Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

13 món ăn rất ngon vừa quen, vừa lạ của đất cảng Hải Phòng

Bên cạnh những món quen thuộc như nem cua bể, bánh mì cay, bánh đa cua, bún tôm… thì giá bể, chả chìa, cua rang muối, gỏi rau muống tép sông…là những món ngon ít người biết của quê hương Hải Phòng. 
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Giá bể (giá biển)

Giá bể là món ăn mà không phải ai là người Hải Phòng cũng biết về nó. Giá bể là loài sống ở những bãi bồi ven biển, thường có quanh năm nên cũng có khi người ta gọi nó là giá biển. Giá bể có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn. Chân của nó giống như giá đỗ thò ra ngoài. Giá bể được chế biến phổ biến nhất là giá bể xào và nộm giá bể.


Giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn. Tuy nhiên, với nhiều người thiếu kiên nhẫn thì ăn giá bể rất mất thời gian vì phải tách vỏ từng con một để lấy thịt bên trong.

Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà cũng khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn, có thể cho thêm hành phi thơm lên trên. Giá tiền cho một bát cháo khoái là 10k/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng). Ngoài cháo khoái, bạn cũng có thể thưởng thức thêm món cháo sườn hoặc cháo trai.


Cháo khoái thường được bán vào buổi chiều. Bạn sẽ thấy thật tuyệt khi được thưởng thức một bát cháo khoái vào lúc bụng “ngon ngót” mỗi chiều, nhất là trong những ngày đông lạnh như thế này.

Gỏi rau muống tép sông

Được xem là món ăn chơi cũng giống như những món gỏi khác, nhưng gỏi rau muống tép sông đặc trưng ở chỗ rất dân dã, dễ làm và được ưa chuộng. Rau muống có quanh năm và ở mọi nơi nên việc tìm nguyên liệu cho món này cũng không khó. Cái quan trọng nhất trong món gỏi là sự kết hợp hài hòa các gia vị sao cho thật vừa miệng và hấp dẫn từ bề ngoài cho tới hương vị món ăn.


Tép sông con nhỏ, rửa sạch, để ráo, đem rang chín với một chút dầu ăn. Lạc khô rang chín, xát bỏ vỏ và đập dập, húng quế đem rửa sạch thái nhỏ, ít hoa chuối rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, giã dập, ớt thái sợi, bỏ hạt. Cho tỏi, ớt, nước cốt chanh cùng ít đường, mì chính khuấy đều cho tan. Rau muống, hoa chuối trộn với tỏi ớt chua ngọt, sau đó cho hung quế và tép vào, kế tiếp là lạc rang lên trên. Dùng đũa trộn đều các hỗn hợp. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị giòn giòn rất thú vị từ rau muống.

Cơm cháy hải sản

Nhắc đến cơm cháy, nhiều người thường nghĩ đến Ninh Bình. Nhưng người Hải Phòng không nhất thiết phải đến tận Ninh Bình để thưởng thức món cơm cháy đặc biệt đó. Ngay tại đất Cảng cũng có món cơm cháy, nhưng mang đặc trưng của Hải Phòng: cơm cháy hải sản.


Thực ra cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn, nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Cái lạ của cơm cháy là nếu ăn với loại nước sốt nào sẽ có hương vị của nước sốt ấy, nên nước sốt càng ngon thì ăn với cơm cháy càng ngon. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.

Thơm ngon, không ngán và đặc biệt, có thể ăn đến no. Đó là những điều ẩn chứa trong món ăn lạ miệng nhưng rất bình dân này.

Cua rang "muối"

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra một món ngon Hải Phòng vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải.


Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Ốc xào khế

Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản gồm khế chua, củ nghệ, nắm lá tía tô, vài cái lá lốt, mỡ hành hoa, ốc. Các thứ rau hành gia vị nhặt rửa sạch sẽ, khế thái ngang như những ngôi sao nhỏ rồi bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân.


Cho ít dầu ăn vào chảo, phi thơm đầu hành trắng, cho khế đã vắt khô vào đảo, nêm ít mắm muối và nước nghệ vào đảo đều. Khi khế ngấm mắm muối thì cho ốc đã làm sạch vào đảo thêm vài lượt cho ốc thật nóng và ngấm gia vị. Để món ăn thêm thú vị và béo thơm, người Hải Phòng còn cho thêm chuối xanh xào cùng các nguyên liệu. Bắc chảo ra, cho tía tô, lá lốt và hành thái nhỏ vào đảo đều. Cho ra đĩa, rắc lên ít gừng thái mỏng ăn thật nóng rất ngon. Gắp một đũa, ốc thì giòn và béo, khế chua dịu, gia vị đậm đà, quyện với mùi rau hành và tía tô ngon không thể tả.

Chả chìa

Chả chìa với 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…


Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.


Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng.

Bún tôm

Bún tôm cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Lẩu cua đồng

Món lẩu cua đồng tại Hải Phòng có hương vị đậm đà hơn so với các địa phương khác, do người dân Hải Phòng đặc biệt ưa thích những món ăn chế biến từ cua (gồm cả cua đồng và cua bể). Nguyên liệu chính của món này là cua đồng loại tươi, khi ăn nước lẩu ngọt đậm đà với riêu cua, ăn kèm rau, hành, thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn… Các quán lẩu cua đồng ngon cho bạn lựa chọn: Lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.

