Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Núm đuôi xào nghệ và cá ngạnh um măng ở Huế

Hai món ăn có tên gọi lạ tai gắn liền với cuộc sống người Huế đã trở nên không thể thiếu trong bữa cơm đãi khách quý khi tới nhà.
Xem thêm: Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Bánh bèo, bánh lọc hay bánh canh cá lóc đã quá quen thuộc thì hai món ăn đậm vị cay sau đây sẽ giúp bạn có trải nghiệm gần gũi hơn với ẩm thực của người dân xứ Huế.

Cay nồng núm đuôi xào nghệ

Với cái tên khá lạ lẫm với du khách đến Huế, món ăn này gây sự tò mò. Núm đuôi ở đây là phần ruột già trong bộ lòng heo, được rửa thật sạch với muối hạt, thái miếng khoảng 1 cm. Có thể thêm gan heo thái mỏng, huyết heo. Phần gia vị của món ăn này khá cầu kỳ. Rau răm rửa sạch, băm nhỏ, hành tây bóc vỏ thái miếng, lá hẹ rửa sạch cắt khúc 5 cm, ớt trái cắt khoanh. Nghệ rửa sạch, gọt vỏ và giã nát.

Cách chế biến đòi hỏi người đứng bếp thật nhanh tay, sao cho các nguyên liệu đều chín vừa tới, đảo đều nhưng không bị nát. Trên chảo nóng, cho dầu ăn, phi hành băm, cho núm đuôi, gan heo vào xào săn rồi nêm ít muối, nước mắm, bột ngọt vào đảo đều, thêm phần huyết heo vào xào nhẹ tay. Trút phần nghệ đã giã nát vào chảo. Tiếp theo cho hết phần hành tây, rau răm cùng lá hẹ. Cuối cùng cho bún tươi vào để lửa nhỏ và trộn đều tay.

Núm đuôi xào nghệ có màu vàng đặc trưng từ nghệ. Ảnh: Má Lúm

Khi múc ra đĩa, món núm đuôi xào nghệ có màu vàng đều của nghệ, vị hơi the và mùi thơm xen lẫn của nghệ cũng như lá hẹ, rau răm, đặc biệt là vị cay nồng đặc trưng của món ăn xứ Huế.

Đậm đà cá ngạnh um măng

Cá ngạnh hình dáng như cá trê nhưng trắng và nhỏ hơn. Loài cá ngạnh của Huế thường thích sống ở các khe suối nước chảy nên dân địa phương gọi là cá ngạnh nguồn. Khi sơ chế, cá được làm sạch ruột cẩn thận không được để mất buồng trứng vàng ươm, chỉ cần cắt bỏ hai ngạnh nhọn bên mang, giữ lại vây và đuôi để thấy nguyên dạng con cá; sau đó ướp nước mắm, hành, tiêu... trong 15 phút trước khi nấu.

Măng chua để um chủ yếu là măng giang, hái về lột bớt vài lần vỏ ngoài, cắt khúc ngắn rồi cắt dọc thành lát mỏng. Ngâm măng vào thau nước lạnh có pha chút muối chừng nửa ngày là vớt ra, xả qua nước lạnh, rồi thả vào hũ nước vo gạo đậm đặc. Khi đó măng tươi sẽ thành măng chua, một nguyên liệu không thể thiếu của các món um, canh chua của người Huế.

Cá ngạnh um măng có màu sắc ngon mắt. Ảnh: Má Lúm

Cách um món này khá đơn giản, cho cá ngạnh vào, rim đến khi thịt cá săn lại, bỏ tiếp măng chua, chuối chát, trộn đều để thấm gia vị. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước đang sôi, cho thêm khế, cà chua, trái thơm vào, đun lửa liu riu.

Khi múc ra bát, rắc thêm hành ngò và hạt tiêu xay, sẽ thấy mùi thơm ngào ngạt tỏa ra. Cá ngạnh um măng ăn kèm bún tươi và rau sống, khi ăn cảm nhận thịt cá ngạnh mềm và béo, có vị chua cay khó quên.

Nếu muốn thưởng thức hai món ăn dân dã này, hãy tìm đến các quán ăn ở đường Trần Huy Liệu (gần Đại Nội) hoặc đường Trịnh Công Sơn. Núm đuôi xào nghệ giá 30.000 - 40.000 đồng một đĩa, cá ngạnh um măng giá 40.000 - 50.000 đồng một tô.

