Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Hướng dẫn đi lại bằng tàu hỏa cao tốc ở Trung Quốc

Đặt vé qua mạng giúp giảm tối đa những khó khăn khi phải mua vé tại nhà ga, hơn nữa, lại có thể đổi giờ khởi hành miễn phí.
Xem thêm: Mẹo du lịch Trung Quốc khi không biết tiếng Trung

Du lịch Trung Quốc là "ác mộng" với hầu hết du khách nước ngoài, bởi khá khó khăn để tìm kiếm được một người trợ giúp có thể nói được tiếng Anh hay một biển báo bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ cần nói được "bập bõm" vài từ dùng khi cấp bách, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn vẫn có thể di chuyển dễ dàng giữa các thành phố ở đất nước tỷ dân này mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Hệ thống giao thông công cộng ở Trung Quốc rất phát triển. Song song với đường sắt truyền thống là hệ thống đường sắt cao tốc, nối liền giữa các thành phố lớn, dọc từ Quảng Châu lên tới Bắc Kinh, đi qua các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Tô Châu, Tây An, Nam Kinh, Thiên Tân...

Tàu cao tốc có ưu điểm là vận tốc di chuyển rất vượt trội, giá tiền hợp lý, có nhiều chuyến trong ngày. An ninh rất tốt, cả người và hành lý đều trải qua khâu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt bằng máy quét trước khi lên tàu.

Một góc ga Thượng Hải. Ảnh: Nguyên Chi

Cách mua vé

Mua vé trực tiếp tại ga

Trước khi trực tiếp ra ga, hãy chuẩn bị tên của nơi mình muốn đến, cả bằng tiếng Trung lẫn phiên âm và cố gắng đọc chúng sao cho đúng nhất. Bạn có thể lựa chọn mua vé tại quầy, hoặc mua với máy bán vé tự động.

Khi mua vé bằng máy bán tự động, bạn chuyển sang chế độ hiển thị bằng tiếng Anh, sau đó mua bằng cách chọn điểm đến/xác nhận/nhét tiền/nhận vé giống với cách mua vé tàu điện ngầm ở nhiều quốc gia khác.

Vé tàu cao tốc không in tiếng Anh, bạn nên học một vài từ như "cổng", "toa" để thuận tiện khi check in. Ảnh: Nguyễn D.

Cách thứ 2, bạn có thể mua vé với nhân viên tại quầy. Tại Bắc Kinh, Thượng Hải thì số nhân viên nói được tiếng Anh khá nhiều, nên việc mua vé không quá khó khăn. Nhưng tại các thành phố nhỏ hơn, việc này thực sự khó khăn. Có khi cả một ca trực chỉ có một nhân viên duy nhất có thể giúp bạn.

Thêm vào đó, do phần lớn người dân Trung Quốc chọn việc ra ga mua vé nên việc phải xếp hàng là dĩ nhiên, hơn nữa, hàng còn rất dài. Tại các ga lớn, tìm được quầy bán vé trực tiếp của nhân viên, có khi bạn sẽ phải đi bộ rất lâu, có thể khiến bạn lỡ chuyến. Chưa kể các rủi ro như không thể diễn tả mình muốn đi đâu, chuyến mấy giờ cho người bán vé, hoặc các rủi ro xảy ra khi máy bán vé tự động nuốt mất tiền mà không ra vé...

Nhà ga ở Trung Quốc đều lớn và tiện nghi không kém gì sân bay. Ảnh: Nguyên Chi

Mua vé qua mạng

Với du khách nước ngoài không nói được tiếng Trung thì đây là cách tốt nhất. Có nhiều cách để đặt vé qua mạng, thông thường, bạn có thể sử dụng website english.ctrip.com. Đây là webstie đặt vé online bằng tiếng Anh, ngoài vé tàu còn có vé máy bay, khách sạn... Hãy nhớ, không đặt vé bằng email Gmail, vì không thể truy cập ở Trung Quốc, trong trường hợp cần mở mail để lấy code vé bạn có thể thay thế bằng Yahoo.

Bạn chọn địa điểm mình muốn đến và thanh toán bằng thẻ Visa hoặc Master Card giống như đặt vé máy bay. Hành khách sẽ trả thêm một khoản phí nho nhỏ, tạm gọi là phí giữ chỗ. Khoản phí này sẽ được hoàn lại vào thẻ cho bạn khi bạn tới lấy vé tại ga.

Khi đặt vé qua mạng, bạn lưu ý có 2 mã số cần nhớ là số đặt vé và số giữ chỗ.

Sau khi xuất vé online thành công, bạn sẽ nhận được email gửi mã số đặt vé và mã số giữ chỗ. Lưu ý rằng, 2 số này khác nhau nên tốt nhất là bạn nên in nguyên email đó ra.

Vé sẽ được xuất trực tiếp khi bạn mang mã đặt chỗ tới nhà ga bất kỳ trên toàn Trung Quốc, tại bất kỳ thời điểm nào. Nếu lấy vé ở chính ga đi, bạn không mất phí, còn với các nhà ga khác, bạn trả một khoản phí nhỏ, khoảng vài tệ. Bằng tấm vé sau cùng này, bạn mới có thể lên tàu.

Ưu điểm lớn nhất của loại hình này là bạn sẽ không phải xếp hàng, không lo hết vé. Đặc biệt, kể cả khi lỡ chuyến, bạn cũng sẽ không bị mất vé, mà được chuyển sang loại vé khác (nếu còn) mà không mất phí chuyển đổi.

Bạn nên tới sớm để lấy vé, bởi ở các ga lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, quầy lấy vé ở rất xa cửa vào, nhiều khi sẽ khiến bạn muộn giờ lên tàu.

Nội thất tàu cao tốc rất rộng rãi, sạch sẽ. Ảnh: Nguyên Chi

Lưu ý

- Khi chọn vé đường sắt cao tốc, bạn nên chọn vé khoang hạng 1, chất lượng dịch vụ tương đương với khoang VIP mà giá thành thì rẻ hơn hẳn. Khoảng cách giữa các ghế lớn nên thoải mái để hành lý. Tàu rất sạch sẽ, chạy êm, không tiếng ồn. Trên tàu, nhân viên mặc đồng phục lịch sự, nhiệt tình, một số người có thể nói được tiếng Anh.

- Vé tàu cao tốc không in tiếng Anh. Ngay khi xuất vé, bạn có thể nhờ nhân viên đọc hộ chuyến của bạn lúc mấy giờ, ra cổng nào, số toa. Hoặc không, bạn có thể học những từ này trong tiếng Hoa, hoặc chụp lại chỉ dẫn vé trên mạng. Những từ này ký tự đơn giản, không quá khó nhớ.

- Thường cách thành phố lớn sẽ có một vài nhà ga chứ không chỉ một. Hãy định vị chính xác địa chỉ các nhà ga và tìm nơi gần khách sạn mình ở nhất, hoặc gần trung tâm nhất.

- Ở tất cả các nhà ga, tên các địa danh đều được phiên âm, ghi ngay phía dưới tên tiếng Hoa. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp bạn tự xác định được vị trí chứ rất khó hỏi những người xung quanh, bởi tiếng Trung có dấu, dù bạn có đọc "nhái" lại thì cách đọc các âm cũng khác so với cách đọc tiếng Anh. Nếu bạn chìa bảng tên đó ra cho những người xung quanh thì cũng không chắc họ có thể giúp bạn bởi không phải ai cũng đọc được chữ Latin.

Hà Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến