểm sôi động nhất của làng hoa. Những hộ nông dân làng nghề chạy xuôi ngược để mang các sản phẩm đi bán. Thời gian này, làng hoa cũng tạo ra hàng trăm việc làm thời vụ như: tưới nước, ươm giống, vận chuyển, bó hoa, tỉa lá, cắt cành...


Các làng trồng hoa ở Sa Đéc năm nay cũng đối mặt với thử thách gắt gao từ thời tiết. Do nắng nóng liên tục nên cúc mâm xôi nở sớm đã gây thiệt hại khá lớn. Những cảm xúc vui, buồn của người trồng hoa luôn thăng trầm cùng thời tiết. Nếu nhiệt độ không xuống thấp hơn trong tuần tới, phần lớn cúc mâm xôi sẽ phải bán trước Tết âm lịch và khi đó giá cả sẽ mất đi nhiều giá trị. Nắng nóng kéo dài còn ảnh hưởng đến nhiều loài hoa khác sẽ dẫn đến nguy cơ nở sớm và phải bán trước Tết.


Chỉ một số ít gia đình làm giàu từ nghề này, còn hầu hết chỉ đủ ăn nhưng chẳng mấy ai có ý định bỏ nghề truyền thống. Họ mong muốn lưu giữ lại cho con cháu để thế hệ sau có những đột phá, cải thiện thu nhập tốt hơn.

Người dân ở đây rất thân thiện, họ quen với việc có khách đến thăm nhà vườn nên cho gửi xe miễn phí, giới thiệu các loài hoa, công đoạn chăm sóc, giá bán hiện tại… để mọi người hiểu hơn về ý nghĩa các loài hoa và lịch sử truyền thống làng nghề trong chiều dài hơn 100 năm qua.

Làng hoa cách trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp 3 km, đường đi rất thuận lợi. Du khách phương xa khi đến đây có thể vào trực tiếp các nhà vườn có quy mô lớn tại phường Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông và các xã lân cận như Mương Điều (Lấp Vò)… Các nhà vườn ở đây đang đầy ắp những loài hoa đua nở.

Lâm Phú Nghiêm (VnExpress)

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Sa Đéc thú vị từ góc nhìn khác

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và lò gạch trăm tuổi mang đến một cái nhìn rất mới mẻ cho du khách khi đặt chân đến Sa Đéc.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, Sa Đéc còn được mệnh danh là xứ hoa kiểng của Việt Nam. Nếu dành đủ thời gian để tìm hiểu nơi đây, bạn sẽ nhận ra Sa Đéc quá đỗi yên bình, không xô bồ, tấp nập.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Từ thành phố Long Xuyên, bắt đầu hành trình đến Sa Đéc, du khách sẽ đi qua phà An Hòa, chạy theo tỉnh lộ 848. Chỉ gần 2 tiếng đồng hồ là đến thành phố này.

Điểm dừng chân đầu tiên chính là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, xây dựng từ năm 1895 của thương gia người Hoa - Huỳnh Cẩm Thuận (cha của Huỳnh Thủy Lê). Ông đồng thời là nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng Người Tình của nữ văn sĩ Marguerite Duras (Pháp). 

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có thiết kế khá độc đáo thu hút nhiều du khách ghé thăm. Ảnh: Phan Lộc

Năm 1990, tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Theo tiết lộ của nữ văn sĩ, tác phẩm Người Tình dựa trên câu chuyện tình yêu có thật của chính bà với ông Huỳnh Thủy Lê – người điền chủ lương thiện tại Sa Đéc. Lúc ấy, bà mới 15 tuổi, theo cha mẹ đến Việt Nam và bất ngờ gặp ông Huỳnh Thủy Lê trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc. 

Những món đồ được trưng bày bên trong nhà cổ. Ảnh: Phan Lộc

Mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bế tắc sau khi bị gia đình phát hiện và ngăn cấm. Không thể chống lại định kiến, Huỳnh Thủy Lê phải cưới người đồng hương theo sắp đặt từ bố mẹ, còn Duras quay trở lại Pháp.

Lò gạch trăm tuổi

Rời ngôi nhà cổ khi mặt trời đứng bóng, bạn có thể thưởng thức bữa trưa bằng món hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng nằm trên đường Trần Hưng Đạo.Giá đồ ăn nơi đây hơi đắt, khoảng 65.000 đồng cho suất đặc biệt và 60.000 đồng đối với tô bình thường.

Sau đó, bạn tiếp tục theo quốc lộ 80, hỏi đường đến lò gạch Đức Thành bên bến Sa Giang. Bên kia sông là những lò gạch hình chóp đỏ nhuốm màu lam cổ kính rực lên dưới ánh nắng vàng tươi.

Bạn có thể qua sông bằng một chuyến phà nhỏ. Theo lời kể của dân địa phương, những lò gạch này có tuổi đời hơn trăm năm vì bao thế hệ người Sa Đéc từng gắn liền với nghề gạch. 

Lò gạch vào buổi trưa với ánh sáng soi rọi từ lỗ ống khói trên nóc vòm. Ảnh: Phan Lộc

Đến đây, bạn như lạc bước vào một kim tự tháp cổ đại Ai Cập. Nhiệt độ bên trong nóng bức, không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng xuất hiện vài công nhân đến chất gạch lên xe và kéo đi.

Màu tường kết bằng gạch đỏ sau bao đợt nung trở thành phông nền độc đáo cho những bức ảnh đậm chất nghệ thuật. Đến lò gạch vào buổi trưa, bạn có thể vào bên trong, để luồng ánh sáng mặt trời rọi xuống từ lỗ ống khói trên nóc vòm lò và chụp những bức ảnh tuyệt đẹp.

Phan Lộc (VnExpress)

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ngôi chùa trồng loài sen lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Những chiếc lá sen có thể chịu đựng sức nặng trên 50 kg mọc trong ngôi chùa Phước Kiểng (Đồng Tháp) từ cách đây hơn 20 năm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Nằm khá sâu trong xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) nhưng ngôi chùa Phước Kiểng vẫn được nhiều du khách biết tới bởi loài sen vua. Tới huyện Châu Thành, chỉ cần hỏi đường tới chùa Lá Sen, bất kỳ người dân nào cũng rành rẽ chỉ đường cho bạn.
Với cân nặng khoảng 50-60 kg, bạn có thể đứng thoải mái trên lá sen mà không gây xao động mặt nước. Ảnh: Trần Ngô Hải An.

Từ tuyến quốc lộ 80, bạn rẽ theo con đường khá lắt léo ven sông chỉ đi được xe hai bánh, qua cây cầu gỗ sẽ tới nhìn thấy cổng chùa. Trong chùa khá đông Phật tử, du khách tới nhưng bao trùm vẫn là không gian tĩnh lặng trong tiếng đọc kinh đều đều. Những người tới cổng có ý thức tắt máy, dắt xe đi qua hàng dừa dịu mát.

Sau khi đi vào lễ, hầu hết du khách đều dành thời gian đi vãn cảnh xung quanh khuôn viên chùa. Trong chùa trồng rất nhiều loại cây hoa, quả khác nhau nhưng điểm thu hút nhất vẫn là ao sen phía bên cạnh chùa.

Mùa nước nổi tháng 9-10 cũng là lúc thích hợp để bạn đi ngắm sen vua. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Ao sen hình vuông với các lá sen hình tròn tượng trưng cho trời tròn, đất vuông theo quan niệm của người xưa.
Cây cầu bắc ngang qua ao sẽ giúp bạn đứng xuống lá dễ dàng hơn. Ảnh: Holy.

Sen vua là loài cây mọc nhiều ở vùng Amazon (Nam Mỹ), dần được đem sang trồng ở các vườn bách thảo một số nước. Cây nổi tiếng bởi khả năng chịu đựng sức nặng lớn (từ 50 kg đến 100 kg). Đây là cây lớn nhất trong họ súng, lá dày, tròn, có mép lá dựng lên, đường kính lên tới 2-3m.

Thời chiến tranh, chùa Phước Kiểng bị bom dội nên để lại nhiều hố bom. Ao sen vua cũng chính là một hố bom được cải tạo thành nơi trồng cây đặc sắc. Tuy nhiên, không ai biết người nào đem giống sen lạ về gieo trồng ở đây. Người dân địa phương chỉ nhớ, đầu những năm 1990, đã thấy loài cây này phát triển trong ao chùa.

