Hiển thị các bài đăng có nhãn nghiệp vụ hướng dẫn viên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nghiệp vụ hướng dẫn viên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, ngoài việc nắm vững những nghiệp vụ cần thiết, bạn cần có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội…


Hướng dẫn viên du lịch cần trang bị những kiến thức gì?

Kiến thức chính trị

Đối tượng khách du lịch thường rất đa dạng về quốc tịch, độ tuổi, nghề nghiệp, quan điểm chính trị… cho nên hướng dẫn viên du lịch cần phải nắm vững đường lối lãnh đạo của đất nước, đặc biệt là chính sách đối ngoại để định hướng quan điểm một cách đúng đắn. Những hiểu biết về tình hình chính trị trong nước và thế giới sẽ giúp các HDV tránh gây ra những hiểu lầm sai lệch cho du khách và không bị những du khách có đồ xấu lôi kéo. Do đó mà các HDV cần theo dõi các biến động về chính trị được báo chí cập nhật hàng ngày.

Kiến thức kinh tế

Một hướng dẫn viên chuyên nghiệp phải hiểu biết về quá trình phát triển kinh tế của quốc gia cũng như của địa phương có các điểm du lịch; các thủ tục trong hoạt động kinh doanh, quản lý kinh tế… Những kiến thức này sẽ giúp HDV có thể hướng dẫn hoặc thực hiện việc ký hết các hợp đồng, thanh toán chí phí… một cách dễ dàng.

Kiến thức về lịch sử - địa lý - văn hóa

Đây là phần kiến thức bắt buộc mà các hướng dẫn viên du lịch cần phải biết và am hiểu kỹ càng. Đó là những thông tin về quá trình hình thành, lịch sử phát triển của quốc gia, điểm du lịch; những đặc trưng văn hóa; những lễ hội nổi bật; những yếu tố địa lý khác biệt,… Khi xâu chuỗi được những kiến thức này, sẽ giúp các HDV du lịch có được cái nhìn hệ thống, toàn cảnh về quốc gia, địa phương… để từ đó dễ dàng trả lời được những câu hỏi thắc mắc của khách du lịch.

Kiến thức về luật pháp, tập quán địa phương

Tất nhiên những kiến thức về luật pháp hay tập quán địa phương không thể được “nhồi nhét” trong ngày một ngày hai mà cần được tích lũy qua một quá trình học hỏi, trải nghiệm với nghề, nhưng những thông tin - kiến thức cơ bản về luật cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh.. thì hướng dẫn viên cần phải biết.

Kiến thức y tế

Chẳng ai có thể đảm bảo rằng, trong quá trình dẫn khách đi tour, chắc chắn sẽ không có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe của khách xảy ra. Do đó mà HDV du lịch cần trang bị có mình những kiến thức sơ cấp cứu cho những tình huống có thể xảy ra: đuối nước, điện giật, rắn cắn, ngộ độc thực phẩm, cảm sốt, say nắng, đột quỵ… Hướng dẫn viên càng am hiểu nhiều kiến thức về lĩnh vực này sẽ càng hỗ trợ tốt cho công việc và hạn chế những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Kiến thức ngoại ngữ

Ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết để một hướng dẫn viên quốc tế có thể hành nghề, không chỉ giúp HDV giao tiếp mà còn là phương tiện để học hỏi, tìm kiếm các thông tin tài liệu nước ngoài… Với hướng dẫn viên quốc tế thì cần thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ và có kiến thức cơ bản về 1 ngoại ngữ bổ sung.

Nghề hướng dẫn viên du lịch không chỉ yêu cầu phải hiểu biết sâu rộng mà còn chuyên sâu đúng mảng. Do vậy, muốn trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bạn cần phải đầu tư thời gian học hỏi và tích lũy cho mình những kiến thức cần thiết.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

Nghề nào khiến cho bạn được đi đây đi đó khắp nơi trên thế giới? Không những không mất tiền mà còn được trả tiền? Có nhiều nghề như làm báo, nhà thuyết trình... Nhưng một nghề thú vị hơn cả có lẽ là Hướng dẫn viên du lịch Outbound (HDV Outbound).


Nghề Hướng dẫn viên du lịch Outbound

Những năm gần đây, nghề HDV Outbound được nhắc đến như một nghề hấp dẫn, có nhiều đãi ngộ, điều kiện làm việc "sung sướng", môi trường làm việc đa quốc gia.

