Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Khám phá những vùng hoa tam giác mạch đẹp nhất Việt Nam

Nhiều người biết đến Tam giác mạch là một loài hoa đẹp nhưng ít ai biết vì sao người ta trồng nó.

Xem thêm: Cao nguyên mùa hoa tam giác mạch

Hoa tam giác mạch là loài hoa sống trên vùng cao nguyên đá

Sự tích hoa Tam Giác Mạch

Những người yêu thích du lịch đều biết đến Tam giác mạch là một loài hoa đẹp, dễ khiến cho tâm hồn những người lãng mạn phải xốn xang nhưng ít ai biết được Tam Giác Mạch là loại cây gì và vì sao người ta trồng nó.

Sự tích kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, sau khi công việc hoàn thành, mày trấu, mày ngô còn thừa chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi.

Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, mọi người nô nức lấy hạt về ăn. Khi hạt ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng. Mọi người bèn họp nhau lại rồi chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Thế nhưng dù con người đã lục tìm nhiều hang cùng, góc núi mà vẫn không tìm thấy gì có thể làm no cái bụng.

Một hôm, nhiều người thấy bất ngờ vì thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai ngửi thấy. Tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng khi trước mắt là một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi cây kết hạt, mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Từ đó, cái bụng người dân không còn đói, khói bếp lại bay lên mỗi chiều.

Vì cây là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “Tam Giác Mạch”.

Tam Giác Mạch đổi màu theo thời gian: trắng - hồng phớt - tím hồng

Người dân bản địa thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt như rượu đặc sản Bản Phố (Bắc Hà), Nậm Pung (Bát Xát), Mản Thẩn (Si Ma Cai)... có nơi dùng để chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, do năng suất thấp hơn ngô và lúa nên diện tích không được mở rộng nhiều.

3 vùng hoa Tam Giác Mạch đẹp nhất Việt Nam

Hà Giang: Vùng đất nổi tiếng nhất với những mùa Tam Giác Mạch bạt ngàn làm xuyến xao, thổn thức mọi ánh nhìn phải kể đến đó là Hà Giang.

Nhiều địa điểm ở Hà Giang như Hoàng Su Phì, Xín Mần, Lũng Táo, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú…hoa Tam Giác Mạch trải đều khắp đường đi. Chỗ thì là những ô ruộng nhỏ, nơi là vạt đồng, nơi chênh vênh trong các khe đá, lại có nơi sắc hoa nhuộm màu cả thung lũng.

Trong đó, Sủng Là được xem là điểm ngắm bông hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang với những thảm hoa tuyệt đẹp, những cánh hoa phơn phớt tím hồng.

Tháng 10 hoa tam giác mạch ở Hà Giang vào mùa, bung nở rực rỡ

UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định xây dựng chiến lược phát triển cây tam giác mạch trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh. Theo đó, cây tam giác mạch sẽ được trồng quy mô hơn, tập trung nhiều tại các điểm nhấn du lịch như: xung quanh cột cờ Lũng Cú, trung tâm thị trấn Đồng Văn, khu di tích nhà Vương, thị trấn Phó Bảng, Sủng Là, Phố Cáo, khu vực đèo Mã Pì Lèng…

Đặc biệt, Lễ hội hoa Tam giác mạch lần đầu tiên được tổ chức từ 12 đến 15/11/2015 chính thức khẳng định một thương hiệu du lịch mới của Hà Giang mang tên "Tam giác mạch".

Cao Bằng: Bên cạnh Hà Giang, Cao Bằng cũng là vùng đất nổi tiếng với Tam Giác Mạch. Nơi đây có điểm khác với Hà Giang, đó là mùa chính của Tam Giác Mạch vào giữa tháng 3 và tháng 4, khi đó hoa nở rất nhiều, còn tháng 10, 11 thì lại có rất ít. Và riêng các ruộng Tam Giác Mạch ở Cao Bằng phần lớn hoa màu trắng.


Hoa tam giác mạch còn được gọi với cái tên khác là hoa xèo, chúng có tuổi đời rất ngắn nên du khách cần chọn thời điểm hợp lý để đi ngắm

Trà Lĩnh - Trùng Khánh là hai điểm đến trồng nhiều Tam Giác Mạch nhất. Bạn chỉ cần đi bộ ven các con đường cũng có thể dễ dàng bắt gặp.

Lào Cai: Tại Lào Cai, nơi có nhiều hoa Tam Giác Mạch là ở 2 huyện Bắc Hà và Simacai. Trong đó, tại huyện Bắc Hà, nơi có nhiều là tại các thôn Pừ Chồ 2, 3 và Dín Tủng xã Lầu Thí Ngài. Còn tại Simacai, nơi trồng nhiều Tam Giác Mạch nhất là ở xã Lử Thẩn.