Dù nguồn gốc ở xứ lạ nhưng sen vua có sức sống lạ kỳ. Năm 1998, ao khô cạn nước nên các loại cây đều bị chết. Nhưng tới mùa nước nổi, sen lại mọc và nở hoa. Hoa lúc đầu có màu nhạt rồi chuyển dần sang sắc hồng, đỏ. Bông hoa nhỏ tương tự các giống sen bình thường. Hạt sen nhỏ, có thể ăn được. Mặt trên của lá xanh mướt, mặt dưới có gai nhọn.
Bông hoa sen có kích cỡ ngang các giống bình thường. Ảnh: Holy.

Ở chùa Phước Kiểng, có dịch vụ cho khách ra chụp hình với lá sen vua khá quy củ, trật tự. Bạn sẽ bước từ cây cầu bắc ngang ao xuống lá sen qua một tấm ván. Sẽ có người giữ ván và đảm bảo bạn lên được lá an toàn. Nếu muốn tự chụp lại hình, bạn cũng có thể đề nghị và trả phí phù hợp.

Ngoài lá sen lớn, ngôi chùa nhỏ còn nổi tiếng với ông Quy (Rùa) nặng cả trăm kg. Theo chuyện kể lại, ông Quy từng bị bắt đi nhưng đã trốn thoát, vượt vài chục km về chùa. Sau này rùa mất, sư trụ trì thương tiếc giữ lại đem thờ cúng. Trong chùa hiện cũng nuôi một vài chú rùa nhỏ, gần gũi, thân thiện với du khách.

Ban Mai

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tràm Chim, thiên đường mùa nước nổi

Hàng năm, mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên
Xem thêm: Cháo đậu rắn hổ đất - đặc sản của Đồng Tháp

Đến với Tràm Chim, du khách có thể bắt đầu từ khu A1 để khám phá. Sẽ rất khó khăn để đi hết hơn 7.000 ha diện tích chỉ trong một ngày. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu.


Vầng thái dương khổng lồ đỏ rực bắt đầu lặn dần sau những rừng tràm bạt ngàn. Những cánh chim về tổ chao mình trong bóng hoàng hôn làm bức tranh thiên nhiên thêm sống động mà bình yên.


Chiếc xuồng con chầm chậm lướt đi trong muôn sắc màu của ráng chiều rực rỡ khắp vùng đầm nước mênh mông.


Trên cánh đồng năng kim, vạn cánh cò trắng đang bay về chuẩn bị cho giấc ngủ yên sau một ngày dài sải cánh rong chơi trên khắp cánh đồng.


Cánh chim cuối cùng cũng về tổ sau một ngày dài “mưu sinh” mệt mỏi.


Buổi tối ở Tràm Chim, điều thú vị nhất là đi gỡ lưới và giăng cầu đêm. Giăng lưới mùa nước nổi thật đơn giản, cứ chèo xuồng con đi thẳng một đường rồi thả lưới. Chừng một tiếng sau quay lại, thế nào cùng có món ngon cho nồi cháo khuya. Đêm nhẹ nhàng trôi qua trong giấc ngủ say hứa hẹn một ngày mới đầy thú vị.


Để khám phá vương quốc loài chim này, bạn phải dậy thật sớm khi bình minh vẫn còn “e ấp” rồi chạy xuồng vào sâu trong rừng tràm. Nằm im lặng và chờ đợi.


Thời điểm ánh dương chiếu những tia sáng đầu tiên từ phía chân trời cũng là lúc điều mong chờ đã đến. Phóng xuồng thật nhanh giữa dòng kênh xanh, vạn cánh chim còn ngái ngủ chợt bừng tỉnh giấc và tung cánh đón chào ngày mới.


Khung cảnh thiên nhiên đến choáng ngợp hiện ra trước mắt, ngàn vạn cánh chim giăng kín bầu trời, tung cánh liệng trên mặt nước rồi vút xa mãi đến khuất dần.


Càng tiến gần, hình ảnh càng tuyệt diệu. Giữa mênh mông đồng cỏ xanh, vây quanh xa xa là rừng tràm, một bàu nước lớn với hàng ngàn chú cò trắng muốt đang săn cá. Vô số loài khác như diệc, trích cồ, cò xám, cò bợ cùng nhau nô đùa nhảy múa. Trên đọt cao từng đàn giang sen quý hiếm thực hiện những vũ khúc đón chào ngày mới.