HDV theo định nghĩa chung là người sử dụng ngôn ngữ để giới thiệu và giải thích cho du khách hiểu và thấy được vẻ đẹp, nét đặc trưng của các cảnh, điểm văn hóa cũng như thiên nhiên của một vùng, một điểm tham quan cụ thể hay tổng hợp của cả một chuyến đi tại một đất nước hoặc vùng, miền nào đó.

Nói cách khác, HDV là người thực hiện các điều khoản được ký kết trong hợp đồng cung ứng dịch vụ lữ hành, giúp doanh nghiệp lữ hành thu được lợi nhuận kinh tế và giúp du khách hiểu biết thêm về điểm đến (điểm tham quan) thông qua chuyến đi và các thông tin cung cấp cho du khách. Nghề hướng dẫn viên du lịch gồm có HDV Inbound, HDV Outbound và HDV nội địa. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới hoạt động du lịch dành cho HDV Outbound – đưa khách Việt Nam đi nước ngoài.

Về cơ bản, điều kiện tiên quyết để hành nghề HDV là phải có thẻ hướng dẫn. Thứ yếu là hướng dẫn viên phải tự trang bị cho mình một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt và một bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour.

Đối với nghề nghiệp, HDV không được cung cấp những thông tin lệch lạc, vi phạm chính trị và một quy định "bất thành văn" đối với hướng dẫn viên du lịch là không được say xe. Ngoài ra, HDV còn phải hiểu, biết nhiều Luật khác nhau, tập quán địa phương... để hướng dẫn ở mức độ chuẩn mực và thoải mái nhất cho du khách tiếp cận và thích nghi...

Rèn luyện tính cách để thích nghi

Trong nghề HDV, đặc biệt HDV Outbound – luôn làm việc trong những môi trường văn hóa thay đổi, môi trường sống thay đổi, buộc phải rèn luyện cho mình những tính cách cá nhân – điều có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hướng dẫn. Đôi khi nó còn quan trọng hơn nhiều so với việc bạn có nhiều kiến thức, hiểu biết hay không. Có 4 loại tính cách chính của nghề HDV:

- Tính cách Cảnh sát: Khi bạn có tính cách này bạn có xu hướng luôn liệt kê các luật lệ và thông điệp của các vùng, điểm đến và "đe dọa" khách không nên vi phạm. Với tính cách này thì khách sẽ có cảm giác không thoải mái trong khi thực hiện chuyến đi. Điều này tất yếu sẽ làm cho khách không những không còn cảm thấy thú vị trong lần đi đó mà còn có ấn tượng không đẹp cho lần đi sau hay là cho các khách khác.

- Biết tất cả: HDV thuộc loại này thường tập trung vào những gì họ biết và nói quá chi tiết về vấn đề đó cho dù khách có thể không quan tâm đến .Với loại tính cách này, đôi khi khách sẽ cảm thấy tự ái hoặc bị gò bó phải nghe theo những gì HDV trình bày. Do vậy hiệu quả của việc trình bày nội dung hướng dẫn đến cho khách chắc chắn sẽ không cao.

- Máy móc (Robot): Lặp lại thông tin một cách máy móc, thuộc lòng khi giới thiệu với mọi đoàn khách. Thông tin cho giới thiệu cho đoàn trước đoàn sau giống nhau với mọi lúc, mọi nơi đã đưa khách đến. HDV có tính cách thuộc loại này thích với hướng dẫn các phòng trưng bày, khu di tích lịch sử. Trong các chuyến tham quan khám phá thiên nhiên hoặc ở nước ngoài thì việc phát hiện và tìm hiểu những điều bất ngờ, mới lạ mới thật sự hấp dẫn lôi cuốn du khách chứ không phải việc lặp lại mọi thông tin HDV có.

- Chủ nhà: Chào đón du khách như những người khách đến thăm nhà mình. HDV có tính cách này thường rất thân mật, cởi mở trong trò chuyện, trình bày các nội dung hướng dẫn cũng như khi khách hỏi về các nội dung đã có hay chưa có trong kế hoạch của chuyến đi. Với tính cách làm việc như vậy thì khách sẽ dễ có cảm tình hơn và cũng dễ dàng cảm thông hơn với những sai sót có thể xảy ra khi thực hiện hướng dẫn. Đồng thời, khi khách đã có thiện cảm thì người hướng dẫn sẽ dễ có những cơ hội để khách trao đổi những kinh nghiệm hay kiến thức mà khách có được trong quá trình đi tham quan hay trong cuộc sống mà họ tích luỹ được.