Má Lúm (VnExpress)

100 năm đen tối trên hòn đảo ở Hawaii

Ít ai biết rằng hòn đảo xinh đẹp Molokai thuộc quần đảo Hawaii trước đây đã từng là nhà tù giam giữ bệnh nhân bị phong trong suốt hơn 100 năm.
Xem thêm: Công viên có quá khứ đen tối ở Hawaii

Đảo Molokai là hòn đảo lớn thứ 5 trong quần đảo Hawaii, Hoa Kỳ, nổi tiếng như một thiên đường hoang sơ thu hút hàng trăm nghìn du khách. Thế nhưng ít ai biết rằng nơi đây đã từng là nơi chứa bệnh nhân phong trong suốt một thế kỷ và từ chối sự có mặt của người lạ từ vùng khác tới.

Bờ biển phía bắc của đảo là một khu vực hẻo lánh bao quanh bởi những vách đá cao, hiểm trở và gần như tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Năm 1800, bệnh Hansen (bệnh phong) bùng phát và không có thuốc chữa. Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới tạo ra những vùng thuộc địa để chuyển người bệnh tới sống. Năm 1866, Molokai được vua Kamehameha V lựa chọn để làm chỗ ở cho bệnh nhân phong nhằm giảm thiểu sự lây lan ra bên ngoài. Khi đó, khu vực được chọn là Kalaupapa trên đảo Molokai.

Hòn đảo Molokai xinh đẹp đã từng là nỗi ám ảnh của hơn 8.000 người trong suốt một thế kỷ. Ảnh: Richard A. Cooke/Corbis

Trong khoảng thời gian đầu tiên, Kalaupapa không có nhà, thức ăn hay bất kỳ vật dụng gì trên đảo. Người bệnh bị bỏ lại và buộc phải tự lo cho mình. Norman Leahy, hướng dẫn viên của Father Damien Tours cho biết. “Các bệnh nhân được đưa tới bằng thuyền. Họ bị tống lên một chiếc thuyền dài trước lối vào đảo và phải tự bơi vào bờ. Những người không làm theo sẽ bị ném xuống biển”.

Nơi người bệnh tới sinh sống là một thung lũng ẩm ướt và mưa quanh năm, khiến họ chết rất nhanh. Họ không có bất kỳ một sự bảo vệ nào và phổi thì rất yếu.

Năm 1873, 7 năm sau ngày thuộc địa ra đời, Cha Damien de Veuster (người sau này được phong Thánh vì việc làm vĩ đại của mình) đã tới định cư ở đây và bắt đầu xây dựng nhiều tòa nhà kiên cố cùng bệnh viện phục vụ người bệnh, nay đã trở thành một thị trấn. Tuy nhiên, 16 năm sau, Cha Damien mắc bệnh phong trong quá trình làm việc và qua đời.

Cha Damien dành cả cuộc đời chăm sóc cho bệnh nhân mắc phong tại Kalaupapa và cuối cùng qua đời vì chính căn bệnh này. Ảnh: William Brigham/Wikimedia

Năm 1940, thuốc chữa trị bệnh phong đã được nghiên cứu và phát hiện, tuy nhiên lệnh cô lập người bệnh vẫn tiếp tục cho đến năm 1969, kể cả với trẻ nhỏ. “Nhiều người trong số đó bị tổn thương nặng nề. Bất kỳ ai bị chuẩn đoán mắc bệnh sẽ không được phép trở về nhà để nói lời tạm biệt. Họ ngay lập tức bị đưa lên thuyền và chuyển đến các thuộc địa hay những khu vực cô lập mà Kalaupapa là một trong số đó. Trong suốt nhiều năm, họ không được gặp người bên ngoài, không bao giờ được nhìn thấy hay chạm vào những người thân yêu thêm một lần nào nữa" - Alicia, người từng chăm sóc bệnh nhân trên Kalaupapa chia sẻ.

Khu vực này hiện trở thành một phần của Công viên Lịch sử quốc gia. Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa khỏi vẫn lựa chọn sống tiếp tại đây. Nhiều năm sau đó, một nhà thầu đã xây dựng khu nghỉ mát 5 sao trên hòn đảo, biến Molokai thành điểm du lịch mới. Đồng thời, người dân địa phương cũng quyết tâm không bao giờ để tình trạng độc ác trong quá khứ diễn ra thêm một lần nào nữa.

