Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Mâm gà nướng lu xôi cháy ở Bình Định

Những miếng gà mềm được ướp vị đậm đà, khi cho vào miệng sẽ cảm nhận được chút mằn mặn xen lẫn ngọt dịu, thường ăn cùng xôi cháy và kim chi.

Xem thêm: Món ăn nhất định phải thử ở Đà Nẵng

Cách chế biến của người dân miền Trung lúc nào cũng đậm đà, dễ ăn. Gà nướng lu xôi cháy là món ăn điển hình khi con gà được ướp đều tay, cắn vào sẽ cảm nhận ngay lớp da vừa thơm vừa ngon.
Mâm gà nướng lu xôi cháy ở Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Thảo Nghi

Để chế biến món này, người dân sẽ chọn những con gà ngon, sau đó làm sạch, đem đi ướp gia vị toàn thân và cho vào lu nướng ở nhiệt độ cao trong khoảng một tiếng. Lửa tỏa đều trong lu làm cho gà chín đều, giòn tan và mùi thơm hấp dẫn.

Người đầu bếp cũng túc trực thường xuyên bên lu để bảo đảm gà không bị cháy xém. Gà được đánh giá là ngon khi lớp da giòn bóng, còn thịt bên trong mềm vừa phải.

Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra.

Cuối cùng khi đã hoàn tất từng công đoạn, gà sẽ được chặt ra thành từng phần nhỏ, xếp gọn gàng lên một chiếc mâm bọc giấy bạc, kèm xôi được tạo hình đẹp mắt. Người đầu bếp cũng không quên cho thêm chút rau răm, dưa leo để ăn cùng... Đặc biệt, món mâm gà nướng lu này còn được dùng với kim chi.

Khi ăn, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt dịu và mằn mặn của gà, một chút xôi để trung hòa và kim chi mang đến vị chua... Bạn có thể thưởng thức món này ở quán trên đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Quy Nhơn. Giá một phần gà khoảng 150.000 đồng trở lên.

Thảo Nghi (VnExpress)

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Gỏi bông súng, món ngon đất Phú Yên

Cọng súng sau khi tước vỏ làm sạch được bẻ thành khúc vừa ăn, trộn đều cùng thịt heo nạc, tôm đất và gia vị để cho ra đĩa gỏi hấp dẫn.
Xem thêm: Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên

Nếu từng đi qua thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào mùa súng, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh bạt ngàn hoa đua nhau bung nở. Người dân ở đây tới mùa còn đi cắt bông súng, lấy phần cọng đem về và chế biến thành nhiều món đặc sắc miền quê.

Bông súng muối dưa được dùng để kho với cá, thịt. Người dân cũng thường nấu canh chua hoặc rửa sạch đem nhúng vào nồi lẩu sôi. Tuy nhiên, món phổ biến nhất phải nhắc đến là gỏi bông súng (nộm). Những ai phải xa quê thường xuyên hẳn khó lòng quên được hương vị của món ăn này.
Gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, cho thêm ớt vào để tăng thêm vị cay, thích hợp để ăn vào những buổi chiều mát cùng bạn bè. Ảnh: Mỹ Tuyết

Bông súng chọn những cọng tươi, thân mọng nước, mới hái ở bàu về đem rửa sạch cho hết bùn đất, tước bỏ vỏ ngoài, bẻ thành khúc vừa ăn. Tùy khẩu vị mà có thể chọn thịt heo, bò hoặc tôm đất để trộn cùng. Nhiều gia đình thường chọn cả ba thứ thịt ấy để làm món gỏi thập cẩm.

Thịt, tôm trụng (chần) cho chín tái rồi xắt miếng mỏng, riêng tôm có thể để nguyên con đều được. Cho cả bông súng đã sơ chế và tôm, thịt vào nồi, vắt chanh tươi, nêm gia vị tiêu, mắm, ớt, đường vừa đủ và bóp đều. Để thêm chừng 15 phút cho nguyên liệu ngấm kỹ là đã có thể bày ra đĩa, rải đậu phộng rang và rau thơm lên trên. Không nên bóp quá kỹ hay để quá lâu để đảm bảo độ giòn của cọng súng.