Chuyến tham quan hiển nhiên là có hiệu quả nhất nếu hướng dẫn viên thể hiện vai trò chủ nhà. Điều này không phải luôn dễ dàng mà đòi hỏi bạn phải tận tâm và xem như một nghề nghiệp thật sự mới đạt được. Tuy vậy, nếu nhóm khách đã có thích thú thì lúc đó công việc của hướng dẫn viên càng dễ dàng và thú vị hơn. Những T/L thường dễ tạo được tính cách này hơn cả.

Những thử thách

Điểm hấp dẫn của nghề HDV có lẽ ai cũng biết: Đi nhiều nơi, nhiều trải nghiệm, giúp bạn có nhiều kỹ năng sống hơn, gặp gỡ được nhiều người và nhiều nền văn hóa khác nhau.... Đặc biệt là việc đặt chân đến nhiều vùng đất mới trên thế giới, cơ hội trải nghiệm những kỳ thú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, mà không phải người nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên mặt trái của nghề HDV thì không phải ai cũng hiểu:

- Bạn phải đối phó và thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Bạn có thể sẽ mất ngủ 1-2 ngày là điều bình thường.

- Bạn có thể phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách hàng trong chuyến đi, điều này đôi khi khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người gánh chịu.

- Vấn đề lớn nhất của HDV gặp phải chính là vấn đề thời gian. Trừ khi bạn là HDV tại điểm đến địa phương bạn đang sống, còn nói chung dù là HDV loại nào đi nữa bạn sẽ phải vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất hạn chế, đặc biệt những bạn là HDV Outbound 1 tháng thời gian ở nhà chỉ vài ngày. Đây có lẽ là lý do bạn chỉ nên làm HDV khi còn độc thân?

- Di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc ...khiến cho sức khỏe của bạn ảnh hưởng ít nhiều. Đa số các bạn HDV chuyên nghiệp thường xuyên phải đối phó với các vấn đề về tiêu hóa, stress...

Để thành công thì làm nghề gì cũng cần phải có sự đam mê. Tuy nhiên sự khắc nghiệt và ưu đãi đặc trưng của nghề HDV du lịch cần một sự đam mê và nhiệt huyết nhiều hơn. Bạn muốn đến mọi nơi trên thế giới mà không cần tiền? Hãy làm HDV du lịch.

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

Kỹ năng giao tiếp trong du lịch – Yếu tố quan trọng để thành công

Du lịch ngày càng trở thành một nghề hot nhờ lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng như khách nội địa đang dần tăng cao. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thành công trong nghề này, với những kiến thức về kỹ năng giao tiếp trong du lịch sau đây sẽ giúp bạn đến gần hơn với ước mơ.


Kỹ năng giao tiếp trong du lịch – Yếu tố quan trọng để thành công

Yếu tố cần và đủ

Có thể nói, vai trò của kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống cũng như trong các ngành nghề là không phải bàn cãi. Mặc dù vậy thì yếu tố này lại đặc biệt cần cho những người làm du lịch. Bởi đây chính là “đòn bẩy” cho những sự khởi đầu.

Với kỹ năng giao tiếp trong du lịch tốt các bạn sẽ có thể nói cho du khách biết những lợi thế mà dịch vụ của bạn hơn những đối thủ khác, nếu không làm được điều này coi như bạn đã thất bại.

Giao tiếp ở đây không có nghĩa chỉ là ăn nói lưu loát mà bạn còn phải có sự hiểu biết về công việc mình đang làm. Ngoài ra những kiến thức bổ trợ như ngoại ngữ -yếu tố then chốt hay tin học cũng sẽ vô cùng quan trọng.

Nếu bạn muốn trình bày một vấn đề, muốn khởi động một dự án theo bạn là có tiềm năng và lợi nhuận thì trước hết bạn phải là người có khả năng thuyết phục người khác. Hãy cố gắng vận dụng cả những khả năng khác nữa như thuyết trình, phân tích, tổng hợp, nó sẽ tăng hiệu suất làm việc của bạn lên rất nhiều.