Giang sen là loài chim quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn. Việc được ngắm chúng trong tự nhiên là một điều rất may mắn. Những chú chim cổ rắn sải cánh “tập thể dục” trước khi bắt đầu một ngày đi săn.


Mùa nước nổi cũng là lúc những đồng sen nở rộ khắp nơi. Rảo bước dạo chơi trên những bờ đê hay khua mái chèo rẽ nước lướt giữa hương sen thoang thoảng để thấy lòng thật thuần khiết. Bao lo âu tất bật cuốn trôi theo giớ tự lúc nào.


Về Tràm Chim mùa nước nổi, bạn đừng quên thưởng thức các đặc sản đầy quyến rũ như cá chạch lấu phơi khô chấm mắm mặn, lẩu cá linh với bông điên điển, chuột đồng quay lu, cá óc nướng trui cuốn đọt sen non…

Quỷ Cốc Tử

Cò, cồng cộc tung cánh ở Tràm Chim mùa nước nổi

Vài chiếc thuyền máy đi sâu vào rừng khiến đàn chim đậu trên cành tung cánh bay lên tạo thành bức tranh sống động ở vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Vườn quốc gia Tràm Chim, khu Ramsar đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 7.000 ha giữ vai trò quan trọng trong bản đồ đa dạng sinh học thế giới.

Vì miền tây đang vào mùa nước nổi nên các đàn chim đã lần lượt di trú, chỉ còn một số ở lại thám thính để tìm bãi ăn, nơi nghỉ và môi trường tốt để gọi đàn về. Vào mùa xuân, các đàn chim sẽ trở về đây để tìm kiếm thức ăn.


Khi những chiếc thuyền máy tiến sâu vào rừng tràm, những con chim nghe âm thanh bị động sẽ tung cánh bay lên cao.

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, UBND tỉnh Đồng Tháp, ban quản lý vườn quốc gia Tràm Chim, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và công ty Coca-Cola đã phối hợp triển khai dự án "Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng" tại Tràm Chim với tổng đầu tư gần 1,2 triệu USD.

Dự án giúp bảo vệ các loài chim quý hiếm, cải thiện việc quản lý thủy văn, điều chỉnh mực nước, phát triển thủy sản và phục hồi thảm thực vật.


Chim đậu trên các cành cây rất an nhiên. Nếu có dịp ngồi trên thuyền chầm chậm quan sát, bạn sẽ thấy những tổ chim được "xây" ở khắp nơi. Theo thống kê từ WWF, gần đây có khoảng 12.000 cò nhạn, hơn 10.000 con điên điển, trên 1.500 con cồng cộc và 6.000 cò trắng đến sinh sống, sinh sản ở Tràm Chim.


Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến sẽ trở thành tuyến điểm du lịch đặc biệt trong mùa nước nổi. Năm 2014, có hơn 60.000 lượt khách tham quan Tràm Chim, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trên 200 hộ dân sinh sống quanh Tràm Chim cũng được tham gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý mùa nước nổi, trung bình thêm khoảng 1.460.000 đồng/ tháng mỗi hộ dân.


Dự kiến từ 25 đến 27/9, ngày hội du lịch Đồng Tháp sẽ diễn ra ở vườn quốc gia này với chủ đề "Tràm chim mùa nước nổi".


Ông Hoàng Quốc Việt, điều phối dự án của WWF cho biết: "Dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được triển khai thuận lợi và đạt kết quả như mong đợi. Hy vọng việc quản lý và bảo tồn Tràm Chim tiếp tục được duy trì để giữ vững danh hiệu Ramsar và trở thành bài học kinh nghiệm cho các vùng ngập nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long".


Về lý do chọn vườn quốc gia Tràm Chim để bảo tồn, đầu tư, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc truyền thông và đối ngoại của một hãng nước giải khát chia sẻ: "Ở Việt Nam có rất nhiều rừng quốc gia, nhưng đây là vùng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi biến đổi khí hậu vì nằm ngay lưu vực sông Me Kong. Do đó việc theo đuổi dự án này giúp bảo tồn môi trường sinh thái, trả lại hiện trạng tự nhiên tốt nhất để người dân và các động vật quý hiếm quay trở lại sinh sống".

Tường Ý

Bài đăng phổ biến