Thái Nguyên: Nếu không thể đi ngắm thiên đường tam giác mạch ở Hà Giang, bạn có thể ngắm loài hoa này ở Thái Nguyên với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều.

Hoa tam giác mạch ở Lũng Luông, Thái Nguyên

Hiện tại Thái Nguyên có một khu vườn tam giác mạch trắng hứa hẹn là địa điểm du lịch gần Hà Nội "nóng" nhất tháng này. Vườn tam giác mạch Thái Nguyên cách thành phố khoảng 60km tại ở bản Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Đồi hoa tam giác mạch trắng Thái Nguyên là một vườn hoa nhỏ, rộng khoảng 1500 m2 nằm trong thung lũng, mới được trồng và bắt đầu mở cửa cho khách du lịch vào thăm. Tuy nhiên, để vào được vườn hoa, du khách cần liên lạc được với người quản lý. Chi phí cho khách vào chụp ảnh tại vườn hoa là 20.000 đồng/người. Thuê đồ chụp ảnh (quần, áo) là 30.000 đồng/giờ.

Loại hoa tam giác mạch trắng này giống với hoa tam giác mạch ở Trấn Yên (Lạng Sơn), màu sắc khác biệt so với hoa ở Hà Giang đa số màu phớt hồng.
(Báo giao thông)

Kinh nghiệm du lịch đền Hùng - Phú Thọ

Đền Hùng – khu di tích trên nằm toạ lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao thuộc tỉnh Phú Thọ. Đền được xây dựng từ thế kỷ thứ XV, tương truyền nơi đây người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ lên làm vua lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Khu di tích này hang năm thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trong cả nước tới thăm.

Địa điểm thăm quan

Điểm viếng thăm đầu tiên khi tới nơi đây chính là khu di tích đền Hùng toạ lạc trên núi nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Khu di tích đền Hùng là một quần thể kiến trúc: Đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng và lăng vua Hùng. Đến với nơi đây bạn không chỉ được tham quan quần thể kiến trúc, thiết kế nghệ thuật điêu khắc độc đáo mà còn cảm nhận được vẻ đẹp của công trình hoành tráng ẩn mình dưới những gốc cây cổ thụ to lớn hoặc đến thăm bảo tang Hùng Vương, nơi trưng bày nhiều hiện vật dựng nước…
Trái với vẻ thâm nghiêm của đền Hùng, đền mẫu Âu Cơ mang nét thanh bình của một ngôi đền ẩn dưới một gốc đa cổ thụ, bên tả có giếng Loan, bên hữu giếng Phượng, phía trước có núi Giác, sau lung có song Hồng uốn khúc.
Bên cạnh những khu di tích nổi tiếng này, mảnh đất Phú Thọ cũng được thiên nhiên ưu đãi với hàng loạt những thắng cảnh nổi tiếng: Ao giời, Suối Tiên nằm trên núi Nà thuộc xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa. Đến với nơi đây bạn cũng nên dành một chút thời gian đi tới thăm những địa điểm này.

Phương tiện đi lại

Nếu bạn chọn những phương tiện công cộng, bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội – Phú Thọ tại bến xe Mỹ Đình. Hoặc bạn có thể mua vé tại ga Hà Nội, giá vé cũng tuỳ thuộc vào thời điểm và chất lượng xe đi. Tuy nhiên bạn cũng cần tham khảo thời gian xuất bến, điểm đến để có thể lên lịch trình cho mình trước. Ngoài ra bạn cũng có thể đi thuyền qua sông Hồng.
Nếu không muốn đi các chuyến xe khách, bạn có thể thuê xe du lịch  4 - 7 - 16 - 29 chỗ

Bạn nên đến vào thời gian nào?

Các lễ hội lớn nhỏ của Phú Thọ diễn ra rải rác suốt năm nên nếu muốn tham gia lễ hội nào, bạn chỉ cần lên lịch trình xuất phát vào ngày gần đó hay ngay ngày diễn ra lễ hội. Một lễ hội lớn mà bạn không nên bỏ qua ở Phú Thọ là lễ giỗ các vua hùng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.

Bạn sẽ nghỉ ở đâu?

Khu vực trung tâm Phú Thọ gồm các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Trần Phú ... Các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển nhé:
Khách sạn, nhà nghỉ ở Phú Thọ có giá khá cao và luôn trong tình trạng cháy vé, bạn cần gọi điện đặt phòng trước khi đến. Một số khách sạn bạn có thể tham khảo giá như Bapaco, Khánh Linh, Sông Hương.

Phú Thọ có những đặc sản gì?

Đặc sản Phú Thọ gồm hồng Gia Thanh, hồng Hạc, bưởi Đoan Hùng, cọ Cẩm Khê, trám (đen, trắng, chè (trà), sắn (lá sắn non), cá Anh Vũ, cá Lăng, cá Cháy, bánh Hòn, bánh tai, xôi cọ và thịt chua.
Mang gì khi đến Phú Thọ?
- Bất kỳ trang phục, giày dép bạn thích. Lưu ý khi tham quan, viếng các đền, chùa cần ăn bận kín đáo.
- Mang theo vật dụng đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang theo kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các bệnh thông thường.
- Mang theo lều, áo khoác nếu có ý định cắm trại.
Sưu tầm

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Một ngày bình thường ở Nam Du

Một ngày thôi, với quần đảo còn nguyên nếp sống của một vạn chài với những con người chất phác hòa trộn nét hồn hậu của người dân Tây Nam bộ, để thấy Nam Du xa xôi gần gũi đến nhường nào. Xem thêm: Nhum nướng mỡ hành - đặc sản của biển Nam Du
 
Quần đảo Nam Du nằm ngoài khơi vịnh Thái Lan, thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, nổi lên những năm gần đây như một điểm đến mới còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng dài ôm ấp hàng dừa xanh trong tiếng rì rào của biển xanh màu lục bảo.

Nhưng bên cạnh bức tranh của biển là một góc khác, mộc mạc mà gần gũi hơn: cuộc sống và con người Nam Du.
 
Những phên cá xương xanh trên bờ kè cảng - Ảnh: Minh Đức

Bình minh vừa hé rạng cũng là lúc bến cảng lại rộn ràng, tấp nập với những con thuyền đầy ắp cá và hải sản. Tiếng còi tàu hú vang, những chủ nhà nghỉ, quán ăn lại chộn rộn, nhìn tới nhìn lui điện thoại chờ cuộc gọi của những vị khách phương xa.

Mùi đảo xa

Một buổi sáng có lẽ như bao ngày với người dân Nam Du. Bên cạnh khách du lịch tay xách nách mang là những khoang hàng từ đất liền gửi ra đảo.

Nhưng dường như sự hiện diện của du khách cũng không làm xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây.

Rời bến cảng, tôi theo anh chủ nhà trọ về phòng cất đồ, vừa đi vừa mải mê quan sát quang cảnh xung quanh mà không để ý xem anh nói gì. Cất xong đống đồ lỉnh kỉnh, tôi nhanh chóng trở lại bến cảng để “đi lại” một vòng quanh xóm nhỏ.

Trên hòn đảo này, người ta chẳng trồng được gì hay sản xuất được gì đáng kể, ngoài hải sản đánh bắt. Nhưng chỉ lác đác vài nhà chuyển qua kinh doanh phòng trọ hay hàng ăn, còn lại vẫn bám biển, bám với nghề cá lâu đời.

Dọc cầu cảng là những xe hàng bán đủ loại đồ ăn vặt, tuy không nhiều như trong đất liền nhưng cũng được cho là khá phong phú với dân đảo.

Một hàng trái cây với nhiều loại hoa quả đặc trưng miền Tây. Gần đó là một hàng bánh mà tôi không biết tên. Những thanh âm, lời mời của người bán hàng rong vẫn còn bên tai nhưng mùi thơm của trái cây, của bánh mới ra lò đều bị át đi bởi thứ mùi đặc trưng ở đây: mùi cá xương xanh khô.

Sạp cá khô bên bờ biển - Ảnh: Minh Đức

Những quầy hàng với cơ man là cá khô, mực khô - Ảnh: Minh Đức

Những xe hàng bán trái cây trên cầu cảng đảo Củ Tron - Ảnh: Minh Đức

Ở đảo nhỏ này, đi đâu cũng thấy cá xương xanh. Cá xương xanh có phần xương màu xanh ngọc và phần thịt trắng. Khi phơi người ta cho thêm ít ớt để cá có vị cay nhẹ.

Những tấm phên phơi đầy cá xương xanh bên bờ kè, chiếm một phần con đường khu xóm cảng. Không kể đàn ông hay phụ nữ, những bóng người thoăn thoắt xếp cá, phơi cá và thỉnh thoảng lại ra đảo cá cho nắng khô đều.

Bữa trưa của chúng tôi cũng không thể thiếu món cá này, chỉ khác là thay vì sử dụng cá khô, tôi được thưởng thức những con cá xương xanh còn tươi sống, thơm mùi biển.

Nhà hàng nhìn ra biển, mọi người đặt bàn luôn trên vỉa hè và lặng nhìn dòng người qua lại. Cả cái xóm đảo chỉ có con đường cạnh biển là tấp nập nhất. Hàng quán xen lẫn nhau, phục vụ cả khách du lịch và dân đảo.

Thích nhất là những hàng đồ khô bày la liệt những thứ quà của biển: cá xương xanh, mực khô, cá cơm, tôm chua... Nếu sẵn tay máy, bạn có thể gom vào ống kính bức tranh đa sắc của cơ man đồ khô, tạo nên những khung hình ấn tượng.

Những ngư dân mò cầu gai với mẻ thu hoạch - Ảnh: Minh Đức

Phơi cá sau chuyến biển - Ảnh: Minh Đức

Bình yên giữa trùng khơi

Chúng tôi rời cảng đi thăm những đảo nhỏ xung quanh. Không tấp nập ghe thuyền đánh cá, quần đảo Nam Du trầm mặc hơn nhiều ngư trường khác. Thỉnh thoảng lại thấy vài con tàu nhỏ đang đánh bắt cầu gai gần các bãi đá.

Đầu mùa, những con cầu gai mà người dân gọi là nhum biển có hương vị thơm ngon hơn hẳn.

Cập bờ vào hòn Mấu, một trong những đảo nhỏ đẹp nhất quần đảo Nam Du, ai cũng bị hút mắt vào bãi biển xanh trong, khung cảnh đẹp đến xao lòng.

Tôi men theo con đường nhỏ tới làng chài nằm sát biển. Có lẽ do 21 năm rồi không có bão lớn nên người dân mới “yên tâm” sống sát bờ biển như vậy. Khung cảnh làng chài đẹp như một bức tranh, vẻ đẹp của cuộc sống lao động.

Một bên là bãi biển với những cây bàng, cây dừa rợp bóng, nơi lũ trẻ đang tranh thủ chạy chơi trước khi bị mẹ bắt về nhà. Bên còn lại là những ngôi nhà muôn hình vạn trạng, nằm trầm mặc trong tiếng sóng và tiếng gió.

Bên hiên nhà, những người phụ nữ đan lưới cho vụ mới - Ảnh: Minh Đức

Chiếc ghe nhỏ chở đồ đạc từ đảo lớn về hòn Mấu - Ảnh: Minh Đức

Bữa tối với các món nướng trên đảo Củ Tron - Ảnh: Minh Đức

Khung cảnh hiện lên quá đỗi bình yên: những người phụ nữ đan lưới bên hiên nhà, những người đàn ông xẻ gỗ, đóng đồ đạc cạnh biển. Trên bến nhỏ là những con thuyền chở hàng hóa qua lại các đảo.

Đảo Củ Tron đã khó, hòn Mấu còn cách trở hơn nhiều lần. Học sinh ở đây muốn tới trường phải đi ghe sang đảo Củ Tron. Không gian biển đẹp mà cứ gợi buồn, gợi thương.

Chúng tôi rời hòn Mấu lúc màn đêm buông dần trên quần đảo Nam Du. Đảo Củ Tron chìm trong bóng tối, chừa lại ánh lửa rực hồng của những hàng đồ nướng. Vài con nhum nướng mỡ hành, dăm ba con ngao, sò là đã có bữa tối ngon lành.

Đêm trên đảo Nam Du tĩnh mịch, cả nền trời dệt bằng những ánh sao lấp lánh. Nhìn trời, chúng tôi biết ngày mai lại là thêm một ngày nắng.

Lại một ngày mới

Bình minh lại lên và ngày mới bắt đầu trên quần đảo Nam Du. Trước khi ra cảng lên tàu về đất liền, chúng tôi ghé qua cổng Trường tiểu học An Sơn và tấp vào một hàng quà sáng của bọn trẻ.

Sự có mặt của khách du lịch cũng không làm bọn trẻ hiếu kỳ hơn. Vẫn những quầy bán đồ chơi như hồi tôi còn nhỏ, vài hàng ăn sáng và đám trẻ xúm quanh. Lao xao, chộn rộn...

Tiếng trống trường vừa điểm, học trò rối rít gọi nhau về lớp, trả lại khoảng không gian yên ắng cho cổng trường.

Lũ trẻ ăn sáng trước khi vào giờ học - Ảnh: Minh Đức

Chúng tôi tranh thủ nói chuyện vài ba câu với một bác cao tuổi đang ngồi ăn sáng rồi đi bộ ra cảng. Chuyến tàu mới vừa cập bến, chúng tôi lên tàu, đảo Củ Tron lùi dần trong ánh nắng của ngày mới.
 
(Theo TuoiTre)

Bài đăng phổ biến