Một người có kỹ năng giao tiếp trong du lịch thì cơ hội cũng sẽ mở rộng hơn rất nhiều. Từ một người hướng dẫn bình thường, bạn có thể trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thậm chí tiến xa hơn ở vị trí quản lí là tư vấn hay điều hành cả một mảng lớn công việc. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn biết tận dụng cơ hội và khả năng của mình.

Những kỹ năng giao tiếp trong du lịch

– Rèn luyện cách nói


Vì phải thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều khách du lịch đến từ khắp mọi nơi nên việc rèn luyện cách nói sao cho tròn vành rõ chữ, lưu loát sẽ là một kỹ năng giao tiếp trong du lịch cực kỳ quan trọng, giúp bạn tạo ấn tượng tốt trong mắt du khách.

– Phong cách làm chủ tình huống chuyên nghiệp


Trong mỗi tour hướng dẫn, hãy trang bị cho mình đầy đủ dụng cụ cần thiết để sử dụng cho những tình huống bất ngờ xảy ra. Sự chuyên nghiệp của bạn sẽ được thể hiện rất rõ qua việc giải quyết tiền phòng, địa điểm nghỉ chân, địa điểm vui chơi,…

– Giữ tâm lý ổn định


Tâm lý luôn là điều chúng ta khó có thể giữ ổn định. Do đó, dù là phát sinh một vấn đề bất thường nào đó thì cũng hãy giữ cho mình sự bình tĩnh để tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất. Đây là một kỹ năng giao tiếp trong du lịch rất quan trọng nhưng cũng khá khó để rèn luyện, đòi hỏi bạn phải thật sự có bản lĩnh chuyên nghiệp.

– Khả năng ngôn ngữ


Việc biết nhiều ngôn ngữ lúc nào cũng có lợi cho chúng ta trong bất kỳ môi trường làm việc nào. Đặc biệt trong du lịch thì khả năng ngôn ngữ lại càng trở nên cần thiết hơn. Vì vậy hãy tạo cho mình thói quen học thêm ngôn ngữ mới vào những thời gian rảnh nhé, chắc chắn nó sẽ rất có lợi cho bạn trong  việc phát triển kỹ năng giao tiếp trong du lịch.

– Làm chủ dòng cảm xúc


Nếu đã yêu và chọn cho mình nghề du lịch thì bạn phải giữ cho mình luôn trong trạng thái vui vẻ, thân thiện dù trong bất kỳ tình huống nào đi chăng nữa.

– Khả năng quan sát


Ngoài những kỹ năng giao tiếp trong du lịch kể trên thì khả năng quan sát khi đi tour cũng rất quan trọng. Những biểu cảm trên gương mặt của du khách sẽ giúp bạn nắm bắt tâm lý của họ, từ đó có những cách hành xử sao cho phù hợp nhất.

– Nói lời tạm biệt chuyên nghiệp


Tour du lịch thường chỉ diễn ra trong 1 khoảng thời gian nhất định thế nên lời chào tạm biệt luôn là điều chúng ta cần làm ở cuối mỗi chuyến hành trình. Điều này sẽ góp phần lưu lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, vì rất có thể họ sẽ chọn công ty bạn cho những chuyến đi tiếp theo.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch tại Việt Nam

Ở Việt Nam, đi du lịch cũng là nhu cầu từ xa xưa, các thế hệ người Việt cũng đã có những chuyến du lịch nổi danh trong lịch sử. Khách du lịch chủ yếu thuộc các tầng lớp thương gia, nhà khoa học, nhà tu hành,….Ngoài ra, khách du lịch nước ngoài cũng có những chuyến lữ hành đến Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi đời của ngành du lịch Việt Nam hiện nay chưa cao và đã trải qua biết bao thăng trầm sau đó từng bước trưởng thành.


Lịch sử ra đời của hoạt động du lịch tại Việt Nam

Trong thời kỳ đổi mới, du lịch Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quốc gia. Định hướng sắp tới, du lịch được xem là 1 trong những ngành có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam vốn giàu tài nguyên du lịch và đang từng bước khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên ấy. Các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được xác định là quan trọng nhất trong sự phát triển du lịch Việt Nam do các loại hình du lịch này đang được nhiều du khách quan tâm.

Các chính sách được đề ra nhằm phát triển du lịch Việt Nam là triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước , bên cạnh đó, xây dựng các điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử và khu danh lam thắng cảnh.
Việt Nam hiện đang huy động nguồn nhân lực của nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch tập trung và các trung tâm lớn.

Ngoài ra, chính sách nâng cao trình độ văn hóa và chất lượng dịch vụ đối với các loại khách khác nhau cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm song song với đẩy mạnh vốn đầu tư trong nước, cải tạo nâng cấp, liên doanh với nước ngoài vào các loại hình khách sạn và các khu du lịch.

Các chính sách và định hướng thiết thực của Việt Nam cho thấy du lịch quốc gia đang chuyển mình, đón kịp xu thế quốc tế và sự phát triển chung của đất nước, nên việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch đang là yêu cầu khách quan, kể cả việc trang bị kiến thức về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch cũng hết sức quan trọng.

Cùng với việc tăng lượng khách, nguồn ngoại tệ thu được từ du lịch tăng lên hàng trăm lần từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Điều đó cho thấy nhu cầu du lịch và khả năng thanh toán của khách ngày càng cao và các dịch vụ du lịch cũng ngày càng đa dạng hóa, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển du lịch nói riêng và sự phát triển - kinh tế xã hội nói chung.

Cùng với việc phát triển du lịch, các tổ chức quốc tế  và khu vực về du lịch cũng ra đời đã tăng cường khả năng liên kết của ngành kinh tế đặc biệt này, xu hướng quốc tế hóa du lịch đòi hỏi sự phối hợp giữa các hãng, các công ty du lịch trên thế giới.

Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra những thay đổi quan trọng như hướng đi của dòng du khách mà nét nổi bật là xu hướng tới các nước đang phát triển với loại hình du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Các nước ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương đang là những nước giữ vai trò du lịch quốc tế chủ động.

Cơ cấu chi tiêu của khách du lịch cũng thay đổi theo từng giai đoạn mà nổi bật hơn hết là tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch trong các dịch vụ cơ bản như: lưu trú, vận chuyển, ăn uống,..có xu hướng giảm trong khi chi tiêu của khách cho các dịch vụ bổ sung như: mua sắm, giải trí, tham quan,...có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các dịch vụ du lịch trọn gói ngày càng ít hơn cùng với việc giảm bớt các thủ tục về xuất cảnh hải quan, khách du lịch ngày càng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ du lịch, kể cả dịch vụ hướng dẫn du lịch.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

Đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn viên du lịch

Do đặc điểm nghề nghiệp nên nghề hướng dẫn viên cần có những năng lực và phẩm chất cần thiết, những phẩm chất và năng lực này được hình thành và hoàn thiện trong suốt thời gian hoạt động của mình và không áp đặt theo 1 khuôn khổ nhất định.



Đặc điểm lao động của nghề hướng dẫn viên du lịch

1. Thời gian làm việc không cố định

Nghề hướng dẫn viên không có thời gian cố định làm việc: bao gồm thời gian đón khách, đi cùng khách, giải quyết vấn đề phát sinh của khách, tiễn khách,…Đôi khi vì 1 số tác động khách quan mà hướng dẫn viên phải luôn trong tư thế sẵn sàng giải quyết sự vụ 1 cách bất ngờ, ngay cả sau khi đã tiễn đoàn khách khi khách kết thúc chuyến du lịch.

2.  Sự phức tạp và đa dạng của khối lượng công việc

Bằng sự hiểu biết và các phương cách linh động, kết hợp với các phương tiện hỗ trợ, hướng dẫn viên luôn không ngừng học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn để cải thiện khả năng nghiệp vụ, nâng cao tay nghề nhằm chuẩn bị cho các chuyến hướng dẫn kế tiếp tốt hơn. Công việc của hướng dẫn viên bao gồm: dẫn khách và giới thiệu khách tham quan tại các điểm du lịch, giúp đỡ khách trong 1 số hoạt động giải trí đặc thù, hỗ trợ khách làm thủ tục xuất nhập cảnh, hướng dẫn khách mua sắm, giải trí, vui chơi và xử lý nhanh chóng các sự cố phát sinh trong chuyến du lịch của khách.

