Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Đầu năm lên Sapa để 'sống chậm' giữa thiên nhiên

Khi khu thị trấn trở nên quá đông đúc và xô bồ, nhiều người chuyển sang những điểm nghỉ dưỡng yên bình hơn ở cách đó không xa.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sapa

Ngày trước, thị trấn Sapa nổi tiếng với vẻ “lặng lẽ”, yên bình trong sương mù. Nhưng trong vài năm trở lại đây, lượng du khách ngày một đông lên khiến khu vực thị trấn trở nên ồn ào, náo nhiệt hơn. Những vị khách vốn yêu cái không khí tĩnh của Sapa lại tìm đến các điểm mới xung quanh đó để tận hưởng không khí trong lành và cảm giác như thả hồn mình bồng bềnh trong làn mây mờ ảo.

Tả Van - thị trấn của người dân tộc thiểu số

Nằm trong thung lũng Mường Hoa, Tả Van cách Sapa khoảng 12 km nếu đi qua những bản làng. Nơi đây mang một dáng vẻ khác hẳn với thị trấn huyên náo. Nghĩa của Tả Van là “vòng cung lớn” bởi đến đây, du khách được ngắm nhìn khung cảnh trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn, những thửa ruộng bậc thang xòe ra như những cánh cung hay những bông hoa dại mọc trên phiến đá. Tại đây vẫn còn sót lại tập tục thờ đá của người Việt cổ với nhiều hình ảnh, hoa văn trên những mỏm đá.

Hai em bé dân tộc đi dạo trên cầu ở Tả Van vào sáng sớm. Ảnh: Tùng Neo.

Đến Tả Van, khách du lịch có thể ở homestay trong nhà người dân tộc Giáy và tham gia mọi sinh hoạt với chủ nhà để khám phá về văn hóa, ẩm thực. Khi đêm xuống kéo theo những cơn mưa bất chợt rì rào, nằm trên chiếc đệm ấm và đọc sách bên ngọn đèn dầu là trải nghiệm khó quên với bất kỳ người lữ khách nào.

Buổi sáng sớm, đi dọc theo con suối róc rách và qua những chiếc cầu treo, ta dễ dàng bắt gặp những em bé dân tộc có gương mặt ngây thơ và nói tiếng Anh giọng chuẩn Mỹ diện những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Cả Tả Van chỉ có khoảng 40 hộ dân và ngày ngày, họ sống một cuộc sống thanh bình, gần gũi với thiên nhiên, khác hẳn với chốn đô thị phồn hoa, ồn ào.

Nơi CEO Facebook và vợ từng dừng chân

Cách Tả Van 18 km có một khu nghỉ dưỡng mang tên Topas Ecolodge được mệnh danh là “bông hoa của thung lũng Mường Hoa”. Đây chính là nơi mà CEO Facebook – Mark Zuckerberg – và vợ là Priscila Chan từng tới nghỉ dưỡng vào năm 2011.

Sau khoảng nửa tiếng của cuộc hành trình đầy thú vị qua khắp các bản làng heo hút và ngập trong những làn mây mờ ảo, bóng dáng 25 ngôi nhà nhỏ trên một quả đồi sẽ khiến người du khách trở nên háo hức và hồi hộp chờ mong khoảnh khắc nhâm nhi một tách trà nóng bên ngoài ban công và thả hồn mình theo những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô trải khắp thung lũng Mường Hoa.

Khung cảnh Topas Ecolodge nhìn từ trên một quả đồi. Ảnh: Tùng Neo.

Được thiết kế như một khu du lịch nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường, 25 ngôi nhà hình dáng thô mộc, bài trí theo kiểu nội thất tối giản đem đến cảm giác dễ chịu. Những món đồ đạc không thừa, không thiếu. Tất cả đều đủ dùng cho những nhu cầu cơ bản nhất. Những ai tìm đến đây sẽ dành phần lớn thời gian của mình để ngắm cảnh, đi dạo, trò chuyện với người bản xứ và thưởng thức món ngon địa phương mà nổi bật nhất là lẩu cá hồi.

Một điểm gây ấn tượng mạnh với hầu hết khách du lịch khi đến đây chính là đội ngũ nhân viên hầu hết là người bản địa. Người dân tộc Mông và Dao sau khóa đào tạo kéo dài hơn ba năm về cả chuyên môn và ngôn ngữ sẽ được có việc làm ổn định ngay chính quê hương mình là một nét nhân văn khiến nhiều du khách cảm động. Đây cũng là nơi tổ chức cuộc thi chạy maraton trên núi cứ mỗi dịp cuối hè, đầu thu hàng năm.

Trước đây, lượng khách tìm đến chủ yếu là người nước ngoài nhưng từ khi Mark Zuckerberg và vợ đặt chân tới nghỉ dưỡng, lượng khách Việt tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy người Việt ngày càng có xu hướng tìm về những khu nghỉ gần gũi với thiên nhiên để tận hưởng sự trong lành và sống chậm lại.

Nguyên Minh – Tùng Neo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến