Hiển thị các bài đăng có nhãn kỹ năng sơ cứu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kỹ năng sơ cứu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

10 kỹ năng cần biết khi du lịch "bụi" nước ngoài

Không thích đi tour, những bạn trẻ thích du lịch tự túc cần sở hữu một số tài vặt hữu ích để có thể dễ dàng ứng biến, vượt qua khó khăn trên những chặng đường vi vu đó đây.Xem thêm: Những dấu hiệu của dân mê du lịch chính hiệu

1. Đọc bản đồ


Trong thời đại GRPS, bạn vẫn nên biết cách đọc đản đồ - kỹ năng vô cùng hữu ích khi đến những nơi ngoài vùng phủ sóng. Đây còn là một công cụ thiết yếu trên đường leo núi, xác định trung tâm thành phố, hoặc khi bạn muốn tiết kiệm lưu lượng mạng đề phòng trường hợp cần thiết.

Hãy tự học cách định hướng thông qua việc sử dụng la bàn, nghiên cứu bản đồ tại bất kỳ nơi nào bạn đặt chân đến để tự tin hơn ở những miền đất xa lạ.

2. Trả giá


Trả giá khi cần tiết kiệm là cả một nghệ thuật. Và trả giá thậm chí còn hữu dụng hơn bạn có thể tưởng tượng, do vậy hãy tập luyện kỹ năng này bất kỳ lúc nào có thể.

Hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ tới trả giá ở hè phố cùng với một chiêu thường thấy: trả giá thấp, vờ bỏ đi nếu người bán không chịu. Nhưng trả giá còn hiện hữu ở nhiều thời điểm như khi bạn gọi điện thoại cho khách sạn chẳng hạn.

Bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi không phải đối mặt vì khả năng khách sạn bị mất một khách hàng tiềm năng (là bạn) sẽ cao hơn rất nhiều và bạn có thể kiếm được cái giá hời dễ dàng hơn.

3. Học cách quy đổi


Bạn đã từng quy đổi kilômet, lít, độ C sang dặm, gallon và độ F? Nắm được kiến thức cơ bản của những đơn vị này sẽ giúp bạn tuân thủ được tốc độ mà không phải kiểm tra thường xuyên, gọi đồ uống và ăn mặc phù hợp với thời tiết...

Thêm vào đó, làm quen với tiền tệ địa phương và tỉ giá không chỉ giúp bạn mua sắm phù hợp túi tiền, mà còn tránh được việc tiêu xài quá mức.

1.000 yen Nhật và 1.000 đôla Mỹ có sự khác biệt về giá trị khá lớn. Khả năng quy đổi nhanh giá tiền bữa ăn, vé tàu sang số tiền trong nước sẽ giúp bạn tránh tiêu xài nhiều. Dĩ nhiên bạn hoàn toàn có thể dùng điện thoại, nhưng nếu biết cách bạn có thể làm việc nhanh hơn nhiều.

Ngoài ra, bạn cũng nên đặt điện thoại sang chế độ 24 giờ. Khi ấy xem giờ tàu chạy hoặc đặt phòng cũng trở nên dễ dàng hơn.

4. Tiếp cận người lạ


Trên đường đi, những người lạ mặt có thể chỉ cho bạn những nhà hàng, cửa tiệm và cả các điểm tham quan thú vị nhất mà Internet chưa chắc đã có. Nếu chẳng may bị lạc, họ có thể giúp bạn tìm lại đường cần đi.

Dù tiếp cận người lạ có thể hơi đáng sợ một chút, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi những chủ tiệm hoặc nhân viên khách sạn (dù bạn không trú tại đó). Dù ở đâu, những người làm dịch vụ thường nói được nhiều ngôn ngữ hơn cả.

5. Học một số kỹ năng sinh tồn


Đi du lịch một mình hay cùng bạn bè, bạn nên biết cách sử dụng bộ sơ cấp cứu cùng một số kỹ năng khác như hô hấp nhân tạo, giúp người bị hóc, nghẹn.