3. Tính chất đơn điệu

Nghề hướng dẫn viên là nghề khá đơn điệu, thường lặp lại các thao tác cụ thể, hay lặp lại lộ trình với các đối tượng quen thuộc. Đặc biệt, nội dung hướng dẫn không thay đổi nhiều do đó là các thông tin chủ yếu mà hướng dẫn viên phải cung cấp cho khách. Một hướng dẫn viên có thể chỉ chuyên phục vụ 1 đối tượng khách đặc trưng hoặc trên 1 tuyến điểm du lịch nhất định nên khả năng chán việc hoàn toàn có thể xảy ra và sức ép tâm lý cũng khá lớn.

4.  Lòng nhiệt huyết

Tuy có những trở ngại nghề nghiệp nhất định, nhưng nói chung, nghề này đòi hỏi hướng dẫn viên phải tiếp xúc với khách trong tư thế của người phục vụ nhiệt tình, chu đáo vì hướng dẫn viên chính là người đại diện cho tổ chức kinh doanh du lịch, đại diện cho ngành, cho quốc gia, cho dân tộc. Vì vậy, hướng dẫn viên phải có sức chịu đựng cao, cả về thể chất lẫn tinh thần, nghĩa là tâm lý phải luôn ở trạng thái ổn định khi làm việc.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Hướng dẫn du lịch và những hoạt động chủ yếu

Hướng dẫn du lịch là hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của du khách trong quá trình thực hiện chuyến du lịch, là các hoạt động của các tổ chức kinh doanh du lịch, đảm bảo cho việc phục vụ du khách được chu đáo, có tổ chức. Hoạt động này cung cấp kiến thức và các thông tin cần thiết cho du khách có liên quan đến mục đích của chuyến du lịch mà khách du lịch chọn.


Hướng dẫn du lịch và những hoạt động chủ yếu

Hoạt động hướng dẫn du lịch là 1 hoạt động phức tạp bao gồm các mặt như: cung cấp các thông tin quảng cáo, tiếp thị du lịch, đón tiếp du khách, phục vụ du khách,…và giải quyết những vấn đề phát sinh trước, trong và sau chuyến du lịch của khách. Hoạt động du lịch là 1 loại dịch vụ đặc trưng của hoạt động du lịch nói chung và do các tổ chức du lịch tiến hành, bằng các hoạt động hướng dẫn, các tổ chức kinh doanh du lịch sau khi đã có hợp đồng, thỏa thuận đảm bảo phục vụ khách du lịch thỏa mãn nhu cầu theo chương trình cụ thể. Hoạt động này cuốn hút các bộ phận chức năng, nghiệp vụ có liên quan tới các mặt công tác khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn thông qua hướng dẫn viên du lịch.

Đa phần các hoạt động hướng dẫn du lịch được thực hiện bởi hướng dẫn viên, chất lượng phục vụ hướng dẫn du lịch cho khách phụ thuộc chủ yếu vào khả năng, nghiệp vụ, kiến thức và phẩm hạnh của người hướng dẫn. Tuy nhiên, nếu chỉ có hướng dẫn viên thì không thể thực hiện được nhiều việc liên quan đến hoạt động hướng dẫn du lịch, vì vậy cần có sự phối hợp giữa các tổ chức và hướng dẫn viên để thu thập thông tin và xây dựng chương trình hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động hướng dẫn, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hướng dẫn du lịch.

Hướng dẫn viên chính là những người thay mặt cho tổ chức kinh doanh du lịch thực hiện các hợp đồng giữa đơn vị mình với khách du lịch, các hoạt động hướng dẫn du lịch bao gồm nhiều mặt công tác và đòi hỏi về nghiệp vụ và các hoạt động sau đây là phải có:

- Tổ chức, đón khách, tiễn khách, sắp xếp nơi nghỉ ngơi, lưu trú, nơi ăn uống, tổ chức tham quan du lịch tại những nơi có tài nguyên du lịch được khai thác, sắp xếp các chương trình vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch.
- Cung cấp thông tin để du khách có được những hiểu biết cần thiết từ các quy định về xuất nhập cảnh, thủ tục, tập quán, quy chế về hoạt động tham quan, những thông tin về đất nước, con người, cảnh quan,…
- Theo dõi, kiểm tra việc phục vụ du khách để đảm bảo phục vụ đúng và đủ theo yêu cầu đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Một số hoạt động thông thường có thể hoặc không nhất thiết nằm trong phạm vi hướng dẫn du lịch, không trở thành nhiệm vụ bắt buộc của hướng dẫn viên như: thanh toán, đổi tiền, đặt chỗ, quảng cáo,..nhưng nếu những hoạt động này được thực hiện 1 cách đồng bộ và nhanh chóng thì hoạt động hướng dẫn sẽ chu đáo và hiệu quả hơn.                  