Món gỏi vừa giòn, vừa chua the the lại thơm mát rất hợp khi ăn kèm với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng. Ăn món gỏi bông súng, người ta sẽ cảm nhận được dư vị mát lành của đồng quê dân dã. Không chỉ là món ngon cho bữa ăn gia đình, gỏi bông súng còn là món lai rai mỗi khi có khách ghé chơi nhà.
Lê Thương (VnExpress)

Mắt cá ngừ đại dương - món độc quyền của tỉnh Phú Yên

Số lượng mắt cá ngừ đại dương ở tỉnh Phú Yên hầu như không ra khỏi địa bàn tỉnh vì chỉ đủ cung cấp cho các quán ăn địa phương. Những nơi khác nếu có thì cách chế biến cũng khó lòng so bì được.
Xem thêm: Sắp có tour ngắm Đà Nẵng từ trực thăng

Phú Yên là một vùng đất được biển cả hết mực ưu ái khi vừa có những khung cảnh tuyệt đẹp, lại thêm phần ẩm thực đặc sắc. Bên cạnh những món như cá ngừ đại dương cuốn cải xanh chấm tương mù tạt, lẩu sứa, thì mắt cá ngừ đại dương là món mà chỉ cần nhắc đến thôi thực khách đã nghĩ ngay đến Phú Yên.

Tuy là món đặc trưng nhưng mắt cá ngừ đại dương cũng nhiều lần khiến thực khách e ngại với lý do "nhìn to quá trông sợ sợ". Thế nhưng, một khi đã thử qua món này, bạn chắc chắn sẽ vương vấn hương vị ngay khi rời khỏi Phú Yên.

Cá ngừ đại dương thường nặng từ 40-50 ký, nên cầu mắt cũng khá to. Đầu bếp thường lấy mắt của cá cho vào một hũ đất nung nhỏ, thêm vào rau củ, gia vị và một số loại thuốc bắc như táo tàu, kỷ tử... Sau đó họ sẽ đặt hũ đất này lên bếp lửa nấu chín. Tùy vào mắt cá ngừ to hay nhỏ mà một hũ có thể đựng một hoặc hai mắt cá ngừ để phục vụ thực khách.
Khi ăn món này, thực khách sẽ gấp rau thơm thái nhỏ cho vào, trộn lên và dùng. Ảnh: Thảo Nghi

Điều đặc biệt là mặc dù món ăn được hầm với một số loại thuốc bắc nhưng khi ăn bạn hầu như không cảm được vị thuốc át mùi cá. Khi mắt cá ngừ đại dương đã chín, người dân ở đây sẽ đem nguyên hũ có nắp đậy đặt trên một chiếc đĩa nhỏ ra cho khách. Bên hông đĩa, họ cũng không quên xếp một viên cồn và châm lửa lên để giữ nóng cho món ăn.

Giữa thời tiết lúc nào cũng mát rượi nhờ gió biển thì việc húp một chút nước dùng, cắn một miếng táo tàu và thưởng thức mắt cá... sẽ khiến bạn cảm nhận rõ văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Bạn nhớ gắp thêm một đũa rau thơm, trong đó có rau tía tô thái nhỏ cho vào ăn kèm thì mới thấy hết được độ ngon của món ăn. Mắt cá ngừ khi ăn hơi bùi bùi, béo béo, nhiều người miền Trung còn cho thêm đậu phộng, bánh tráng vào ăn cùng.

Mỗi nơi ở Phú Yên có cách nấu và trình bày khác nhau, nhưng xét về độ ngon thì hương vị hầu như không thay đổi. Bạn có thể thưởng thức món này ở các quán ven đường hoặc trong các nhà hàng, khách sạn Phú Yên. Giá món ăn dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng một hũ.

Thảo Nghi (VnExpress)

Bài đăng phổ biến