Tốt nhất bạn nên tham gia một lớp học hô hấp để cảm thấy tự tin và được cập nhật đầy đủ hơn. Một số kỹ năng cơ bản khác là bơi lội, cầm máu, tự vệ hoặc xử lý khi bị sốc.
Xem thêm: Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch

6. Lái được xe số sàn

Tại Hoa Kỳ, số lượng xe số sàn không cao, do vậy khả năng thuê được một chiếc xe số tự động không phải vấn đề quá to tát. Tuy nhiên, khi đến châu Âu, hãy nhớ bạn có thể thuê xe số sàn dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều.

Nếu có thể lái được xe số sàn, bạn sẽ không phải lo lắng nhiều về phương tiện đi lại cho mình. Ngoài các hướng dẫn tập lái xe số sàn tràn lan khắp trên mạng, không gì hữu dụng bằng việc bắt tay vào lái một chiếc xe thật sự ngay từ bây giờ.

7. Dùng nhà xí bệt


Trên đường đi du lịch, bạn có thể phải dùng nhà xí bệt, đặc biệt tại các nước phương Đông. Bạn sẽ phải quyết định xem có nên cởi quần ra hay không. Đặt hai chân lên hay bệ, ngồi xổm, có thể ôm đầu gối để ngồi vững hơn.

Sau khi xong xuôi, bạn múc nước để giội bồn cầu. Giấy vệ sinh có thể không có (đây là lý do dùng nước) dù bạn có thể tự mang giấy của mình, nhưng đừng bỏ vào nhà vệ sinh nhé, loại nhà xí này rất hay bị nghẽn đấy.

8. Học ngôn ngữ địa phương


Nếu có thể nói thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh là việc tốt, nhưng không phải dân phượt nào cũng vậy. Thay vào đó, họ chỉ cần biết đủ những từ khóa quan trọng để đi bất kỳ đâu.

Hãy vượt qua rào cản học tập và thể hiện sự nỗ lực của mình. Những cố gắng sẽ giúp bạn thêm tự tin và định hướng được những giới hạn mới, người địa phương cũng sẽ trân trọng điều này.

Một số ứng dụng như Duolingo sẽ giúp bạn học các từ căn bản nhất: chào hỏi, không, có, đếm số 1 tới 10, cách gọi món. Ngoài ra, Google Translate sẽ giúp dịch những cụm từ mà bạn muốn sử dụng.

9. Thay vỏ xe


Nắm rõ một số kỹ năng sửa chữa xe sẽ giúp ích cho bạn khá nhiều. Tuy nhiên, biết cách thay bánh xe, đặc biệt khi đi đường dài, sẽ giúp bạn tránh được kha khá phiền phức và đau đầu - dĩ nhiên lại còn tiếp tục chuyến đi được nữa.

Hãy học vị trí của con đội, cách nâng xe, tháo lỏng ốc, vít... Ngoài ra, cần học một số kỹ năng khác như khởi động xe bằng dây điện, đậu xe song song (bạn sẽ chiếm được vị trí đậu xe đẹp nhất vô cùng dễ dàng).

10. Rút... xương cá


Có vẻ hơi kỳ quái, nhưng bạn cứ thử tìm hiểu tại sao người ta lại đưa tiêu chí này vào danh sách nhé!

Theo đó, khi đi ăn trong nhà hàng, bạn thường không phải suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần chọn món ngon và thưởng thức. Tuy nhiên, có những lúc việc ăn cá lại khó khăn hơn ta tưởng khi các đầu bếp quyết định chế biến và bày biện nguyên con.