Dù đã mang một diện mạo mới những người dân trên Molokai sẽ không bao giờ quên lịch sử đen tối từng diễn ra tại đây. Ảnh: Castleresorts

Hải Thu (VnExpress)

Macau và 10 ấn tượng với khách du lịch

Đi dạo qua các sòng bạc nổi tiếng, thăm viện bảo tàng lịch sử hay nhảy bungee ở tòa tháp cao thứ 8 châu Á là những trải nghiệm mà bạn nên thử khi ghé Macau.
Xem thêm: Địa chỉ cho bữa ăn khuya ở Hong Kong

1. Đi dạo một vòng quanh các sòng bạc

Venetian Macao, sòng bạc lớn nhất thế giới

Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng Las Vegas là thiên đường sòng bài của thế giới. Tuy nhiên, danh hiệu đó có lẽ nên được nhường lại cho Macau. Theo thống kê của tạp chí The New Yorker, doanh thu hàng năm của Macau hiện cao gấp 5 lần Las Vegas. Các casino ở đây cũng được xây dựng hoành tráng và xa xỉ không kém Vegas, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn cả về số lượng. Có tổng số 33 sòng bạc ở Macau, trong đó lớn nhất phải kể đến là Venetian Macao, nó cũng là casino lớn nhất trên thế giới. Các sòng bạc của Macau đều được lồng ghép trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, với các dịch vụ đẳng cấp sẽ khiến bạn choáng ngợp bởi vẻ lộng lẫy, xa hoa của nó.

2. Săn các món ăn đường phố

Bánh trứng Bồ Đào Nha, món ăn đường phố nổi tiếng Macau

Có rất nhiều món ăn ngon mà bạn có thể tìm kiếm ở Macau. Bạn khó có thể cưỡng lại được sức hút của các cửa hàng ăn dọc hai bên đường. Từ bánh trứng Bồ Đào Nha với hạnh nhân, đến bánh mì kẹp thịt, luôn có ít nhất một thứ làm hài lòng vị giác của bạn. Món bánh trứng Bồ Đào Nha là món ăn nổi tiếng nhất tại đây, kế đến là bánh nhân thịt lợn và khoai tây nghiền.

3. Tới thăm khu phố cổ Taipa

Khu phố cổ Taipai có lối kiến trúc đan xen giữa Trung Quốc và Bồ Đào Nha

Khác với vẻ ngoài hào nhoáng của các sòng bạc, khu phố cổ Taipa hấp dẫn du khách bởi cái vẻ mộc mạc, cổ kính với lối kiến trúc pha lẫn giữa Trung QuốcBồ Đào Nha. Bên cạnh việc đi dạo dọc theo những con phố nhỏ và tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của địa phương, bạn cũng sẽ tìm thấy rất nhiều món ăn ngon tại đây.

4. Ngắm quảng trường Senado

Quảng trường được lát gạch tạo hình sóng thu hút đông khách du lịch

Quảng trường Senado là trung tâm của Macau từ nhiều thế kỷ nay và hiện vẫn là địa điểm được nhiều người biết đến với các sự kiện và các lễ kỷ niệm đều được tổ chức ở đây. Xung quanh quảng trường là các kiến trúc thuộc địa, tạo ra một không gian hài hòa thống nhất của vùng Địa Trung Hải. Quảng trường được lát gạch tạo hình những cơn sóng rất thu hút du khách. Nơi đây còn là trung tâm mua sắm nổi tiếng với nhiều cửa hàng dọc theo hai bên phố.

Nếu đang ở khu phố cổ và muốn đi thẳng đến quảng trường Senado, bạn có thể bắt taxi. Mất 15 phút để đi qua cầu từ đảo Taipa đến bán đảo Macau, nơi có quảng trường Senado.

5. Ngắm hoàng hôn ở tượng Kun Iam

Bức tượng toát lên vẻ đẹp kỳ ảo vào lúc hoàng hôn

Khi du lịch đến Macau, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội ghé thăm tượng Phật Bà Quan Âm. Bức tượng đồng được thiết kế theo phong cách châu Âu có chiều cao 20m, xây với hình ảnh một bông hoa sen độc đáo. Thời điểm tốt nhất để đi thăm tượng Phật Bà Quan Âm là vào buổi chiều, bởi khung cảnh hoàng hôn huyền ảo hòa quyện với vẻ đẹp toát ra từ bức tượng sẽ khiến bạn không thể rời mắt. Bức tượng nằm trong Trung tâm Cơ đốc giáo Kun Iam, mở cửa các ngày từ 10h sáng đến 6h chiều, trừ thứ 6.