Nem cua bể

Nem cua bể được xem là món đặc trưng của thành phố Cảng. Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống ở miền Nam hay của người Hà Nội, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông, nên còn được gọi là nem vuông.


Nhân nem gồm có thịt cua tươi, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, trứng, giá… tẩm ướp gia vị vừa miệng. Một điều cũng rất quan trọng để nem có độ giòn, thơm, chính là loại bánh đa cuốn thường chỉ được đặt làm riêng. Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó khéo léo gói thành hình vuông trông đẹp mắt. Khi ăn, người ta kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Bánh mì cay

Bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, ruốc và tương ớt. Bánh được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Đây là món ăn lót dạ được yêu thích của học sinh - sinh viên. Bánh mì cay được bán phổ biến tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh, quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp ở Chợ Con…

Bánh đúc tàu

Món ăn với cái tên khá xa lạ, nhưng đối với các bạn trẻ Hải Phòng thì đây lại là món ăn quen thuộc. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.


Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Những món chè ấm lòng khi thu se lạnh ở Hà Nội

Bát chè sắn quánh dẻo thơm mùi gừng, chè cốm xanh thoang thoảng hương thơm của lúa non sẽ làm ấm lòng du khách khi thu về.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nếu có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức món chè từ gánh hàng rong hay quán ven đường để cảm nhận mùa thu đang lan tỏa.

Chè sắn

Bát chè sắn nóng hổi cùng vị cốt dừa ngọt, thơm mát mùi gừng rất thích hợp ăn vào những ngày mát dịu. Thường để nấu món này người ta phải ngâm sắn trong nước vo gạo hay nước muối loãng 7 - 8 tiếng để ra hết nhựa rồi mới đem luộc. Sau đó, sắn được thái thành những miếng nhỏ, thêm đường, gừng thái sợi rồi đun trên bếp lửa liu riu. Cho bột sắn dây đã được quấy bằng nước nguội vào khuấy nhanh tay để chè không bị vón cục.
Chè sắn đặc quánh với vị thơm của sắn và dừa hòa quyện. Ảnh: N.Sao

Bát chè sắn có màu nâu nhẹ và hơi quánh, thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận những miếng sắn dẻo quyện cùng sợi dừa giòn, thơm thơm mùi gừng. Bạn có thể thưởng thức chè sắn tại phố Lý Quốc Sư, với giá 15.000 đồng một bát, tuy nhiên quán chỉ bán vào buổi trưa. Buổi chiều bạn có thể ăn ở hàng chè ngay đầu phố Hoa Lư.

Chè cốm

Lang thang trên phố Hà Nội, thưởng thức món chè cốm ngay ở các quán bên đường, cảm nhận vị dẻo, bùi, phảng phất mùi thơm là một trải nghiệm thú vị.
Vào thu, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm rong trên nhiều con phố. Hương cốm thơm len lỏi khắp các ngóc ngách Hà Nội. Ảnh: Lê Thảo

Để chế biến chè này không khó, chỉ cần một chút cốm non, bột sắn dây, đường phèn. Tạt vào quán ven đường, khi gọi, chủ quán mới múc chè từ trong chiếc nồi được ủ ấm, rắc thêm chút dừa nạo sợi nhỏ, trắng tinh điểm trên bát chè xanh mướt, rất bắt mắt.

Chỉ cần hít hà thôi cũng đã cảm nhận cả một không khí mùa thu Hà Nội tràn vào trong huyết quản. Bạn có thể ăn ở chợ Thành Công, phố Đinh Liệt, Ngô Thì Nhậm..., giá 10.000 - 15.000 đồng một bát.

Chè khoai môn

Chè khoai môn ngọt dịu với trân châu, cốt dừa luôn hấp dẫn thực khách. Nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn, chỉ vài củ khoai môn, chút gạo nếp thơm, vài lát gừng cộng thêm sự tỉ mỉ của người nấu.
Bát chè khoai môn sóng sánh với trân châu dai dai. Ảnh: Diệu Kim

Các hạt trân châu dai sần sật, cộng với vị bùi của khoai môn, vị ngọt béo của nước cốt dừa sẽ hấp dẫn bạn. Để thưởng thức, bạn có thể ghé qua phố Lý Quốc Sư hoặc ngõ chợ Nam Đồng, giá khoảng 20.000 đồng một bát.

Bánh trôi Tàu, lục tàu xá

Đây là món ăn khá hấp dẫn giới trẻ mỗi khi thời tiết se lạnh. Bánh trôi Tàu thường là hai viên bột với nhân khác nhau dầm trong thứ nước sóng sánh thơm phức mùi gừng.

Lục tàu xá là chè đậu xanh được nghiền nát và thơm ngát mùi vỏ quýt, có màu vàng óng. Trên màu vàng ươm của đậu xanh điểm xuyết hạt trắng trong của bột năng, chút vàng nâu của vỏ quýt khô.
Bánh trôi tàu được rắc thêm chút lạc rang, ăn rất bùi và ngậy. Ảnh: N.Sao

Bạn có thể thưởng thức những món ăn này ở đường Nguyễn Hữu Huân, giá khoảng 15.000 đồng một bát.

Anh Phương

Bài đăng phổ biến