Bạn có thể xẻ thịt và tách lấy phần thịt quanh xương (hoặc vừa ăn vừa nhằn xương) - nhìn chung rút xương cá là cả một nghệ thuật giúp chúng ta ăn uống dễ dàng, bớt vấy bẩn đi rất nhiều. Việc đầu tiên, bạn hãy tập luyện kỹ năng này... tại nhà.
Xuân Lộc (Theo Smarter Travel)

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Kỹ năng cấp cứu khi gặp nạn trên đường phượt

Cách cầm máu vết thương, cố định tay chân gãy hay sơ cứu bạn đồng hành ngất xỉu là những kỹ năng bạn cần trang bị trên đường phượt (du lịch khám phá).

Khi đi phượt, chúng ta không thể tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra. Bạn có thể bị gãy chân, người đồng hành ngất xỉu hoặc bị rắn cắn... Gặp những trường hợp đó, nếu bạn cấp cứu đúng cách, cơ hội cứu người sẽ tăng cao. Dưới đây là một số kỹ năng cấp cứu quan trọng bạn cần nắm được.

Xem thêm: Cách xử lý các tình huống thường gặp trên đường du lịch

Cầm máu vết thương

Tình huống: Bạn đang cùng nhóm phượt trèo qua vách đá cheo leo, bất chợt một người bạn bị trượt chân, máu chảy đầm đìa. Hãy dìu người bạn qua khỏi nơi nguy hiểm và tiến hành cầm máu.

Cách thực hiện:  
Trước tiên, bạn cần ưu tiên sát trùng bằng cách rửa nhanh vết thương bằng dung dịch sát trùng oxy già, cồn y tế... Tiếp đó, cần nâng cao phần bị thương lên, lấy một chiếc khăn sạch hoặc miếng băng y tế đủ dày ấn chặt vào vết thương. Hãy giữ nguyên như thế cho đến khi máu ngừng chảy. Trong trường hợp máu chảy quá nhiều và nạn nhân đang có dấu hiệu choáng váng, bạn hãy tiếp tục ấn chặt vào vết thương, giơ phần chân lên cao và giữ thấp phần đầu đề phòng nạn nhân bị sốc.

Xem thêm: Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch

Khi đi phượt, bạn cần trang bị cho mình và nhóm hộp dụng cụ y tế để sơ cứu khẩn cấp khi gặp nạn. Ảnh: Pinterest
Dùng khăn gấp lại hoặc dây bản rộng buộc garô chân càng gần vết thương càng tốt, nhưng cần lưu ý thời gian nới garô để máu lưu thông. Khoảng 30 phút lại kiểm tra nới lỏng một lần. Không sử dụng những sợi dây mảnh để buộc garô vì có thể gây tổn thương vùng bị thương và nghẽn máu.

Cố định gãy tay chân

Tình huống: Trên đường leo lên núi, một người chẳng may hụt chân bám không chặt nên té ngã từ trên cao xuống. Bên cạnh những vết trầy xước thì chân người bạn này không thể cử động, có thể đã gãy.

Cách thực hiện: Cố định tay chân khi bị gãy giúp hạn chế đau đớn và tai biến cho nạn nhân. Đầu tiên, bạn cần giữ cho tay, chân bị gãy ở tư thế bất động để nạn nhân bớt đau, không phát sinh nguy hiểm và vết thương nhanh lành.

Đối với gãy xương cẳng chân, đặt hai nẹp bằng gỗ hoặc tre ở mặt trong và ngoài chi bị gãy từ giữa đùi đến quá cổ chân, dùng băng để băng cố định. Tương tự khi gãy cẳng tay, bạn cũng đặt nẹp mặt trước và mặt sau cẳng tay, buộc cố định hai nẹp vào bàn tay và cẳng tay. Dùng dây treo cẳng tay theo góc 90 độ để cố định.

Sơ cứu say nắng, ngất xỉu

Tình huống: Thời tiết nóng bức khi băng qua rừng, một người trong nhóm bắt đầu đổ mồ hôi trộm, choáng váng, mặt mũi tái nhợt và ít phút sau ngã xuống. Đây là dấu hiệu của say nắng, ngất xỉu.