6. Nhảy Bungee ở tháp Macau

Tòa tháp cao thứ 8 của châu Á thích hợp cho bạn thử cảm giác mạnh

Tháp Macau là địa điểm quan trọng của thành phố Macau và là một trong những điểm nhảy bungee nổi tiếng nhất thế giới. Đây là tòa tháp cao thứ 8 châu Á và cao thứ 10 thế giới (338 m), là thành viên của Liên đoàn các tòa tháp cao nhất thế giới. Tháp Macau thực sự là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hơn một triệu lượt người đến tham quan mỗi năm. Nhảy bungee ở tháp Macau là nơi nhảy có kỹ thuật nhất của loại hình này trên thế giới. Cáp dây dọc ở hai bên cho phép người chơi nhảy xuống gần sát với tòa tháp mà không có bất kỳ sự va chạm nào. Khoảng cách gần đến nỗi người chơi chỉ cách tòa tháp bê tông vài mét trong quá trình nhảy bungee. Ngoài ra, người chơi còn được buộc dây với bộ trang bị bọc thân và chân để đảm bảo an toàn

Giờ mở cửa:

Thứ hai - thứ năm: 11h-19h30

Thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật: 10h–21h.

Chi phí nhảy bungee (gồm giấy chứng nhận, thẻ thành viên và áo thun) là 2.688 HKD (khoảng 347 USD) cho lần nhảy đầu tiên và 888 HKD (khoảng 115 USD) cho lần nhảy tiếp theo.

7. Ghé khu phức hợp Venetian Macau

Venetian Macau được xây dựng theo phong cách kiến trúc của thành phố cổ Venice - Italia

Venetian Macau được xây dựng theo phong cách kiến trúc của thành phố cổ Venice - Italiy, bao gồm hệ thống khách sạn lớn có hơn 3 nghìn phòng. Ở tầng trệt của khách sạn là sòng bạc lớn nhất, sang trọng và đẹp nhất của Macau hiện nay với đủ các loại trò chơi và có cả nhà hàng, quầy bar, sân khấu lớn biểu diễn ca nhạc đặc sắc. Chạy dọc trong hệ thống khách sạn là những con kênh nhân tạo có màu nước trong xanh. Trên những con kênh là những chiếc xuồng và những cây cầu cong cong dưới bầu trời xanh ngắt. Cảnh sông nước và mây trời đã tạo cho du khách một cảm giác thích thú khi được ngắm nhìn và chụp những tấm hình ở nơi đây, ai cũng cảm thấy như mình thật sự đang ở thành phố Venice dù chỉ là cảnh nhân tạo.

8. Thăm viện bảo tàng Macau

Viện bảo tàng trưng bày nhiều đồ vật liên quan đến lịch sử của Macau

Viện bảo tàng Macau được xây dựng vào thế kỷ 17 ở trên núi Pháo Đài (Mount Fortress), gần tàn tích Thánh Paul. Cơ sở này được dùng để bảo vệ đảo Macau trong gần 300 năm. Đây là nơi trưng bày và lưu giữ nhiều sự kiện, đồ vật nói về lịch sử và văn hoá của người dân sống trên đảo Macau. Năm 2005, viện bảo tàng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

9. Tham quan nhờ thờ thánh Paul

Nhà thờ có kiến trúc độc đáo

Đến Macau, bất kỳ du khách nào cũng không thể bỏ qua nhà thờ St. Paul, nằm ở phía tây núi Đại, pháo đài của bán đảo Macau. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ XVII và sự độc đáo của nhà thờ này chính là sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc. Mặt tiền được các giáo dân Nhật Bản và nghệ nhân địa phương hoàn tất dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư người Italy Carlo Spinola. Nhà thờ được xây dựng bằng đá hoa cương theo phong cách kiến trúc Pale của Hy Lạp cổ đại. Phía trước gồm 5 tầng, trên các bức tường ở mỗi tầng đều có đắp tượng, hai bên phải và trái đều có các cột trụ.

10. Dạo ở trung tâm thành phố

Trung tâm thành phố luôn nhộn nhịp ánh đèn

Bạn hãy đến trung tâm thành phố, đi dạo qua các đường phố trung tâm Macau, hay ghé vào các quán bar gần đấy để thưởng thức âm nhạc, rượu, bia cùng các cô tiếp viên xinh đẹp. Nơi nhiều người ưa thích là khu vực dọc con đường Tôn Dật Tiên, bên cạnh tượng Quan Âm và Trung tâm văn hóa. Khu vực này nằm đối diện dòng sông Ngọc và Ngoại Cảng, bạn có thể thả mình theo những cung bậc của âm nhạc và ngắm nhìn những con tàu lướt qua. Âm nhạc nơi đây là bản hoà tấu mang màu sắc đa quốc gia với những nhịp điệu đến từ Brazil, Bồ Đào Nha, châu Phi và cả sắc màu châu Á.

Trần Quỳnh tổng hợp

Bài đăng phổ biến