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Học Hướng dẫn viên Du lịch - 3 con đường để bạn lựa chọn

Hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang trở thành lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ hiện nay, bởi vừa có thể được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và sở hữu mức thu nhập hấp dẫn. Bạn quan tâm đến nghề này và muốn biết làm sao để học hướng dẫn viên du lịch? Hãy cùng Vietravel Training Center tìm hiểu thêm nhé!


Tiềm năng - cơ hội nghề hướng dẫn viên hiện nay

Với khí hậu ôn hòa - một đường bờ biển ôm trọn chiều dài đất nước - cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp - nền văn hóa đa bản sắc, Việt Nam có quá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế này, ngành dịch vụ du lịch đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực trong xã hội, kéo theo đó là nhu cầu về hướng dẫn viên cũng tăng cao. Do vậy, việc lựa chọn theo học hướng dẫn viên du lịch đang là xu hướng của rất nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, với sự phát triển về số lượng khách du lịch, số lượng HDV hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện số lượng HDV chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khách trong nước và 40% nhu cầu khách quốc tế. Chính vì thế mà nghề hướng dẫn viên đang thiếu hụt một lượng lớn nguồn lao động - đặc biệt là lao động có trình độ cao.

Học Hướng dẫn viên Du lịch - 3 con đường để bạn lựa chọn

Để đáp ứng nhu cầu nhân sự ngày càng lớn hiện nay của ngành du lịch nói chung, cũng như nguyện vọng học hướng dẫn viên du lịch của rất nhiều bạn trẻ, các trường đại học, cao đẳng - trường dạy nghề hay các trường, trung tâm chuyên đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, uy tín và chất lượng đào tạo tốt hay không lại còn cần phải nhìn nhận và đánh giá.

Sự thật là có rất nhiều lựa chọn để bạn có thể học hướng dẫn viên du lịch. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể tham khảo và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất cho nhu cầu cũng như tương lai nghề của mình:

Học chính quy (Tại các trường đại học, cao đẳng)

Trong số các lao động trong ngành hướng dẫn viên du lịch thì lao động có đào tạo chuyên môn cao đang rất thiếu hụt và nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức. Chính vì vậy, việc theo học tại các trường đại học, cao đẳng chính quy chuyên đào tạo du lịch sẽ là một hướng đi cực kì đúng đắn ở thời điểm hiện tại.

Học tại các trường nghề

Nếu không lựa chọn học hướng dẫn viên du lịch tại các trường Đại học hay Cao Đẳng vì thời gian đào tạo lâu, lại không có nhiều điều kiện thực hành thực tế thì trường nghề cũng là một gợi ý tiềm năng cho các bạn trẻ, vì nó không đòi hỏi phải có điểm thi đại học hay cao đẳng cũng như các bạn có học lực thấp cũng có thể đăng kí học và có tuyển sinh các bạn chỉ mới tốt nghiệp THCS.

Học thêm chứng chỉ nghiệp vụ

Trường hợp bạn muốn trở thành Hướng dẫn viên du lịch nội địa - nếu có bằng tốt nghiệp Trung cấp trở lên với các chuyên ngành liên quan đến Du lịch - bạn có thể sử dụng bằng này để đổi thẻ HDV nội địa. Nếu ngành theo học không liên quan gì đến du lịch, bạn cần học thêm khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch nội địa.​

Nếu muốn làm hướng dẫn viên quốc tế, điều kiện cần là bạn phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng trở lên các chuyên ngành liên quan đến du lịch + sở hữu chứng chỉ ngôn ngữ để được đổi thẻ HDV quốc tế. Còn nếu theo học các chuyên ngành khác, bạn phải học thêm khóa đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ Hướng dẫn du lịch quốc tế.

Bài đăng phổ biến