Cách thực hiện: Nhanh chóng đặt nạn nhân nằm xuống vùng sạch sẽ, nâng chân nạn nhân lên cao và quan sát nhịp thở. Bảo đảm nạn nhân có đầy đủ không gian thoáng đãng và khí trong lành để thở. Khi nạn nhân hơi tỉnh táo, giúp họ ngồi dậy từ từ, cho uống chút nước. Trường hợp nạn nhân lâu hồi phục, hãy yêu cầu nạn nhân cúi đầu giữa hai đầu gối và hít thở thật sâu. Hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.

Ngăn độc rắn cắn

Tình huống: Khi đang băng qua bụi rậm trong rừng, bất chợt một người bạn bị rắn cắn và sau đó lẻn đi ngay. Hãy tiến hành sơ cứu nhanh chóng.

Cách thực hiện: Đặt người bị cắn ngồi yên, phong tỏa khu vực xung quanh để bảo đảm an toàn. Tuyệt đối không cử động phần cơ thể bị rắn cắn vì sẽ làm chất độc lan càng nhanh hơn rất nguy hiểm. Nếu nạn nhân bị rắn độc cắn, biểu hiện là trào đờm, sụp mi, mờ mắt, nuốt khó, sưng nề... Đối với họ rắn lục sẽ gây rối loạn đông máu và xuất huyết. Còn họ rắn hổ ảnh hưởng thần kinh trung ương, gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở...

Những chuyến phượt băng rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ bị rắn cắn. Ảnh: Pinterest

Nếu bị nhóm rắn hổ cắn, nhanh chóng buộc garô phía trên vết cắn 3-5 cm, nên dùng dây to bản để giảm tổn thương. Sau đó rửa sạch vết cắn bằng xà phòng và nước. Dùng dao sạch rạch vết thương hình chữ thập rộng dài khoảng 1-2 cm, nặn máu độc ở chỗ rắn cắn và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Nếu bị nhóm rắn lục cắn, tuyệt đối không băng garô, không rạch hoặc hút máu vì garô dễ làm bệnh nhân hoại tử hơn, rạch rộng làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần tẩy nọc, băng ép và chuyển đến bệnh viện nhanh nhất có thể. Mạng sống của nạn nhân lúc này tùy thuộc vào phản ứng nhanh nhạy của bạn.

Xem thêm: 20 sai lầm người du lịch thường mắc phải

Thảo Nghi - VNExpress

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Những người không thích hợp đi du lịch

Đi du lịch là để khám phá những cái mới, nhưng không phải ai cũng có tư tưởng như vậy khi lên đường, nhất là đối với những người bị say tàu xe quá mức hoặc muốn mọi thứ như ở nhà.

Nếu bạn có một trong những vấn đề sau, tốt hơn là bạn nên ngồi nhà và du lịch qua màn ảnh nhỏ.

Xem thêm: 20 dấu hiệu chứng tỏ bạn đam mê du lịch - Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch

Say tàu xe quá mức

Rất nhiều người bị chứng say xe, nhưng đến mức nhìn thấy ô tô là say hoặc mệt bã không thể lết nổi chân sau khi từ trên xe xuống thì tốt nhất bạn nên ở nhà. Bởi mỗi lần đi như vậy, bạn phải dành một, hai ngày hồi phục sức khỏe và nằm bẹp trong nhà để nghỉ. Điều này đồng nghĩa với việc chuyến đi du lịch trở thành chuyến đi "hành xác" đúng nghĩa.

Chứng say tàu xe có thể cải thiện từ từ bằng cách bạn tập đi xe nhiều. Nếu luôn sợ đi xe và không dám thay đổi, bạn sẽ không thể tiếp tục trong các chặng sau.

Xem thêm: Những điều cần làm trước một ngày đi du lịch

Không dám ăn đồ lạ

Hãy bỏ tất cả những món ăn quen thuộc ở nhà để thưởng thức những món ngon trên đường du lịch. Ảnh: Dulichgo.

Một trong những điều thú vị nhất của đi du lịch là thưởng thức các đặc sản của điểm đến. Nếu bạn luôn sắp xếp trong hành lý của mình các loại mì tôm, ruốc, nước mắm vì lo ở nơi bạn đến không có những thực phẩm giống như ở nhà, tốt nhất bạn cũng nên ở nhà. Mỗi vùng miền lại có những món đặc sản ngon khác nhau và rất đáng để thử. Đừng để những món đồ ăn mang theo làm bạn thêm lỉnh kỉnh, và thay vì ra ngoài ăn, bạn chỉ ngồi trong nhà nghỉ và ăn những món đồ đã mang đi. Điều này khiến chuyến du lịch của bạn giảm mất một nửa sức hấp dẫn.

Lúc nào cũng muốn mọi thứ giống như ở nhà

Đi du lịch không thể giống như việc ở nhà. Lúc này, bạn có quyền cho phép mình tận hưởng một vài ngày tự do thoải mái, không phải lo đi làm, đưa đón con cái đi học, bếp núc nấu nướng..., có thời gian ăn, ngủ, nghỉ và tiêu tiền. Đừng đem đủ thứ đồ theo và muốn vào bếp nấu nướng, bạn sẽ mất thời gian mà chẳng đi được đâu, chẳng nghỉ được còn rước bực thêm vào người.

Xem thêm: Kinh nghiệm sắp xếp đồ khi đi du lịch

Luôn sợ bẩn

Chỗ nào cũng nhìn thấy bẩn, có vi trùng khiến mọi việc làm đều trở nên rón rén. Thay vì ngồi bệt trên vỉa hè uống bia, ăn các món ăn đường phố, bạn luôn chăm chăm lọ nước sát khuẩn trên tay và khẩu trang trên mặt. Sạch sẽ quá mức khiến bạn chẳng có hứng thú với bất kỳ điều gì.

Tủ thuốc di động

Mang thuốc để phòng bệnh là việc phải làm trong mỗi chuyến đi. Ảnh: Heart.

Bị dị ứng với thức ăn, với môi trường không khí, thường xuyên đau bụng vì ăn đồ lạ… khiến mỗi chuyến đi kèm với đủ loại thuốc thang. Nếu việc ốm đau làm ảnh hưởng đến chuyến đi, bạn cũng nên ở nhà để đỡ mệt mình và những người khác đi cùng.

Xem thêm: 20 sai lầm người du lịch thường mắc phải

Hân Hân - VNExpress

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi du lịch

Cầm máu, băng bó vết thương và hô hấp nhân tạo là những kỹ năng cần thiết giúp bạn xử lý khi gặp các sự cố không may trên đường du lịch.

Nên xem: Cách xử lý các tình huống thường gặp trên đường du lịch

Do nhiều nguyên nhân, trên hành trình du lịch rất có thể bạn sẽ bị trầy xước, bị thương hay đuối nước. Do đó, bạn nên bỏ túi một vài kỹ năng sơ cứu cơ bản sau:

1. Cầm máu và làm garô

Với những vết trầy xước hoặc chảy máu ít (chảy máu mao mạch), bạn chỉ cần dùng khăn hoặc tay sạch loại bỏ bụi bẩn, các mảnh nhỏ, rồi giữ chặt vết thương hở để cầm máu. Sau đó, dùng urgo hoặc gạc sạch băng lại trong 1 - 2 ngày tùy theo độ sâu và rộng của vết thương.

Với những vết thương có máu đỏ sậm, chảy thành dòng (chảy máu tĩnh mạch) và máu đỏ tươi bắn thành tia (chảy máu động mạch), việc đầu tiên là phải làm garô để cầm máu.

Trong trường hợp không có dây garô chuyên dụng, bạn nên tận dụng một đoạn dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào ngay phần phía trên của vết thương để làm ngừng lưu thông máu xuống phía dưới.

Ngoài việc đảm bảo nguyên tắc khi đặt garô là lộ ra ngoài (không để bị quần áo che), chuyển nhanh người bị garô về tuyến sau và nới lỏng garô 60-90 phút/lần, đồng thời ghi rõ giờ garô, giờ nới..., bạn nên đặt garô trên một chiếc khăn mỏng quấn quanh phía trên vết thương để không bị hằn và hoại tử cho người bị nạn.

Chú ý, tuyệt đối không cố gắng loại bỏ các dị vật quá lớn hoặc đâm quá sâu vì có thể làm chảy máu nhiều hơn và nhiễm trùng vết thương.

2. Băng bó

Sau khi cầm máu và làm sạch vết thương bằng gạc, băng bó là bước làm tiếp theo. Với vết thương nằm ở đoạn bộ phận có độ lớn đều nhau như cổ tay, bạn có thể sử dụng cách băng xoắn ốc. Đây là cách băng bó đơn giản nhất, đầu tiên bạn quấn 2 vòng để cố định gạc, sau đó cho đường băng quấn vòng đi đầu lên, vòng băng sau đè lên 2/3 vòng băng trước cho đến khi che kín toàn bộ vết thương và buộc băng lại.

Kỹ thuật băng chữ nhân. Ảnh: Vy An

Băng chữ nhân áp dụng có những vết thương nằm ở bộ phận có độ lớn không đều nhau như khuỷu tay, khuỷu chân. Cách băng này khá giống băng xoáy ốc nhưng mỗi vòng đều gấp lại. Sau khi cố định gạc, quấn một vòng xoáy, ngón cái tay trái đè lên chỗ định gấp giữ chặt vòng băng. Nới dài cuộn băng khoảng 15cm, tay phải lật băng kéo xuống dưới và gấp lại. Sau đó quấn chặt chỗ băng, kết thúc với hai vòng tròn và cố định.

Khi gặp các vết thương ở các vùng vai, nách, bẹn, mông, cẳng tay, gót chân..., bạn nên sử dụng cách băng theo hình số 8 với các đường băng bắt chéo. Dù thực hiện cách nào, bạn cũng phải tuân thủ nguyên tắc: băng kín vết thương, chặt vừa phải.

3. Hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực

Kỹ năng này sẽ giúp bạn sơ cứu khi gặp các trường hợp bị đuối nước. Trước tiên, đưa nạn nhân vào nơi khô ráo, bằng phẳng, kê khăn hoặc áo xuống cổ nạn nhân, đặt nghiêng đầu rồi dùng khăn sạch móc hết đờm, dãi trong họng.

Sau đó đặt thẳng lại đầu, quỳ bên cạnh nạn nhân (ngang tim), đặt bàn tay trái lên 1/3 dưới xương ức, bàn tay phải úp lên mu bàn tay trái, hai tay duỗi thẳng, hai vai vuông góc với tay. Dồn sức nặng của toàn thân ép xuống lồng ngực của nạn nhân nhịp nhàng, liên tục 60-80 lần/1 phút.

Kỹ năng sơ cứu hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân bị đuối nước. Ảnh: Vy An

Sau khoảng 20-30 lần ép tim, bạn chuyển sang thổi ngạt 2 lần. Lúc này, đặt một tay lên trán lấy hai ngón tay bịt mũi nạn nhân, đồng thời một tay lên cằm nạn nhân, kéo về phía sau sao cho miệng nạn nhân mở ra, thổi ngạt từ từ để không khí từ miệng bạn dần đi vào phổi nạn nhân. Làm liên tục ép tim lồng ngực và hà hơi thổi ngạt khoảng 30 phút cho đến khi nạn nhân tỉnh lại và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Xem thêm: Khám phá thiên đường hoang dã KENYA

Vy An - VNExpress

Bài đăng phổ biến